PHÁP THOẠI TỪ KHÚC GỖ TRÔI SÔNG
Thích Trung Định
V í dụ về khúc gỗ là đoạn kinh được trích dẫn từ kinh Tương ưng bộ. Trong rất nhiều phương pháp giảng dạy, thì phương pháp dùng hình ảnh thí dụ được Đức Phật sử dụng khá thông dụng trong Kinh tạng Pāli. Có thể nói, đây là một phương pháp hữu dụng, gây sự chú ý mạnh nhờ câu chuyện dẫn dụ, từ đó đưa hành giả đi đến sự giác ngộ chân lý nằm đằng sau ngôn ngữ ẩn dụ một cách dễ dàng.
Câu chuyện về khúc gỗ trôi sông cũng giống như bao câu chuyện dẫn dụ khác mà Đức Phật sử dụng được ghi lại trong Kinh tạng. Tuy nhiên ở đây, câu chuyện đưa ra nhiều nội dung thiết thực, các pháp hành được giới thiệu đầy đủ. Một lộ trình tu học được trình bày rõ ràng, mạch lạc. Bất cứ ai tiếp cận câu chuyện này cũng đều tiếp nhận được cho mình một bài học sâu sắc, ứng dụng thiết thực trên con đường tìm cầu chân lý giải thoát, giác ngộ.
Thông thường thì người xuất gia tu hành được ví như cái thớt mài dao, người Phật tử tại gia hằng ngày đều mài dao lên cái thớt ấy. Nếu người xuất gia không biết kiềm thúc sáu căn, phòng hộ tam nghiệp, phát huy thiền định và trí tuệ thì sẽ giống như cái thớt bị mài, cây dao của Phật tử ngày càng sắc bén, còn cái thớt sẽ bị mòn dần. Người tu hành như đi ngược dòng nước. Dòng nước cuộc đời là ham thích sự ăn ngon, mặc đẹp, tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội, lợi dưỡng… Người tu hành thì đi ngược lại dòng nước cuộc đời ấy. Do vậy, nếu đã đi ngược dòng đời mà không tinh tấn, nỗ lực, thì sẽ bị dòng tham dục đời cuốn trôi.
Theo truyền thống Phật giáo, người xuất gia không tạo ra của cải vật chất, chỉ chuyên tâm tu hành, trau dồi giới đức, thiền định và trí tuệ, để thành tựu đạo nghiệp. Tất cả mọi vật dụng nhu cầu cho đời sống đều thọ nhận từ sự cúng dường của các Phật tử. Ngược lại, người Phật tử tại gia do bận rộn công việc gia đình, xã hội, nên không có thời gian để chuyên tâm tu hành, do đó họ có bổn phận cúng dường chư Tăng, Ni để hộ trì Tam bảo, tạo dựng phước duyên, gieo trồng căn lành đối với Phật pháp. Đây là mối quan hệ hỗ tương giữa đạo và đời để xây dựng ngôi nhà Phật pháp ngày thêm vững mạnh.
Trong tứ chúng đệ tử, Đức Phật dành nhiều thời gian và pháp thoại để dạy cho hàng xuất gia, vì người xuất gia phải là người mô phạm và trí tuệ để thay Đức Phật truyền bá chánh pháp. Thành ra, Đức Phật muốn kiến thiết, xây dựng để hành giả xuất gia luôn có đầy đủ những phẩm chất làm mô phạm cuộc đời.
Do đó, người xuất gia phải luôn chánh niệm tỉnh giác, ý thức rõ trọng trách của mình, không phóng túng tâm ý, không tham đắm lợi dưỡng, làm sao hành giả xuất gia đừng như cây thớt, mà phải giống như khúc gỗ. Những tưởng khúc gỗ trôi sông là đồ bỏ phế, nhưng ở đây có một đạo lý vô cùng ý nghĩa.
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, trên bờ sông Gangà. Thế Tôn thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước sông Hằng, Ngài liền gọi các Tỷ-kheo:
“Này các Tỷ-kheo, các ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?”. “Thưa có, bạch Thế Tôn”.
“Này các Tỷ-kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ- kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển.
Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi theo biển, nghiêng trôi về biển. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông sẽ hướng về Niết-bàn, sẽ xuôi theo Niết-bàn, sẽ nghiêng nhập vào Niết-bàn. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, chánh kiến hướng về Niếtbàn, xuôi theo Niết-bàn, nghiêng nhập vào Niết-bàn”.
Khi được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì? Bờ bên kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị loài người nhặt lấy? Thế nào là bị phi nhân nhặt lấy? Thế nào là bị mắc vào xoáy nước? Thế nào là bị mục nát bên trong?”.
“Bờ bên này, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ này.
Bờ bên kia, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ.
Bị chìm giữa dòng, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với hỷ tham.
Bị mắc cạn trên miếng đất nổi, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ngã mạn.
Và này Tỷ-kheo, thế nào là bị người nhặt lấy? Ở đây, Tỷ-kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ bị đau khổ, tự trói buộc mình trong các công việc phải làm được khởi lên của họ. Đây gọi là Tỷ-kheo bị loài người nhặt lấy.
Và thế nào, này Tỷ-kheo, là bị phi nhân nhặt lấy? Ở đây, Tỷ-kheo sống Phạm hạnh với ước nguyện được sanh cộng trú với một hạng chư Thiên: ‘Mong rằng với giới luật này, với cấm giới này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một loài chư Thiên!’ Đây, này Tỷ-kheo, được gọi là bị phi nhân nhặt lấy.
Bị mắc vào xoáy nước, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục công đức. Tức bị xoáy vào sắc, thanh, hương, vị, và xúc.
Và này Tỷ-kheo, thế nào là bị mục nát bên trong? Ở đây, này Tỷ-kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Samôn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn. Đây, này Tỷ-kheo, được gọi là bị mục nát bên trong”.
Nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, ai cũng muốn đời tu hành của mình như khúc gỗ, không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không bị chìm giữa dòng, không bị mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục nát bên trong.
(HT.Thích Minh Châu, Việt dịch, Tương ưng bộ kinh, thiên Sáu Xứ, phẩm Rắn Độc)
Xuất gia là lý tưởng cao đẹp, nguyện dấn thân mình vì lý tưởng thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Xuất gia là ra khỏi ngôi nhà thế tục, không bị ràng buộc bởi cuộc sống vợ con, gia đình (xuất thế tục gia), và ra khỏi ngôi nhà phiền não của thế gian (xuất phiền não gia), đồng thời cũng đi ra khỏi ngôi nhà tam giới (xuất tam giới gia). Người xuất gia từ bỏ huyết thống gia đình để đi vào huyết thống tâm linh của mười phương chư Phật. “Cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Phật đạo, thệ độ nhất thiết nhân”. Người xuất gia thấy rõ cuộc đời là vô thường, giả tạm. Nhưng phần lớn người đời do vô minh chi phối nên không thấy, không biết. Chỉ có pháp Phật mới có đủ khả năng đưa đường chỉ lối chúng sinh đi ra khỏi vô minh, phiền não, đưa đến an lạc giải thoát đích thực. Do đó, họ phát nguyện dấn thân trọn đời theo Phật, gia nhập vào hàng ngũ Tăng bảo, thực hành phạm hạnh để thành tựu giải thoát và đem giáo pháp của Phật rao giảng cho mọi người.
Tuy nhiên, để trở thành người xuất gia chân chính thì quả muôn vàn khó khăn, với mọi thứ cám dỗ. Các thứ cám dỗ như đoạn kinh vừa trích dẫn đó là gì? Đó là khi sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra tham đắm, chấp thủ. Do đó, người xuất gia luôn chánh niệm, phòng hộ căn môn, để không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp chi phối. Mối nguy hiểm kế tiếp đó là dục hỷ và ngã mạn. Dục hỷ là vị ngọt dẫn đến nguy hiểm trong phạm hạnh, còn ngã mạn sẽ làm chướng ngại thánh đạo giải thoát. Thứ ba, đó là cẩn trọng trong mối quan hệ với Phật tử liên quan đến lợi dưỡng, danh tiếng… dẫn đến hành những việc tà mạng, nuôi sống bằng tà mạng, không đúng với Chánh pháp. Và vấn đề cuối cùng đó là luôn kiên định với Bồ-đề tâm, đừng thui chột trong chí nguyện cao đẹp mà phải thực hành tinh tấn hạnh để tiến bộ trên đường đạo. Nếu thực hành được như vậy, hành giả xuất gia sẽ thuận duyên tu hành đạt đến sự an lạc, giải thoát đích thực.
Một ngọn đèn có thể thắp sáng thêm nhiều ngọn đèn khác mà ánh sáng của nó không bị mất đi hay tổn hại. Người xuất gia như ngọn đèn đem ánh sáng trí tuệ rọi soi cuộc đời; và như khúc gỗ trôi sông, không vướng kẹt vào bất cứ điều gì, thuận xuôi trôi về nhập vào biển cả.
Thích Trung Định | Văn Hóa Phật Giáo 15-3-2018 |Thư Viện Hoa Sen
Bài đọc thêm:
Khúc gỗ trôi sông (HT. Viên Minh)
- Từ khóa :
- Pháp thoại
- ,
- khúc gỗ trôi sông