NGUYỄN CÔNG TRỨ VIẾT VỀ ĐẠO PHẬT
Đào Nguyên
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một trong số các gương mặt thơ Nôm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ XIX. Họ Nguyễn viết về Phật giáo rất ít : bài thơ Nôm sáng tác theo thể hát nói, có cả hai câu mưỡu đầu – vốn là sở trường của ông – nhan đề là Vịnh Phật, có lẽ là bài thơ duy nhất của Nguyễn Công Trứ viết về đạo Phật.
"Thuyền từ một lá chơi vơi
Bể trần chở biết bao người trầm luân.
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.
Chiếc thuyền từ một lá chơi vơi,
Vớt chìm đắm đưa người lên cõi tỉnh.
Chữ "kiến tính" cũng là "suất tính" (1)
Trong ống dòm đổ tiếng hư vô,
Kẻ muốn đem "nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, ly kỳ cư" (2)
Song đạo thống vẫn rành rành công cứ.
Bạng y thiên lý hành tương khứ
Đô tự nhân tâm tố xuất lai. (3)
Bát khang trang chẳng chút chông gai
Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc. (4)
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa
Nghiệp duyên vốn tự mình ra
Rơi vuông tấc có thiên đường, địa ngục.
Vì chưa thoát lòng trần mắt thịt
Nên mơ màng một bước một khơi
Khiến cho phiền muộn Như Lai"
(Dẫn theo sách VNPGSL, T2, 1992, tr.295-296)
Và đây là những nhận định hết sức sâu sắc, tỉnh táo và xác đáng về Phật giáo.
Vậy bài thơ trên đã ra đời trong hoàn cảnh nào ? Không thể trả lời dứt khoát được. Nhưng nếu đặt nó trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Uy viễn Tướng công, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, những kiến giải đậm đà hình tượng về Phật học kia hẳn đã được đúc kết vào chặng cuối của cuộc đời ông, sau cái thời kỳ hăng say của một Nho sĩ tha thiết với lý tưởng trị – bình của Nho giáo, cho dù cái mục tiêu cao cả mà ông đặt ra đó còn nặng về sách vở hơn là thực tế. Dần dà, qua thực tiễn của thời đại và cuộc sống, Nguyễn Công trứ đã nhận chân ra lắm vấn đề, lắm sự việc, mà các phạm trù hành xử của kẻ sĩ chính thống không thể thâu tóm hết. Cùng với tầm nhìn được mở rộng thêm như thế, hẳn họ Nguyễn đã có dịp để nhìn lại kỹ càng hơn, đúng đắn hơn về đạo Phật, một đạo Phật vốn không xa lạ gì đối với quê hương đất nước mình, vậy mà có lần – theo giai thoại được truyền tụng – vì quá say sưa với lý tưởng quân – thần, ông đã phát biểu : "Hay tám vạn tư mặc kệ, chẳng quân thần, phụ tử, đếch ra người !". Do vậy, viết về Phật giáo, đối với Nguyễn Công Trứ, cũng chính là sự khẳng định cho tính chất bùng vỡ nơi tâm thức của chính mình. Và với một con người thiên về lý trí, nên những trình bày qua bài hát nói kể trên thật rõ ràng, khúc chiết.
Theo Nguyễn Công Trứ, tầm bao quát của Phật giáo là hết sức rộng lớn : "Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài", nhưng trọng tâm của nó vẫn là cứu khổ, cứu vớt chúng sinh đang bị chìm đắm nơi biển trầm luân, đưa về cõi tỉnh. Và khi cho rằng : "Trong nhật dụng sao rằng đạo khác", là Nguyễn Công Trứ đã lý giải được mối tương quan giữa tương đối và tuyệt đối, giữa nhập thế và xuất thế, theo Phật giáo – thuật ngữ Phật học gọi là Tục đế và Chân đế. Ở thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã bày tỏ : "Tôi thiết nghĩ : Tôn chỉ của pháp môn – tức đạo Phật – chủ yếu cho mọi việc ở thế gian đều là hư vọng, cho nên tu thành bậc Chánh giác để vượt ra ngoài lục trần, khi đã thành diệu đạo tuyệt đối thì yêu thương chúng sinh, bố thí mọi phương tiện, có người nào muốn tu thành chánh giác – xuất gia – thì giúp cho họ được viên thông, người nào muốn làm tròn nhân đạo – tại gia – thì cũng giúp cho họ được thành tựu, không phải là muốn người ta bỏ hết cương thường, luân lý đâu" (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB.KHXH, H., 1978, tr.367).
Chính vì không thành đạt, nên đám Nho sĩ thiển cận, theo Nguyễn Công Trứ, đã nhìn cuộc sống qua chiếc ống dòm, nên đã cho Phật giáo là "hư vô" : "Trong ống dòm đổ tiếng hư vô", kể cả những kẻ sĩ đã từng đọc tụng bao nhiêu là sách Nho, sách Phật, vẫn không nhận ra được một số điểm tương đồng cơ bản, vì cùng nhằm phát huy cái phần tốt đẹp vốn có nơi con người : "Chữ "kiến tính" cũng là "suất tính".
Hơn nữa, vẫn theo Nguyễn Công Trứ, cái ước muốn tiêu diệt Phật giáo một cách quá cuồng nhiệt của Hán Dũ (768-824) đời Đường, cho dù thực hiện được, cũng không thể ngăn nổi bước phát triển hợp thiên lý và nhân tâm của đạo Phật :
"Kẻ muốn đem "nhân kỳ nhân", "hỏa kỳ thư", "ly kỳ cư"
Song đạo thống vẫn rành rành công cứ".
Cho nên, khi nhấn mạnh :
"Cái luân hồi chẳng ở đâu xa
Nghiệp duyên vốn tự mình ra
Nơi vuông tấc có thiên đường, địa ngục"
Là Nguyễn Công Trứ đã tự chứng tỏ sự thấu đạt Phật học hết sức sâu sắc của mình.
(NS GIÁC NGỘ - Xuân Canh Thìn)
* Chú thích :
• "Kiến tính" là chữ của nhà Phật, "suất tính" là chữ của nhà Nho. Sách Trung Dung có câu : "Tiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giác" (Cái mà mệnh trời phó cho là Tính. Noi theo Tính gọi là Đạo. Sửa cho hợp với Đạo gọi là Giác).
• Bài biểu của Hàn Dũ ngăn rước Xá lợi Phật, đã đề xuất : Bắt Tăng sĩ hoàn tục (Nhân kỳ nhân), đốt kinh sách Phật (Hoả kỳ thư), và tịch thu tự viên (Ly kỳ cư).
• Hai câu thơ chữ Hán có nghĩa :"Đạo dựa theo lẽ trời mà ra, đều từ nơi tâm người mà lại".
• Hà. Lạc tức Hà Đồ và Lạc Thư, khởi nguyên của kinh Dịch. Cả hai câu "Bát khang trang…..một dòng Hà Lạc" ý nói "Bình bát rộng của Phật có thể chứa đầy nước hai sông Hà, Lạc", tức cho Phật giáo và kinh Dịch có những điểm giống nhau.