ƯỚP TẨM
Từng giòng pháp ngữ chuyển rung
Câu thơ từ ái lạ lùng miên man
Gieo trong bể khổ phũ phàng
Huyền ngôn ướp tẩm ánh vàng thiêng liêng.
TỊNH TÀI
Gối hoa mềm giấu tịnh tài
Tiền dâng bạc biếu tiêu xài nữa chi?
Đứa nghèo được giúi vào tay
Đứa lâm ngặt khó thì đây lộc Bà!
BÊN ĐÈN
Trăm năm trọn một kiếp người
Tình Thơ Ý Đạo gửi Đời thẳng nghiêng
Muôn vàn hương sắc nhân duyên
Cuối đời rửa bút bên đèn với kinh.
VƯỜN HOA
Vườn Duyên mười bốn sắc hình
Tròn câu lục bát đẫm tình Mẹ Cha
Sớm chiều vuốt lá nâng hoa
Gần xa lớn nhỏ vẫn là con thơ!
HÀNH KHẤT
Đường trần trả nghiệp xưa xa
Bước chân hành khất qua nhà đạo tâm
Xin cho nắm gạo lặng thầm
Cho con no dạ tháng năm đọa đày…
TÂM HƯƠNG
Lòng son bao chuyến vắn dài
Lề tuôn thơ điếu trong ngoài tiếc thương
Đỏ bầm từng nén tâm hương
Hôm nay tay phất xả buông mà về!
CỦA ĐỂ DÀNH
Hình xưa thư cũ im lìm
Người đời chỉ trọng kim tiền lợi danh
Rương hòm gìn giữ tịnh thanh
Mai sau vắng bóng mẹ dành cho con.
LÊN ĐƯỜNG
Xong rồi duyên nợ nhân gian
Bài kinh câu chú nhịp nhàng tiễn đưa
Mênh mang ấm tiếng chuông chùa
Nhịp chân thanh thoát theo thơ lên đường.
VỀ
Con về lúc Mẹ chưa đi
Con đi thoáng chốc nhằm khi Mẹ về
Về nơi an tĩnh bốn bề
Bụi trần vương lại hiên hè trống trơn…
CHỜ
Con chờ tháng Tám dâng thơ
Trung Thu trăng sáng còn chờ Ngày Sinh
Giờ đây đã khuất bóng hình
Phụ lục:
HÀNH KHẤT
"Đường trần trả nghiệp xưa xa
Bước chân hành khất qua nhà đạo tâm
Xin cho nắm gạo lặng thầm
Cho con no dạ tháng năm đọa đày..."
Hành khất là đi ăn xin, ăn mày, chắc chư vị đã rõ.
Nhưng chắc chắn chư vị sẽ không rõ được chuyện Me kính yêu của tôi đã từng đi gõ cửa từng nhà đạo hữu để xin mỗi nơi một nắm gạo mà mang về cho chồng con ăn lót dạ....
Đó là một câu chuyện dài, có thể nói là "khúc ca bi tráng", mà trong bài thơ "Hôn lên bàn chân Mẹ" (2014) của TKVH đã có nhắc đến:
"Bàn chân tất tả đi, về
Đường phù hoa phố, đường quê mùa làng
Bàn chân từng bước cao sang
Từng hành khất gạo lo tròn bữa cơm..."
Tôi đã từng hứa với nhiều đạo hữu, bạn bè là sẽ viết lại, kể lại câu chuyện huyền diệu và thiêng liêng này để làm rõ ý tứ hai chữ "hành khất" trong bài thơ, vì đó không phải tôi đã sử dụng sáo ngữ vọng ngôn để nâng cho cao đẹp bài thơ mang cảm xúc rất thật, thật như những nụ hôn lên bàn chân của Me mình. Vậy mà cho đến nay tôi vẫn chưa viết được...
Câu chuyện "hành khất gạo" tôi được Me kính yêu kể đến hơn 3 lần với khoảng cách 2-3 năm một lần, lần nào cũng giống nhau từng chi tiết, nên nếu thuật lại thì tôi hạ bút xuống là suôn suốt ngay cho đến kết thúc, không một trở ngại khiến bút phải lần khần.
Nhưng, đó là một câu chuyện nằm trong một số chuyện mà Me tôi đã dặn là "khi nào Me đi xa thật xa hẳn rồi con hãy kể, hãy viết!". Có những điều tế nhị không cần, và chưa cần phải tiết lộ khi Me tôi vẫn còn đang hiện diện ở trần gian.
Tôi vẫn nhớ rất rõ, trong đó có một vài bài thơ của các bậc danh tăng, chư tôn hòa thượng yêu thích văn chương, thường sáng tác Thi Đạo, mà Me tôi là người Phật tử được phước duyên góp ý sửa từ, hoặc được phép chấp bút tiếp nối để kết thúc một áng thơ trác tuyệt!
Bây giờ Me đã đi rồi, nhưng chưa đi xa thật xa, tôi vẫn còn ngồi đây cắn đuôi bút, chờ khi thuận duyên mới xin phép kể lại cho rõ...
Nam mô Phật!
Vĩnh Hữu (Tâm Không)
Con trai thứ 11
- Từ khóa :
- Tâm Không - Vĩnh Hữu