Phương Pháp thực Tập Hạnh Phúc
Thích Nhất Hạnh
Chân Nguyện dịch từ bản Anh ngữ
Nhà Xuất Bản Lá Bối, Hoa Kỳ, 1995
HƠI THỞ Ý THỨC HƠI THỞ MẦU NHIỆM
Hai Mươi Bốn Giờ Tinh Khôi
Buổi sáng khi thức dậy, ta biết rằng ta có hai mươi bốn giờ trước mặt để sống. Đó là một món quà quý giá. Ta sống như thế nào để có an lạc và hạnh phúc trong suốt hai mươi bốn giờ, mà người khác cũng nhờ đó mà có an lạc và hạnh phúc.
An lạc có mặt trong ta ngay tại đây trong giờ phút này, trong mỗi vật và mỗi việc ta làm hay ta thấy. Vấn đề là ta có biết tiếp xúc với nó không. Bầu trời xanh ở ngay trước mắt ta, ta đâu cần phải đi đâu xa để thưởng thức trời xanh. Ta cũng không cần rời thành phố ta ở mới thấy được vẻ đẹp của đôi mắt trẻ thơ. Không khí trong lành ta thở đã có thể cho ta biết bao hạnh phúc rồi.
Ta hãy đi, đứng, thở, mỉm cười và ăn cơm như thế nào để luôn luôn được tiếp xúc với những mầu nhiệm quanh ta. Ta sắp đặt và chuẩn bị đời sống rất giỏi nhưng ta chưa giỏi trong cách sống. Ta có thể hy sinh mười năm trời để dành cho được mảnh bằng kỹ sư hay bác sĩ, ta sẵn sàng làm việc rất cực nhọc để có công ăn việc làm, để mua nhà, mua xe v.v... Nhưng ta quên rằng ta đang sống trong hiện tại và ta chỉ có thể thật sự sống trong giây phút hiện tại mà thôi. Chỉ cần tỉnh thức thì mỗi hơi thở và mỗi bước chân là một nguồn an lạc, chúng cho ta biết bao niềm vui và biết bao sự thanh thản.
Cuốn sách nhỏ này có thể được xem như tiếng chuông nhắc nhở ta rằng hạnh phúc đang có mặt. Ta biết rằng chuẩn bị cho tương lai cũng là một phần của sự sống nhưng sự chuẩn bị cũng nằm trong hiện tại.
Cuốn sách nhỏ này mời ta quay về với hiện tại để tìm lại an lạc và hạnh phúc Tôi xin chia xẻ một vài kinh nghiệm và một vài cách thức có thể giúp bạn tìm lại niềm vui. Nhưng không phải đọc hết cuốn sách bạn mới có niềm vui. Niềm vui có trong từng giây phút. An lạc trong từng bước chân. Chúng ta hãy nắm tay nhau và cùng bước từng bước chân thảnh thơi trên con đường dài.
Cây Bồ Công Anh mỉm cười cho tôi
Khi một em bé hay một người lớn mỉm cười, điều đó rất quan trọng. Trong đời sống hàng ngày, nếu ta biết mỉm cười, nếu ta có an lạc hạnh phúc, thì không phải chỉ có ta được sung sướng mà mọi người quanh ta cũng sung sướng.
Bắt đầu một ngày bằng nụ cười, điều đó không khôn ngoan hơn sao? Ta mỉm cười chứng tỏ ta có chánh niệm, có quyết tâm sống cho an lạc, hạnh phúc. Một nụ cười có chánh niệm là một nụ cười thật sự, không giả tạo, không méo xệch.
Làm sao để nhớ mỉm cười khi thức dậy? Bạn có thể treo trên đầu giường một cành cây, một chiếc lá hay một câu thơ để nhắc nhở bạn mỉm cười khi thức dậy. Thực tập lâu ngày bạn sẽ tự nhiên mỉm cười khi nghe chim hót, khi thấy nắng ấm và bạn sống một ngày thật nhẹ nhàng, đầy hiểu biết.
Khi thấy một người mỉm cười, tôi biết là người đó đang sống thật tỉnh thức. Biết bao nghệ sĩ đã dày công để phát họa một nụ cười lên những bức tranh và những bức tượng tuyệt trác? Tôi tin chắc là những người nghệ sĩ đó vừa làm việc vừa mỉm cười. Bởi khó mà có thể hình dung được một họa sĩ nhăn nhó có thể vẻ được một nụ cười. Nụ cười Mona Lisa chẳng hạn, thật nhẹ, thật thoáng. Một nụ cười như vậy cũng đủ làm thư dãn những bắp thịt trên mặt, làm tiêu tan những mệt mõi và lo âu. Nụ cười mầu nhiệm như vậy đó, nó nuôi dưỡng chánh niệm và sự bình thản, đem lại an lạc mà ta tưởng đã đánh mất.
Khi ta mỉm cười, ta đem lại hạnh phúc cho ta và cho cả những người chung quanh ta. Ta tốn biết bao nhiêu tiền để mua quà cho những người thân, trong khi ta chẳng cần tốn đồng nào mà vẫn có thể tặng một món quà vô giá là nụ cười chánh niệm của ta?
Cuối một khóa tu ở California, có một thiền sinh làm bài thơ như sau:
Tôi đã mất nụ cười
Nhưng may mắn quá
Hoa bồ công anh đang mỉm cười cho tôi
Khi bạn không còn cười nổi mà ý thức được rằng hoa bồ công anh đang mỉm cười cho bạn thì tình trạng chưa đến nổi nào. Bạn vẩn còn đủ chánh niệm để thấy nụ cười đang có mặt. Bạn chỉ cần thở một vài hơi thở có ý thức là nụ cười sẽ trở lại trên môi. Hoa bồ công anh là một thành phần của tăng thân, một người bạn trung thành biết giữ gìn nụ cười cho bạn.
Thật ra, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy hơi thở, mọi vật chung quanh ta đều đang mỉm cười với ta. Ta có đơn lẽ một mình đâu. Mọi vật trong ta và ngoài ta đều đang nâng đỡ ta. Chỉ cần mở tấm lòng ra là ta đón nhận được nụ cười ưu ái của hoa bồ công anh. Và làm gì mà ta không nở một nụ cười để đáp lại.
Hơi Thở Ý Thức
Bạn có thể áp dụng một số phương pháp dạy tập thở để thấy đời đáng sống và vui. Bài tập đầu tiên rất đơn giản. Khi thở vào, bạn tự nhủ:" Tôi biết là tôi đang thở vào. Khi thở ra, bạn tự nhủ:" tôi biết tôi đang thở ra, chỉ có thế.
Thở vào hay thở ra, bạn đều ý thức rõ ràng. Đôi khi bạn không cần phải nói trọn câu. Chỉ cần nói "vào"- "ra". Phương pháp này giúp bạn định tâm vào hơi thở. Càng thực tập, bạn càng thấy hơi thở bạn trở nên êm dịu, và thân tâm bạn trở nên thanh thản nhẹ nhàng. Sự thực tập này không có gì khó khăn. Chỉ sau một vài hơi thở, bạn đã hưởng được hoa trái của thiền tập.
Thở vào, thở ra là một điều quan trọng và là một niềm vui lớn. Hơi thở như cây cầu nối liền thân và tâm. Đôi khi tâm ta nghĩ một việc mà thân thì làm một việc khác. Thân tâm bị chia rẻ, tách rời, không làm một. Để tâm vào hơi thở, khi thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, ta đưa thân tâm về một mối, gọi là thân tâm nhất như.
Đối với tôi, tập thở là một niềm vui không thể thiếu. Ngày nào tôi cũng tập thở. Trong cái thiền đường nhỏ của tôi, tôi có treo một câu: "Thở đi, sống cho trọn vẹn". Chỉ cần biết thở và biết mỉm cười là bạn đủ thấy hạnh phúc. Nhờ hơi thở ý thức, bạn khôi phục lại con người trọn vẹn của bạn và tiếp xúc được với đời sống thực tại nhiệm mầu.
Hiện tại: Giây Phút Nhiệm Mầu.
Sống giữa cái xã hội hối hả, bận rộn hiện nay, lâu lâu chúng ta nên biết dừng lại để thở. Không phải chỉ vào thiền đường chúng mới nên tập thở. Chúng ta nên tập thở ngay trong không khí đang làm việc, đang lái xe, đang ngồi trên xe buýt. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng nên tập thở.
Có nhiều bài thi kệ có thể giúp ta thực tập theo dõi hơi thở rất hiệu quả. Bài thực tập "vào, ra...." rất đơn giản. Mỗi chữ là một hơi thở vào hay một hơi thở ra: "vào, ra, sâu, chậm, khỏe, nhẹ, lặng, cười, hiện tại tuyệt vời" Câu cuối "hiện tại tuyệt vời" có thể đọc trong hai hơi thở vào và ra. Ta cũng có thể thực tập với bài thi kệ sau đây:
Thở vào, tâm tĩnh lặng
Thở ra, miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời
"Thở vào, tâm tỉnh lặng": đọc xong câu này như uống được ngụm nước chanh mát lạnh thấm dần cả cơ thể. Vừa thở vào vừa đọc thầm câu này, tôi cảm thấy cả thân tâm êm dịu lại.
"Thở ra, miệng mỉm cười": ta biết rằng khi ta mỉm cười, ta làm thư dãn những bắp thịt trên mặt. Ta mỉm cười là ta làm chủ được thân tâm ta.
"An trú trong hiện tại": tôi ngồi đây, tôi biết tôi đang ở đây, tôi không nghĩ đến điều gì khác.
"Giờ phút đẹp tuyệt vời": ngồi yên tỉnh, vững vàng. Trở về với hơi thở, với nụ cười, trở về với con người chân thật, còn niềm vui nào lớn hơn? Ta có hẹn với sự sống trong giây phút hiện tại.
Hiện tại ta không có an lạc, hạnh phúc, đợi đến khi nào ta mới có? Cái gì ngăn cản không cho ta có hạnh phúc ngay bây giờ? Khi theo dõi hơi thở ta chỉ cần nói, vừa mỉm cười:
Tỉnh lặng
Mỉm cười
Hiện tại
Tuyệt vời
Bài thực tập này dành cho mọi người, người mới bắt đầu thiền tập cũng như người thiền lâu năm. Vì nó rất quan trọng cho công phu tập và cũng đơn giản.
Bớt Suy Nghĩ Lại.
Thường thì chúng ta để đầu óc làm việc nhiều quá, hết suy nghĩ cái này đến cái kia. Trong khi thực tập theo dõi hơi thở, ta dần dần bỏ bớt những suy nghĩ. Thâm tâm trở lại thư thái an nhàn. Ta không còn chạy rong ruổi theo quá khứ hay tương lai. Ta bắt đầu biết tiếp xúc với thực tại mầu nhiệm quanh ta.
Thật ra, sự suy nghĩ cũng rất quan trọng. Có điều phần lớn những suy nghĩ của ta đều vô ích. Nó như cái băng cassette chạy suốt ngày đêm, khó mà dừng lại được. Cái máy cassette còn có cái nút bấm ngừng, còn đầu óc ta chẳng có cái nút bấm ngừng nào cả. Càng suy nghĩ ta càng mất ngủ. Đi bác sĩ thì họ cho thuốc ngủ hoặc thuốc an thần, điều đó càng làm cho tình trạng ta tệ hơn, bởi vì ta không thật sự được nghỉ ngơi trong những giấc ngũ thường là mệt nhoài đó. Uống nhiều thuốc ngủ hay thuốc an thần, ta trở nên nghiện thuốc, tâm ta trở nên bất an và ta thường có ác mộng.
Phép quán niệm hơi thở giúp ta dừng được sự suy nghĩ, bởi vì khi ta thở vào, thở ra và nói " vào" "ra", ta định tâm vào hơi thở. Sau vài phút thở như vậy, ta tìm thấy lại chính ta, ta trở nên tươi mát hơn và ta tiếp xúc được với bao cái đẹp quanh ta. Quá khứ đã qua và tương lai thì chưa tới. Nếu ta không sống với giây phút hiện tại thì không bao giờ ta thật sự sống cả.
Khi tiếp xúc được với những gì tươi mát, lành mạnh trong ta và ngoài ta, ta mới biết được giá trị của chúng để mà trân quý, bảo vệ và chăm sóc chúng. Lúc ấy, ta mới thấy rằng những yếu tố đem đến an lạc và hạnh phúc luôn sẵn có trong mỗi chúng ta.
Nuôi Dưỡng Chánh Niệm Trong Từng Phút Giây
Một buổi chiều mùa đông, sau khi đi thiền hành trên đồi về, tôi thấy mọi cửa lớn nhỏ trong cốc đều mở tung. Trước khi đi, tôi đã quên đóng cửa lại và gió lạnh thổi tung mọi cánh cửa. Giấy tờ trên bàn bay tứ tán. Tôi liền đóng cửa lại, thắp đèn lên, thu lượm giấy tờ và để lại ngăn nắp trên bàn. Sau đó, tôi đi đốt lò sưởi. Chẳng bao lâu, tiếng lửa củi kêu lách tách, căn phòng ấm trở lại.
Đôi khi giữa đám đông, ta cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn và mệt mỏi. Ta muốn lui về một nơi, tìm một hơi ấm. Tôi đã làm như vậy khi đóng các cửa sổ lại và ngồi bên lò sưởi, nghe gió lộng ngoài song mà cảm thấy mình được che chở. Giác quan của chúng ta cũng vậy, như các cánh cửa mở ra thế giới, đôi khi gió lạnh lùa vào thổi tứ tung mọi thứ trong lòng ta. Thế mà nhiều người trong chúng ta vẫn thường để cửa mở như vậy suốt ngày, để lòng họ bị xáo trộn bởi bao nhiêu phiền nảo từ bên ngoài. Vì vậy mà ta cứ cảm thấy lạnh lẽo, trơ trụi, và đầy sợ hãi.
Có bao giờ bạn thấy mình ngồi xem truyền hình mà không dám tắt máy dù chương trình chẳng có gì hấp dẩn? Tiếng huyên náo, tiếng súng nổ chát chúa làm điếc cả tai mà ta vẫn không có cam đảm đứng dậy để tắt máy. Tại sao ta lại hành hạ ta như vậy? Tại sao ta không dám đóng cửa lại? Có phải ta sợ cô đơn, sợ đối diện với nỗi trống trải khi ta ở một mình?
Ta thấy gì, ta cảm gì thì ta là cái đó. Xem một chương trình truyền hình quá dở, ta đồng hóa ta với cái dở ấy. Khi ta giận, ta là cái giận. Khi ta thương yêu, ta là cái ta thương yêu. Khi ta nhìn đỉnh núi tuyết, ta là đỉnh núi. Ta muốn gì thì ta được cái nấy. Tại sao ta lại để cái máy truyền hình nó làm chủ tình cảm của ta với mấy phim truyện rẻ tiền chỉ làm cho thân tâm ta bị rối loạn? Giới trẻ bị đầu độc nặng nề bởi những loại phim ảnh tồi tệ đó. Ai là người chịu trách nhiệm? Tất cả chúng ta. Chúng ta quá dễ dãi, quá sẵn sàng để xem bất cứ cái gì hiện lên màn ảnh. Có phải tại gì chúng ta quá cô đơn, quá lười biếng, để tổ chức đời sống của chính mình? Ta cứ mở truyền hình ra và để nó lôi kéo chúng ta đi, để nó nhồi nặn và tàn phá chúng ta. Chúng ta hoàn toàn giao phó vận mạng của mình cho những người vô trách nhiệm. Chúng ta phải biết chọn những trương trình nào bổ ích cho tinh thần và tình cảm của chúnh ta chứ.
Dĩ nhiên không phải chỉ có truyền hình mà còn biết bao thứ làm cho ta bị cám dỗ khác làm cho ta bị phân tâm. Ta phải cẩn thận bảo vệ cho sự an lạc của ta. Tôi không khuyên các bạn phải đóng hết các cửa sổ giác quan lại, vì thế giới bên ngoài cho ta biết bao mầu nhiệm.
Chúng ta chỉ mở cửa để đón nhận những gì tươi mát, lành mạnh. Ta phải tập nhìn mọi thứ bằng con mắt quán chiếu. Như vậy, khi ngồi bên dòng suối trong, khi nghe một bản đàn tuyệt diệu, hay khi xem một cuốn phim thú vị, ta vẫn không đánh mất mình, để mình chìm đắm trong dòng suối, trong tiếng nhạc hay trong chuyện phim. Với mặt trời ý thức chiếu rọi trong ta, ta tránh được mọi nguy hiểm.
Ta thấy rõ, nghe rõ những gì đang xảy ra. Tiếng suối nghe trong hơn, bản nhạc nghe êm dịu hơn và qua cuốn phim, ta thấy rõ tâm tư tình cảm của nhà đạo diển.
Khi ta mới bắt đầu tập thiền, ta thường thích rời bỏ thành phố, về miền quê để tránh những ồn ào, bực dọc làm cho thân tâm ta bị phân tán. Ta tìm đến những cánh rừng yên tĩnh, xanh mát, nơi đó đầu óc ta sáng suốt, tỉnh táo, ta dễ có chánh niệm và thấy rõ chính mình. Một khi thân tâm đã được ổn định và trở nên vững chãi hơn, ta có thể trở lại thành phố và ở lại đó mà không còn thấy bị xao động nhiều như trước.
Đôi khi ta không đủ điều kiện để rời thành phố, ta phải tìm ngay trong đời sống bận rộn hàng ngày những yếu tố tươi mát an tĩnh giúp ta chữa trị chính mình. Ta có thể tìm tới một người bạn thân biết an ủi và nâng đở tinh thần ta, hoặc đi thả bộ trong một công viên râm mát, nhìn ngắm những tàn cây xanh đang run nhè nhẹ trong gió.
Dù ta đang ở đâu, giữa một thành phố náo niệt hay tại một vùng quê êm ả hay trên đỉnh thâm sơn, lúc nào chúng ta cũng cần phải giữ gìn và bảo vệ chúng ta bằng chánh niệm và bằng sự chọn lựa cẩn thận nơi chúng ta ở.
Ngồi Đâu Cũng Là Ngồi Thiền
Khi muốn dừng lại để trở về với chính mình, bạn không cần phải chạy nhanh về nhà, vào thiền phòng, hay đến một trung tâm thiền thì mới thực tập hơi thơ chánh niệm được. Ở đâu bạn cũng tập thở được, khi ngồi tại văn phòng hay trong xe hơi. Ngay cả khi đi mua sắm tại một siêu thị đông người hay đứng chờ hàng dài trước nhà băng, nếu bạn cảm thấy bực dọc hay mệt mỏi, bạn có thể tập thở và mỉm cười để đừng đánh mất mình và giữ gìn sự thăng bằng cho thân tâm.
Giữa bao phiền toái của cuộc đời, để đủ khả năng đối diện chúng, ta cần trở về với chính mình, và hơi thở chánh niệm giúp ta làm việc đó. Ở đâu, trong tư thế nào, đi, đứng, nằm,
ngồi, ta cũng tập thở được. Dù sao, tư thế ngồi vẩn là tư thế vững chải nhất.
Một hôm, tôi đang ngồi chờ máy bay tại phi trường Kenedy, thành phố New - York. Máy bay trể bốn tiếng đồng hồ. Tôi liền xếp hai chân lại và ngồi thiền ngay trong phòng đợi. Tôi cuộn tròn áo ấm lại để làm gối ngồi thiền. Mọi người đi qua đi lại nhìn tôi có vẻ tò mò, nhưng sau một lúc, họ không để ý đế tôi nữa và tôi ngồi thiền một cách yên ổn.
Phi trường đầy nghẹt cả người, không có một chổ nào để đặt lưng, chỉ còn cách ngồi cho an ổn thảnh thơi ngay tại chổ của mình. Dĩ nhiên không ai muốn ngồi thiền giữa chốn đông người, kẻ qua người lại chú ý tới, nhưng dù ở đâu và trong tư thế nào, mình biết theo dõi hơi thở thì mình sẽ phục hồi được con người của mình một cách nhanh chóng.
Thiền tọa
Cánh ngồi thiền vững chãi nhất là ngồi xếp bằng hai chân trên một cái gối dày vừa đủ để giữ vững toàn thân. Tốt nhất là ngồi trong tư thế kiết già hay bán già, chân phải đặt trên bắp vế trái và chân trái trên bắp vế phải.
Nếu ngồi kiết già quá khó thì có thể ngồi xếp hai chân lại cũng được, hoặc muốn ngồi như thế nào cũng được miễn là cảm thấy thoải mái. Bạn cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà và hai tay xếp trên lòng. Bạn cũng có thể nằm dài trên sàn nhà, lưng chạm đất, hai chân duổi thẳng cách nhau vài tấc, hai tay duổi thẳng hai bên thân, lòng bàn tay ngữa lên trời.
Nếu chân bạn bị tê trong khi ngồi, bạn có thể tự động sửa lại thế ngồi cho thoải mái hoặc đổi chân dưới lên trên. bạn vừa làm một cách nhẹ nhàng chậm rãi, vừa theo dỏi hơi thở và từng cử động của thân thể thì tâm bạn vẩn an trú trong định. Nếu chân vẫn không hết đau làm bạn chịu hết nổi thì bạn có thể đứng dậy, đi thiền hành từng bước chậm rãi, đến lúc bạn thấy có thể ngồi lại được thì bạn ngồi xuống.
Tại một vài thiền viện, thiền sinh không được nhúc nhích động đậy trong khi ngồi thiền. Dù chân bị tê nhức thế nào họ cũng phải cố gắng chịu đựng. Tôi thấy điều này hơi quá đáng. Chúng ta ngồi thiền là để có an lạc và hạnh phúc, nếu một phần nào của thân thể bị đau nhức tức là thân thể muốn báo động ta điều gì, ta phải biết lắng nghe, ta không nên bắt nó chịu đựng quá sức, vì làm thế có thể nó bị tổn thương. khi chân bị tê trong khi ngồi, ta có thể thay đổi chân hoặc đứng dậy đi thiền hành, điều này không đến nổi gây trở ngại cho ta mà lại giúp ta rất nhiều.
Đôi khi chúng ta ngồi thiền là để chạy trốn cuộc đời và chạy trốn chính mình ta, giống như con thỏ chạy về cái hang của nó. Làm như vậy, chúng ta có thể tạm yên ổn trong một thời gian ngắn, nhưng khi ló đầu ra khỏi hang, chúng ta vẫn phải đối diện với những vấn đề thường nhật của chúng ta như thường. Giống như khi chúng ta tu hành xác, chúng ta mệt nhoài và có ảo tưởng là chúng ta chẳng còn vấn đề gì nữa hết. Nhưng khi cơ thể được phục hồi và sinh khí trở lại thì những vấn đề kia cũng trở về theo.
Chúng ta không cần tu rút, chúng ta cần tu cho thảnh thơi, đều đặn, và tinh tấn, mỗi ngày đều quán chiếu nhìn sâu vào lòng mọi sự mọi việc đang xảy ra. Thực tập như thế chúng ta mới có thể tiếp xúc được sâu sắc với cuộc sống muôn hình vạn trạng và biến đổi vô thường.
Chuông Chánh Điện
Theo truyền thống, ở chùa, ta thường dùng chuông để nhắc nhở mọi người trở về với giây phút hiện tại. Mỗi khi nghe chuông, chúng ta ngừng nói chuyện, ngừng suy nghĩ, mỉm cười và quay về với hơi thở, với chính mình. Dù đang bận làm gì chúng ta cũng ngừng tay và theo dõi hơi thở, Đôi khi chúng ta đọc thầm bài kệ sau đây:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe,
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
Khi thở vào, chúng ta nói "Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe", và khi thở ra, chúng ta nói "Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm".
Từ khi sang Âu Châu, tôi chưa hề được nghe tiếng chuông chùa. Nhưng ở Âu Châu, nơi nào cũng có chuông nhà thờ. Ở Mỹ thì ít hơn, đó là điều đáng tiếc. Mỗi lần sang thuyết pháp ở Thụy Sĩ, tôi đều dùng chuông nhà thờ để thực tập chánh niệm. Khi nghe tiếng chuông đổ, tôi dừng nói chuyện và khuyên thiền sinh để hết lòng lắng nghe tiếng chuông. Khi nghe tiếng chuông, chúng tôi dừng lại, theo dõi hơi thở và tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm ở xung quanh, hoa lá, các em bé nhỏ, những âm thanh tuyệt diệu.
Mỗi khi chuông ta quay trở về để tiếp xúc với cuộc sống trong giây phút hiện tại.
Một ngày nọ, ở Berkeley, tôi đề nghị với các giáo sư và sinh viên trường đại học California là khi nghe tiếng chuông trong cư xá vang lên, họ nên dừng lại để tập vài hơi thở chánh niệm. Chúng ta nên dể dành thì giờ để vui sống, không nên lúc nào cũng vội vã bận rộn. Chúng ta phải tập thưởng thức những tiếng chuông nhà thờ ngân nga, những tiếng chuông đổ hồi rộn rã nơi trường học. Tiếng chuông nghe rất vui tai, rất thánh thót và có thể làm ta tỉnh thức.
Nếu ở nhà bạn có cái chuông nhỏ, bạn có thể tập thở và cười theo tiếng chuông. bạn không cần phải mang chuông theo tới sở làm. Nghe âm thanh nào bạn cũng dừng lại, tập thở ra thở vào và an trú trong giây phút hiện tại. Tiếng rí rí phát ra khi bạn lên xe hơi mà quên mang dây nịt cũng là tiếng chuông chánh niệm. Ngay cả những tiếng vô thanh, như ánh nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ, cũng là những tiếng chuông nhắc nhở ta trở về với giây phút hiện tại, thở và mỉm cười.
Chiếc Bánh Thời Thơ Ấu
Lúc tôi bốn tuổi, má tôi mỗi khi đi chợ về thường mua cho tôi một cái bánh. Tôi liền ra đứng trước sân nhà và ăn cái bánh cả nửa tiếng hay bốn mươi lăm phút. Tôi vừa cắn từng miếng nhỏ vừa ngước nhìn trời hoặc dùng chân vuốt ve con chó. Tôi thấy thích thú vô cùng, tôi ăn cái bánh rất lâu, vừa ăn vừa ngắm trời đất, ngắm con chó, con mèo và mấy bụi tre. Tôi không có gì để lo nghỉ cả, dù quá khứ hay tương lai, tôi sống hoàn toàn cho hiện tại với cái bánh của tôi, với con chó, con mèo, với bụi tre, với mọi thứ.
Chúng ta cũng có thể ăn nhũng bữa cơm hàng ngày một cách chậm rãi và thích thú như vậy, như tôi ăn cái bánh thời thơ ấu. Bạn có thể nghĩ là bạn đã đánh mất cái bánh thời thơ ấu, nhưng tôi tin chắc là nó vẫn còn nằm trong một góc nào đó trong trái tim bạn. Mọi thứ vẫn còn đó, nếu bạn thật sự cần đến, bạn sẽ tìm thấy.
Ăn có chánh niệm là một phép thực tập rất quan trọng. Ăn như thế nào mà mình phục hồi lại cái bánh thời thơ ấu. Giây phút hiện tại là giây phút tràn đầy an lạc.
Nếu bạn có chánh niệm, bạn sẽ thấy điều đó có thực.
Bí Tích Thánh Thể
Lễ ăn bánh thánh là một thực tập chánh niệm. Khi Chúa Ki-Tô bẻ bánh mì và chia cho các đệ tử. Ngài nói:" Này, các con ăn đi, đó là xương thịt và máu huyết của ta đó". Ngài biết là nếu các đệ tử Ngài ăn miếng bánh mì một cách tỉnh thức thì họ mới thực sự đang sống. Hàng ngày họ có thể ăn bánh mì trong thất niệm, do đó miếng bánh mì không có thật, nó chỉ là một bóng ma.
Hàng ngày chúng ta thấy biết bao nhiêu người quanh ta, nhưng nếu ta không có chánh niệm, ta thấy họ như những bóng ma, không phải những con người thật, và chính tự thân chúng ta cũng là những bóng ma.
Khi có chánh niệm, ta là một con người thật, nhờ vậy ta mới thấy được những con người thật chung quanh ta, thấy được sự sống với muôn cái đẹp và giàu sang của nó. Thực tập ăn bánh mì, ăn trái quít hay ăn cái bánh in trong chánh niệm thì cũng giống nhau.
Khi ta thở có chánh niệm, khi ta đưa cái nhìn quán chiếu sâu sắc vào thức ăn thì đời sống có mặt ngay trong lúc ấy. Cho nên đối với tôi, lễ ăn bánh thánh là một phép thực tập chánh niệm rất tuyệt diệu. Chúa Ki-Tô đã muốn đánh thức các đệ tử của Ngài bằng tiếng gầm sư tử ấy.
Ăn Cơm Chánh Niệm
Cách đây vài năm, tôi có hỏi một vài em nhỏ Hoa Kỳ: "Tại sao chúng ta ăn sáng?". Một em trai đáp:" Để ta có đủ sức trong ngày". Một em khác nói:" Ăn sáng là để ăn sáng". Tôi khen em thứ hai. Mục đích của ăn là ăn mà thôi.
Ăn cơm trong chánh niệm là thực tập quan trọng. Chúng ta tắt máy truyền hình, để tờ báo xuống và cùng nhau chuẩn bị cho bữa ăn trong vòng năm hoặc mười phút. Năm hoặc mười phút này làm cho chúng ta có nhiều hạnh phúc. Chúng ta đặt bàn, thu dọn nhà bếp cho đỡ bề bộn. Khi thức ăn đã được đặt lên bàn và mọi người đã vào chỗ ngồi, chúng ta cùng nhau thực tập thở, thở vào, tâm tỉnh lặng, thở ra, miệng mỉm cười. Thở ba lần. Sau ba lần thở như vậy, chúng ta cảm thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng ra.
Sau đó, chúng ta nhìn nhau, mỗi người vẫn theo dõi hơi thở để thực sự tiếp xúc với chính mình và mọi người quanh bàn. Chúng ta không cần phải có hai tiếng đồng hồ mới nhìn thấy được người kia. Nếu tâm ta tỉnh lặng, ta chỉ cần hai giây để nhìn thấy rõ mọi người. Như vậy trong một gia đình năm người, ta chỉ mất năm, mười giây để mọi người thực tập nhìn thấy nhau.
Sau khi thở xong, chúng ta nhìn nhau mỉm cười. Được ngồi ăn chung với nhau trong một bàn, chúng ta có dịp tặng cho nhau một nụ cười chân thật, đầy hiểu biết. Việc này rất đơn giản mà ít ai chịu làm.
Đối với tôi, đây là một phép thực sự rất quan trọng. Cùng thở và mỉm cười với nhau là một điều rất quan trọng. Trong một nhà mà mọi người không biết nhìn nhau mỉm cười thì tình trạng đã trở nên đáng lo ngại lắm.
Sau khi đã thở và mỉm cười, chúng ta nhìn xuống các đĩa thức ăn, chúng ta nhìn sâu để thấy rõ sự liên hệ giữa ta và trái đất. Cần một cọng rau hay một miếng đậu hũ là thấy mình cần cả đất trời; cả vũ trụ đều góp mặt để nuôi dưỡng chúng ta. Cho nên để một giây quán chiếu thức ăn trước khi ăn và ăn trong chánh niệm đem đến cho ta rất nhiều hạnh phúc.
Có cơ hội được ngồi chung với gia đình và bạn bè, được thưởng thức được những món ăn ngon là một điều quý báu, không phải ai cũng có được. Có bao nhiêu người đang chết đói khắp nơi trên thế giới. Khi tôi nâng một bát cơm hay cầm một miếng bánh mì trong tay, tôi biết tôi là người có may mắn, và tôi cảm thương cho những ai không có gì để ăn hay không có gia đình, bạn bè. Đây là một thực tập rất sâu sắc. Chúng ta không cần phải đến chùa hay nhà thờ mới có thể thực tập được điều này, chúng ta có thể thực tập ngay tại bàn ăn. Chúng ta ăn cơm trong chánh niệm là làm phát triển hạt giống hiểu và thương trong ta, nó thúc đẩy ta tìm mọi cách để giúp đỡ những người đói kém, cô độc.
Muốn ăn có chánh niệm, lâu lâu chúng ta phải ăn cơm im lặng. Lần đầu tiên ăn cơm im lặng, ta có thể cảm thấy không được thoải mái, nhưng một khi quen ăn cơm im lặng rồi, ta sẽ thấy có nhiều an lạc hạnh phúc lắm. Chúng ta tắt máy truyền hình cũng như chúng ta ngừng nói chuyện là để thuởng thức một cách trọn vẹn thức ăn và sự hiện diện của những người thân ở chung quanh.
Tôi không khuyên bạn ngày nào cũng ăn cơm im lặng. Nói chuyện với nhau trong chánh niệm cũng là một điều lý thú lắm. Chúng ta không nên nói về những đề tài có thể gây chia rẽ, ví dụ nói về khuyết điểm của một người nào đó. Nếu trong suốt bữa ăn ta chỉ mãi mê nói về những chuyện như vậy thì những món ăn được chuẩn bị kỹ càng sẽ mất hết hương vị. Trái lại, nếu chúng ta nói những điều làm cho chúng ta ý thức hơn về những món chính đang ăn và về sự có mặt của những người thân xung quanh thì chúng ta đang nuôi dưỡng hạnh phúc. Thứ hạnh phúc làm chúng ta lớn mạnh.
Cho nên khi ăn được một món ngon mà ta rất thích, ta cũng để ý quan sát xem người khác có thích như ta không. Nếu có người ăn không chánh niệm, ta cũng có thể giúp họ thấy được tấm lòng của người nấu, để họ biết tán thưởng tấm lòng đó. Nếu có người trong khi ăn có vẻ ưu tư lo nghĩ, thay vì để ý thưởng thức những món ăn ngon trên bàn, ta có thể nói với họ:" món này ngon chứ phải không anh?" để kéo họ ra những lo nghĩ, đưa họ trở về thực tại nơi có món ăn ngon và có sự hiện diện ngọt ngào của bạn. Bạn làm như vậy là bạn trở thành một vị bồ tát rồi đó, bởi vì bạn giúp người khác tỉnh thức, đưa họ ra khỏi cơn mê. Trẻ em rất thông minh, chúng học chánh niệm rất mau và nhiều khi giúp cả cho những người lớn tỉnh thức.
Rửa Chén
Chúng ta thường nghĩ rằng việc rửa chén không có gì lý thú; thật ra khi chúng ta đứng trước bồn rửa chén, xăn tay áo lên và nhúng hai tay trong nước ấm, chúng ta sẽ thấy rửa chén vui và dể chịu. Tôi thích để thì giờ rửa từng cái chén một cách thong thả, cẩn trọng, chú ý đến cái chén, đến nước rửa và từng cử động của hai tay. Nếu tôi rửa chén một cách vội vã để mau mau đi ăn món tráng miệng thì thời gian rửa chén trở nên vô bổ và phí phạm. Đó là điều đáng tiếc vì mỗi giây mỗi phút của sự sống là một sự mầu nhiệm. Những cái chén có mặt đã là một sự mầu nhiệm, và việc tôi đứng đây rửa chén cũng là một mầu nhiệm.
Nếu tôi không có khả năng có hạnh phúc trong khi đang rửa chén, chỉ muốn rửa cho xong để đi ăn tráng miệng, thì chắc chắn tôi cũng không có khả năng để thưởng thức món tráng miệng của tôi. Bởi vì trong khi ăn tôi lại nghĩ đến chuyện này chuyện nọ và cái thú được ăn món tráng miệng thơm và ngon lại bay mất. Lúc nào tôi cũng bị đẩy về phía trước bởi dự tính này kế hoạch nọ, không bao giờ tôi biết sống cho giây phút hiện tại. Trong ánh sáng của chánh niệm, mọi tư tưởng và hành động đều trở nên thiêng liêng, không còn biên giới nào giữa thánh và phàm. Tôi thường bỏ nhiều thì giờ để rửa chén nhưng tôî sống trọn vẹn cho mỗi giây phút nên lúc nào tôi cũng thấy hạnh phúc. Công việc rửa chén vừa là cứu cánh vừa là phương tiện, vì rửa chén không phải chỉ để có chén sạch. Rửa chén là để rửa chén, nên trong khi rửa chén mình vẫn không mất một giây phút nào để sống trọn vẹn.
Thiền Hành
Đi thiền hành là một niềm vui lớn. Ta đi chậm rãi, đi một mình hay đi với bạn, và nếu được, chọn một nơi nào để đi thiền hành. Ta đi mà không cần phải tới, đi để được đi, vừa theo dõi hơi thở và vừa ý thức từng bước chân. Không nghĩ đến tương lai hay quá khứ, không nên để ưu tư phiền muộn vây quanh, ta sống cho giây phút hiện tại.
Ta đi như một người hạnh phúc nhất trên đời. Ta cũng có thể cầm tay một em bé để đi.
Hàng ngày ta vẫn đi nhưng ta thường đi như bị ma đuổi. Đi như vậy, ta để lại những dấu vết hằn tất tả và phiền muộn lên mặt đất. Phải đi làm sao để dấu chân ta in nét thảnh thơi và an lạc. Tất cả chúng ta đều làm được điều đó nếu chúng ta thực lòng muốn thế. Và em bé nào cũng làm được. Chỉ cần chúng ta bước được một bước thảnh thơi là chúng ta sẽ bước được bước thứ hai, thứ ba, thứ tư... Khi chúng ta bước được một bước có an lạc và hạnh phúc, thì chúng ta cũng đang nuôi dưỡng và giữ gìn hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Đi thiền hành là một phép thực tập mầu nhiệm.
Khi đi thiền ngoài trời, chúng ta có thể đi chậm hơn bình thường, và chúng ta kết hợp hơi thở với bước chân. Ví dụ ta có thể bước ba bước khi thở vào, và ba bước khi thở ra. Vừa bước ta vừa nói: "vào, vào, vào, ra, ra, ra". Mỗi lần ta gọi tên một cái gì là ta làm cho nó hiện rõ ra, như gọi tên một người bạn vậy.
Nếu phổi bạn thích bạn bước bốn bước thay vì ba thì bạn hãy bước bốn bước. Nếu nó muốn bạn bước hai bước thôi thì bạn bước hai bước. Hơi thở vào hay ra có thể ngắn dài khác nhau. Ví dụ, bạn chỉ bước được ba bước cho hơi thở vào nhưng lại muốn bốn bước cho thở ra. Khi đi thiền hành mà bạn cảm thấy dễ chịu, thoải mái và an lạc tức là bạn đã thực hành đúng phương pháp.
Bạn hãy chú tâm đến sự tiếp xúc bàn chân trên mặt đất. Hãy đi như là bạn đang hôn mặt đất. Chúng ta đã gây bao thương tổn cho trái đất. Đã đến lúc ta phải biết chăm sóc trái đất. Chúng ta đi để đem lại sự bình an cho trái đất và chia xẻ bài học tình thương của ta. Trong khi đi, lâu lâu ta có thể dừng lại để ngắm một quang cảnh đẹp, một gốc cây, một đóa hoa hay một đám trẻ con đang vui chơi. Trong khi nhìn, ta vẩn theo dõi hơi thở để đừng đánh mất đóa hoa đẹp vì những dòng suy tưởng của ta. Và ta lại tiếp tục đi nếu ta muốn. Dưới mỗi bước, gió mát trổi dậy làm mới lại thân tâm. Dưới một bước chân, một đóa hoa tươi nở rộ.
Điều này chỉ xảy ra khi ta biết sống trong hiện tại, không để tương lai hay quá khứ lôi cuốn ta đi.
Thiền Điện Thoại
Điện thoại rất có ích cho ta trong đời sống hiện tại, nhưng nếu không khéo léo, ta sẽ bị nó hành hạ không ít.
Nhiều lúc ta muốn bực lên vì tiếng kêu không dứt của nó. Khi xử dụng nó, đôi khi ta quên khuấy là ta đang nói chuyện bằng điện thoại, do đó mà ta phí phạm rất nhiều thì giờ và tiền bạc.
Ta nói huyên thuyên không cần biết những chuyện đó có đáng nói hay không qua điện thoại, đến khi nhận hóa đơn, ta mới giật nảy mình vì số tiền lớn phải trả. Tiếng điện thoại reo tạo một chấn động đôi khi làm ta lo lắng. Ta tự hỏi: "Ai kêu vậy, chuyện buồn hay vui?" Và ta bị một sức mạnh không cưỡng lại được đẩy ta tới cầm ống điện thoại lên. Ta trở thành nạn nhân của máy điện thoại.
Tôi đề nghị là lần sau khi bạn nghe chuông điện thoại reo, bạn vẫn đứng yên tại chổ, theo dõi hơi thở vào ra, mỉm cười và đọc bài kệ này: "Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm", tiếng chuông reo lần thứ hai, bạn đọc lại lời kệ một lần nữa, vẫn mỉm cười vì nụ cười làm thư giản những bắp thịt trên mặt, sự căng thẳng tan biến và bạn cảm thấy vững chải hơn. Người gọi nếu có chuyện cần muốn nói với bạn sẽ đủ kiên nhẫn để chờ bạn ít nhất là sau tiếng reo thứ ba, cho nên bạn đừng lo ngại, hãy bình tâm thực tập hơi thở và nụ cười để khi nghe tiếng chuông thứ ba, bạn chậm rãi đi về phía diện thoại, hơi thở vẩn đều đặn và nụ cười vẩn giữ trên môi.
Bạn cũng biết không phải bạn chỉ cười cho bạn mà bạn cười cho người bên kia đầu dây nữa. Bởi nếu bạn nóng nảy bực bội thì người bên kia đầu dây sẽ lãnh đủ. Trái lại nếu bạn giữ vững nụ cười và hơi thở chánh niệm, bạn sẽ đem nhiều an lạc cho người đang gọi bạn. Cho nên trước khi gọi giây nói cho ai, bạn cũng tập thở vào và thở ra ba lần. Có bài kệ cho bạn thực tập:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu
Bạn hãy thở theo bài kệ ấy, một dòng cho hơi thở vào và một dòng cho hơi thở ra.
Khi nghe tiếng chuông reo bên kia đầu giây, bạn cũng biết là người bạn ấy cũng đang tập thở và cười như bạn trước khi cầm ống nghe lên sau ba tiếng reo. Bạn tự bảo: "Chị ấy đang tập thở, tại sao mình không làm được như chị ấy?" Thế là cả hai bên đều tập thở cùng một lúc, thật là đẹp, phải không?
Bạn không cần phải vào thiền đường mới có thể tập thiền. Bạn có thể tập thiền ngay tại văn phòng làm việc hay tại nhà. Tôi không biết các nhân viên tổng đài điện thoại có thể thực tập thiền điện thọai hay không vì quá nhiều điện thoại reo cùng một lúc. Tôi nhờ các bạn tìm cho họ một phương pháp để tập thiền điện thọai. Riêng chúng ta, chúng ta nên tập ba hơi thở trước khi cầm ống nghe hay gọi điện thọai cho ai. Tập thiền điện thọai giúp ta bớt căng thẳng và sống có chánh niệm hơn.
Thiền Lái Xe
Ở Việt Nam, cách đây bốn mươi lăm năm, tôi là ông thầy tu đầu tiên dám cỡi xe đạp. Hồi đó, một thầy tu đi xe đạp được xem như không có oai nghi. Ngày nay thì các nhà tu lái xe hơi và còn cỡi mô tô chạy vù vù. Để thích ứng với đời sống mới, chúng ta phải biết hiện đại hóa lối tu thiền. Tôi có làm một bài kệ, lái xe để chúng ta thực tập trước khi rồ máy. Bài kệ như sau:
Trước khi cho máy nổ
Tôi biết tôi đi đâu
Tôi với xe là một
Xe mau tôi cũng mau
Nhiều khi chúng ta không thực sự cần xử dụng xe hơi mà tại vì chúng ta muốn trốn tránh chính mình nên ta muốn lái xe đi đâu đó. Ta cảm thấy một sự trống trải trong tâm hồn và ta không muốn đối diện nó. Ta không thích bị bận bịu suốt ngày nhưng hễ có chút thì giờ rảnh, ta lại sợ phải đối diện với chính mình. Ta muốn chạy trốn. Hoặc là ta mở máy truyền hình, ta gọi điện thoại, ta đọc tiểu thuyết, ta tìm một người bạn để đi phố chơi hoặc là ta phải rồ xe chạy đi đâu đó, đi đâu cũng được. Chính nền văn minh của chúng ta đã dạy ta cách hành xử như vậy và cung cấp cho ta đủ mọi tiện nghi để ta đánh mất chính ta. Nếu đúng vào lúc bạn định vặn chìa khóa để rồ xe chạy mà bạn đọc bài kệ này, nó sẽ như ánh đuốc soi sáng cho bạn và bạn chợt thấy là mình không cần đi đâu cả. Vì đi đâu, bạn cũng không thoát khỏi được cái "ta". Do đó mà tốt hơn hết là bạn tắt máy và bạn hãy đi thiền hành. Chắc chắn bạn sẽ thấy thú vị hơn nhiều.
Người ta nói là chỉ trong mấy năm gần đây thôi, hàng triệu mẫu rừng đã bị tiêu diệt vì mưa át xít, mà một phần là do khói xe hơi. " Trước khi cho máy nổ, tôi biết tôi đi đâu ". Tôi biết tôi đi đâu? Đó là một câu hỏi rất quan trọng. Có phải tôi đi đến chỗ tận diệt của chính tôi? Bởi vì nếu cây cối chết hết thì con người cũng phải chết theo. Nếu việc bạn phải đi là cần thiết thì bạn chẳng nên chần chờ, trái lại nếu nó chưa cần thiết, bạn nên rút chìa khóa ra và bước xuống xe. Bạn có thể đi thiền hành dọc theo bờ sông hay trong một công viên. Nơi đó, bạn sẽ tìm thấy lại chính mình và cây cối là những người bạn gần gũi của mình.
Chúng ta thường có quan niệm rằng xe hơi là vật sở hữu của ta, ta là chủ chiếc xe hơi, điều đó chưa hẳn là đúng. Khi ta xử dụng một cái gì thì ta trở nên cái đó. Người chơi đàn vĩ cầm cũng trở nên đẹp như tiếng đàn anh dạo. Người cầm một cây súng trở nên rất nguy hiểm. Khi ta lái xe thì ta và chiếc xe là một.
Trong đời sống văn minh hiện đại, lái xe là một nhu cầu hằng ngày. Tôi không bảo bạn đừng lái xe, tôi chỉ mong bạn xử dụng nó một cách có ý thức. Khi lái xe, chúng ta thường chỉ mong cho mau tới "chỗ" đó. Nếu chúng ta xem đèn đỏ như tiếng chuông chánh niệm giúp chúng ta trở về với giây phút hiện tại thì lần sau gặp đèn đỏ, ta liền mỉm cười và vừa thở vừa đọc thầm bài kệ: "Thở vào tâm tỉnh lặng, thở ra miệng mỉm cười." Tức khắc chúng ta chuyển đổi cảm giác khó chịu thành dễ chịu. Cũng cây đèn đỏ đó mà bây giờ nó khác. Bây giờ nó là người bạn giúp ta nhớ rằng chỉ có giây phút hiện tại là đáng sống.
Cách đây mười năm tôi qua Montréal, Gia Nã Đại. Để hướng dẩn một khóa tu. Một hôm, một người bạn lái xe chỗ tôi đi ngang qua thành phố để lên núi. Tôi nhận thấy rằng chiếc xe nào ngừng đằng trước cũng có bảng số ghi hàng chữ bằng tiếng Pháp "Je me souviens" có nghĩa là " tôi nhớ". Tôi không biết họ muốn nhớ cái gì, có thể là họ muốn nhớ tới gốc rễ văn hóa Pháp của họ, nhưng tôi bảo người bạn là tôi đã có món quà để tặng anh ta. Tôi bảo anh ta: " Này bạn, khi nào bạn thấy thấm bảng " Je me souviens", bạn nhớ thở và cười nhé. Đó là tiếng chuông chánh niệm đó. Như vậy bạn tha hồ thở và cười khi lái xe ngang qua thành phố Montréal ".
Người bạn rất thích thú và đem niềm vui đó chia xẻ ngay với các bạn của anh ta. Sau đó khi anh qua Pháp để thăm tôi thì anh bảo là ở Paris khó thực tập chánh niệm quá vì không có mấy tấm bảng số ghi "Je me souviens" như ở Montréal. Tôi bảo anh: "Ở Paris, chỗ nào mà không có đèn đỏ và những tấm bảng STOP hở anh? Chúng cũng là những tiếng chuông chánh niệm đó chứ!"
Khi về lại Montréal, anh ấy cũng đã đi ngang qua Paris, nên anh viết cho tôi một bức thư rất dễ thương: " Thưa thầy, ở Paris, con cũng thực tập được rất dễ dàng. Mỗi khi có một chiếc xe ngừng trước mặt con là con thấy Bụt nháy mắt với con và con đã biết thở và mỉm cười để trả lời Ngài. Bây giờ con mới biết lái xe trong Paris là một điều tuyệt diệu.
Cho nên khi nào bị kẹt xe, bạn đừng tìm cách lèo lái để thoát nạn kẹt xe làm gì, vô ích. Bạn dựa lưng vào nệm xe, thân tâm buông thả, miệng mỉm cười, một nụ cười đầy từ, bi, hỉ, xả. Thở và mỉm cười, an trú trong giây phút hiện tại, bạn có thể làm cho những người ngồi chung xe với bạn cảm thấy an lạc. Hạnh phúc lúc nào cũng có mặt nếu bạn biết thở và mỉm cười. Thiền là biết trở về với giây phút hiện tại để thấy rõ bông hoa, trời xanh và em bé. Hạnh phúc là một điều có thật.
Quay Về Một Mối
Chúng ta thường chia đời sống thành nhiều ngăn. Làm sao chúng ta mang thiền ra khỏi thiền phòng, đem nó đi vào nhà bếp và phòng làm việc? Ở thiền phòng, chúng ta ngồi im lặng theo dõi từng hơi thở. Làm sao để việc ngồi thiền có tác dụng cả những lúc ta không ngồi thiền? Cũng như khi vị bác sĩ tiêm một mũi thuốc vào cánh tay bạn, không phải chỉ cánh tay mà cả toàn thân bạn đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi bạn ngồi thiền được nữa giờ, sự an lạc mà bạn có được trong nữa giờ đó phải được tỏa rạng trong suốt hai mươi bốn giờ chứ không phải chỉ trong lúc ngồi thiền nữa giờ mà thôi. Chúng ta phải thực tập như thế nào để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi thiền.
Trong thiền phòng, chúng ta đi kinh hành từng bước chậm rãi, có ý thức. Nhưng tại phi trường và trong siêu thị, ta trở nên một con người khác. Ta không còn giữ được chánh niệm, ta đi như bị ma đuổi. Làm thế nào để khi ra khỏi thiền phòng ta vẫn giữ chánh niệm? Tôi có một người bạn biết thực tập hơi thở giữa những tiếng reo của điện thoại và điều đó giúp ích cho anh ta rất nhiều. Một người bạn khác làm áp-phe nhưng biết đi thiền hành khi đến những nơi hẹn, đi rất khoan thai chậm rãi trên đường phố Denver khiến người qua đường phải nhìn anh mỉm cười. Nhờ vậy mà những buổi gặp gỡ làm ăn của anh lúc nào cũng thoải mái và thành công dù với những người khó tánh nhất.
Chúng ta phải biết áp dụng thiền tập vào đời sống hàng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau thảo luận làm cách nào cho hay. Bạn có tập thở trong khi nghe chuông điện thoại reo? Bạn có tập mỉm cười không khi xắt cà-rốt? bạn có tập buông thả không, sau những giờ làm việc mệt mỏi? Đó là những câu hỏi rất thiết thực. Nếu lúc ăn ngủ, nghỉ, lúc nào bạn cũng thiền, thì đời sống hằng ngày của bạn là một đời sống thiền và điều này sẻ ảnh hưởng lớn lao đến đời sống xã hội. Mà thiền là sống có chánh niệm trong từng giây phút, nó không còn là một ý tưởng mơ hồ và xa vời, tách rời khỏi cuộc sống.
Cắt Cỏ Và Thở
Có bao giờ bạn cắt cỏ với một cái phảng? Bây giờ ít ai dùng phảng. Cách đây mười năm, tôi mua một cái phảng để cắt cỏ quanh cái cốc của tôi ở. Tôi mất cả tuần lễ mới tìm ra cách để xử dụng nó một cách hữu hiệu. Bạn phải biết thế đứng, thế cầm phảng và đặt lưỡi dao trên cỏ như thế nào. Tôi nhận thấy rằng nếu tôi biết kết hợp hơi thở với những động tác của tay và làm một cách thong thả có ý thức thì tôi có thể làm rất lâu. Nếu không, chừng mười phút sau là tôi đã thấy mệt.
Những năm gần đây tôi để ý tránh không làm mình mệt và đánh mất hơi thở? Tôi biết săn sóc cho thân thể tôi, biết tôn trọng nó như người nhạc sĩ tôn trọng cây đàn. Tôi không còn xem thân thể như một dụng cụ để đạt đến một mục đích nào đó. Nó chính là mục đích của tôi rồi, cho nên tôi đối xử với nó một cách dịu dàng. Tôi cũng đối xử như vậy với cái phảng cắt cỏ. Trong khi làm việc, tôi theo dõi hơi thở, tôi có cảm tưởng cái phảng cắt cỏ cũng thở với tôi.
Một ngày kia, có một người hàng xóm già đến thăm. Ông chỉ tôi cách dùng phảng. Ông ta sành sỏi hơn tôi nhiều, nhưng thế đứng và những động tác của ông cũng không khác gì tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên là ông cũng kết hợp hơi thở với những động tác của ông. Từ đó, mỗi khi thấy ai cắt cỏ với phảng, tôi cứ nghĩ là họ cũng đang thực tập chánh niệm.
Vô Nguyện
Ở Tây phương, người ta làm việc gì cũng phải có mục đích hẳn hòi. Đi đâu, người ta cũng chỉ nghĩ tới chuyện đến, và người ta chỉ nhắm thẳng hướng đó mà đi đến. Cái đó cũng có cái lợi, nhưng đôi khi chúng ta quên mất cái thú đang được đi trên đường.
Trong đạo Bụt có một giáo lý gọi là vô nguyện, nghĩa là ta chẳng cần phải chạy theo một cái gì cả vì cái gì cũng có sẵn trong ta rồi. Khi đi thiền hành, chúng ta chẳng cần phải tới nơi nào hết. Chúng ta chỉ cần bước những bước thật an lạc và thảnh thơi. Nếu cứ nghĩ đến tương lai, để những gì mình phải đạt được, thì chúng ta quên mất những bước chân. Khi ngồi thiền cũng vậy. Mình ngồi vì mình thích ngồi vậy thôi, không phải để đạt được một cái gì hết. Điều này rất quan trọng. Khi ngồi thiền, mỗi giây phút đưa mình tiếp xúc với sự sống, nên suốt buổi ngồi thiền mình cảm thấy rất an lạc. Khi ăn một múi quít hay uống một chén trà cũng vậy, mình phải ăn và uống trong tinh thần vô nguyện đó.
Thường thường chúng ta tự bảo rằng:" Không nên ngồi ì ra đó. Phải làm một cái gì chứ". Nhưng khi thực tập chánh niệm, ta thấy rằng chẳng cần phải làm gì cả, chỉ cần ngồi yên và có mặt như vậy thôi. Học cách ngồi yên là học cách dừng lại là để nhìn cho rõ.
Lúc đầu ta tưởng rằng dừng lại là một hình thức phản kháng đời sống hiện tại, thật ra không phải thế. Đó không phải là một thái độ chống trả mà là một nghệ thuật sống. Nhân loại có tồn tại được hay không là tùy ở khả năng biết dừng lại của chúng ta. Hiện nay thế giới có hơn 50.000 đầu đạn nguyên tử, thế mà người ta vẩn chưa muốn dừng lại, vẫn còn muốn chế tạo nhiều hơn nữa. Cho nên dừng lại không những là dừng lại những cái nguy hại mà còn tạo cơ hội cho những cái lành phát triển.
Chúng ta tu là vì vậy, không phải để trốn thoát đời sống mà chính là để chứng nghiệm rằng hạnh phúc trong cuộc đời là có thật, có ngay bây giờ và trong tương lai. Muốn có hạnh phúc thì phải có chánh niệm. Chánh niệm là nền tảng của hạnh phúc. Nếu chúng ta không biết rằng chúng ta đang có hạnh phúc thì làm sao hạnh phúc có mặt được?
Khi chúng ta bị nhức răng, chúng ta mới biết rằng không nhức răng là một điều hạnh phúc. Thế mà khi không bị nhức răng, chúng ta không thấy hạnh phúc. Trong cuộc đời còn biết bao nhiêu điều mầu nhiệm nhưng vì không tu tập chánh niệm nên ta không biết thưởng thức. Khi có tu tập chánh niệm, ta mới biết trân quý những cái mầu nhiệm đó, ta mới biết giữ gìn chúng. Biết chăm sóc cho hiện tại là biết chăm sóc cho tương lai. Muốn tạo an lạc cho tương lai thì phải biết tạo an lạc cho giây phút hiện tại.
Đời Sống Là Một Tác Phẩm Nghệ Thuật
Sau một khóa tu ở miền Nam California, có một nghệ sĩ đã hỏi tôi: "Thưa Thầy, con phải nhìn cái hoa như thế nào để lột hết vẻ đẹp của nó trong bức tranh của con?" Tôi đã trả lời: "Nếu anh nhìn cái hoa với ý đồ như vậy thì khó mà thấy được vẻ đẹp của hoa. Hãy buông bỏ mọi toan tính thì anh mới mong tiếp xúc được với hoa." Cũng anh chàng đó nói với tôi: "Thưa Thầy, khi con ngồi với một người bạn, lúc nào cũng vì có một cái lợi gì đó". Dĩ nhiên một người bạn có thể giúp ta rất nhiều, nhưng một người bạn không phải chỉ là một cái nguồn lợi lạc. Đến với một người bạn không phải để nhờ cậy giúp đỡ, nâng đỡ hay khuyên nhủ, mà đó là cả một nghệ thuật.
Chúng ta có thói quen khi làm gì là để mong cầu một cái gì đó. Cái đó ta gọi là "óc thực tế" và ta cho là chân lý, là cái mà ta phải trả giá. Ngồi thiền để đạt tới chân lý, hẳn chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ như vậy. Nhưng sự thực có thể là khác. Khi hành thiền, chúng ta dừng lại và chúng ta nhìn sâu hơn. Chúng ta dừng lại là đã có mặt với chính mình, với cuộc đời. Khi chúng ta biết dừng lại là chúng ta đã bắt dầu thấy và khi thấy là đã có thể hiểu "An lạc, thảnh thơi là hoa trái của sự tu tập này".
Chúng ta phải nắm vững nghệ thuật dừng lại để thật sự có mặt với bạn mình và với bông hoa. Làm sao để cho an lạc có mặt trong một xã hội mà mọi người đã quen toan tính lợi lộc? Làm sao để nụ cười chúng ta tỏ lộ niềm vui thực sự chứ không phải chỉ là một hình thức xã giao? Khi ta biết mỉm cười với ta là ta chứng tỏ rằng ta có chủ quyền thực sự, ta không đánh mất chính mình. Ta có thể làm thơ ca ngợi sự dừng lại, sự hiện hữu mầu nhiệm không mong cầu, không toan tính; ta cũng có thể vẻ một bức tranh, như khi ta đi thiền hành trong siêu thị hay khi ta trồng cải xà lách.
Mỗi giây phút sống trong chánh niệm, làm trong chánh niệm và an trú vững chãi trong chánh niệm, cho dù chúng ta không vẽ hay làm thơ thì cũng bằng như ta đang vẽ và ta làm thơ. Con người ta tỏa rạng niềm vui và sự an lạc, ta làm cho cuộc đời thêm đẹp và mọi người bên ta thêm tươi. Sự có mặt tươi mát của ta, thảnh thơi và vững chải, là một tác phẩm nghệ thuật sống động mà ta chẳng cần phải nhiều lời, thế giới quanh ta nhờ thế mà cũng tỏa rạng sự vững chãi và thảnh thơi.
Hy Vọng Trông Chờ Đôi Khi Là Một Trở Ngại
Có niềm tin, có hy vọng là một điều quan trọng. Bởi vì nhờ có niềm tin, nhờ có hy vọng mà ta có thể chấp nhận hiện tại một cách dễ dàng hơn. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai có thể khá hơn thì những gian nan của ngày hôm nay ta không còn thấy nhọc nhằn lắm. Nhưng khi nhìn sâu vào bản chất của hy vọng, tôi vẫn thấy có gì bi đát. Bởi vì chúng ta bám vào cái hy vọng là ngày mai sẽ sáng sủa hơn nên ta không chịu tập trung mọi nổ lực cho hiện tại. Chúng ta cứ chờ đợi ở ngày mai chúng ta sẽ đạt tới một nơi tốt đẹp hơn, an bình hơn, ngày mai chúng ta sẽ được về nước Phật hay nước Chúa. Do đó mà hy vọng trở thành một loại trở ngại. Vì cứ hy vọng ở ngày mai mà ta không sống hết mình cho hiện tại và không thấy được rằng niềm vui đã có sẵn bây giờ và ở đây.
Tự do, giải thoát và an lạc không do ai mang tới cho ta hết. Tự do, an lạc và giải thóat như cái giếng nước nằm sâu trong ta, ta phải đào sâu nó ngay bây giờ thì nước ngọt sẽ phun ra. Ta phải trờ về với giây phút hiện tại để sống cho sâu sắc; ta thực tập hơi thở chánh niệm để có thể tiếp xúc được với giây phút hiện tại, Nơi sự sống mầu nhiệm đang hiển bày dưới muôn hình muôn vẻ.
Văn minh Tây Phương chú trọng quá nhiều vào viễn tượng một ngày mai huy hoàng khiến ta phải hy sinh cái hiện tại. Người ta chỉ đặt hy vọng ở ngày mai, do đó mà ta không tiếp xúc được với những niềm vui, những tự do và giải thoát đang có mặt trong hiện tại.
Có nhiều tôn giáo đặt nền móng trong niềm tin xa xôi này, do đó nếu nói ngược lại chắc ta sẽ gây nhiều phản ứng mạnh. Nhưng đôi khi những chấn động cũng cần để tạo ra những thay đổi quan trọng. Tôi không có ý nói rằng bạn không nên có hy vọng. Tôi chỉ muốn nói là chỉ có hy vọng thôi thì chưa đủ. Hy vọng như vậy chỉ là trở ngại, bởi vì nếu bạn chỉ muốn trao gửi mình cho hy vọng thì bạn không sống hết lòng cho hiện tại. Nếu bạn dùng tất cả năng lực để ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, bạn sẽ phá vỡ được bức tường của một tương lai xa xôi để khám phá ngay, trong lúc này và ở đây, những nguồn suối an lạc đang tuôn trào trong con người bạn và xung quanh bạn.
Ông A.J.Mustle - người hướng dẫn phong trào hòa bình ở Mỹ Châu, người đã làm bao triệu trái tim thổn thức- đã nói rằng: "Không có con đường dẫn tới hòa bình. Hòa bình chính là con đường". Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thực hiện hòa bình ngay trong giờ phút hiện tại, bằng cái nhìn hiểu biết, bằng nụ cười, bằng những lời từ ái và những hành động thương yêu.
Hòa bình không phải là một phương tiện. Hòa bình phải được thể hiện ngay trong từng bước chân an lạc, thảnh thơi. Chỉ cần chúng ta quyết tâm là chúng ta làm được điều đó. Chúng ta không cần phải đợi tới ngày mai. Chúng ta chỉ cần buông thư và mỉm cười là chúng ta có thể bắt đầu có tất cả những gì chúng ta mong muốn trong giờ phút hiện tại.
BÔNG HOA VÀ NỤ CƯỜI NGÀI CA DIẾP
Có câu chuyện thiền về bông hoa mà giới thiền tông ai cũng biết. Một ngày kia, Bụt đưa một cành hoa lên trước cử tọa 1.250 vị khất sĩ. Ngài không nói một lời nào. Ai cũng suy nghĩ nát óc để tìm hiểu ý của Ngài. Bỗng nhiên thấy Bụt mỉm cười. Ngài mỉm cười vì một người trong đoàn khất sĩ đã mỉm cười với Ngài và với bông hoa. Người đó tên là Ma Ha Ca Diếp. Trong đoàn khất sĩ chỉ có một mình Ca Diếp mỉm cười và được đức Bụt cười lại. Ngài nói: "Ta có kho tàng của cái thấy chánh pháp và ta đã trao truyền kho tàng ấy cho Ca Diếp".
Câu chuyện đã được bàn cải sôi nổi trong giới thiền tông qua nhiều thế hệ và cho đến nay người ta vẫn còn đi tìm ý nghĩa của nó. Với tôi, tôi hiểu rất đơn giản. Khi có người nâng một cành hoa lên trước mắt bạn. Người ấy muốn bạn nhìn thấy bông hoa. Nếu đầu óc bạn bận bịu suy nghĩ thì làm sao bạn nhìn thấy bông hoa?
Chỉ có người nào đầu óc không bận bịu tính toán, người đó đang thảnh thơi thì mới có thể tiếp xúc được với bông hoa và mỉm cười.
Cho nên vấn đề là ở chỗ có mặt trong giây phút hiện tại, nếu không ta sẽ đánh mất tất cả. Khi một em bé đến với bạn và mỉm cười với bạn, nếu bạn không có mặt ở đó, nếu bạn đang bận suy nghĩ về tương lai hay quá khứ hay với bao nhiêu thứ khác trong cuộc đời, thì dù em bé đang có mặt cũng bằng như không có mặt đối với bạn. Cho nên nghệ thuật sống là biết trở về với chính mình để có thể thấy được em bé là một thực tại tuyệt vời.
Lúc ấy bạn mới có thể thấy được nụ cười của em bé và ôm em bé vào lòng.
Tôi muốn đọc cho bạn nghe bài thơ của một người bạn đã chết tại Sài Gòn cách đây mười lăm năm. Lúc ấy anh ta mới hai mươi tám tuổi. Sau khi anh ta chết, người ta tìm thấy nhiều bài thơ thật hay. Khi tôi đọc bài thơ này của anh, tôi đã giựt mình. Chỉ có một vài dòng, nhưng bài thơ thật đẹp:
Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Tôi sụp lạy cúi đầu.
"Em" đây là một đoá hoa thược dược mà thi sĩ Quách Thoại chợt nhìn thấy một buổi sáng khi đi ngang qua một hàng dậu, anh ta sững sờ, dừng lại và viết bài thơ này.
Bài thơ làm tôi rất cảm động. Bạn có thể cho là nhà thơ hơi huyền bí, vì cách nhìn và diễn đạt sự vật hơi bí hiểm. Thật ra thi sĩ cũng là một người bình thường như chúng ta. Tôi không biết nhờ đâu mà buổi sáng đó anh ta đã nhìn thấy được đóa hao một cách sâu sắc như vậy. Chúng ta thực tập chánh niệm là để có thể nhìn sâu vào lòng mọi sự vật trong đời sống hàng ngày, lúc uống trà, lúc đi thiền hành, thiền tọa, hay cắm hoa.
Nếu ta dừng lại để quay trở về với chính mình, ta sẽ tiếp xúc được dễ dàng với những mầu nhiệm của đời sống trong giây phút hiện tại.
PHÒNG THỞ
Trong nhà chúng ta có đủ các thứ phòng, phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách, nhưng chúng ta không có phòng nào để thực tập chánh niệm. Tôi khuyên bạn nên dành một phòng nhỏ để làm phòng thở, nơi đó, những khi gặp chuyện khó khăn, ta vào để được ngồi một mình để được thực tập, vừa mỉm cười vừa thở. Căn phòng đó phải được xem như là tòa đại sứ của Vương Quốc Tịnh Độ mà những người hay giận dữ, la ó không được quyền xâm phạm.
Khi một em bé cảm thấy mình sắp sửa bị la rầy, em có thể vào tạm trú trong căn phòng đó. Cha hay mẹ em lúc đó không thể nào la em được vì em được bảo vệ an toàn trong cái toà đại sứ ấy. Ngay cả cha mẹ em đôi khi cũng cần an trú trong căn phòng nhỏ ấy, để có thể khôi phục lại con người mình bằng nụ cười và hơi thở. Cho nên căn phòng gọi là phòng thở có thể mang lại nhiều lợi lạc cho mọi người trong gia đình.
Tôi đề nghị là chúng ta trang hoàng phòng thở cho thật giản dị, nhất là đừng sáng quá. Trong phòng có một cái chuông nhỏ, tiếng thật trong, một vài cái ghế hay nệm ngồi thiền, một bình hoa để nhắc nhở cho ta trở về cái bản lai diện mục của ta. Tự tay ta hay con cái ta có thể cắm bình hoa đó trong chánh niệm và với nụ cười. Khi nào ta cảm thấy trong người bần thần, khó chịu, ta biết rằng ta nên vào trong căn phòng ấy, mở nhẹ cánh cửa, ngồi xuống, thỉnh chuông và thở. Tiếng chuông không những chỉ giúp cho người đang ngồi trong phòng thở mà cả những người khác ở trong nhà.
Giả dụ ông nhà đang bực bội. Nhưng từ khi học được cách thở, ông ta biết tốt nhứt là nên đi vào phòng thở, ngồi xuống và thực tập. Có thể bạn không biết ông ta đi đâu. Bạn đang xắt cà rốt hơi mạnh tay, và qua cử chỉ đó, người ta biết bạn đang tức tối. Bất chợt bạn nghe tiếng chuông vang lên. Bạn liền ngừng tay xắt cà rốt và thở. Bạn cảm lòng nhẹ ra, và bạn mỉm cười. Bạn nghĩ đến đức ông chồng của bạn; bây giờ ông ta đã hiểu ông phải làm gì khi ông bắt đầu nổi nóng. Ông ta hiện đang ngồi trong phòng thở, vừa thở vừa mỉm cười. Điều đó tuyệt diệu lắm nhưng ít ai chịu làm. Bất chợt như có một cái gì thật dịu dàng thoáng qua trái tim và bạn cảm thấy lòng êm ả lại. Sau ba hơi thở, bạn bắt dầu xắt cà rốt trở lại, nhưng lần này không còn mạnh tay nữa.
Đứa con gái bạn, khi chứng kiến cảnh cải vã, biết rằng giông tố sắp nổi lên. Em rút vào phòng, đóng cửa lại, và im lặng chờ đợi. Bất chợt em nghe tiếng chuông vang lên. Em hiểu chuyện gì rồi. Em thở phào nhẹ nhỏm và muốn đi ra để tỏ lòng biết ơn ba em. Em đi chầm chậm về phía phòng thở, mở cửa phòng thật nhẹ nhàng, đi vào và im lặng ngồi xuống bên cạnh ba để ủng hộ ba. Hành động này rất khích lệ ba em. Ông đã định bước ra khỏi phòng, bây giờ ông đã có thể mỉm cười, nhưng vì có cô gái ngồi bên cạnh ông, ông muốn thỉnh thêm một tiêng chuông nữa cho con gái được thở.
Trong nhà bếp, khi bạn nghe tiếng chuông thứ hai, bạn liền ngừng tay xắt cà rốt. Bạn bỏ dao xuống và chầm chậm đi về phía phòng thở. Ông nhà biết là cánh cửa đang mở và bạn đang bước vào. Khi thấy bạn, ông ta cảm thấy khỏe lắm ròi, nhưng ông vẩn ngồi nán thêm một chút nữa, thỉnh thêm mộ tiếng chuông cho bạn thở. Hình ảnh đó thật đẹp. Nếu bạn là triệu phú, bạn có thể mua một bức tranh của Van Gogh để treo trong phòng khách. Nhưng tôi dám chắc bức tranh của Van Gogh chưa hẳn đã đẹp bằng hình ảnh của một gia đình đang xum họp trở lại trong phòng thở.
Cho nên cảnh hoà hợp hạnh phúc là một trong những hình ảnh đẹp và sống động nhất của sinh hoạt con người. Tôi biết có nhiều gia đình có con cái sau khi ăn sáng xong, vào phòng thở, thở mười hơi trước khi đi học. Con của bạn có thể thở chừng ba hơi cũng đủ. Bắt đầu một ngày bằng cách thở và mỉm cười để nuôi dưỡng chánh niệm thì còn gì tuyệt vời hơn. Cả gia đình sẽ được hưởng lợi lạc, và buổi chiều khi đi làm về, bạn vẫn còn giữ được nụ cười, chứng tỏ rằng chánh niệm còn có mặt.
Tôi nghĩ rằng mỗi gia đình nên có một phòng thở để thực tập những phương pháp đơn giản như thở và cười. Điều đó rất quan trọng. Bởi vì nó có thể thay đổi nền văn minh của chúng ta. Trong xã hội văn minh của ngày mai, nhà nào cũng sẽ có một phòng thở.
CUỘC HÀNH TRÌNH VẪN TIẾP TỤC
Chúng ta đã cùng nhau đi thiền hành trong chánh niệm, học thở và mỉm cười suốt ngày dù là ở nhà hay ở sở làm.
Chúng ta cũng đã thảo luận về việc ăn cơm có chánh niệm, rửa chén, lái xe, trả lời điện thoại và cắt cỏ với cái phảng. Dù là việc gì, chúng ta cũng làm trong chánh niệm, đó là nền tảng của một đời sống hạnh phúc.
Nhưng đối với những xúc cảm mạnh như là giận, buồn, hối hận hay tuyệt vọng thì ta phải đối phó như thế nào? Trong năm mươi năm qua, Tôi đã học được cũng như đã khám phá được một số những phương pháp để chuyển hoá và trị liệu những loại tâm sở này. Cuộc hành trình của chúng ta như vậy sẽ bước sang giai đoạn hai.