Thư Viện Hoa Sen

Đi về phía tiếng chuông chùa

02/09/20174:02 SA(Xem: 8249)
Đi về phía tiếng chuông chùa

KÝ SỰ…..
ĐI VỀ PHÍA TIẾNG CHUÔNG CHÙA 
Nguyễn Xuân Chiến

 

ho-xuan-huong-tai-da-latI

Khi chiếc xe tốc hành đổ dốc Thuỷ tạ, bọc quanh hồ Xuân Hương, tôi mới biết mình tới Đà Lạt.

Hơn hai mươi năm. Như một chuyến về của kẻ lưu đày biệt xứ vừa quá hạn kỳ chứ chẳng phải trò du lịch của người thừa mứa bạc tiền. Tôi và đứa con trai hai mươi tuổi, cùng trở lại xứ anh-đào để thăm nơi đã khai sinh tuổi thanh niên tươi đẹp của mình và cũng nao nức muốn gặp lại những người anh em từng cưu mang mình một thời.

Xe tấp vào bến lúc ba giờ chiều.

Gởi hành lý nơi nhà trọ, tôi quyết định thăm Tuấn trước. Để khỏi phiền bạn một bữa cơm bất ngờ, hai cha con ra phía hông chợ sạch sẽ và ngăn nắp này, tìm kiếm quán cơm chay. Hai chúng tôi dùng bữa khá no nê, xong, thả bộ lên dốc Hoà Bình. Hoa anh-đào tàn rụng tự hồi nào trơ vơ những thân cây khẳng khiu, cành lá khô queo. Đường xá cao và rộng, tráng nhựa bê-tông kiểu mới, có lẽ vừa tân trang. Vỉa hè thoáng mát, thừa chỗ cho các du khách ưa tản bộ ngắm cảnh đẹp giữa không khí trong lành của một thành phố mà tôi yêu quý một thời.

Tôi bước thật chậm.

- Con biết không? Chỗ này ngày xưa bọn khách giang hồ gọi là Café Răng, nơi ba thường lê lết cả buổi chiều, cách đây gần mấy chục năm, để trông ngóng bạn bè. Thực ra, đây chẳng có cà phê cà pháo gì cả, chỉ là mái hiên rộng của cửa tiệm trồng răng, dân lang bang đặt tên là Cà phê Răng cho dễ nhớ, vậy thôi. Cũng là nơi trú chân của những thằng trốn lính thất nghiệp, ngồi chờ người quen để… kiếm cà phê hoặc xin tiền cho qua cơn túng quẫn.

Đây là Domino nơi mà ba từng uống cà phê ký sổ dài dài. Ba là khách quen nên dù trong túi chẳng có đồng xu teng nào vẫn bước anh dũng vào quán, bình thản gọi một ly cà phê đen, gói thuốc Bastos xanh, trong khi chờ đợi bạn bè. Nếu gặp thằng bạn nào có tiền thì khỏe re, nếu hắn cũng sạch túi thì hai ta cùng ký sổ.

Thằng bé chép miệng:

- Chà, Ba tội nghiệp quá! Con không ngờ tuổi trẻ của ba lại nghèo túng và đáng thương ghê hỉ?

Đây là dốc Nhà Thờ Tin Lành mà ba hay co ro đợi chờ tà áo xanh trường Bùi Thị Xuân - tà áo thường như những cánh chim thiên-nga, chỉ biết bay về phía nắng ấm, trơ lại mình ba với ánh lập loè đom đóm trong sương lạnh hoàng hôn.

Từ dốc nhà thờ Tin Lành, ba có thể ngắm một phần toàn cảnh của thành phố Đà Lạt. Gần nhất là chùa Linh Sơn. Về chiều, tiếng chuông ngân lên, chầm chậm, réo rắt, trầm ấm, như gọi đứa con đi hoang trở về. Về đâu? Hồi ấy, đầu óc ba còn lạng quạng, tâm thức còn mịt mờ, chưa biết mình phải về đâu. Ba chỉ nghe con tim mình đập rộn ràng, nhưng âm thầm réo gọi “Phải đi về phía chuông chùa” và cả đời ba dường như chỉ lắng nghe tiếng gọi ấy.

Chùa Linh Sơn là một dấu ấn khó phai mờ ở trong ba, người du tử năm xưa. Không phải đó là một nơi chiêm bái nổi tiếng, đệ nhất danh thắng của Đà Lạt, nhưng Linh Sơn chỉ là nơi trú ngụ của Chú Lạc, một tu sĩ đã từng dạy dỗ ba trên con đường tu học. Ông ta thường trao tặng đủ loại sách kinh và dạy chữ Nho, hướng dẫn học hỏi từng bước để đi trên từng chặng gian nan của hành trình tìm cầu Như Thật Đạo. Thậm chí những lúc kẹt tiền không có ai nuôi cơm, ông ta sẵn sàng nhường phần cơm của mình cho ba qua bữa, đôi lúc còn cho ba tiền nữa!

- Ba có những người bạn tuyệt vời quá! Bây giờ Chú Lạc ấy ở đâu? Con muốn gặp quá!

- Bây giờ con người cao cả ấy sau bao nhiêu năm tháng phấn đấu với bản thânnghịch cảnh, đã trở thành một vị hòa thượng pháp hiệu C. N. tại Thiền viện X. ở Sài Gòn. Ba sẽ hạnh phúcvô cùng thích thú đưa con bái kiến ngài.

Cứ thế, hai cha con đi hết đường Võ-Tánh. Một căn nhà gỗ khang trang, hiện ra bất ngờ như kỉ niệm. Những chùm hoa giấy ngóc đầu trên mái hiên. Làm sao mình quên được đây là nhà thằng Tuấn. Hắn từng ăn cắp tiền bố mẹ để giúp tôi học hành, cung cấp sách vở và cả thuốc lá cà phê. Nhiều lúc hứng chí, hai chúng tôi trốn học, lang thang khắp nẻo đường phủ kín hoa dại, la đà sương mù.

Tim đập thình thịch. Mặt mũi tê rần. Tôi còn đủ tỉnh táo, đảo mắt nhìn quanh. Hai ba chiếc áo sơ-mi vắt ngất nghệu trên dây thép, phấp phới bay trong gió. Tôi run run gõ cửa. Nôn nao.

Một người đàn ông trung niên, răng sún, bụng bự, mặt đỏ au khệnh khạng bước ra. Hắn, chính hắn. Không thể ai khác.

- Bác hỏi ai?

Tôi đờ đẫn:

- Tuấn cù lần! Mầy quên tao rồi ư? Tao là Chiến. Chiến cà tàng, Chiến Ngọng, bạn của mầy ngày xưa…

Nghe chưa dứt câu, hắn nhào tới. Chúng tôi ôm choàng nhau rất lâu, rồi buông tay, nhìn lại nhau thật kỹ.

Hai người kéo nhau vào phòng khách. Câu chuyện hàn huyên thì biết bao giờ nói mới dứt nếu tôi không ngắt lời bằng một câu hỏi từng đè nặng tâm trí:

- Mầy có người yêu chưa? Và hiện tại hạnh phúc không?

Tuấn cười buồn, khuôn mặt như trái dâu tây héo nằm ủ rũ trên bàn:

- Tao vẫn chờ đợi Hoàng Lan như ngày nào. Đối với mọi người thì nàng đã đi về thế giới bên kia. Nhưng với tao, Hoàng Lan vẫn là người tình trong mộng. Vĩnh viễn. Không ai có thể thay thế và không gì có thể đổi thay…

Tôi bộp chộp:

- Thế thì mầy đã…

Bỗng nhiên, Tuấn thờ dồn dập. Hắn đốt thuốc, bập bập vài hơi ngắn rồi dúi mạnh vào cái gạt tàn, đôi mắt long lanh dướn nhìn tôi, với cái giọng nói hể hả:

- Chiến Ngọng, mầy nhớ chứ? Tao vốn là thằng đàn ông bất hạnh, khốn khổ. Gần nửa đời chỉ biết ôm ấp những con mẹ bụi đời trong vòng tay. Bọn thiếu nữ đàng hoàng thì luôn luôn chê khinh tao. Chỉ vì tau quá xấu trai và… quá du côn, cù lần. Ước nguyện cao cả duy nhất của tao là bất cứ giá nào cũng phải có người tình tử tế.

Nhưng, có cô nào để mắt tới tao đâu? Hồi ấy, nhìn tụi bây bay bướm với các cô, rồi hẹn hò tùm lum, tao vô cùng đau khổ. Thú thiệt, nhiều khi đâm ra ganh tỵ với tụi bây…

Tôi sốt ruột:

- Sao? Bây giờ mầy đạt được ý nguyện chứ?

          Tuấn bình tĩnh. Rít thuốc từ từ. Hắn nói đều đều như một tu sĩ đang cầu kinh:

          - Chiến Ngọng ơi! Ông Trời chẳng phụ lòng. Qua bao nhiêu gian nan, khổ ải, tao đã gặp…

          Tôi sốt ruột:

          - Mầy đã gặp Người yêu lý tưởng? Gia đình đàng hoàng, và lý lịch đảm bảo…

Hắn nổi sùng, gạt phắt:

          - Tao đếch cần những thứ đó. Tao chỉ cần một thiếu nữ yêu thương mình hết lòng, là đủ… Hoàng Lan là cô gái can đảm, dám yêu và dám dâng hết đời thanh xuân cho người tình. Nhưng ông trời tàn ác làm sao, đã cướp mất nàng trong tay tao. Căn bệnh ung thư đã mang nàng ra nghĩa trang hồi mười lăm năm trước. Tao đành ở lại tôn thờ nàng cho đến khi…

          Nói đến đây, dường như quá xúc cảm, Tuấn cũng gục mặt vào đôi tay, khóc. Nước mắt lã chã như mưa rào sau ngày hạn. Điếu thuốc trên môi hắn rớt xuống sàn nhà, ngọn đỏ còn loe loét mấy cái rồi mới phụt tắt.

          Tôi dang tay ôm choàng vai bạn. Nước mắt hạnh phúcđau khổ của hắn rơi rỏng rỏng vào vạt măng-tô cũ kĩ của tôi. Cứ thế, chúng tôi để niềm hoan lạc của tình bạn trào dâng. Những con thằn lằn rụt rè trên vách bỡ ngỡ ngắm nghía cảnh tượng hiếm thấy.

          Một người bà già tóc trắng bưng vào một cây đèn dầu. Tôi không dám nhìn rõ mặt, vội vã xốc lại áo xống, chào từ biệt.

          Tuấn khẩn khoản:

          - Mầy ở chơi cùng tao ít bữa chứ?

Tôi gượng cười:

          - Tau còn đi thăm thằng Dũng. Mầy đang hạnh phúc vì có người yêu để nhớ tưởng, để đắm say trong trái tim. Tao yên tâm. Chúng mình sẽ gặp lại mà.

                                               

II

 

         Thành phố tối hù. Điện cúp. Đường sá đầy ổ gà và hố nước.

         Như đứa du tử trở về mái nhà xưa, thuộc lòng từng ngõ ngách, từng viên đá và đám hoa dại dọc bờ, tôi dẫn thằng con lững thững cất bước.

          Qua khỏi ngã ba đại học, hai bàn chân tự nhiên rẽ lên phía Đa Thiện. Đồi cao. Đồi thấp.

        Thằng bé chợt đứng khựng lại, la lên:

        - Ba ơi, đường trơn. Khó đi quá. Ba đi chậm lại, cho con vịn, chắc là dễ đi hơn…

        - Cứ niệm Phật và từ từ mà bước.

Ánh đèn dầu hắt lờ mờ. Những dãy ta-luy nhấp nhô hàng súp lơ, cải bách thảo. Mùi phân cá nặc nồng. Đây rồi. Nhà thằng Dũng. Chẳng khác gì trước. Trên gác vẫn ngọn đèn chong như ngày nào. Tôi xem đồng hồ. Gần bảy giờ tối.

          Tựa lưng bên hàng giậu, tôi hồi tưởng đến chàng thanh niên bị đau gan và phù thủng từ nhỏ. Rồi lớn lên, Dũng bị chứng táo bón mất ngủ. Không dám lấy vợ, tìm quên trong sách vở, thi ca, triết lý tư tưởng, và cả Thiền Đốn Ngộ. Hắn khuân về nhà hàng núi sách vở đủ loại, bất kể xuất xứ. Dũng gần như thuộc lòng các tác phẩm Krishnamurti, Suzuki… và ngay cả Quỳnh Giao, Lệ Hằng ... Thứ nào hắn cũng gặm, chẳng chê món nào. Dũng nhảy loi choi như con lật đật, từ đám bạn này tới đám bạn kia. Chưa bao giờ ngồi nóng đít. Loăng quăng.

          Tôi gõ cửa. Nôn nao. Cánh cửa gỗ cọt kẹt bật ra:

- Ai hỏi chi đó?

- Dũng Ruồi, tau đây mà!

- Giọng ai nghe quen quá nhỉ? Mời vào!

Chẳng thể nhẫn nại được nữa, tôi rống to:

          - Dũng Ruồi ơi, mi quên tau rồi ư? Chiến Ngọng, bạn nối khố hồi trước đây!

Hắn lom xom nhảy ra kéo tôi vào nhà.

        Một ngọn đèn được thắp lên. Ánh sáng lờ mờ loang khắp căn gác tịch mịch. Tôi nhìn bạn. Những vết tàn nhang trên gò má. Những kẽ nứt trên đôi môi tím bầm như thịt trâu. Dũng tiều tụy hơn thời trai trẻ, nhất là cặp mắt vàng nguệch, không chút sinh khí. Các sợi gân máu đỏ choạch vẽ rằn rện lên đôi tròng trắng làm đôi mắt đờ đẫn hơn.

Tôi vội vã hỏi:

       - Này ông mọt sách lật đật, cả đời đam mê tư tưởng triết học, nay đã tìm ra Chân lý chưa? Và hạnh phúc không?

Dũng rót trà:

- Tao đã tìm ra Chân lý rồi mi ạ! Hạnh phúc quá đi chứ?

Tôi mừng húm, cười:

         - Thiệt hả? Không giỡn đó chứ?

          Dũng không trả lời. Khom mình trước bàn thờ, cung kính vái rồi khẽ khàng nâng nhẹ một cuốn bìa da, gáy mạ chữ vàng. Tôi sực nhìn lên bàn thờ: ảnh một người đàn bà nạ dòng, mắt lé, kiêu hãnh. Đầu y thị đội khăn vành, trang phục cô dâu loè loẹt, sắc diện dầy dầy như mụ cho vay nặng lãi ở chợ Đà Lạt. Không phải di ảnh mẹ Dũng vì tôi nào xa lạ với gia đình này.

          Dũng trịnh trọng bưng cuốn sách nghiêm cẩn tựa như một tu sĩ đang nâng niu lễ vật sắp hiến tế. Hắn cúi đầu vào cuốn sách, giọng đều đều:

          - Đây là cuốn Thiên hạ đệ nhất chân kinh, đã đưa nếp sống khốn khổ của mình tới bến bờ hạnh phúc. Trong đây, toàn chứa đựng Chân lý tối thượng siêu việt…

          Tôi cầm lấy, đọc nhanh. Ngay trang nhất, in hình tác giả, mặt mũi in hệt người đàn bà đang ngồi chồm hổm trên bàn thờ. Giữa những bài giảng, chen vào nhiều tấm ảnh màu. Người đàn bà phách lối trong các bộ vó khác nhau: khi thì chụp tóc giả, đội khăn cô dâu với áo kim tuyến sặc sỡ, khi thì khoác tấm vải trắng rộng thùng thình y hệt giáo chủ Trương Vô Kỵ, trong tiểu thuyết Cô gái đồ long của Kim Dung.

Tôi nín thinh, từ tốn trao sách lại cho Dũng. Hắn nhẹ nhàng cung kính cầm lấy, nói:

          - Lâu nay, tao nương theo lời dạy trong cuốn chân kinh này và đã phát hiện Chân lý. Không còn cái gì có thể khiến tao hạnh phúc hơn nữa…

          Như bị kích động, Dũng gục đầu lên cuốn sách oà khóc như trẻ thơ. Đôi vai gầy rung rung như nhà cửa bị địa chấn dữ dội. Tôi sững sờ, khó chịu. Tôi lại liếc mắt ngó lên bàn thờ: người đàn bà nạ dòng kia đang xỉa xói vào tôi với cái nhìn căm ghét và trân tráo.

Im lặng.

        Rất lâu. Không biết bao nhiêu chòm sao lụi tắt. Không biết bao nhiêu hành tinh chợt biến thành giọt lệ đìu hiu và rồi tan mất giữa hư không. Không biết bao nhiêu bóng ma bị ngọn lửa tà kiến thiêu đốt và chết quay quắt dần mòn trên ngọn đỉnh trời.

Tôi vỗ vai hắn. Lặng lẽ giã từ.

Hắn vẫn ngồi khóc, ở đó.

  

III

 

         Đêm không có trăng. Như bị ma đuổi, tôi cắm cúi chạy hộc tốc, thằng con trai vẫn lặng lẽ bươn theo bén gót.

         Con đường trở nên lồi lõm khó đi. Tôi té xuống hố bùn, lóp ngóp níu tay con mà gượng dậy. Chưa kịp phủi vết dơ thì một chiếc xe ôm lủi tới, đèn pha sáng quắc:

          - Hai người đi đâu? Giờ này không còn nhiều xe đâu!

          - Cho chúng tôi đến tu viện Chánh Giác ở Suối Tía.

          - Hai trăm ngàn đồng! Tính luôn cả cậu thanh niên!

          Hai cha con vội phóc lên xe, tim vẫn còn nện thình thình. Chiếc Simson ì ạch trèo qua mấy con dốc dựng đứng. Hai bên đường một màu tối đen. Những người làm vườn đã tắt đèn. Tiếng chó sủa xa xa. Tiếng phành phạch lẻ loi của chiếc xe cà tàng lại tăng thêm vẻ thê lương cho vùng rừng núi trống trải. Đột nhiên, xe dừng lại, nói:

Tới nơi rồi. Tôi chờ ông về Đà Lạt chứ?

- Vâng. Xin chờ chúng tôi khoảng nửa giờ.

 

          Tu viện Chánh Giác đã khép cổng. Nghe tiếng gọi cửa, một tu sĩ đứng tuổi chầm chậm đi ra.

- Ông hỏi ai?

Tôi cất mũ:

          - A Di Đà Phật! Thưa thầy, cho phép tôi gặp anh Hùng…

- Ở đấy không có ai tên Hùng cả!

          Tôi đành mô tả nhân dáng và thuật sơ qua tiểu sử, gốc gác của Hùng. Thầy nở nụ cười:

          - À, thì ra thầy Thiện Quán. Nhưng trong thời gian kiết hạ an cư, không được gặp bất cứ ai!

Tôi xoa tay, giọng nói gần như tắc nghẹn:

          - Thưa thầy! Hai cha con chúng tôi từ Huế lên và ngày mai phải về Saigon gấp. Chúng tôi trước là bạn rất thân. Hơn hai chục năm chưa gặp nhau.

          Nhìn bộ tịch ra vẻ lương thiện và sự nài nỉ nhiệt thành, thầy gật đầu:

          - Được. Thầy Thiện Quán hiện đang toạ thiền tại chánh điện. Anh hãy chờ chốc lát và có thể gặp thầy khoảng mười lăm phút.

          Tôi nối gót. Điện Phật nằm giữa những dãy nhà gỗ đơn sơ, khiêm tốn nép mình dưới mấy rặng thông. Đứa con trai rụt rècần mẫn vẫn bước theo chậm rãi. Hắn chẳng ngại đi lạc, vì đây là tu viện, những bước chân của chúng ta chắc chắn có chư Phật và thiên thần hộ pháp dẫn dắt. Không bao giờ chúng ta cô đơn, ngay cả trong bóng tối vô minh.

- A di đà Phật, các ông hãy chờ một chốc,

          Thầy bưng đèn trở lui. Tôi chỉ kịp thấy nụ cười đôn hậu vướng sau lưng chiếc nhật bình màu nâu.

          Bước lên thềm đá, xuyên qua các ô cửa kính, tôi nhìn rõ vóc dáng thân quen đang ngồi kiết-dà trước tượng đức A Di Đà. Ngài đang đứng thõng cánh tay phải trên toà sem tím hồng. Uy hùng. Trìu mến. Ánh mắt bi tráng của Ngài rải khắp nhân gian và soi thấu tâm can đứa con thành khẩn đang dâng hiến nỗi niềm.

          Tôi lại gần. Tựa mình sát mặt kính.

          Đúng. Thiện Quán hay anh Hùng ngày xưa thì cũng chỉ một người. Dù thời gian cay nghiệt có thể biến đổi mọi sự.

          Cánh cửa điện Phật đóng kín, tôi chỉ nghe tiếng niệm Phật thì thào, nho nhỏ như hơi sương, như hạt tuyết rơi nhẹ, như cỏ non lung lay. Loáng thoáng. Như có như không.

          Đột nhiên, thầy Thiện Quán đứng dậy, ung dung chắp đôi bàn tay, gieo mình nhẹ nhàng, khấu đầu đảnh lễ đức A Di Đà rồi ngẩng mặt gục trán vào toà sen khóc ngất, đôi vai rung rung.

          Tôi bần thần, nín thở chăm chú nhìn vị tu sĩ đang ngước đôi mắt hoan lạc lên dung nhan đức Phật. Khuôn mặt nhoèn nhoẹt. Hai ống tay áo ướt đẫm.

          Ánh nến đứng yên phăng phắc. Dường như tôi nghe rõ từng giọt nước mắt đang nện xuống nền gạch.

          Muôn nghìn năm trôi đi. Biết bao nhiêu cõi nước mười phương đã băng hoại thành vi trần. Biết bao nhiêu chúng sanh đã thành tựu trí giác. Tôi vẫn đứng như thế. Không biết mấy vụ Big Bang đã trở thành thái dương hệ. Không biết bao nhiêu chúng sanh công phu viên mãn đã rời bỏ cõi tình luỵ này để quay về tịnh-độ. Và tôi vẫn đứng như thế!

          Thầy Thiện Quán vẫn gối đầu dưới bàn chân đấng Từ tôn. Ở đó. Trong kia. Tôi vẫn còn đứng nơi đây. Thằng con bé dại vẫn còn đứng nơi đây.

          Đêm khuya vẫn một màu thăm thẳm. Vài ngôi sao ngời chói lung linh.

          Tôi quay lưng, bước trở ra. Đứa con trai cũng bước trở ra.

          Gót giày lạo xạo trên nền sỏi. Những ngọn thông già lặng thinh. Hơi sương từ thung lũng toả về mát rượi.

          Bác xe thồ ném mạnh tàn thuốc:

- Ông đã gặp người thân chưa?

          Không trả lời. Thằng con tôi cũng im thin thít. Chỉ có niềm lặng yên đang dâng tràn quanh một vùng núi đồi ngút ngàn rộng lớn. Hình như có tiếng chuông chùa khẽ ngân vang trong đêm tịch mịch, u huyền. Tôi hỏi thằng bé:

        - Con có nghe tiếng chuông chùa đang dóng lên đâu đây hay không?

          - Có. Con cũng đang nghe… Đây này, tiếng chuông!

Tôi lại nhìn lên bầu trời khuya, thì thầm xưng niệm Nam mô A di đà Phật…

Nam mô A di đà Phật,

Nam mô A di đà Phật…

        Nam mô A di đà Phật...

 

Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21567)
12/10/2016(Xem: 19494)
26/01/2020(Xem: 12164)
12/04/2018(Xem: 20444)
06/01/2020(Xem: 11249)
24/08/2018(Xem: 9635)
12/01/2023(Xem: 4153)
28/09/2016(Xem: 25342)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.