MAI VÀNG HẠC TRẮNG
Các cụ ta thời xưa có những thú tiêu khiển tao nhã mà nay con cháu có tình cờ tìm đọc nơi sách vở cũ cũng … chịu thua, vì không thể bắt chước được.
Chẳng hạn như, để đón hoa quỳnh nở về đêm, các cụ phải chuẩn bị nhiều ngày. Thời xưa, đó là loại hoa quỳnh hiếm quý, nên khi quỳnh kết nụ và tăng trưởng đều đặn, báo hiệu sẽ nở hoa vào một đêm trăng tỏ thì chủ nhân chẳng thể không chia sẻ với bằng hữu.
Ngồi ngắm hoa suông ư? Coi sao được! Tiếp tao- nhân- mặc-khách thì trà quý không thể thiếu. Thế nên con cháu trong nhà sẽ được lệnh mang những bộ tách nung bằng men, bằng sứ ra chùi rửa. Bộ nào cũng có một chiều dài xuất sứ đi theo để tăng thêm phần giá trị.
Nâng tách cổ, uống trà ngon, ngắm hoa quý mà dùng bánh kẹo mua ngoài chợ thì cũng không xứng đáng!
Các cụ bèn sai gia nhân nấu kẹo mạch nha để nhâm nhi với trà thơm. Loại kẹo này chủ yếu chỉ là đường, quậy cho đều, khi đường tan ở độ vừa quánh thì thêm vào loại hương thơm nào mà gia chủ ưa thích, như mùi hoa sen, hoa bưởi, hoa nhài v…v.. Thực ra, đây là loại kẹo bình dân, cuốn thành cục tròn tròn trên một cái que bằng tre, thường bán cho trẻ con trong xóm. Nhưng khi được chọn để có mặt trong đêm ngắm hoa thưởng nguyệt thì nó đã được nâng cấp tới mức cầu kỳ.
Nhiều ngày trước, gia nhân đã phải để ý tìm nhặt những hạt sỏi nhỏ, nhẵn, trong, và tròn trịa, mang về ngâm nước muối cho thiệt sạch. Sau đó, lại rửa kỹ bằng nước mưa, chứ không phải nước ao hồ. Khi sạch rồi, sẽ mang phơi nắng, phủ lớp vải thưa mỏng cho khỏi bám bụi. Rồi khi nồi kẹo vừa độ quánh, gia nhân sẽ dùng đôi đũa tre dài, gắp từng hạt sỏi, nhúng vào nồi kẹo, xoay tròn nhè nhẹ cho kẹo dính quanh sỏi.
Phải khéo tay để viên kẹo vừa đẹp, vừa không lớn, chỉ đủ ngậm trong miệng, để chất ngọt, chất thơm sẽ tan từ từ đến khi chỉ còn trơ hạt sỏi. Lúc đó các cụ mới nhả ra và uống trà!
Thời nay, con cháu nào mà có thể hầu trà như vậy? Cũng may, không còn bao nhiêu cụ chuộng cái thú tiêu khiển đó nữa!
Mới hay, không gì thịnh mà không suy, nên với thời gian, lòng hoài cổ cũng chỉ là “Xếp tàn y lại, để dành hơi” mà thôi!
Tuy nhiên, cũng có những thú vui xưa còn có thể tồn tại. Chẳng hạn thú sưu tầm đồ cổ. Trong lãnh vực này, đồ sứ Giang Tây được nhắc nhở nhiều nhất. Các loại men, loại sứ xuất phát từ đây thường được chọn lọc rất kỹ để giữ được danh tiếng. Nhưng vẫn không thể tránh bị làm giả.
Ở nước ta, thời vua chúa được tôn sùng như những bậc thay trời trị dân, thì kỹ thuật làm đồ sứ, cũng thịnh hành theo. Nghệ nhân trong nước đua nhau cung hiến hết tài năng vào những sản phẩm đủ loại bằng sứ, tráng men xanh biếc, để mong được tuyển chọn mang vào cung đình.
Ngoài cảnh trí mai, lan, cúc, trúc thường được trang điểm lên sản phẩm, tôi tình cờ được thấy một cái đĩa sứ ở nhà một người bạn. Cái đĩa men xanh bóng, mầu ngọc bích, nằm trang trọng trong tủ kính được bạn tôi giới thiệu là đĩa cổ đời vua Minh Mạng, đã mua được giữa đống hàng hóa bát nháo trong khu chợ trời. Người bán hàng vì không biết giá trị nên bán rất rẻ. Bạn tôi là người mê môn sử-học nên thấy mặt sau cái đĩa ghi niên kỷ bằng Hán-tự rất nhỏ ở góc thì biết là từ thời vua Minh Mạng.
Tôi đứng ngắm chiếc đĩa quý không vì những tình tiết mà bạn tôi giới thiệu, cũng chẳng quan tâm hàng thật hay hàng giả. Tôi chỉ bị chiếc đĩa thu hút vì hai câu thơ trên đó, nét bút bay bướm như viết thảo:
“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, Hạc là người quen”
Lát sau, tôi nhìn bạn, buột miệng nói một câu mà tôi nghĩ, có thể làm bạn thất vọng:
- Hay quá! Nếu gặp được chiếc đĩa này, tôi cũng sẽ mua ngay. Hai câu thơ thật đẹp!
Bạn tôi mua vì men, vì sứ, vì nơi xuất phát. Còn tôi, nếu có mua, chỉ vì hai câu thơ trên đó!
Nhưng, thơ văn có làm tăng giá trị khi khắc ghi trên sản phẩm không? Chắc cũng có chứ! Chẳng hạn như chiếc quạt giấy rất tầm thường của tôi mà tôi quý lắm, vì có giòng chữ mực đen ai phóng bút lên đó:
“Bố là tất cả, Bố ơi!
Mẹ chỉ có một trên đời.”
Thật ra, hai câu thơ trên chiếc đĩa men xanh mà bạn tôi tin là đồ cổ, cũng chẳng độc đáo cho lắm về ý từ, nhưng tâm tôi dính vào vì hai hình ảnh Mai và Hạc.
Không hiểu sao, tôi lại nhìn hai đối tượng này là hình ảnh của Cha và Mẹ.
Tôi từng quan sát gốc mai sau vườn. Chậm rãi, lặng thầm, nhưng những cọng rễ li ti rất chăm chút, cẩn thận đón nắng, chờ mưa nuôi từng cành non, từng lá mới để mùa xuân, muôn hoa nở rộ làm đẹp cho đời; khác chi lòng Mẹ âm thầm nuôi con nhiều tháng năm dài, mong khi khôn lớn con sẽ là người tài đức.
Còn Cha, núi Thái Sơn ở đâu, cao bao nhiêu, rộng nhường nào, tôi không biết! chỉ là trí tưởng tượng về một cái gì cao lắm, rộng lắm, nhưng sự cao rộng đó lại bất động! Trong khi, với riêng tôi, Cha luôn là những hình ảnh năng động tuyệt vời.
Thuở tôi thơ dại, cha là người cầm tay, dạy tôi tô từng nét A, B trên cuốn vở đầu đời, là người chạy theo để kịp đỡ khi tôi té ngã trên những vòng xe đạp loạng quạng, vụng về. Cha đưa tôi về quê nội, thăm quê ngoại để biết quý hạt cơm có từ ruộng, manh áo có từ tằm. Khi tôi lớn, mà chưa khôn, Cha chỉ cho tôi đâu là những bàn tay sắt bọc nhung, đâu là những vòng cung tên tẩm độc, chứ chẳng phải cây cong!
Cha không phải là núi Thái Sơn ở đâu đó, xa xôi, thinh lặng, mà Cha là cánh hạc gần gũi tôi từng thấy. Cánh hạc mạnh mẽ, mới bên bờ đá mà thoáng chốc đã vỗ cánh vút cao. Không gian kia mênh mông, bao la thật, nhưng chỉ bằng sức mình, hạc vẫn nhẹ nhàng tung cánh bay bổng trong không gian đó. Hạc nói với trăng rất xa, với sao rất tỏ, rằng ý chí trong cái đầu bé nhỏ này, trong đôi cánh đơn sơ này là tiềm năng vô hạn có thể chạm tới trăng, với tới sao.
Cha cho tôi niềm tin đó trên những bước đường Cha đi. Có những trang sách đáng hãnh diện về đời Cha mà tôi chỉ được lật tới khi Cha không còn nữa! Với những trang sách đó, tôi từng nức nở khóc, khi quấn lên đầu chiếc khăn tang trong ngày được tin Cha ra đi:
“Cha ơi cha, hết thật rồi!
Tin xa cuồng xé tơi bời lòng đau
Vội vàng chi, cuộc bể dâu,
Bao la tiên cảnh về đâu một mình!”
Tôi nghĩ, không nhiều người nhìn Mai, nhìn Hạc mà liên tưởng tới hình ảnh mẹ cha. Ấy thế mà có lần, tôi được đọc bài thơ của một vị Thầy, viết về Tình Cha với những hình ảnh rất mới mẻ. Bài thơ khá dài nhưng vừa đọc lần đầu, tôi đã nhớ ngay bốn câu kết, có lẽ vì tiết tấu cũng cùng tiếng khóc cha như tôi:
“Cha ơi cha! Bóng cha như cánh hạc
Bay trên cao, mãi mãi ở trên cao
Là cội tùng, là vách đá trăng sao,
Là bầu trời rộng rạt rào vô tận”
Tác giả bài thơ này là Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, viện chủ chùa Phật Đà ở San Diego, vị thầy tôi rất kính qúy.
Suốt bài thơ dài, tôi cảm nhận hạnh phúc vô biên của thầy vì đã được hưởng trọn vẹn những gì cao quý nhất của tình phụ tử.
Công cha nghĩa mẹ tựa như trời biển nhưng trong thế giới văn chương nhân gian, tìm những lời ngợi ca Mẹ rất dễ, mà những gì về Cha được ghi lại thì rất khiêm nhường! Điều đó không phải cán cân thiên lệch đâu, mà vì Mẹ luôn có nhiều thì giờ gần gũi với con hơn Cha, nên trong tâm thức, khi con cần chia xẻ thì Mẹ luôn hiện hữu trước.
Chỉ vì thế thôi, nhưng nếu thấy “Mai là bạn cũ, Hạc là người quen” có lẽ do tình cờ quán chiếu Lý Duyên Khởi qua hình ảnh đó.
Nhìn thấy Mẹ qua cánh hoa mai, nhìn thấy Cha qua cánh chim hạc chỉ là cái nhìn trên tinh thần của người con Phật khi được thiện tri thức giảng cho nghe những chương căn bản trong “Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký Kinh”. Nhân và Quả tuy gắn liền nhưng phải có yếu tố Duyên thì Nhân kia mới thành Quả.
Lý duyên khởi nhìn theo con mắt thế gian gồm 12 nhân duyên, sinh khởi liên tục chập chùng giữa nhân và quả, tạo nên vòng sinh tử luân hồi vô tận. Chính ở dòng sông vô tận này mà Chư Phật thường nhắc nhở ta phải mở tâm từ bi với mọi người, mọi loài vì nơi vạn hữu mênh mông kia, biết đâu chẳng có ông bà, cha mẹ, thân sơ bằng hữu ta từ nhiều đời nhiều kiếp, do duyên luân hồi mà nhân xưa thành quả nay?
Cái này sinh nên cái kia sinh. Vô Minh sinh khởi nên Hành sinh khởi.
Cái này diệt nên cái kia diệt. Vô Minh diệt nên Hành diệt.
Thử tập nhìn bông hoa, nhìn cánh hạc mà rung động, biết đâu chúng ta sẽ tiếp tục nương lời Phật dạy để biết yêu thiên nhiên, thương vạn hữu, trải Lòng Từ tới những gì vì ta mà có mặt.
Chúng ta sẽ cùng bảo vệ được môi trường sống, với chim trời, cá nước, biển rộng, cây xanh, tạo dưỡng khí trong lành cho nhân loại; thay vì mặc sức hủy hoại vô trách nhiệm khi phá rừng, lấp sông hay tạo những phế thải độc hại từ vô vàn sản phẩm vũ khí, tuy nhân danh bảo vệ nền hòa bình chung mà thực tế, đang chỉ là tiêu diệt lẫn nhau!