TRẦN TUNG VỊ TƯỚNG, NHÀ THIỀN HỌC, NHÀ THƠ Trần Mỹ Giống
"Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì cùng tên với Thượng phụ (Trần Thủ Độ), Tung đổi thành Thúc Cao vì cùng tên với Hưng Ninh Vương ( con trưởng của An Ninh Vương )". (1) Qua lời bình trên (ngoại trừ tước hiệu An Ninh Vương không đúng với tước hiệu An Sinh Vương của Trần Liễu) đã chứng tỏ Trần Tung là một nhân vật được vua Trần Minh Tông hết sức tôn kính. Chắc chắn Trần Tung phải là người có tài đức, công lao to lớn mới được vua kính trọng như vậy. Do không tìm thấy một tài liệu Việt sử nào viết về Trần Tung nên nhiều tài liệu viết về ông gần đây thường nhầm lẫn ông với Trần Quốc Tảng. Trong cuốn “Hoàng Việt văn tuyển”, không rõ vì lý do gì hay căn cứ vào tài liệu nào mà Bùi Huy Bích lại cho rằng Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Quốc Tảng, tác giả của “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” cũng là Trần Quốc Tảng (2). Chúng ta dễ dàng nhận ra kết luận trên của Bùi Huy Bích là sai lầm, vì Tuệ Trung Thượng Sĩ mất năm 1291, còn Trần Quốc Tảng mãi năm 1313 mới qua đời. Từ sai lầm của một học giả nổi tiếng cách đây trên 200 năm đã làm nhiều người sau này tin theo mà lặp lại sai lầm đó. Chẳng hạn, cuốn “Lược truyện tác gia Việt Nam” (nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1972, tập 1), cuốn “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam” (nhà xuất bản Văn học, 1976, tập 2)... đều cho rằng bài “Phóng cuồng ngâm” và toàn bộ sáng tác của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” là của Trần Quốc Tảng (3). Gần đây, cuốn “Tuệ Trung nhân sĩ, thượng sĩ, thi sĩ” của Nguyễn Duy Hinh (nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1998) cho rằng Tuệ Trung và Trần Tung có thể là hai nhân vật khác nhau(4). Trong cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992), tác giả Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế khẳng định Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là Trần Tung chứ không phải là Trần Quốc Tảng, nhưng các tác giả này lại thừa nhận bài “Phóng cuồng ca” (tức “Phóng cuồng ngâm” ) là của Trần Quốc Tảng (5). Đa số các tài liệu và công trình nghiên cứu khác về Trần Tung đều kết luận Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Tung, bài “Phóng cuồng ngâm” và các sáng tác khác của ông trong “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” cũng là của Trần Tung, như: “Thơ văn Lý Trần” (nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1988, tập 2, quyển thượng), “Từ điển văn học” (nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1984, tập 2), “Trần Tung một gương mặt lạ trong làng thơ Thiền Lý - Trần” (của Nguyễn Huệ Chi, Tạp chí Văn học số 4 năm 1977)... (6) Theo “Thượng Sĩ hành trạng” (8) của Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Tung) là con An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu, bác ruột Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, anh rể vua Trần Thánh Tông. Ông là người có phẩm chất cao sáng, thuần hậu, từ nhỏ đã tỏ ra yêu mến đạo Phật. Vốn dòng tôn thất nên ngay từ khi còn trẻ ông đã được cử coi giữ đất Hồng Lộ (thuộc Hải Dương ngày nay). Năm 1251 cha ông là Trần Liễu mất, Thượng Hoàng Trần Thái Tông cảm nghĩa đã ban cho ông tước Hưng Ninh Vương. Hưng Ninh Vương Trần Tung là người có nhiều công lao trong kháng chiến chống Nguyên Mông, lần hồi được phong đến chức Tiết độ sứ. Theo “Nguyên sử”, trong cuộc xâm lăng nước ta lần thứ hai của quân Mông Cổ (1285), vào ngày 10 tháng 6, khi Thoát Hoan thất thế bắt đầu rút chạy khỏi bờ bắc sông Hồng, Hưng Ninh Vương Trần Tung đã cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đem hai vạn quân đón đánh địch, kịch chiến với tướng giặc Lưu Thế Anh và truy kích Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1287 - 1288), Trần Tung từng nhiều lần làm nhiệm vụ sứ giả, thay mặt vua Trần, tới lui nơi trại giặc, thương thuyết với chúng, hoặc giả cách cầu hoà, làm tinh thần chúng mỏi mệt, tạo điều kiện cho quân ta tập kích giành thắng lợi. Lê Trắc đã phải thừa nhận trong “An Nam chí lược” (9) như sau: "Tháng hai năm Mậu tý (1288) thế tử (Đại Việt) phái người anh con bác ruột là Hưng Ninh Vương Trần Tung nhiều lần tới ước hẹn việc đầu hàng, cốt làm cho quân ta mỏi mệt, rồi ban đêm cho quân cảm tử tới cướp doanh trại " ... Rõ ràng các tài liệu trên đã khẳng định Trần Tung là một tướng lĩnh có tài, một nhà ngoại giao đắc lực của nhà Trần, có nhiều đóng góp vào chiến thắng Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba. Sau đại thắng Nguyên Mông, Trần Tung được phong làm Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay). Không lâu sau, ông bỏ chức tước để trở về ấp Tịnh Bang (thuộc làng Yên Quảng, huyện Vĩnh Lại) lập ra Dưỡng Chân trang làm nơi toạ Thiền, tu Phật. Có lẽ việc ông bỏ chức tước đi theo đạo Phật là nguyên cớ để các sử gia không nhắc tới công lao của ông trong “Đại Việt sử ký toàn thư” . Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” được hoàn thành chủ yếu vào thế kỷ 15 là thế kỷ độc tôn của Nho giáo. Với thái độ "Bài Phật", các sử gia đã thể hiện sự chê trách của mình đối với Trần Tung cùng tư tưởng vượt ra ngoài quỹ đạo nhà Nho của ông, bằng cách không nhắc đến ông trong khi viết sử. Điều này dễ hiểu, vì ngay cả đối với vua Trần Nhân Tông vào những năm cuối đời bỏ ngôi báu ra đi cũng bị các sử gia lên án, huống hồ là Trần Tung. Nho gia ghét bỏ Trần Tung, nhưng Phật gia lại hết lời ca ngợi ông. Từ vị Tiết độ sứ, Hưng Ninh Vương Trần Tung sớm trở thành Tuệ Trung Thượng Sĩ, một ngôi sao sáng trên bầu trời thiền Việt Nam. Tuệ Trung Thượng Sĩ là học trò xuất sắc của Thiền sư Tiêu Diêu. Tiêu Diêu thiền sư còn gọi là Phúc Đường đại sư, cư trú ở Phúc Đường tinh xá (chưa rõ ở đâu) là một thiền sư nổi tiếng thời Lý. Ông là đệ tử của ứng Thuận phái Vô Ngôn Thông, đồng thời là người thừa kế thiền sư Đại Đăng, tổ thứ ba chùa Hoa Yên núi Yên Tử (xem “Thuyền Uyển tập anh” ) (10). Trần Tung rất mực cung kính, khâm phục thiền sư Tiêu Diêu: Tu tri thế hữu nhân trung Phật Nên biết trong đời sinh đức Phật ( Đỗ Văn Hỷ dịch). Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tiếp thu được mọi nguyên lý sâu xa, vi diệu nhất của Thiền học từ sư phụ Tiêu Diêu, rồi truyền dạy lại cho Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế Tuệ Trung Thượng Sĩ được coi là người tiên phong của phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Tuệ Trung Thượng Sĩ là một nhà thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không giáo điều sách vở. Ông tu Phật nhưng không xuất gia, không toạ thiền, không trì giới, không ăn chay, không cầu thành Phật, không thuyết pháp... mà "hoà quang đồng trần" (cùng thế tục hoà sáng), sống "hoà lẫn với thói thường chứ không làm ra cách trái hẳn với người đời", "cứ tuỳ cái tính tự nhiên của mình mà làm chứ không câu chấp ở cái danh" (Thượng Sĩ hành trạng). Không ăn chay, không trì giới đối với người tu Phật là thái độ trái với truyền thống giáo điều mà các tín đồ không thể hiểu nổi. Khi thấy trong khi dự tiệc, Tuệ Trung Thượng Sĩ gặp thịt cứ ăn, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: "Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?" Câu trả lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ sau đây đã thể hiện rõ tinh thần tự do, độc lập trong nhận thức sự vật ở chính sự vật chứ không lệ thuộc vào bất cứ tín điều nào: "Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh dã bất yếu tố Phật, Phật dã bất yếu tố huynh. Bất kiến cổ đức đạo: "Văn Thù tự Văn Thù, giải thoát tự giải thoát ?" (Phật là Phật, anh là anh. Anh không cầu làm Phật, Phật không cầu làm anh. Chẳng thấy các bậc đại đức xưa nói: "Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát" đó sao?) (11) Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tuệ Trung Thượng Sĩ là người đầu tiên đưa ra khái niệm “bản thể”, một khái niệm mà ngày nay triết học Đông Tây thường nói tới. Bản thể luận (bàn về nguồn gốc sự vật) là vấn đề ông thường thể hiện trong sáng tác của mình. Theo ông, bản thể là KHÔNG. Mọi hiện tượng, sự vật trong tự nhiên và xã hội đều là những khái niệm không phản ánh được thực chất của vạn pháp, chỉ là ước định của người đời mà thôi. Từ bản thể KHÔNG sẽ xuất hiện ảo hoá, vô minh mà phân thành nhị kiến. Bởi nhị kiến mà xuất hiện mọi thứ : sinh tử, mê ngộ, phàm thánh, chân vọng, sắc không, phải trái... Do nhị kiến mà kiến giải cũng thiên lệch. Nếu lấy kiến giải để trình kiến giải thì lại càng sai lệch hơn: Kiến giải trình kiến giải Kiến giải bày kiến giải Con người muốn nhận thức đúng sự vật phải xoá bỏ vô minh, mà thủ tiêu nhị kiến thì vô minh tự diệt. Cho nên Tuệ Trung Thượng Sĩ chủ trương "vong nhị kiến". Để diệt nhị kiến, ông đưa ra phương pháp phá chấp. Muốn giác ngộ tới chân lý tối hậu phải tự tìm hiểu, phải có tâm hồn trẻ thơ không thiên không lệch. Khi đã giác ngộ, lại trở về với tồn nhiên như nhiên, trở về với không (vô). Có người chấp vào kinh sách mà hỏi ông : " Sắc tức thị không, không tức thị sắc" (Sắc là không, không là sắc) là thế nào? " Ông trả lời: "Sắc bản vô không, không bản vô sắc" (Sắc vốn chẳng phải không, không vốn không phải sắc). Theo ông, kinh điển chỉ là phương tiện mà thôi và ông khuyên mọi người: Đừng gánh nặng hai vai Tư tưởng Thiền tông của Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng thể hiện ở mệnh đề "Tức tâm, tức Phật". Tâm, không thể nói được; Phật, không thể thấy được. Tâm và Phật quan hệ mật thiết với nhau, hễ có cái này thì cũng có cái kia, hễ cái này mất thì cái kia cũng mất. Bản thể của Tâm không tướng, không hình, không nhìn thấy được. Nếu muốn biết bộ mặt thật của Tâm thì thật là chuyện nực cười. Ông khuyên mọi người không nên tìm Tâm ở ngoài ta, bởi vì Phật trong ta. Đó chính là Tâm ta vậy: Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm Tâm của muôn loài tức Phật tâm Một khi tâm con người bao dung, mở rộng, chứa được tâm của vạn pháp, đạt được tâm Phật là giác ngộ, là giải thoát. Sinh tử là vấn đề quan trọng nhất trong nhân sinh quan của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ông cho rằng sinh tử đều là vọng (không chân thực), chỉ là nhận thức sai lầm mà thôi. Sinh tử phụ thuộc vào Tâm : Tâm sinh thì sinh tử sinh, Tâm diệt thì sinh tử diệt. Sinh tử vốn không có tự tính. Sinh tử cũng tuân theo quy luật tự nhiên như mặt trời mọc đằng đông, mặt trăng lặn đằng tây vậy. Con người chẳng nên lo lắng trước sống chết, hãy coi sống chết là việc nhẹ nhàng không quan trọng, vì sống chêt là lẽ thường mà thôi. Tâm chi sinh hề sinh tử sinh ( Sinh tử nhàn nhi dĩ ) Tâm sinh thì sống chết sinh Bậc trí có cái nhìn thông đạt xem sống chết là lẽ thường mà thôi. Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ là tín ngưỡng nội tâm, luôn luôn tự khai phóng, tự hoàn thiện, hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp ở ngay trần thế. Mặc dù quan điểm Thiền học của ông cũng như của Thiền tông Việt Nam nói chung là quan điểm duy tâm, nhà Trần vẫn lấy hệ tư tưởng của Thiền tông làm hệ tư tưỏng chủ đạo của đất nước và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực văn hoá và chống ngoại xâm. Vào thời Lý, Phật giáo Việt Nam đã phát triển đến đỉnh cao với ba trường phái Thiền tông cùng tồn tại. Trong thời kỳ đầu, vừa tiếp nhận chính quyền từ tay nhà Lý, nhà Trần vẫn phải đề cao Phật giáo để thu phục nhân tâm và tiếp tục phát triển nền văn hoá mà nhà Lý đã đạt được, đồng thời tiến tới xây dựng một hệ tư tưởng độc lập của mình. Cùng với Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ có ảnh hưởng rất lớn vào việc hoà nhập ba phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, dẫn tới sự phát triển của Thiền phái duy nhất thời Trần là Trúc Lâm Yên Tử vào thế kỷ XIII. Phật giáo thời Trần được coi là Phật giáo nhất tông. Quan niệm Thiền và tư tuởng tuỳ nghi "Vào xứ mình trần cởi áo đi, phải đâu quên lễ, chỉ tuỳ nghi " (bài “Vật bất năng dung” ) và "Hợp thời đúng lúc cốt tinh anh" (bài “Ngẫu tác” ) của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam có tinh thần nhập thế tích cực, nhập thế vì quê hương đất nước, vì đồng loại chứ không phải vì cá nhân. Theo ông, mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày đều là thiền (Hành diệc thiền, toạ diệc thiền) . Khi đất nước bị xâm lăng thì đánh giặc cứu nước là biết tuỳ nghi, là hợp thời đúng lúc, là thiền. Hệ tư tưởng Thiền tông với vị trí là hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước thời Trần đã góp phần quyết định làm nên ba lần đại thắng Nguyên Mông của dân tộc ta. Nhờ ảnh hưởng tư tưởng thiền mà quân dân nhà Trần đã từng chích lên cánh tay hai chữ "Sát Thát", coi cái chết vì nước vì dân nhẹ như lông hồng, tạo nên sức mạnh tinh thần Đại Việt, quét sạch giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Là một quý tộc trí thức uyên bác, nhà thiền học lớn, Tuệ Trung Thượng Sĩ được vua Trần Thánh Tông kính trọng gọi là sư huynh và ban cho tên hiệu Thượng Sĩ (danh hiệu tương đương như bồ tát; Thượng Sĩ là người mà mọi hành động đều lợi mình và lợi cả người). Trần Nhân Tông - Nhà văn hoá lớn, nhà thơ xuất sắc thế kỷ XIII, người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã thừa nhận Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy và đánh giá ông là một bậc đại trí tuệ, một quả núi lớn trong rừng Thiền: Pháp hải độc nhãn (Biển pháp một ngươi Trần Tung - Tuệ Trung Thượng Sĩ còn là một nhà thơ tiêu biểu, một gương mặt sáng giá trong làng thơ thiền Việt Nam thế kỷ XIII. Những sáng tác chủ yếu của ông được tập hợp trong bộ “Thượng Sĩ ngữ lục”. Tính chất phóng khoáng, không quá lệ thuộc vào bất kỳ một tín điều nào (kể cả tín điều nhà Phật) là đặc điểm chủ yếu tạo nên bản sắc tư tưởng và chi phối phong cách nghệ thuật thơ của ông. Xuất phát từ việc đập vỡ thái độ bám víu vào khái niệm, đả phá những vấn đề giả tạo trong đời sống đạo để ca lên khúc nhạc huyền diệu của muôn đời (Diệu khúc bản lai tu cử xướng - Bài “Thị chúng” ), Trần Tung đã tạo cho thơ Thiền của mình một phong cách riêng, phong cách mà các nhà nghiên cứu gọi là “phong cách phóng cuồng” . Là một nhà Thiền học nhưng thơ Trần Tung lại có khí cốt cao ngạo, tung hoành như Trang Tử. Trước cảnh đẹp hùng tráng của núi sông, vũ trụ, ông chống gậy đi du ngoạn, không quan tâm đến ăn uống, hoàn toàn tự tại, tiêu dao, thoát tục đến hoá cuồng. Cái cuồng siêu thoát vì nhận thức bản thể KHÔNG của Thiền tông. Siêu thoát đến cùng cực, siêu thoát từ trần gian đi vào cõi Thiền (Bài “Phóng cuồng ngâm” ). Có lúc thơ ông lại mang tâm sự ẩn nhẫn của một xử sĩ. Ban đầu ông chưa nghĩ tới thú giang hồ, vì còn bận với đường công danh. Nhưng rồi thời gian thoi đưa, công danh lận đận, tuổi đã cao, ông mới nghĩ đến thú giang hồ. Ông theo con thuyền tiêu dao của Tạ Tam, vượt thác ghềnh, đắm mình với non xanh nước biếc, tiếng sáo chiều hôm, gió mát trăng thanh, tiếng nhạn báo thu về... Tiêu dao là cuộc sống ẩn sĩ của ông (Bài “Giang hồ tự thích” ). Đôi khi ông lại day dứt khôn nguôi về những chuyện "thanh trọc", "đắc thất" ở đời. Ông từng cố sức chen chân trên đường công danh nhưng không đạt sở nguyện. Ông tự đánh giá mình cao hơn những gì triều đình ban cho ông nên ông bất mãn thế thái nhân tình. Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào, (Bài “Chiếu thân” ) Sém đầu dập trán bởi đua chen, Trong thế giới huyền bí nhà Phật mà Trần Tung dấn thân vào, ông vẫn cố gắng suy nghĩ độc lập, kiểm nghiệm mọi tín điều, mọi hành động, mọi thói quen. Ngay cả việc ngồi thiền ông cũng coi chẳng qua chỉ là quá trình tập trung tư tưởng, chẳng liên quan đến niệm Phật: Đường trung đoan toạ tịch vô nghiên ( Bài “Ngẫu tác” ) Giữa nhà không nói, chỉ ngồi yên Ông phê phán sự mù quáng tin theo những giáo lý có sẵn, vì như thế là mình chỉ làm theo người khác chứ đâu còn là mình nữa. Ông khuyên mọi người hãy độc lập xét đoán sự vật, không nên dựa dẫm vào người khác. Chỉ khi nào vứt bỏ được thái độ dựa vào người khác và tự mình tư duy hành động thì ánh sáng trí tuệ mới bừng dậy trong ta. Báo quân hưu ỷ tha môn hộ ( Bài “Thị học” ) Thôi chớ cửa người nương dựa nữa, Là một người cuồng ngông trong vườn Thiền thời Trần, Trần Tung đã để lại những vần thơ phóng túng đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Hơn thế nữa, không dừng lại ở những vần thơ phóng túng, ông còn thể hiện tâm trạng phóng cuồng của mình bằng những bài ca phóng cuồng như: “Phật tâm ca”, “Phóng cuồng ngâm”, “Trừu thần ngâm”, “Sinh tử nhàn nhi dĩ, Phàm thánh bất dị”... Những bài ca phóng cuồng của ông về đời sống tu hành thường mang triết lý sâu sắc, cảm xúc tinh tế, hình tượng phong phú và sinh động, câu thơ giàu âm điệu: Trời đất liếc trông chừ, sao mênh mông, (Bài “Phóng cuồng ngâm”. Huệ Chi và Đỗ Văn Hỷ dịch ) Trần Tung là nhà thơ thiền có phong cách phóng cuồng sôi nổi và dữ dội, độc đáo và hấp dẫn. Thơ thiền của ông chứa đầy Phật lý và thế tục, mỗi hình tượng thế tục đều gắn với Phật lý và Phật lý nằm trong hình tượng thế tục. Con người đời thường và con người Phật giáo ở ông hoà quyện vào nhau. Bằng cách lập luận sắc sảo, sử dụng linh hoạt nhiều hình tượng độc đáo thể hiện sâu sắc quan điểm Thiền và đậm chất Lão Trang, Trần Tung đã sáng tạo được những vần thơ đầy hào khí, bay bổng, sinh sắc, lạ thường, phóng cuồng mà vẫn tỉnh táo, huyền diệu và thoát tục mà không xuất thế. Là nhân sĩ yêu nước, mỗi khi Tổ quốc bị giặc xâm lăng, Trần Tung đã đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất, khi làm sứ giả vào tận sào huyệt của địch đấu trí trên mặt trận ngoại giao, lúc làm tướng trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều công trạng. Là một nhà thơ thiền, ông để lại số lượng thơ thiền nhiều nhất đương thời (49 bài thơ, 4 bài kệ, 13 bài tụng), những bài thơ có giá trị về cả nội dung và nghệ thuật, thể hiện một phong cách mà không một nhà thơ nào bắt chước được: Phong cách phóng cuồng. Nguyên Mông, viết lên trang sử vẻ vang, hào hùng và oanh liệt của dân tộc ta. Nhà quân sự, nhà thơ, nhà Thiền học Trần Tung - Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng những di sản quý giá ông để lại là niềm tự hào của nhân dân Nam Định và của cả đất nước. T.M.G Chú thích : * Tất cả các đoạn trích thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài viết này được lấy trong cuốn Thơ văn Lý Trần / Nguyễn Huệ Chi chủ biên. - H.: Khoa học xã hội, 1988. - T.2. - Q. thượng. - Tr. 223 - 351, có đối chiếu tham khảo một số sách khác như Thượng Sĩ ngữ lục, sách lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A1932... Trần Tung, Vị Tướng, Nhà Thiền Học, Nhà Thơ |