A. Duyên với bậc Cao Tăng
Ông có vị trí khá cao trong chùa khiến tôi lúng túng, nhưng ông biểu tôi kêu anh, xưng em. Ông nói: “Em kêu dòng nước hay dòng sông. Nếu em thích nước, kêu gì em cũng muốn tắm, bơi trong đó. Nếu em không ưa, kêu gì em cũng muốn tránh xa!”.
Ông nói câu này ông học từ thầy của ông, thầy Thích Thiện Hoa. Sau đó, tôi có duyên quy y với thầy Thích Thiện Hoa. Một lần ông dẫn tôi vào gặp hòa thượng.
Mười sáu tuổi, học hỏi lung tung, kiến thức lộn xộn, trước những câu hỏi khuyến khích của bậc cao tăng tôi nhắc nhiều chuyện mà bây giờ nhớ lại còn thấy vui vui, trong đó có chuyện Tạ Tốn với phân bò thảy đều hư ảnh (từ Ỷ Thiên Đồ Long Ký).
Sau gần một tiếng đồng hồ lắng nghe, thầy nói hai điều:
1. Muốn gần Phật, hãy gần Người. Gần cái tinh túy nhất của Người, nghĩa là cái đơn giản nhất.
2. Cây bần, bến sông luôn sẵn đó. Tới khi có Người mới thành Quê Hương! Hiểu Đạo cũng nên hiểu như vậy.
Lúc đó tôi mơ hồ một ý nghĩa cao sâu, nhưng cũng không hiểu gì hết. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao thầy nói câu đó với một người còn rất trẻ. Chỉ biết rằng sau này, thỉnh thoảng, đem hai điều đó ra xem lại, như nhìn vào tấm kiếng soi, mỗi lần nhìn thấy gương mặt mình được phản chiếu khác nhau.
Vài năm sau, khi thầy Thích Thiện Hoa đã mất, tôi mới biết thầy là một bậc cao tăng được kính mộ vì góp công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo.
B. Diễn biến của không khí Thiền môn
Câu chuyện chùa Ba Vàng hổm rày gây nhiều dư luận. Mục Cà phê Chủ Nhật của báo Tuổi Trẻ, ngày 24-3-2019, cho rằng đó là “lễ hội của ma quỷ” “quấy phá chùa chiền, làm hại chúng sinh”. Không đọc nhiều kinh sách Phật, tôi không dám bàn về sanh diệt, về uẩn căn... Chỉ xin nói về cảm nhận của mình, một người thế tục tắm mình trong không khí Phật giáo truyền thống và thờ kính ông bà, khi tới những ngôi chùa như vậy.
Nhìn chung, khá nhiều chùa, cả những chùa nổi tiếng hiện nay, không cho tôi tâm hồn thư thái, an vui. Tới những ngôi chùa đó, cảm nhận đầu tiên là sự giàu có bạc tiền. Chính điện rộng, cột to bóng loáng và đèn sáng trưng. Bãi đậu xe sang xếp đuôi dài trong đó có những xe bảng xanh. Do đó cảm nhận thứ hai là uy thế, không phải từ vẻ tinh tấn trang nghiêm của Phật pháp mà uy thế của tài quyền chen lẫn quan quyền và thậm chí hắc quyền.
Cảm nhận thứ ba là sự phô trương, trình diễn và cùng với đó là sự hời hợt và giả tạo về ý nghĩa tâm linh, đạo pháp. Trống rỗng! Cảm nhận tiếp theo là sự tranh giành, lôi kéo nhau trong vòng tục lụy. Giữa nhang khói mịt mờ, người ta chen chúc khấn nguyện buôn may bán đắt, cầu xin thủ đắc các điều lợi rất trần tục, hay thậm chí rất xôi thịt.
Cảm nhận tiếp theo là chậm tiến. Các dãy bàn gỗ nguyên khối dầy vài tấc, rộng trên thước rưỡi, dài ba bốn thước. Ghế cũng vậy, ghép từ từng khối gỗ lớn đồ sộ, uy nghi! Bên ngoài cửa chùa hàng dài lồng chim chồng chất bán cho khách phóng sinh, hàng dài cửa hàng nhang đèn, đông đảo đoàn người đeo bám chèo níu mời mua... Toàn là đi ngược ý nghĩa nhân văn tiến bộ!
Trở về thời xa, từ những năm 1972-1973 tôi đã thăm viếng nhiều chùa ở các vùng Biên Hòa, Long Thành, Bà Rịa, Mỹ Tho, Cần Thơ... Mỗi chùa, sau khi vào chính điện thắp nhang, cúng Phật, tôi ra sân dạo quanh chùa, xem cổ tháp ẩn mình giữa thiên nhiên, ngồi trên ghế đá hay trên gốc cổ thụ ngắm cỏ hoa, nghe gió thổi, ve kêu. Có khi nhẹ nhàng thả bước cùng đôi vị khách thập phương mến cảnh, mộ ánh đạo vàng. Có khi dùng một thời cơm trưa rồi nói chuyện với nhà sư bên cửa sổ...
Dù không rành kinh sách, lòng vẫn lâng lâng mùi đạo, nghe nhẹ đi sầu khổ của chúng sanh, tự nhiên biết xa dần tham muốn sân si... Bước ra khỏi những ngôi chùa chánh pháp, dù còn vướng chân vòng tục lụy, người ta cũng dễ sống hòa ái, chân thành, tốt bụng, tử tế trong đời thường cũng như đời nghề nghiệp... Thời đó, nhiều ngôi chùa đều như thế, phát khởi thiện tâm trong mỗi người tới viếng...
C. Những sợi dây liên lạc
Trong vòng vài chục năm qua, cùng lúc với những diễn biến của không khí Thiền Môn nói trên, trong xã hội có những vận động khác...
Bạo lực xảy ra trong mọi môi trường sống và hoạt động: bạo lực đường phố, bạo lực trường học, bạo lực bệnh viện, bạo lực chốn công quyền...
Tham nhũng tràn lan mà thí dụ về lĩnh vực và độ lớn của nó có lẽ không cần phải nhắc lại.
Một phần rất lớn của xã hội lạc bước vào mê tín. Cứ xem cách họ cúng bái và chen nhau giành giật cúng bái đình chùa, lễ hội... Cứ xem những điều họ cầu xin giữa mù mịt khói nhang. Cứ nhìn họ tin vào và vái lạy những thầy cúng giải vong, trục vong hay cúng những điều nhảm nhí khác...
Lịch sự, hiền lương, chân thật, nhân từ lần lần bị lấn át bởi thô bạo, bất lương, dối trá, tàn ác... Có thể nói nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn.
Nói một cách khoa học, khi các hiện tượng cùng lúc có tần số xảy ra gia tăng đáng kể (tứ có ý nghĩa), chúng có liên quan nhân quả, xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp với nhau, hoặc chịu cùng nguyên nhân giống nhau. Trong các vận động kể trên, đâu là hậu quả, đâu là nguyên nhân? Đâu là nguyên nhân gốc?
Trong khi chờ được hiểu thêm về các mối liên hệ nhân quả đó, chờ nghe thêm tiếng nói các người hiểu biết và quan tâm, vụ lùm xùm chùa Ba Vàng xảy ra. Cách chùa lôi kéo Phật tử; cách chùa thu tiền Phật tử, cách chùa phản ứng lại các góp ý... càng minh họa và khẳng định thêm các cảm nhận và nhận định về hiện trạng sa đọa và bế tắc hiện nay! Khẳng định thêm rằng đạo Phật thật sự cần tiến hành một cuộc chấn hưng. Trong ý nghĩa đó, bài viết có tựa Cám ơn chùa Ba Vàng!
(https://www.thesaigontimes.vn/286672/cam-on-chua-ba-vang.html)
- Từ khóa :
- Cám Ơn
- ,
- chùa Ba Vàng