NGỘ NHẬN CẦN NÊN TRÁNH:
CHO RẰNG ĐẠO PHẬT TƯƠNG ĐỒNG VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC
Thích Nhật Từ
Có hai khuynh hướng phổ biến về quan điểm này. Tam Giáo là khái niệm chỉ cho đạo Phật - đạo Lão - đạo Nho. Về bản chất khác nhau hoàn toàn, không thể cùng nguồn gốc. Đạo Phật xuất phát tại Ấn Độ, Nho giáo và Lão giáo là hai tôn giáo bản địa của người Trung Hoa. Nếu Lão giáo có khuynh hướng nhấn mạnh đến tu thân theo cung cách xa lánh cuộc đời, không màng đến chuyện thiên đường, địa ngục, sống một cách thong dong ngoài các vướng chấp của xã hội mà ta thường gọi là “khuynh hướng xuất thế” (tức là thoát ra khỏi cuộc đời) thì Nho giáo là tôn giáo chính trị xã hội đúng nghĩa. Mục đích của Nho giáo là để khẳng định đế chế của những nhà vua đi theo thể chế tôn giáo và chính trị này. Học thuyết “Tam tòng, Tứ đức” hay là các quan điểm chính trị và xã hội của Nho giáo ngày nay được chứng minh là có rất nhiều vấn đề. Nó vừa minh họa cho một chủ nghĩa bất công xã hội, bất bình đẳng giới tính, buộc con người phải chấp nhận số phận an bài để cho các nhà chính trị dễ cai trị con người nhất là những người có niềm tin vào Thượng Đế sáng thế. Hai năm trở lại đây, Hoa Kỳ và Canada là những quốc gia đi đầu cho chúng ta thấy rất rõ là chính sách áp đặt viện Khổng Tử học qua con đường ngoại giao, giáo dục của Trung Quốc thực ra chỉ để truyền bá đạo Nho thôi. Tức là các nhà chính trị Trung Quốc hiện nay ý thức rất rõ và muốn biến đạo Nho trở thành tư tưởng chính trị và xã hội quan trọng. Nó thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào dân tộc, độc lập với các tôn giáo ngoại lai trong đó có đạo Phật. Chủ trương Tam Giáo Đồng Nguyên tại Trung Quốc không có lợi cho đạo Phật vì đạo Phật chiếm đại đa số quần chúng, có một ảnh hưởng sâu rộng về mọi phương diện tinh thần xã hội. Bằng chủ trương Tam Giáo Đồng Nguyên thì tôn giáo thiểu số sẽ có được quyền bình đẳng với tôn giáo chánh thống và những chủ trương bất bình đẳng của Nho giáo dễ dàng được người ta chấp nhận như là ngang bằng với chủ nghĩa bình đẳng của Đức Phật, công bằng xã hội, dân chủ, dân quyền và bình đẳng giới mà Đức Phật đã khám phá và đóng góp. Bằng chủ trương này rất nhiều người đã không đến với đạo Phật. Người ta có thể đến với đạo Nho để có cơ hội thăng tiến xã hội và có thể làm được những việc làm mà khuynh hướng của các tăng sĩ ở tại Trung Quốc đã không bận tâm đến. Còn về phương diện xuất thế của đạo Lão thì các tu sĩ thuộc các trường phái Phật giáo Trung Quốc thì có khuynh hướng thiên về và bắt chước theo. Cho nên, các ngôi Đại Tùng Lâm ở Trung Quốc thường xây ở núi cao, rừng sâu vốn rất khác với phong cách làm đạo của Đức Phật thời xưa. Trong vòng một năm đầu sau khi giác ngộ, vì Đức Phật chưa có cơ sở tự viện nên lời dạy của Ngài được nhắc ở trong kinh Tăng Chi và kinh 42 Chương là: Mỗi ngày, các tăng sĩ ngủ mỗi người ở một gốc cây và không lặp lại tình trạng đó thêm một lần nào nữa để không nhiễm đắm về các tiện ích (mà người lúc đó ngủ ở gốc cây chẳng có tiện ích gì). Từ năm thứ 2 sau khi giác ngộ trở đi Đức Phật không còn ở núi Linh Thứu nữa. Đức Phật cũng chẳng hề ở thêm một cái núi nào nữa, Ngài ở đồng bằng và cái chùa Trúc Lâm, nơi mà Đức Phật chấp nhận sự hiến cúng chùa từ nhà vua Tần Bà Sa La, chỉ cách núi Linh Thứu chưa được 4 cây số đường chim bay. Chùa Kì Viên ở thành Xá Vệ, cách thành Xá Vệ chưa được 4 cây số, nơi mà Đức Phật đã ở 24 năm 9 tháng trong đời. Suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã không ở núi nữa bởi vì nó không tạo ra cái tiện ích cho quần chúng, như vậy chỉ tốt cho người tu thôi. Dữ liệu về Đức Phật lịch sử đó cho chúng ta thấy tinh thần gần với cuộc sống để phụng sự nhân sinh của Đức Phật được xem là bài học rất quý giá mà tăng ni chúng ta cần phải tin và cần làm theo. Khuynh hướng xuất thế giống như Lão giáo trở thành một mặt mạnh của Phật giáo Trung Quốc. Ảnh hưởng theo Phật giáo Trung Quốc thì Phật giáo Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên, Việt Nam đã phần lớn chọn các khu vực yên tĩnh, xa cách với làng xóm để làm đạo. Kết quả là chúng ta không bận tâm đến Phật tử tại gia nhiều và điều đó làm cho tăng sĩ mất cơ hội phụng sự nhân sinh theo tinh thần Phật dạy “Này, các đệ tử! Mỗi người hãy đi mỗi hướng, không đi trùng hướng nhau. Đi mỗi hướng vì mục đích, vì phúc lợi, vì an lạc, vì hạnh phúc cho số đông, cho chư Thiên và nhân loại” đã không thể được các tăng ni chúng ta thực hiện một cách toàn triệt. Do đó, tiếp tục chủ trương và tin rằng Tam Giáo Đồng Nguyên là một nguy hại cho đạo Phật. Dĩ nhiên, trong quá trình hài hòa tôn giáo ta có một sức mạnh là Phật giáo không có chủ trương tôn giáo cực đoan, không có độc tôn tôn giáo và do đó, bản thân của đạo Phật là một sự hài hòa. Đang khi các Thánh chiến thường xuất phát từ các tôn giáo Nhất Thần muốn nâng chính họ lên vai trò độc tôn cho nên trong các cuộc đối thoại liên tôn giáo thì sự tham dự của các tôn giáo khác sẽ giúp cho họ được lợi ích. Đang khi sự tham dự của chúng ta ở trong các tôn giáo đó chỉ làm cho chúng ta bị đánh đồng thôi và được sử dụng như là một chiêu bài để đễ dàng dẫn dắt các tín đồ Phật giáo (mà niềm tin về Phật pháp chưa vững) cho nên, dễ dàng bị cải đạo trong quá trình tương tác. Tương tự, chủ trương “Tôn giáo nào cũng vậy chỉ dạy người ta lánh ác làm lành” là một sai lầm lớn. Có những tôn giáo lịch sử đã chứng minh chẳng những chẳng dạy con người “lánh ác làm lành” mà còn xúi giục con người cuồng tín, bạo lực, khủng bố, tạo hận thù, gây tàn phá ảnh hưởng đến các công trình quốc gia, xã hội, dân sự, tôn giáo khắp nơi trên toàn cầu. Khái niệm “Ác” và “Lành” khác nhau rất xa giữa các tôn giáo. Không thể đánh đồng sự giống nhau về khái niệm và dẫn đến tình trạng giống nhau về nội dung giữa tôn giáo A với tôn giáo B. Cách thức định nghĩa về “Ác” của đạo Phật khác xa so với các tôn giáo. Ác là những hành vi phạm pháp, trái đạo đức dẫn đến các hậu quả khổ đau đối với mình và tha nhân, ở hiện tại và tương lai. Đố chúng ta tìm ra được một định nghĩa tương tự trong kinh Thánh của các tôn giáo khác. Còn nói về cái “Thiện” chúng ta có thái độ thiện, động cơ thiện, tâm lý thiện, hành vi thiện, giá trị thiện và cái thiện đó được định nghĩa là mang lại lợi ích cho mình, cho người “thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian, đến để mà thấy” dẫn đến một mục đích cao quý vốn khác rất xa nếu không nói là vượt trội khỏi các tôn giáo còn lại. Các tăng sĩ mà chủ trương tôn giáo nào cũng dạy con người “lánh ác làm lành” thì chúng ta không thể đủ sức để giữ các Phật tử thiếu niềm tin vào Phật pháp khỏi tình trạng cải đạo mà các tôn giáo thường lấy đó như một chiêu bài. Vì sinh hoạt của đạo Phật ngày nay thiên nặng về tín ngưỡng, cho nên chỉ thích hợp với giới bình dân và đặc biệt là chị em phụ nữ thôi. Như vậy, nó không đủ sức thu hút như là sinh hoạt của các tôn giáo giỏi về chính trị, sở trường về tổ chức, giàu về tài chánh và có được những kịch bản quốc tế và còn có thể là kịch bản quốc gia để áp dụng cho các tình huống. Nhờ đó mà con đường làm đạo của họ ngày càng thành công mặc dù chất lượng trong sự làm đạo đó so với đạo Phật là không có. Chúng tôi thường tạm gọi các tôn giáo khác là gì? - “Nước lã khuấy nên hồ” còn đạo Phật là các viên kim cương nằm trong tay của những người nông dân, cho nên không phát huy được tính năng và giá trị sử dụng. Sự khác nhau giữa đạo Phật và các tôn giáo khác ở chỗ là các tăng sĩ chúng ta phần lớn là giới bình dân. Cho nên, trong quá trình làm đạo chúng ta không làm cho đạo Phật nổi trội hơn được, thu hút hơn được so với các tôn giáo còn lại. |