NGHĨ VỀ BÀI VIẾT “NGƯỜI TU SĨ XIN NHÌN LẠI”
Thích Trung Hữu
Bài viết “Người tu sĩ xin nhìn lại” của tác giả Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng từ rất lâu, tận năm 2015, nhưng cho đến nay tôi mới có dịp tiếp xúc. Thú thật là tôi chỉ là một thầy tu quê mùa nên cũng ít theo dõi tin tức, chỉ là lâu lâu có ý tưởng hay vấn đề gì mình quan tâm, hoặc cần chia sẻ thì viết gửi các báo Phật giáo vậy thôi, cho nên không có cập nhật thông tin. Tôi biết bài này của Thiện Đức là do một người bạn giới thiệu. Người ấy kêu tôi đọc để nghe nhận xét của tôi về bài viết đó. Tôi đã đọc và sau đây là vài suy nghĩ mà tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đạo gần xa.
Trước hết tôi xin được bày tỏ sự cảm thông đối với đạo hữu Thiện Đức. Những trăn trở của Thiện Đức cho thấy tấm lòng của Đạo Hữu đối với đạo pháp chân thành biết chừng nào, thật là vô cùng đáng quý, đáng trân trọng và tôn kính. Tuy nhiên, có lẽ do Thiện Đức là một phật tử tại gia cho nên cái nhìn về Phật giáo nói chung và tăng ni nói riêng không khỏi có phần chưa được thấu đáo. Trước hết phải thừa nhận rằng những vấn đề mà Thiện Đức đề cập như “tu sỹ dùng y áo và đồ dùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,… không tập sống trong giản dị mà cứ chạy theo xe ô tô xịn, điện thoại đắt tiền, xe máy sang, tượng Phật quý hiếm… bằng tiến sỹ hay có chức rất to, thậm chí chức lớn trong Giáo hội Phật giáo…” là có thật mà bậc xuất sỹ cần phải tránh xa. Tuy nhiên cũng có những vấn đề mà nếu không phải là người trong cuộc thì không thể nào hiểu hết được.
Thiện Đức cho rằng, “Mục đích tối hậu của người tu là đắc đạo, là giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử trầm luân, giải thoát khỏi phiền não. Người xuất sỹ dành trọn đời mình quyết chí xuất gia cũng chỉ để đắc đạo mà thôi… Thực tập tối quan trọng, dành thời gian để thực hành lời Phật dạy là tối quan trọng. Có thực tập mới có kết quả, mới có chứng đắc”. Điều này không có gì là sai, thậm chí là rất đúng. Nhưng Thiện Đức nghĩ rằng đắc đạo đơn giản lắm hay sao? Thời Đức Phật, chư tăng không làm gì cả ngoài việc thiền quán, còn ngày nay tăng ni làm gì có đủ điều kiện thuận lợi như thế. Xã hội Ấn Độ cổ đại người ta không yêu cần tu sĩ phải làm gì hay đóng góp gì cho xã hội. Nhưng ngày nay tu sĩ chỉ ăn rồi ngồi thiền hoặc tụng kinh, liệu xã hội có chấp nhận không? Người tu ngày nay phải làm rất nhiều thứ về từ thiện, giáo dục… Không có lĩnh vực xã hội nào mà tăng ni không tham gia hoạt động, phục vụ, cống hiến. Ấy vậy mà còn bị coi là thành phần ăn bám xã hội, là ngồi mát ăn bát vàng. Nếu người tu không làm gì hết như chư tăng thời đức Phật thì còn bị xã hội coi là gì nữa? Những bật xuất sỹ như chúng tôi cũng muốn dành thời gian tu hành để đắc đạo lắm chứ, nhưng chúng tôi có được quyền làm theo ý muốn mình đâu. Vừa xếp chân ngồi thiền thì chính quyền “alo” xin thầy 500 kg gạo cho người nghèo. Vừa cầm xâu chuỗi thì có phái đoàn đến vận động cứu đồng bào bị thiên tai. Và còn không biết bao nhiêu thứ khác. Mà thứ nào cũng không thể không làm. Không làm thì nói tu mà sao không có lòng từ bi, tu mà sao không buông xả, không giúp đỡ ai.
Thiện Đức nói rằng “các thầy ngày xưa không xây chùa. Các quý xuất sỹ chỉ tập trung tu tập. Phật tử xây chùa. Phận sự chính của quý thầy là tu. Việc xây chùa, đúc tượng đúc chuông đã có cư sỹ lo. Đó là phận sự của cư sỹ để hộ pháp”. Vâng, lý thuyết là thế, nhưng thực tế có được như thế không? Nói phật tử xây chùa… nhưng có được mấy phật tử làm phận sự hộ pháp của mình? Tôi biết nhiều chùa nghèo đến nỗi mái dột cột xiêu, đi vận động khắp nơi mà vẫn không đủ kinh phí để sửa. Những lúc như thế có thấy cư sĩ nào tới hộ pháp xây chùa đâu. Hơn nữa, phật tử xây chùa cũng đâu phải ủng hộ một cách bình đẳng theo nhu cầu của các chùa mà chỉ ủng hộ những chùa nào, thầy cô nào nổi tiếng mà thôi. Cho tôi mạo muội hỏi một câu, “cư sĩ Thiện Đức quy y với ai, đi chùa nào và cúng chùa nào?” Tôi nghĩ thầy quy y của Thiện Đức chắc không thể là một người vô danh trong Phật giáo? Đó là chưa kể phật tử mà đứng ra xây chùa cho thầy cô ở thì họ cũng không coi thầy cô ra gì. Các thầy cô làm gì họ đều quản lý, yêu cầu chuyện này được làm, chuyện kia không được làm. Thậm chí nên tụng kinh gì, tụng ngày mấy thời. Ôi, con lạy Phật ạ.
Phật pháp như biển cả mênh mông. Đã là biển cả thì có cả ngọc trai và rác rưỡi. Bên cạnh những người tu không đàng hoàng còn có không biết bao nhiêu bậc cao tăng thạc đức có tu có học khác, đáng làm gương mẫu cho đời, làm rường cột cho Phật pháp. Tôi trân trọng tình cảm của Thiện Đức dành cho Phật pháp, nhưng nói thì dễ còn làm thì khó. Phê bình người khác thì dễ còn tự mình làm mới khó. Đó là lý do tại sao không phải ai cũng đi tu làm xuất sỹ được. Những giải thích của tôi trên đây chỉ là một vài ý tiêu biểu gọi là, những ý khác có thể theo đó mà suy ra. Cho đến khi nào Thiện Đức đi tu như các thầy thì mới có thể có cái nhìn chân xác. Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện để khép lại bài viết này. Rằng có cô phật tử đến thăm hòa thượng Trí Tịnh. Sau đó hòa thượng đưa cô về. Ra đến cửa cô nhìn thấy mấy chú tiểu đang nô đùa trước sân chùa, cười giỡn lớn tiếng. Cô mới thưa với hòa thượng có ý phê bình mấy chủ tiểu không có oai nghi của một người tu. Hòa thượng không trả lời mà hỏi cô rằng mỗi tháng cô ăn chay mấy ngày. Cô trả lời “tám ngày, thưa hòa thượng” một cách tự hào. Hòa thượng nhìn các chú tiểu nói: Các chú ấy ăn chay một tháng 30 ngày.
Thích Trung Hữu
Thư Viện Hoa Sen
Bài liên hệ:
Nguời tu sỹ xin nhìn lại (Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng)
Nghĩ về bài viết “người tu sĩ xin nhìn lại” (Thích Trung Hữu)
Vài suy nghĩ về bài viết “nghĩ về bài viết người tu sĩ xin nhìn lại” của thầy Thích Trung Hữu.
- Từ khóa :
- người tu sĩ xin nhìn lại