Sư cô Chân Vỹ Nghiêm
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày khai trường rồi. Mùa hè ra đi nhường lại cho mùa thu ngự trị. Những chiếc lá vàng trên cây rơi xuống khắp sân chùa. Tâm An tiếc nuối một mùa hè tươi vui, không phải bận tâm đến học hành đã đi qua. Chú chia sẻ nỗi niềm của mình với hai anh:
– Em ao ước mùa hè dài thêm, anh em mình không phải đến trường, được ở luôn trong Chùa thì vui biết mấy.
– Anh cũng thế, Tâm Từ đồng ý.
– Hay là mình chơi hết mình trong những ngày cuối cùng này đi. Tâm Chánh đề nghị
– Đúng rồi, mình có đến mấy ngày nữa mà. Em sẽ không bỏ qua cuộc chơi nào đâu. Tâm An vui vẻ nói.
– Mình sẽ đi chơi suối một ngày cho đã thèm. Tâm Từ gợi ý.
– A! em thích lắm, đi nghe anh Tâm Chánh. Tâm An vừa nói vừa vỗ tay.
– Tâm Chánh cũng gật đầu đồng ý. Ba anh em dự định vào một ngày làm biếng, các chú không có thời khoá gì nên được đi chơi.
Từ năm giờ sáng các chú đã thức dậy, ngày làm biếng thường các chú ngủ luôn đến sáng, nhưng hôm nay là ngày đặc biệt nên cả ba đều thức dậy sớm, vui vẻ chuẩn bị ba cái bình bát, một bình thuỷ nước sôi, mấy gói mì, bánh kẹo, các chú đã để dành đều mang theo cả. Các chú làm rất nhẹ nhàng khe khẽ, rón rén bước đi sợ Thầy biết được. Cả ba đều đồng ý là trốn Thầy đi chơi, rồi trưa về gặp Thầy xin phép. Tâm Chánh lớn nhất nên chú phải có bổn phận đi xin phép. Theo dự định các chú chơi, ăn sáng xong là Tâm Chánh phải xin phép Thầy. Cả ba lên đường trong sương sớm, lội qua những con đường mòn đầy cỏ, gai còn ướt đẫm sương mai, các chú phải đi từ sớm như thế này mới có thể nhìn ông mặt trời lên. Cảm giác đón ánh nắng đầu tiên của một ngày thật là kỳ diệu. Cảnh vật hiện ra càng lúc càng rõ ràng, tinh khiết, mới mẻ làm sao! Như chim sổ lồng cả ba chạy nhảy chân sáo vui vẻ cười đùa. Tiếng nói cười làm thức giấc những con chim đang ngủ trên cành cây cao, làm rung động cái bầu không khí yên tĩnh của buổi ban mai. Sự vui nhộn của các chú cũng làm ông mặt trời mở con mắt còn ngái ngủ nhìn xem ai mà ồn ào thế không biết. Ông nhăn mặt vươn vai nhìn xuống. Ồ! Thì ra là ba thằng nhóc con đang tung tăng chạy nhảy giữa núi đồi yên tĩnh. Ông khẽ mỉm cười: “Chào ba chú nhóc, mới sáng sớm mà đã ồn ào rồi, có chuyện gì mà vui thế?” Rồi ông buông ra mái tóc rối bù óng ánh, trải lại từng sợi, mỗi sợi tóc sáng ấy chiếu xuống đến đâu làm cho cảnh vật ở đó sáng lên một cách kỳ diệu. Cả ba quyết định dừng lại ngồi ở một bãi cỏ lưng đồi, ngồi nhìn xuống những đồi chè xanh thăm thẳm, có dòng suối uốn quanh. Một khung cảnh đẹp như tranh vẽ hiện ra trước mắt. Các chú ngồi xuống để ngắm ông mặt trời đang dần dần ló rạng sau lưng đồi. Tâm Từ dang rộng hai cánh tay như muốn ôm tất cả đất trời vào lòng. Chú hét lên thật to: “Chào ông mặt trời” rồi cười. Tâm Chánh, Tâm An cũng bắt chước làm theo. Ông mặt trời dường như mọc lên nhanh hơn để chào đón các chú. Tâm Chánh đề nghị.
– Giờ mình ngồi im một chút ngắm cảnh xong rồi chơi tiếp nghe.
– Hai chú kia đồng ý, gật đầu lia lịa. Ngồi phịch lên đám cỏ xanh còn đọng những giọt sương.
Đối với Tâm An, buổi sáng ở đây đẹp chi lạ, sương dày đặc tạo nên sự mờ ảo. Cảnh vật lúc tỏ lúc hiện. Ông mặt trời cũng hiền lành ấm áp với màu hồng tươi mát chứ không phải màu đỏ rực lửa như buổi trưa. Những hạt sương long lanh đọng lại trên cành cây. Ánh nắng chiếu vào làm cho chúng lấp lánh như những viên kim cương. Tiếng chim hót vang khúc nhạc chào bình minh. Ở đây có nhiều loại chim, nào là chim sẻ, chim áo nâu, chim chân dài,… các chú không biết tên nên tự đặt tên cho chúng. Các chú chim gọi bạn nhảy từ cành này sang cành khác, Tâm Chánh say mê ngắm nhìn không biết chán.
Tâm An thì thích đàn bươm bướm đủ màu bay lượn quanh những khóm hoa dại. Tâm Từ thích nhìn những đám mây lờ lững bềnh bồng. Mỗi khi khám phá điều gì hay hay, các chú đều chỉ cho nhau xem. Tâm Từ lôi các anh về phe mình:
– Anh xem nè, đám mây kia có hình con thỏ.
– Ừ hen, hai cái tai, hai cái chân, giống ghê. Tâm An đồng ý.
– Còn đám mây bên kia giống hình con chim. Tâm Chánh nói.
– Không con cò, con chim gì mà cổ dài quá Tâm An bàn vô.
– Con chim cổ dài chứ bộ, Tâm Từ bênh vực.
– Con chim hay con cò gì cũng được đều là loài có cánh biết bay cả mà. Tâm Chánh giải hoà.
Cả ba cứ thế tha hồ tưởng tượng đủ thứ. Bầu trời xanh là một cuộn giấy dài bất tận để các đám mây mặc sức vẽ vời đủ thứ. Ông mặt trời còn tô màu nữa, có chỗ vàng, chỗ xanh, chỗ trắng,… Ngồi ngắm mệt rồi các chú lăn kềnh ra đất. Mùi cỏ dại, mùi đất, mùi sương sớm tạo nên một mùi thơm thơm lạ lạ. Cái hương vị này tạo cảm giác thân thương dễ chịu.
– Cái mùi này mình gọi là mùi gì nhỉ? Tâm An hỏi
– Mùi cỏ cây. Tâm Từ trả lời.
– Không đúng. Nó có thêm hương vị của đất, của sương sớm nữa. Tâm Chánh cãi lại.
– Mùi tùm lum. Tâm An cười nói.
– Ai lại gọi như vậy, hay là mình đặt tên cho mùi này là mùi quê hương đi. Chỉ có nơi này mới có cái mùi này. Khi đi đâu mà nghe mùi vị thân quen này mình đều cảm thấy nhớ. Tâm Từ đề nghị.
– Ừ mùi quê hương cũng hay mà, được không Tâm An?
– Dạ được, giờ thì em thích mùi mì gói hơn, em đói bụng rồi.
Tâm Chánh cười bốc phét:
– Bây giờ mình ra tay làm đầu bếp siêu đẳng với món ăn đặc sắc có một không hai, đến vua đầu bếp cũng ngưỡng mộ món ăn thu hút số một này. Mì lẩu Thái, vừa nhanh, vừa gọn, vừa giòn, vừa nóng hổi, vừa thổi vừa ăn mại dzô, mại dzô.
– Cả ba cùng cười hí hửng làm buổi điểm tâm cho mình. Kỳ lạ nghen, mì gói ăn tại đây ngon hơn, vui hơn ở nhà. Các chú cùng nhau thưởng thức rồi trầm trồ khen.
– Ngon thiệt à nghen. Number one.
– À! Từ đây mình đừng gọi món ăn này là mỳ gói nữa, nghe nó tầm thường quá. Mình đặt cho nó cái tên là món ăn số một đi. Sau này lỡ đói bụng ăn lén, tụi mình chỉ cần đưa một ngón tay làm dấu là biết mình cần ăn món này, được không? Tâm Chánh đề nghị.
– Lỡ sau này có món ăn ngon hơn thì mình không thể gọi món đó là món số một. Tâm An phân vân.
– Có sao đâu, có khối tên để đặt như: tuyệt cú mèo, món số dzách, món …. Tâm Từ lên tiếng.
– Thôi cứ đặt vậy nghe. Tâm Chánh nói.
Cả hai chú đều gật đầu đồng ý.
Ăn sáng xong cả ba men ra suối rửa bát đĩa. Con suối này có nhiều ghềnh đá to đủ cho vài người ngồi. Các chú đã có trò chơi mới, nhảy trên các phiến đá mà đi ngược lên đầu con suối, nơi có thác nước cao chảy xuống rất đẹp. Đi trên những tảng đá thích thật, mình phải tìm cách đi cho nhanh và không để ướt. Khung cảnh ở đây còn nguyên sơ lắm, có những cây cổ thụ to, cành lá xum xuê, có một cây rễ phụ của nó to dài, quấn vào thân một cây khác tạo thành một cái võng đủ sức cho một người ngồi lên. Các chú tranh nhau ngồi lên chiếc võng thiên nhiên ấy tha hồ lắc lư. Cũng cái cây ấy, một rễ phụ khác to dài thòng từ trên cao xuống trông như một sợi dây cáp. Các chú ôm lấy sợi dây đu từ bên này sang bên kia bờ suối, giống như người rừng Tazan vậy.
Chơi chán, các chú lại nằm dài ra bãi cỏ buông thư, nghỉ ngơi một lúc. Tâm An nhổm dậy trước, rồi rủ:
– Giờ mình chơi bịt mắt bắt dê đi.
– Ở đây rộng quá sao bắt được. Tâm Từ nói.
– Chơi cũng được thôi, ta giới hạn phạm vi chạy lại, từ cái cây này đến cái cây kia thôi. Tâm Chánh nói.
– Chơi đi, đừng để uổng thời gian lắm. Tâm An năn nỉ.
Thế là hai chú kia ngồi dậy, cả ba oánh xù xì xem ai bị trước. Tiếng cười, tiếng la hét vang vọng khắp nơi. Chỉ có ba chú thôi mà náo động cả một khu đồi vắng lặng. Chạy nhảy đến đổ cả mồ hôi. Tâm Chánh đề nghị:
– Nóng quá, hay mình xuống suối tắm cho mát.
– Đúng đó, Tâm Từ vừa nói vừa cởi áo, chỉ mặc một cái quần sọt ngắn chạy, nhảy ùm xuống suối.
Ba chú tắm thoả thích, cười đùa, té nước vào nhau. Con suối lúc nào cũng hiền từ ôm các chú vào lòng dẫu các chú có quậy phá nó cũng không phàn nàn điều gì cả.
Ông mặt trời đã lên cao quá đỉnh đầu. Tâm Chánh giật thót cả người, chợt nhớ điều gì quan trọng lắm.
– Ấy chết! Trưa rồi, mình quên lên chùa xin phép Thầy rồi. Về thế nào cũng bị la cho xem.
Tâm Chánh tỏ ra lo lắng, hai chú kia cũng lo sợ theo. Chẳng còn náo động nữa. Cả ba đứng yên để tìm ra phương pháp hay nhất. Tâm Chánh quyết định:
– Mình chơi cũng nhiều rồi, giờ mình nên về thôi. Chắc chắn anh em mình đều bị Thầy rày, có gì mình cùng chịu.
Hai chú còn lại gật đầu đồng ý, thu xếp mọi thứ để về chùa. Niềm vui nhường chỗ cho sự lo lắng, sợ bị la, bị phạt. Cả ba im lặng lủi thủi đi. Tâm Từ muốn phá tan cái bầu không khí ngột ngạt này, chú nói:
– Cho dù bị Thầy la, nhưng mình có một buổi đi chơi thoải mái, dzui ơi là dzui. Đừng nghĩ nữa, mình biết chắc sẽ bị phạt rồi, thì về chùa anh em mình cùng chịu chung. Nhiều khi bị phạt chung như vậy mới tạo nên kỷ niệm đáng nhớ. Đây là dấu ấn khó quên trong mùa hè này.
Nghe Tâm Từ nói, lòng Tâm An cảm thấy nhẹ đi đôi chút. Chú bình thường hơn, vừa đi vừa ngắm cảnh cho khuây khoả. Tâm Chánh lặng lẽ đi bên cạnh, nỗi lòng chưa được nhẹ vơi chút nào. Tâm Từ nhìn anh mình đi bên cạnh, choàng vai an ủi. Thấy thế Tâm An cũng đến gần Tâm Chánh nắm tay cùng đi. Cả ba anh em dung dăng dung dẻ trên đường về. Tâm Từ bắt lên bài hát:
Rồi mình lại đi chơi
Lên đồi khi sương sớm
Lên mỏm đá cao ngồi
Nhìn xa qua mấy núi
Chỉ thấy mây mù thôi.
Có ai nhìn thấy phố
Có ai nhìn thấy người
Không người sao vui vậy
Đâu đó tiếng ai cười.
Buổi sáng mây còn ngủ
Đục mờ như biển khơi
Ngồi yên tâm thoắt động
Giật mình chiếc lá rơi
Xa xa in mấy núi
Nhẹ nhàng biển mây trôi
Một ngày nữa đi tới
Một ngày nữa qua rồi.
Ngày qua ai khôn lớn
Ngày đến ai buồn vui
Kiếp người như buổi sáng
Ngồi chơi trên đỉnh đồi.
Vui buồn như sương khói
Chốc đầy chốc lại vơi
Phút giây lòng thanh thản
Nhận ra tiếng ta cười
Phút giây lòng thanh thản
Nhận ra tiếng ta cười.
Cả ba cùng tam ca, lời bài hát cứ trôi đi trôi đi làm cho những áng mây mù trong tâm hồn các chú cũng tan đi.
Về đến chùa, nỗi lo sợ lại trở về, ba chú đi những bước nhẹ nhàng, khe khẽ như những chú mèo con. Tới trước cửa phòng Thầy, lén nhìn vô, Thầy đang ngồi uống trà, đọc sách. Tâm Chánh gõ nhẹ cửa phòng Thầy ba tiếng để xin phép. Rồi lần lượt từng chú bước vào, đầu cúi xuống im lặng chờ đợi. Tâm An khẻ ngẩng đầu lên nhìn Thầy, khuôn mặt Thầy nghiêm nghị dễ sợ, khiến chú ngừng thở, tim đập thình thịch. Thầy nhìn từng chú một lượt rồi hỏi:
– Các con đi đâu về?
– Dạ kính thưa Thầy, chúng con đi chơi suối ạ. Tâm Chánh lí nhí trong miệng.
Tâm Từ nhanh nhẩu thưa:
– Dạ con kính thưa Thầy, chúng con xin sám hối với Thầy đã đi chơi mà không xin phép trước.
– Dạ con kính thưa Thầy, Tâm An rụt rè thưa, chúng con dự định trời sáng anh Tâm Chánh sẽ lên xin phép, nhưng chúng con chơi vui quá nên quên.
– Tâm Chánh, Thầy đã dặn con bao nhiêu lần rồi, đi chơi suối phải được phép của Thầy và không được tắm suối, rất nguy hiểm. Vậy mà, con vẫn để các em đi chơi, còn tắm suối nữa. Con là anh lớn mà không biết dạy em. Con lên bàn Bụt quì hương sám hối cho hết một cây nhang, để con nhớ mà không còn tái phạm nữa.
Tâm Chánh cúi đầu xá chào Thầy rồi đi, hai chú kia lẽo đẽo theo anh lên chánh điện. Tâm Chánh cảm thấy vừa tức, vừa buồn tủi, chú thầm nghĩ: “Thầy không công bằng, đi chơi thì cả ba đến khi phạt chỉ mình mình chịu thôi”. Tự nhiên chú ganh tị với hai em, chú thấy hai đứa đó chơi không đẹp tí nào. Vào thiền đường, chú thắp nhang rồi quì xuống im lặng gặm nhấm nỗi buồn, nước mắt tự nhiên tuôn tràn. Tâm Từ cứ loay hoay quanh chú lấy tay chùi nước mắt cho anh. Nhưng Tâm Chánh hờn lẫy, lấy tay hất chú ra. Tâm Từ cảm nhận Tâm Chánh đang giận mình. Còn Tâm An đi kiếm cái quạt, quạt cho Tâm Chánh nhưng chú bực dọc nói to: “không cần, không cần, đi đi”.
Tâm An, Tâm Từ buồn thiu. Tâm An nghĩ giá như cả ba cùng quì hương thì đâu có khó xử như vậy. Thầy đâu biết rằng chỉ Tâm Chánh chịu phạt thôi mà làm cho chú đau lòng đến thế. Nhìn anh khóc, lòng chú cứ thổn thức muốn khóc theo. Trời ơi! Mình mà hư thân thì anh mình chịu đòn như thế này. Biết vậy mình không làm rồi.
Tâm Từ rút trong túi áo ra cây kẹo Sôcôla ngon lắm. Chú cất mãi chưa dám ăn, bóc vỏ đưa vào miệng Tâm Chánh. Tâm Chánh hất mặt đi chỗ khác, làm viên kẹo rơi xuống nền gạch. Tâm Từ lượm lên rồi lủi thủi bước lại góc cửa ngồi chờ đợi. Tâm An ngồi đó nhìn các anh mình, lòng rối bời. Chú thấy cây nhang cháy sao mà chậm quá. Không biết anh Tâm Chánh có chịu nổi không? Chú nóng lòng đứng dậy, chạy lại cây nhang chu miệng thổi cho lửa cháy nhanh hơn. Rồi cuối cùng cây nhang đã tàn. Tâm Chánh về phòng, thả mình xuống giường, trùm mền, buồn không nói một tiếng. Tâm An và Tâm Từ mỗi người ôm một khối tâm trạng buồn, giận, thương, ghét loạn xạ cả lên. Khối nội kết đang ngày càng nuôi lớn.
Trưa hôm đó, khi ôm bát đi ăn, Tâm Chánh không buồn ngồi dậy. Còn Tâm Từ, Tâm An mỗi đứa một nơi. Cảnh chùa bây giờ yên tĩnh, trầm mặc đến lạ, nhưng bên trong tâm hồn của các chú đang xáo động, đang ào ào giông bão. Chẳng ai buồn ăn cơm. Tâm An lấy bát múc thức ăn đem về phòng cho Tâm Chánh, còn mình thì nỗi buồn làm no rồi. Chú lang thang một mình ngoài vườn cho đến khi chán mới về phòng ngủ vùi. Ngày hôm đó sao mà dài quá, ảm đạm quá.
Sáng hôm sau, Tâm Chánh đỡ buồn, chú thức dậy mặc áo đi thỉnh chuông đại hồng. hai chú kia cũng lồm cồm bò dậy, lẽo đẽo theo sau, chẳng ai buồn nói với ai một lời. Tình trạng này kéo dài mãi đến chiều, Thầy gọi ba chú lại Thầy hỏi:
– Sao các con buồn thế?
Tâm Từ nhủ thầm: “Thầy biết rồi còn hỏi”.
– Các con định kéo dài đến bao lâu?
Các chú vẫn im lặng cúi đầu. Lần này, các chú giận Thầy, giận nhau mà không biết cách hoá giải để cho cơn giận cứ lan ra tạo nên những đợt sóng trong hồ tâm của mình. Thầy tiếp tục chia sẻ:
– Ngày xưa đức Thế Tôn dạy: các thầy là người xuất gia thì không nên giận ai quá một đêm. Ta phải biết cách ôm ấp những hạt giống giận hờn đang phát khởi trong tâm, làm lắng dịu các tâm hành bằng hơi thở hay bước chân thiền hành. Khi thân tâm đã nhẹ nhàng rồi, ta hãy nhìn sâu vào sự việc đã làm ta buồn giận, ta không nên oán trách, đổ lỗi cho người mà ta nghĩ là nguyên nhân của sự việc. Trái lại ta phải quay vào trong để nhìn thấy những vụng về, thiếu sót của mình lúc hành xử. Bước tiếp theo, ta tìm thấy những điểm dễ thương của người kia, để tháo gỡ bớt cái nhìn giận hờn. Khi nào trong tâm con hoàn toàn thoải mái, không còn trách móc, giận người kia nữa, các con có thể mời họ lại chia sẻ nỗi lòng mình để người kia hiểu. Có hiểu thì mới có thương phải không các con?
– Dạ thưa phải ạ!
– Cách tái lập lại mối quan hệ, lập lại hoà bình cho mình và cho mọi người xung quanh cũng bắt đầu từ trong tâm mình trước. Ta có muốn phá vỡ tình trạng căng thẳng hay không? Nếu thực sự muốn, ta nên ngồi lại với nhau, chia sẻ nỗi khổ của mình khi bị đối xử không dễ thương, để tháo tung những hiểu lầm về nhau. Sư Ông gọi các cuộc nói chuyện như vậy là “làm mới”. Đây cũng là một hình thức sám hối, xưng tội trực tiếp với nhau. Các buổi làm mới giúp cho anh chị em, ba mẹ với con cái hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, nó cũng là cách phá tan bức tường vô hình ngăn cách chúng ta.
Tâm An nghe Thầy giảng cảm thấy thấm thía. Thầy chia sẻ điều này đúng lúc các chú đang xây dựng những bức tường vây kín trái tim, khiến nó ngột ngạt. Chú chẳng muốn như thế, nhưng để xin lỗi hai anh thì chú chưa chịu. Các anh đã làm tổn thương Tâm An, nên lòng tự ái còn đầy. Nghe Thầy nói, Tâm An cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chú từ từ hé mở cánh cửa lòng, vén bức màn vô hình lên một chút để dòm ra, để nhìn khuôn mặt Thầy và hai anh. Thầy không còn nghiêm nghị dễ sợ như lúc trước, nét mặt Thầy thanh thản, dịu dàng. Lòng Tâm An vơi đi rất nhiều. Tự ái dần dần tan ra, chú nhìn Tâm Chánh, khuôn mặt buồn, đôi mắt còn sưng húp vì khóc. Chú không còn trách anh sao hôm qua xua đuổi chú, la chú nữa. Tình thương bắt đầu trỗi dậy, thứ ánh sáng dịu dàng này có khả năng kỳ diệu, xua tan mọi bóng đen của buồn tủi, giận hờn, oán trách. Còn Tâm Từ, cái khuôn mặt tròn trịa, mũm mỉm ấy không còn nhăn nhó, cau có nữa, chú thấy thương thương các anh mình quá. Giọng Thầy vẫn vang lên trầm ấm:
– Muốn một buổi làm mới thành công, tâm các con phải lắng dịu và khao khát thay đổi tình trạng. Sau đó ta tiến hành ba bước: trước tiên, các con nên tìm ra những cái hay, điểm dễ thương của người kia. Chẳng hạn như: Tâm An thấy được Tâm Chánh hiền lành, biết lắng nghe người khác, điều đó đã nuôi dưỡng Tâm An. Các con nói bằng sự thật lòng của mình. Tiếp theo, các con tự nhận ra những lỡ lầm của mình. Mình đã cư xử thiếu chánh niệm, không dễ thương với người kia đã làm cho anh em mình buồn. Tự hứa với lòng, hứa với người kia mình sẽ thực tập lại cho đàng hoàng hơn. Cuối cùng, các con nói lên niềm đau của mình khi nhận được cách tiếp xử, thái độ của người kia. Tự thấy sự thực tập của mình còn yếu kém, xin người kia đừng nên lặp lại như vậy để yểm trợ, nâng đỡ cho sự thực tập của mình.
Thầy ngừng lại nhìn ba chú mỉm cười hiền từ. Thầy biết các con còn giận Thầy, còn nhiều điều uất ức trong lòng chưa nói ra được. Thầy từ tốn nói tiếp:
– Thôi, các con có thể đi chơi, các con suy nghiệm cho kỹ xem mình đã muốn thoát ra sự ngột ngạt khó chịu trong lòng hay không? Tối nay, Thầy trò ta sẽ có một buổi làm mới nhé.
Ba chú cúi đầu vâng dạ rồi lẳng lặng đi ra. Trong lòng ai cũng nhẹ vơi đi bớt phần nào rồi. Tâm An lén nhìn Tâm Chánh chú cảm thấy thương anh nhiều hơn nhưng không biết nói gì đây, bởi trong chú cũng còn có nhiều điều rối rắm lộn xộn.
Tâm Từ dường như hết giận Tâm An rồi, chú nở được nụ cười ngượng ngiụ với Tâm An. Tâm An thở phào nhẹ nhỗm, chú bắt chuyện liền:
– Anh Tâm Từ ! Ra đây em nói cái này nè.
Tâm Từ đứng lại, hai chú rẽ ra sau lối đi. Tâm An nói:
– Giờ mình vô xin lỗi anh Tâm Chánh đi.
– Anh sợ anh ấy còn giận anh em mình.
– Nhưng cứ để ảnh buồn như vậy em thấy khó chịu quá. Hay là mình làm như cách của Thầy dạy đi – Tâm An nói.
Tâm Từ bàn vào:
– Giờ mà làm liền thì nó quê quê sao ấy. Mình viết thư nghe. Mình sẽ xếp lá thư thành con hạc thật đẹp gởi tặng anh ấy.
– Được đó, mình làm liền nghe. Bí mật đừng để cho anh ấy biết. Vậy giờ em vô phòng lấy giấy bút nghen. Chờ em ở gốc cây ngoài vườn nhé. Tâm An hớn hở nói xong chú đi nhanh về phòng lấy giấy bút. Trong lòng vui vẻ, khuôn mặt chú sáng lên, trên môi mỉm một nụ cười tươi.
Dưới gốc cây, hai chú lom khom xếp chim và suy nghĩ, tìm kiếm những lời nói dễ thương gởi tặng Tâm Chánh. Càng nói, các chú càng thấy anh mình đáng yêu lắm, có quá nhiều điều đẹp mà mình không chịu thấy, cứ để cho cơn giận, những cảm xúc ồ ạt trồi lên phủ lấp đi những điểm đáng yêu của anh mình. Làm xong, hai chú cảm thấy lòng mình tươi vui trở lại, tâm hồn sáng lên như vừa được tắm gội sạch những bụi bặm mấy ngày qua. Các chú tâm đắc: đúng là “Làm Mới”, chỉ có như vậy thôi mà làm mới được con người mình và cả người mình thương.
Về đến phòng, hai chú thấy Tâm Chánh ngồi yên trên bàn, suy tư dữ lắm. Cả hai nhè nhẹ đặt lên bàn món quà mình vừa làm và nở một nụ cười thân thiện. Hai chú không mong chờ sự đáp lại của Tâm Chánh. Nhưng kỳ diệu thay! Tâm Chánh đã nở được nụ cười với các chú. Bức màn vô hình lạnh giá đã được vén lên. Không nói gì cả, nhưng cả ba đều cảm thấy ấm áp trong lòng. Tâm An hạnh phúc lắm, chú mở lời trước:
– Anh mở ra xem đi, của anh Tâm Từ và em làm đó.
Tâm Chánh xúc động cầm món quà trong tay và nói:
– Anh xin lỗi hai em, đã làm hai em buồn.
– Không sao đâu, chúng em cũng xin lỗi anh mà. Mở ra xem rồi anh sẽ biết, nhưng đừng cười chúng em nghe. Thôi chúng em ra vườn trước, đọc xong, nếu anh thích chơi thì ra chơi với chúng em cho vui. Tâm Từ rủ.
– Ừ, anh sẽ ra
– Đi thôi Tâm An, mình đứng đó thấy anh ấy đọc những gì mình viết mắc cỡ lắm.
Cả hai chạy ù ra khỏi phòng, phóng ra sau vườn, leo lên cây ổi, hái trái nhai ngấu nghiến.
– Không ngờ anh Tâm Chánh hết giận mình rồi nhỉ? Nhưng chắc còn giận Thầy. Em thấy nếu Thầy cho ba anh em cùng quì hương thì đâu có gì phải giận. Em thấy Thầy khó hiểu quá. Mà không biết Thầy có giận, có buồn mình không? Tâm An hỏi.
– Chắc là có rồi, nếu không thì Thầy đâu có bắt anh Tâm Chánh quì hương.
– Bây giờ em thấy Thầy không còn hiểu con nít nữa, Thầy cũng như những người lớn, khó hiểu.
Thời gian cứ trôi qua vun vút. Tối đó, các chú mặc áo tràng, lên thiền đường ngồi chờ Thầy đến. Các chú đã chuẩn bị một lọ hoa nhỏ xinh xinh để giữa, bốn cái toạ cụ xếp thành vòng tròn, mùi hương trầm thoang thoảng bay tạo nên một bầu không khí ấm áp, nhẹ nhàng, sâu lắng.
Thầy đến, cả ba đứng dậy chào Thầy, rồi ngồi xuống bồ đoàn của mình. Thầy nhìn quanh ba chú rồi mỉm cười. Thầy thầm nghĩ: “trẻ con mau đi qua cơn buồn, giận, làm trẻ con cũng sướng thật!”. Thầy im lặng một lát, rồi nâng dùi chuông thỉnh ba tiếng chuông khoan thai. Các chú im lặng ngồi ngay ngắn theo dõi hơi thở. Khi tiếng chuông chấm dứt. Thầy mới cất tiếng:
– Các con! Hôm nay, Thầy trò mình có một buổi thực tập làm mới. Đây là cơ hội để thầy trò, anh em hiểu nhau hơn, có thể cảm thông, tha thứ những lỗi lầm của nhau; có thể tái lập lại truyền thông với nhau. Do đó, hôm nay thầy trò ta có dịp tâm sự bày tỏ nỗi lòng của mình, những hành xử của mọi người đã tạo cho mình nỗi khổ, niềm đau và nhận ra được những tri giác sai lầm về nhau. Các con đừng e ngại nói ra những cảm nghĩ của mình, nhưng các con nên tập nói có chánh ngữ, hoà ái, có tâm ý xây dựng, hoà giải mà đừng nên buông ra những lời buộc tội, phê phán, chỉ trích. Thầy mời các con nghe tiếng chuông thở ba hơi, nếu ai muốn làm mới thì chắp tay xá xuống, đi lên thỉnh bình hoa về chỗ ngồi và bắt đầu chia sẻ như lúc sáng thầy đã chỉ cho các con.
Tiếng chông ngân trong đêm như một sợi dây dài xâu mọi người lại với nhau, cùng lắng nghe, cùng thở một nhịp. Tiếng chuông đã bay xa vào không gian bao la mà bốn thầy trò vẫn im lặng bình an trong hơi thở. Tâm Chánh cảm thấy trong lòng có một sự thôi thúc muốn chia sẻ, chú xá xuống, rồi đứng dậy, chậm rãi bước đến lọ hoa, xá chào rồi mang bình hoa về chỗ ngồi của mình. Mỗi cử động, mỗi bước chân của chú đều trở thành điểm chú ý của mọi người, nên chú rất chánh niệm, đặt lọ hoa thật nhẹ nhàng để tránh gây ra tiếng động. Chú cảm thấy giây phút này thiêng liêng làm sao ấy, mỗi cử chỉ của chú tự nhiên trở nên tôn kính lạ thường, những hành động bình thường như xá chào, nâng bình hoa, ngồi xuống lại trở thành một nghi lễ thật đẹp. Với năng lượng chung như vậy chú tự ý thức rằng mình phải biết ăn nói sao cho phải phép. Chú im lặng một lúc rồi chắp tay thưa:
– Con kính bạch Thầy, kính thưa hai em. Từ trước đến nay con rất hạnh phúc khi sống nơi này, con biết Thầy thương và chăm sóc chúng con, con cũng được hai em thương yêu, giúp đỡ. Con biết sự thực tập của con còn nhiều yếu kém, nên hai ngày qua con đã đau khổ, buồn tủi, giận hờn, có những hành động không dễ thương với hai em, đã làm hai em buồn, và cũng bị tổn thương nữa. Con xin lỗi hai em. Con xin hứa với Thầy và hai em con sẽ cố gắng thực tập hơn.
Nói đến đây, chú Tâm Chánh cảm thấy mình đủ can đảm, đủ mạnh dạn chia sẻ nỗi khổ tâm của mình cho Thầy nghe. Chú ngẩng lên nhìn Thầy rồi cúi xuống nói tiếp:
– Thưa Thầy! Hai ngày vừa qua con cũng có những suy nghĩ, giận hờn với Thầy. Con đã tủi thân vì nghĩ rằng, Thầy thương hai em hơn con. Con đã thầm trách Thầy không công bằng chút nào. Con biết làm như vậy không tốt nhưng con không thể làm lắng dịu được những buồn tủi, hờn trách đó. Con xin sám hối với Thầy. Con hứa con sẽ không nghĩ như vậy nữa.
Thầy nhìn Tâm Chánh mỉm cười. Không khí trở nên yên tĩnh. Tâm Từ khèo Tâm Chánh mượn lọ hoa, Tâm Chánh đưa cho chú, Tâm Từ xá xuống, kính cẩn nâng lọ hoa để xuống trước mặt, rồi chắp tay thưa:
– Con kính bạch Thầy, kính thưa anh Tâm Chánh và em Tâm An. Con cảm thấy mình cũng có lỗi đã giận anh Tâm Chánh, lúc đó em đã nghĩ: “con người anh sao mà cộc cằn, khó chịu quá, tự nhiên trút giận lên đầu hai em chứ”. Thật ra lúc ấy, em cũng buồn lắm, cũng đau khổ như anh. Em chỉ mong sao lần sau anh giận hai em thì đừng làm thinh như vậy, đừng tự dày vò đau khổ. Anh đâu có biết anh như vậy tụi em cũng đâu có vui. Anh thương hai em lắm mà, anh đừng làm hai em buồn nữa nghe anh Tâm Chánh.
Tâm Chánh gật đầu mỉm cười thật tươi với chú. Tâm Từ nói tiếp:
– Con cũng xin sám hối với Thầy, chúng con biết mình có lỗi ham chơi không nghe lời Thầy dạy, nhưng trong con lúc đó cứ trách Thầy sao lại chỉ phạt mình anh Tâm Chánh tạo ra sự chia rẽ trong anh em. Con chỉ cảm thấy tại Thầy mà anh em con giận nhau, lúc đó con cũng giận Thầy luôn, không thương Thầy nữa. Con biết một người đệ tử không nên giận Thầy, trách Thầy mình, như vậy là không phải một người đệ tử ngoan. Con xin sám hối mong Thầy hoan hỷ bỏ qua cho chúng con.
Nói xong chú xá xuống rồi trao luôn lọ hoa cho Tâm An, Tâm An liền đỡ lấy. Chú xá xuống và ấp úng thưa:
– Con kính bạch Thầy, kính thưa hai anh. Thật ra, chúng con đã hết giận nhau hồi chiều rồi, chúng con đã xin lỗi nhau. Nhưng con chưa sám hối với Thầy, con cũng nghĩ Thầy không còn hiểu con nít nữa, Thầy cũng khó hiểu như người lớn, Thầy chẳng biết đến tâm trạng con nít của chúng con. Con chỉ xin Thầy lần sau nếu có phạt thì phạt ba anh em, như thế thì chúng con không thấy khó chịu như hôm trước. Thầy phạt anh Tâm Chánh mà con và anh Tâm Từ đau buồn, áy náy bứt rứt lắm. Có lẽ chúng con còn nhỏ chưa hiểu nhiều nên đã có những hiểu lầm, hờn trách Thầy, xin Thầy bỏ qua cho chúng con.
Nói xong, chú xá chào mang bình hoa về lại chỗ cũ, rồi từ từ trở về chỗ ngồi. Thầy im lặng thỉnh một tiếng chuông để mọi người cùng trở về theo dõi hơi thở. Tiếng chuông dứt, Thầy đứng dậy đến bình hoa, xá chào rồi mang về chỗ ngồi. Thầy chắp tay lên, chậm rãi nói:
– Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni
Con kính bạch Sư Ông !
Thầy thương các con, Thầy rất là hạnh phúc khi sống chung với các con. Hai ngày qua, thầy thấy được tình cảm của các con dành cho nhau. Thầy cũng biết các con buồn, các con giận thầy nhiều lắm. Thầy xin lỗi các con, đã làm các con không vui khi chỉ phạt một mình Tâm Chánh. Nhưng qua lần này, Thầy chỉ muốn các con có một kinh nghiệm thực tế rằng, chỉ cần một người gây lầm lỗi thì ảnh hưởng chung đến những người khác. Khi Tâm Chánh buồn, bị phạt thì các con cũng cảm thấy như chính mình bị phạt dưới một hình thức khác mà thôi. Các con đã có một kinh nghiệm là chúng ta có trong nhau. Để thấy rằng mình phải cẩn trọng hơn trong suy nghĩ, lời nói, hành động của mình, nếu mình lầm lỡ thì những người thương của mình phải gánh chịu. Mình phải có trách nhiệm với những gì mình đã làm. Chúng ta thực tập vì chính mình mà cũng là đang thực tập cho những người mình thương. Thầy rất hạnh phúc khi thấy các con thương nhau thật sự, đều muốn chia sẻ những vui buồn cho nhau một cách thật lòng. Các con đã biết trân quý tình huynh đệ, tình anh em. Cuộc đời của người tu được nuôi dưỡng, nâng đỡ từ anh em, bạn hữu các con ạ. Có tình anh em như vậy thì chúng ta mới có thể nắm tay nhau mà vượt qua những khó khăn trên con đường tu tập. Sự thành công của một người tu là xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp đó. Một người tu mà không được nuôi dưỡng bởi tình huynh đệ thì người ấy dần dần sẽ trở nên cô đơn, yếu đuối và có thể bỏ cuộc giữa đường. Thầy thấy được tình anh em ở các con, thầy rất mừng. Thầy muốn cho các con có được kinh nghiệm quý báu đó nên Thầy chấp nhận để các con trách, hờn, giận Thầy. Giờ các con còn giận Thầy nữa không?
Cả ba nhoẻn miệng cười, lắc đầu rồi cùng xá xuống thưa:
– Dạ thưa không ạ!
Thầy quay sang nhìn Tâm Chánh rồi nói:
– Tâm Chánh con! Thầy biết con sẽ trách thầy không công bằng, không thương con. Con biết không, nhìn con đau khổ, quay cuồng với những suy nghĩ tràn dâng trong đầu mà không thể dừng được. Thầy rất muốn giúp con lúc đó biết cách nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau của mình. Thầy biết quá khó đối với một đứa trẻ mới mười bốn mười lăm tuổi như con. Nhưng thầy luôn hy vọng con sẽ biết cách áp dụng những lời dạy của thầy mà chuyển hoá những hạt giống buồn tủi trong con. Tuy rằng hai ngày qua con đã buồn tủi nhưng con biết không, thầy muốn cho con biết cách làm một người anh. Nghệ thuật làm người anh khó lắm con, mình phải biết hy sinh, biết cách đón nhận và gánh chịu những đòi hỏi, những lỡ lầm, vụng về của các em. Mình phải biết bao dung và tha thứ. Làm người anh tốt là người đứng dưới làm bàn đạp cho em mình đi lên. Là người đi trước khai thông con đường cho các em mình dễ dàng vượt qua. Và luôn hạnh phúc khi thấy các em thành công, thực tập ngày càng tươi mát và vững chãi. Con phải thấy rằng, các em có lỗi lầm là một phần do chính người anh gây ra, làm một người anh mà không biết làm gương cho các em, không biết dạy em, ngăn chặn những hành vi không tốt của các em, để các em hư là lỗi của mình.
Thầy ngừng lại, Tâm Chánh cảm thấy mỗi lời của Thầy như thấm sâu vào trái tim nhỏ bé của mình. Chú ân hận, đã không hiểu Thầy, trách Thầy không công bằng thiên vị các em. Nhưng bài học này sao mà khó quá, làm Tâm Chánh buồn tủi mất hai ngày hai đêm, phải chịu đựng bao nhiêu tâm hành tiêu cực. Tâm Chánh cảm thấy hổ thẹn trước cách hành xử của mình, không xứng đáng làm một người anh tốt của các em.
Thầy quay sang nhìn Tâm Từ và Tâm An rồi nói:
– Các con à! Làm một người em cũng khó lắm. Mình cũng phải có trách nhiệm với các hành vi của mình. Đừng nghĩ rằng đã có anh mình đỡ đầu, che chở thì muốn làm gì cũng được. Nếu anh mình đau khổ thì mình đâu có vui vẻ gì phải không các con?
– Dạ phải ạ!
Thầy mỉm cười rồi tiếp tục:
– Đức hạnh một người em cần có là khả năng biết lắng nghe, tôn kính anh mình. Làm một người em giỏi cũng cần rất nhiều sự thực tập. Tóm lại, làm anh hay làm em cũng chỉ là điều kiện cho mình thực tập mà thôi. Nếu các con thực tập tốt chánh ngữ và lắng nghe, ngày càng rèn luyện những điều được dạy trong “bước tới thảnh thơi” thì các con sẽ là một người anh giỏi, một người em ngoan. Thầy cảm ơn các con đã thành thật chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình, các con đã làm cho buổi thực tập làm mới này thành công. Thầy trò ta có thể hiểu nhau, những nội kết, tri giác sai lầm đã được hoá giải, các con đã buông bỏ nỗi buồn đeo mang hai ngày qua để tiếp tục hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp này. Để kết thúc buổi làm mới, Thầy xin thỉnh ba tiếng chuông, các con quay về để thấy rõ mỗi giây phút là hạnh phúc.
Những tiếng chuông ngân dài trong đêm làm cho tâm hồn ba chú lắng dịu, bình an đến lạ. Qua rồi những cơn bão lòng, bầu trời trở lại trong xanh như vốn dĩ của nó. Cả ba xá chào Thầy, lạy Bụt rồi nhìn nhau mỉm cười, cùng bước về phòng trong niềm vui lâng lâng khó tả.