Vui như mùng một tết

16/05/20191:04 SA(Xem: 5467)
Vui như mùng một tết

VUI NHƯ MÙNG MỘT TẾT

Truyện ngắn

Thích Trung Hữu

 

chua vinh nghiem ngay tetKhi còn nhỏ nghe ba tôi đọc truyện kiều, “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, trãi qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng,” tôi cũng đọc theo. Nghe vậy ba tôi cười hỏi, “con thấy gì mà đau đớn lòng vậy?” Khi vào chùa làm tiểu, thỉnh thoảng tôi cũng nghe sư phụ ngâm nga “tôi muốn khóc cho cạn dòng lệ thảm, cho cuộc đời sứ mạng của Như Lai”. Tôi hỏi sư phụ ngâm thơ gì vậy? Sư phụ không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ cười khì nói “buồn thâm thúy”.  Tôi có tính hay bắt chước. Mỗi khi trong chùa có chuyện gì không được như ý thì tôi cũng ngâm hai câu thơ đó của sư phụ. Ví dụ như có lần tôi bỏ ngủ trưa đến huynh Tâm ở chùa gần đó để đọc truyện Đô-rê-mon thì bị phật tử méc với sư phụ. Khi phật tử đó đến chùa, tôi liền mon men đến gần, vừa chắp tay sau đít đi tới đi lui trước mặt người đó vừa đọc “Tôi muốn khóc cho cạn dòng lệ thảm/ Cho cuộc đời sứ mạng của Như Lai”. Cô phật tử đó nghe vậy, liền hỏi “chú nói móc ai vậy hé”. Tôi không trả lời mà chỉ nói bâng quơ “buồn thâm thúy”. Rồi thời gian trôi qua, tôi lớn lên và tiếp xúc nhiều với cuộc sống. Thi thoảng tôi cũng bất chợt đọc lên những câu thơ ngày xưa, nhưng mà với một tâm trạng khác hẳn. Ngày xưa đọc, là bắt chước theo người lớn, còn bây giờ đọc vì cảm nhận được sự nóng lạnh của tình đời.

Theo truyền thống, sáng mùng một Tết tôi đi đảnh lễ hòa thượng trưởng ban ở chùa tỉnh hội. Ngôi chùa uy nghiêm và được trang trí với thật nhiều hoa lan, hoa mai và mùi trầm hương thơm ngát. Đi chúc Tết không chỉ có tôi mà còn có nhiều tôn đức tăng ni và phật tử khác đến chúc tết hòa thượng trưởng ban. Khi ra về hòa thượng còn biếu chúng tôi mỗi người một chậu hạnh hay một cặp vạn thọ, cho nên ai nấy đều vui vẻ, mặt mày hớn hở như hoa nở mùa xuân. Ông bà ta đã đút kết, “phú quý sinh lễ nghĩa” quả đúng. Lễ nghĩa nhiều lúc cũng hay và cần thiết, nó tạo cho người ta một sự hài hòa, vui vẻthỏa mãn. Nói chung miễn vui là được rồi.

Ở chùa Tỉnh hội tôi gặp được huynh Thừa. Huynh ấy là bạn học với tôi từ Sơ cấp, Trung cấp cho đến Cao cấp Phật học. Tôi và huynh Thừa, nói không phải tự khoe, đều là học sinh giỏi, cho nên rất tâm đắc với nhau. Sau khi học xong Cao cấp Phật học, tôi bị sư phụ bắt đi học nước ngoài, còn huynh Thừa thì được sư phụ của huynh ấy, tức là hòa thượng trưởng ban, giữ lại ở chùa để phụ hòa thượng trong công tác giáo hội. Hồi tôi đi học, huynh Thừa có đưa tôi ra sân bay. Cầm tay tôi, huynh ấy nói có vẻ buồn rằng tôi thật có phước được sư phụ cho đi học tiếp. Tôi mới an ủi Thừa rằng, “Phục vụ giáo hộităng ni như huynh mới có phước lớn chứ. Đó gọi là đại thừa. Còn đi học chỉ có lợi ích cho bản thân thì coi như chỉ là tiểu thừa thôi”. Chúng tôi chia tay nhau trong bịn rịn, nói rằng dù sau này thế nào thì hai đứa vẫn là bạn tốt của nhau.

Tôi đi học mỗi năm về một lần vào dịp Tết. Năm đầu tiên tôi về, Thừa rất mừng. Sau khi đảnh lễ hòa thượng xong là Thừa dắt tôi vào phòng riêng của huynh ấy để ăn mức uống trà và đàm luận giáo lý. Hai chúng tôi nói chuyện với nhau rất tâm đắc. Thừa nói rằng từ lúc tôi đi học, Thừa không mấy khi ngồi đàm luận giáo lý với ai, vì không có… đối thủ. “Cho nên bữa nay mình phải nói cho đã một bữa”, Thừa vừa rót trà cho tôi vừa hào hứng nói. Thế nhưng chỉ qua một năm thôi thì Thừa đã thay đổi hẳn. Huynh ấy cũng mời tôi vào phòng uống trà nhưng không còn nồng nàn như năm trước. Thừa cũng chỉ hỏi sức khỏe, công việc chứ không hào hứng đàm luận giáo lý nữa. Tôi cũng nghe phong phanh rằng thời đại ngày nay gặp nhau mà nói chuyện giáo lý thì coi chừng bị cho là không bình thường, lạc hậu, cổ lỗ sĩ, không theo kịp thời đại hoặc sẽ bị nói là “không biết tu tới đâu mà mở miệng là nói kinh này kinh nọ”. Năm nay là năm thứ ba. Huynh đệ gặp nhau cũng tay bắt mặt mừng, nhưng tôi cảm nhận tình cảm đã không còn như xưa. Trong cái bắt tay, cái ôm có chút gì đó gượng gạo chứ không được tự nhiên, như thể rằng sự thân thiết với một tăng sinh nghèo như tôi trước mặt mọi người làm cho Thừa bị mất thể diện vậy. Thừa mới được cử làm Chánh thư ký của Tỉnh hội.

Chùa tỉnh hội thì đẹp và vui thật, nhưng để có cái cảm giác bình yên và ấm áp thì không đâu cho bằng chùa sư phụ mình, dù rằng đó chỉ là một ngôi chùa vừa nhỏ vừa nghèo và không có nhiều hoa kiểng đắc tiền. Tôi vừa bước vô cổng chùa đã thấy sư phụ đứng đợi từ xa. Chỉ bao nhiêu đó thôi đã thấy ấm áp vô cùng rồi. “- Sao về trễ vậy con”, sư phụ ôn tồn hỏi. “- Dạ tại đông khách. Con phải đợi hòa thượng chứ hòa thượng đâu có đợi con như sư phụ đợi con đâu”, tôi lém lỉnh nhìn sư phụ cười nói, “hòa thượng rất vui. Còn tặng cho chùa mình cặp vạn thọ nữa nè sư phụ”. Nhìn cặp vạn thọ của hòa thượng trưởng ban biếu, sư phụ rất vui, nói mặc dù ngài là trưởng ban nhưng không có ỷ thế ỷ quyền làm khó tăng ni. Tôi thêm mắm dặm muối, “Hòa thượng kính chúc sư phụ sống lâu ngoài trăm tuổi”. Sư phụ nghe vậy cười hiền, “sống chi dữ vậy con”.

Sư phụ năm nay bảy mươi tuổi, lớn hơn hòa thượng trưởng ban mười tuổi, nhưng rất kính hòa thượng trưởng ban. Sư phụ nói rằng các vị làm việc giáo hội nói chung là đãy lao cho tăng ni vất vả gánh vát trách nhiệm của Phật pháp, nên rất đáng kính. Tuy vậy, sư phụ lại không cho tôi tham gia làm việc giáo hội, nói rằng các ngài làm, còn mình ủng hộ được rồi. Chứ một khi đã làm rồi, nếu đạo lực không vững thì sẽ chạy theo địa vị, danh lợi, đánh mất mụch tiêu của người tu. “Người tu mình”, sư phụ dạy, “tu mới là việc chính cần phải làm suốt đời. Còn làm việc này việc kia thì chỉ là tùy duyên tùy thời mà thôi. Nếu vì việc này việc kia mà bỏ bê việc tu thì đâu còn được gọi là tu sĩ nữa”. Sư phụ tôi nói ít nhưng cái hạnh của ngài tôi học cả đời không hết. Người đúng là một bật chuyên tu, là người thầy đáng kính nhất mà tôi biết. Sư phụ chưa bao giờ la đệ tử một lời nhưng chúng tôi thì thờ ngài như người Bà la môn thờ đấng Phạm thiên. Thật ra nói “chúng tôi” cho oai chứ chỉ có hai huynh đệ mà thôi. Mà huynh Định thì đã ra đời rồi.

Kể ra sư phụ tôi số khổ. Có hai đứa đệ tử thì một đứa ra đời còn một đứa là tôi thì đi học suốt, chưa có khi nào hầu hạ sư phụ cho chu đáo. Định là sư huynh, còn tôi là sư đệ. Gia đình huynh Định có hai anh em. Huynh ấy và tôi là người cùng xóm và cùng đi tu từ nhỏ. Thế nhưng khi huynh ấy được hai mươi lăm tuổi, chuẩn bị đi thọ giới tỳ kheo thì gia đình gặp biến cố. Anh của huynh ấy đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Thế là huynh ấy phải hoàn tục để tiện việc phụ mẹ chăm lo cho người cha bị tai biến phải nằm một chổ. Năm sau thì tôi học xong Cao cấp Phật học. Tôi chỉ muốn ở chùa để lo việc chùa và hầu hạ sư phụ. Hơn nữa, chùa nhỏ mà nghèo thì làm sao có đủ tiền để đi học nước ngoài. Nhưng sư phụ bắt tôi phải đi du học, nói rằng sư phụ tự lo cho bản thân được. Còn tiền thì tôi cứ yên tâm, sư phụ có thể xoay sở được. Tôi không thể cải lời sư phụ cho nên phải đi du học. Huynh Định kể lại rằng, tội nghiệp sư phụ lắm. Vì để có đủ tiền nuôi tôi ăn học, ngoài việc tiện tặn ra, sư phụ cũng năng đi đám hơn. Trước đây sư phụ chỉ đi hộ niệm cho Phật tử thân quen của chùa và không bao giờ lấy tiền. Còn sau này thì hễ ai cúng tiền công đức thì người đều không từ chối. Còn đối với huynh Định thì tuy đã không còn tu nữa nhưng sư phụ cũng không quên. Lâu lâu lại cho người đem thuốc uống, sữa để biếu cho ba má của huynh ấy. Sư phụ của chúng tôi như người cha già lam lủ, chỉ lo cho con cái mà không bao giờ nghĩ cho bản thân mình. Hồi sáng lên chùa tỉnh hội, tôi được rữa mắt với những cây mai đẹp “ve sầu” trị giá hàng chục triệu đồng, làm tôi nhớ và thương sư phụ quá đổi. Trước đây chùa chúng tôi cũng có một gốc mai thật to và đẹp mà sư phụ rất quý. Mỗi năm cứ đến mười lăm tháng chạp là thầy trò lại tước lá mai. Sư phụ nói cây mai này do chính Người trồng, cũng đã hơn năm mươi năm tuổi rồi đó. Nhưng vừa rồi sư phụ đã kêu người ta bán nó đi, nói là nó đã già quá rồi, sợ chết uổng. Nhưng tôi biết sư phụ bán để Tết tôi về có tiền cho tôi đi học.

-    Huệ à, con để cặp bông trước phòng khách rồi đi chuẩn bị cơm nước đi con. Chắc sư huynh con cũng sắp tới rồi đó.

-    Huynh ấy điện thoại báo sư phụ à?, tôi hỏi

-    Cần gì điện thoại báo con. Thần giao cách cảm mà.

Sư phụ cười nói đùa. Và tôi thì cũng chỉ hỏi vậy thôi chứ năm nào như năm nào, cứ sáng mùng một Tết là huynh Định đưa ông già bà già về chùa lạy Phật đầu năm và mần tuổi sư phụ, rồi ở lại ăn bữa cơm đoàn tụ đầu năm. Tôi đang loay quay dưới bếp thì huynh Định xuất hiện. Khỏi phải nói là chúng tôi vui mừng như thế nào. Hai huynh đệ ôm nhau thật chặt như mấy mươi năm rồi mới gặp lại. Cái ôm ấy bao nhiêu năm vẫn không đổi, vẫn nồng nàn và ấm áp như ngày nào. “Huynh gầy và đen hơn lúc trước. Bộ làm việc dữ lắm hả sư huynh? Tôi nhìn huynh Định hỏi. Huynh ấy cũng nhìn tôi cười tươi trả lời, “Đệ cũng có mập hơn đâu. Toàn dân suy dinh dưỡng”. Rồi hai huynh đệ nhìn nhau cười vui như… mùng một Tết.

Thích Trung Hữu

 

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21305)
12/10/2016(Xem: 19228)
26/01/2020(Xem: 11866)
12/04/2018(Xem: 20083)
06/01/2020(Xem: 10953)
24/08/2018(Xem: 9438)
12/01/2023(Xem: 3892)
28/09/2016(Xem: 25129)
27/01/2015(Xem: 26277)
Thư Ngỏ của Tỳ kheo Thích Giác Tâm Thế danh: Trương Mậu Nam Hiện trụ trì tại: Chùa La, thôn Cẩm Liên, xã Cẩm La, Tx Quảng Yên, T Quảng Ninh, nước Việt Nam Do ảnh hưởng trực tiếp từ bão Yagi quá mạnh đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh nên chùa con bị thiệt hại nặng nề. Trụ xứ chúng con có 9 chú tiểu là trẻ mồ côi con nhận cưu mang nuôi dưỡng, đang ở mái che tạm.
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
Phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ đã đến thăm Orange County và tổ chức buổi cơm chay "Gây Quỹ Xây Dựng Học Viện Phật Giáo Viên Giác tại Đức Quốc" vào thứ bảy ngày 5/10/2024 tại trung tâm Sangha, 7641 Talbert Avenue, thành phố Huntington Beach....Kiều Mỹ Duyên có buổi phỏng vấn Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Thượng Thích Thông Triết vào thứ hai ngày 7/10/2024 trên đài truyền hình VBS 57.6 cùng cô Thu Anh, chuyên viên địa ốc.