“NGHI THỨC TỤNG NIỆM”
I. DẪN NHẬP Phạm vi nghiên cứu của bài này là “Nghi thức tụng niệm” (viết tắt là NTTN) của Hệ phái Khất sĩ (Tăng) trong sự so sánh với các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Bắc tông. Bài viết chủ yếu khái quát về các nghi thức thông dụng trong Hệ phái Khất sĩ, những điểm tương đồng và dị biệt giữa NTKS với các NTTN thuộc các hệ phái Phật giáo Bắc tông khác. Sau đây là các khái niệm được mặc định trong bài viết này: (i) Nghi thức tụng niệm (viết tắt là NTTN) chỉ chung cho các nghi thức thuộc bất kỳ hệ phái Phật giáo nào. Tùy theo từng ngữ cảnh, khái niệm này có thể chỉ cho nghi thức của Bắc tông, hoặc của Khất sĩ, hoặc của Nguyên thủy. (ii) Nghi thức Khất sĩ (viết tắt là NTKS) chỉ cho NTTN của Tăng giới Hệ phái Khất sĩ và ở vài ngữ cảnh khác, chỉ chung cho các nghi thức tụng niệm của hệ phái Khất sĩ, bao gồm quyển Kinh Tam bảo và Kinh xưng tụng Tam bảo do NT Huỳnh Liên soạn, được Ni giới Hệ phái Khất sĩ sử dụng tại các Tịnh xá dành cho Ni giới, (iii) Nghi thức Bắc tông (viết tắt là NTBT) chỉ chung cho các NTTN được sử dụng trong các hệ phái và tự viện thuộc Phật giáo Bắc tông của Việt Nam trong nước và nước ngoài. (iv) Nghi thức Nguyên thủy (viết tắt là NTNT) chỉ chung cho các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) bao gồm các nghi thức đầu tiên do Hòa thượng Hộ Tông soạn dịch cho đến các nghi thức mới tại Việt Nam và hải ngoại trong hai thập niên trở lại đây.
II. CẤU TRÚC CỦA NGHI THỨC KHẤT SĨ Có thể chia NTKS thành bốn nhóm chính: (i) Nghi thức sám hối,[1] (ii) Nghi thức cầu an,[2] (iii) Nghi thức cầu siêu,[3] (iv) Các nghi thức khác bao gồm (a) Nghi thức cúng dường,[4] (b) Kinh cúng cửu huyền,[5] (c) Nghi thức thọ trì,[6] và (d) Các kệ tụng.[7] Các Nghi thức sám hối, Nghi thức cầu an và Nghi thức cầu siêu có cấu trúc giống nhau gồm: (a) Phần dẫn nhập, (b) Phần chính kinh, (c) Phần hồi hướng.[8] Trong nhóm “Các nghi thức khác” đơn giản nhất là “Kệ tụng” chỉ gồm 14 kệ, phần lớn theo thể song thất lục bát; riêng kệ 2[9] theo thể ngủ ngôn, các kệ 13 và kệ 14 theo thể lục bát; kệ 12 phần đầu theo thể lục bát, phần sau là bốn kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt và bài 6[10] là văn xuôi.
1) Phần dẫn nhập Về thể loại, phần dẫn nhập của NTKS gồm các bài thơ, mỗi bài gồm 4 câu, có khi là thất ngôn đường luật và có khi là song thất lục bát. Về trật tự, các bài kệ trên được sắp xếp theo thứ tự: (i) “Dâng hương” [11] bằng thể thất ngôn đường luật, (ii) “Lễ Phật,”[12] (iii) Lễ Pháp,”[13] (iv) “Lễ Tăng”[14] cả ba đều bằng thể song thất lục bát, (v) “Kỉnh nguyện,”[15] bằng văn xuôi, vốn tương đương phần Nguyện hương trong các NTBT, (vi) Khai kinh kệ, bằng thể thất ngôn đường luật, vốn diễn thơ từ bài chữ Hán trong các NTBT.[16]
2) Phần chính kinh NTKS chỉ có vỏn vẹn 6 bài chính kinh. Trong NTKS, “Nghi thức sám hối” có chính kinh là Hồng danh bửu sám,[17] “Nghi thức cầu an” có chính kinh là “Kinh Phổ Môn”[18] và “Nghi thức cầu siêu” có ba chính kinh là “Kinh Vu-lan-bồn,[19] Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân,[20] Kinh A-di-đà[21] và Kinh Vô ngã tướng.”[22] Trong “Nghi thức cúng dường” và “Kinh cúng cửu huyền”, bài chính kinh được thay bằng “bài kệ chính của nghi thức”, chẳng hạn, trong “Nghi thức cúng dường” thì có bài “Cúng dường Tam bảo,”[23] và trong “Kinh cúng cửu huyền thất tổ,” thì có bài “Cúng cửu huyền thất tổ.”[24]
3) Phần hồi hướng Trong NTKS, phần Hồi hướng thường ngắn gọn hơn các NTBT. Phần Hồi hướng trong Nghi thức cầu an gồm có Bát-nhã Tâm kinh, Thập nguyện, Hồi hướng và Tam quy;[25] Lời nguyện cuối (Phục nguyện) trong NTBT được thay thế bằng bài “Lời khuyên nhắc.”[26] Phần Hồi hướng trong Nghi thức cầu siêu gồm có Bát-nhã Tâm kinh, Nguyện vãng sanh, Tán thán Phật, Sám thập phương, Thập nguyện, Hồi hướng và Tam quy; không có phục nguyện. Trong Nghi thức sám hối, phần hồi hướng là bài “Hồi hướng”[27] gồm 12 câu, diễn thơ từ bài nguyên tác chữ Hán. Trong Nghi thức thọ trì thì có các bài kệ “Xưng tụng Phật bảo, xưng tụng Pháp bảo, xưng tụng Tăng bảo, quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới.”[28] Nhìn chung, ngoài Nghi thức cầu siêu ra, các Nghi thức cầu an và Nghi thức sám hối trong NTKS, có phần Hồi hướng gần giống với các NTBT, dĩ nhiên là ngắn gọn hơn.
III. NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG GIỮA NTKS VỚI CÁC NTBT 1) Sử dụng cùng kinh văn và bản dịch Ba Nghi thức căn bản trong Phật giáo Bắc tông được NTKS sử dụng cộng thông bao gồm Nghi thức sám hối, Nghi thức cầu an và Nghi thức cầu siêu. Phần chính kinh của ba nghi thức nêu trên sử dụng lại bản dịch của NTBT, chẳng hạn, Hồng danh bửu sám,[29] sử dụng bản dịch tiếng Việt quen thuộc, các chính kinh còn lại đều sử dụng bản dịch của HT. Thích Huệ Đăng, bao gồm Phẩm Phổ Môn (Kinh Diệu pháp liên hoa),[30] Kinh Vu-lan-bồn,[31] Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân,[32] Kinh A-di-đà.[33] Riêng Kinh Vô ngã tướng[34] sử dụng cộng thông với NTNT,[35] Nghi thức tụng niệm đại toàn,[36] cũng giống như Kinh Phật cho người tại gia,[37] Kinh Phật cho người mới bắt đầu[38] và Nghi thức tụng niệm.[39]
2) Tương đồng về phần Dẫn nhập và Hồi hướng Các yếu tố cộng thông khác được tìm thấy trong NTKS là sử dụng lại bản dịch Việt của các NTBT bao gồm: (i) Bài “Dâng hương”[40] là bài kệ bốn câu, ba câu đầu giữ nguyên Hán Việt, câu cuối dịch ra tiếng Việt.[41] (ii) Sử dụng lại bài dịch của các NTBT[42] gồm có bài “Khai Kinh kệ,”[43] bài “Sám nguyện,”[44] và bài “Sám cầu siêu.”[45] (iv) Trong phần Hồi hướng, các mục sau đây sử dụng cộng thông với các NTBT, bao gồm Bát-nhã Tâm kinh,[46] Tán thán Phật,[47] Sám thập phương,[48] Thập nguyện,[49] Hồi hướng,[50] và Tự quy y.[51]
IV. NHỮNG DỊ BIỆT GIỮA NTKS VỚI CÁC NTBT 1) Những đóng góp mới: Trong NTKS, các đóng góp mới có thể được chia làm ba loại: các nghi thức mới, các kệ sám mới và các kệ sám trong phần dẫn nhập và hồi hướng được dùng trong các nghi thức thuộc NTKS. (i) Các Nghi thức mới bao gồm (a) Nghi thức cúng dường[52] (trong Trai hội tại gia hoặc Tịnh xá), (b) Nghi cúng cửu huyền,[53] (c) Nghi thức thọ trì (tại Tịnh xá hoặc tư gia mỗi đêm).[54] (ii) Các bài kệ sám mới bao gồm 13 bài trong phần Kệ tụng[55] như: Kệ an vị Phật, Kệ phóng sinh, Kệ thí phát, Kệ thỉnh pháp sư, Kệ cúng dâng Tịnh xá, Kệ cúng dâng Y bát, Kệ nhớ ơn Phật, Kệ cầu nguyện hòa bình, Kệ thuyền trí tuệ, Kệ chúc mừng chánh pháp, Kệ tán tụng công đức giáo chủ, Kệ nguyện về cõi Phật, Kệ khuyên đừng giết thú.[56] (iii) Các bài kệ trong phần dẫn nhập bao gồm: Kệ dâng hương,[57] Kệ lễ Phật, lễ Pháp, lễ Tăng,[58] Hồi hướng chung,[59] Kệ xưng tụng Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo,[60] Kệ quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới,[61] Kệ pháp quy giới, pháp tịnh tâm,[62] Kệ sám hối Tam bảo,[63] Kệ sám hối tam nghiệp,[64] Kệ sám hối,[65] Kệ cầu nguyện chung,[66] Kệ cầu an,[67] Kệ cầu nguyện,[68] Kệ phổ nguyện,[69] Kệ cầu phước, cầu lộc,[70] Kệ cầu thọ,[71] Kệ thái bình,[72] Kệ cầu siêu,[73] Kệ giác linh tống táng,[74] và Sám từ bi.[75] 2) Về số lượng nghi thức: Số lượng các nghi thức trong NTKS ít hơn so với Nghi thức tụng niệm của Phật giáo Bắc tông. Các nghi thức chính trong NTKS bao gồm: Nghi thức cúng dường, Nghi cúng cửu huyền, Nghi thức cầu an, Nghi thức cầu siêu, Nghi thức sám hối. Nghi thức tụng niệm[76] trong các Chùa Bắc tông thông thường bao gồm 13 nghi thức sau đây: Nghi thức Công phu khuya, Nghi thức Cúng ngọ, Nghi thức Công phu chiều, Nghi thức cầu an, Nghi thức cầu siêu, Nghi thức sám hối, Nghi thức an vị Phật, Nghi thức phóng sinh, Nghi thức thỉnh chuông, Nghi thức quy y Tam bảo, Nghi thức xuất gia, Nghi thức hôn nhân, Nghi thức Bố-tát v.v… 3) Về ngôn ngữ: Nếu các NTBT có khuynh hướng sử dụng âm Hán Việt,[77] trong khi các Nghi thức Phật giáo Nguyên thủy sử dụng Pali – Việt[78] thì các nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ sử dụng tiếng Việt, chủ yếu là thi ca với các thể loại song thất lục bát (chiếm đại đa số), lục bát, thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn. Nhờ sử dụng thi ca diễn dịch kinh điển và kệ tụng, NTKS dễ nhớ, dễ thuộc và dễ truyền bá.[79] Đây là điểm mạnh của Hệ phái Khất sĩ, nhờ đó, quần chúng Phật tử, nhất là giới bình dân ở miền Nam dễ dàng chấp nhận Hệ phái Khất sĩ hơn. 4) Về thần chú: Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ (Tăng)[80] không sử dụng các thần chú của Phật giáo Mật tông trong các nghi thức tụng niệm, bao gồm Chú đại bi, chú vãng sinh và các thần chú khác.[81] Nghi thức mang phong cách này ít lạc dẫn người đọc tụng theo hướng “mầu nhiệm” cầu gì được đó, vốn trái với luật nhân quả được đức Phật giảng dạy.
V. VÀI NHẬN XÉT 1) Là một Hệ phái Phật giáo mới tại miền Nam, tồn tại chưa tròn 70 năm,[82] sự phát triển của Hệ phái Khất sĩ là đáng trân trọng: Hơn 500 Tịnh xá và 5000 Tăng Ni trên toàn nước Việt Nam. So với Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt[83] tồn tại 76 năm (1938-2014) tại miền Nam, Hệ phái Khất sĩ phát triển nhanh hơn, phổ cập đến nhiều thành phần xã hội Việt Nam từ Quảng Trị cho đến Cà Mau. Đây có thể được xem là mô hình truyền đạo có hiệu quả đối với giới quần chúng, đáng được các sơn môn pháp phái khác ở Việt Nam tham khảo và rút kinh nghiệm, để việc nhập thế, làm đạo trong giai đoạn toàn cầu hóa được hiệu quả hơn. 2) Nhờ chủ trương sử dụng nghi thức tụng niệm thuần Việt với thể loại thơ ca Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ đã phát triển nhanh trong cộng đồng Nam bộ. Tuy nhiên, nghi thức tụng niệm của Tăng giới và Ni giới của Hệ phái Khất sĩ vẫn chưa thống nhất, với nhiều dị biệt. Điều này phần nào làm giảm đi sức mạnh thống nhất nội bộ của Hệ phái Khất sĩ. Tôi cho rằng một khi Tăng Ni và Phật tử Hệ phái Khất sĩ đều sử dụng thống nhất một NTTN, sức mạnh nội tại của Hệ phái sẽ mạnh hơn, thuyết phục hơn và nhập thế hiệu quả hơn. 3) Trong NTKS chưa có sự phân biệt sự khác nhau giữa khái niệm “Kinh” và “Kệ”. Khuynh hướng đồng hóa khái niệm “Kệ” với “Kinh” xuất hiện trong NTKS, chẳng hạn, Kinh cúng cửu huyền,[84] Kinh cầu an,[85] Kinh cầu nguyện,[86] Kinh phổ nguyện,[87] Kinh cầu phước cầu lộc,[88] Cầu cầu thọ,[89] Kinh cầu siêu,[90] Kinh từ bi,[91] Kinh an vị Phật,[92] và Kinh Phóng sinh.[93] “Kinh” vốn chỉ cho những lời Phật dạy, trong khi “Kệ” là những bài thơ đạo của Tăng sĩ diễn giải về triết lý Phật nói chung, hoặc một khái niệm Phật học nói riêng. Do đó, trong các trường hợp nêu trên, nên đổi chữ “Kinh” thành chữ “Kệ” thì thích hợp hơn, giúp cho người đọc tụng dễ phân biệt đâu là lời Kinh Phật dạy và đâu là thi kệ của người biên soạn nghi thức, hoặc được người biên soạn tuyển chọn, đưa vào. 4) Các chính kinh trong NTKS chỉ gồm 6 bài như Kinh Phổ Môn, Kinh A-di-đà, Kinh Vu-la-bồn, Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân và Kinh Vô ngã tướng, trong đó 5 bài kinh đầu thiên về Tịnh độ Tông, trong khi bài cuối cùng giới thiệu triết lý vô ngã. Đây là khuynh hướng chung của các NTBT từ trước đến nay, ngoài trừ, Nghi thức Làng Mai đại toàn và các nghi thức do Chùa Giác Ngộ xuất bản. Các bài kinh về triết học, các bài kinh về đạo đức, các kinh về xã hội và các kinh về thiền chưa được giới thiệu trong NTKS. Đây là các Kinh nên được bổ sung nhằm giúp cho giới thọ trì, đọc, tụng có thể hiểu hệ thống và toàn diện lời dạy minh triết của Phật. Sài Gòn, ngày 02 tháng 3 năm 2014
SÁCH THAM KHẢO CHỌN LỌC I. BẢN VĂN SỬ DỤNG
II. BẢN VĂN THAM KHẢO
[1] NTTN, 17-42. [2] NTTN, 43-75. [3] NTTN, 77-138. [4] NTTN, 3-5. [5] NTTN, 6-8. [6] NTTN, 9-16. [7] NTTN, 148-82. [8] Trong bài này, tôi sử dụng các khái niệm “dẫn nhập, chính kinh và hồi hướng” trong các nghi thức Bắc tông do tôi biên soạn, để mô tả các nội dung tương đương trong Hệ phái Khất sĩ, để độc giả dễ đối chiếu và so sánh. Tham khảo thêm: (i) Thích Nhật Từ (biên tập), Kinh tụng hằng ngày, NXB. Tôn Giáo, 2002 (ấn bản thứ nhất 1994); (ii) Thích Nhật Từ (soạn dịch), Kinh Phật cho người tại gia, NXB. Hồng Đức, 2013; (iii) Thích Nhật Từ (soạn dịch), Kinh Phật cho người bắt đầu, NXB. Hồng Đức, 2012; (iv) Thích Nhật Từ (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm, NXB. Phương Đông, 2011. [9] NTTN, 149. [10] NTTN, 155: Lễ cúng dâng y bát. [11] NTTN, 9, 43, 76 [12] NTTN, 9, 43, 76 [13] NTTN, 9, 43, 76 [14] NTTN, 10, 44, 77 [15] NTTN, 44, 77 [16] Nguyên văn Hán Việt: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, ngã kim kiến văn đắc thọ trì, nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.” [17] NTTN, 30-41. [18] NTTN, 55-68. [19] NTTN, 91-99. [20] NTTN, 100-116. [21] NTTN, 117-130. [22] NTTN, 142-147. [23] NTTN, 4. [24] NTTN, 6-8. [25] NTTN, 71-5. [26] NTTN, 75. [27] NTTN, 42. Đang khi trong Nghi thức cúng dường (tr. 3) và Nghi thức thọ trì (tr.9) của NTKS bài dâng hương là một sáng tác mới, súc tích và hay: “Khói hương xông thấu mấy từng xanh/ Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành/ Trên khói hương này xin Phật ngự/ Chứng minh đệ tử tấc lòng thành.” [28] NTTN, 10-13. [29] NTTN, 30-41. [30] NTTN, 55-68. [31] 91-97. [32] 100-116. [33] 117-130. [34] 143-47, do NT Huỳnh Liên diễn thơ từ bản dịch tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu. [35] Tham khảo các quyển (i) Hộ Tông tỳ khưu (soạn dịch), Kinh Nhật Hành của người tại gia tu Phật, NXB Đông Phương, TP.HCM, 2006; (ii) Tăng Định tỳ khưu (hợp soạn), Kinh Nhật Tụng của cư sĩ, NXB. Tôn giáo, 1995, 2009; (iii) Tỳ khưu Siêu Minh, Kinh Nhật tụng Phật giáo Nguyên Thủy, NXB Tổng hợp.TP. HCM, 2013; (iv) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm, Chùa Pháp Luân, Texas, USA, 2003. [36] Hội đồng Giáo thọ Đạo tràng Mai thôn (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm đại toàn, NXB Lá Bối, Pháp, 1994, 2000. [37] Thích Nhật Từ (soạn dịch), Kinh Phật cho người tại gia, NXB. Hồng Đức, 2013. [38] Thích Nhật Từ (soạn dịch), Kinh Phật cho người bắt đầu, NXB. Hồng Đức, 2012. [39] Thích Nhật Từ (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm, NXB. Phương Đông, 2011, tr. xx + 390. [40] NTTN, 43, 76. Nguyên văn Hán Việt là: “Giới hương, định hương dữ huệ hương/ Giải thoát, giải thoát tri kiến hương/ Quang minh vân đài biến pháp giới/ Cúng dường thập phương Tam bảo tiền.” [41] Bài dâng hương của Nghi thức Khất sĩ: “Giới hương, định hương dữ huệ hương/ Giải thoát, giải thoát tri kiến hương/ Quang minh vân đài biến pháp giới/ Cúng dường Tam bảo khắp mười phương.” [42] Hãy tham khảo (i) Thích Thiện Thanh (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm hằng ngày của hai giới xuất gia và tại gia, Chùa Phật Tổ, Hoa Kỳ, 1998, và Thích Minh Thời (biên tập), Kinh Nhật tụng, NXB Tôn Giáo, 2002. [43] NTTN, 45, 77. [44] NTTN, 86-8. [45] NTTN, 88-90. [46] NTTN, 71-2, 131-2. [47] NTTN, 134-5. [48] NTTN, 135-6. [49] NTTN, 73, 136-7. [50] NTTN, 73-4, 137-8. [51] NTTN, 74-5, 138. [52] NTTN, 3-5. [53] NTTN, 6-8. [54] NTTN, 9-16. [55] NTTN, 148-82. [56] Phần lớn trong NTKS gọi là Kinh, tôi đổi lại Kệ, để phân biệt đây là các bài thi kệ của chư tôn đức Khất sĩ, chứ không phải lời dạy của đức Phật như trong các Kinh. [57] NTTN, 3, 9. [58] NTTN, 3-4, 9-10, 43-4, 76-7. [59] NTTN, 8, 13. [60] NTTN, 10-11. [61] NTTN, 12-3. [62] NTTN, 14-5. [63] NTTN, 17-8. [64] NTTN, 18-23. [65] NTTN, 23-7. [66] NTTN, 28-9. [67] NTTN, 34-6. [68] NTTN, 46-7. [69] NTTN, 47-8. [70] NTTN, 48-9. [71] NTTN, 49-50 [72] NTTN, 51-4. [73] NTTN, 78-9. [74] NTTN, 79-86. [75] NTTN, 139-41. [76] Xem thêm các nghi thức sau đây để thấy sự khác biệt về phân loại, thể loại nghi thức trong các Chùa Bắc tông tại Việt Nam: (i) Thích Thiện Thanh (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm hằng ngày của hai giới xuất gia và tại gia, Chùa Phật Tổ, Hoa Kỳ, 1998, (ii) Thích Minh Thời (biên tập), Kinh Nhật tụng, NXB Tôn Giáo, 2002, và (iii) Thích Nhật Từ (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm, NXB. Phương Đông, 2011. [77] Cụ thể như Thích Minh Thời (biên tập), Kinh Nhật tụng, NXB Tôn Giáo, 2002. [78] Cụ thể như: (i) Hộ Tông tỳ khưu (soạn dịch), Kinh Nhật Hành của người tại gia tu Phật, NXB Đông Phương, TP.HCM, 2006; (ii) Hộ Tông tỳ khưu (soạn), Kinh tụng, NXB Đông Phương, TP.HCM, 2005; (iii) Tăng Định tỳ khưu (hợp soạn), Kinh Nhật Tụng của cư sĩ, NXB. Tôn giáo, 1995, 2009; (iv) Viên Minh, Kinh Nhật Hành - Pali Việt, NXB. Tôn giáo, 2011; (v) Đức Hiền, Tuyển tập Kinh tụng Nam Tông, NXB. Tôn giáo, 2013, và (vi) Tỳ khưu Siêu Minh, Kinh Nhật tụng Phật giáo Nguyên Thủy, NXB Tổng hợp.TP. HCM, 2013; (vii) Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (soạn dịch), Nghi thức tụng niệm, Chùa Pháp Luân, Texas, USA, 2003. [79] Phật giáo Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu nghĩa cũng sử dụng thi ca để chuyển tải triết lý và truyền đạo, rất ăn khách và thành công ở miền Nam Việt Nam. [80] Nghi thức tụng niệm (Ni) thường gọi là Kinh Tam bảo và Kinh xưng tụng Tam bảo (tr. V) do NT. Huỳnh Liên biên soạn vẫn sử dụng thần chú đại bi, như phần lớn các nghi thức tụng niệm của các trường phái Phật giáo Bắc tông khác. [81] Hơn 20 quyển nghi thức do tôi biên soạn (quan trọng nhất là Kinh tụng hằng ngày, Kinh Phật cho người tại gia, Kinh Phật cho người bắt đầu và Nghi thức tụng niệm) không sử dụng các thần chú Mật tông. [82] Năm 2014, lãnh đạo Hệ phái Khất sĩ tưởng niệm 60 năm ngày vắng bóng Tổ sư Minh Đăng Quang, người khai sáng Hệ phái Khất sĩ. Hội thảo này là một phần trong các chương trình tưởng niệm. [83] Khái niệm nhân học này nhằm chỉ cho Hệ phái Theravada của người Việt, vốn phân biệt với Phật giáo Nam tông Khmer của các nhà sư Campuchia tại miền Nam Việt Nam. Theravada Việt vốn tiếp nhận và chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Theravada từ Tích Lan, mặc dù trong giai đoạn thành lập Theravada tại Sài Gòn, Hòa thượng Hộ Tông, nguyên là Tăng thống của phái này, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Campuchia. [84] NTTN, 6-8. [85] NTTN, 45-6. [86] NTTN, 46. [87] NTTN, 47-8. [88] NTTN, 48-9. [89] NTTN, 49-50. [90] NTTN, 78-9. [91] NTTN, 139-41, do NT. Huỳnh Liên sáng tác. [92] NTTN, 148-9. [93] NTTN, 149-50. |