Pico Iyer là một tác giả rất nổi tiếng trên thế giới, ông chuyên viết về du hành (travel writer). Bạn nghĩ nơi nào mà ông thích được đi đến nhất? Ông Iyer nói: không đi đâu hết.
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng muốn đi đến một nơi nào có nhiều điều hay lạ, hoặc một nơi mà mình có thể được thật sự nghỉ ngơi, giúp ta cảm thấy tươi mới lại và cảm nhận sự sống sâu sắc hơn. Và theo như ông Iyer, một người đã từng đi khắp nơi trên thế giới, và cũng là một nhà văn chuyên viết về du hành, thì thật ra ta không cần phải đi đâu hết, vì nơi ấy cũng đang chính là bây giờ và ở đây.
Trong một tác phẩm mới nhất, The Art of Stillness, ông Iyer có viết về những tuệ giác sâu sắc mà sự tĩnh lặng, ngồi yên có thể mang lại cho chúng ta. Trong thời đại mà chúng ta lúc nào cũng đi đây đó, luôn muốn tìm đến một nơi chốn xa lạ hoặc một thú vui nào đó, câu trả lời của ông giúp ta có dịp nhìn lại cuộc sống bận rộn và vội vã của mình. Xin chia sẻ với bạn khám phá này của ông Pico Iyer.
Là một nhà du hành
“Cả đời tôi là một nhà du hành, a traveller. Từ khi còn là một đứa bé, tôi đã thuyết phục ba mẹ tôi rằng, cho tôi đi học nội trú ở Anh rẻ tiền hơn là theo học ở một ngôi trường nổi tiếng gần nhà, ở California. Và vì vậy mà từ lúc mới chín tuổi, mỗi năm tôi đã nhiều lần đi phi cơ một mình băng ngang qua Bắc cực, chỉ để đi đến trường.
Và càng được du hành tôi lại càng thêm yêu thích. Vì vậy mà ngay sau khi mới ra Trung học, lúc vừa được 18 tuổi, tôi đã xin một công việc lau bàn để có tiền đi thăm các nơi trên những lục địa khác nhau.
Rồi việc chắc chắn phải xảy ra, tôi trở thành một người chuyên viết về du hành, để công việc và niềm vui của mình được trở thành một.
Và tôi cảm nhận rằng, nếu như mình có may mắn được bước đi một mình trong những ngôi đền thờ tĩnh lặng với những ngọn nến thắp sáng ở Tây tạng, hay lang thang trên những bãi biển ở Havana với tiếng nhạc dập dìu chung quanh, tôi có thể mang những âm thanh ấy và bầu trời trong xanh, và ánh nắng lấp lóa trên đại dương xanh thẩm, về chia sẻ lại với những người bạn ở nhà, cũng như mang một sự kỳ diệu và trong sáng lại cho chính cuộc đời mình.
Không cần phải đi đến đâu
Điều đầu tiên mà chúng ta ai cũng biết, là khi đi du hành không có nơi nào là kỳ diệu hết, trừ khi ta có một cái nhìn đúng đắn. Nếu bạn mang một người nóng tánh đến Himalayas, anh ta sẽ bắt đầu phàn nàn, kêu ca về chuyện ăn uống. Và tôi khám phá ra một điều này, là cách hay nhất giúp ta phát khởi một cái nhìn sâu sắc và biết tán thưởng, nghe cũng hơi lạ, là bằng cách không đi đến đâu hết, chỉ cần ngồi cho yên.
Giữa cuộc sống vội vã này, có lẽ chúng ta ai cũng cảm thấy mình cần phải dừng lại để nghỉ ngơi. Nhưng theo tôi thì thật ra đó cũng là một cách duy nhất để cho ta có dịp xem lại cuốn slideshow về kinh nghiệmcuộc đời mình, để có thể hiểu sâu sắc hơn về quá khứ và tương lai. Và tôi cũng ngạc nhiên khi khám phá rằng, không đi đâu hết cũng thú vị và hấp dẫn như khi được đi du hành đến Tây tạng hay Cuba vậy.
Và không đi đâu hết, chỉ đơn giản có nghĩa là ta bỏ ra vài phút mỗi ngày, hay vài ngày trong mỗi mùa của năm, hay có người bỏ ra vài năm trong cả đời mình, để có thể ngồi yên và thấy ra được những gì thật sự thúc đẩy ta, biết được hạnh phúcchân thật của mình nằm ở nơi đâu. Và nhớ rằng, kiếm sống (making a living) và xây dựng cuộc sống (making a life) hai việc ấy đôi khi lại hoàn toàn nghịch hướng với nhau.
Do ở sự tiếp nhận của mình
Và dĩ nhiên điều này cũng đã được các bậc hiền nhân trong mọi truyền thống, qua bao thế kỷ, nói với chúng ta rồi. Hơn 2,000 năm trước đây, các triết gia Stoics đã nhắc nhở rằng, không phải kinh nghiệm làm nên cuộc sống này, mà do chúng tatiếp nhận chúng như thế nào.
Ví dụ có một trận bão lớn kéo ngang qua vùng bạn ở và làm xập đổ hết tất cả. Một người thì cảm thấyhoàn toàn bất lực và tuyệt vọng. Còn một người khác lại cảm thấytự do hơn, thấy rằng đây là cơ hội cho họ bắt đầu lại một cuộc đời mới. Không có gì là chỉ có tốt hay xấu, như văn hào Shakepeare nói với chúng ta trong “Hamlet”, mà tất cả đều do ở sự suy nghĩ của mình tạo nên mà thôi. Và vì vậy mà tôi nghĩ nếu như ta thật sự muốn thay đổi đời mình, thì có lẽ ta nên bắt đầu trước hết bằng cách thay đổi cái nhìn trong tâm ta.
Và như tôi nói, điều này cũng không có gì là mới mẻ hết, Shakespeare và triết gia Stoics cũng đã nói đến từ mấy thế kỷ về trước. Nhưng có điều là Shakepeare không phải đối diện với 200 emails mỗi ngày. Còn các triết gia Stoics thì cũng đâu phải lên Facebook. Chúng ta đều biết rằng trong cuộc sống nhiều đòi hỏi này, thì một trong những điều bị đòi hỏi nhiều nhất là chính chúng ta. Bất cứ ở nơi đâu, bất cứ khi nào ngày hay đêm, xếp của ta, những tin nhắn rác, ba mẹ ta, đều có thể tìm đến ta được.
Các nhà xã hội học có đủ dữ kiện để tuyên bố rằng, trong những năm gần đây người Mỹ làm việc ở công sở ít giờ hơn 50 năm về trước, nhưng lại cảm thấy mình phải làm việc nhiều hơn. Chúng ta có thêm những thiết bị công nghệ giúp tiết kiệmthời gian hơn, nhưng thời giờ mình có dường như lại càng ít đi hơn. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng kết nối được với một người ở xa tận cùng trái đất, nhưng đôi khi trong quá trình đó ta lại đánh mất đi sự kết nối với chính mình.
Sự sáng tạo cần một không gian
Và một trong những điều làm tôi ngạc nhiên nhất là khám phá ra rằng, chính những người đã cung cấp những phương tiện giúp ta có thể đến được khắp mọi nơi, lại là những người không có một ý định đi đâu hết. Nói một cách khác, chính những người đã sáng tạo ra những kỹ thuật giúp chúng ta vượt thoát ra các giới hạn xưa cũ, lại là những người rất ý thức về sự cần thiết của những giới hạn, cho dù đó là trong lãnh vực của công nghệ.
Có lần tôi đến trung tâm Google headquarters, tôi chứng kiến được tận mắt những điều mà nhiều bạn đã nghe nói đến, như là bên trong có những căn nhà xây trên cây, có những chiếc trampolines, và nhân viên được lấy 20% giờ làm việc của mình để không làm gì hết, cho trí tưởng tượng rong chơi.
Nhưng điều tạo ấn tượng cho tôi nhất là một anh làm việc ở đó, một Googler, kể cho tôi nghe là anh đang chuẩn bị mở một chương trìnhđào tạo cho các bạn trong sở trở thành huấn luyện viên yoga. Một Googler khác chia sẻ rằng anh ta đang viết một quyển sách về “công cụ tìm kiếm của tâm hồn”, inner search engine, và khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng ngồi yên, hay thiền tập, không những chỉ mang đến cho ta sức khỏe tốt, trí óc minh mẫn, mà còn làm tăng trưởngtrí tuệcảm xúc (emotional intelligence) của mình nữa.
Tôi có một người bạn khác sống ở vùng công nghệ Silicon Valley, anh ta tên là Kevin Kelly người sáng lập ra tờ Wired magazine, một tạp chí chuyên môn về những kỹ thuật mới. Trong quyển sách gần đây, anh Kelly viết về những công nghệ mới, mà trong khi nhà anh không hề có một chiếc điện thoại smart phone, hay một máy tính xách tay, hay một màn hình tivi. Và cũng giống như những người bạn khác trong vùng Silicon Valley, anh cố gắngtuân theo những ngày nghỉ mà họ gọi là Intenet Sabbath, không lên mạng internet. Mỗi tuần, trong vòng 24 hay 48 tiếng, họ hoàn toàn không lên mạng hay đọc email.
Tôi thấy có một điều mà công nghệ ngày nay chưa hề cung cấp được cho chúng ta, là làm sao để sử dụng chúng một cách sáng suốt.
Hạnh phúc cần khoảng trống thời gian
Và chúng ta đều biết rằng một trong những điều xa xỉ và đắt giá nhất trong cuộc sống ngày nay là khoảng trống. Trong các bài nhạc, chính những khoảng nghỉ, dấu lặng, đã mang lại cho bản nhạc ấy sự hay đẹp và sự biểu hiện của nó. Và là một nhà văn, tôi cũng thường cố gắng thêm vào nhiều khoảng trống trên trang viết, để độc giả có thể hoàn tấtý nghĩ của tôi, của câu văn, và giúp cho trí tưởng tượng của họ có một không gian để thở.
Nói về phương diệnvật chất, lẽ dĩ nhiên, khi người ta có đủ tài vật, họ sẽ nghĩ đến việc tìm một nơi xa xôi, một căn nhà nghỉ mát ở vùng quê yên tĩnh. Tôi thì không bao giờ có điều kiện ấy, nhưng tôi nhớ rằng bất cứ khi nào mình muốn, tôi vẫn có thể có một căn nhà nghỉ mát trong thờigian, nếu không là trong không gian, bằng cách lấy một ngày nghỉ.
Và việc ấy cũng không phải là dễ, vì trong ngày nghỉ ấy tôi lại bỏ phần lớn thì giờlo lắng về những công việc chồng chất, sẽ đổ xuống cho tôi vào ngày hôm sau. Đôi khi tôi nghĩ rằng mình có thể bỏ ăn thịt, hay uống rượu vang, hay tình dục, chứ không thể nào bỏ qua một cơ hội để xem email được.
Và những lần tôi lấy ba ngày nghỉ để đi tìm tĩnh lặng, thì tôi lại cảm thấytội lỗi khi bỏ lại sau lưng người thân của mình, những email quan trọng của sở làm, hoặc bỏ lỡ một tiệc sinh nhật của bạn bè. Nhưng khi về đến một nơi chốn tĩnh lặng, tôi chợt hiểu rằng nhờ trở về nơi này mà tôi có lại được sự tươi mát, sáng tạo, và niềm vui để mang về chia sẻ với người thân, với sở làm hay bạn bè của mình. Còn nếu không, thì thật ra tôi chỉ dối lừa và tiếp tục đổ lên cho họ những mệt mỏi, lo âu hay xao lãng của mình, chúng chẳng có gì là hay đẹp hết.
Giúp ta đối diện với những bất ngờ
Vì vậy vào năm 29 tuổi, tôi quyết địnhtừ bỏ hết tất cả, bỏ một công việc và một nơi ở rất tốt ở New York, để dọn về một con phố nhỏ tại Kyoto, Nhật bản. Nơi này không hiểu sao đã có một sức thu hút rất đặc biệt đối với tôi. Khi còn bé, tôi vẫn thường nhìn những bức tranh vẽ về Kyoto và cảm thấy như nó rất quen thuộc với mình. Như bạn biết, thành phố Kyoto rất đẹp, bao quanh bởi những ngọn đồi, có hơn 2,000 ngôi chùa cổ, nơi đây người ta đã ngồi yên trong tĩnh lặng hơn 800 năm, hoặc xa xưa hơn nữa.
Nhà của tôi là một căn hộ hai phòng, ở một nơi hẻo lánh, không xe đạp, không xe hơi, không một đài TV mà tôi có thể hiểu được. So với New York thì nơi đây không phải là một nơi lý tưởng để phát triển cho sự nghiệp nhà văn, làm báo của mình. Nhưng nó giúp cho tôi có được một điều mà tôi trân quý nhất, đó là ngày tháng và thời gian. Tôi vẫn chưa từng bao giờ dùng đến điện thoại di động ở nơi đây. Dường như tôi cũng không bao giờ cần phải nhìn đến đồng hồ. Mỗi buổi sáng thức dậy, một ngày trải dài trước mặt tôi như một cánh đồng rộng mở.
Và rồi sẽ có ngày khi cuộc sống quẳng đến trước mặt ta những bất ngờ đáng sợ, mà chắc chắn không phải chỉ một lần, khi vị bác sĩ bước vào phòng của tôi với một nét mặt tuyệt vọng, hay khi một chiếc xe bất ngờ cắt ngang trước mặt tôi trên xa lộ, tôi biết trong tận xương tủy rằng, chính những thời gian tôi bỏ ra không đi đâu hết sẽ giúp cho tôi được vững vàng trong giờ phút ấy, chứ không phải những lúc tôi chạy loanh quanh ở Bhutan hay vùng Easter Island.
Tìm lại cho mình những khoảng trống
Tôi thấy ngày nay có nhiều người bắt đầu có ý thứcsửa đổi, và mở thêm những khoảng trống mới trong cuộc sống của họ. Có người khi đi đến những khu nghỉ mát, vừa đến nơi họ gửi hết điện thoại di động, máy tính xách tay của mình ở lại bàn tiếp tân. Có những người quen của tôi, mỗi tối trước khi đi ngủ, thay vì lên mạng đọc qua những email, hay xem những YouTube của bạn bè gửi, họ chỉ tắt đèn và lắng nghe nhạc. Họ chia sẻ rằng mình ngủ ngon hơn và thức dậycảm thấy tươi mới hơn.
Tôi sẽ mãi mãi là một nhà du hành, vì cuộc sống sinh kế của tôi phụ thuộc vào nó. Một trong những cái hay đẹp của sự du hành là nó cho phép ta mang một sự tĩnh lặng vào giữa những chao động của thế giới chung quanh.
Có lần tôi bay từ Frankfurt, Đức, một cô thiếu nữ người Đức bước vào và ngồi xuống cạnh bên tôi. Cô ta nói chuyện thân mật với tôi chừng 30 phút, và rồi cô quay lại ngồi yêntrong suốt 12 tiếng. Cô ta không hề mở tivi lên xem, cô không mở sách ra đọc, cô cũng không hề ngủ, chỉ ngồi yên đó. Và như có một cái gì đó trong sáng và tĩnh lặng ở nơi cô, mà tôi có thể cảm nhận được ngay trong chính mình.
Không cần phải đi đâu
Chúng ta như những người đứng sát cạnh bên một màn hình thật lớn, nó ồn ào, nó đông đúc, và liên tụcbiến đổi theo từng giây. Tấm màn hình đó là cuộc sống của mình. Chỉ khi nào ta biết bước lùi lại một chút, rồi lùi thêm chút nữa, và đứng yên, mà ta có thể bắt đầu thấy được ý nghĩa của những gì xảy ra, và thấy được tấm ảnh đó một cách toàn diện. Và có vài người đã làm được điều ấy dùm cho chúng ta, bằng cách không cần đi đến một nơi nào hết.
Vì vậy, trong thời đại của gia tốc và gấp rút này, không có gì vui sướng cho bằng được bước chậm lại. Và trong thời đại đầy những xao lảng, không có gì quý giá cho bằng biết chú tâm. Và trong thời đại mà người ta lúc nào cũng di động, đi đây đó, không có gì cần thiết và quan trọng cho bằng được ngồi yên.
Và trong lần nghỉ tới, bạn có thể đi chơi ở Paris hay Hawaii, hay New Orleans, tôi tin chắc rằng bạn sẽ có một thời giantuyệt vời. Nhưng nếu như bạn muốn khi trở về nhà mang theo niềm vui sống, tràn đầy niềm tin mới, và trân quý cuộc đời hơn, tôi nghĩ bạn hãy thử xét đến việc này là mình không đi đâu hết.”
Nguyễn Duy Nhiên
______________________________________
Tác giả Pico Iyer thuyết trình "The art of stillness" qua băng video ". Khi xem băng hình này, nên click chuột vào chữ cc: phía bên phải để đọc phụ đề tiếng Anh hầu dễ theo dõi. Nội dung chủ yếu cũng là mời gọi tập thiền. (Nguyên Giác)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới.
Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát
Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN
Một đồng.. giữa lúc nguy nan
Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình..
Bão giông tan tác quê mình..
Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia....
Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.