Các Triều Đại Phong Kiến Việt Nam Bảo Vệ Biên Giới Việt-trung

29/04/20191:00 SA(Xem: 7436)
Các Triều Đại Phong Kiến Việt Nam Bảo Vệ Biên Giới Việt-trung

CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN VIỆT NAM
BẢO VỆ BIÊN GIỚI VIỆT-TRUNG

Cao Văn Thức

 

anh hung su vietSau khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, nước ta hoàn toàn độc lập tự chủ, thoát khỏi một ngàn năm Bắc thuộc. Tuy vậy, ta phải luôn luôn đấu tranh chống lại âm mưu bành trướng của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Ngoài những cuộc kháng chiến chống các cuộc xâm lược, thì các triều đại phong kiến Việt Nam ở các thế kỷ đều phải đấu tranh ngoại giao kết hợp với quân sự để chống lại sự lấn chiếm đất đai của Trung Quốc ở các vùng biên giới, bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Thời nhà Lý (1009-1225)

Năm Nhâm Dần (1062) dưới triều vua Lý Thánh Tông, quan lại nhà Tống ở vùng biên giới đã dụ dỗ Nùng Tôn Đán (Nùng Trí Cao?), một tù trưởng người dân tộc Tày, đem nhường vùng đất… ở phía Tây tỉnh Cao Bằng ngày nay cho Trung Quốc. Nhà Tống đã sáp nhập vùng đất đó vào lãnh thổ Trung Quốc và đặt tên là châu Thuận An, bổ nhiệm quan chức cho Nùng Tôn Đán để mua chuộc. Trước sự việc như vậy, vua Lý đã phái Lê Thuận Tông, một tù trưởng dân tộc thiểu số là phò mã của nhà vua dẫn phái đoàn sang Trung Quốc, dùng đấu tranh ngoại giao để đòi lại vùng đất này. Nhà Tống hứa hẹn nhưng rồi lần lữa không chịu giao trả. Trước thực trạng như vậy, vua Lý đã cương quyết dùng sức mạnh quân sự, kéo quân lên giành lại vùng đất mà Nùng Tôn Đán đã dâng nộp cho Trung Quốc. Nhà Tống đành phải chấp nhận tuyên bố trả lại vùng đất này cho Đại Việt.

Sau khi thất bại trong cuộc xâm lược Đại Việt vào năm 1076-1077, quân Tống phải rút về nước, nhưng chúng đã chiếm đóng châu Quảng Nguyên (thuộc tỉnh Cao Bằng ngày nay) của nước ta. Cuối năm 1077, vua Lý đã cử đoàn sứ giả sang Trung Quốc đòi nhà Tống phải trao trả vùng đất Quảng Nguyên. Cuộc đấu tranh giằng dai kéo dài ngót bốn năm, đến năm 1081, nhà Tống mới trao trả một phần đất của châu Quảng Nguyên. Đến năm 1084, vua Lý lại tiếp tục giao cho quan Thị lang Bộ Binh là Lê Văn Thịnh dẫn đầu phái đoàn ngoại giao của triều đình đến trại Vĩnh Bình (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay) gặp gỡ, bàn bạc với phái đoàn quan chức của triều đình nhà Tống trong việc phân chia cương giới giữa hai nước và đòi Trung Quốc phải trả nốt phần đất còn lại ở châu Quảng Nguyên. Việc phân chia cột mốc biên giới hoàn thành, nhà Tống phải trả nốt phần đất còn lại gồm sáu huyện và ba động đều thuộc phần đất tỉnh Cao Bằng hiện nay.

Thời Lê (1427-1786)

Nhà Trần kế thừa nhà Lý từ năm 1225 và tồn tại cho đến năm 1400. Nhà Trần đã ba lần đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Mông - Nguyên hùng mạnh nhất châu Á lúc bấy giờ, khu vực biên giới phía Bắc được bảo vệ vững vàng, tránh được nạn lấn chiếm của Trung Quốc. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, lập ra nhà Hồ. Lúc bấy giờ ở Trung Quốctriều đại nhà Minh, đang trong giai đoạn cường thịnh, lấy cớ “phù Trần, diệt Hồ” đem quân xâm lược nước ta. Nhà Hồ tổ chức kháng chiến thất bại (1407) và nước ta bị Trung Quốc thống trị 20 năm. Năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo thắng lợi, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Trong giai đoạn nhà Lê sơ ở thế kỷ XV, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của các vị vua như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tôn, Lê Thánh Tôn, nước Đại Việt phát triển, hùng cường cho nên biên cương phía Bắc được giữ vững, Trung Quốc không dám nhòm ngó, lấn chiếm đất đai của ta.

Thánh Tôn đã từng có câu nói rất nổi tiếng về ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước khi nhà vua căn dặn các quan: “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vất bỏ… Nếu người nào dám lấy một thước một tấc đất của Thái tổ mà đút mồi cho giặc thì tội phải tru di”1 .

Từ thế kỷ XVI, nhà Lê bắt đầu đi vào con đường suy thoái với các vị vua truỵ lạc, sa đoạ, bỏ bê việc nước như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, lịch sử gọi giai đoạn này là thời Lê mạt. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kim là một viên võ quan cao cấp triều Lê, không thần phục triều Mạc nên vào Thanh Hoá lập cháu họ vua Lê là Lê Ninh làm vua, lấy hiệu Lê Trang Tông, chống nhau với nhà Mạc, dẫn đến cuộc nội chiến Nam - Bắc triều giữa hai thế lực phong kiến nhà Mạc ở Thăng Long và nhà Lê ở Thanh Hoá. Tình trạng phân hóa này kéo dài đến tận thế kỷ thứ XVIII với cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn.

Trong khi cuộc nội chiến xảy ra khốc liệt ở Đại Việt đang tiếp tục thì ở Trung Quốc nhà Minh suy yếu và bị một bộ tộc phía Đông bắc là Mãn Thanh tiêu diệt (1644). Nhà Thanh thống trị Trung Quốc, tiếp nối “truyền thống” bành trướng của các triều đại trước đây, tiếp tục gây nhiễu, lấn chiếm đất đai vùng biên giới; vì vậy nhà nước phong kiến Đại Việt phải liên tục đấu tranh chống xâm lấn, bảo vệ biên cương của đất nước. Năm 1699, vua Lê sai viên quan Hà Tông Mục dẫn đầu đoàn quan chức của triều đình lên vùng biên giới để đàm phán, đấu tranh với quan đại diện của triều đình nhà Thanh, kiên quyết không cho quân Thanh xâm lấn, chiếm đóng châu Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng.

Ở thế kỷ XVIII, nhà Thanh ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cường thịnh dưới sự trị vì của những ông vua có tài như Khang Hy, Càn Long, nên dã tâm xâm chiếm đất đai của các nước xung quanh càng ráo riết. Nhận thấy mảnh đất Tụ Long của Đại Việt có mỏ đồng với trữ lượng đồng khá lớn nên nhà Thanh tìm cách chiếm đoạt vùng đất này. Viên quan tri phủ Khai Hoá (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã cho binh lính tiến xuống chiếm giữ mỏ đồng và gửi thư báo cho triều đình nhà Lê là biên giới của Trung Quốc tính từ phủ Khai Hoá ở sát biên giới xuống phía Nam với chiều dài là 240 dặm. Chúng cho rằng ranh giới giữa Đại Việt và Trung Quốc trước đây là sông Đỗ Chú là không chính xác, ranh giới phải là sông Ninh Biên ở sâu trong phần đất của Đại Việt. Bọn quan lại Trung Quốc vu khống nhà Lê đã lấn chiếm đất đai biên giới của Trung Quốc đến 40 dặm, chúng cho quân lính đóng đồn trại và tự lập bia mốc mới biên giới.

Trước hành động ngang ngược, trắng trợn của Trung Quốc, triều đình nhà Lê đã gửi công văn phản đối đến viên quan Tuần phủ Vân Nam và triều đình nhà Thanh. Viên quan Tuần phủ Vân Nam lúc đó là Ngạc Nhĩ Thái theo chỉ đạo của Thanh triều, đã gửi công văn trả lời triều đình nhà Lê với lời lẽ rất là kẻ cả, xấc xược. Viên tuần phủ quở trách triều đình ta ngông cuồng, không biết lễ độ với thiên triều và bắt vua ta phải làm biểu tạ tội, chấp nhận tuân theo cột mốc biên giới mới mà chúng vừa dựng lên. Trước tình hình như vậy, nhà Lê cử viên quan trấn thủ Tuyên Quang là Trịnh Kính đem quân địa phương kéo lên phòng giữ, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời triều đình ta liên tục gửi công văn phản đối lên quan tuần phủ Vân Nam và Thanh triều với lời lẽ ôn tồn, mềm mỏng nhưng cương quyết.

Thấy rằng hù doạ không xong mà ngược lại quân lính Đại Việt ở trong tình thế sẵn sàng chiến đấu, nên nhà Thanh thấy nuốt không xong đành phải nhả ra. Tuy vậy, chúng vẫn làm bộ giả nhân giả nghĩa trong công văn gửi nhà Lê khi chấp nhận xuống nước, đàm phán hoà bình với ta: “Địa giới từ sông Ninh Biên trở vào, từ con ngòi nhỏ núi Xưởng Chí trở ra, nói là địa phận của quý quốc (Việt Nam) cố nhiên có bằng chứng nhưng nói là địa phận của nội địa (nhà Thanh) cũng không phải là lời nói vu vơ, không phải nói chứng cớ của quý quốc lời nào cũng chính xác mà việc ghi chép của nội địa việc gì cũng khó tin, nhưng nay thiên tử đã ban ơnquốc vương (vua Lê) đã chịu ơn trời ban cho, không cần tranh cãi về địa giới làm gì. Vậy nay nhất định phân chia địa giới chỗ đất 40 dặm kể từ con ngòi nhỏ núi Xưởng Chí trở vào và vùng Mã Bạc trở ra, mong quốc vương uỷ cho viên chức thông thạo, định kỳ khám xét”.

Năm 1726, chúa Trịnh Cương đã cử một phái đoàn ngoại giao do Tiến sĩ Hồ Phi Tích và Thám hoa Vũ Công Tể lên vùng Tụ Long để đàm phán cùng phái đoàn nhà Thanh. Trong quá trình đàm phán đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt vì quan chức nhà Thanh muốn lấy sông Ninh Biên làm ranh giới, còn ta thì cương quyết dùng sông Đỗ Chú làm ranh giới như trước đây. Đấu tranh giằng co suốt hai năm trời, trước thái độ cương quyết nhưng kiên trì, mềm dẻo của phái đoàn Đại Việt, nhà Thanh đành phải xuống nước chấp nhận trạng thái biên giới cũ, nhưng vẫn giở cái giọng giả nhân giả nghĩa, ban ơn trong chỉ dụ gửi triều đình ta vào năm 1728: “Nay quốc vương đã cảm ơn hối lỗi, nhảy múa kính theo, nghĩ thưởng cho đất 40 dặm, đã cử đặc phái viên đại thần phụng sắc thư đi đường Quảng Đông. Vậy quốc vương (vua Lê) cần cử quan đại thần đến đón tiếp, đến phủ Khai Hoá nhận đất và lập địa giới”. Sau khi nhận được chiếu chỉ của triều đình nhà Thanh, chúa Trịnh Cương đã cử một phái bộ do Tả thị lang Bộ Binh là Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Nguyễn Công Thái dẫn đầu lên vùng Hà Giang, phối hợp cùng quan chức Trung Quốc xác lập cột mốc biên giới. Tuy ngoài mặt tỏ vẻ thành thực trong việc phân định ranh giới, nhưng bên trong bọn quan chức Trung Quốc thực hiện những mưu kế bẩn thỉu để đánh lừa phái đoàn của ta. Hai bên thống nhất trên giấy tờ là dùng sông Đỗ Chú làm biên giới tự nhiên giữa hai nước, nhưng trên thực tế bọn quan lại nhà Thanh lại chỉ sông Đỗ Chú giả làm ranh giới vì theo con sông giả này thì mỏ đồng Tụ Long nằm trên bờ Bắc sẽ thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Hành động giả dối của bọn quan chức Trung Quốc không qua được sự tinh nhạy của các quan ta. Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái đã chịu vất vả, lặn lội đi tìm hiểu, khảo sát cặn kẽ và phát hiện ra con sông Đỗ Chú thật. Hai ông đã đấu lý quyết liệt, bắt buộc bọn quan chức nhà Thanh phải xác định đường biên giới theo đúng con sông Đỗ Chú thật.

Sách Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng viết: “Bấy giờ quan nhà Thanh cho chia ranh giới hai nước bằng sông Đỗ Chú , nhưng thổ quan phủ Khai Hoá chỉ láo sông Đỗ Chú để chực chặn lấy các thôn xã ở Bảo Sơn. Bọn Công Thái xông pha lam chướng, vượt nơi hiểm trở, đi qua các mỏ đồng, mỏ bạc, nhận ra được sông Đỗ Chú thật, bèn gọi quan nhà Thanh hai bên tự đi báo lại, tranh biện và bẻ lý mãi, rồi lập động trụ làm giới mốc. Thế là việc cương giới mới ổn định. Mỏ đồng Tụ Long lại thuộc về ta”2 .

Như vậy trải qua quá trình đấu tranh lâu dài đến năm năm, triều đình Lê - Trịnh đã đòi lại được 17 thôn ở biên giới, trong đó có mỏ đồng Tụ Long. Để đề phòng hành động xâm lấn, cướp phá từ phía Trung Quốc, chúa Trịnh đã cử võ quan đem hơn hai nghìn binh lính đến đóng giữ, bảo vệ cho việc khai thác mỏ đồng Tụ Long3 .

Nhà Nguyễn (1802-1883)

Cuối năm 1788, theo lời cầu viện của ông vua mất ngai Lê Chiêu Thống, vua Càn Long sai viên quan Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang miền Bắc nước ta, trên danh nghĩatiêu diệt Tây Sơn, phục hồi ngai vàng cho vua Lê nhưng thực chấtâm mưu xâm lược nước ta. Đầu năm 1789, vua Quang Trung đã mở chiến dịch thần tốc quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, bảo vệ được lãnh thổ quốc gia. Suốt thời kỳ nhà Tây Sơn tồn tại, nhà Thanh không dám lấn đất đai biên giới phía Bắc của ta.

Năm 1802, Nguyễn Ánh tiêu diệt vương triều Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn. Thời kỳ nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, nhà Thanh lại tiếp tục giở trò lấn chiếm đất đai ở vùng biên giới hoặc thực hiện những âm mưu phá hoại nền kinh tế nước ta. Nhà Nguyễn đã cương quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của triều đình phong kiến Trung Quốc.

Năm 1830, để lũng đoạn thị trường tiền tệ Việt Nam, nhà Thanh đã cho đúc tiền kẽm như tiền Việt Nambí mật cho người mang sang nước ta tiêu dùng, mua bán. Tiền giả của Trung Quốc đã gây tác hại làm cho tiền Việt mất giá, dẫn đến giá cả hàng hoá tăng vọt. Trước thực trạng như vậy, vua Minh Mạng đã lệnh cho các quan chức trấn giữ ở các cửa khẩu biên giới phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ, bắt giữ những kẻ chở trộm tiền giả từ Trung Quốc sang nước ta.

Năm 1831, quan chức nhà Thanh ở địa phương gần biên giới đã cho 600 binh lính đến chiếm động Phong Thổ ở miền Hưng Hóa. Nhà vua đã sai tướng Đặng Văn Thiêm đem 1.000 binh lính và 10 thớt voi kéo lên biên giới, sẵn sàng nghênh chiến. Trước lực lượng đông đảo của quân Việt Nam, quân Thanh đành phải rút lui. Minh Mệnh giao cho thổ quan cai quản động Phong Thổ và cho binh lính đóng đồn ở khu vực này để phòng giữ. Năm 1832, không hiểu vì lý do gì bia mốc biên giới ở sông Đỗ Chú trước kia bị gãy, nhà vua đã cho dựng lại bia mới chắc chắn hơn.

Năm 1832, vua Minh Mạng ban lệnh cấm người Trung Quốc mua gạo ở Việt Nam và thương lái nước ta chở gạo sang bán cho Trung Quốc. Nguyên doTrung Quốc còn tổ chức những thương thuyền sang Việt Nam mua gạo ồ ạt với số lượng lớn chở về nước buôn bán, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở nước ta.

Năm 1837, quan chức nhà Thanh ở địa phương vùng biên giới lại xua 300 quân kéo sang chiếm đóng động Sơn Yên (châu Thuỷ Vĩ, Hưng Hoá). Triều đình nhà Nguyễn ra lệnh cho quan chức trấn thủ Hưng Hoá đem quân địa phương đánh đuổi, buộc chúng phải rút lui, trả lại động Sơn Yên cho ta5 .

Trong suốt một quá trình lịch sử hàng nghìn năm, các triều đại phong kiến Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh, mềm mỏng nhưng kiên quyết, kết hợp hài hoà giữa quân sự và ngoại giao để chống lại sự xâm lấn, chiếm đóng của Trung Quốc, bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất vùng biên cương của Tổ quốc. Tinh thần đấu tranh đó là một bài học lịch sử quý giá cho hậu thế noi theo.

Chú thích:
1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Thời Đại, Hà Nội, tr.672.
2. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1975, tr.64.
3. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp hoàn thành công cuộc xâm chiếm và đặt ách thống trị toàn bộ lên đất nước Việt Nam. Đầu thế kỷ XX, do muốn xây dựng hệ thống đường sắt Lào Cai - Vân Nam nên chính quyền thực dân Pháp đã mua chuộc triều đình nhà Thanh, vì vậy trong quá trình phân chia biên giới Việt - Trung, đã cắt vùng đất Tụ Long sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.
4, Theo Đặng Việt Thuỷ, Biên cương vững chắc xã tắc dài lâu, Nxb Văn Hoá-Văn Nghệ TP.HCM, 2016, tr.192-193.

 

Cao Văn Thức
Văn Hóa Phật Giáo Số 319 ngày 15-4-2-19
Thư Viện Hoa Sen

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.