Thư Viện Hoa Sen

Quên và nhớ

25/09/20191:02 SA(Xem: 9255)
Quên và nhớ
QUÊN VÀ NHỚ 
Chân Hiền Tâm 

hoa senTôi đi ca về thì ông ba mất. Nhanh chóng và không đau đớn. Nét mặt bình thản an vui.

Tôi không biết gì về nghi lễ cúng kiếng, chỉ làm những gì có thể làm cho ba chồng. Nắm tay ông, nói những gì cần nói. Và theo xe cứu thương đưa ông về nhà. Đó là cơ hội để tôi có thể niệm Phật hồi hướng cho ông. Cũng hồi hướng công đức có được trong ba đời, nguyện ông ra đi thanh thản và vào được chốn an vui.

Cảnh vợ chồng thui thủi với nhau, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, không phải vài ba năm mà đến bảy tám chục năm, lâu và quen đến nỗi ông vào bệnh viện bà cũng vào theo, bà vào bệnh viện, ông ở nhà không yên, nhiều thứ thân cận và quen đến phát mệt, vậy mà giờ ông ra đi, không nói tiếng nào, lệ bình thường nhất định bà sẽ có chuyện để mình phải lo. Nhưng không, chẳng có chuyện gì xảy ra. Bà cũng chẳng đòi vào viện thăm ông. Có biết ông đi viện đâu mà đòi. Quên!

Sau này bà quên nhiều thứ. Có khi còn chẳng nhận ra ông. Nói “Ông nào vô nhà nằm đó. Mà thôi tội. Để cho ở nhờ”. Quên đến mức chẳng nhận ra mình đã ăn cơm, hỏi tới hỏi lui mấy bận. May là con cái hiếu hạnh lo cho đầy đủ, không thì tội lắm. Quãng đời cơ cực ngày xưa, lội suối băng sông lo cho chồng con, giờ cũng nhận được cái hậu, con cái lo cho chu tròn mọi thứ.   

Quên vậy nên không nhận ra người thân của mình vừa mất, không thấy đau buồn. Chỉ như đứa bé, không biết những gì đang xảy ra trong gia đình dù khá nghiêm trọng.

Khổ cái, quên không phải thường quên. Vì quên này cũng bị vô thường chi phối. Quên nhiều, nhớ thì không bao nhiêu, nhưng có nhớ. Khi nhớ lại hỏi “Ông tui mô?”. Thì không thể giấu. Nhớ rồi mà không nói thật lại trách “Sao nhà đây không về mà lại đi đâu?”, trách theo kiểu hờn giận, bực bội. Mình sợ cái trách ấy lưu vào tạng thức, mang dấu ấn cho những kiếp sau thì tội cho ông. Tự nhiên chuyện đang không lại hóa có thì không được, nên không thể giấu. Với lại, con cháu cũng không đành lòng. Không thể không cho bà biết cái đám tang đó là của ông. Ông đang nằm trong cái hộp bằng gỗ kia, hình ông đang trên bàn thờ kia… không thể không cho khi bà đang chứng kiến đó. Cũng không muốn bà hối tiếc vì sao ông mất mà không cho bà biết khi bà vẫn còn lúc nhớ, chưa hẳn quên luôn.

Cái khúc nhắc cho nhớ này mới mệt. Nhắc sao để bà không đột quỵ, để không thêm một đám tang nữa mới là quan trọng. May nhờ có thầy chùa Nguyên Hương.

Ngày ông ba còn sống, ông không thích chùa chiền, không thích cái gọi là phước thiện, ông chỉ muốn vợ chăm chút cho gia đình là được. Mạ thì thích bố thí nhiều hơn, nhất là cái khoảng đi chùa tụng kinh, nhưng lại không hợp với các thiền viện. Ngày trước đưa mạ đi vài lần, mạ cúng xong cười cười nói “Tui không thích mấy chỗ ni”. Ừ không thích thì con để mạ đi chùa mô mạ thích. Pháp Phật sâu mầu! Hai chữ tùy duyên Tổ dạy tỏ tường, không thể cấm người những gì người thích mà mình không thích, không thể bắt người theo mình thứ mình hợp mà người không hợp. Phải hợp duyên mới tu được. Nghịch mình cũng được, miễn không phải tà ma ngoại đạo là ok. Thành tối nào mạ cũng đi chùa tụng kinh với thầy Nguyên Hương. Thầy tên gì giờ này cũng chưa biết, chỉ biết có tâm quý kính thầy rất mực dù chỉ gặp vài lần. Sau này mạ quên nhiều, con nhỏ dẫn mạ đi chùa lấy chồng, mấy đứa nhỏ bận, nên không dẫn mạ đi chùa nữa.

Bởi lý do đó mà khi cần một vị thầy để cúng cơm cho ba các tuần thất, tôi không nghĩ tới việc mời quý thầy ở thiền viện, chỉ tùy nghi gia đình lựa chọn. Thầy Nguyên Hương được nhắc tới. Bởi đó là vị thầy gần nhất mà con cái biết đến. Chỉ biết thầy ở Nguyên Hương, không biết chính xác là ông nào, tên gì, mặt mày ra sao. Không ai biết gì hết. Vì chỉ có mình mạ đi chùa với một con nhỏ, mà con đó hiện tại không có trong gia đình.   

Lệ, cũng có cái hay. Khi sống chẳng cần quan tâm đến mấy thầy, có khi còn ghét mấy thầy là đằng khác, nhưng hễ nhà có người chết là nghĩ ngay đến mấy thầy, phải gõ gõ tụng tụng gì đó mới yên lòng. Nhờ vậy mà gieo được duyên với Phật pháp, không thì chắc khó lắm, trong cái thời vật chất văn minh đầy cám dỗ này.

Bà quên nhiều thứ nhưng ông thầy thì bà nhớ. Nhớ luôn cả tên thầy. Bà nói chuyện vui vẻ. Thầy cùng con cái vô đề. Bà hơi ngỡ ngàng nhưng có ông thầy trước mặt nên không thể đau thương theo kiểu tang thương. Bà đi quanh chỗ ông nằm, biết đó là ông ba rồi, không phải ông nào khác, nước mắt rơm rớm nhưng bình tĩnh. Con cái như thoát được một gánh nặng. Bà vẫn yên bình khi chứng kiến ông ra đi.

Quên gì quên mà kinh luận đã tụng trước đó lại không quên. Hay thiệt! Thầy tụng đến đâu bà tụng theo đến đó. Bát-nhã tâm kinh hay chú Vãng sinh đều đọc làu làu. Kinh luận khiến bà thấy an ổn. Đọc kinh thì không buồn. Không đọc kinh mà quên thì cũng không buồn. Không đọc kinh mà cũng không quên thì nước mắt chảy ra. Khổ thiệt!  May là phần ý thức lú bớt rồi. Không thì khổ nhiều a. Thành sống ở đời, nếu khôngđạo dẫn đường thì khó mà tránh được khổ. Không khổ trước thì khổ sau. Vợ chồng lục đục hay chia lìa thì khổ hiện tại đã đành. Vợ chồng hạnh phúc dài lâu, rốt cuộc cũng không tránh được khổ. Vì chẳng thể sống hoài với nhau. Cảnh một bóng một chiều lủi thủi, ai không quen cô đơn chịu không được. Hạnh phúc nhiều thì khi mất mát khổ đau càng nhiều. Coi như bệnh quên của bà cũng là phần thưởng dành cho bà khi tuổi về già. Đau buồn còn một phần mười. Những thứ được lưu giữ trong quá khứ không bị tay ý thức soi thấu để thành tăng thượng. Không có quá khứ để hồi tưởng thì cũng không bị cái tương tục của vọng tưởng làm nhân duyên chi phốiđau khổ.

Ngày trước, con mèo nhà tôi bị thiên hạ thuốc chết. Ruột tôi như cắt ra từng khúc. Hình ảnh quá khứ cộng với hình ảnh hiện tại của nó làm mình đau đớn. Để chấm dứt nỗi đau, tôi đã phải dừng bặt mọi hình ảnh cũng như tư tưởng về con mèo. Cấm không ai được nhắc tới nó dù chỉ là sợi lông. Một hình thức tập quên có tác ý. Và rồi trong cái khoảng dừng bặt đó, một niệm an lạc tràn ngập, xóa tan mọi đau đớn. Thành nhìn bà bây giờ, biết cái quên đó là một đặc ân của bà. Không cho bà lục lọi những gì đã có trước đây với ông. Đã từng không biết ông là ai thì việc để bà quên ông mất không phải khó. Cứ nghe bà nhắc tới ông, tức cái chủng ái của bà hiện lên, liền đưa cuốn kinh Địa Tạng vào, khèo cái chủng kinh kệ lên. May là tụng kinh đã thành chủng, không thì không biết khèo cái gì thay vô. Vậy là bà quên. Chỉ biết kinh kệ. Say mê với cuốn kinh Địa Tạng. Kinh thì không mang nỗi sầu. Đọc được, chỉ nhẹ nhàng an vui. Giờ bà chỉ có mấy việc. Ăn, ngủ, tắm rửa và đọc kinh Địa Tạng. Đọc suốt như ta ngồi quán tâm.

Chỗ này mới thấy lợi ích của việc tụng niệm khi còn khỏe. Đó là niềm vui thích của bà, nên giờ chỉ cần đủ duyên, bà lại sống an lành với duyên đó, mọi phiền não hiện tại tan biến. Có được việc đó là nhờ bà đã huân tập việc tụng niệm khá sâu. Kinh luận giờ mới có tác dụng tốt như vậy. Nếu không thì không biết lấy gì trám vô giúp bà quên. Đây cũng là nhân duyên rất tốt khi bà mất. Kinh kệ sẽ làm nhân duyên chủ đạo, dẫn bà vào cõi thiện lành.

Thời trước, hai đứa đi tìm một ngôi chùa đang làm tuần cho người bạn. Đi thì từ sớm mà loanh quanh đến trưa mới tìm thấy chùa. Mệt muốn phát khùng dưới cái nắng chói chang. Nhưng vào đến chánh điện, nghe tiếng kinh tụng, mọi phiền não tan biến, tâm khoan khoái hỷ lạc như uống phải cam lồ. Nhìn qua con bạn, mặt nó nhăn như tàu lá chuối khô. Nó không có được cảm giác như mình vì nó chưa hề biết đến kinh kệ. Thời đó, kinh đối với tôi không có tác dụng ưa thích để mà tụng niệm thành chủng. Chẳng qua mới mười mấy tuổi, cha chết, bà già khổ quá, đêm nào cũng dẫn lũ con đến chùa tụng cầu siêu cho ông. Phần thưởng là một ổ bánh mì thịt sau khi tụng kinh. Con nít, tối nào cũng được đi và được cho ăn thì thích, không hẳn vì thích tụng kinh. Nhưng không tụng thì không được đi, cũng không được ăn, với lại thương cha thì phải tụng kinh để cha siêu thoát, thành hứng khởi mà đi, cũng tự nguyện vào tụng. Huân mấy năm thì vừa đủ lớn, giải phóng vô, kinh luận dẹp hết, chỉ còn một câu niệm Phật. Không ngờ việc huân tập ngày xưa lại đưa đến tác dụng mầu nhiệm cho hôm ấy.

Sắp chết, tâm đang ở trạng thái mệt mỏi tối thui, nếu nghe được tiếng kinh mà tâm toan hoát hoan hỷ như vậy thì nhất định đường đi kế tiếp phải tốt. Bởi trạng thái tâm của cận tử nghiệpnhân duyên quyết định cho con đường kế tiếp của người chết. Cận tử nghiệp muốn tốt thì bình thường cũng phải huân tập những phước duyên thiện lành. Không thì chẳng có nhân để hưởng được cái quả là cận tử nghiệp tốt.                         

Nói đến việc quên thì người tu đạo, tập sống với niệm hiện tại, cũng coi như đang tập quên dần những gì đã qua. Tập quên một cách có ý thức, không phải vì bệnh mà quên. Quên được thì được lợi ích. Chuyện xảy ra, qua rồi quên, nên việc như ý cũng không vui lâu để động tâm, việc bất như ý cũng không kịp giữ để mà phiền não. Đầu óc nhẹ nhàng với việc thị phithế gian. Đó là kiểu trồng rau không cho mọc rễ của Thiền sư Duy Nghiễm: “Trồng thì không ngăn ông trồng, nhưng chớ cho mọc rễ”. Muốn ăn thì ăn mà đừng để nó thành tập. Muốn ngủ thì ngủ mà đừng để nó thành tập. Nhưng hiện tại, những thứ đơn giản nhất cũng đều là tập của mình. Ăn thành tập nên không ăn chịu không được. Không chỉ ăn là tập, mà còn ăn cao lương mỹ vị đã thành tập. Thành tập rồi, ăn dở chút chịu không được, ăn thiếu chút chịu không được, không ăn lăn quay ra chết. Thứ gì cũng huân thành tập, cũng cho mọc rễ tràn đìa, nên khổ. Mình chẳng thấy khổ khi nó đầy đủ. Chỉ nhận ra khi nó không có. Thấy mất mát, thiếu thốn vì đánh mất những thứ đã tập quen. 

Ái là thứ chúng sinh huân tập đến kinh hoàng. Khó tránh bi thương phiền não khi mất mát. May là nhờ trí, có thể chuyển ái thành bi, là thương yêu mà không dính mắc. Khúc nào qua rồi, quên liền khúc đó, thế là yên. Thiền sư Hương Hảibài kệNhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Nhạn bay trong hư không, bóng hiện nơi dòng nước. Nhạn không có ý lưu bóng. Nước không có tâm giữ bóng. Đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không. Ngay khi hiện đó đã không, vì không có tâm tạo tác. Sống được như thế thì thanh thản, an vui. Có thì biết có, không thì biết không, mà không động tâm phiền não bởi cái có hay không đó. Chuyện này là chuyện khó nghĩ của thế gian. Vì nó đi ngược với những gì người đời đang vướng. Nhưng kẻ đã từng chiêm nghiệm ít nhiều, sẽ hiểu tâm có khả năng đó. Nghiệp nào mà gốc tập đã được thanh toán thì với nghiệp đó, có biết có, không biết không, tâm vẫn như nhiên, không phiền não

Cái chết của ba, đối với gia đình giống như cái chết của một vị Bồ-tát. Ông ra đi để lại nhiều tốt đẹp cho gia đình quyến thuộc. Con cái vì hiếu hạnh, đã chịu tiếp xúc với kinh điển để cầu cho ba ra đi bình an. Bỏ thời gian ngồi tụng một bộ kinh không phải là việc làm của những người đang hạnh phúcthời gian dành hết cho công việc. Nhưng con cái đã làm việc đó cho ông. Coi như bước đầu gieo chút nhân lành với giáo pháp của Phật Tổ. Tương lai, mọi thứ tốt đẹp hơn.
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 22292)
12/10/2016(Xem: 20273)
26/01/2020(Xem: 13189)
12/04/2018(Xem: 21356)
06/01/2020(Xem: 11959)
24/08/2018(Xem: 10380)
12/01/2023(Xem: 4861)
28/09/2016(Xem: 25960)
free website cloud based tv menu online azimenu
Sau những ngày Miến Điện nghỉ Tết, nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi do Sư Cô Tn Như Hiếu điều hành đã tiếp tục dấn thân cứu trợ. Hôm nay 22. April 2025 chúng con xin tiếp tục tường trình hình ảnh cứu trợ động đất Myanmar đợt 5. Cũng như 4 đợt cứu trợ vừa qua, lần này chúng con cũng kết hợp cùng với chư vị Bhante, chư Tăng Ni VN tại Myanmar (Nhóm thiện nguyện Ánh Sáng Từ Bi, Quỹ Phụng Sự Tâm An, Quỹ Từ Tâm, nhóm Sư Cô Thích nữ Như Hiếu- Suriyavati) Xin tường trình Lộ trình đi cứu trợ miền động đất Myanmar.
Kính gửi : Chư tôn Hòa thượng Trưởng lão,Chư Hòa thượng,Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng ni,Quý Phật tử trong vả ngoài nước : THÔNG BẠCH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 của HĐGPTƯ Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống,Tỳ kheo Thích Đức Thắng
Khởi sự với lòng từ mong muốn đem nguồn nước của đức “Đại Bi” khơi nguồn nơi khô cằn sỏi đá và thiếu nguồn nước vào mùa khô ở Đăk Nông, từ ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ (19/2/2025) chúng con đã đi tiền trạm, khảo sát các trường học/ khu dân cư cần giếng nước sạch ở Đăk Nông. Sau khi tiến hành khảo sát đợt 1 vào ngày 19/2/2025 và đợt 2 vào ngày 17/3/2025, chúng con đã chọn lọc trong số các trường đã khảo sát và quyết định tặng 18 giếng nước/công trình lọc nước phèn/máy phát điện cho 20 trường học thuộc tỉnh Đăk Nông (có 4 trường trong cùng khuôn viên đất ở 2 địa điểm sẽ sử dụng chung công trình được tặng).