THẦY & TRÒ
Ajaan Fuang Jotiko | Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, sinh năm 1915 tại tỉnh Chanthaburi, Đông Nam Thái Lan (gần biên giới Campuchia). Mồ côi năm 11 tuổi, ông sống ở nhiều chùa, cho đến năm 20 tuổi được thọ giới xuất gia, về sau trở thành một thiền sư lớn (theo truyền thống tu tập trong rừng) ở Thái Lan.
Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) người Mỹ, theo học thiền với Ajaan Fuang Jotiko và xuất gia năm 1976 tại Thái Lan. Hiện Tỳ-kheo Thanissaro cũng là thiền sư, chuyên trước tác và giảng dạy về thiền. Tỉnh Giác (Awareness Itself) là một trong những giáo huấn vắn tắt, thiết thực của Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko, được Tỳ-kheo Thanissaro soạn tập và dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh. Xin giới thiệu đến bạn đọc xa gần.
+++
+ “Bất cứ bạn làm gì, lúc nào cũng phải nghĩ đến thầy của mình. Nếu bạn quên thầy là bạn đang tự bứng gốc của mình”.
+ “Người đệ tử chạy từ thầy này qua thầy kia, không thực sự có vị thầy nào cả”.
+ Thỉnh thoảng các Phật tử cúng dường ngài Ajaan Fuang các món trang sức nhỏ, và ngài thường phát cho các đệ tử của mình –nhưng ít khi cho đến các vị thân cận với ngài. Một ngày, một tăng sĩ đã sống với ngài vài năm, không kiềm chế được đã than trách, “Tại sao khi sư phụ có các món trang sức đẹp, ngài chẳng bao giờ cho con mà lúc nào cũng cho người khác?”
Ajaan Fuang trả lời, “Ta đã cho con các thứ còn tốt hơn nhiều. Sao con không nhận chúng?”
+ “Những thiền sinh sống gần thầy, nhưng không hiểu thầy, giống như cái muỗng trong tô cà-ri: nó không bao giờ biết cà-ri ngọt, chua, mặn, đậm đà hay cay nồng như thế nào”.
+ Ajaan Fuang đã so sánh những đệ tử lúc nào cũng phải hỏi thầy, ngay cả việc giải quyết những vấn đề nhỏ trong cuộc sống hằng ngày: “Họ giống như các chú chó con. Ngay cả việc tiểu tiện cũng chạy đến nhờ mẹ liếm sạch cho. Họ sẽ chẳng bao giờ trưởng thành được”.
+ “Các học trò mà đeo bám thầy giống như những con đĩa. Dầu ta xua đuổi họ bao nhiêu, họ vẫn quay lại, không bao giờ để ta yên”.
+ “Nếu thầy khen ngợi một đệ tử trước mặt, thì đó là dấu hiệu rằng người đệ tử đó không thể tiến xa hơn nữa –người đó có thể sẽ không tu tập, không thành tựu đến mức độ cao hơn trong kiếp sống này. Lý do thầy khen là để cho người đó có thể tự hào về việc ít nhất mình cũng đã thành tựu đến mức đó. Trong lòng người đó cũng có cái tốt để hướng tới trước giờ lâm chung”.
+ Nhiều đệ tử của ngài Ajaan Fuang tin rằng ngài có thể thấu suốt được tâm họ, vì thỉnh thoảng ngài lại giảng những đề tài mà ngay lúc đó, họ đang suy tưởng hay đang trĩu nặng trái tim họ. Chính tôi cũng có nhiều kinh nghiệm như thế, và nhiều chuyện khác cũng được kể lại với tôi….
Có lần, một trong các đệ tử trẻ của ngài –đi xe buýt từ Bangkok đến Rayong để phụ xây tháp. Anh xuống xe ở đầu đường dẫn vào tu viện, nhưng không muốn đi bộ sáu cây số để đến đó, nên ngồi xuống một quán hũ tiếu ven đường và tự nhủ -như để thử thách thiền sư Ajaan Fuang- “Nếu ngài thiền sư thực sự đặc biệt, ngài sẽ khiến có một chiếc xe đi ngang qua, và cho ta quá giang đến chùa”. Một, hai, rồi ba giờ trôi qua mà không có chiếc xe nào rẽ vào đường đó cả, nên cuối cùng rồi anh ta cũng phải cuốc bộ về chùa.
Về tới chùa, người đó đến trước thất của thiền sư Ajaan Fuang để đảnh lễ, nhưng ngay khi vừa nhìn thấy anh ta, Ajaan Fuang đã đứng dậy, đi vào phòng, đóng cửa lại. Hành động này hơi gây khó chịu cho người đệ tử, nhưng anh vẫn quỳ lạy trước cánh cửa đóng. Ngay khi vị đó vừa lạy xong, Ajaan Fuang hé cửa ra và nói, “Nè. Ta đâu có bảo ngươi đến đây. Ngươi tự ý đến mà thôi”.
Lần khác, sau khi công trình xây dựng tháp đã hoàn tất, cũng vị đệ tử trẻ ấy đang ngồi thiền trong tháp, với hy vọng sẽ có một tiếng nói thì thầm vào tai anh con số độc đắc sẽ trúng. Tuy nhiên, điều anh được nghe là tiếng của ngài Ajaan Fuang đang đi ngang qua nói, dường như không nhắm vào ai cả, “Thực ra là người đang nương tựa vào cái gì?”
Sống Ở Đời
+ “Ngài Ajaan Mun đã từng nói, ‘Con người tất cả đều giống nhau, tuy không hoàn toàn như nhau, nhưng xét cho cùng, tất cả giống nhau’. Bạn phải quán tưởng khá kỹ về điều này trước khi có thể hiểu ý của ngài”.
+ “Nếu bạn muốn phán đoán người khác, hãy phán đoán chủ tâm của họ”.
+ “Khi bạn muốn dạy người khác điều thiện, bạn phải xem họ có thể tốt đến đâu. Nếu bạn cố làm cho họ tốt hơn khả năng có thể tốt của họ, thì bạn đúng là người ngu”.
+ “Không ích lợi gì khi quan tâm đến lỗi của người. Nếu bạn tự xét lỗi mình thì bạn có thể làm được nhiều điều ích lợi hơn”.
+ “Người khác tốt hay xấu là chuyện của họ. Hãy quan tâm đến chuyện của mình thì tốt hơn”.
+ Một đệ tử của ngài Ajaan Fuang than phiền với ngài về tất cả những vấn đề cô gặp phải ở chỗ làm. Cô muốn bỏ việc, sống lặng lẻ một mình, nhưng điều kiện không cho phép, vì cô còn phải lo cho mẹ già. Ngài thiền sư bảo cô, “Nếu con phải sống với những điều này, thì phải tìm cách sống sao để vượt lên trên chúng. Đó là cách duy nhất con có thể sinh tồn”.
+ Lời khuyên cho một Phật tử bị trầm cảm vì áp lực công việc ở chỗ làm: “Khi làm việc gì đó, hãy làm chủ nó, chớ để nó làm chủ mình”.
+ Một Phật tử khác gặp phải vấn đề nghiêm trọng, cả ở gia đình và chỗ làm, nên ngài khêu gợi dũng khí của cô: “Người thực sự biết sống, phải đối đầu được với những vấn đề thực sự sống còn trong đời”.
+ “Khi gặp trở ngại, ta phải đối đầu với chúng. Nếu bạn buông xuôi quá dễ dàng, cuối cùng là bạn cũng buông luôn cuộc sống của mình”.
+ “Hãy tự nhủ mình là thân gỗ xồi, không phải gỗ ruỗng mọt”.
+ Một y tá trẻ, đệ tử của Ajaan Fuang, phải chịu đựng làm bia cho nhiều tai tiếng ở chỗ làm. Lúc đầu, cô cố bỏ ngoài tai, nhưng tình trạng ngày càng tệ, cô dần mất kiên nhẫn.
Một ngày, khi chuyện dèm pha thực sự khiến cô nổi giận, cô bỏ việc, đi học thiền với Ajaan Fuang tại chùa Wat Makut. Khi đang hành thiền, cô nhìn thấy mình trả đáp, trả đáp lại với thinh không, như thể cô bị kẹt giữa hai tấm kính song song. Cô chợt nghĩ có lẽ trong nhiều kiếp quá khứ cô cũng đã phải chịu đựng bao điều tai tiếng. Suy nghĩ này càng khiến cô thêm chán nản cho hoàn cảnh của mình. Nên khi mãn thiền, cô thưa với Ajaan Fuang về việc cô quá nản lòng khi bị người ta nói xấu. Thiền sư cố gắng an ủi cô rằng “Những việc như thế này là một phần, một mảng của cuộc sống. Khi có khen, thì cũng có chê, có điều tiếng. Biết vậy rồi, sao con còn để mình phải dính mắc?”
Tuy nhiên, tâm trạng cô gái quá bức xúc, nên cô cãi lại với ngài, “Con đâu có dính mắc với họ, thưa Sư. Chính họ đến và dây dưa với con!”
Ngài liền hỏi ngược lại cô: “Vậy thì sao con không tự hỏi mình –trước tiên, ai bảo ta vác thân đến đây, sinh ra ở chốn này?”
+ “Nếu người khác nói bạn không tốt, hãy nhớ là lời nói của họ chỉ ở đầu môi. Chúng không nhảy ra ngoài, chạm tới bạn được”.
+ “Người khác phê bình ta xong rồi họ quên ngay chuyện đó, nhưng ta thì ôm chặt lấy chúng, luôn nghĩ về chúng. Giống như đồ họ đã ăn và nhổ phăng ra ngoài, còn ta thì lượm lên, ăn. Trong trường hợp đó, ai là kẻ ngu?”
+ “Xem như ta có đeo đá vào tai, nên ta không bị cuốn đi theo những điều mình được nghe nói”.
+ Một ngày, bỗng nhiên thiền sư Ajaan Fuang hỏi, “Nếu áo quần bạn bị rớt vào đống phân, bạn có lượm nó ngay lên không?”
Người đệ tử nghe vậy, không biết ý thiền sư thế nào, nhưng biết rằng nếu mình không cẩn thận khi trả lời, mình sẽ làm trò cười, nên người đó nói phân hai: “Còn tùy. Nếu con chỉ có một bộ duy nhất, con phải lượm lên. Nhưng nếu con có bộ khác, có lẽ con sẽ bỏ luôn. Thưa Sư, ý sư thế nào?”
“Nếu con thích nghe những điều xấu về người khác, thì dầu con không dự phần gì vào nghiệp xấu của hành động đó, con vẫn dính mùi hôi”.
+ Nếu bất kỳ đệ tử nào của ngài thiền sư khó chịu về chuyện gì, ngài sẽ bảo họ: “Con không thể hy sinh, chịu đựng chút chuyện nhỏ như vậy à? Hãy coi đó là một quà tặng. Hãy nhớ Đức Phật đã phải hy sinh bao thứ giá trị khi ngày là thái tử Vessantara, rồi sau đó tự hỏi mình, “Tâm sân hận của tôi không có giá trị gì cả. Tại sao tôi không thể dứt bỏ nó chứ?”
+ “Hãy suy nghĩ trước khi hành động. Đừng làm loại người hành động trước, rồi mới nghĩ sau”.
+ “Hãy để ý đến sự tử tế té-giếng: đó là những trường hợp khi bạn muốn giúp đỡ người khác, nhưng thay vì bạn kéo họ lên, thì họ kéo bạn xuống”.
+ “Khi người ta nói điều gì đó tốt, đó là ý kiến của họ. Còn điều đó có thực sự tốt cho bạn không?”
+ “Nếu kẻ khác ghét bạn, đó là điều tốt, bạn khỏi bám víu. Bạn có thể đến hay đi tùy ý, không phải lo lắng họ có thể mong đợi, buồn phiền khi vắng bạn. Bạn cũng không phải lo mua quà cáp cho họ khi trở về. Bạn hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm”.
+ “Cố gắng thắng người khác không ích lợi gì ngoài việc đem lại hận thù và nghiệp xấu. Tốt hơn là lo thắng chính mình”.
+ “Dầu bạn đánh mất thứ gì, hãy để nó qua đi, đừng đánh mất tâm bạn vì điều đó”.
+ “Nếu kẻ khác chiếm đoạt sở hữu của bạn, hãy coi như bạn đã làm quà tặng cho họ. Nếu không hằn thù sẽ không bao giờ chấm dứt”.
+ “Tốt hơn là để kẻ khác chiếm đoạt sở hữu của mình, hơn là mình chiếm đoạt của người”.
+ “Cái gì thực sự của bạn, nó sẽ thuộc về bạn trong bất cứ điều kiện gì. Nếu nó không thực sự thuộc về bạn, thì tại sao phải tranh giành làm gì?”
+ “Không có gì sai nếu bạn nghèo vật chất, nhưng phải chắc rằng bạn không nghèo nội tâm. Hãy làm người giàu về đức hạnh, từ bi, và thiền định –là các kho báu của tâm”.
+ Một đệ tử của Ajaan Fuang than thở với ngài, “Nhìn quanh, con thấy ai cũng có cuộc sống dễ dãi. Sao đời con lại quá khổ?” Ngài trả lời: “Cuộc sống ‘khổ’ của con, còn mười, hai mươi lần ‘tốt’ hơn đối với nhiều người khác. Sao con không nhìn những người khổ hơn con?”
+ Khi các đệ tử của ngài thiền sư đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời, ngài thường dạy họ phải tự nhắc nhở mình: “Sao ta có thể oán trách ai khác được? Không ai bắt ta phải sinh ra cõi đời này. Chính ta tự muốn đến mà”.
+ “Mọi thứ xảy ra ở đời đều có thời hạn. Nó không thể tồn tại mãi mãi. Khi hết thời hạn, nó sẽ tự qua đi”.
+ “Có người bạn trong đời là khổ. Có người bạn tuyệt vời còn khổ hơn, do có những bám víu”.
+ “Dục lạc giống như ma túy: Chỉ thử một chút và ta đâm nghiện. Người ta bảo rằng ma túy khó bỏ, nhưng dục lạc thế gian càng khó bỏ hơn. Chúng ăn sâu vào tận xương tủy ta. Chúng chính là nguyên do khiến ta có mặt ở nơi này, khiến ta luân hồi sinh tử qua bao kiếp. Không có thuốc chữa nào giúp ta từ bỏ được thói quen này, tẩy sạch nó khỏi thân tâm ta, trừ phương thuốc từ những lời dạy của Đức Phật”.
+ “Khi thấy người Ấn Độ giáo thờ bộ phận sinh dục Siva, ta cho là lạ, nhưng thực ra tất cả mọi người trên thế gian đều thờ hình tượng đó –có nghĩa là mọi người đều thích sắc dục, chỉ có điều là người Ấn Độ giáo không che dấu điều đó. Dục tính là kẻ tạo ra thế giới này. Lý do ta được sinh ra là vi ta cũng thờ hình tượng đó trong tâm”.
+ Một nữ đệ tử của Ajaan Fuang bị cha mẹ áp lực phải kiếm chồng, lập gia đình, sinh con cái, nên cô đến hỏi ngài thiền sư, “Thưa Sư, họ nói có đúng không, rằng người phụ nữ sẽ có được nhiều công đức khi sinh con, vì người đó đã tạo cơ hội cho ai đó được sinh ra?”
“Nếu điều đó đúng,”, ngài trả lời cô, “thì mấy con chó cái sẽ có biết bao là công đức, vi một lần chúng sinh ra cả bầy”.
+ Ngài cũng nói, “Lập gia đình không phải là cách để tránh khổ đau. Thực ra, việc đó còn khiến ta khổ hơn. Đức Phật đã dạy rằng năm uẩn (khandhas), là một gánh nặng, nhưng nếu ta lập gia đình, thì tự dưng ta có mười, mười lăm, hai mươi… gánh nặng”.
+ “Bạn phải tự nương tựa vào mình. Nếu bạn là loại người phải dựa dẫm vào người khác, thì bạn phải có quan điểm giống họ, có nghĩa là nếu họ nhìn sai vấn đề, bạn cũng phải như thế. Vì thế hãy thoát ra khỏi sự trói buộc đó, hãy tự quán xét mình cho thấu đáo, cho đến khi mọi thứ đều sáng tỏ trong tâm bạn”.
+ “Bạn có thể nghĩ, ‘Con tôi, con tôi,’ nhưng thực sự nó có phải là của bạn? Ngay cả thân bạn còn không thực sự là của bạn”.
+ Một đệ tử của Ajaan Fuang, bị bệnh gan nặng. Cô nằm mơ thấy mình đã chết và được lên trời. Cô xem đó là tín hiệu xấu, nên lên chùa Wat Makut kể cho thiền sư nghe câu chuyện. Ngài cố gắng an ủi cô rằng đó thực sự là tín hiệu lành. Nếu cô khỏi bệnh, có thể cô sẽ được lên lương ở sở làm. Nếu không, cô sẽ tái sinh vào cõi lành, với các điều kiện thuận lợi. Ngay khi ngài vừa nói thế, cô rất bất bình và nói: “Nhưng con chưa sẵn sàng để chết!”
Thiền sư bảo cô, “Khi thời điểm đến, con phải đi thôi. Cuộc sống không phải là một sợi dây thừng mà con có thể kéo dãn hay thun nó lại theo ý mình”.
+ “Nếu có dục lạc nào mà bạn thực sự thèm khát, đó là dấu hiệu rằng bạn đã từng thích thú, hưởng thụ nó trong các kiếp sống trước. Nên giờ bạn mới nhớ tiếc nó như thế. Nếu bạn quán tưởng về điều này thấu đáo, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán, hết ưa thích nó nữa”.
Diệu Liên Lý Thu Linh -9/2018
(Chuyển ngữ từ bảng tiếng Anh, AWARENESS ITSELF, nguồn www.accesstoinsight.org, Metta Forest Monastery, P.O.Box 1409, Valley Center, CA 92082, USA)
- Từ khóa :
- thầy
- ,
- Thầy & trò