Đoạn Tận Lậu Hoặc Lập Tức

17/02/20199:55 SA(Xem: 12511)
Đoạn Tận Lậu Hoặc Lập Tức

ĐOẠN TẬN LẬU HOẶC LẬP TỨC
Nguyên Giác

 

hoa_sen_lotus_flowerLàm thế nào để các lậu hoặc đoạn tận lập tức? Nghĩa là, không cần trải qua thời gian. Cũng không cần tu Tứ niệm xứ hay Tứ thiền bát định. Nghĩa là, tức khắc giải thoát, không chờ tới chuyện phải tìm một gốc cây để ngồi.

Một lần, câu hỏi đó được Đức Phật trả lời. Đó là Kinh SN 22.81.

Câu trả lời Đức Phật đưa ra là phải thấy các pháp là “vô thường, hữu vi, do duyên sanh” – và ý này Đức Phật lập lại trong Kinh tới 20 lần, và nhóm chữ “lậu hoặc được đoạn tận lập tức” được Đức Phật lập lại trong Kinh tới 12 lần.

Trước khi Đức Phật dạy pháp đoạn tận tức khắc này, Đức Phật nói rằng Ngài đã dạy nhiều pháp trước đó, như Tứ niệm xứ, và nhiều pháp khác, mà nhiều vị tăng không đoạn tận lậu hoặc được. Bây giờ trong cơ duyên này, Đức Phật dạy pháp cắt đứt gốc rễ lậu hoặc tức khắc.

Kinh này, trích bản dịch của HT Thích Minh Châu như sau:

Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: “Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”

Thế Tôn với tâm của mình biết được suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo:

—Này các Tỷ-kheo, pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn niệm xứ đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn chánh cần đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn như ý túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm căn đã được giải thích, thuyết giảng. Năm lực đã được giải thích, thuyết giảng. Bảy bồ-đề phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh đạo Tám ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp được Ta giải thích, thuyết giảng.

Dầu cho, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỷ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: “Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?”

Này các Tỷ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Đối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy … xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.” (ngưng trích) (1)

Bản Kinh SN 22.81 còn dài, nhưng nơi đây, chúng ta lấy ý chính là:

Bản của HT Thích Minh Châu:

Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy … xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.”

Bản dịch Bodhi là:

Thus, bhikkhus, that formation is impermanent, conditioned, dependently arisen; that craving is impermanent, conditioned, dependently arisen… that ignorance is impermanent, conditioned, dependently arisen. When one knows and sees thus, bhikkhus, the immediate destruction of the taints occurs.” (1)

Tới đây, chúng ta phân tích về cách để nhìn thấy các pháp là vô thường, hữu vi, do duyên sanh.

Công thức có thể nhận ra ở Kinh SN 22.81 là Đức Phật nói về Ba cửa vào giải thoát: Vô tướng, Vô tác, Không.

Thấy các pháp vô thường, các pháp biến đổi và chảy xiết không ngừng => sẽ ngộ được thực tướng giải thoátvô tướng.

Thấy các pháp là hữu vi, là do tạo tác mà nên => sẽ ngộ được thực tướng giải thoát là không hề được tạo tác.   

Thấy các pháp do duyên sanh => sẽ ngộ được thực tướng giải thoát là rỗng rang, là không tướng.

Nghĩa là, ba đặc tính trên là ba giải thoát môn: Không, Vô tướng, Vô tác. Khi tâm ngộ nhập được, sẽ tức khắc đoạn tận lậu hoặc.

Có cách nào ngộ nhập “Không, Vô tướng, Vô tác” hay không?

Xin trả lời là có. Pháp của Đức Phật tu một ngày là an lạc một ngày, tu một giờ là an lạc một giờ, và theo Kinh SN 22.81, hễ biết và thấy ba đặc tướng như thế, là đoạn tận lậu hoặc tức khắc. Đây là Thiền đốn ngộ.

***

Trước tiên, nói về cách ngộ nhập Không Tướng. Tới đây, chúng ta dẫn ra Kinh SN 22.95.

Khi đọc kỹ Kinh SN 22.95, chúng ta sẽ thấy phương pháp nhìn này y hệt như pháp Tham Thoại Đầu của các vị thầy Tổ Sư Thiền nhiều thế kỷ sau (khi chú tâm nhìn vào chỗ khi niệm chưa sinh, sẽ thấy niệm khởi là tức khắc diệt, là sẽ nhận ra cái Không Tướng Rỗng Rang của tâm và của tâm hành).

Trong Kinh SN 22.95, Đức Phật dạy cách nhìn thấy “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” đều là rỗng rang, là không tướng.

Trích bản dịch của HT Thích Minh Châu, cách nhìn này được Đức Phật lập đi, lập lại nhiều lần:

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?” (2)

Rồi Đức Phật thay chữ sắc trong đoạn trên với thọ, tưởng, hành, thức… Ghi nhận rằng, chữ sắc trong đoạn trên là nghĩa bao gồm sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, tức là “cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được chạm xúc, cái được tư lường suy niệm.” Tất cả đều rỗng không. 

Theo phương pháp nhìn của Kinh SN 22.95 là sẽ đoạn tận lậu hoặc tức khắc (theo Kinh SN 22.81). Cách nhìn như thế cũng là nhìn của Tham Thoại Đầu.

***

Tới đây, chúng ta dò tìm bản kinh khác, khi Đức Phật dạy về pháp tu Vô tác.

Kinh đầu tiên thường gặp về pháp Vô tác là Kinh Bahiya (Ud 1.10).

Trích lời Đức Phật dạy trong Kinh Bahiya như sau:

Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.

“Khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy… [nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.” (3)

Bản dịch Thanissaro trích như sau:

Then, Bāhiya, you should train yourself thus: In reference to the seen, there will be only the seen. In reference to the heard, only the heard. In reference to the sensed, only the sensed. In reference to the cognized, only the cognized. That is how you should train yourself. When for you there will be only the seen in reference to the seen, only the heard in reference to the heard, only the sensed in reference to the sensed, only the cognized in reference to the cognized, then, Bāhiya, there is no you in connection with that. When there is no you in connection with that, there is no you there. When there is no you there, you are neither here nor yonder nor between the two. This, just this, is the end of stress." (3)

Kinh thứ nhì có thể thấy về Vô tác là Kinh SN 12.40:

Nhưng, chư tăng, khi một người không khởi ý định, không lập kế hoạch, và không có ý hướng về bất cứ gì, tất sẽ không có sở duyên cho thức an trú. Khi không có sở duyên, sẽ không có chỗ an trú cho thức. Khi thức không an trú, và [thức] không  tăng trưởng, sẽ không có nghiêng về [bất kỳ pháp nào]. Khi không có nghiêng về, sẽ không có tới và không có đi. Khi không có tới và không có đi, sẽ không có chết và không có tái sanh. Khi không có chết và không tái sanh, tất cả những tương lai sanh, già chết, sầu não, than khóc, đau đớn, bất như ýtuyệt vọng đều kết thúc. Như thế là tịch diệt toàn bộ khối đau khổ này.” (4)

Bản dịch Kinh SN 12.40 của ngài Bodhi, trích:

“But, bhikkhus, when one does not intend, and one does not plan, and one does not have a tendency towards anything, no basis exists for the maintenance of consciousness. When there is no basis, there is no support for the establishing of consciousness. When consciousness is unestablished and does not come to growth, there is no inclination. When there is no inclination, there is no coming and going. When there is no coming and going, there is no passing away and being reborn. When there is no passing away and being reborn, future birth, aging-and-death, sorrow, lamentation, pain, displeasure, and despair cease. Such is the cessation of this whole mass of suffering.” (4)

***

Cửa giải thoát thứ ba là nhận ra Vô thường. Có cách nào quán Vô thường để tức khắc xa lìa lậu hoặc?

Nơi đây, xin phép trích lại một đoạn trong bài “Đức Phật Dạy Pháp Niết Bàn Tức Khắc” như sau về quán Vô thường:

Như thế nào để quán vô thường? Có thể cảm thọ vô thường qua các chuyển biến thân tâm như sau. Khi bạn từ ngoài nắng bước vào nhà, sẽ cảm thọ, nhận ra thân tâm chuyển biến. Tương tự, khi bạn từ trong nhà bước ra nắng. sẽ cảm thọ thân tâm chuyển biến. Bạn nhấp ngụm nước, sẽ cảm thọ chuyển biến khi nước lan vào người. Khi bạn ngồi thở, sẽ cảm thọ thân tâm chuyển biến theo từng hơi thở. Từng khoảnh khắc tới rồi biến mất tức khắc, đó là cơn gió vô thường trôi chảy nơi thân tâm bạn. Khi cảm thọ vô thường, bạn không níu được cái đã qua, cả ba thời quá-hiện-vị lai đều biến mất trên thân tâm bạn. Từng khoảnh khắc hãy thọ nhận vô thường trôi chảy trên thân tâm. Đó là kinh vô tự, vì chữ nghĩa là cái của quá khứ, mà bạn đã quăng bỏ quá khứ rồi.  Khi cảm thọ vô thường, bạn đang sống với cái Tâm Không Biết, với Cái Chưa Từng Biết, với cái The Unknown. Cảm thọ vô thường trên thân tâm hiện tiền như thế, Tổ Sư Thiền còn gọi là “không một pháp trao cho người.” Vì hễ nói có pháp nào để an tâm, đều là chữ nghĩa của quá khứ. Cũng gọi là Vô Tâm, vì hễ khởi tâm gì cũng là mất liền cái cảm thọ vô thường hiện tiền. Còn gọi là Vô Ngôn, vì hễ mở lời cũng là chuyện của quá khứ. Đức Phật nơi đây gọi cảm thọ dòng chảy vô thườngan trú vô ngã, là an trú Niết Bàn ở đây và bây giờ, tiếng Anh còn gọi là Nibbana here and now.” (5)

.

Về cách nhìn khoảnh khắc, nhà sư Nguyễn Thế Đăng, trong bài “Mùa Xuân của Hiện Tại” đã viết cực kỳ tinh vi, trích:

Trong khoảnh khắc đó không có tư tưởng, không có nhớ về, không có đã, sẽ và đang. Vì một tư tưởng kéo dài qua nhiều khoảnh khắc nên trong một khoảnh khắc thì không có chỗ cho một tư tưởng, một hình ảnh nào cả. Khoảnh khắc là vô niệm, không có tư tưởng, không phân biệt đây kia, không có hôm qua ngày mai.” (6)

Chính đó là cái khoảnh khắc Đức Phật gọi là khi: các lậu hoặc đoạn tận lập tức.

 

THAM KHẢO:

 

(1).  SN 22.81: Bản dịch của HT Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/sn22.81/vi/minh_chau

SN 22.81: Bản dịch Bodhi: https://suttacentral.net/sn22.81/en/bodhi

SN 22.81: Bản dịch Thanissaro: https://www.dhammatalks.org/suttas/SN/SN22_81.html

(2).  SN 22.95: Bản dịch của HT Thích Minh Châu: https://suttacentral.net/sn22.95/vi/minh_chau

(3)-- Kinh Bahiya – Ud 1.10, bản dịch Nguyên Giác: https://thuvienhoasen.org/a14273/bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta

Kinh Ud 1.10: bản dịch Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.1.10.than.html

(4). Giải thích về Kinh SN 12.40 (Nguyên Giác: Không một pháp để làm): https://thuvienhoasen.org/a27970/khong-mot-phap-de-lam

(5) Đức Phật Dạy Pháp Niết Bàn Tức Khắc: https://thuvienhoasen.org/a31299/duc-phat-day-phap-niet-ban-tuc-khac

 (6) Nguyễn Thế Đăng, Mùa Xuân của Hiện Tại: https://thuvienhoasen.org/a31384/mua-xuan-cua-hien-tai
Tạo bài viết
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.
Chỉ vài ngày nữa, là Ngày Bầu Cử của Hoa Kỳ. Cử tri Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 11/2024 sẽ bầu phiếu để chọn lên một tân Tổng Thống, từ hai ứng cử viên của hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ với hai chính sách dị biệt nhau. Lựa chọn này có thể sẽ định hình những chuyển biến tương lai cho cả thế giới khi cách nhìn của hai ứng cử viên, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã lộ rõ trái nghịch nhau hoàn toàn về cuộc chiến ở Ukraine, trái nghịch nhau một phần về cuộc chiến Trung Đông, xung khắc nhau về cách kềm chế Trung Quốc, và về cam kết ở Biển Đông.