PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Trước khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Chùa Chính sáng nay, ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ đã được tụng ba lần bằng các ngôn ngữ của Cộng hòa Phật giáo Liên bang Nga - Kalmykia, Buryatia và Tuva. Sau khi quang lâm, Ngài đã chào đón các vị Lạt-ma nổi tiếng, chư khán giả và Ngài đã an toạ trên Pháp toà, ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ lại được tụng lên một lần nữa bằng tiếng Nga.
Ngài thông báo: “Để kết thúc loạt giáo lý này, hôm nay chúng ta sẽ tiến hành một buổi lễ Phát Bồ Đề Tâm. Khi nào Bồ Đề Tâm còn được quan tâm, thì chúng ta cần phải hiểu rằng chúng ta đang tìm cách để đạt được một trạng thái mà trong đó tất cả các phiền não và lỗi lầm đã được đoạn trừ, và trong đó - sự giác ngộ hoàn toàn - nhất thiết chủng trí - được thành tựu. Sự giác ngộ vô song là mục tiêu mà quý vị tìm kiếm khi quý vị phát Bồ Đề Tâm. Quý vị khao khát trở thành một vị Phật vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Trong “Nhập Trung Quán Luận” Ngài Nguyệt Xứng đã viết:
“Thậm chí những người trụ ở Bồ Tát Sơ Địa
Chế ngự những người sinh ra từ khẩu của Hàng Phục Vương
Và chư Thanh Văn nhờ vào công đức của họ tăng trưởng;
Ở Địa Bất Lai, vị ấy vượt xa họ nhờ vào trí tuệ của mình”.
Vào cuối chương thứ sáu của cùng một tác phẩm, Ngài đã viết:
“Và giống như Chúa tể Thiên nga, vượt lên trước những con chim nhỏ,
Trên đôi cánh trắng rộng của Bồ Đề Tâm tương đối và Bồ đề Tâm tối thượng;
Và trên sức mạnh của cơn gió hùng phong của đức hạnh,
Họ bay tới bờ biển xa và siêu việt - phẩm chất đại dương của Chiến thắng Vinh quang”.
Những dòng mạnh mẽ này từ ‘Nhập Trung Quán Luận’đã vang lên âm điệu xưng tán lòng từ bi trong lời cầu nguyện.
“Lòng từ bi, trí tuệ bất nhị, và Bồ Đề Tâm
Là những nguyên nhân của các bậc Bồ Tát”.
Về phương diện thực hành, lòng từ bi rất quan trọng ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. “Lời Cầu Nguyện của Đức Di Lặc” nói rằng Bồ đề Tâm là nhân tố đưa bạn tránh ra khỏi các cõi thấp, đến các cảnh giới cao hơn và cuối cùng đạt đến trạng thái bất tử - nơi mà bạn không bị sự chi phối của sự già và chết. Kể từ thời Đức Phật, các bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ đã theo Ngài tu luyện Bồ đề tâm. Đây là lý do tại sao chúng ta coi Đức Phật là vị Thầy, Pháp là nơi nương tựa thực sự và Tăng thân, giống như Ngài Long Thọ, v.v., như những người bạn đồng hành trên con đường đưa đến giác ngộ.
Để đạt được Phật quả, chúng ta cũng cần phải liễu ngộ tánh Không. Trường phái Trung Quán do Ngài Long Thọ hỗ trợ là rất quan trọng, đến nỗi Ngài Thanh Biện đã chỉ trích điều mà ông gọi là sự liều lĩnh của Ngài Vô Trước và Thế Thân trong việc hờ hững đối với chấp nhận và tuân theo nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đọc của Ngài Long Thọ, chúng ta sẽ không đạt được sự hiểu biết sâu sắc lắm. Giải quyết các thách thức được đặt ra bởi các quan điểm khác sẽ có tác dụng mở rộng và làm phong phú thêm sự nhận thức rõ ràng của mình. Nghiên cứu nhiều luận giải khác nhau sẽ có được một kết quả rõ ràng.
Ngài giải thích rằng, để tiến hành nghi thức phát Bồ Đề Tâm, bạn có thể thực hiện theo nghi thức sâu rộng được mô tả trong tác phẩm “Bồ Tát Địa” của Ngài Vô Trước, hoặc trong bản “Nhập Bồ Tát Hạnh” ngắn hơn của Ngài Tịch Thiên. Ngài gợi ý rằng hôm nay Ngài sẽ tiếp tục với bài Kệ được bắt đầu bằng: “Với mong muốn giải thoát tất cả chúng sinh …”
Ngài nói rằng Đức Phật là người đã đi trên con đường này, và Ngài đã giảng dạy từ kinh nghiệm của chính mình về cách khắc phục những cảm xúc phiền não, vô minh và những nhiễm ô còn sót lại của chúng. Bằng cách thực hành theo lời dạy của Ngài, chúng ta có thể đoạn trừ được tất cả các phiền não, vì thế Đức Phật có thể được coi là bậc Đại Đạo Sư.
Ngài hướng dẫn khán giả quán tưởng Đức Phật trong không gian trước mặt họ như một người đang sống thực thụ, được bao quanh bởi Tám môn đệ thân cận như đức Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, v.v. Bảy vị Tổ Sư như Kashyapa - những người đến sau Ngài; Mười Bảy bậc Luận Sư Nalanda - Long Thọ, Vô Trước và những đệ tử của họ; 84 Vị Đại Thành Tựu (Mahasiddhas) như Saraha và vv.
Ngài đã bàn ra ngoài lề khi đề cập đến sự khác biệt được rút ra bởi một Lạt ma ở thế kỷ 18 tên là Nyengön Sungrab giữa các giáo lý tạo thành cấu trúc chung của Phật giáo và các giáo lý chuyên biệt. Các giáo lý thuộc về Kinh điển và các tác phẩm như “Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ tạo thành cấu trúc chung mà bất cứ ai cũng có thể hành theo. Những Mật điển, như Thời Luân (Kalachakra), liên quan đến việc thực hành với các kinh mạch, khí và các giọt bindu là những giáo lý chuyên biệt dành cho các đệ tử đặc biệt.
Tiếp tục mô tả về những người được quán tưởng vân tập xung quanh Đức Phật, Ngài đã đề cập đến các Đạo sư Tây Tạng cũng như các Bậc Thầy Ấn Độ của họ: các Đạo sư Nyingma như 25 đệ tử của Đức Liên Hoa Sanh; các Bậc Thầy Sakya của truyền thống LamDre; các bậc Thầy thuộc ba dòng truyền thừa Kadampa; các bậc Thầy từ bốn truyền thống chính và tám truyền thống phụ Kagyu và các bậc Thầy của truyền thống Tân Kadampa, các Vị Gandenpas, Ngài Jé Tsongkhapa và các đệ tử của Ngài.
Những nhân vật này là những tấm gương mẫu mực đối với chúng ta về mặt thực hành các Đạo lộ sâu sắc và rộng lớn. Hãy thỉnh cầu các Ngài làm những nhân chứng chứng minh cho việc phát Bồ Đề Tâm của quý vị; bằng cách đó quý vị sẽ tạo ra được nhiều công đức và năng lượng lành mạnh. Ngài Tịch Thiên đã tóm tắt những lợi ích của việc phát Bồ Đề Tâm như sau:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình".
"Nếu con không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật con sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi con sẽ chẳng thể nào vui".
Chúng ta phải lấy Bồ Đề Tâm làm sự thực hành chính của mình. Khi tôi vào khoảng 13 tuổi, với sự khích lệ tích cực của Ngodup Tsognyi, tôi rất quan tâm đến tánh không, còn Bồ Đề Tâm thì có vẻ xa vời đối với tôi. Tuy nhiên, sau khi tôi tị nạn, và đặc biệt là sau khi tôi thọ nhận luận giải về ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ từ Khunu Lama Rinpoche, tôi bắt đầu kết hợp Bồ đề Tâm vào sự thực hành của mình. Theo thời gian, với kết quả của sự nỗ lực, Bồ Đề Tâm đã trở nên gần gũi đối với tôi. Quý vị cũng nên làm như thế. Hãy phát Bồ Đề Tâm, theo đuổi sự thực hành và những gì đã xảy ra với tôi cũng có thể sẽ xảy ra với quý vị.
Ngài yêu cầu hội chúng quỳ trên đầu gối phải của họ, và tiếp tục duy trì sự quán tưởng mà Ngài đã mô tả một cách sống động trước mặt họ, trì tụng Cầu Nguyện Bảy Phần - lễ lạy, cúng dường, sám hối, quy y, thỉnh Đức Phật và các Ngài… như những nhân chứng tri, thỉnh chuyển Pháp luân, thỉnh các Ngài trụ thế đừng nhập Niết Bàn, và hồi hướng. Sau đó, Ngài đã hướng dẫn họ đọc những câu thơ này ba lần:
"Với ước nguyện giải thoát chư chúng sanh,
Con sẽ luôn quy y về nương tựa,
Nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn,
Cho đến khi con hoàn toàn giác ngộ".
"Được thôi thúc bởi Trí tuệ và Từ bi,
Nay trước sự chứng tri của Đức Phật
Con nguyện phát khởi Tâm Bồ Đề
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh".
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Cuối cùng, Ngài khuyến khích những người tập trung trước mặt Ngài nên đọc những bài Kệ này ba lần mỗi ngày sau khi họ thức dậy vào buổi sáng và ba lần nữa vào buổi tối. Ngài giải thích về cách tu luyện Bồ Đề Tâm và đặt khát vọng giác ngộ ngay từ đầu ngày để có thể thiết lập khí thế cho cả ngày, giúp bạn có thể dành thời gian một cách có ý nghĩa để phụng sự cho tha nhân. Sau đó, vào cuối ngày, bạn sẽ rất hoan hỷ hồi hướng công đức cho lợi ích của tất cả chúng sinh.
Để kết thúc, Ngài đã đọc bài Kệ hồi hướng từ bài “Cầu nguyện Phổ Hiền”, sau đó là những dòng từ phần cuối của “Đại luận về giai trình của Đạo giác ngộ”:
"Giống như Đức Phổ Hiền thiện xảo
Với thân, khẩu, ý hoàn toàn thuần tịnh
Con nguyện xin thành tâm hồi hướng
Đến cõi lành Tịnh độ Phật Đà".
"Con xin phát khởi nguyện vọng Đức Văn Thù
Bởi đấng Bồ Tát này thực hành mọi thiện hạnh,
Để hoàn thiện những pháp thực hành này
Không nản lòng hoặc dừng nghỉ trong mọi kiếp tương lai".
"Ở những nơi giáo lý tối cao, quý báu chưa lan rộng;
Hoặc nơi được lan rộng nhưng đã bị diệt vong;
Nguyện cho con thắp sáng kho tàng hạnh phúc lợi lạc ấy
Với tâm thức tràn ngập yêu thương của lòng từ bi vĩ đại".
Trong bài giảng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng: "Để đạt được Phật quả, chúng ta cũng cần phải liễu ngộ tánh Không." Vậy Tánh không là gì và làm thế nào để liễu ngộ Tánh không, xin mời quý độc giả đọc thêm các bài dưới đây:
Hiểu Biết Về Tánh Không
Cốt Lõi Của Cội Bồ Đề - Tánh Không Là Gì?
- Từ khóa :
- Phát Bồ Đề Tâm