Sắc Và Hạt Qua Bài Kệ Của Thiền Sư Vạn Hạnh

16/03/201412:00 SA(Xem: 11289)
Sắc Và Hạt Qua Bài Kệ Của Thiền Sư Vạn Hạnh

SẮC VÀ HẠT “HẠ NGUYÊN TỬ”
qua bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

nuoc_tren_la_senNhiều năm về trước, tôi đã không đồng tình về nhiều dịch bản cũng như bình giải về bài kệ thơ “Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô...” trước khi thị tịch của thiền sư Vạn Hạnh. Dường như chưa có dịch giả nào đào xới cái vỉa quặng giáo pháp ẩn giấu kín đáo dưới 28 con chữ cô đọng của bài thất ngôn tứ tuyệt ấy. Tôi chờ đợi. Và cứ chờ đợi mãi xem thử có ai giải mã nó không. Hằng năm. Hằng chục năm như thế. Vẫn tăm bóng. Nghĩ mình vốn liếng chữ Hán bỏm bẻm không có bao nhiêu, và sự học Phật, nghiên cứu Thiền còn nhiều lỗ hổng kiến thức nên chưa dám đệ trình kiến giải chủ quan của mình ra trước thiên hạ. Sợ rằng kiến giải trình kiến giải, dụi mắt thì nó lại ra“quái” (1) như Tuệ Trung thượng sĩ nhạo báng chư trí thức thời ấy và Trần Thánh Tông cũng hạ bút đồng tình! Nay vì có nguyên nhân, có duyên sự nên tôi phải mạo lạm kiến giải. Nhân duyên như sau:

Thầy Phước Thành, trụ trì chùa Châu Lâm, Huế, nhà thư pháp Hán nổi tiếng đất Thần Kinh - vốn là bạn thân mấy chục năm của tôi, trước khi thị tịch mấy tháng, cứ viết mãi cái bài kệ thơ này, cả mấy chục bức. Và đệ tử của thầy nói rằng, không biết tại sao, riêng những bài này, những giọt mực, những giọt mực lại chảy... đọng; lại chảy... đọng, kỳ lạ lắm!

Đêm đó, tôi thao thức không ngủ được. Một phần, nhớ người bạn thâm tình rất “đạm”, đã trở thành “đồ cổ” trên cuộc đời, xót xa là không còn nữa, không tìm lại được; một phần là những giọt mực, những giọt mực... cứ ám ảnh mãi! Chợt dưng, bài kệ thơ xưa kiahiện ra, cứ tuần tự, tuần tự chảy... đọng, chảy... đọng trước mắt tôi! Và lạy Phật, lạy cả thiền sư Vạn Hạnh, qua cảm tính chủ quan, tôi hiểu ra, thấy rõ toàn bộ bài thơ ấy, cả hiển ngữ và mật ngữ. Nay thì xin chia sẻ cái kiến giải trong mộng ấy của mình; mong rằng chư thức giả, trí giả trên thế gian, không cười chê là quý hóa lắm rồi!

Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Bài kệ thơ này chẳng có chữ nào là khó hiểu, là mắc mỏ cả. Ai dịch cũng được! Chẳng có gì phải bàn nhiều! Đúng vậy! Dịch giả nào cũng nắm được cái khái quát!

Bây giờ ta hãy khảo sát từng câu một.

*Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô

Có một số vị đã dịch như sau:

- Thân như bóng chớp, có rồi không (Thanh Từ - Mạnh Thát - Ngô Tất Tố).
- Thân như sấm chớp, có rồi không (Nguyễn Lang).
- Thân như bóng chớp chiều tà (Mật Thể).
- Thân ta chớp nhoáng có rồi không (Nguyễn Đăng Thục).

Ta hãy xem! Chỉ có câu dịch áp cuối, thêm khái niệm chiều tà là có chất thơ; và vì chú trọng chất thơ nên nó đã đi hơi xa nguyên bản, đánh mất chữ có, không rất quan trọng của câu thơ. Còn như điện ảnh thì chẳng có cụm từ nào chính xác hơn bóng chớp, ánh chớp. Rồi, chớp nhoáng cũng đúng. Còn sấm chớp cũng tạm được nhưng rõ ràng trong nguyên tác không có sấm - nổ, động. Tuy nhiên, đấy chưa phải là điều để cho chúng ta khảo sát. Cái mà tôi muốn nói đến nhất, chính là chữ thân! Thân như bóng chớp! Cái thân nào như bóng chớp? Bóng chớp có nghĩa là lóe lên rồi mất, chớp nháy một cái rồi tắt! Điện chớp tắt! Cái thân chúng ta đây, thân xác sinh vật lý này, nó đâu có chớp nháy mất tiêu nhanh như vậy? Năm bảy chục năm mang vác trên cuộc đời cái thân nặng nề, bì cơm, đống thịt này rõ không phải là chớp nháy. Giả dụ vừa sinh ra liền chết ngay cũng không phải là chớp nháy! Vậy cái thân điện chớpVạn Hạnh muốn nói là cái thân nào kìa?

Thân, kāya. Có lần, tôi nhờ vị sư huynh học giả của tôi (2) lục tra Tam Tạng Pāḷi văn, xem thử chữ kāya ấy có tất thảy bao nhiêu nghĩa? Tôi hoảng hồn. Ổng gởi ra cho tôi suốt mấy trang giấy và giải thích khá rõ ràng 22 dụng nghĩa khác nhau của chữ kāya! Ví dụ, thân tâm, thân hơi thở, thân tâm sở, thân sắc, danh thân, thân tam uẩn tâm sở... Tuy nhiên, ở đây, ta sẽ không đi vào thế giới rắc rối ấy. Rõ ràng, Vạn Hạnh làm kệ thơ chứ không phải thuyết giảng những pháp cao siêu với chữ nghĩa thuần túy kinh điển. Vậy, cái thân đơn giản là cái thân này: Cái thân phải mặc áo, ăn cơm; cái thân mà đức Phật dạy ta phải quán thân bất tịnh với đầy đủ 32 thể trược. Tuy nhiên, cái thân ấy cũng không phải chớp nháy. Nó luôn lù lù ra đấy. Nó có già lão bệnh tử... tức là cũng phải trải qua thời gian, tiến trình... Còn chớp nháy là tức khắc kia mà!

Khảo sát hướng khác.

Thân này là thân sắc theo kiểu phân chia của ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc chính là thân sắc này. Thọ, tưởng, hành, thức là phần tâm (gồm tâm và tâm sở). Còn nếu chia hai cho gọn thì bên thân, bên tâm. Cái thân, cái thân sắc này lại là tổng hợp sắc. Và nếu là tổng hợp sắc thì bắt đầu nhiêu khê rồi.

Theo tạng Abhidhamma của Theravāda thì có 28 sắc, gồm 12 sắc thô và 16 sắc tế (3). Theo Duy thức, chúng có 11 (4). Nếu đúc kết, tóm gọn thì chỉ còn 03 (5). Tất cả những sắc này tạo nên nhân thânđời sống của chúng sanh. Và có một loại sắc chi phối tất cả sắc pháp chính là 4 tướng sắc, đấy là sinh khởi, an trú, lụi tàn (lão) và vô thường. Nếu sanh khởi (upaccaya),an trú (santati - trụ) chỉ được xem là sanh (jāti); thì chúng chỉ là cách nói: Sanh, trụ, diệt (vô thường). Tuổi thọ của 01 sắc pháp hữu vi, thường là 17 sát-na: Sanh 1 sát-na; già, tàn lụi (jaratā) 15 sát-na; diệt, hủy hoại 01 sát-na. Trong 28 sắc pháp, có 23 sắc pháp có tuổi thọ 17 sát-na; còn 5 sắc pháp (02 thân ngữ biểu và 03 sanh, già, diệt) chỉ tồn tại 01 sát-na... (6)

Đến đây, thân (sắc) như ánh chớp bắt đầu hiện ra. Thân sắc là tổng hợp của các sắc, mà đời sống của các sắc ấy chỉ được tính bằng những sát-na sanh diệt, không là ánh chớp, có rồi không là gì? Sát-na là đơn vị thời gian ngắn nhất, nhanh nhất; ở đâu đó có ví dụ rằng, một nháy mắt của chúng ta có 90 sát-na. Đã nhanh chưa? Chưa nhanh! Vì có một loại sắc, tượng hình đầu tiên khi thức tái sanh tìm gặp tinh cha, huyết mẹ thì được tính bằng tiểu sát-na. 01 sát-na có 03 tiểu sát-na. Tiểu sát-na đầu tiên là sắc do nghiệp sanh, tiểu sát-na thứ hai là sắc do thời tiết sanh (nóng, lạnh trong bụng mẹ)! (7) Kinh khiếp thật!

Ồ, chẳng lẽ nào vào thời Lý mà Vạn Hạnh cũng thấy được sắc này nên nói thân như điện ảnh hữu hoàn vô? Thấy chứ! Các vị tu thiềnnội quán thâm sâu đều thấy cả, từ cạn vào sâu, từ thô đến tế. Ví dụ người tu thiền quán Vipassanā thì lộ trình, tiến trình cái thấy ấy như sau:

- Trí phân biệt được đâu là danh pháp, đâu là sắc pháp.
- Trí thấy được mỗi danh pháp sanh, mỗi sắc pháp sanh.
- Trí thấy được mỗi danh pháp diệt, mỗi sắc pháp diệt.
- Trí thấy rõ sự sanh diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.
- Trí thấy rõ sự diệt mất liên tục của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.
- Vì thấy rõ sự diệt mất liên tục của danh pháp, sắc pháp - chúng rã tan, biến hoại rất nhanh nên hành giả cảm giác rất kinh khiếp, rất đáng sợ...
- Trí thấy rõ danh sắcthống khổ, nguy hiểm... như rắn độc, như lửa, như tên sát nhân, như mũi tên độc...
- Trí nhàm chán, muốn ly thoát danh sắc; muốn thoát ly sự tham lam, đam mê, chấp thủ... nơi mỗi danh, mỗi sắc.... Và từ đây, vị ấy mới “thật sự thấy rõ khổ đế” để tu tập lộ trình tâm thánh đạo.

Thời Lý, Trần - chúng ta không dám bàn các vị đã tu tập theo pháp môn nào, cái lộ trình ấy ra sao - nhưng chắc chắn một điều, các ngài đều có nội quán thâm sâu cả. Có định mới có tuệ, có định mới có thần thông. Vạn Hạnh, Không Lộ, Đạo Hạnh... đều có khả năng lạ lùng cả. Muốn có thần thông thì phải có định thâm sâu. Có định thâm sâu thì dễ dàng nội quán để thấy rõ sự sanh diệt của danh sắc. Có lẽ Vạn Hạnh có tu mật chú Đà-la-ni (8) để có định, có nhiều khả năng, phép lạ (thần thông), đồng thời, không phải ông chỉ tụng Tâm kinh Bát-nhã mà còn hiện quán để thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là không, mới thấy rõ chúng, chấm dứt tất cả khổ (quán chiếu ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách).

Đến đây, ta có thể biết Vạn Hạnh đã thấy rõ sắc này, cái sắc chớp nháy này, rồi không này - từ Bát-nhã tâm kinh do hiện quán thâm-bát-nhã (9) mà thấy. Cái sắc này, chính là cái đơn vị vật chất nhỏ nhất được gọi là hư trần,hạt bụi quá nhỏ đồng với hư không! Cái hạt bụi quá nhỏ đồng với hư không này còn chia 7 nữa, và 01/7 ấy là lân hư trần! Vậy lân hư trần đơn vị vật chất nhỏ nhất, là cái sắc nhỏ nhất. Đồng với cái thấy biết này, thời cổ đại Hy Lạp, triết gia Démocrite gọi nó là nguyên tử, là cái đơn vị vật chất nhỏ nhất; và với sự thấy biết hồi đó thì vật chất nhỏ nhất ấy - nguyên tử - nó bất hoại, nó có thực thể!

Còn nữa, sự khảo sát, tìm kiếm của chúng ta vẫn chưa dừng lại. Trong chúng ta, chắc có khá nhiều người biết là khoa học vật lý hiện đại đã tìm ra hạt “hạ nguyên tử”. Hạt “hạ nguyên tử” là cái gì vậy? Tôi không biết gì về nó cho lắm. Nhưng đọc sách, thấy có một giáo sư ngành vật lý đã nói như sau: “Đặc trưng của vật lý thế kỷ 20 là ngày càng đi sâu vào trong thế giới của kính hiển vi, của nguyên tử, của hạt nhân và các hạt tạo thành nhân” (10) Vậy, nguyên tử hóa ra không phải là đơn vị vật chất nhỏ nhất. “Nhờ kỹ thuật phức tạp mà nhà vật lý bước đầu tìm hiểu được cấu trúc của nguyên tử và nhận ra rằng, nó gồm có nhân và electron. Sau đó người ta ghi nhận nhân gồm có những hạt nucleon, đó là proton và neutron. Trong hai thập niên vừa qua, người ta đi thêm một bước nữa và bắt đầu tìm hiểu cấu trúc của nucleon, thành phần của nhân nguyên tử...” (11) Như thế, là các nhà khoa học vật lý ngày càng đi sâu vào thế giới vi mô, và cái gọi là vật chất nhỏ nhất ấy, những hạt hạ nguyên tử ấy, thời gian sống vô cùng ngắn, ít hơn cả một phần triệu giây đồng hồ! (12)

Đến đây, chúng ta cảm kích khoa học đã vất vả kiếm tìm mấy ngàn năm để giải mã giùm giáo pháp của đức Phật khi ngài nói, sắc tợ thủy bào (bọt nước)... Sắc không khác không, không không khác sắc, sắc là không, không là sắc. Chúng sinh diệt tương tục để tạo nên dòng sống. Là một tiến trình vận động như thể tính sóng của các hạt hạ nguyên tử. Khoa học cũng tìm ra sự vận động ấy là nội tại chứ không do tác nhân nào bên ngoài. Đến chỗ này thì Thượng Đế chết mất tiêu rồi, chẳng có chỗ nào mà ban ơn giáng phúc hoặc tác oai tác quái nhân loại nữa! Sự vận động nội tại, có thể là âm điện tử và dương điện tử. Lão tử thì nói, Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Dịch thì nói, thái cực sinh lưỡng nghi (âm dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng (thiếu âm, thái âm, thiếu dương, thái dương), bát quái... Hóa ra, Đông Tây đều giống nhau. Tây phương thì cần dụng cụ khoa học, đo lường, trắc nghiệm, kiểm chứng kỹ càng rồi mới có đáp án. Các ông hiền triết Đông phương thì bởi trực giác, bởi nội quán. Còn đức Phật thì sao? Ngài nói bằng tuệ giác thâm sâu. Ngài nói rằng, sự vận động nội tại ấy là Không Tính (suñnatā),duyên khởi nên Không!Không Tính nên vạn hữu hoạt động, vận hành, có rồi không, không rồi có, tương tục, miên tục; nhưng sát-na này không giống với sát-na kia; tự thân có sự biến đổi, chuyển hóa, thay đổi chất, thay đổi lực, cường độ... tốc độ... nhanh vô cùng là nhanh, nhanh đến độ sợ hãi, kinh hoàng, nhàm chán...

Các nhà khoa học vật lý đi sâu vào thế giới vi mô để tìm ra những hạt hạ nguyên tử để ứng dụng vào mọi lãnh vực của đời sống: Nhà máy điện hạt nhân, chíp điện tử, bom hạt nhân, gène sinh học... và còn nhiều nữa. Lợi có hại có. Còn đức Phật thấy rõ nó, không phải để triết lý, luận bàn... Nói sắc không khác không, không không khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc... là để mà làm gì đã chứ! Đâu phải nói vậy là để chứng tỏ Phật giáo không lạc hậu dù khoa học tiến bộ. Chúng ta sai rồi. Thấy sắc không,thọ tưởng hành thức cũng phải được thấy không như thế để giải thoát tất thảy mọi khổ đau, phiền não... thì mới đúng với tinh yếu của tuệ quán Vipassanā, kinh Đại niệm xứ hoặc kinh Bát-nhã. Có lẽ có người sẽ nghi ngờ điều này vì dễ gì thấy được sắc, thọ, tưởng, hành, thứckhông? Ồ, ai tu tuệ quán thì thấy chúng không ngay tức khắc, giải thoát khổ đau, phiền não ngay tức khắc! Tất cả sắc - trong tổng hợp sắc - thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, địa, hỏa, phong, co tay, duỗi chân, nói, cười, đi, đứng... chúng đều là sắc cả. Sắc này không ở trong, không ở ngoài, mà chúng là duyên khởi (căn, trần, thức - thấy sắc) nên không, nên vô ngã tính, không có thực tính! (13) Mà sắc này chúng đều là sóng hay hạt, là năng lượng, thoáng cái là mất tiêu trong chớp nháy. Môt tiếng chửi thoáng qua (âm thanh - sắc), tan mất, thế mà chúng ta lại bực mình vì tiếng chửi ấy, rồi khổ! Như vậy, chúng ta khổ là vì không thấy đúng theo định luật tự nhiên của pháp: Nó đến rồi nó đi, nó sinh thì nó diệt! Do chấp thủ. Do mình nghĩ nhưng bản lai nó là không! Không này là không tính,duyên khởi nên nó có rồi không, không rồi có tương tục mà sinh ra dòng vận hóa. Và ví dụ, khi đã bực mình về tiếng chưởi rồi, là thọ, thì thọ ấy cũng sinh diệt, là duyên khởi nên không. Người tu thiền Vipassanā chỉ cần trực thức, tỉnh táo niệm: Bực mình à! Bực mình à! Thế thôi, là nó đi, là chấm dứt khổ!

Như vậy, sắc là không, không là sắc là hệ luận được rút ra từ chân lý duyên khởi, để mà tu tập, để mà hiện quán, để mà thấy để thoát khổ - chứ không phải là một loại triết lý, lại càng không phải để giải thích vũ trụ quan! Ai cũng có thể nói, đạo Phật là đạo không không sắc sắc chính là ở chỗ này đây! (14) Vạn Hạnh cũng thế. Khi thiền sư thấy sắc là chớp nháy, có rồi không... ông làm gì nữa?

Đến đây, chúng ta khảo sát câu thứ hai:

* Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô!

Các vị đã dịch là:

- Cây cỏ xuân tươi, thu não nùng (Mạnh Thát)
- Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng (Thanh Từ)
- Cây cối xuân tươi, thu héo hon (Nguyễn Lang)
- Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời (Mật Thể)
- Cây cối xuân tươi, thu não nùng (Ngô Tất Tố)
- Cây cỏ xuân tươi, héo thu đông (Nguyễn Đăng Thục).

Sau khi hiện quán thấy cái sắc thân này chớp nháy, có rồi không, Vạn Hạnh muốn bổ túc, muốn nói rộng ra cho mọi người cùng hiểu - là ở câu thứ hai này. Vậy đó, ông nói, không phải chỉ nơi bản thân ta, phải thấy đúng bản chất như thực của pháp, đúng với định luật tự nhiên của pháp - mà thiên nhiên ngoại vật cũng phải được thấy đúng như thế. Kìa! Hãy xem! Mùa xuân thì vạn mộc (cây cỏ) sinh trưởng xanh tươi - nhưng đến mùa thu thì chúng khô, vàng, úa rã, tàn tạ... Vậy, xuân vinh, thu khôđịnh luật tất yếu của đất trời; chúng cũng sinh trụ diệt... như cái sắc thân này chớ có khác gì! Phải hiện quán như thế, thấy đúng như thế, chẳng thủ mà cũng chẳng xả. Ai mà để cho thất tình, lục dục của mình vào đấy để vui, để buồn, để giận, để thương thì quả thậtvô duyên!

Vậy, cái vỉa quặng giáo pháp đã lộ rõ: Hãy để cho pháp giới vận hành tự nhiên theo định luật của chúng (15). Đến đây, chắc ai cũng thấy rõ, thu hựu khô mà dịch là thu não nùng, thu đượm hồng, thu rụng rời... là đã để cảm xúc riêng tư của mình trùm lên cái tự nhiên tánh của pháp giới! Héo thu đông thì thừa chữ đông, đánh mất cân đối ý trong câu. Thu héo hon thì tàm tạm nhưng cũng đã có nhấp nháy, đã có dấu hiệu, đã có tín hiệu đan xen cảm tính chủ quan của mình vào trong đó rồi!

Sau khi hiện quán các pháp trong, ngoài đúng như thực tướng rồi, Vạn Hạnh muốn nói gì nữa? Ta hãy khảo sát câu thứ 3:

* Nhậm vận thịnh suy vô bố úy.

Các vị dịch:

- Theo vận thịnh suy không sợ hãi (Mạnh Thát).
- Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi (Thanh Từ)
- Nhìn cuộc thịnh suy không sợ hãi (Nguyễn Lang)
- Sá chi suy thịnh cuộc đời (Mật Thể).
- Tùy vận thản nhiên khi lên xuống (Nguyễn Đăng Thục).
- Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi (Ngô Tất Tố).

Ai dịch cũng nắm được cái khái quát của ngữ nghĩa, không có gì đáng để phàn nàn. Tuy nhiên, tôi muốn bàn đến chữ quan trọng nhất trong câu là nhậm vận.

*Nhiệm, nhậm đều giống nhau về chữ và nghĩa (Thời Nguyễn, Tự Đức, vì cử tên Hồng Nhậm của ông mà người ta phải đọc nhiệm). Các từ, tự điển đều giải thích nhậm gánh vác, đảm trách, tín nhiệm, chịu đựng, dùng, mặc kệ... (Nguyễn Văn Khôn). Nơi khác là: Dốc lòng thành, chịu, gánh vác, chịu lấy, việc, dùng, mặc...(Thiều Chửu). Nơi khác: Ôm, đội, gánh vác, mặc kệ, để mặc (Bửu Kế). Còn những nơi khác thì cũng tương tự (như Vĩnh Cao - Nguyễn Phố), nhưng phải được dùng theo nghĩa động từ chứ không phải danh từ.

*Vận,chở, chuyển đi, dời đi, xoay vần, khí số, sử dụng... (Nguyễn Văn Khôn). Là chuyển động, xoay vần, khí số, sử dụng (Bửu Kế).xoay vần, dời chuyển, chở đi... (động từ); sự biến chuyển rủi may, tốt xấu ...(danh từ ) tương tợ như khí số ở trên (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố).xoay vần, vận số tốt xấu...(Thiều Chửu).

Đến đây thì ta phải hiểu Vạn Hạnh muốn nói là, sau khi chúng ta hiện quán thấy pháp giới như thị, pháp nhĩ như thị theo luật tắc chung của những định luật vũ trụ thì việc thịnh suy trên cuộc đời này cũng phải được nhìn ngắm như thế, có gì phải sợ hãi? Đừng vì thịnh, trưởngvui mừng; cũng đừng thấy suy, phế mà buồn bã. Tất cả đều tùy thuộc vận, khí, số, thời (biệt nghiệp, cộng nghiệp, nội duyên, ngoại duyên) chúng quyết định, chúng sẽ có luật tắc riêng của chúng. Phải chủ động, phải có trách nhiệm, phải gánh vác, phải nắm lấy cái vận, khí, số, thời ấy trong tay mình mà hoạt dụng, mà quyền biến - dù nó suy hay thịnh... Đến ngang đây, chúng ta thấy các vị dịch đều đúng cả: Theo vận, mặc cuộc, nhìn cuộc, sá chi, tùy vận... đều đúng cả; nhưng có một điều đáng tiếc. Đáng tiếc là, nếu theo, nhìn, tùy... thì chúng thiếu yếu tố tích cực! Còn mặc, sá... thì có nghĩa tích cực, nhưng chỉ tích cực có một nửa! Lại còn có vẻ phó mặc chúng, kệ chúng - mà theo thiển nghĩ, vị thiền sư tu hành đạo cao mà dung cả tam tế (16) như Vạn Hạnh - ngài không nói như thế, không có thái độ như thế trong phong cách hành xử hoặc ngôn ngữ của mình đâu! Bất cứ câu thơ dịch nào từ xưa đến nay đều đã bỏ quên nghĩa tích cực toàn phần - là chủ động, là nắm lấy chúng trong tay mình mà tùy nghi, tùy thời, tùy duyên, tùy việc! Như thế, cái vỉa quặng giáo pháp tùy pháp, thuận pháp đã hiện ra - như mọi người đều đã hiểu - tuy nhiên, phải thêm cái nghĩa đảm nhận, gánh vác, đại dụng hiện tiền quyền tại thủ nữa mới nói lên hết nghĩa tích cực của nó. Và chính câu 3 này, mới nói lên được triết lý hành động, thái độ nhập thế tích cực của ông: Làm tất cả mọi sự, giúp vua, giúp nước, dạy dỗ đồ chúngtâm không cần dính vào đâu cả (17). Mặc dầu thấy thân vô thường, cảnh vô thường nhưng trước việc thịnh suy thành bại, tâm thiền gia vẫn "vô bố úy", vẫn trạm nhiên bất động, vẫn an nhiên làm mọi sự trong thế giới có-không, sinh-diệt ấy.

Đến chỗ này thì cho chúng tôi xin được bàn xa một chút về giáo pháp.

Trong kinh điển gần với Nguyên thủy nhất, như Theravāda - tu tập Vipassanā, khi hiện quán danh, sắc (như các trí đã nói ở trên) - khi thấy chúng sanh diệt nhanh quá, hành giả đâm ra sợ hãi, nhàm chán, khởi tâm xuất ly chúng, yểm ly chúng. Lưu ý, đây chỉ là tiến trình trên lộ trình thánh đạo. Vì nhờ khởi tâm yểm ly chúng, xuất ly chúng, nhàm chán chúng (18), hành giả mới có được cái trí muốn giải thoát, gọi là “dục giải thoát trí”(muñcitukamyatāñāṇa), sau đó mới có được trí phân tích (paṭisaṅkhāñāṅna), rồi trí hành xả (saṅkhārupekkhāñāṇa). Trí hành xả là vì sau khi thấy mọi danh sắc đều có trạng thái vô thường, dukkha (19) vô ngã - nên giữ được tâm bình đẳng, trạm nhiên đối với tất cả pháp hữu vi, không tham ái mà cũng không chán ghét chúng. Đây là trí quân bình tuyệt hảo, để từ đó nhìn đúng, thấy đúng thực tướng của danh sắc, không chấp thủ bên này, không chấp thủ bên kia, đúng như câu kệ Pháp cú: Không bờ này, bờ kia; cả hai bờ không có; lìa khổ không trói buộc; ta gọi Bà-la-môn! Và từ đó, tùy duyênhóa độ chúng sanh. Cũng vậy, người tu Vipassanā tương tợ như Vạn Hạnh, sau khi thấy rõ tất cả đều vô thường, sanh diệt thì không còn sợ hãi chúng nữa mà nắm chúng trong tay, thuận pháp, tùy pháp để giúp ích cho con người, cho cuộc đời! (20)

Thế là chúng ta đã đi qua được 3 câu, còn câu thứ tư nữa.

* Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Các vị dịch:

- Thịnh suy đầu cỏ tựa phơi sương (Mạnh Thát)
- Thịnh suy như cỏ hạt sương đông (Thanh Từ)
- Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương hồng (Nguyễn Lang)
- Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành (Mật Thể)
- Xuống lên ngọn cỏ hạt sương trong (Nguyễn Đăng Thục)
- Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông (Ngô Tất Tố).

Cái khái quát thì nó vậy. Tuy nhiên, thú vị nhất trong câu này là chữ lộ mà ai cũng nghĩ là sương, là hạt sương, giọt sương...(như Từ điển Nguyễn Văn Khôn); cho nên ai cũng dịch là sương cả. Ta thử đi qua một số từ và tự điển. Lộ hạt móc - những hạt hơi nước rơi xuống lúc ban đêm mát trời (Bửu Kế). Lộ: Móc. Hơi nước gần mặt đất, đêm bám vào cây cỏ, gặp khí lạnh tụ lại từng giọt gọi là móc (Thiều Chửu). Lộ: Móc. Cây cỏ đất đá trên mặt đất nhân khí nóng mà bức xạ, lại gặp lạnh đến quá mau, khiến không khí khi tiếp xúc với chúng bị ngưng kết thành hạt nước bám vào chúng gọi là móc. Chỗ này, tác giả (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố) còn chịu khó dẫn câu thơ của Đỗ Phủ: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm (Những hạt móc như ngọc rơi rụng trong rừng cây phong). Như vậy là đã rõ, lộhạt móc. Móc khác với sương. Móc thì đọng lại còn sương thì lay bay. Thịnh suy giống như hạt móc phô trên đầu ngọn cỏ. Đây là cái nhìn trạm nhiên, thanh tịnh, đúng như hiện thực đang là. Chúng sao thì nói vậy chứ không có nghĩa đẹp (sương hồng) cũng chưa có ý định nói là nó rơi (sương rơi đầu cành). Chúng ta hãy nhìn hạt móc trên đầu ngọn cỏ (thảo đầu) thử xem. Nó có đấy chứ. Nó có đấy nhưng mong manh làm sao. Nó có đấy nhưng không biết sẽ rơi lúc nào, sự sống của nó ngắn ngủi lắm. Chỉ cần một vệt nắng, một làn gió, một chiếc lá rơi khẽ, một con chim lơ đễnh đụng nhằm (ngoại duyên) thì nó tan ngay! đó là không đó ngay. Thịnh, có đó chứ! Suy, có đó chứ! Nhưng thoáng chốc thôi - khi vận, lực, số, khí, thời... chuyển đổi, duyên khởi liên tục, vận hóa liên tục, cái này sang cái kia... như Lão Tử nói: Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu! Hoặc Dịch nói, cực âm, quá độ thái âm là thiếu dương, thiếu dương rồi thái dương, thái dương rồi thiếu âm! Chúng luôn luôn đi tìm sự quân bình - nhưng nếu quân bình thì vũ trụ sẽ ngưng dứt, tuyệt đối tĩnh chỉ, diệt vong! Đông Tây người ta đều hiểu điều này, ví như thuyết bảo toàn năng lượng! Định luật tâm, định luật pháp đều như thế. Cũng vậy, không những thịnh suy, mà tất thảy pháp hữu vi khác trên thế gian đều phải chịu chung định luật sinh diệt, có không tất yếu ấy!

Viết đến ngang đây tôi cảm giác có cái gì đó lành lạnh như cơn gió hư vô thổi qua: Cái thân sắc chớp nháy của mình đây và cả những được mất, thành bại, hơn thua trên cuộc đời này - như hạt móc phơi trên đầu ngọn cỏ kia không biết sẽ rơi rụng lúc nào? Ôi! Cái tầng ngữ nghĩa ẩn giấu bên dưới 28 con chữ, mà sao dạy cho người đời, cho hậu thế quá nhiều điều đến vậy? Chỉ một cái sắc chớp nháyVạn Hạnh đã nói được toàn bộ giáo pháp, đồng thời, đưa ra được triết lý hành động, nhập thế tích cực của mình nữa. Tri và hành là một. Vạn Hạnh muốn nhắn gởi với hậu học trước lúc ra đi - bằng ngôn giáo, thân hành suốt cuộc đời: Thấy cái sắc chớp nháy để giải thoát tất cả khổ và rồi chính mình đã làm một vị kiến trúc sư xây dựng triều đại nhà Lý, phụng sự suốt ba đời vua, đưa xã hộicon người sống cuộc đời thuần từ, hiền thiện - không là điều đáng cho thời đại này phải đăm chiêu, suy gẫm một chút xíu hay sao?

Ôi! Cũng là sắc ấy, bây giờ là hạt hạ nguyên tử, khoa học đã khổ công tìm kiếm, nhưng mục đích dường như hoàn toàn lệch chiều, sai hướng. Đạo Phật hướng nội, khoa học hướng ngoại. Cái sắc hướng nội để thoát khổ. Hạt hạ nguyên tử hướng ngoại hầu chinh phục, sử dụng thế giới vi mô nhằm phụng sự văn minh. Chúng ta không thể phủ bác những giá trị to lớn do khoa học đem lại cho xã hội, cho con người... nhưng mà sao nó đáng sợ đến thế! Tiện nghi, vật chất xa hoa, hào nhoáng, sung mãn quá thì con người sẽ tha hóa, sẽ đam mê vật chấtbỏ quên các giá trị tinh thần (văn hóatâm linh)! Nguy hại nhất là cả hành tinh đều bị ô nhiễm. Và kinh khiếp nhất là chỉ cần một nút bấm là nhân loại sẽ diệt vong...

Nói tóm lại, 4 câu kệ của thiền sư Vạn Hạnh không những có giá trị văn học, thiền học, mỹ học mà còn hơn thế nữa... là cả một nền tảng tâm linh cho người học Phật và cả thế gian nương tựa. Bài thơ đẹp và kỳ vĩ quá! Và ai dịch cũng được cả. Được ở chỗ, ai cũng hiểu điều Trang Tử nói, được cá quên nơm, lấy ý quên lời! Tôi cũng không thể dịch khác, dịch hay hơn được. Chỉ mong rằng, có nhà thơ nào đó, có cách dụng ngữ tài hoa hãy dịch nó sát nghĩa, gần với giáo pháp hơn một chút là quý lắm rồi! Trân trọng!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Chú thích:

(1) Tuệ Trung: Kiến giải trình kiến giải. Tự niết mục tác quái

(2) Là sư Hộ Pháp, ở Thiền Viện Viên Không, xã Tóc Tiên, núi Dinh - Bà Rịa, Vũng Tàu.

(3) 12 sắc thô: Mắt, tai, mũi. lưỡi, thân và 7 sắc đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, địa, hỏa, phong). 16 sắc tế: 02 bản tánh sắc (nam, nữ), 01 thủy sắc (kết dính), 01 ý căn sắc (cứ điểm cho tâm nương tựa), 01 mạng căn sắc, 01 thực sắc (ăn uống), 01 hư không sắc (khoảng không giữa các sắc), 02 thân, ngữ biểu sắc (cử động, nói năng), 03 biến hóa sắc ( biến đổi của sắc - nhẹ nhàng, mềm mại, thích ứng), 04 tướng sắc (sinh khởi, an trú, lụi tàn, vô thường).

(4) Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

(5) 01 hiển sắc (biểu lộ rõ ràng cho con mắt thấy), 01 hình sắc (hình thể, khối lượng), 01 biểu sắc (biểu lộ ra bên ngoài như co duỗi, nói năng, vui buồn...; chúng sinh diệt tương tục).

(6) Ghi chú thêm: Một danh pháp - một niệm - phát sanh nhanh hơn sắc pháp 17 lần.

(7) Có 18 sắc do nghiệp sanh, 15 sắc do tâm sanh, 13 sắc do thời tiết sanh, 12 sắc do vật thực.

(8) Bia ký người ta tìm được tại Hoa Lư, nhà Đinh, đã có các kinh văn Đà-la-ni này.

(9) Gambhīra-paññā (trí tuệ thâm sâu).

(10) Trang 236 - Đạo của Vật lý - Fritjof Capra, Nguyễn Tường Bách biên dịch, NXB Trẻ, 2001.

(11) Trang 237, Sđd.

(12) Trang 243, Sđd.

((13) Ví dụ cái biết của con mắt (nhãn thức). Theo Phật giáo, không có cái biết của con mắt nếu khôngnhãn căn và trần (đối tượng). Căn trần cũng chưa đủ, phải có ánh sáng, tiếp xúc, hướng tâm, cảm thọ, tri giác, chủ ý... tức là cần nhiều yếu tố tác hợp, cả một vận hành duyên khởi.

(14) Có một loại sắc do tưởng mà có. Ví dụ, hôm qua mình giận một người, hôm nay vừa tưởng nghĩ đến người ấy (sắc - sắc quá khứ) thì cơn giận nổi lên. Nếu hiện quán thì sắc ấy không có trong hiện tại, chỉ do tưởng mà hình thành; sắc ấy vốn không có mà mình lại khổ, kỳ quá chứ? Hình ảnh, mùi vị, âm thanh...(sắc) quá khứ, vị lai đều như vậy cả. Chúng ta khổ là vì thấy sai với chân lý.

(15) Có 5 định luật. Thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma), thế giới sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma), về pháp (dhammaniyāma), về tâm (cittaniyāma), về nghiệp (kammaniyāma).

(16) Bài kệ truy tặng Vạn Hạnh của Lý Nhân Tông: “ Vạn Hạnh dung tam tế. Chơn phù cổ sấm ky. Hương quan danh Cổ Pháp. Trụ tích trấn vương kỳ”.

(17) Vạn Hạnh dặn dò đệ tử trước giờ thị tịch: “Thầy không lấy chỗ trụ để trụ, không nương vào chỗ không trụ để trụ”.

(18) Chứ không phải nghĩ oan cho các vị A-la-hán khi nói rằng: Các ngài nhàm chán sinh tử, sợ hãi sinh tử nên muốn ly thoát sinh tử.

(19) Dukkha thường được dịch là khổ, không nói hết nội hàm của nó. Tóm tắt, nó có 3 nghĩa chính. Một, tất cả những biến đổi về sinh vật lý cơ thể, đưa đến mệt mỏi, đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong... Hai, những biến đổi, thay đổi các tâm trạng, tâm lý, như: Khổ lạc, thương ghét, buồn vui, uất ức, sầu muộn, chán nản, ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng, hận thù... Ba, là cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn, đáng khinh miệt, hư vô, trống rỗng, ảo ảnh, khó nắm bắt.

(20) Nhiều người hiểu lầm khi nói rằng, A-la-hán chứng được ngã không nhưng còn chấp pháp. Quả là quá ngây thơ. Tu Tứ niệm xứ, Vipassanā quán ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi, ngã và pháp - thì tất cả chúng đều không, (duyên khởi nên không, vô ngã); ý niệm về giải thoát cuối cùng cũng không dính mắc. Lại còn nói rằng A-la-hán tu Tứ Đế, Duyên Giác tu Thập nhị duyên khởi. Lại càng ngây thơ hơn nữa. Vì cả ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi đều nằm trọn vẹn nơi Tập Đế - chúng chính là nguyên nhân tất cả khổ, không hiện quán chúng thì không thể giải thoát các khổ được. Lại nữa, Đức Phật, Duyên Giác hay A-la-hán đều phải tu Tứ Đế; và ai cũng phải quán ngũ uẩn, duyên khởi cả, sâu hay cạn mà thôi! (Kinh Chuyển Pháp Luân).

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/11/2016(Xem: 23393)
04/10/2017(Xem: 9742)
05/12/2010(Xem: 33205)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.