Lời tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Muốn đem lại hòa bình cho thế giới , trước
hết mỗi người chúng ta phải tự chuyển hoá chính mình. Đó là con đường
cam go nhưng không còn con đường nào khác. Đi tới đâu tôi cũng nhắc nhở
điều đó và tôi sung sướng khi thấy nhiều người từ nhiều tầng lớp cũng
đồng quan điểm này. An Lạc phải bắt đầu từ nơi mỗi chúng ta mà , từ ,
bi, hỉ , xả là nền tảng . Có từ, bi, hỉ , xả , thì đi đâu ta cũng gieo
rắc tình thương và sự hoà hợp, đi dâu ta cũng đem an lạc, hạnh phúc đến
cho mọi người và mọi lòai.
Cuốn sách An Lạc Từng Bước Chân của thầy Nhất Hạnh là kim chỉ nam cho
mỗi chúng ta trên con đường cam go ấy. Thầy dạy phép quán niệm hơi thở
để giúp ta giữ sự an lạc của thân tâm và thấy được sự liên hệ mật thiết
giữa sự an lạc của thân tâm ta và của thế giới . Đây là một cuốn sách
giá trị, có thể thay đổi được hoàn cảnh xã hội và đời sống một con
người.
Lời giới thiệu
Của nhà Xuất bản PARALLAX , Hoa Kỳ
Sáng nay khi đi thiền hành qua khu rừng sồi
xanh tươi, tôi thấy mặt trời đỏ chói hiện ra ở chân trời. Quang cảnh rực
rở làm tôi nhớ lại chuyến đi Ấn Độ với thầy Nhất Hạnh hai năm về trước.
Trên con đường đi đến một cái đồng gần Bồ Đề Đạo Tràng, cả phái đoàn
dừng lại nghỉ chân trước một cánh đồng lúa và cùng nhau hát bài ca này:
Từng bước
chân thảnh thơi
Mặt trời như trái tim đỏ tươi
Từng đóa hoa mỉm cười
Ruộng đồng xanh mát như biển khơi
Cùng gió ca lời chim
Từng bước chân thảnh thơi
Đường dài em bước như dạo chơi
Bài ca gói ghém được những gì thầy muốn nhắn
nhủ chúng ta: an lạc không phải là một cái gì ở ngoài chúng ta mà chúng
ta phải tìm kiếm hay mong đạt tới. An lạc có ngay trong mỗi bước chân
thong thả, trong từng hơi thở, trong đời sống có chánh niệm hàng ngày .
Bước được những bước thảnh thơi, an lạc, ta sẻ thấy hoa nở dưới từng
bước chân đi. Hoa mỉm cười với ta và chúc ta đi thong dong trên đường
dài.
Tôi gặp Thầy Nhất Hạnh năm 1982 khi thầy đến
New York dự hội nghị Tôn Trọng và Bảo Vệ Sự Sống .Tôi là một trong những
người Mỹ theo đạo Bụt mà thầy được gặp trước tiên. Khi gặp tôi, Thầy đặc
biệt chú ý đến tôi , có lẽ vì cách tôi ăn mặc và hành xử giống như mấy
chú tiểu ở Việt Nam mà Thầy có dịp dạy dỗ cách đây hai mươi năm. Năm
1983, Thầy tôi là Richard Baker Roshi mời Thầy đến viếng thiền viện của
chúng tôi ở San Francisco, Thầy vui vẻ nhận lời. Một giai đoạn mới bắt
đầu trong đời sống của vị tu sỉ hiền hòa mà Roshi gọi là " điểm gặp gở
kỳ lạ giữa một đám mây, một con ốc sên và một cái đầu máy xe lửa . Thầy
đúng là một bậc chân tu".
Thầy Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại miền Trung
Việt Nam và đi tu lúc Thầy mười sáu tuổi. Tám năm sau. Thầy cùng một số
thầy khác thành lập chùa Ấn Quang mà sau này là Phật Học Viện Nam việt.
Thầy đến Hoa Kỳ năm 1961 để học và dạy về Các
Tôn Giáo tại đại học Columbia và Princeton. Năm 1963, các thầy ở Việt
Nam đánh điện gọi Thầy về để cùng xây dựng giáo hội và tranh đấu chống
chiến tranh leo thang sau khi chính phủ Diệm bị lật đổ. Thầy trở về nước
và hướng dẫn một phong trào bất bạo động theo đường lối của Gandhi.
Năm 1964. Thầy cùng một số giáo sư và sinh viên đại học thành lập Trường
Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội mà báo chí Mỹ gọi là " một tiểu đội quân Hòa
Bình" . Trường tổ chức một nhóm người trẻ đi về miền quê để xây dựng
bệnh xá, trường học và làm lại những ngôi làng bị bom tàn phá. Lúc bây
giờ đã có trên 10.000 người gồm tu sĩ và giới trẻ làm việc cho chương
trình này. Cũng trong năm ấy. Thầy thành lập nhà xuất bản Lá Bối, một
trong những nhà xuất bản có tiếng tăm ở Việt Nam , và làm chủ bút tuần
báo Hải Triều Âm, cơ quan thông tin của Giáo Hội Phật Giáo . Thầy viết
bài và viết sách kêu gọi hai bên lâm chiến hòa giải, vì vậy mà sách của
Thầy bị cả hai phe kiểm duyệt gắt gao.
Năm 1966, theo lời khuyên của các thầy lớn,
Thầy rời Việt Nam đi Hoa Kỳ theo lời mời của hội Fellowship of
Reconciliation và trường đại học Cornell. Tờ New York số ngày 25 tháng
6- 1966 viết: "Thầy Nhất hạnh đến Hoa Kỳ để nói lên tiếng nói đau thương
của số đông những người dân bị đàn áp ở Việt Nam". Chương trình của Thầy
dầy đặc những cuộc gặp gỡ và những buổi nói chuyện kêu gọi hòa bình,
chấm dứt chiến tranh.. Tiến sĩ Martin Luther King, Jr rất cảm kích tấm
lòng nhân đạo tha thiết của Thầy. Ông đã đề nghị trao giải Nobel Hòa
Bình năm 1967 cho Thầy Nhất Hạnh. Ông nói: "Tôi thấy không còn ai xứng
đáng hơn ". Ông đã dự cuộc hộp báo chống chiến tranh với Thầy Nhất Hạnh
tại Chicago.
Khi Thomas Merton, nhà thần học Công Giáo nổi
tiếng, gặp Thầy Nhất Hạnh tại tu viện của ông ở Gethsemani, Kentucky,
ông bảo với các học trò của ông Chỉ nhìn cách Thầy ấy mở cửa và đi vào
phòng cũng đủ biết Thầy là một bậc chân tu. Merton sau đó còn viết thêm
một bài báo lấy tựa đề "Thầy Nhất hạnh là người anh em của tôi " . Cho
nên mọi lời kêu gọi hòa bình của Thầy Nhất Hạnh điều được ông hưởng ứng
và ủng hộ hết mình. Sau khi gặp một số các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ như
Fullbright. Kennedy và bộ trưởng Quốc Phòng Mc Namara. Thầy bay qua Âu
Châu . Nơi đây Thầy cũng được một số yếu nhân trong chính phủ và Toà
Thánh La Mã tiếp kiến . Thầy đã hai lần yết kiến Hồng Y Giáo Chủ Paul
V1, đề nghị những người Thiên Chúa giáo và Phật giáo hợp tác với nhau để
đem lại hòa bình cho Việt Nam .
Năm 1969, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống
Nhất yêu cầu Thầy hướng dẫn phái đoàn hòa bình của Phật Giáo bên cạnh
hội nghị Paris.Sau khi bản hòa ước được ký năm 1973, Thầy không được
phép trở về nước. Thầy bắt đầu cuộc đời lưu vong , thành lập Phương Vân
Am cách Paris một ngàn dậm về hướng Tây Nam. Năm 1976-1977. Thầy tổ chức
vượt biển cứu trợ những thuyền nhân ở Vịnh Thái Lan, nhưng chính quyền
Thái Lan gây nhiều khó khăn không cho Thầy tiếp tục công viện này. Thầy
lui về trú ẩn ở Phương Vân Am, tiếp tục viết sách, đọc sách, đóng sách,
làm vườn và lâu lâu tiếp bạn bè.
Năm 1982, Thầy sang thăm New York. Qua năm
sau. Thầy thành lập Làng Hồng, một trung tâm tu học gần Bordeaux, một
vùng êm đềm với vườn nho, ruộng bắp và những cánh đồng hoa hướng dương
bao quanh. Bắt đầu từ năm 1983, năm nào Thầy cũng sang Hoa Kỳ để hướng
dẫn những khóa tu học và đi giảng thuyết về sự thực tập chánh niệm để có
an lạc ngay trong giờ phút hiện tại.
Mặc dầu Thầy không được về nước, nhưng sách của Thầy được chuyền tay
chép và đọc bởi nhiều tầng lớp ở Việt Nam . Thầy cũng có mặt khắp nơi
trên thế giới , qua những người học trò và cộng sự viên của Thầy ngày
đêm làm việc để giúp đở những trẻ em và người lớn đói khổ ở Việt Nam ,
Thầy cũng tìm mọi cách để khuyến khích giúp đở giới văn nhân, nghệ sĩ
cũng như những nhà tu bị chính quyền cộng sản giam giữ. Cả những người
tỵ nạn tại các trại tập trung ở Thái Lan , Mã Lai và Hồng Kông cũng được
giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần .
Bây giờ trông Thầy đã lớn tuổi nhưng trông thầy vẫn còn trẻ lắm. Hiện
nay Thầy là một trong những vị thiền sư lớn của thời đại. Giữa một xã
hội vật chất hối hả và đầy danh vọng, sự tự tại và tươi mát của Thầy
trong cách đi đứng và dạy người khác đi đứng khiến Thầy được tiếp đón
như một vị Giác Ngộ. Bằng những phép giản dị và sáng sủa, Thầy đưa ra
những phép thực tập sâu sắc thực chứng từ sự hành trì và phụng sự không
mệt mỏi của Thầy.
Thầy dạy phép quan niệm hơi thở vì phương
pháp này có khả năng giúp ta nuôi dưỡng chánh niệm trong mỗi sinh hoạt
của đời sống hàng ngày. Thầy nói thiền quán không phải chỉ được thực tập
trong thiền đường. Việc rửa nồi hay rửa chén bát cũng thiêng liêng như
khi mình thấp hương lạy Bụt. Thầy cũng dạy cách mỉm cười để làm thư dãn
những bắp thịt trên mặt cũng như của toàn thân. "Cười là tập yoga cho
cái miệng", Thầy nói: "Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy là khi ta
thực tập tỏ một niềm vui thì những bắp thịt trên mặt liền tác động trên
hệ thần kinh của ta khiến ta tự nhiên thấy vui thật sự. Thầy luôn nhắc
nhở rằng an lạc và hạnh phúc là một cái gì có thật. Chỉ cần biết ngưng
cái đầu óc chạy hoang và trở về với giây phút hiện tại, thấy rõ bầu trời
xanh, nụ cười của em bé và cảnh mặt trời lặn là chúng ta đã có an lạc và
hạnh phúc, biết mỉm cười, thì mọi cười trong gia đình, trong xã hội cũng
được thừa hưỡng".
Cuốn An Lạc Từng Bước Chân là một tiếng
chuông tỉnh thức, nhắc nhở ta đừng vì đời sống bận rộn mà đánh mất sự an
lạc; nếu ta có chánh niệm thì ngay giữa những phiền toái và bực bội, ta
vẫn có thể thong dong. Tiếng điện thoại reo ầm ĩ, chén bát dơ, những nạn
kẹt xe hay đèn đỏ , tất cả đều là những người bạn giúp ta trên con đường
thực tập chánh niệm, giúp ta quay trở về với con người thật của ta. Muốn
có an lạc, hạnh phúc, ta sẽ có ngay khi ta thở từng hơi thở ý thức, khi
ta nở nụ cười chánh niệm .
Cuốn An Lạc Từng Bước Chân được góp nhặt từ
những bài viết, những buổi nói chuyện của Thầy với công chúng hay với
một nhóm bạn nhỏ trong đó có Therese Fitzgerald, Michael Katz, Jane
Hirshfield, tôi và nhiều bạn khác đã và đang làm việc chặt chẽ với Thầy.
Cuốn sách này là bức thông điệp đầy đủ và rõ
ràng nhất của một vị Bồ Tát đã suốt đời hiến mình cho sự nghiệp giác
ngộ. Lời Thầy dạy vừa thực tiễn vừa súc tích. Mong rằng các độc giả sẽ
hài lòng cũng như chúng tôi rất sung sướng khi xuất bản nó.
Arnold
Kotler
Xóm Thượng tháng 6, 1990
|