XUÂN VỀ NGUYỆN ƯỚC ĐẠO ĐỜI VIÊN THÔNG
Tâm Trí
Giáo sư, chuyên gia Phật học Rhys Davids cho rằng đạo Phật sở hữu hai lý tưởng lớn có thể được vận dụng để làm lợi lạc cho cuộc đời. Thứ nhất là lý tưởng xuất gia tu tập trở thành bậc Giác ngộ, vén lui màn vô minh che đời. Thứ hai là lý tưởng tại gia phấn đấu làm vị Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, đem lại thái bình phồn vinh cho xứ sở.
Trong lịch sử nhân loại, hai lý tưởng mang đặc tính Phật giáo này từng được thực hiện thành công tại xứ sở Ấn Độ cổ đại. Sự xuất hiện của Đức Phật thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên tiêu biểu cho lý tưởng thứ nhất, và sự đăng quang của vua A Dục (Asoka) thế kỷ thứ ba trước Tây lịch hiện thực hóa lý tưởng thứ hai. Ở mức độ nào đó, hai lý tưởng này cũng đã được vận dụng có hiệu quả ở Việt Nam, dưới thời Lý Trần, nhất là vào thời Trần.
Đáng chú ý là, cả hai lý tưởng đạo và đời này cùng có chung cội nguồn xuất xứ và tôn chỉ thực hiện. Đó là cả hai đều được xây dựng trên Chánh pháp, dùng Chánh pháp làm chỗ y chỉ, tôn trọng và hành xử theo Chánh pháp. Chánh pháp ở đây tức là con đường chân chánh (bát Chánh đạo) của chư Phật quá khứ, do Đức Thích Ca Mâu Ni tái phát hiện1 , có khả năng phát huy giới đức, tâm đức, tuệ đức trong mỗi chúng sinh, hướng chúng sinh đạt đến chân-thiện-mỹ hay giác ngộ. Cả Phật và vua Chuyển luân Thánh vương đều được sinh ra từ Chánh pháp, được thai nghén và nuôi dưỡng lâu đời bởi Chánh pháp, được giác ngộ nhờ Chánh pháp, do đó đều nhất mực tôn kính và hành xử theo Chánh pháp. Phật lấy pháp giác ngộ làm chỗ y chỉ, tôn trọng và hành xử theo pháp giác ngộ2 nên Phật trở thành nơi nương tựa lớn cho mục tiêu giải thoát khổ đau của hết thảy chúng sinh. Vua Chuyển luân Thánh vương cũng lấy pháp giác ngộ làm chỗ y chỉ, tôn trọng và cai trị theo pháp giác ngộ nên dễ dàng thu phục nhân tâm của trăm họ3 . Trong các bài thuyết pháp của mình, Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng do công hạnh tu tập Chánh pháp trong nhiều đời kiếp, đặc biệt là hạnh từ tâm đối với chúng sinh, nên Ngài từng nhiều phen tái sinh làm vua Chuyển luân Thánh vương trước khi trở thành bậc Chánh đẳng giác4 . Như vậy, Phật và vua Chuyển luân Thánh vương tuy hai mà một. Vua Chuyển luân Thánh vương là Phật sẽ thành.
Cũng do lưu xuất và y cứ trên pháp giác ngộ, cả hai lý tưởng này cùng nhắm đến một mục tiêu duy nhất. Đó là phụng sự hạnh phúc an lạc của chúng sinh bằng các biện pháp chân chính hướng thiện. Cả Phật và vua Chuyển luân Thánh vương đều hiểu rất rõ và cảm thông sâu sắc về nỗi khổ của chúng sinh, do đó đều mang tâm nguyện nhập thế giúp cho chúng sinh thoát khổ. Phật dùng kinh nghiệm giác ngộ của mình để khai thị và dẫn dắt chúng sinh đạt đến an vui giải thoát. Vua Chuyển luân Thánh vương y cứ vào pháp giác ngộ của chư Phật để lãnh đạo và xây dựng đất nước đạt đến thái bình thịnh vượng. Xem ra thì hai lý tưởng đạo và đời này tuy hai mà một, đều y cứ trên Chánh pháp và đều lấy hạnh phúc của chúng sinh làm mục tiêu phụng sự. Một bên phụng sự an lạc của chúng sinh bằng con đường hoằng pháp, thiết lập và khuyến khích nếp sống phát triển đạo đức và giải thoát tâm linh cho quần chúng. Một bên kiến tạo hạnh phúc cho chúng sinh bằng biện pháp quản lý và cải tiến thế sự theo đường lối Phật pháp, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định kinh tế và xã hội, phát huy truyền thống văn hóa và đạo đức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Nói đến lý tưởng thứ nhất - xuất gia tu tập trở thành bậc Giác ngộ, vén lui màn vô minh che đời, thì cuộc đời và sự nghiệp thuyết pháp độ sinh của Đức Phật đã là các minh chứng hết sức rõ ràng. Đức Phật là hiện thân trọn vẹn của lý tưởng xuất gia phụng sự hạnh phúc an lạc của chúng sinh bằng con đường hoằng pháp, hướng thiện cho chúng sinh. Kinh văn truyền thống xác nhận rất rõ về lý tưởng độ sinh của Đức Thế Tôn cũng như những lời khuyên chí thiết của Ngài cho các đệ tử về mục tiêu phụng sự chúng sinh bằng cách chia sẻ sự hiểu biết Chánh pháp, làm lợi lạc cho cuộc đời: “Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để người nghe được giác ngộ. Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết-bàn”5 . “Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả trói buộc ở Thiên giới và Nhân giới. Các Thầy cũng đã được giải thoát khỏi tất cả trói buộc ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”6 .
Về lý tưởng thứ hai - tại gia phấn đấu làm vị Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, đem lại thái bình phồn vinh cho xứ sở, các bản kinh truyền thống ghi chép khá rõ ràng và chi tiết: “Vua là vị pháp vương, lấy Chánh pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ, thống trị các quốc độ và đầy đủ bảy món báu. Vị ấy có đầy đủ báy món báu, tức là xa luân báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Vị ấy có hơn một ngàn hoàng tử, dõng kiện, hùng mạnh, nhiếp phục ngoại địch. Vị này trị vì quả đất này cho đến hải biên, dùng Chánh pháp trị nước, không dùng trượng, không dùng kiếm”7 .
Chân dung vị Chuyển luân Thánh vương được mô tả trong kinh điển đạo Phật là rất đặc biệt. Do công đức tu trì thiện nghiệp trong nhiều đời kiếp nên vua là người hưởng được nhiều phước báo hết sức may mắn to lớn. Nhà vua có bốn đức như ý, tức đẹp trai khả ái, tuổi thọ cao, ít bệnh tật và được mọi người quý mến. Vua có đầy đủ uy quyền và binh lực hùng mạnh nhưng chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái. Vua có xa luân báu có khả năng giúp cho nhà vua dễ dàng chinh phục địa cầu cho đến hải biên bằng đường lối hòa bình đức trị. Xa luân báu này lăn đến đâu thì ở đó trở thành xứ sở hiền hòa của vua Chuyển luân Thánh vương, dân chúng ở đó được khuyên dạy về nếp sống không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu và tri túc. Ngoài ra, vua còn có voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu, và tướng quân báu, tức những thứ giúp cho nhà vua có đủ điều kiện thuận lợi và năng lực sáng suốt trong việc trị vì đất nước rộng lớn. Nhưng vua là người thiểu dục tri túc, sống nếp sống tự điều, tự chế và có tấm lòng bố thí rộng rãi. Vua thường xuyên hành thiền, tâm đổ đầy đức từ bi hỷ xả. Nhà vua sở hữu vô số kinh thành rộng lớn, vô số cung điện nguy nga tráng lệ, vô số ngọc ngà châu báu nhưng sống với tâm không ái luyến, không tham đắm vật dục. Đức vua thấm nhuần giáo lý vô thường, vô ngã của đạo Phật nên thể hiện một nếp sống hết sức thanh thoát và minh triết8 .
Về vai trò trách nhiệm và pháp trị quốc của vị Chuyển luân Thánh vương, bản kinh Cakkavattì Sìhanàda thuộc Trường Bộ ghi nhận đầy đủ và cụ thể, thông qua di ngôn của vua Chuyển luân Thánh vương Dalhanemi truyền dạy lại cho vị thái tử kế nhiệm: “Này thái tử thân yêu, con y cứ vào Pháp, kính trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp, tôn trọng Pháp, tự con trở thành Pháp tràng, Pháp kỳ, xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát-đế-lỵ, cho quần thần, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa-môn, cho Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm gì phi pháp trong quốc độ của con. Này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con, có những Sa-môn, Bà-la-môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực hành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự kỷ, thỉnh thoảng sẽ đến với con và hỏi con: “Này Tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nào nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào đem lại bất lợi và đau khổ cho tôi lâu ngày, hành động như thế nào đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tôi lâu ngày?” Con hãy nghe họ và ngăn chặn họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ làm điều thiện”9 .
Bởi vua là người sống theo Chánh pháp và vận dụng Chánh pháp để xây dựng đất nước nên trong vương quốc của nhà vua, nếp sống tri túc và tuân thủ năm giới cấm - không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu - trở thành nền tảng đạo đức của toàn xã hội. Kinh Cakkavattì Sìhanàda cho biết cứ nửa tháng một lần, vua Chuyển luân Thánh vương nghiêm trì trai giới (sống theo hạnh của người xuất gia) rồi sau đó du hành khắp vương quốc rộng lớn của mình bằng xa luân báu, đi đến đâu nhà vua đều khuyên nhắc mọi người, từ quan chí dân, thực hành năm giới cấm và sống tri túc. Hết thảy quan dân trong nước đều nhất mực hoan hỷ nghe theo lời khuyên dạy của vua Chuyển luân Thánh vương.
Trong đường lối trị quốc an dân, vua là người biết lắng nghe lời can gián của các bậc trung thần, không dùng vũ lực và hình phạt nhằm trấn áp quần chúng, không đánh sưu cao thuế nặng vào những lúc đất nước gặp phải tai ương khốn khó. Trái lại, nhà vua thấu hiểu lòng dân, có tâm khoan dung độ lượng, khéo vận dụng “sức người sức của” trong chính sách trị quốc khiến ổn định nhân tâm và phát triển đất nước. Hết thảy thần dân trong nước đều được an cư lạc nghiệp, dân tình khắp nơi đều hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng:
“Bấy giờ vua Mahàvijta suy nghĩ: ‘Ta nay có được vô lượng tài bảo thuộc nhân gian, chinh phục đại địa cầu và sống an trú như vậy. Ta hãy tổ chức đại tế đàn, và nhờ vậy ta sẽ được hưởng hạnh phúc an lạc lâu dài’. Rồi vua Mahavijita nói với vị Bà-la-môn đại thần: ‘Này Bà-la-môn, ta muốn tổ chức đại tế đàn, khanh hãy khuyên ta như thế nào để ta được hưởng hạnh phúc an lạc lâu dài’. Lúc ấy vị Bà-la-môn đại thần liền tấu trình:
‘Tâu Đại vương, vương quốc này chịu tai ương, chịu ách nạn, đầy rẫy bọn cướp làng, đầy rẫy bọn cướp ấp, đầy rẫy bọn cướp đô thị, đầy rẫy bọn cướp đường. Trong quốc độ chịu tai ương, chịu ách nạn như vậy, nếu Đại vương đánh thuế má mới, như vậy Đại vương có ý nghĩ: ‘Ta hãy trừ diệt bọn giặc cỏ này, hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cấm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất’. Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những bọn còn lại không bị hình phạt sau lại tiếp tục hoành hành vương quốc này. Nhưng nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những vị nào trong quốc độ Đại vương nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Đại vương hãy cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ Đại vương nỗ lực về thương nghiệp, Đại vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ Đại vương nỗ lực về quan chức, Đại vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ Đại vương. Và ngân quỹ Đại vương sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng’.
Rồi vua Mahàvijita nghe theo lời khuyên của vị Bà-la-môn đại thần. Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, vua Mahàvijita cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, vua Mahàvijita cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, vua Mahàvijita cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm về nghề nghiệp của mình không còn nhiễu hại quốc độ nhà vua; ngân quỹ nhà vua được dồi dào, quốc độ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng”10.
Nhìn chung, hai lý tưởng đạo và đời có chung mục đích “phụng sự hạnh phúc an lạc cho chúng sinh” được đề cập đầy đủ trong giáo lý đạo Phật nói rõ tâm nguyện và ước mong của người con Phật về một đất nước thái bình thịnh vượng được xây dựng trên Chánh pháp và vận hành theo Chánh pháp, trong đó đời sống của con người cũng như muôn loài được bảo đảm ổn định về mọi mặt và được thấm nhuần Phật pháp; một xứ sở phát triển hài hòa giữa đạo và đời, ở trong đó các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như lãnh đạo đất nước cùng nỗ lực theo đuổi một hướng đi có chung mục đích là vận dụng Chánh pháp để xây dựng đất nước thái bình thịnh trị, bảo đảm sự ổn định về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội nhằm mục đích phục vụ và nâng cao đời sống vật chất, đời sống đạo đức tâm linh và hạnh phúc cho toàn dân.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về Tết đến thì những người con Phật đều cùng nhau thể hiện tâm nguyện và ước mong sâu xa của mình về một đất nước thái bình toàn dân an cư lạc nghiệp bằng cách tổ chức các buổi lễ trang trọng tại các ngôi chùa gọi là “Cầu quốc thái dân an”. Để bắt đầu một năm mới, hết thảy mọi người con Phật đều cùng nhau dốc tâm cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn, đất nước thái bình, nhân dân an lạc, đi đôi với niềm tin tưởng và lòng mong mỏi các nhà lãnh đạo sẽ tiếp nối lý tưởng cao quý của Phật và của vị Chuyển luân Thánh vương được nói đến trong giáo lý nhà Phật để dẫn dắt đất nước thực sự đạt đến thái bình thịnh vượng. Đón xuân năm nay, những người con Phật cũng lại đồng loạt tiến hành các buổi lễ trang trọng nói trên cùng với tâm nguyện và ước mong tương tự.
Chú thích:
1. Kinh Thành ấp, Tương Ưng Bộ.
2. Kinh Tại Uruvelà, Tăng Chi Bộ.
3. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống, Trường Bộ.
4. Kinh Đại Thiện Kiến vương, Trường Bộ; Kinh Ngủ gục, Tăng Chi Bộ.
5. Tiểu kinh Saccaka, Trung bộ.
6. Kinh Bẫy sập, Tương Ưng Bộ.
7. Kinh Tướng, Trường Bộ.
8. Kinh Đại Thiện Kiến vương, Trường Bộ.
9. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống, Trường Bộ. 10. Kinh Kùtadanta, Trường Bộ.
- Từ khóa :
- Xuân về
- ,
- nguyện ước
- ,
- đạo đời
- ,
- viên thông