VỀ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM
Nguyễn Hữu Đức
Mới đây, tôi đọc tin trên báo và thấy lòng mình phấn khích. Tin trên báo cho biết, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã có buổi thuyết trình, chia sẻ với chủ đề “Bạn đang nghịch gì với đời mình?”. (Báo Tuổi Trẻ ngày Thứ Bảy 23-2-2019, mục Sổ tay: Hãy là chính mình).
Là giảng viên nên diễn giả thu hút nhiều người là sinh viên trẻ tuổi đến nghe. Nhưng điều làm tôi vui mừng phấn khởi là những gì diễn giả truyền đạt lại lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên với chủ đề của tác giả là nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti. Krishnamurti là tác giả của nhiều tác phẩm tôi đã đọc và có cảm nhận như rất nhiều người khác là “những gì Krishnamurti rao giảng hiện nay và những lời Đức Phật dạy từ hơn 2.500 năm trước là rất giống nhau”.
Học giả Phật học, cao tăng Walpola Rahula đã phát biểu: “Đối với những người am hiểu khá thấu đáo về Phật giáo, thì tư tưởng giáo pháp của Krishnamurti là quen thuộc, không có điều gì mới, khác lạ với những gì Đức Phật dạy. Lời Phật hơn 2.500 năm trước, giờ đây, được Krishnamurti trao truyền và trình bày với một phong cách, ngôn từ mới lạ và độc đáo”. Dựa vào ý tưởng trong sách của Krishnamurti, TS. Dương Ngọc Dũng đã có những lời khuyên phù hợp với giáo lý Phật giáo như “Các bạn hãy là chính mình… Đừng đi theo những giá trị hào nhoáng nhất thời, điều đó sẽ không mang lại cho các bạn hạnh phúc. Là chính mình, bạn luôn coi chừng cái “tôi” luôn thôi thúc bạn lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi từ trong ý thức và vô thức, luôn tìm đến sự an toàn bằng hành vi vô mình, lầm lạc, đầy ảo tưởng. Do tác động từ môi trường bên ngoài và thôi thúc của cái “tôi” bên trong mà chúng ta tự tạo ra những cuộc ganh đua giả tạo, hay so sánh mình với người khác và điều đó cản trở chúng ta phát huy những tiềm năng thật sự vốn có của bản thân”.
Cũng đọc từ sách của Krishnamurti, diễn giả cho rằng “Mục tiêu của giáo dục không phải tạo ra những nhân viên, công chức làm việc một cách máy móc trong những hệ thống, mà là những con người thống nhất trong suy nghĩ, sở hữu năng lực, sự khôn ngoan và không chút sợ hãi”. Mục tiêu của giáo dục vừa kể, tuy không nói ra, nhưng theo Krishnamurti chính là hình thành những con người “tỉnh thức”, hay nói theo Phật giáo những con người “chánh niệm”.
Cũng mới đây, tôi đọc được hai bài báo (đăng trên Thế giới Tiếp thị số 7 (246) từ ngày 13 -19-2-2019) mà chỉ đọc qua tựa đề tôi lại cảm thấy phấn khích quá đỗi. Bài thứ nhất có tựa “Có nên đưa mindfulness vào trường học?”, bài báo thứ hai có tựa “Tỉnh thức là chìa khóa của hạnh phúc”. Mindfulness chính là tỉnh thức hay chánh niệm. Bài báo thứ nhất có nêu định nghĩa mindfulness từ Pschology Today.com “Mindfulness là một trạng thái của hoạt động con người khi mà họ chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại. Khi bạn ở trạng thái này, bạn sẽ biết cách tách biệt khỏi cảm xúc và lý trí để đánh giá sự vật, sự việc một cách khách quan, không phán xét tốt, xấu”. Bài báo cũng cho biết, mindfulness, dưới đây sẽ gọi là chánh niệm) đã được nghiên cứu ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ và trở thành chương trình học và thực hành trong các doanh nghiệp. Ở Anh, 370 trường học đưa chánh niệm trở thành môn học chính thức. Còn tại Việt Nam, chánh niệm đang được các tổ chức (dự án HappySchool, All-Live and Learn, Tomato Education…) các nhà giáo dục nghiên cứu, xây dựng chương trình môn học và đưa vào trường học.
Còn bài báo thứ hai cho biết trong hai thập niên qua, phương pháp chánh niệm ngày càng phổ biến hơn tại Hoa kỳ. Tổ chức Mindful School tại Oakland, bang California cho biết đã tập huấn cho hơn 25.000 giáo viên từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đối với trẻ con, phương pháp chánh niệm dùng các trò chơi dễ học, dễ nhớ dạy trẻ quán “tứ niệm xứ” gồm thân, thọ, tâm, pháp, giúp trẻ thoát khỏi cái khuôn mẫu là mỗi khi “thiền” là cứ phải kiếm chỗ yên tĩnh, nhắm mắt, tréo chân.
Chánh niệm là gì?
Theo quan điểm của Phật giáo, thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường rất có giới hạn và đang bị giới hạn bởi những tập quán hành động máy móc vô ý thức. Nói chính xác hơn thì trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng - mộng thức, chứ không là của một người tỉnh thức. Thực tập chánh niệm là nhằm đánh thức chúng ta dậy từ giấc mộng thức này, và giúp thân-tâm chúng ta luôn bên nhau đúng với sự sống thật, để rồi từ đó chúng ta mới có thể sử dụng được hết mọi khả năng của ý thức cũng như tiềm thức nơi chính mình.
Cũng theo đạo Phật, chánh niệm còn được gọi là trái tim của thiền quán. Sức mạnh của chánh niệm nằm ở chỗ ta biết thực hành và áp dụng nó. Chánh niệm có nghĩa là chú ý theo một đường lối đặc biệt: có mục đích, ở trong giây phút hiện tại và không phán xét. Sự chú ý này sẽ nuôi dưỡng một ý thức rộng lớn, sáng tỏ và biết chấp nhận thực tại. Chánh niệm đánh thức ta dậy để nhận thấy sự thật rằng sự sống của ta chỉ có mặt trong giây phút hiện tại này mà thôi. Nếu chúng ta không có mặt trọn vẹn trong những giây phút ấy, ta không những bỏ qua những gì quý báu nhất trong đời mình, mà còn không thể nhận diện được sự giàu có và thâm sâu của những cơ hội có thể giúp ta trưởng thành và chuyển hóa. Thầy Thích Nhất Hạnh có viết: “Chánh niệm rất cụ thể. Khi chú ý tới hơi thở là ta đã có chánh niệm rồi. Thở vào, ta chú ý tới hơi thở vào từ đầu cho tới cuối và nhủ thầm “vào”. Thở ra, ta chú ý tới hơi thở ra từ đầu cho tới cuối và nhủ thầm “ra”. Với hành động đơn giản ấy, thân tâm ta hợp nhất và ta sẽ thực sự có mặt. Chánh niệm cũng có thể có mặt trong một bước chân. Những lúc bạn bước đi, hãy đầu tư một trăm phần trăm vào mỗi bước chân và nhớ kết hợp bước chân với hơi thở một cách tự nhiên… Chỉ hoàn toàn chú tâm vào bước chân và hơi thở. Thực tập này rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Nhờ bước chân chánh niệm, hơi thở chánh niệm mà ta có thể trở về với tự thân, thực sự có mặt và tỉnh thức”.
Chánh niệm là sự tỉnh giác, là sự chú tâm đến những gì đang xảy ra nơi ta trong giây phút hiện tại, một cách vô tư không phê phán hoặc so sánh. Chánh niệm là không bị mê đắm bởi những trạng thái tâm tốt và không cố gắng lẩn tránh những trạng thái tâm không tốt, cũng không đeo bám theo sự dễ chịu hay trốn chạy cảm giác khó chịu. Đây cũng là một phương cách giúp ta làm chủ lại được đường hướng và phẩm chất của đời mình, trong đó có những mối tương quan của ta trong gia đình, ngoài xã hội, rộng hơn nữa là với thế giới và trái đất này, và căn bản hơn hết là với chính ta, như một con người.
Thói quen đem hy sinh giây phút hiện tại này cho một sự kiện nào đó chưa xảy ra, đẩy ta thẳng vào thế giới của thất niệm, và từ đó ta không còn ý thức được màng lưới rối rắm nối liền mọi sự sống với nhau nữa. Theo bài báo thứ hai nêu trên, hậu quả của việc mất chánh niệm (còn gọi là thất niệm) khiến con người bị điều kiện hóa để tạo một nền giáo dục vong thân, một hệ thống truyền thông gian trá.
Cũng theo Phật giáo, điểm quan trọng nhất là ta phải biết trở về với chính mình, chứ không nên cố gắng trở thành một cái gì khác hơn là mình. Đạo Phật dạy cho ta biết tiếp xúc với tự tánh của ta và để cho nó hiển lộ ra một cách không ngăn ngại. Có nghĩa là ta phải tỉnh thức, thức dậy và nhìn thấy sự vật như chúng thật sự như vậy. Thật ra chữ Buddha, Phật, có nghĩa là một người tỉnh thức, một người đã thấy được tự tánh của mình, một người thường xuyên có mặt trong chánh niệm.
Thực tập chánh niệm không hề xung đột với bất cứ một tín ngưỡng hay một truyền thống nào khác - cho dù đó là tôn giáo hoặc khoa học - và nó cũng không đòi hỏi ta phải tin vào một hệ thống tư tưởng hoặc một chủ nghĩa nào hết. Chánh niệm chỉ đơn giản là một phương pháp cụ thể giúp ta tiếp xúc được với chính mình một cách trọn vẹn hơn, qua một quá trình tự quán chiếu, tự xét soi và hành động có ý thức. Nền tảng của chánh niệm phải là lòng từ bi, hiểu biết và nuôi dưỡng. Ta có thể nghĩ đến chánh niệm như là lòng nhân từ.
Thực tập chánh niệm không phải dễ
Trong tu thiền, bạn đặt sự chú tâm của mình vào một đối tượng nào đó, thiết thân nhất là chọn hơi thở làm đề mục chú tâm. Chú tâm đơn thuần là đang nhận biết luồng hơi đi vào cơ thể, luồng hơi đi ra khỏi cơ thế. Thế nhưng chú tâm một cách trọn vẹn vào đối tượng không hề dễ dàng đối với người mới thực hành, vì tâm ưa duyên theo các ý tưởng khác đi lang bạt kỳ hồ trong thế giới tâm tưởng.
Có những lúc ta rất muốn lòng ta lắng xuống, tâm ta dứt hẳn những dòng ý tưởng cứ lăng xăng tuôn ra mãi không thôi. Như vào một buổi sáng sớm, mọi vật còn đang chìm trong giấc ngủ mà ta đã thức dậy. Ta còn nằm im hoặc ngồi bất động, những mong đắm chìm trong cõi tĩnh lặng, lắng nghe được sự yên tịnh kiểu như nghe được “tiếng vỗ của một bàn tay” thế mà ta có lặng yên được đâu. Thân ta lúc đó đúng là bất động, chung quanh cũng dường như bất động vì mặt trời còn ngủ yên để cho bóng tối tràn ngập, vây phủ mọi vật mọi nơi. Nhưng tâm ta thì ôi thôi, các ý tưởng cứ làm xàm mãi không dứt. Hết nghĩ điều này đến điều khác. Tưởng chừng ta không thể nào có được chánh niệm dù trong giây lát.
Có những lúc ta thấy cần phải chánh niệm tức không suy nghĩ vẩn vơ, không để quá khứ ràng buộc cũng như tương lai lôi kéo, mà nhìn thấu, lắng nghe mọi sự như chúng đang là trong hiện tại. Cần có chánh niệm vì như thế mới mong giải thoát khỏi sự ham muốn, bám chấp, ích kỷ của cái “ngã” được tạo ra do sự suy nghĩ, tư tưởng vẩn vơ đó. Rõ ràng chánh niệm sao mà khó vậy!
Ngày nay, khoa học về não bộ đã chứng minh thiền định có thể giúp chuyển hóa, biến đổi của hoạt động não bộ. Như người ta đã dùng kỹ thuật chẩn đoán MRI tiên tiến để chứng minh thiền định giúp con người chế ngự sự đau đớn hoặc có trạng thái an nhiên tự tại với hình ảnh thay đổi những vùng trên não bộ rõ ràng. Chánh niệm sao quá khó chỉ vì con người không biết “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (“Vô tâm trước cảnh, chớ hỏi ”, thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông) đó thôi.
Nguyễn Hữu Đức | Văn Hóa Phật Giáo Số 320 ngày 01-05-2019
Thư Viện Hoa Sen
Bài đọc thêm:
Phương Pháp Thực Tập Chánh Niệm
Ngôi Nhà Chánh Niệm
- Từ khóa :
- thực hành
- ,
- chánh niệm