SAO PHẢI LO LẮNG!
Những lời khuyên thực tiễn từ Phật Pháp để sống không căng thẳng và lo lắng
Tác giả:K. Sri. Dhammananda – nguyên Tăng Thống Phật giáo Nguyên thủy Malaysia.
Dịch giả: Pháp Minh Trịnh Đức Vinh | Nguyên bản tiếng Anh: Why Worry!
Nhà xuất bản Hồng Đức
1) Cuốn sách “Sao phải lo lắng!” chứa đựng những lời chỉ dẫn đã được kiểm chứng qua thời gian, được thu thập và chắt lọc từ trí tuệ của cả quá khứ và hiện tại. Cuốn sách giúp bạn làm cho cuộc sống của mình trở nên hấp dẫn và bổ ích hơn bằng cách cho thấy bạn có thể:
– Hiểu được lo lắng và nguồn gốc của nó
– Xua tan những lo lắng hiện nay của bạn
– Vận dụng các thành phần của hạnh phúc vào cuộc sống
– Nắm vững những phương pháp cho cuộc sống hạnh phúc và thành công
Do đó, đây là cuốn cẩm nang thực hành về việc bạn có thể vượt qua vấn đề của mình như thế nào – hãy bắt đầu tạo dựng điều tốt đẹp nhất từ cuộc sống hiện nay của bạn!
Cuốn sách đã được xuất bản lần đầu năm 1967 và đến năm 2005 đã được in lần thứ 15 với tổng cộng hơn 70.000 bản được phát hành tại Malaysia.
2) Ngài K. Sri. Dhammananda (1919 -2006) được xem là người có công tạo dựng nền tảng cho Phật giáo Nguyên thủy tại Malaysia. Ngài sang Malaysia hoằng Pháp đầu năm 1952 và vào thời kỳ ban đầu (trong hai thập niên 1950 và 1960), Phật giáo Malaysia rất nghèo nàn ở trong hầu hết các cộng đồng. Phật giáo trong thời kỳ này chỉ là một vỏ bọc đầy những sinh hoạt mê tín dị đoan, tràn lan trên khắp Malaysia. Phần lớn người Hoa trí thức đều chán ngán và bỏ theo đạo Ky Tô (Thiên chúa giáo), vì họ nhìn thấy Ky Tô giáo có nhiều sinh hoạt tôn giáo tích cực, rõ ràng, hợp lý hơn do các nhà truyền giáo nước ngoài mang vào.
Ngài Dhammananda cố gắng loại bỏ những quan điểm sai lầm về Phật giáo trong tâm trí của quần chúng ở Malaysia. Ngài đã phát động một phong trào diễn thuyết Phật giáo rầm rộ trên toàn Malaysia, phụ tá của Ngài bây giờ có các vị Tỳ kheo như K Gunaratana, Chuk Mor and Tỳ kheo Tiến sĩ người Mỹ Sumangalo đã làm cho phong trào ngày càng thêm thu hút và nhiều kết quả khả quan.
Ngài Dhammananda nghĩ rằng một trong những phương cách để truyền bá Phật giáo là viết sách về nhiều lĩnh vực khác nhau để người tín đồ có thể nương theo đó mà hành trì trong đời sống hằng ngày. Vì thế Ngài bắt đầu viết những bài báo, rồi những cuốn sách nhỏ bỏ túi, nội dung của sách phản ánh những thắc mắc của người Malaysia. Một trong những tập sách đầu tiên là hướng dẫn cách trì tụng Kinh tiếng Pāḷi của Đạo Phật sao cho tương hợp với thời khoa học và tâm lý học. Từ đó Ngài tiếp tục viết nhiều tác phẩm khác để đáp ứng cho nhu cầu học Phật của tín đồ tại Malaysia. Tính đến nay Ngài đã viết trên dưới 50 tác phẩm, trong số này có nhiều tác phẩm đặc sắc như “Người Phật Tử phải tin gì ?” (What Buddhists believe? Vì sao tin Phật); “Làm thế nào để sống khỏi sợ hãi và lo lâu” (How to live without fear and worry); “Bạn có tin tái sinh không?” (Do you believe in Rebirth); “Hôn nhân hạnh phúc” (A happy married life); “Thiền – Con đường duy nhất” (Meditation, the Only way); “Kho báu của Chánh Pháp” (Treasures of the Dhamma)..v.v… các tác phẩm đã nhanh chóng thu hút mọi giới Phật tử Malaysia và đến nay những tác phẩm này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Ấn Độ, Nam Dương, Triều Tiên, Mỹ Nam Phi, Bangladesh, Hòa Lan, Việt Nam..v.v….
Đây là lần đầu tiên nền giáo dục Phật giáo bằng tiếng Anh được phổ biến trong giới Phật tử ở Malaysia, trước đó chỉ có những Kinh sách được viết bằng tiếng Trung Quốc. Sự tác động mạnh này nhanh chóng ảnh hưởng đến giới thanh thiếu niên Malaysia. Kết quả, Hòa thượng Dhammananda đã nhận được hàng núi thư từ mọi giới, đặc biệt là học sinh và sinh viên để tìm hiểu về Phật học.
Mặc dù không phải là một nhà Pháp sư hùng biện, nhưng Ngài Dhammananda đã làm say đắm giới trẻ với những bài giảng mang tính khoa học, trong sáng và rõ ràng của Ngài. Điều này đã giúp cho nhiều hội đoàn thanh niên Phật tử ra đời trong thập niên sáu mươi. Rất nhiều thanh niên hoặc đã nghe giảng hoặc đã đọc sách của Ngài mà quy hướng về với Chánh Pháp.
Một số tác phẩm đặc sắc khác của Ngài (trong ngoặc là tên của bản dịch tiếng Việt đã được phổ biến tại Việt Nam):
– What Buddhists believe (Vì sao tin Phật)
– Buddhism in the eyes of intellectuals (Đạo Phật dưới mắt nhà trí thức)
– Religion in a Scientific Age (Tôn giáo trong thời đại khoa học)
– Buddhist Attitude towards other Religion (Quan điểm của Đạo Phật đối với các tôn giáo khác)
– What is this religion? (Hãy tìm hiểu tôn giáo này)
– Do you believe in rebirth? (Bạn có tin vào tái sinh không?)
– Buddhism for the human life (Đạo Phật vì cuộc sống con người)
– You and your problems (Những vấn đề của con người)
– Human Life and Problems (Các vấn đề của xã hội hôm nay)
– How to overcome our difficulties (Nhẹ gánh lo âu)
– Problems and Responsiblities (Khó khăn cuộc đời và trách nhiệm của con người)
– Happy Married Life (Hôn nhân Hạnh phúc)
Mình hoan hỷ được biết và dịch cuốn sách “Why Worry!” sang tiếng Việt. Nguyện đem công đức dịch và phát hành cuốn sách này hồi hướng tới các thân bằng quyến thuộc đã quá vãng nhất là bố mình – ông Trịnh Sanh được an vui, gặp được Chánh Pháp, sớm giác ngộ giải thoát.
Pháp Minh Trịnh Đức Vinh
SAO PHẢI LO LẮNG
- Từ khóa :
- Sao phải lo lắng!