TƯỞNG VÔ THƯỜNG, TƯỞNG VÔ NGÃ,
THOÁT MỌI KHỔ ĐAU
Tâm Tịnh cẩn tập
Thế giới ngày nay đang trở nên điên đảo do loạn tưởng. Tưởng rằng kinh tế phát triển, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc khi chính phủ chủ trương cho phép người dân đốt rừng Amazon, lấy đất trồng cỏ nuôi gia súc. Nào ngờ, hàng chục ngàn hecta rừng bị tàn phá vì ‘lửa tham’ của con người, giết hại vô số hữu tình, tàn phá hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, khiến cả thế giới quan ngại về hiện trạng nghiêm trọng của ‘lá phổi’ Trái Đất. Tưởng rằng những cuộc chạy đua vũ trang, những cuộc thử nghiệm tên lửa mang lại bình an cho đất nước, nào ngờ khiến dân tình sống trong cảnh đói nghèo, thế giới bất an, sống trong căn thẳng và nỗi sợ hãi thường trực của sự hủy diệt…. Về mặt cá nhân, tưởng đây là sắc thân của mình, tưởng rằng quan kiến của mình là đúng, là hợp lý, là ưu việc, bác bỏ luận điểm, hoặc không tôn trọng quan kiến của người khác, cho nên xảy ra xung đột, đấu tranh khắp đó đây. Rõ ràng thế giới đang hỗn loạn vì ‘cái tưởng’ sai lầm của các cá nhân. Chính vì tưởng điên đảo này mà khiến hữu tình ngay trong kiếp này chịu nhiều khổ nạn mà vô lượng kiếp thay hình đổi dạng trong sáu nẻo luân hồi, nhất là tam ác đạo. Nhưng, không biết rằng tưởng vô thường, tưởng vô ngã, không có tự tánh. Ai thường quán tưởng vô thường, tưởng vô ngã, thì sẽ được giải thoát mọi ách nạn, niết bàn ngay trong hiện tại, như lời Phật dạy trong nhiều bài kinh của Nikàya và Hán tạng.
Trong Kinh Phật Tự Thuyết trong Tiểu Bộ Kinh Nikàya, Đức Phật dạy:
Vô thường tưởng cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn: tôi là. Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, Niết-bàn ngay trong hiện tại.
(Nikàya, Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phật tự thuyết, Chương 4, Phẩm Meghiya, (I) Udàna 34 https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt2.htm)
Lại nữa trong Tăng Nhất A-hàm, Thế Tôn cũng khuyến tấn chư tỷ kheo nên tu tưởng vô thường, thì sẽ an ổn mọi khổ ách, giải thoát, niết bàn.
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nên tu tưởng vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái dục giới, ái sắc giới, ái vô sắc giới, đoạn hết vô minh, đoạn hết kiêu mạn. Ví như đốt cháy cây cỏ, dẹp trừ sạch hết. Đây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường thì đoạn trừ hết tất cả kiết sử. …Như thế, các Tỳ-kheo! Hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 31.Tăng thượng, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.189)
Tưởng rằng sắc thân này của mình, mắt, tai, miệng, lưỡi vv là của mình, nên chấp thủ sắc ‘pháp’, vì thế nên khổ đau muôn đời vạn kiếp. Bài kinh số 35 của Trung Bộ Kinh, Thế Tôn dạy chư tỷ kheo tất cả sắc pháp cho đến thọ, tưởng, hành thức đều vô thường. Tất cả được quán như chơn như sau cái này không phải là tôi, cái này không phải của tôi, cái này không phải tự ngã của tôi, thì chứng được vô chấp thủ giải thoát như đoạn kinh văn sau:
Cho đến mức độ nào, này Tôn giả Gotama, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, các mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được chánh trí giải thoát?
-- Ở đây, này Aggivessana, Tỷ-kheo đối với bất cứ sắc pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các sắc pháp, sau khi như thật quán sát với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", chứng được vô chấp thủ giải thoát. Đối với bất cứ thọ nào... bất cứ tưởng nào... bất cứ hành nào... đối với bất cứ thức nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các thức, sau khi như thật quán sát với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", chứng được vô chấp thủ giải thoát. Cho đến mức độ này, này Aggivessana, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, các mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được chánh trí giải thoát.
(Kinh Trung Bộ, 35 Tiểu Kinh Saccaka- Hòa Thượng Thích Minh Châu)
Lại nữa, khổ đau cũng tưởng là của mình, nhưng đau ngờ khổ đau không phải của mình vì an lạc và khổ đau, cả hai đều vô thường. Cảm thọ khổ đau ngay trước lúc bỏ thân mạng là một sự cảm thọ tột cùng của thân mạng, do tưởng cái khổ này là của mình, nên chúng sanh phải sinh tử, tử sinh trong lục đạo. Đức Phật khai thị và hướng tâm cho các tỷ kheo hay cư sĩ trước lúc lâm chung cách đoạn thân kiến bằng cách chú tâm và rõ biết đang cảm thọ tận cùng sức chịu đựng của sinh mạng, và để cho tất cả cảm thọ trở nên thanh lương, thì sẽ đoạn tất cả các lậu hoặc, và giải thoát, vô dư niết bàn như một trong nhiều bài kinh Nikàya trong Tương Ưng Nhân Duyên như sau:
Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng”. Vị ấy biết: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên”.
Này các Tỷ-kheo, ví như một người từ trong lò nung của người thợ gốm lấy ra một cái ghè nóng và đặt trên một khoảng đất bằng phẳng để sức nóng ở đấy được nguội dần, và các miếng sành vụn được gạt bỏ một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng”. Vị ấy biết: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên
(Tương Ưng Bộ, chương 12: tương ưng nhân duyên, vi: phẩm cây 63. Tư Lường)
Rõ ràng nhất thiết pháp không như thật tướng, chỉ do nhân duyên mà có, tưởng điên đảo mà sinh, như Phẩm 14 An Lạc Hạnh trong Kinh Pháp Hoa như sau:
Vị đại Bồ-tát quán sát "Nhất-thiết, pháp không như thật tướng" chẳng điên-đảo, chẳng động, chẳng thối, chẳng chuyển, như hư-không, không có thật-tính, tất cả lời nói phô dứt, chẳng sinh, chẳng xuất, chẳng khởi, không danh, không tướng, thực không chỗ có, không lường, không ngằn, không ngại, không chướng, chỉ do nhân-duyên mà có, từ điên-đảo mà sinh cho nên nói, thường ưa quán-sát pháp-tướng như thế đó gọi là "chỗ thân-cận" thứ hai của vị Đại Bồ-tát. (tr. 293: Kinh Pháp Hòa Hòa Thượng Thích Trí Tịnh).
Vì thế, nên thường tu tập quán tưởng vô thường, quán tưởng vô ngã, để đoạn tham ái, diệt trừ mọi gốc rễ phiền não, cứu cánh giải thoát.
Nguyện đem công đức này
Hướng về tất cả chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh cõi Cực Lạc
Tâm Tịnh
https://www.tuhoa-cicg.com/stories
Bài đọc thêm:
Hãy ăn chay để cứu lấy rừng Amazon
Ăn Chay Bảo Vệ Môi Trường Sinh Thái - Tâm Diệu
Ăn Chay Vì Môi Trường
- Từ khóa :
- Tưởng vô thường
- ,
- tưởng vô ngã
- ,
- thoát mọi khổ đau