Một đêm, vào lúc 23h, "thử thể bất an", tâm nặng trĩu ưu tư, tôi khẽ khàng bước lên gian thờ ở gian lửng mở tủ kinh lục lọi sắp xếp lại sách báo xưa cũ, thì gặp lại cuốn sổ bìa đen giấy vàng ố rất thân quen gắn bó một thời với mình....
Đó là bản Kinh Dược Sư tự tôi chép tay sau khi phát nguyện trì tụng.
Vào năm 1988, lúc lâm bệnh lao phổi sau thời gian lao động nặng đào kênh phá đá, ăn uống thiếu dinh dưỡng lại còn... "hút thuốc lá như giặc", tôi đã phát nguyện chép sao lại với chữ to nét tròn cho dễ đọc, chỉ phần "Kinh" đã dịch nghĩa, không chép các phần Giải, Sám và Hán tự, và được chép từ quyển “Dược Sư” (kinh& sám) của Hòa thượng Trí Quang dịch giải, in lần Thứ Nhất – Phật lịch 2518 (1974).
Mẹ tôi đã truyền trao cho tôi gìn giữ quyển Kinh Dược Sư này từ năm 1985... Tôi cung kính nhận lãnh để bảo quản, đặt nơi trang nghiêm, vì hiểu rõ rằng Mẹ tôi rất quý quyển kinh này, và bà đã từng tung niệm trong suốt một thời gian dài vào những năm nhiễu nhương đen tối…Bên trong trang lót đầu, Mẹ tôi còn lưu dấu triện, chữ ký của pháp danh cũng là bút hiệu "Tâm Tấn" và thủ bút ghi mấy chữ ngắn gọn: “Hòa thượng Già Lam cho ngày 17/5 Giáp Dần.”
Sau khi chép xong, tôi ăn chay, trì tụng hằng ngày, đến tối thì ngồi bán già trì "Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn" rất miên mật...
Chừng hai tháng sau thì bình phục, nói cho đúng sự thật, không phải chỉ nhờ tự thân tụng niệm kinh chú, mà còn phối hợp với thuốc thang do các anh trong Ban Chủ Nhiệm Hợp Tác Xã Thủy Lợi Diên Khánh hỗ trợ.. Qua ba tháng thì khỏe hẳn, bốn tháng thì đã xin đi làm lại ở công trường bình thường... Nếu uống thuốc theo đúng toa của bác sĩ kê thì phải uống liên tục đến chín tháng mới diệt được đám vi trùng lao, vậy mà, tôi đã bình phục sớm, không bị ràng buộc với những bụm thuốc nhìn thôi đã thấy ớn óc!
Khi quay trở lại công việc của một "lính thủy lợi", tôi vẫn tiếp tục trì chú Dược Sư hằng đêm, mỗi đêm 108 biến trước khi đi ngủ sau một ngày lao động mệt nhọc. Niềm tin vững chãi.
Đến đầu năm 1989, sau cái duyên tình cờ hội ngộ với một tờ báo cầm trên tay vào giờ nghỉ trưa tại láng trại công trường, tờ báo do “chị nuôi” (hỏa đầu quân) của công trường đi chợ mua về cho anh em nhân công đọc xem giải trí, tôi đã được thuận duyên làm quen với báo chí, thử mấy lần hạ bút gửi cộng tác, sang năm sau (1990) thì chính thức bỏ cuốc xẻng để cầm bút lập nghiệp...
Một con đường trước mắt rộng mở, thênh thang, đầy kỳ hoa dị thảo để tôi tung tăng trong quãng thời gian 20 năm suôn suốt...
Bản Kinh Dược Sư chép tay vẫn còn đây, và chừng như đã được in khắc trong thâm tâm của tôi từ hồi nào rồi...
Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai!
Tâm Không – Vĩnh Hữu
- Từ khóa :
- Tâm Không - Vĩnh Hữu