Con bé sen "phá chùa"

03/12/20177:06 CH(Xem: 10577)
Con bé sen "phá chùa"

CON BÉ SEN "PHÁ CHÙA"
Giác Minh Luật

blank

Ai đời con bé Sen, con gái con lứa tuổi mới lớn mà có biệt danh là "nữ tặc" thì ai mà chịu nỗi.

Riết rồi hết chỗ nào để phá, để quậy hay sao mà cứ mỗi rảnh rỗi là cứ vào phá chùa, phá mấy sư - mấy sư tu hành hiền lành tội nghiệp có làm chi nên tội tình gì mà con bé nó cứ kéo đám bạn của nó vào chùa để quậy tưng bừng khói lửa - biến cảnh thiền môn thành ra nơi chợ búa.

Con bé còn dám phát ngôn tuyên bố dõng dạc trước mấy cô Phật tử lớn tuổi đi chùa tụng kinh đêm là nó không đội trời chung với mấy sư - mấy thầy.

Nghe con bé tuyên bố xong ai cũng hú hồn hú vía rồi mấy cô Phật tử lớn tuổi liền nỗi sân với nó - người thì la um sùm đòi đuổi con bé ra khỏi chùa - người thì đòi đày con Sen ra biên ải cho bỏ ghét - người thì đòi mắng vốn mẹ nó không biết dạy con nên cứ để nó vô chùa nói tục - nói bậy.  Mà con bé Sen nó đâu có sợ, vì nó đâu có còn mẹ nữa đâu mà mắng - mà rầy la - ngược lại nó còn thèm khát được có mẹ để chữi, để mắng, để răng đe nó như người ta nữa là đằng khác.

...rồi nó khóc...nó cảm thấy nhớ mẹ.

Con bé nó mạnh mẽ như vậy nhưng tâm hồn nhạy cảm vô cùng - hễ ai nói gì liên can đến mẹ nó là nó mặc cảm, nó xụi mặt xuống liền. Nó bảo: "Nó làm được nó chịu được chứ đừng bao giờ đụng chạm gì đến mẹ nó, mẹ nó chết rồi để cho mẹ nó yên". Nó vừa đứng vừa khóc, vừa trả lời lại với mấy cô Phật tử vậy đó.

Thấy con bé khóc, mấy cô cũng động lòng trắc ẩn nên im thin thít rồi lẳng lặng ra về - thôi kệ muốn làm gì thì làm.

Vậy mà cứ "chứng nào tật đó", đêm nào hễ mấy sư tụng kinh là nó cũng lén lút rủ mấy thằng bạn trong sớm đứng núp sau phía cửa chánh điện để lấy giây thun bắn vào lưng, vào người của mấy sư.

Con bé Sen tội lỗi quá, giờ tụng kinh bái sám là giờ phút thiêng liêng nhất để nhất cú - nhất kệ cầu nguyện bình an cho chúng sanh vạn loại mà con bé cứ bắn thun vào lưng làm mấy sư đau như muốn nỗi sân lên với nó.

Có bữa sư Lam nóng quá, đau quá nên đứng dậy chạy ra ký vào đầu con bé - nó khóc la um sùm vang vọng cả đất trời làm mấy sư trong chùa ai cũng hết hồn hết vía chạy xuống coi thử có chuyện gì xảy ra - thế là thầy trụ trì phạt sư Lam quỳ hương vì tội lỡ tay đánh con bé.

Rồi con bé Sen tự đắc, nó đi rêu rao khắp xóm là mấy sư tu hành rồi mà còn hung dữ đánh nó gần chảy máu đầu - còn mấy cô trong xóm ấy vậy mà cũng tin lời con bé nên cứ thầm thì to nhỏ đồn tai nhau mỗi khi có dịp ngồi lại ở quán nước đầu đình rồi tâm tình về chuyện mấy sư ở chùa đánh người không thương tiếc - người thì nói đánh ở đầu chảy máu, người thì nói đánh ở mắt bầm tím như hột gà bắp thảo, người thì nói đánh ở ngay hai cái đầu gối làm con bé muốn gục quỵ không đứng lên được, còn cô Tám Điệu thì nói đánh con bé muốn chuyển viện không thương tiếc - hử - kêu trời - trời có thấu.

Rồi có lần chú Tĩnh Tâm xém bị thầy trụ trì phạt quỳ hương cũng do con bé Sen bày mưu tính kế, nó chờ chú đi ra ngoài sân lấy củi, nó lén lút chạy vào trong khu nhà bếp nơi chú đang nấu thức ăn còn dang dở để lấy nguyên hủ muối trút thẳng vào trong nồi canh, bữa đó đem lên mời khách hành hương của thầy trụ trì trong buổi ngọ trưa, ai ăn cũng nhăn mặt, bậm môi, le lưỡi khen ngon khi được thầy trụ trì hỏi đến: -Lâu lâu ăn chay ở chùa nên lạ miệng chắc ngon ha, nhớ ăn cho no vào nha - ăn hết nha - đừng ngại - hãi.

Rồi biết bao "sóng gió - thị phi cuộc đời" cứ mang đến mái chùa quê tội nghiệp, mà người bị nạn vẫn là mấy sư, sư nào trong chùa thấy con bé cũng sợ, cũng không dám la rầy đuổi đi, vì mỗi lần con bé nổi điên lên là nó đứng trước chánh điện chùa la lối um sùm, nó nói chùa là của bá gia bá tánh lập nên vì thế mấy sư không có quyền đuổi nó. Mấy sư tu hành mà còn sân si nóng giận - trời - bó tay con bé thiệt chứ.

Từ đó mấy sư trong chùa ai cũng đồn nhau câu vè "thề độ tận chúng Sanh nhưng chừa con Sen" nói vui cho bỏ ghét.

Thế là cũng mấy tháng sau khi tôi có dịp trở về quê thăm chùa, nghe mấy sư kể lại tôi cũng hú hồn hú vía, nhưng nghĩ tới lời Phật dạy: "mỗi chúng sanh đều có sẳn Phật tính trong mình" nên dù sao tôi cũng liều mạng đặt cuộc hẹn với một nhân vật vô cùng quan trọng nổi tiếng hàm hồ hàm chướng nhất vùng để hỏi cho ra lẽ trắng -đen, phải - quấy.

Tối đó sau khi tụng kinh xong, tôi xin được gặp riêng con bé để nói chuyện, lúc đầu con bé cũng tìm cách tránh né, nó bảo với mấy đứa bạn là nó với mấy sư không còn chuyện gì để nói.

Nhưng chắc do tôi lâu lâu mới có dịp về thăm chùa nên con bé cũng còn một chút gì đó nể nang với lại được sư ở xa về đặt cuộc hẹn riêng con bé nó cũng thấy vui và hãnh diện với mấy đứa bạn chơi chung nên nó cũng nhận lời tiếp chuyện.

Tối đó, tôi với con bé ngồi quanh cái bàn đá tròn ngay dưới gốc Sa-la, con bé ngồi trong vẻ gượng gạo và ngượng ngùng khép mình im thin thít, thấy thương và tội cho con bé nên tôi mở lời trước:

- Sen này - nghe nói con không được đi học nữa hả.

Con bé trả lời: - Thì đó là chuyện của con, sư hỏi chi.

- Thì sư hỏi cho biết vậy thôi! Thế thì mẹ con mất rồi con ở với ai?

Con bé vẫn giữ nguyên thái độ căng thẳng:

- Mẹ con mất thì kệ mẹ con, sư có quyền gì nhắc tới mẹ, còn con ở nhà với chị thì có liên can gì tới sư.

Trời, nghe con bé trả lời làm tôi muốn đứng dậy bỏ đi, nhưng thôi! Chúng sanh cang cường nan độ nên tôi cũng bình tĩnh hạ giọng để nói tiếp:

- Sen nè! Hồi xưa trước khi mẹ con mất, tối nào con cũng cùng đi với mẹ về chùa tụng kinhcông quả, hồi đó sư còn nhớ là con dễ thương lắm, hiền lành và siêng năng nên mấy sư ai cũng thương, cũng quý. Tự nhiên sau khi mẹ con qua đời xong, thì con thay đổi tính tình 180% vậy Sen. Con trở nên khó chịu, hóng hách và quậy phá mấy sư tu hành vậy Sen.

Nghe đến đây tự nhiên con bé vội nhớ lại những kỷ niệm hồi mẹ còn sanh tiền, lúc con bé còn nhỏ thường quấn quýt theo mẹ đi chùathăm hỏi thân mật với mấy sư. Càng nhớ bao nhiêu con bé càng tức, càng giận mấy sư bấy nhiêu.

Thấy con bé có vẻ suy tư buồn bã tôi vội hỏi tiếp:

- Sen à! Con có tâm sự gì buồn trong lòng thì hãy nói ra có gì giúp được con sư sẽ cố gắng, cứ nói ra đi cho lòng mình thanh thản.

Nghe đến đây, con bé suy nghĩ một hồi lâu rồi ngậm ngùi kể:

- Hồi lúc mẹ con nằm trên giường bệnh hấp hối, mẹ nói là khi nào mẹ chết đi thì con nhớ chạy lên chùa để thỉnh mấy sư về nhà tụng cho mẹ một thời kinh để mẹ được ra đi thanh thản. Rồi tối hôm đó, mẹ con đau đớn quần quại trút hơi thở cuối cùng ra đi, giữa đêm khuya con gào khóc chạy một mạch lên chùa để thỉnh quý sư về tụng cho mẹ một thời kinh cuối cùng như lời ước nguyện của mẹ. Nhưng mấy sư không chịu đi - nói đến đây tự nhiên con bé Sen nó bậm môi khóc gào trong nước mắt, thấy con bé khóc tôi cũng khóc theo.

Con bé nói tiếp như trách móc: - Có ai mà như vậy không hả sư! Con gào khóc năn nỉ mấy sư hãy thương con, thương mẹ con mà đến tụng cho gia đình con một thời kinh, nhưng mấy sư cứ trả lời sáng mai mới sắp xếp đi được. Tối đêm đó, chị hai giận lắm, chị hai la to bảo: - khỏi cần đi, nhà mình nghèo nên không ai thèm để ý tới đâu - để chị hai và em ngồi niệm Phật cho mẹ là đủ rồi - nhưng chị hai buồn và giận lắm, chị cứ ngồi im ngay một góc vừa chắp tay, vừa niệm Phật trong sự đau buồn mà kêu mẹ.

- Sáng hôm sau, mấy sư cũng tới nhà tụng kinh cho mẹ, nhưng dù thế nào đi nữa thì con vẫn không thể quên được nỗi đau đó và quên đi những lời sau cùng mà mẹ đã căn dặn nhưng không làm được.

Nghe con bé Sen kể lại tôi thấy thương và xúc động quá, thật tội nghiệp con bé và tấm lòng hiếu thảo của hai chị em. Nhưng tôi biết phải làm sao đây khi ấn tượng đau buồn về những ký ức không đẹp nó cứ mãi nằm yên trong cõi lòng con bé.

Rồi tôi cũng vội lên tiếng thủ thỉ: - Sen nè! Thôi chuyện gì đã qua thì hãy để cho nó qua đi, có dịp nào sư sẽ ngồi lại chia sẻ với mấy sư huynh-đệ được biết mà nhìn lại, còn bây giờ thì ngày mai sư sẽ đến nhà Sen để thắp nén hương cho mẹ và tụng cho mẹ Sen một thời kinh cầu nguyện để coi như lời đại diện xin lỗi sâu sắc nhất của sư dành cho mẹ Sen và gia đình Sen được không?

Nghe tôi nói vậy, con bé mừng hớn hở, con bé còn bảo: - Hồi lúc mẹ con còn sống, mẹ có kể cho con nghe về sư đó, mẹ nói là sư hiền và dễ thương lắm. Sau này có dịp sư có về chùa thì mẹ sẽ dẫn con tới để nói chuyện với sư, để sư khuyên bảo - nhưng giờ thì có sư ngồi đây mà mẹ con thì không còn nữa, con bé nói tới đây thì tự nhiên nó nghẹn lại mà khóc - con bé nói tiếp - mẹ mà biết con ngồi đây nói chuyện với sư là chắc mẹ vui lắm, à còn ngày mai con rất mong sư cùng với con ra thăm mộ mẹ, sư biết không chung quanh mộ mẹ, con có trồng đầy hoa xương rồng rất đẹp, rồi mấy hôm trước con có trồng thêm mấy cây hoa sứ quanh mộ, vì con muốn sau này khi những cây hoa sứ lớn lên nó sẽ chở che cho mẹ, để mẹ không còn cảm thấy cô đơn và buồn tủi.

 

Sen nói tiếp: - Sư hứa với con ngày mai ra thăm mộ mẹ nha!

Tôi bảo: - Ừ, sư hứa - rồi tôi cười.

Lúc đó, tôi thấy con bé Sen nó cười tươi và hạnh phúc lắm, tự nhiên tôi không còn thấy hình ảnh của một đứa bé gái nước da ngâm đen dễ ghét, khó ưa và hóng hách hồi nào nữa mà thay vào đó là hình ảnh của một đứa con hiếu thảo, yêu đời và tràn đầy nhựa sống.

Đúng là Phật nói: "Ai cũng có Phật tánh trong mình mà".

Từ đó trở đi, con bé Sen rất giỏi và siêng năng, sau khi phụ chị bán cá ngoài chợ xong là chạy về chùa phụ công quả và giúp mấy sư quét dọn chánh điện, phòng khách. Mấy sư ai cũng thương, cũng khen hết lời nên mỗi lần có trái cây cúng Phật là mấy sư cứ để dành cho con bé dùng và mang về cho chị hai, rồi lâu lâu mỗi lần tới giỗ mẹ Sen mấy sư đều đến đông đủ để tụng cho mẹ Sen thời kinh cầu nguyện linh thiêng và cũng như thay cho lời xin lỗi.

Con bé Sen nó vui và hạnh phúc lắm, nó như một loài hoa dại được người ta mang về đưa vào chậu, tưới nước và trưng ngay khung cửa sổ dưới ánh nắng bình minh chiếu vào trong thật đẹp và tuyệt dịu làm sao.

Thế là tôi cũng tới ngày lên đường đi học lại ở xa, tối hôm đó tôi nói lời chia tay con bé - tôi thấy con bé thút thít khóc, nó bảo chị hai của nó và nó tự tay làm cho tôi một hủ rong biển khô để làm quà cho sư mang theo dùng ở nơi xa - cầm hủ rong biển trên tay tự nhiên tôi dâng trào nước mắt - tôi bảo:

- Sen cho sư gửi lời cảm ơn chị hai và Sen nhớ ở lại giữ gìn sức khoẻ, rồi cố gắng sắp xếp thời gian để xin đi học lại để sau này còn có tương lai, khi tôi đi rồi nhớ ở lại sống cho thật dễ thươnghiền lành để mấy sư thương - nhớ nha Sen - tạm biệt con.

Rồi mấy tháng sau tôi có dịp gọi điện về thăm mấy sư, rồi sẳn hỏi thăm về tình hình con bé, mấy sư huynh-đệ ai cũng cười rồi kể cho tôi nghe là bây giờ con bé Sen trở thành cái loa phát thanh của chùa rồi, khi nào có dịp thỉnh giảng sư về thuyết pháp hay lễ lộc gì là đều nhờ con bé chạy vô xóm để thông báo, con bé chạy khắp xóm đến từng nhà để nhắc mọi người về tham dự, nghe đâu con bé còn nhờ bà Tám Điệu thông báo giùm nên thông tin đi nhanh từ xóm này sang xóm khác, làng này sang làng khác, nhờ thế mà lễ nào cũng có Phật tử các nơi trở về tham dự rất đông.

Nghe đến đây tự nhiên tôi mắc cười rồi thầm nói trong bụng: - Trời, con bé Sen giỏi quá và bà Tám Điệu cũng giỏi nữa.

Đúng là: "Thay đổi tư duy - làm mới cuộc đời".

Giác Minh Luật




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/07/2010(Xem: 28087)
20/07/2010(Xem: 21675)
20/07/2010(Xem: 19919)
05/12/2015(Xem: 14952)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :