THỰC PHẨM CHO TÂM
Nguyên tác: Food for the Heart của Thiền sư Ajahn Chah.
Thường Huyễn chuyển ngữ
Lời giới thiệu của dịch giả Hòa thượng Thanissaro
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong lời dạy của Ngài Thiền sư Ajahn Chah chính là nhấn mạnh đến vai trò Tăng đoàn, giới luật người xuất gia, và vận dụng đó như một phương tiện trong thực tập giáo pháp. Đấy không có nghĩa là từ chối việc trao tặng món quà giáo pháp đến với người dân bình thường mà là Ngài vẫn luôn kết nối gần gũi với tất cả mọi người ở mọi tầng lớp xã hội từ người nông dân chân lấm tay bùn đến các giáo sư đại học. Kết quả thu được từ việc hoằng pháp và thiết lập cộng đồng Tăng chúng bền vững được thấy rõ ở nhiều tự viện phát triển ổn định nơi Ngài hành đạo, ở tại Thái Lan và sau này lan rộng đến các nước như Anh, Úc, châu Âu và nhiều quốc gia khác. Ngài Thiền sư Ajahn Chah đã thấy trước sự cần thiết đối với việc thành lập Tăng đoàn ở các nước phương Tây để mang lại lợi ích thiết thực trong tương lai xa cho mọi người.
Tập sách này là một tuyển tập các pháp thoại Ngài giảng cho hội chúng xuất gia ở Thái Lan. Đó là lời khuyến tấn đối với chư Tỳ-kheo, hay những vị Tăng tu theo đạo Phật tại tự viện Wat Ba Pong của Ngài, và một số tự viện chi nhánh. Độc giả cư sĩ nên có suy nghĩ như thế này – Những pháp thoại này tuy không hẳn dành cho mình, không thiết thực đối với mình nhưng chúng làm công việc giới thiệu đạo Phật và phương pháp thực tập thiền quán. Đấy là những lời dạy cho hàng ngũ xuất gia, đề cập đến những vấn đề căn bản trong đời sống tu học của chư Tăng và những trường hợp cụ thể đặc biệt gây trở ngại. Tập sách mang lại một nguồn kiến thức về nền tảng thực tập trong đạo Phật cho người tu học. Nhiều pháp thoại có vẻ lạ lẫm thậm chí là khó tiếp thu đối với người bình thường bởi tập sách chú trọng sự tuân thủ hành trì và buông xả.
Đối với độc giả cư sĩ, cần nên nhớ rằng những pháp thoại này đề cập đến môi trường tu tập rất khó khăn, khắc khổ, thanh bần, nghiêm túc ở vùng Đông Bắc, một góc quê của đất nước Thái Lan, nơi ấy đã sản sinh nhiều vị đại thiền sư lỗi lạc và hầu hết theo truyền thống tu tập trong rừng vắng. Người dân vùng Đông Bắc được mài dũa trong môi trường này để hình thành nên đức tính giản dị, đơn sơ, kiên nhẫn, thong dong, giúp họ thích hợp với đời sống tu học nơi rùng núi. Trong môi trường này, nơi những giảng đường nhỏ nhắn, ánh sáng đèn dầu lờ mờ, chư Tăng quây quanh lắng nghe Ngài Thiền sư Ajahn Chah giảng dạy đạo lý pháp tu.
Những lời khuyến tấn khích lệ của Thiền sư thường vào cuối buổi tụng Giới, cứ hai tuần một lần theo quy cũ của hàng xuất gia. Nội dung khuyến tấn tùy theo hoàn cảnh lúc bấy giờ hoặc là có chư Tăng chểnh mảng trong việc thực tập, không hiểu rõ giới luật, nói chung là “không tự giác tu học”. Để khuyến khích chư Tăng sống một lối sống đặc trưng với hạnh thiểu dục tri túc, đơn giản thanh bần, các pháp thoại luôn khơi dậy nhiệt huyết, sự tinh tấn tu tập cho chư Tăng.
Tự thân các bài pháp thoại đều là những sự quán sát và những lời khuyến tấn tự nhiên hơn là những lời dạy mang tính hệ thống như hầu hết người phương Tây học lại sau này. Người nghe được yêu cầu phải hết sức tập trung vào giây phút hiện tại và quán chiếu lại việc thực tập của tự thân hơn là nhớ thuộc lòng lời dạy hay học vẹt, hay phân tích chia chẻ chúng. Bằng cách này, người nghe nhận thức được những điểm thiếu sót nơi chính mình và biết cách làm thế nào để thực tập những phương pháp thiện xảo vị thầy truyền đạt cho mình đạt được hiệu quả tốt nhất.
Mặc dù tập sách này chỉ hàm nghĩa là những pháp tu căn bản cho người xuất gia, đối với một vị Tăng, một vị Ni hay một Sa-di, độc giả cư sĩ có hứng thú cũng sẽ không có nghi ngờ đối với nhiều quan điểm trong việc tu tập theo truyền thống Phật giáo. Ít ra người đọc cũng biết được nhiều giai thoại của chính kinh nghiệm tu hành của Ngài Thiền sư Ajahn Chah. Những điều này có thể được xem là một tài liệu về tiểu sử hay hướng dẫn tu tâm của Ngài.
Từ những nội dung của tập sách này, phương pháp tu tâm không phải chỉ đơn giản là ngồi nhắm mắt hay cố gắng thực tập cho viên mãn kỹ thuật hành thiền như nhiều người suy nghĩ mà chính là một sự buông xả tối thượng, đấy là lời nhắn gởi của Ngài Thiền sư Ajahn Chah vậy.