TRÁCH NHIỆM PHỔ QUÁT Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản, ngày 03 tháng 4 năm 2015 - Đức Đạt Lai Lạt Ma là khách mời của các chi nhánh Sapporo của Hiệp hội Junior Chamber International, một tổ chức phi chính phủ quốc tế phi lợi nhuận của giới trẻ tuổi từ 18 đến 40. Là tập hợp thành viên từ khoảng 80 quốc gia, Hiệp hội khuyến khích những người trẻ tuổi trở thành công dân có trách nhiệm tham gia phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời thúc đẩy hợp tác, thiện chí và hiểu biết quốc tế. Hơn 1800 thính chúng đã nồng nhiệt chào đón và lắng nghe sự chia sẻ từ ngài. "Xin chào mừng quý vị”, ngài bắt đầu. "Đây là lần đầu tiên tôi có mặt nơi đây. Là con người, tất cả chúng ta đều mong hạnh phúc và đều có quyền được hạnh phúc. có sự khác biệt giữa mọi người về quốc tịch, đức tin, nền tảng gia đình, địa vị xã hội v.v… nhưng đó chỉ là mức độ thứ yếu, điều quan trọng hơn trên mức độ con người chúng ta đều giống nhau. Không ai trong chúng ta muốn phải đối mặt với rắc rối và khổ đau, nhưng chúng ta cứ luôn tạo ra rắc rối và khổ đau cho mình bằng cách nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa người với người. Nếu chúng ta có thể vượt qua và thấy được mỗi con người, ai ai cũng giống như nhau, thì sẽ có không có bất kỳ cơ sở nào cho mâu thuẫn hay xung đột diễn ra cả. Chúng ta cần sự hòa hợp, đây là điều người Nhật đã thực hiện rất tốt.” Ngài chia sẻ rằng vào năm 1973, khi ngài vừa bắt đầu chuyến viếng thăm đầu tiên tới châu Âu, phóng viên Mark Tully của BBC ở Ấn Độ, đã đặt câu hỏi tại sao ngài muốn tới các vùng miền khác trên thế giới. Ngài đã trả lời rằng, ngài coi bản thân là một công dân của thế giới, nên ngài muốn gặp gỡ những con người và trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau. "Chúng ta cần một nhận thức về sự đồng nhất của 7 tỷ con người đang sống ngày nay. Khi tôi gặp gỡ mọi người, tôi không nghĩ về sự khác biệt với họ, về việc tôi là người Tạng, một tu sĩ hay một vị Đạt Lai Lạt Ma. Tôi chỉ nghĩ mình cũng là một con người như họ. Chúng ta tất cả đều có tiềm năng như nhau về các cảm xúc tích cực và tiêu cực, và một trong những phẩm chất đặc biệt của con người là tâm thức, trí tuệ. Nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng, đời sống chúng ta sẽ thành công và hạnh phúc." Ngài nhận xét rằng trong xã hội hiện đại, tất thảy mọi thứ dường như chỉ hướng tới sự phát triển vật chất, thậm chí cả các hệ thống giáo dục. Kết quả là con người không còn chú ý tới các giá trị tinh thần nữa, điều này dẫn đến những bất ổn trong xã hội. Để giải quyết sự mất cân bằng này, chúng ta cần phải quan tâm hơn đến các giá trị tinh thần. "Nếu chúng ta để cho tâm thức bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực, như ích kỷ, tự ngã, thiếu quan tâm, chia sẻ, đời sống chúng ta sẽ không được hạnh phúc. Con người là động vật xã hội và bởi vậy chúng ta cần phải làm việc cùng nhau. Nếu luôn có những người bạn xung quanh, chúng ta sẽ thấy an toàn, hạnh phúc và tâm thức được tĩnh tại. Còn điều gì nữa? Chúng ta sẽ có sức khỏe thể chất tốt hơn. Khi tâm chúng ta tràn đầy sự sân giận, sợ hãi và thất vọng, không chỉ tâm thức bị xáo trộn, mà còn làm cho sức khỏe thể chất bị suy giảm. Vì vậy, rõ ràng nguồn cội tối thượng của hạnh phúc đến từ tâm. Một trái tim nồng ấm là nền tảng đạo đức thế tục. Và nó đã được bắt đầu với những tình cảm mà người mẹ tưới tắm cho chúng ta trong giai đoạn đầu đời, nó nuôi dưỡng trong tâm hồn ta những tình cảm tương tự cho tha nhân. "Ở Nhật, tôi được nghe về vấn đề tự tử trong giới trẻ. Một trong những cách thức để giải quyết là giáo dục cho các thế hệ tới biết trưởng dưỡng tình thương yêu, sự chăm sóc và quan tâm tới người khác." Ngài nhận xét rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều mang lại nền đạo đức cho thế tục bởi vì họ đều chứa đựng một thông điệp cơ bản về tình yêu thương và tình cảm. Mặc dù có sự khác biệt về mặt triết học, nhưng mục đích của các phương pháp tiếp cận triết học khác nhau là củng cố tầm quan trọng của trái tim nồng ấm. Tôn trọng và tri ân các truyền thống tôn giáo khác nhau là một phần quan trọng của việc phát triển hòa hợp tôn giáo. Sự hòa hợp giữa các tôn giáo quan trọng hơn bao giờ hết nhất là vào thời điểm mà có nhiều người đang sát hại lẫn nhau nhân danh tôn giáo. Đáp lại câu hỏi, ngài luận giải rằng mục đích của đời sống là hạnh phúc. Ngài ủng hộ sự lựa chọn các nhà lãnh đạo thông qua chế độ bầu cử, nhưng cho rằng họ nên trung thực, chân thành, nhiệt huyết và cần có cái nhìn tổng thể về những vấn đề đang giải quyết. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại cho trẻ em tình cảm, cảm giác an toàn và năng lực chia sẻ tình cảm với người khác trong suốt phần còn lại của đời người. Khi được hỏi về sự phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ, Ngài cho rằng đó là điều ngay cả Đức Phật từng phản đối. Ngài nói rằng là con người, tất cả đều như nhau và không có cơ sở nào cho sự phân biệt đối xử cả, thậm chí giữa nam giới và nữ giới. Ngài đã cười vui nhớ lại Chủ tịch Mao từng nói với ngài vào năm 1955 rằng, Đức Phật là một nhà cách mạng chống lại sự đối xử phân biệt đẳng cấp. Có thể tiếp cận truyền thống tôn giáo theo ba khía cạnh, đó là khía cạnh tôn giáo, chứa đựng thông điệp của tình yêu thương và tâm từ bi, khía cạnh triết học tập trung nơi một đấng sáng tạo hay các nguyên lý nhân quả và cuối cùng là khía cạnh văn hóa. Khía cạnh văn hóa có thể thay đổi theo thời gian, đây là điều mà những nhà lãnh đạo và các bậc thầy tâm linh nên chia sẻ. Trả lời câu hỏi về việc liệu có bao giờ ngài mất bình tĩnh, ngài đã thừa nhận rằng mình là con người và cũng có lúc rơi vào tình huống như vậy. Ngài đã kể lại câu chuyện về một nhà báo ở New York cứ không ngừng hỏi đi hỏi lại ngài về câu hỏi mà ngài đã nói là không có câu trả lời. Khi ấy ngài đã khá phiền với nhà báo nhưng sau đó một năm khi gặp lại họ đã cùng cười vui khi nhắc lại sự kiện đó. Ngài nhấn mạnh lại rằng sân giận, sợ hãi và nghi ngờ không chỉ làm xáo trộn tâm thức mà còn tổn hại tới sức khỏe thể chất của chúng ta. Sân giận thậm chí có thể làm đổ vỡ các gia đình, trong khi niềm tin và tình bằng hữu là nền tảng của xã hội. Đối với câu hỏi về về phản ứng của ngài trước những tin tức tốt và xấu. Ngài cho rằng khi người ta tin tưởng lẫn nhau và đối xử tốt với nhau nó không còn là tin tức nữa. Mặt khác, có những cơ sở cho sự lạc quan khi bạn nghĩ rằng tới tận những năm đầu thế kỷ 20 có rất ít người nói về từ bi từ, nhưng ngày nay ngay cả các chính trị gia cũng bàn về phẩm chất này. Tương tự như vậy, một thế kỷ trước hầu như không ai nghĩ về môi trường và sinh thái như ngày nay. Hơn nữa, trong đầu thế kỷ 20 nhiều người coi chiến tranh và việc sử dụng vũ lực là cách để giải quyết vấn đề và ngày nay những điều đó đã thay đổi. Kết thúc buổi Pháp đàm, ngài hoan hỷ nhận quà tri ân từ những em nhỏ lên sân khấu. Ngài trìu mến chạm tay lần lượt từng em nhỏ một, và nhận xét rằng họ thực sự thuộc về thế kỷ 21, thế hệ những người có thể làm cho thế giới này an bình và hạnh phúc hơn.
Phúc Cường trích dịch Nguồn: Dalailama.com/news |