NGƯỜI VIẾT VÀ NGƯỜI ĐỌC
Huệ Trân
Đọc bài Tựa trong “Bài Ca Của Gã Cùng Tử” tuyển tập 100 Lá Thư Tòa Soạn Nguyệt San Chánh Pháp, tác giả là chủ bút Vĩnh Hảo, đang được giới thiệu trên Vietbao Online và các trang nhà Phật Giáo, hành giả bỗng cảm thấy như có ai đang đọc dùm cái tâm lang thang của mình mà chính mình mơ hồ, chưa nhận biết nó lang thang thế nào? Đi đâu, rồi về đâu?
Hành giả thường nhận được Nguyệt San này, từ tình đạo hữu thân thương gửi cho, và khi nhận báo, thường đọc ngay Lá Thư Tòa Soạn vì hành giả chủ quan nghĩ rằng Lá Thư Tòa Soạn là giới thiệu ý chính của nội dung số báo đó. Những lá thư đó, không ít lần, đã truyền cảm sâu xa tới người đọc vì lời giãi bày cô đọng, xúc tích, qua văn từ thầm lặng mà gợi hình linh động.
Đây chính là những gạch nối mà có lẽ cả người viết lẫn người đọc đều mong muốn chạm được tới.
Chiều nay, sau thời tọa thiền, hành giả thiền hành bên bờ suối, nghe suối xứ người bình yên róc rách tuôn, chợt quặn lòng nhớ tới những dòng sông, dòng suối nơi quê nhà từng bị nhiễm độc!
Cũng khoảng thời điểm này, hai năm trước, suốt dọc trên 200 cây số bãi biển miền Trung, bỗng nhiên cá biển đủ loại, chết hàng loạt, xác trôi giạt vào bờ, trắng xóa! Rồi chim trời cũng rũ cánh, lao xuống, nằm chết bên cá, do chim đói lòng, đã ăn xác cá nhiễm độc! Rồi ngư dân sống ven biển, buổi sáng dong thuyền ra khơi, buổi chiều buồn bã quay về, không kiếm được chi để đổi lấy gạo, muối, nuôi gia đình!
Nguyên nhân không xa mà dân chúng quanh vùng đều dễ dàng nhận thấy, không cần phải chờ tới khi nhà nước kiểm tra rồi điều tra.
Đó là do sự vô trách nhiệm của những công ty luyện kim, sản xuất thép, mà chủ doanh nghiệp là người Đài Loan và Trung Hoa lục địa, đã thoải mái xả nước thải hóa chất ra biển!
Lá Thư Tòa Soạn trên Nguyệt San Chánh Pháp, số 55 đã không dùng thể văn xuôi, mà là một bài thơ dài, thể thơ tự do, mang tựa đề “Lưu Vong Khúc”.
Khi nhận số báo đó, mở lá Thư Tòa Soạn như thường lệ, hành giả đã đọc mà cảm nhận ngay, là mình đang khóc, chứ không phải là đang đọc!
Người đọc đang khóc cùng người viết, vì Lưu Vong Khúc không phải là những câu thơ để đọc. Đây là tiếng khóc, tiếng thét của một người Việt Nam trước những điêu linh tột cùng của dân tộc, trước cảnh đất mất, biển mất mà tiếng dân oán thán không thấu được tới trời xanh!
Xin cùng khóc dăm đoạn:
“… Này anh, này chị, này em
Nước đục còn dùng được không?
Nước nhục lấy chi mà rửa?
Tôm cá, chim trời, cây cỏ chết
Rồi người sẽ chết dần mòn trong năm tháng nào đó
Biển, đất hoang vu
Còn ai ghi lại tang thương này!
…..
Biển rộng không dung được cá
Thì đất này chứa chấp những ai?!
…..
Hỡi anh chị em, hãy tự hỏi
Còn lối thoát nào cho chúng ta?
Cây nghiêng bờ đông, cành gẫy bờ tây
Bão giông đã tận một phương này
Biển mất, đất mất, ta còn gì để mất! …” (**)
Tiếng khóc trong Lá Thư Tòa Soạn số báo này đã truyền đạt cảm xúc tới biết bao người đọc, để trong thầm lặng, có người đọc đã bật lên tiếng nấc:
“ … Người nối người, gọi ơi! Biển ơi!
Thủy triều lên xuống, vẫn đầy vơi
Nhưng đâu hồn biển? Đâu hồn nước?
Tan tác sinh linh, tắt nghẹn lời!
……
Ôi, biển hiền hòa, biển nuôi dân,
Biển bị ếm độc, dân chết dần
Đêm đêm sóng khóc bên ghềnh đá
Biển thương dân, và thương chính thân !...” (*)
Gạch nối giữa người viết và người đọc như thế, thầm lặng nhưng sâu sa, chẳng phải lúc nào cũng đủ duyên mà biểu lộ được.
Rồi Chánh Pháp số 68, cũng từ Lá Thư Tòa Soạn, người viết ngậm ngùi trước những con đường xưa và nay.
“… Cười thật lớn với những niềm vui rất nhỏ. Khóc khá nhiều bởi những chuyện không đâu …
… Những buổi lễ lạc, những buổi trình diễn, thi nhau ca tụng tán dương những thành quả hữu hình và những gì tính đếm được (bằng nhân số, con số), không dính dấp gì đến niềm bình an tự tâm … Còn nơi nào cho một gã cùng tử lang thang ghé bước, dừng chân? …
…Con đường xưa ai đã đi qua, có chăng một dấu hài !...” (**)
Ôi, những dấu hỏi, những dấu than từ người viết đã chuyển thẳng tới người đọc, như những nhát búa dội vào vách núi, bật ra âm thanh bi thiết của đá vụn non ngàn “Còn nơi nào cho một gã cùng tử lang thang ghé bước, dừng chân?”
Đồng hành tới đây, người đọc đã không thể không cất bước, men theo những con đường xưa, khi âm thanh tiếng dội từ vách núi đã đủ sức trầm thống để những ai cảm nhận được, cùng nhau nương dấu hài xưa mà tìm, xem còn nơi nào cho những gã cùng tử ghé bước, dừng chân hay không!
“… Hành giả rời phố thị, chậm rãi cất bước. Qua sông. Qua suối. Băng rừng. Trăng lặn, rồi ánh dương lên…Con đường hoang vu bỗng hiện ra một dấu hài. Lần theo dấu hài, con đường hoang vu bỗng mở ra muôn lối: (*)
Bằng bồ-đề-tâm mà phát khởi từ-tâm. Bằng sự cứu độ chúng sinh mà khởi bi-tâm. Bằng sự duy trì chánh pháp mà khởi hỷ-tâm. Bằng sự nhiếp thủ trí tuệ mà hành trì xả-tâm (***)
Thì ra, vẫn còn những con đường xưa thênh thang, tĩnh lặng, cho những ai quét dọn vườn-tâm để không vướng mắc vào những con đường ngày nay, chật hẹp với những toan tính bận rộn không ngừng …” (*)
Tương quan giữa người viết và người đọc thường như vậy. Như quà tặng người giao hàng thân ái để trước cửa. Bao người đã nhận, đã mở ra, và lặng thầm cảm động vì những món quà đó chính là những gì đang thôi thúc trong lòng.
Và lặng thầm vẫn thầm lặng tiếp diễn.
Nơi đây, chỉ xin đan cử đôi dòng, thay lời cám ơn của tự thân; Và có lẽ cũng là của bao người-đọc-thầm- lặng khắp nơi, vẫn đã và đang nhận được những món quà tinh thần này.
Xin cám ơn. Xin đa tạ Chư Liệt Vị đã không ngừng ân cần chăm sóc và hoàn tất Nguyệt San Chánh Pháp từ hơn một thập niên qua …
Huệ Trân
(Tào-Khê tịnh thất – những ngày tịnh tu)
(***) Duy Ma Cật Sở Thuyết- HT Thích Tuệ Sỹ biên soạn
(**) Vĩnh Hảo – CP #55 & 68
(*) Huệ Trân – CP #56, 67 & 71
- Từ khóa :
- Người viết
- ,
- người đọc