Ý NGHĨA GIÁO DỤC QUA PHÁP HÀNH TỰ TỨ Liên Trí Pháp Tự tứ là một pháp hành độc đáo trong đạo Phật dành cho chư Tăng Ni xuất gia và truyền thống này được duy trì từ thời Phật còn tại thế cho đến ngày nay. Pháp Tự tứ được thực hiện định kỳ theo luật mỗi năm một lần vào cuối mùa an cư kiết hạ.
Khi ba tháng an cư tu tập hoàn mãn, chư đệ tử xuất gia của Phật tập trung tại một giới trường để cùng nhau làm lễ Tự tứ. Tự tứ nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ lỗi của mình ra, để cho mình biết mà sám hối cho sạch lỗi lầm, trả lại sự thanh tịnh vốn có cho tâm. Trong phần nội dung của buổi lễ Tự tứ, với tinh thần cầu tiến, mỗi cá nhân cần phải khẩn thiết thỉnh cầu chư tôn đức và toàn thể đại chúng, qua ba phương diện thấy, nghe và nghi, hoan hỷ chỉ bảo cho mình biết thêm được những sơ sót, sai lầm, tội lỗi đã phạm mà bản thân không tự biết. Người Tự tứ, đối chiếu những lời chư tôn đức nhận xét về mình với giới luật mình đã thọ trì, nếu có tội, thành khẩn sám hối những lỗi lầm đã phạm và hứa nỗ lực chuyển hóa. Lễ Tự tứ là cái mốc để sau khi tự tứ xong, chư Tăng Ni hoàn toàn thanh tịnh, sạch lỗi lầm và được tính thêm một tuổi đạo. Đây là một ngày đặc biệt, đáng nhớ cho mỗi người đệ tử xuất gia. Vì lẽ đó, ngày Tự tứ còn gọi là ngày thọ tuế, ngày sinh nhật trong Đạo vậy. Pháp Tự tứ chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp, giàu giá trị giáo dục và nhân văn. Từ nghĩa phổ biến nhất của giáo dục là truyền trao kiến thức đến nghĩa tận cùng của khái niệm này là quá trình chuyển hóa theo hướng tích cực thông qua con đường tự giáo dục, pháp Tự tứ thể hiện trọn vẹn tinh thần giáo dục như vậy. Trong quá trình giao lưu và trao đổi này, người học (ở đây là người Tự tứ) đóng vai trò chủ đạo, còn các yếu tố khác chỉ góp phần hỗ trợ, như tạo nên môi trường tốt nhất, điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình tự chuyển hóa ấy diễn ra một cách hiệu quả nhất. Chúng ta thử tiếp cận giá trị giáo dục của pháp Tự tứ qua các phương diện sau: Pháp Tự tứ thể hiện một thái độ khiêm cung, chân thành Điểm cốt yếu trong ngày lễ Tự tứ là thỉnh cầu người khác xét lỗi giúp mình. Khi thực hành pháp này, Tỳ-kheo thỉnh cầu giữa Tăng chúng, xin chư Tôn giả đồng tu chỉ cho mình những điều sai lệch với giới luật về ba phương diện: thấy, nghe và nghi. Luật dạy mỗi Tỳ-kheo khi thực hiện pháp Tự tứ đều thỉnh cầu rằng:“Bạch các Ngài, con xin thỉnh cầu hội chúng, do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót, xin các ngài hãy chỉ bảo con. Nếu con thấy có tội sẽ như pháp sám hối”. Lời tác bạch này được lặp lại ba lần như vậy. (Tứ phần luật, phần 3, chương 4: Tự tứ). Điều này thể hiện thái độ khiêm cung, chân thành hết mực của người Tự tứ. Bởi lẽ, tâm lý thường tình của con người là muốn mình được đánh giá cao hơn những gì mình đang là, muốn hình ảnh của mình hoàn hảo hơn, lung linh hơn trong mắt người khác, nhưng không chịu nỗ lực sửa đổi cho hoàn thiện. Do vậy, ai cũng tìm cách tránh né, che giấu khuyết điểm, phủ nhận lỗi lầm mình đã gây tạo như là một cách để tự vệ, che chắn và bảo vệ cái ngã của mình không bị tổn thương. Không ai muốn người khác biết lỗi lầm của mình cả. Với tâm lý đó, lẽ dĩ nhiên, khi phạm lỗi, thường người ta cố giấu lỗi cho đến khi nào không còn giấu được nữa mới chấp nhận. Như vậy, ta hiểu rằng việc tự giác, hết lòng bày tỏ tội lỗi của mình, công khai chấp nhận mình có lỗi là một việc khó. Việc tha thiết và trân trọng thỉnh cầu người khác chỉ lỗi cho mình càng khó hơn; và chân thành thỉnh cầu nhiều người chỉ lỗi cho mình trước tập thể, mà tha thiết thỉnh cầu đến ba lần, là cả một vấn đề muôn phần khó hơn. Chỉ những ai trọn đời quy hướng về con đường thiện lành, có thái độ sống khiêm cung hết mực với chính mình mới có đủ bản lĩnh để làm việc này. Người nào thật tâm hành pháp Tự tứ là người có thái độ sống khiêm cung và chân thành rất đáng để chúng ta trân trọng và học hỏi. Đây là cách để dần hoàn thiện mình một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Pháp Tự tứ thể hiện tinh thần dân chủ Pháp Tự tứ được thực hành từ khi Đức Phật còn tại thế và được áp dụng cho tất cả các thành viên trong Tăng đoàn, kể cả Đức Phật. Ngài thực hành pháp Tự tứ đúng theo luật Ngài chế định thông qua cách giáo dục nghiêm túc không thiên vị một ai. Trong lễ Tự tứ, ai cũng có quyền chỉ lỗi, góp ý trên tinh thần dân chủ. Như tất cả các vị xuất gia khác trong Tăng chúng, Đức Phật tôn trọng tuyệt đối giới luật, giềng mối của Tăng đoàn. Trong thời điểm Tự tứ, Ngài xin Tăng chúng nói lên, nếu thấy Ngài có lỗi. Ngài nói “Hãy để Ta Tự tứ. Chớ để cho thân khẩu ý Ta có điều đáng hiềm trách.”(Tạp A-hàm, Kinh 1113: Hoài Thọ). Kinh Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VIII, phần Tự tứ ghi lại rằng, chính Đức Phật, cũng thực hiện pháp Tự tứ giữa Tăng chúng. Ngài nói: “Này các Tỷ-kheo, nay Ta mời các Ông nói lên, các Ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?” Qua việc thực hành pháp Tự tứ, ta có thể nói mà không sợ sai rằng, trong lịch sử nhân loại, chưa có một vị giáo chủ nào thể hiện tinh thần dân chủ tuyệt đối như Đức Phật. Xử sự một cách dân chủ như thế này, lãnh đạo ở thế gian hẳn cũng không có. Người toàn thiện như Đức Phật, không có chút mảy may lỗi lầm, Ngài còn thực hành Tự tứ, công khai mời chúng Tăng chỉ lỗi. Trước thái độ này của Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất tán thán rằng “Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay về lời nói. Bạch Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi; con đường chưa được rõ biết, Thế Tôn làm cho rõ biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Thế Tôn [là bậc] biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo” (Kinh Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VIII, phần 7: Tự tứ; Kinh Thỉnh Tỉnh trong Trung A-hàm cũng diễn tả tương tự). Đây là gương sáng cho hàng đệ tử bao thế hệ noi theo và sự giáo dục qua thân giáo này có giá trị muôn đời. Những vị thánh đệ tử, những bậc“đã chứng đắc vô trước, dứt trừ các lậu, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kết đã tận và đã đạt được thiện nghĩa, chánh trí, chánh giải thoát”(Trung A-hàm, Kinh 121: Kinh Thỉnh tỉnh; bài kinh Tự tứ trong Tương ưng bộ kinh cũng diễn tả tương tự), noi gương Đức Phật, cũng làm lễ tự tứ sau mùa an cư trong tinh thần “dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau” (Kinh Thỉnh tỉnh, Trung A-hàm), dân chủ một cách tuyệt vời đến vậy. Tinh thần dân chủ còn thể hiện ở sự tin tưởng và tôn trọng khả năng tự phán xét, tự phê bình của mỗi cá nhân qua câu tác bạch Tự tứ, rằng “nếu thấy có tội, con xin như pháp sám hối”. Điều này có nghĩa là người ngoài chỉ hỗ trợ cung cấp thêm một số thông tin về mình qua các “kênh” thấy, nghe và nghi mà không hề có sự ép buộc hay áp đặt. Việc xác định sự việc cụ thể như thế nào, có vi phạm giới luật hay không, phải dùng sự quán chiếu của mình, chứ không phải người kia nói mình có lỗi là tự động mình trở thành người có lỗi. Điều này chứng tỏ rằng, trong tinh thần dân chủ và bình đẳng, đại chúng tôn trọng tuệ giác của mỗi người mà tin tưởng về sự quán xét khách quan và trung thực của người tự tứ. Hơn nữa, tự rút kinh nghiệm từ sai lầm của chính mình là cách học sinh động nhất và hiệu quả nhất cho mỗi cá nhân vậy. Pháp Tự tứ thể hiện tinh thần vô ngã Trong Tự tứ, dẹp qua sĩ diện hão, không còn tự ái cá nhân, đặt tinh thần học hỏi và tiến bộ tâm linh lên hàng đầu, tại đây, mọi tâm lý mang tính chất “cái này là của tôi, là tôi, tự ngã của tôi” có thể tự rơi rụng với tâm chí thành của người Tự tứ tha thiết mong được làm mới chính mình. Thay vào đó, người Tự tứ thể hiện thái độ sống vô ngã, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nhận xét, đánh giá về mình của các bậc thầy và pháp hữu sau thời gian chung sống trong 3 tháng an cư. Không có sự ngăn ngại bỉ thử, ta người gì ở đây cả. Người Tự tứ chân thành trình lỗi, xin người khác chỉ lỗi, chân thành tự xét lại mình để được thanh tịnh sạch hết lỗi lầm. Với quan điểm chỉ có hành động chưa đúng, chứ không có người sai; chỉ có lỗi lầm, không có người lầm lỗi, Tăng chúng không gắn nhãn mác cố định nào vào bất kỳ một con người nào khi hiểu rằng các pháp luôn vận hành trong sự đổi thay không ngừng của thế giới duyên sinh. Trên tinh thần này, người thọ tự tứ tận tâm góp ý chân tình mà người Tự tứ tiếp nhận thông tin cũng vô cùng thành tâm hoan hỷ. Sau khi tiếp nhận những ý kiến đóng góp trong lễ Tự tứ, người ấy quán xét lại bản thân, soi chiếu với giới luật đã thọ, sàng lọc các các thông tin một cách trung thực để thấy rõ những vụng về, thiếu sót, lỗi lầm mình đã tạo ra trong thời gian qua mà thành tâm ăn năn, sám hối. Với sự soi rọi của chánh kiến, mỗi cá nhân kịp thời điều chỉnh hành vi của mình trong tinh thần hòa hợp “như nước với sữa” với tất cả các thành viên chung sống trong Tăng đoàn. Có vô ngã mới có cơ hội sửa mình và tiến bộ hơn và nhờ vậy, pháp Tự tứ trở thành một truyền thống đẹp vô cùng. Pháp Tự tứ giúp Tăng Ni hiểu nội dung giới luật tốt hơn Giới và luật dành cho người xuất gia nghiêm ngặt hơn nhiều so với giới dành cho người cư sĩ tại gia, do đó, các quy điều cần được hiểu rõ ràng, tường tận, cặn kẽ thông qua các sự việc cụ thể sinh động trong cuộc sống thường ngày thì mới có thể thực hành trọn vẹn được. Về phương diện này, Tự tứ là cơ hội để chư Tăng Ni chiếu theo giới và luật xác định những việc nào mình đã làm trong thời gian qua là lỗi lầm, những việc nào là thanh tịnh thông qua sự phản ánh của đại chúng ở các phương diện thấy, nghe, nghi về từng cá nhân trong quá trình chung sống. Sự thảo luận, phân tích, xem xét và đi đến kết luận từ việc mổ xẻ một vấn đề cụ thể giúp chư Tăng Ni hiểu rõ hơn, nhớ kỹ hơn nội dung giới cần giữ. Khi một cá nhân mắc sai lầm, nếu sự việc ấy được đem ra phân tích, thảo luận với đương sự thôi thì chỉ có người ấy rút kinh nghiệm để tránh sai lầm tương tự như vậy về sau. Thế nhưng, nếu đưa việc đó ra phân tích, thảo luận trước một hội chúng đông đảo các vị đồng tu, thì sự việc ấy trở thành bài học lợi ích chung cho tất cả. Nhờ vậy, các điều giới liên quan đến sự việc hàng ngày được tái xác lập và nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một cách khắc ghi sâu hơn trong tâm người nghe. Sự tái khẳng định này tạo nên một hiệu ứng tích cực, gây ấn tượng và có tác dụng nhắc nhở chư Tăng Ni hiểu các điều giới cặn kẽ và cụ thể hơn, nhớ lâu hơn và nhờ đó sẽ giữ giới trọn vẹn hơn. Pháp Tự tứ thể hiện tinh thần cầu tiến để hoàn thiện mình Người tự tứ (người cầu thỉnh được chỉ lỗi) và người thọ tự tứ (người nhận lời cầu thỉnh và hoan hỷ chỉ lỗi) đều được Đức Phật khen ngợi là người trí. Một bài kinh ghi nhận lời Ngài dạy rằng “Này các Tỷ-kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội là thấy có phạm tội, và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình. Này các Tỷ-kheo, có hai loại người có trí này.” (Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm 3: Người ngu). Đức Phật khen ngợi như vậy vì cả người Tự tứ và người thọ Tự tứ đều có cơ hội nuôi dưỡng tâm mình trong các pháp lành: trân trọng tinh thần cầu tiến của mỗi cá nhân trong Tăng đoàn. Sự thỉnh mời và nhờ người chỉ lỗi trong Tự tứ thể tinh thần tha thiết sửa đổi để hoàn thiện mình của người xuất gia. Trong ba tháng an cư, chư Tăng Ni đã thúc liễm thân tâm, trau giồi đạo hạnh rất miên mật rồi. Dù đã tinh tấn và nỗ lực, không ai dám chắc mình hoàn thiện không lỗi lầm và có thể tự nhận thấy hết được việc làm của mình. Do vậy, đối với người cầu tiến, tự xét lỗi, còn chưa đủ nên phải nhờ người khác giúp mình chỉ lỗi. Trong quá trình thực hiện pháp Tự tứ, tinh thần cầu tiến ấy được thể hiện ở việc tác bạch Tự tứ: “Bạch Đại đức chúng Tăng, nay là ngày Tự tứ, con Tỳ-kheo… cũng Tự tứ, nếu có thấy nghe nghi có tội cúi xin Đại đức Trưởng lão xót thương chỉ bảo, nếu thấy có tội, con xin như pháp sám hối”. Câu này được nói ba lần, nói rõ ràng, âm lượng vừa phải, không quá lớn, không quá nhỏ, không quá nhanh, không quá chậm để cho vị Đại đức Trưởng lão và cả đại chúng cùng nghe. Sự chừng mực trong cách nói và nội dung lời tác bạch nghiêm túc, chí thiết chí thành, thưa thỉnh đến ba lần như thế này thể hiện tinh thần mong mỏi làm mới mình, muốn hoàn thiện mình trên con đường tu tập của người Tự tứ. Ngay cả tư thế Tự tứ, Đức Phật dạy “Không được ngồi tại chỗ mà Tự tứ. Phải rời chỗ ngồi, và quỳ để Tự tứ”(Luật tứ phần, Phần ba, Chương 4: Tự tứ). Tư thế quỳ thể hiện tâm rất đỗi cung kính đối với người đối diện, chí thành trong việc mình làm, hết mực trân trọng với pháp Tự tứ truyền thống, chứ không phải qua loa chiếu lệ, làm theo hình thức cho lấy có. Rồi luật cũng quy định, người Tự tứ phải rời chỗ ngồi thể hiện sự tôn trọng và quý kính người đối diện biết dường nào, lòng mong mỏi, tha thiết được biết lỗi và sẵn sàng sửa lỗi dường bao! Luật quy định là những người đợi đến phiên mình Tự tứ cũng quỳ với cùng ý nghĩa trên, nhưng sau khi Tự tứ xong, cho phép đương sự tự ý ngồi. Sự tha thiết, chí thành của người Tự tứ thể hiện tinh thần cầu tiến đã có tác dụng đánh động tâm thức của người thọ Tự tứ nên chư tôn đức mở lòng và chân tình chỉ dạy, góp ý để cá nhân ấy ngày càng hoàn thiện hơn. Pháp Tự tứ thể hiện tinh thần hòa hợp trong Tăng đoàn Đức Phật dạy có bốn loại Tự tứ: “Có bốn loại Tự tứ: Tỳ-kheo Tự tứ phi pháp biệt chúng, Tự tứ phi pháp hòa hợp, Tự tứ như pháp biệt chúng, Tự tứ như pháp hòa hợp.”(Luật tứ phần, Phần III, chương IV: Tự tứ). Trong đó, Ngài chỉ chấp nhận chúng Tăng Tự tứ trong tinh thần hoà hợp gọi là: ‘Như pháp hòa hợp Tự tứ’. Điều này có nghĩa là cần phải tiến hành Tự tứ đúng pháp giữa đại chúng hòa hợp thanh tịnh. Như vậy đủ biết hòa hợp và đúng pháp là cốt tủy, là điều kiện cần và đủ để pháp Tự tứ có hiệu lực và hiệu quả. Nếu được thực hành đúng theo tôn chỉ và thâm ý của Đức Phật, pháp Tự tứ là cơ hội để chư Tăng Ni trong Tăng đoàn thể hiện sự quan tâm, gắn bó và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Lấy giới luật làm chuẩn chung để điều chỉnh hành vi của mình theo nội quy tu viện như vậy, mỗi một thành viên trong cùng một tổ chức tuân thủ những quy định chung sẽ cùng chung sống hòa hợp với nhau, tạo nên sự gắn kết với nhau. Với mục đích cùng chung sức đồng lòng xây dựng một cộng đồng thanh tịnh và hòa hợp, người Tự tứ thỉnh cầu chư vị Tỳ-kheo khác, vì lòng thương dành cho chư pháp hữu, hoan hỷ chỉ ra những hành vi, lời nói không phù hợp với giới luật của bản thân mình qua những gì vị ấy thấy, nghe và nghi. Trong tinh thần hòa hợp, xây dựng, tương kính và hòa thuận, với nhận xét khách quan nhất có thể, vị ấy chỉ ra những điều mà vị ấy thấy là chưa đúng so với những gì được quy định trong giới luật. Nếu xét thấy mình có sai phạm thì đương sự sám hối đúng như pháp. Nếu không đúng, đương sự cũng có lời giải thích để hóa giải nghi ngờ trong Tăng chúng. Hóa giải nghi ngờ giữa các thành viên trong Tăng đoàn qua pháp Tự tứ là cách để nuôi dưỡng tính hòa hợp và thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc lâu dài trong Tăng đoàn. Ngoài ra, trong tiến trình Tự tứ, có vị Tỳ-kheo nào từng phạm tội mà bản thân vị ấy không tự ý thức được để sám hối, đại chúng không biết, hoặc quên đi mà không có ai cử tội, xem như đã thông qua. Tuy vậy, sau khi Tự tứ, nếu ai cố tình cử tội lại thì phạm luật. Điều này cho thấy rõ ràng lễ Tự tứ mà chư Tăng Ni thực hiện chứa đựng giá trị nhân bản, giáo dục, giáo hóa và nhất là chú trọng đến tinh thần hòa hợp của Tăng đoàn hơn là sự chỉ trích hay trừng phạt. Pháp Tự tứ giúp mỗi cá nhân không những tự ý thức, tự giác hành trì và sống đúng luật nghi, tự tôn trọng phẩm hạnh của mình mà còn đảm bảo tính hòa hợp thanh tịnh của đoàn thể Tăng-già nữa. Pháp Tự tứ thể hiện trí tuệ và từ bi Trí tuệ và từ bi là nét đặc trưng của đệ tử Phật. Trong pháp Tự tứ, người xin được chỉ lỗi và người chỉ giùm lỗi đều thể hiện trí tuệ và từ bi ấy một cách nhất quán từ trong bản chất. Với người Tự tứ, có trí tuệ mới thấy được việc nhờ người khác giúp mình nhận ra lỗi lầm để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện đời sống phạm hạnh là cách học thiết thực nhất, sinh động nhất để nuôi dưỡng giới thân huệ mạng của mình. Có trí tuệ và từ bi mới mong mỏi mình tiến bộ, thanh tịnh để những người chung sống không phải chịu đựng vì những tập khí không dễ thương của mình. Pháp Tự tứ cũng thể hiện trí tuệ sáng suốt cũng như lòng thương yêu trong sáng và hướng thượng của người chỉ giùm lỗi.. Trên tinh thần đó, người thọ Tự tứ đối với các pháp hữu công tâm, khách quan và chân tình hết mực để chỉ lỗi, với mục đích giúp người ấy ngày càng tốt hơn, chứ không hề có ý chỉ trích chê bai. Theo luật định, người thọ Tự tứ cần có đầy đủ “5 đức Tự tứ” là: (1) không ái, tức là không thương yêu, thiên vị trong khi chỉ lỗi người khác; (2)không nhuế, tức là không hiềm khích, oán hận gì hết; (3)không bố,là không sợ, không bị áp lực gì khi thực hiện việc chỉ lỗi. Thấy pháp hữu mình có lỗi, vì tâm từ, thương yêu muốn giúp đỡ huynh đệ mà vị ấy nói mà không sợ người kia oán trách; (4) không si, là biết chính xác, rõ ràng chứ không phải u mê; phạm biết phạm, không phạm biết không phạm; (5) biết người nào Tự tứ rồi, người nào chưa. (Luật tạng, Đại phẩm, Tự Tứ). Tiếp đến, khi cử tội (chỉ lỗi), người thọ Tự tứ cần đủ năm pháp gọi là “5 đức cử tội” sau: (1) Biết thời chứ không phi thời. Trí tuệ và từ bi sẽ mở lối cho người ấy biết khi nào nên nói điều gì là cách giúp huynh đệ mình hiệu quả nhất; (2) như thật chứ không hư dối. Đã nói là nói sự thật khách quan, không phải chọn một số thông tin có chủ ý để lạc dẫn mọi người với thông tin què quặt ấy; (3) có lợi chứ không vô ích. Tất cả sự chỉ lỗi này nhằm đem lại lợi ích cho người Tự tứ; (4) dịu dàng chứ không thô lỗ. Cách nói nhẹ nhàng là sản phẩm được tinh chiết từ tấm lòng từ bi thật sự, có sức cảm hóa lớn và đưa đến kết quả tốt đẹp; (5) từ tâmchứ không sân hận. Đây là yếu tố căn bản hàm chứa trong các yếu tố nêu trên(Luật tạng, Đại phẩm, Tự tứ). Thêm vào đó, tâm từ còn thể hiện ở việc thông cảm cho những vị Tỳ-kheo bệnh duyên, chịu sự thúc bách của bệnh mà thân thể bất an, không được khỏe mạnh, không hề dễ chịu. Với trí tuệ và tâm từ, Đức Phật cho phép những Tỳ-kheo bệnh này không nhất thiết phải bỏ giày dép, quỳ đợi đến lượt mình Tự tứ hoặc trong lúc đang Tự tứ, mà có thể trong bất cứ tư thế nào mà người ấy cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì cứ ở tư thế ấy mà thọ Tự tứ. Pháp Tự tứ thể hiện niềm tin yêu lẫn nhau trong Tăng đoàn Niềm tin yêu là sợi dây thắt chặt mối quan hệ đầy đạo vị giữa những người đồng tu. Một khi rời bỏ gia đình sống chung trong một đoàn thể cùng hướng đến một lý tưởng giải thoát, niềm tin yêu lẫn nhau là dưỡng chất tâm linh nuôi lớn đời sống tâm linh mỗi cá nhân và sưởi ấm tình cảm cao quý giữa những người đồng phạm hạnh, đồng chí hướng. Tin yêu trong tinh thần hòa hợp là nét đặc trưng của chúng đệ tử Phật để tạo nên một sức mạnh cộng hưởng cho Tăng đoàn. Niềm tin yêu này được thể hiện qua nhiều phương diện trong đời sống cộng đồng và tinh thần sống tích cực này có thể dễ dàng nhận ra qua pháp tự tứ. Vì tin tưởng rằng, bản thân mình không đủ sáng suốt và khách quan để thấy hết lỗi lầm mình đã gây tạo nên, trong khi mình muốn làm một người hoàn thiện hơn trên con đường tu tập phạm hạnh, nên tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ lỗi cùng những lời nhận xét, đánh giá của chư vị đồng tu mà tha thiết cầu thỉnh chư tôn đức thọ tự tứ cho mình. Người thọ Tự tứ vì trân trọng sự tin yêu của huynh đệ dành cho mình mà khách quan, công tâm và chân thành trong quá trình chỉ lỗi. Mặt khác, người thọ Tự tứ đặt trọn niềm tin vào sự làm mới, tinh thần cầu tiến của người Tự tứ mà dốc hết tâm để nói lên sự thật về những điều thấy, nghe và nghi để hỗ trợ cho người tự tứ sửa đổi hành vi và tâm ý cho được trọn lành. Không những vậy, Tự tứ giúp chư Tăng Ni giải tỏa những nghi ngờ, đồng thời giải quyết những mâu thuẫn (nếu có) khi còn ở dạng tiềm ẩn, manh nha thể hiện qua việc thấy nhưng không thật sự rõ ràng, nghe nhưng chưa thật thấu đáo và những phân vân, nghi ngờ lẫn nhau khi thấy những biểu hiện “có vẻ như…” của những huynh đệ cùng chung sống. Nhờ pháp Tự tứ, những điều chưa được rõ ràng có cơ hội được giãi bày cho rõ ràng. Lấy giới luật làm chuẩn, nếu người Tự tứ có lỗi, thành tâm như pháp sám hối; nếu vị ấy không có lỗi, mọi hiểu lầm và nghi ngờ tan đi, niềm tin yêu lại về. Điều này làm tăng thêm lòng tin yêu lẫn nhau giữa chư huynh đệ đồng tu, để đảm bảo cho mọi thành viên chung sống hòa hợp như nước với sữa, thương yêu nhau chân tình, hướng đến mục đích thành tựu giải thoát. Thay lời kết Tự tứ, nếu thực hành đúng pháp, là một pháp hành giàu giá trị giáo dục trong đạo Phật. Nếu giáo dục được hiểu theo nghĩa hẹp là sự truyền trao kiến thức, Tự tứ là quá trình như thế. Sau khi thẩm định và sàng lọc những cái sai lạc, người thọ Tự tứ chỉ ra kiến thức cần học tập và thực hành khi liên hệ và đối chiếu với các điều luật. Nếu giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng hơn có liên quan đến việc rèn luyện nhân cách, pháp Tự tứ càng thể hiện rõ nét chức năng này. Những yếu tố cốt lõi tạo nên các giá trị đáng quý của pháp Tự tứ là sự khiêm cung, chân thành, tôn trọng, hòa hợp, vị tha, bao dung độ lượng, công tâm và bình đẳng của người Tự tứ cũng như của người thọ Tự tứ được nuôi dưỡng qua pháp hành Tự tứ. Nếu thiếu đi sự chân thành, lỗi lầm không được phô bày mà giấu kín, người chỉ lỗi cũng không giữ được sự công tâm vô tư cần thiết thì pháp Tự tứ không đem lại hiệu quả và chẳng có ý nghĩa gì trong việc xây dựng đời sống Tăng-già hòa hợp thanh tịnh. Nếu giáo dục được hiểu theo nghĩa tận cùng là tự giáo dục, tự chuyển hóa nội tâm mỗi cá nhân trên cơ sở tiếp thu những góp ý quý báu từ đại chúng thì pháp hành Tự tứ mở ra cơ hội tuyệt vời để tự thân tu tập phạm hạnh tinh khiết, cùng hướng đến mục đích cao viễn nhất của giáo dục Phật giáo là giải thoát. Với những ý nghĩa đậm chất nhân văn giàu tính giáo dục vừa trình bày trên, truyền thống Tự tứ được chư đệ tử xuất gia của Phật trân trọng gìn giữ suốt 26 thế kỷ qua. Để có thể bảo lưu những giá trị cao đẹp này, hàng đệ tử xuất gia của Phật cần duy trì pháp hành này đúng với tinh thần nguyên thủy của nó, đừng biến pháp Tự tứ độc đáo của “phiên bản gốc” từ thời Đức Phật thành một thứ nghi lễ mang tính hình thức sáo rỗng để kết thúc mùa An cư kiết hạ thì thật uổng phí một gia tài vô giá của bậc đạo sư mà nhân danh đệ tử Ngài ta lại không được thừa hưởng chút ít nào.
Liên Trí (Nguyệt san Giác Ngộ)
|