Suy tư dành cho những người vô thần

14/03/20193:33 CH(Xem: 13949)
Suy tư dành cho những người vô thần

SUY TƯ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI VÔ THẦN
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hoang Phong chuyển ngữ
(Phần chữ nghiêng mầu xanh trong dấu ngoạc đơn là chú thích thêm của dịch giả)

 

316

 

dalai lama tvhsNhiều người không theo tôn giáo nào cả. Đấy là quyền của họ, không ai có quyền bắt buộc họ phải thay đổi quan điểm đó của họ. Điều quan trọng hơn nhiều là cuộc sống của họ phải có một chút ý nghĩa nào đó, có nghĩa là ít nhất họ cũng phải tìm được cho mình hạnh phúc. Hạnh phúc thì được, thế nhưng hạnh phúc đó không được gây ra tác hại cho kẻ khác. Nếu sự thỏa mãn của mình phải giẫm lên khổ đau của kẻ khác thì sớm muộn chính mình cũng sẽ khổ đau.

317

 

            Kiếp người kéo dài tối đa khoảng một trăm năm. Quả hết sức ngắn so với các thời kỳ địa chất (tuổi của vũ trụ là 13.8 tỉ năm, tuổi của địa cầu là 4.5 tỉ năm, sự sống thô sơ nhất dưới hình thức vi sinh vật đơn bào xuất hiện cách nay khoảng 3.5 đến 3.8 tỉ năm. Giống người xuất hiện cách nay 2.8 triệu năm, con người như chúng ta ngày nay xuất hiện cách nay khoảng 200.000 năm). Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nếu chúng ta chỉ biết tạo ra những điều tồi tệ, thì kiếp người của mình sẽ chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng hạnh phúc, nhưng không một ai có quyền tàn phá hạnh phúc của kẻ khác. Mục đích của sự hiện hữu con người không phải là để tạo ra khổ đau cho những người khác (nếu hình dung sự hiện hữu của mình đang cuồng quay giữa cơn lốc của thế giới hiện tượng qua dòng lịch sử mênh mông của địa cầu và vũ trụ, thì mình sẽ không khỏi cảm thấy sự "vô nghĩa" của mình trong không gianthời gian. Nếu không biết lợi dụng sự "vô nghĩa" đó để làm được một chút gì "có ý nghĩa", mà chỉ để tạo ra khổ đau cho kẻ khác, thì sự "vô nghĩa" ấy của mình sẽ nhân lên bội phần. Tệ hại hơn nữa nếu sử dụng sự "vô nghĩa" đó của mình để sáng chế ra các thứ ý thức hệ, các chủ nghĩa, đưa đến chiến tranh và xung đột với tầm cỡ to lớn, thì sự "vô nghĩa" ấy của mình sẽ còn nhân lên nghìn lần. Trái lại nếu biết mượn sự "vô nghĩa" đó để tạo ra một chút gì "có ý nghĩa" thì biết đâu đấy sẽ là vốn liếng giúp mình ngao du với "nhiều ý nghĩa" hơn trong vũ trụ này).

318

 

            Dù đạt được điểm tột đỉnh của sự hiểu biết hay sự giàu sang nhưng không hề biết kính trọng hay phát lộ lòng từ bi với kẻ khác, thì sự hiện hữu đó của mình quả không xứng đáng là sự hiện hữu của con người. Sống hạnh phúc bằng cách cố tránh không gây ra một điều tồi tệ nào, thì đấy mới đúng là thứ hạnh phúccon người có quyền được hưởng, và đáng để thực hiện.

319

 

            Đối với hầu hết chúng ta, hạnh phúc được căn cứ vào số của cải vật chất mà mình chiếm hữu. Thế nhưng thật hết sức rõ ràng các thứ đó tự chúng không thể nào mang lại sự hài lòng cho chúng ta được. Chỉ cần nhìn vào những người chung quanh thì cũng rõ, nhiều người sống tiện nghi và đầy đủ nhưng phải dùng thuốc an thần hay rượu chè say sưa để làm giảm bớt những nỗi lo buồn của mình. Ngược lại nhiều người chẳng có gì cả, thế nhưng họ thật hạnh phúc, thanh thản, sức khỏe tốt và sống lâu hơn.

 

320

 

            Chúng ta không nên quên là sự thỏa mãn quan trọng hơn cả không phải là sự thỏa mãn thô thiểncấp thời tạo ra bởi các cơ quan giác cảm, mà là sự thỏa mãn bên trong nội tâm mình. Chính vì thế mà lòng tốt, sự giúp đỡ kẻ khác có thể làm giảm bớt các sự thèm khát giúp mình biết hài lòng với số phận mình. Không nhất thiết là phải theo một tôn giáo nào thì mới thực hiện được điều đó. Tôi nêu lên điều này không nhất thiết là để làm vui lòng Trời (vì Phật giáo không phải là tín ngưỡng độc quyền giúp con người tìm được sự thỏa mãn nội tâm) hay đưa đến một kiếp tái sinh tốt đẹp hơn, mà chỉ muốn nói rằng những ai muốn tạo cho mình một sự an bình trong nội tâm thì đấy là những gì mà mình không thể thiếu sót (tức là lòng nhân từ và bổn phận phải giúp đỡ kẻ khác).

 

321

 

            Kinh tế và kỹ thuật ngày càng phát triển thì chúng ta cũng ngày càng phải lệ thuộc vào nhau chặt chẽ hơn. Bất cứ điều gì mà chúng ta làm đều tác động đến phần còn lại của thế giới, chỉ sớm hay muộn mà thôi, và tình trạng chung của thế giới cũng sẽ tác động ngược lại đối với các niềm an vui và bất hạnh của từng mỗi cá thể. Không như các thời kỳ xa xưa, ngày nay con người không thể chỉ quán xét mọi sự qua một tầm nhìn thu hẹp, hoặc căn cứ vào một thành phần, một nguyên nhân hay một yếu tố duy nhất nào đó là cũng đủ. Vào thời buổi tân tiến ngày nay, mỗi khi đứng trước bất cứ một cảnh huống nào cũng phân tích toàn bộ các khía cạnh đa dạng của nó (ngày xưa con người thưa thớt, các nền văn minh thường khá biệt lập với nhau, sự sinh hoạt xã hội cũng đơn giản hơn, trái lại ngày nay các phương tiện giao thông và truyền thông mang con người đến gần với nhau hơn. Các thể chế chính trị, kinh tế, luật pháp, cùng các sinh hoạt xã hội..., tất cả đều trở nên phức tạpliên hệ với nhau chặt chẽ hơn, do đó việc tìm hiểu một sự kiện hay một cảnh huống xảy ra cũng sẽ rắc rốitế nhị hơn).

 

322

 

            Tôi không muốn nói là phải hy sinh hạnh phúc của chính mình vì hạnh phúc của kẻ khác, mà chỉ muốn nêu lên là hạnh phúc của cả hai phía - mình và kẻ khác - đều liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chúng ta cảm thấy trách nhiệm mình đối với nền hòa bình và niềm phúc hạnh của tất cả mọi con người trên địa cầu này, thì hãy tập quán xét mọi sự vật qua một tầm nhìn bao quát hơn, hầu ý thức được sự đóng góp của từng cá thể qua cung cách hành xử của mình.

 

323

 

            Chúng ta gồm 6 tỉ người trên Địa cầu này (năm 2018 dân số trên địa cầu là 7.7 tỉ). Phần đông trong số sáu tỉ người đó chỉ biết nghĩ đến các thứ tiện nghi vật chất, và tuyệt nhiên không quan tâm gì đến tôn giáo hay đời sống tâm linh (thông thường không mấy khi người ta nghĩ đến tôn giáo, bởi vì dù họ rất sợ chết thế nhưng họ cảm thấy rằng mình chưa chết ngay, nếu có chết thì người khác chết trước, do đó bản năng sợ chết bên trong chính họ không mạnh bằng hai thứ bản năng khác là sinh tồn và truyền giống. Theo thứ tự thì bản năng sinh tồn mạnh hơn cả, bởi vì mỗi ngày phải ăn, đói là sự ám ảnh to lớn nhất đối với con người. Sự thèm khát tính dục đôi khi cũng có thể "nhịn" được. Sau khi đã no cơm ấm cật thì mới dâm dật mọi nơi, do đó bản năng truyền giống đứng hàng thứ hai sau bản năng sinh tồn. Bản năng sợ chết chỉ đứng hàng thứ ba, điều này cho thấy tại sao phần đông trong số "sáu tỉ" người trên hành tinh này không mấy quan tâm đến tôn giáo, hoặc nếu quan tâm thì lại quan tâm "quá đáng" gây ra mọi sự xung đột âm ỉ hoặc lớn lao giữa các tôn giáo với nhau. Chỉ có bản năng truyền giống là tương đối không gây ra các sự xung đột rộng lớn mà chỉ xoay quanh các chuyện ghen tưông, thất tình và tự tử). Tóm lại những người không tín ngưỡngthành phần đa số trong toàn thể nhân loại, do đó cách suy nghĩ và hành động của họ tất nhiên sẽ giữ một vai trò then chốt trong sự diễn tiến của thế giới. Thế nhưng cũng thật may mắn, không cần phải theo một tôn giáo nào thì mới phát động được một cung cách hành xử nhân từ, mà chỉ cần là một con người là cũng đủ!

 

324

 

            Đối với các loài thú vật cũng vậy, các con thú có xu hướng thích sinh hoạt tập thể (gọi đàn hay nhập bọn với các con thú khác...) thường thu hút được các con thú chung quanh, trái lại các con thú hung dữ sẽ khiến các con khác tránh ra xa. Người ta thường nhận thấy những con chó hung hăng sẽ khiến các con chó khác không dám đến gần, kể cả những con to lớn hơn.

 

            Điều đó cũng đúng với trường hợp con người. Những người chủ động được tâm thức mình thường suy nghĩ nhân từ và ăn nói hòa nhã, và đương nhiên họ cũng có nhiều bạn hữu hơn. Đến gần bên họ, người ta cảm thấy an vui hơn, kể cả thú vật cũng thích đến gần với họ. Sự hiện diện của họ dù là trong bối cảnh nào cũng đều tạo được một bầu không khí thật thú vị khiến không ai muốn rời xa họ.

 

325

 

            Ngược lại nếu tư duy của mình bất trị, ăn nói hung hăng, cử chỉ hung bạo thì kẻ khác sẽ tránh ra xa và không khỏi cảm thấy khó chịu mỗi khi trông thấy mình. Họ sẽ không chú ý đến những gì mà mình nói, quay mặt đi khi nhận thấy mình có vẻ muốn gợi chuyện với họ. Làm thế nào mà họ có thể cùng vui đùacảm thấy thích thú bên cạnh mình được? 

 

326

 

            Mặc dù con người thật đông đảo trên địa cầu này, thế nhưng mỗi người trong chúng ta chỉ trông thấy có riêng mình mà thôi. Tuy nhiên không nên quên một điều là chúng ta phải luôn nhờ vào người khác để có cơm ăn, áo mặc, tạo được một vị trí trong xã hội, trở nên nổi tiếng (nhờ có các người khác biết đến mình thì mình mới "nổi tiếng" được), thế nhưng mình thì lại xem những người liên hệ với mình thật gắn bókẻ thù. Chẳng phải đấy là một sự nghịch lý thật lạ lùng hay sao?

 

327

 

            Chỉ cần lo nghĩ đến kẻ khác từ bên trong tâm thức mình hay biểu lộ bằng các cử chỉ bên ngoài, thì cũng đủ giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúcdễ chịu trong lòng, ngay trong kiếp sống hiện tại này - đấy là chưa nói đến các sự lo nghĩ đó sẽ còn tiếp tục tác động đến cả các kiếp sống tương lai - và đó cũng là cách giúp mình mỗi khi gặp phải khó khăn thì sẽ có nhiều người thăm hỏi và giúp đỡ mình; và chính kẻ thù của mình biết đâu cũng sẽ trở thành bạn hữu của mình. 

 

            Nếu chỉ biết duy nhất nghĩ đến bản thân mình và xem các kẻ khác là kình địch của mình, thì chúng ta sẽ khó tránh khỏi phải đối đầu với mọi thứ khó khăn thật phi lý do chính mình tạo ra cho mình. Trong thế giới tân tiến ngày nay, dù sự sống gần như không thể nào tồn tại được nếu thiếu sự cạnh tranh tác động đến nó, thế nhưng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn các kẻ khác, mà không cần phải nghiền nát họ (không cần phải cạnh tranh một cách ác liệt và bất chính).


Trích từ:





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.