CHÙA TU VÀ CHÙA DU LỊCH
Thích Trung Hữu
Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề có nên xây chùa to, rồi trong chùa to đó có Phật hay không? Có ý kiến thì đồng tình và cũng có ý kiến phê phán, tùy theo góc nhìn của mỗi người. Sở dĩ có những ý kiến trái chiều nhau như vậy là vì chúng ta không phân biệt được giữa chùa tu và chùa du lịch.
Chùa tu là những ngôi chùa được tạo dựng để cho người tu, tức tăng ni ở và tu tập. Đối với loại chùa này thì chùa lớn nhỏ, đẹp xấu không quan trọng vì những người ở đó chỉ coi chùa là phương tiện che nắng che mưa, là nơi để họ có thể sống và hành trì tâm linh với mục đích giác ngộ giải thoát. Chùa tu có thể là một am tranh của vị ẩn tu, một ngôi chùa nhỏ với vài thầy trò, mà cũng có thể là một đạo tràng có thể chứa đến vài trăm hành giả như đạo tràng niệm Phật của Tổ Huệ Viễn ở Lư Sơn, đạo tràng thiền tông của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở Hoàng Mai hay những đạo tràng tu học hiện nay ở Việt Nam như Đại học Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM…
Còn chùa du lịch là gì? Đó là những ngôi chùa do các doanh nhân đầu tư xây dựng với mục đích không phải để tu hành mà là để tham quan mà mọi người hiện nay quen gọi là du lịch tâm linh. Thật ra loại hình chùa du lịch hay du lịch tâm linh chỉ mới xuất hiện gần đây, chứ còn trong quá khứ thì chùa chỉ có một mục đích duy nhất là tu hành mà thôi. Đối với loại hình chùa du lịch thì hình thức là quan trọng vì để thu hút du khách đến tham quan. Ưu điểm của chùa du lịch là nó được đầu tư lớn. Cho nên cơ sở vật chất của nó là tối đa. Vào tham quan các ngôi chùa du lịch, du khách sẽ chiêm ngưỡng được những công trình đồ sộ, kiến trúc đẹp mắt cũng như các loại hình kiến trúc, lịch sử, văn hóa gắn liền với Phật giáo.
Một câu hỏi mà mọi người luôn đặt ra là trong những ngôi chùa du lịch đó có Phật (theo nghĩa tâm linh) ngự không? Tôi cho rằng “không”. Chùa du lịch chỉ để phục vụ du lịch. Đó là một hình thức kinh doanh để thu lợi nhuận như bao nhiêu hình thức kinh doanh khác. Cho nên khi đến đó, du khách sẽ phải trả phí như ở những khu du lịch khác. Đây là điều bình thường, vì thật ra du khách đến đó cũng đâu phải để tu, để tìm Phật, mà là để tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu và vui chơi giải trí (một cách lành mạnh). Còn những ai muốn tu học, muốn tìm Phật thì phải đến những ngôi chùa tu, nơi mà có chư tăng và thiện nam tín nữ đang hành trì theo truyền thống Phật giáo.
Như vậy thì đã quá rõ ràng. Tùy theo nhu cầu và mục đích của mỗi người mà họ đi đến chùa tu hay chùa du lịch. Và nếu như đối với chùa tu, hàng Phật tử có quyền lựa chọn ngôi chùa nào thích hợp với căn cơ của mình thì đối với chùa du lịch cũng vậy, du khách có quyền đến đó tham quan hoặc không nếu như mình không thích kiểu dịch dụ ở đó. Vậy thì có gì đâu mà phải phàn nàn, kêu ca? Chúng ta cần cả hai loại chùa tu và chùa du lịch. Vì mỗi loại đều có cái đặc sắc riêng. Chúng ta cần những nơi tu học theo truyền thống như là linh hồn của Phật giáo và cũng cần những ngôi chùa đồ sộ để thể hiện bộ mặt của Phật giáo. Nếu không có những ngôi chùa lớn như Bái Đính, tam Chúc… thì làm sao tổ chức được những hội nghị quốc tế hàng chúc ngàn người tham dự? Và khi chúng ta đi du lịch các nước, chúng ta cũng tìm đến những công trình đồ sộ như Vạn lý trường thành ở Trung Quốc, tháp Eiffel ở Pháp, đồng hồ Big Ben ở Anh, tượng nữ thần Tự do ở Mỹ, tòa thánh Vatican ở Ý… để tham quan, tìm hiểu và vô cùng thán phục trước sự hùng vĩ của chúng. Vậy thì tại sao ta lại phản đối những công trình hùng vĩ của nước ta chứ? Du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, họ cũng sẽ tìm đến những ngôi chùa đồ sợ này để tham quan và chắc chắn rằng họ cũng sẽ trầm trồ thán phục người Việt Nam như người Việt Nam thán phục những công trình ở các nước vậy.
Vấn đề ở đây là du lịch tâm linh hoàn toàn giống hay có gì khác với các loại hình du lịch khác? Tôi nghĩ rằng có chổ khác. Khác ở chổ tâm linh, mà cụ thể ở đây là tâm linh Phật giáo. Du lịch tâm linh không hoàn toàn là chuyện kinh doanh để thu lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà nó còn là một hình thức để truyền tải thông điệp văn hóa và tôn giáo. Cho nên nếu như ở các loại hình du lịch khác, người làm du lịch sẽ tìm mọi cách, kể cả gian lận để moi tiền du khách theo nhiều kiểu khác nhau thì người làm du lịch tâm linh phải đặt vấn đề tâm linh lên trên lợi nhuận. Nghĩa là chúng ta làm du lịch chủ yếu để truyền bá Phật pháp. Thông qua việc tham quan các ngôi chùa, du khách sẽ được tiếp cận Phật giáo cũng như những giá trị tâm linh cao quý của tôn giáo này. Còn nếu như không thể làm được điều đó thì người làm du lịch tâm linh cũng phải ít nhất là thực hiện được “Chánh mạng” trong kinh doanh, tức là kinh doanh một cách chân chánh, không gian lận.
Nếu người làm du lịch tâm linh có thể kinh doanh một cách chân chánh với ý muốn giới thiệu Phật pháp cho mọi người thì họ sẽ được phước vô lượng. Ngược lại, bất chấp đúng sai để thu lợi nhuận, làm cho du khách và mọi người có cái nhìn xấu về Phật giáo thì họ cũng sẽ rước tội vô biên. Những người làm du lịch tâm linh mà không chân chánh thì có khác gì bôi nhọ Phật pháp, buôn thánh bán thần, làm cho mọi người có cái nhìn không thiện cảm với Phật giáo. Đối với những trường hợp như vậy, thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền can thiệp để bảo vệ Chánh pháp, bảo vệ uy tín của đạo Phật.
Thích Trung Hữu
Bài đọc thêm:
Cuộc đua xây chùa, dựng tượng và đế chế kinh doanh tâm linh ở Trung Quốc
Sự suy tàn và sụp đổ của Phật Giáo Trung Quốc
Công đức - chuyện một dòng tiền không kiểm toán
Ma Trận Dịch Vụ Khi Đến Chùa Bái Đính, Không Có Tiền Đừng Mong Lễ Phật
Đền Chùa Thái Lan : Cỗ Máy Kiếm Tiền Trong Tầm Ngắm Của Chính Phủ
Việt Nam: Xây chùa ‘hoành tráng’ là tốt hay xấu? (Ben Ngô | BBC & TT. Thích Nhật Từ)
Ma Trận Dịch Vụ Khi Đến Chùa Bái Đính, Không Có Tiền Đừng Mong Lễ Phật (Vũ Phương)
Đại gia xây chùa, thiên tài kinh doanh siêu lợi nhuận | Trần Phương (giaoduc.net.vn)
Xây chùa và xây đạo tràng (Nguyên Giác)
Có nên xây chùa đồ sộ? (Đào Văn Bình)
- Từ khóa :
- Chùa tu
- ,
- chùa du lịch