NHẸ HƠN, ÍT HƠN
Matthieu Ricard | Cao Huy Hóa Dịch
Tất cả chúng ta đều cần có mái nhà trên đầu và vừa đủ thực phẩm và tiện nghi để sống với sức khỏe tốt. Chúng ta còn làm những gì cần thiết để giúp đỡ mọi người trên trái đất, vô số người, hiện đang thiếu thốn những thứ nói trên. Giảm thiểu những bất bình đẳng và nghèo nàn trên thế giới là một bổn phận thiết yếu.
Bằng lòng với sự đơn giản là điều cần thiết để giải thoát khỏi những thứ thừa thãi. Tôi nhận thức rằng điều đó là dễ hơn đối với tôi. Tôi giữ lời nguyện của người tu hành và không sở hữu nhà, đất, xe. Tôi đã chọn một lối sống khả dĩ cho tôi đi xa nửa vòng trái đất, chỉ một lời báo trước đơn giản, mà không né tránh trách nhiệm đối với gia đình và đối với những người đồng nghiệp. Tôi có thể làm điều đó mà không xem nhẹ ai. Khái niệm về sự thiếu thốn là rất tương đối.
Trong 13 năm, tôi ngủ trên sàn phòng ngủ của thầy tôi, Dilgo Khyentse Rinpoche, bất cứ đâu thầy ở trên thế giới này. Buổi sáng, tôi xếp túi ngủ và đút vào bao cùng với bàn chải đánh răng, khăn, và một ít dụng cụ cá nhân. Sau khi thầy mất năm 1991, tôi ngủ ở phòng ngoài của ngài trên một tấm thảm. Buổi sáng, tôi xếp gọn gàng mọi thứ vào một góc nhỏ. Sau ba năm ở như thế, có người bảo, “Sư có thích một căn phòng không?”. Tôi nhận lời, và căn phòng khá xinh. Nhưng không có lúc nào tôi xem nơi ở trước là thiếu thốn. Hoàn toàn ngược lại, điều trước tiên đối với tôi là niềm vui may mắn lạ kỳ do tôi được sống gần Dilgo Khyentse Rinpoche, được lợi lạc từ sự hiện diện của ngài và nhận được lời chỉ dạy.
Ngày nay tôi vẫn dùng túi ngủ như thế. Thực sự không có lý do gì để tôi bị ràng buộc quyến luyến với túi ngủ đó - nay đã bị sờn lông - nhưng tôi thấy không có lý do gì để thay nó chừng nào nó vẫn giữ ấm cho tôi trong mùa đông.
Sự ràng buộc làm phức tạp đời sống. Một ngày nọ, vào cuối một hội nghị, khi tôi đang ký tên vào sách, tôi nhận ra mình đang cầm cây viết máy Montblanc của ai đó trên tay. Tôi nhìn quanh. Không có ai đòi cây viết, cho nên tôi giữ nó. Vấn đề là, tôi dễ quên viết. Với viết bi, đó không phải là vấn đề gì, nhưng với cây viết Montblanc này, vốn không phải là cây viết thông thường, thì thật là đáng tiếc nếu để mất nó. Kể từ đó, cây viết để yên trong ngăn kéo và tôi không bao giờ dùng nó. Tốt hơn là nên cho. Nhưng đó có phải là điều tốt để cho đi một cây viết máy đại diện cho giá trị 5% của cây viết và giá trị 95% của sự ràng buộc vô nghĩa?
Đó không phải là đồ vật, người, hay hiện tượng tự nó đặt thành vấn đề, mà là sự ràng buộc chúng ta kết với nó. Một đạo sư Phật giáo người Ấn Độ nói, “Đó không phải do tự thân bề ngoài làm nô lệ bạn, mà là sự ràng buộc của bạn với bề ngoài”. Có một câu chuyện kể về một nhà sư quá gắn bó với cái bát khất thực đến nỗi nhà sư tái sinh thành một con rắn cuộn mình trong cái bát đó và khiến không ai đến gần. Vì vậy, gỡ bỏ đi không phải là vấn đề của giàu sang hay quyền lực, mà đúng hơn đó là vấn đề chúng ta bám chặt vào mọi thứ vô cùng mạnh mẽ.
Điều đó nói lên rằng cùng với mọi người, tôi phải chấm dứt việc tích trữ vật dụng. Tôi có một phòng nhỏ, vuông, mỗi bề ba mét, trong tu viện Shechen tại Nepal, và một nơi ẩn cư trong núi, nhỏ hơn. Tại mỗi nơi đó, tôi có một bàn thờ với vài cuốn sách, một ít pho tượng, và ở bên dưới là hai khoảng trống chứa đồ. Và tôi chấm dứt việc để đồ trong đó nếu quá mức cần thiết. Thế rồi, cứ mỗi năm, tôi lấy hết y phục tôi để trong đó và cho đi những thứ mà tôi đã có hai hay ba cái. Tại nơi làm việc trong tu viện, tôi rất thích quăng bớt những hồ sơ, giấy tờ cũ, và tôi cung cấp cho nhà bếp làm mồi lửa.
Ngày nay, khi mọi người nói về khủng hoảng tài chính ở những nước giàu, điều này thường thường có nghĩa đó là một sự khủng hoảng trên thực tế của sự thừa thãi. Nếu mọi người tự bằng lòng với chỉ những gì cần thiết, chúng ta không bao giờ chịu đựng khủng hoảng như thế. Mới đây ở New York, tôi bắt gặp trên một con đường 500 mét mà có đến hàng trăm người ở đó kiên nhẫn chờ. Tò mò, tôi hỏi một người trong đám đông có chuyện gì thế. Thì ra ở đây bán hàng mẫu quảng cáo, một khăn quàng cổ chính hiệu giá 300 đôla thay vì 500 đô-la.
Trong khi đó, ở Nepal, phụ nữ đứng hàng dài tít tắp trên một con đường để mua vài lít dầu hỏa dùng để nấu bếp cho con. “Khủng hoảng” tài chính rõ ràng có bộ mặt khác nhau trên những nơi khác nhau của thế giới!
Tôi nhớ một câu cách ngôn Tây Tạng, “Tự hài lòng là xem như có một kho tàng trong lòng bàn tay”. Người giàu có đích thực là người không ham muốn những gì thừa. Một người sống giữa xa hoa và cứ ham muốn nhiều hơn sẽ luôn luôn là nghèo. Nếu bạn có ý nghĩ “luôn luôn có nhiều hơn” sẽ dẫn bạn đến sự toại nguyện, thì bạn tự lừa dối mình. Đó cũng giống như nghĩ rằng bằng cách uống nước muối nhiều hơn, đến một lúc nào đó bạn sẽ không bao giờ khát nữa.
Ở Tây Tạng, người ta bảo rằng một vị ẩn tu đích thực khi lìa trần chỉ để lại những dấu chân. Trong những xã hội tiêu thụ, con người tích trữ, tích trữ, và luôn luôn muốn ôm lấy mọi thứ về mình. Mẹ tôi bảo rằng nền văn minh của chúng ta là hướng tâm (centripetal) bởi vì chúng ta luôn luôn kéo mọi thứ về chúng ta. Nhiều vùng của châu Á vẫn còn truyền thống lưu giữ nhiều ví dụ về văn minh ly tâm (centrifugal), trong đó mọi người chia sẻ với nhau.
Tôi có biết một vị sư nữ khi nhận được một món quà, đã nói, “Xin cảm ơn. Tôi có thể làm được nhiều quà và tặng cho người nghèo!”.
Nguyên tác: Living Lighter with Less”, Matthieu Ricard, (trích trong tác phẩm: “In search of Wisdom” (Đi tìm Tuệ giác) của các tác giả Matthieu Ricard, Christophe Andre, và Alexandre Jollien, Nxb Sounds True, tháng Sáu 2018.
Nguồn: Tạp chí Tricycle số ra ngày 30/5/2018.
Tác giả: Matthieu Ricard nguyên là một nhà khoa học, đã đạt học vị tiến sĩ về Sinh học Phân tử tại Viện Pasteur (Paris, Pháp) trước khi đi tu theo Phật giáo. Ông đồng thời cũng là nhà nhiếp ảnh, nhà phiên dịch, đã sống tại vùng núi Himalaya ba mươi năm, và ngày nay thường trú tại tu viện Shechen, Nepal.
Matthieu Ricard - Cao Huy Hóa | Văn Hóa Phật Giáo số 309 15-11-2018