Oan gia - truyện ngắn của Tiểu Lục Thần Phong

17/10/202012:59 CH(Xem: 4828)
Oan gia - truyện ngắn của Tiểu Lục Thần Phong

OAN GIA
Truyện ngắn của Tiểu Lục Thần Phong

 

 Bà Hai ngồi bỏ chân trên ghế, kéo tay áo quệt nước mắt, càm ràm:

 - Làm lụng cả đời, chẳng dám ăn dám mặc, gom góp của để dành, giờ cho nó cả gia tài, vậy mà nó còn phản, nói lời vô ơn.

 Bà Hai hàng xén ở chợ Cây Da có tiếng kỹ tánh, xưa nay ai cũng biết. Bà Hai kỹ lưỡng lựa chọn hàng hoá, món nào cũng phải thật tốt, cẩn trọng mua bán nợ nần, hễ nợ ai là ngày đêm lo ngay ngáy, phải tìm cách trả sớm nhất mà bà có thể. Bản tánh bà chẳng muốn nợ nần ai, chủ hàng từ Sài Gòn gởi hàng ra, bảo bà cứ bán rồi trả tiền sau, ấy vậy mà bà vẫn không an tâm, lo gom góp gởi trả cho thật sớm. Từ đó mà bà có biệt danh bà Hai Kỹ, gọi riết thành quen. Đến chợ Cây Da hỏi bà Hai Kỹ thì ai cũng biết, còn như hỏi tên cúng cơm thì chẳng mấy ai nhớ ra, cái biệt danh vừa cười cái tánh kỹ lưỡng quá thể vừa thân thương ca ngợi bản chất thật thà ngay thẳng của bà. Bà mua bán hàng xén từ hồi còn con gái, cho đến năm rồi, sáu mấy tuổi, mới chịu nghỉ và cho con dâu cả quầy hàng. Con dâu bà Hai Kỹ nhỏ người, tánh tình ít nói nhưng gan bẩm, trước khi cưới về bà đã lẩm bẩm:

 - Con này lì đòn và dữ chứ chẳng hiền đâu.

 Ngặt vì thằng con lớn đã chọn nên bà cũng chìu theo. Nghe bà Hai càm ràm, cô con dâu to tiếng:

 - Má cho cô Út mấy chục cây vàng, cho vợ chồng con có cái gánh hàng xén, vậy đâu có công bằng!

 Bà Hai tức mình cũng to tiếng lên:

 - Tao cho cả gánh hàng, bao nhiêu mối lái làm ăn, hai căn nhà mà mày còn chưa vừa lòng. Mày muốn gì nữa? vàng hả? tao còn cả hầm vàng ở dưới cầu tiêu đó, ra mà lấy!

 Cô con dâu gắt gỏng:

 - Má khó tánh quá, kỹ lưỡng quá, ai mà sống nổi?

 Nói xong cô ta vùng vằng, mặt chù ụ, đá thúng đụng nia, khua chén dĩa loảng xoảng, cô ta không biết rằng, việc ấy với người lớn tuổi là hỗn lắm, người già thường nghĩ đó là nó lẩy mình. Bà Hai nói:

 - Tao cho hai vợ chồng mầy ra riêng, cho căn nhà xây sẵn đầy đủ tiện nghi vậy mà vợ chồng mầy không dọn ra chứ tao có bảo tụi bay ở chung đâu!

 Quả thật thế, bà Hai cho căn nhà mới toanh, xây cất hiện đaị nhưng hai vợ chồng người con lớn nhất định không chịu ra riêng, quyết bám vào căn nhà ở chợ Cây Da đến cùng. Cả hai vợ chồng tính toán còn kỹ hơn cả bà Hai. Ở đấy cả vợ chồng con cái được bà Hai bao ăn, ở, điện nước, học hành, giao tế… bao nhiêu thứ chi phí đều do bà Hai chịu cả, và còn một lý do khác nữa là hai người sợ ra riêng thì chú Ba với cô Út về tranh giành ngôi nhà lớn. Cô con dâu la to:

 - Má kêu cô Út về mà hầu!

 - Mầy đừng có hỗn, đừng la to tiếng như lũ đầu đường xó chợ. Tao chẳng cần ai hầu, nhà tao tao ở, cơm tao tao ăn. Mầy có góp xu nào chưa mà đòi dạy khôn?

 - Làm sao má cũng hổng vừa lòng, vậy biết phải làm sao?

 - Tao chỉ yêu cầu ở trong nhà tao thì đừng có hỗn, đừng có chù ụ cái mặt, còn không ưng bụng thì dọn ra riêng!

 Cô con dâu bỏ vào buồng riêng, đóng cửa cái ầm , nằm suốt ngày không ra ăn uống chi cả, không khí trong nhà ngột ngạt nặng nề. Tình trạng như thế đã kéo dài nhiều năm nay mà chẳng có cách nào giải quyết được, cứ năm bữa nửa tháng là laị cãi nhau quyết liệt, người nào cũng cho là mình phải, người nào cũng u uất ôm nỗi phiền não nặng nề. Ông Hai an phận thủ thường, ngày ngày ở trên lầu tụng kinh niệm Phật, cầu an. Ông Hai phụ thuộc bà Hai, mọi việc đều do bà quyết định cả, một phần cũng ít nói, từ đó ông Hai để mặc cho bà Hai muốn làm gì thì làm. Bà Hai quán xuyến hết mọi việc trong ngoài, khi bà Hai dần có tuổi thì người con trai lớn laị vô lễ với bà, y nghe lời vợ nên đòi bà cho thêm vàng, đòi không được thì y hỗn ra mặt. Ông Hai ban đầu cũng khuyên  can nhưng thấy không ăn thua gì nên không nói nữa. Ông Hai lặng im, bà Hai bực mình, xóm giềng cũng bất bình người ta xì xầm với nhau:

 - Ông bà Hai yếu quá, gặp tui thì tui đuổi cả hai vợ chồng thằng con lớn ra khỏi nhà ngay lập tức!

 Thằng con lớn của bà Hai vốn tánh trùm sò có hạng, laị nghi ngờ bà Hai cho cô Út mấy chục cây vàng để mua nhà ở Sài Gòn nên y tức tối và bẳn tánh thêm. Y để mặc bà Hai trang trải mọi chi tiêu trong nhà, tiền lương của y thì y sắm vàng cất giấu. Con dâu lớn tức vợ y từ khi được bà Hai cho gánh hàng xén thì cũng được thể lên mặt:

 - Tui chẳng ăn của ai, chẳng nhờ ai cả!

 Bà Hai tức muốn bể tim mà không biết làm sao, cô ta còn đi rêu rao với mọi người là bà Hai cho vợ chồng cô ta chỉ có gánh hàng xén thôi, còn nhà cửa, tiền vàng thì cô ta giấu bặt. Người ta kể laị cho bà hai nghe, bà Hai đấm ngực kêu trời:

- Đồ ăn cháo đá bát, cho nó cả gia tài mà giờ nó đi bêu xấu, nói láo khắp nơi!

 Sự thể trong nhà như ngõ cụt, mỗi người một thế giới riêng nhưng ai cũng ôm cả bầu tâm sự bực bội không biết cách gì giải tỏa được.

 Chợ Cây Da rất sầm uất, là chợ lớn nhất quận Phước Bình. Dân các tổng: Long, An, Thành, Thạnh, Tài, Mỹ…đều tụ về mua bán, nhất là những phiên chính. Sáng nay chợ xuất hiện ông thầy bói, ông trải chiếu ngồi dưới gốc cây vông đồng , thỉnh thoảng cũng có người đặt tiền vào dĩa để ông bói cho một quẻ, phần đông các bà đi chợ đều muốn xem về tiền vận, hậu vận, gia đạo, tình duyên…Bà Hai không còn vướng bận chuyện bán mua nữa, bà ra chợ đi lòng vòng chơi và ghé vào xem bói. Bà mời thầy bói về nhà, tánh bà xưa nay kỹ lưỡng, bà e ngoài chợ tai vách mạch rừng, vả laị bà muốn mời thầy về nhà cũng là cách bà xem trọng thầy bói. Ông Hai xưa nay chỉ tin Phật, không tin bói toán phong thủy, nhưng bà Hai đã mời thầy bói về rồi thì ông cũng đón tiếp. Ông đưa thầy bói lên lầu vì dưới nhà bạn hàng của con dâu mua bán ồn ào quá. Thầy bói mặt bộ áo vạt hò, tóc búi tó, mắt sáng, dáng vóc gầy săn chắc và nhanh nhẹn. Ông Hai sanh lòng thiện cảm nên pha trà mời thầy bói. Thầy bói ngồi nghe bà Hai kể khổ, kể gia cảnh, kể chuyện con dâu… sau khi kể bà nhờ thầy bói xem giúp cho nhân duyên gì, tiền nhân hậu quả thế nào mà bà và vợ chồng thằng con lớn cứ kình cãi hoài? Thầy bói nghe xong khẽ bảo:

 - Tui thấy gia chủ là người có tín tâm tam bảo, nhà laị có thờ Phật trang nghiêm. Gia chủ hẳn là người có chánh kiến không dễ gì tin chuyện bói toán phong thủy, thật tình tôi cũng chẳng phải là thầy bói. Tôi vốn là người họ Nguyễn, vốn là du sĩ xuất thế đã hơn ba mươi năm. Tôi đi đó đây từ nam chí bắc, từ thượng nguồn miền ngược cho đến xuôi về biển cả miền duyên hải. Làm thầy bói là cái vỏ bề ngoài và cũng là cách kiếm cơm độ nhật, chỉ cần đủ sống chứ không mong cầu tiền bạc. Tôi lồng việc nói pháp vào hình thức bói toán để giúp người mê, người mê giờ nhiều quá, họ chỉ tin huyễn hoặc chứ không tin những chơn chất của chánh pháp, kiểu cách của tôi giống như bọc đường cho viên thuốc, đặng người nghe dễ tiếp nhận. Chí hướng của tôi là du sĩ, hành cước để hiểu thế nào là khổ, cái khổ của nhân gian quả thật vô cùng vô tận, mỗi người mỗi kiểu, không ai giống ai. Tôi nhận biết nguyên nhân của những nỗi khổ ấy vốn không ngoài sự tham đắm và chấp trước. Cái tâm trụ vào: tiền bạc, sắc dục, danh vọng, ăn uống, hưởng thụ… Cái gốc khổ của khổ càng to tướng và bồi chắc bằng sự tham lam, si mêsân hận, hễ xả được chút nào thì bớt khổ chút đó. Người nào học theo bát chánh đạo của Phật Thích Ca  thì thoát khổ và có thể bước vượt qua hàng phàm phu. Tôi vốn không muốn bước chân vào cửa chùa, chỉ muốn vân du và hành hoạt theo cách của tôi, tất nhiên tôi theo đúng những chỉ dạy của Thế Tôn và giữ đúng chánh phápNhư Lai truyền.

 Lão thầy bói chiêu ngụm trà rồi hỏi:

 - Có phải ngày trước, khi chọn dâu, ông bà đã xem đến gia cảnh cô dâu cũng tương xứng với gia đình ông bà?

 Bà Hai thưa:

 - Dạ, phải

 - Có phải ông bà đã xem tuổi cô dâu cũng tốt, cũng hợp với tuổi con của ông bà?

 - Dạ, phải

 - Có phải trước khi chọn cô dâu này, ông bà cũng đã đắn đo cân nhắc với những mối khác?

 - Thưa thầy, đúng như thế! trước khi quyết định cưới cô con dâu này, vợ chồng con cũng được mai mối nhiều đám rất môn đăng hộ đối, nhiều bạn hàng cũng bắn tin muốn làm sui gia, khổ nỗi những chỗ ngon lành, cân xứng ấy thì thằng con laị chẳng chịu, nó chọn con nhỏ này nên vợ chồng con cũng đành chấp nhận vậy.

 - Có phải ông bà cũng thấy không có vấn đề gì ở cô dâu trước khi cưới về?

 - Dạ, thú thật với thầy cũng hơi có một chút không ưng ý nhưng vẫn chấp nhận là tốt

 - Có phải những ngày tháng đầu, khi mới cưới về cô dâu và gia đình ông bà cũng êm ấm?

 - Thưa đúng vậy đó thầy!

 Bây giờ thầy bói mới nói:

 - Rõ ràng là mọi điều thuở ban đầu đều tốt đẹp, cái duyên từ từ thay đổi theo thời gianhoàn cảnh, từ thuận duyên trở thành nghịch duyên, đó là cái nhìn gần, nhìn xa hơn nữa thì mọi việc đều có nguyên do cội rễ của nó. Tôi có nghề mọn được quái nhân trên núi Hòn Chà truyền cho, thuật này giúp ông bà nhìn được chút ít sự thật, may ra sẽ làm cho ông bà hiểu và biết cách hành xử thế nào cho mai sau.

 Nói xong thầy bói trải tọa cụ ngồi ngay ngắn, ông bà Hai ngồi đối diện. Thầy bói mắt nhắm hờ, tay phải huơ cây nhang trong hư không như vẽ hay viết gì đấy, tay trái bắt ấn, miệng lầm rầm đọc thần chú. Chỉ chừng giây  phút sau ông bà Hai mơ màng như say thuốc, hai người thấy mình lạc vào một cảnh giới xa lạ lắm, nhìn vừa cổ sơ tiêu sái nhưng laị có nét quen quen, vừa giống cái làng Vân Hội laị vừa chẳng phải. Hai người đến dự một tiệc cưới rất rộn ràng. Chủ nhà gả con gái cưng cho chàng trai làng bên, của hồi môn rất nhiều, họ hàng làng nước trầm trồ không ngớt. Ông bà đưa dâu vừa về đến nhà thì đụng mặt bà hội đồng Ngân:

 - Tui đến để nói cho ông bà biết, ông bà hùn hạp làm ăn với tui đã lâu, tiền lời ăn, tiền vốn trả laị cho tui, đã lâu rồi sao không chịu trả? Tui nể tình lắm mới không đến quậy ngày cưới con gái của ông bà, tui đợi đưa dâu xong mới đến nói phải quấy đây!

 Người đàn bà chủ nhà  giả lả:

 - Tui nào hổng dám trả, chẳng qua là kẹt quá nên trễ hẹn, bà hội đồng thông cảm cho, tui sẽ trả nay mai.

 Bà Ngân không chịu:

 - Bà xạo, người ta nói bà cho con gái cả mấy chục cây vàng làm của hồi môn, sao nói không có tiền?

 Ông chủ nhà vẫn ngồi im, bà chủ nhà cười cầu tài:

 - Bà thông cảm, thư thả tui sẽ trả mà!

 Bà hội đồng Ngân yếu thế hơn, nói hoài cũng hổng ăn thua gì, bực mình chốt một câu cuối rồi quày quả bỏ đi:

 - Bà không trả, sau này lãi mẹ đẻ lãi con, không trả không được đâu! trời đất qủy thần biết cả, ơn oán nhân gian có thể gạt nhưng nhân quả không chạy đâu cho thoát!

 Bà hội đồng Ngân đi rồi, người nữ chủ nhà mới quay qua trách chồng:

 - Ông cũng nên nói một lời chống đỡ, sao cứ ngồi im như tượng đá, mình tui phân trần muốn gãy lưỡi luôn.

 Người đàn bà ấy không trả tiền vốn cho bà Ngân mà laị đi làm việc tốt, cho chỗ này một tí, cúng chùa hay miễu kia một chút để lấy tiếng. Bà hội đồng Ngân biết thế cũng bực bội:

 - Bà ấy làm màu che mắt thiên hạ đó mà, nợ hổng trả mà lo làm từ thiện!

 Bà Ngân cũng không kiện cáo gì, vả laị bà cũng chẳng có chứng từ gì để thưa, mọi việc cứ chìm dần theo dòng đời, thời gian bôi xóa đi hết, lớp người này ra đi thì lớp trẻ laị thế vào, sự tương tục bất tận chẳng một giây dừng laị. Cây nhang tàn quá nửa, ông bà Hai giật mình thoát khỏi cơn mơ, cả hai còn ngơ ngác nhìn nhau như muốn hỏi:” Có phải vợ chồng mình vừa trải qua cơn mộng?”. Lão du sĩ thoáng cười nhẹ hỏi:

 - Ông bà đã thấy gì? Kinh sách có câu “ Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định” , người đời thì bảo: Oan gia ngõ hẹp không thể tránh nhau, nhân duyên hội tụ chẳng luận đông tây, phước phần vốn có không cầu cũng được, thân sơ quyến thuộc hoạ phước lụy nhau. Vợ chồng gia chủ đã gả con gái với món hồi môn lớn trong mộng,  ấy chính là ông bà ngày nay vậy, tiền vốn còn nợ bà hội đồng nay phải trả, thật tình mà nói thì điều ấy rất tốt cho ông bà, nợ không trả không xong, trả xong thì nhẹ nghiệp. Cô con dâu hôm nay của ông bà chính là bà hội đồng Ngân từ kiếp nọ đấy!

 Lão thầy bói ngưng một lát, cả ba người lặng im, không khí như ngưng đọng, thời gian ngừng trôi. Tâm tư ông bà Hai đang có sự chuyển biến, vừa quán chuyện cũ vừa liên tưởng chuyện hiện tại và nghĩ cả tương lai. Dường như yên lặng đã đủ, lão thầy bói thấy việc đã thấm nên laị cất lời:

 - Gia đạo ông bà cũng không có gì nghiêm trọng, xích mích nàng dâu với mẹ chồng là chuyện thường bao đời nay. Sanh làm người ở cõi Sa Bà thì làm sao mà không khổ cơ chứ? nếu không khổ thì đã không sanh vào cõi này! Con dâu của ông bà có tham, có hỗn nhưng ông bà cũng tự xét laị mình, kỹ tánh quá thì ai chịu nổi, tục ngữ cũng có câu:” Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”. Bà Hai có cái tật mà nhiều người thường mắc phải, cứ lấy lỗi của người khác đặt vào tâm của mình, hễ ai nói gì, làm gì thì lập tức chấp chặt vào đó, trước tự khổ mình sau thì gây khổ người. Đành rằng đời là khổ nhưng mình phải biết chuyển khổ thành an vui, mình phải buông xuống, tự cứu mình trước khi Phật cứu, nếu mình cứ khư khư chấp chặt thì Phật có từ bi cách mấy cũng chịu thôi!

 Ông bà Hai lặng cả người, giây lát sau ông Hai pha bình trà mới, rót một tách mời lão du sĩ, lão ấy đón lấy uống ngụm nhỏ rồi từ tốn:

 - Con người ta đến với nhau không ngoài bốn giềng mối: báo ơn – báo oán – đòi nợ - trả nợ; trong thì làm cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em; ngoài thì làm bạn bè thân hữu…Thuận duyên thì đem laị vui vẻ, nghịch duyên thì mang đến phiền não, dù thuận hay nghịch cũng đều có cái nhân sâu xa, sống ở đời thì nên cởi oán chứ đừng buộc.

 Bà Hai luôn miệng dạ dạ, một điều thầy hai điều thầy, vẻ mặt thành kínhtin tưởng lắm. Ông Hai thì ưng ý ra mặt, bình sinh xưa nay ông không thích chuyện bói toán, phong thủy hay bùa chú, ông cho đấy là tà đạo, tà pháp, là những kẻ buôn nước bọt kiếm cơm. Nhưng nay đối diện với ông thầy bói xưng là du sĩ họ Nguyễn này thì ông rất phục và bằng lòng. Ông thấy ở ông thầy bói này thật sự là một sa môn ẩn mình, cái cách lồng pháp vào bói toàn này quả thật xưa nay chưa hề thấy qua, đúng là một tuyệt chiêu của  kiệt nhân quái lão, xuất thế mà như nhập thế, nói pháp mà như hí lộng nhơn gian. Lão du sĩ họ Nguyễn ấy là tay có nghề, y đọc được tâm tư của ông Hai, y bảo:

 - Tôi học theo Pháp của Thế Tôn, tuy thân không vận cà sa, không nhập tự nhưng tôi giữ gìn quy củgiới pháp nghiêm ngặt. Tôi ngao du sơn thủy bốn phương, mượn áo thầy bói,  dụng thuật bói toán để nói chuyện nhân quả, chuyện đạo lý, chuyện phước duyên nghiệp báo… Người đời mê đã lâu, nói thẳng pháp họ không nghe, họ thích huyễn hoặc bói toán, phù phép, bùa chú… Tôi mượn chuyện để dẫn dụ người ta. Người đời bị trói buộc trong ngũ dục, bị cái ăn - mặc - ở chi phối hết đời này sang đời khác. Tôi buông xuống đã lâu, thù lao bá tánh trả tôi dùng vào việc bố thí, thân ba mảnh aó, ngày ba bữa cơm chay chẳng có gì ràng buộc hay quyến luyến, chẳng mong cầu việc chi. Tôi hoàn toàn tự tại thong dong, rong ruổi đó đây để thực hiện hạnh nguyện của mình. Thiên hạ gọi tôi là lão thầy bói, trong muôn người cũng có kẻ thấy bóng dáng thật của tôi thì gọi là lão du sĩ, gọi thế nào là việc của thiên hạ, một khi đã buông cả xuống thì cái danh vị ấy còn có nghĩa lý gì! Hiện nay tà sư ma tăng tham đắm danh văn lợi dưỡng, bọn họ khoác cà sa, thân ở chùa nhưng tham chính hoặc thân chính tác oai tác quái, tình pháp lữ suy hao, chánh pháp nhuốm màu huyễn hoặc, màu mè, hình tướng; chốn A Lan Nhã trở nên huyên náo, những trò chính trị len sâu. Bọn họ ngày đêm say mê danh vị, phẩm trật mà quên đi cái mục đích tối caogiác ngộgiải thoát. Bọn họ càng tu càng dính mắc, càng buộc mình vào danh tựhình tướng, tuy là hình tướng xuất gia, danh vị thiền môn nhưng như thế thì không thể nào giải thoát được. Bọn họ đang hoại pháp! Có những vị Sa môn chân chính của quốc dân thì bị phong toả, chèn ép không thể hành hoạt rộng rãi được. Thật tình hiện nay chữ lục hoà hoàn toàn vắng bóng, văn tự thì thuộc lòng nhưng chẳng thực hành.

 Ông Hai giục bà Hai xuống lầu làm cơm đãi thầy, bữa cơm chay giữa ông bà Hai và lão du sĩ kỳ nhân diệu sĩ thật ấm cúng. Ông bà Hai vô cùng kính nể và trân qúy thầy, cơm nước xong bà Hai mang một bao thư đến kính cẩn tạ ơn gọi là chút lòng thơm thảo gởi thầy làm lộ phí đi đường. Cả hai ông bà tiễn thầy đi, đứng nhìn mãi cho đến khi bóng lão du sĩ khuất tận cuối con đường, quay về nhà vừa đến cửa thì nghe tiếng cô con dâu léo nhéo:

 - Bữa nay bày đặt rước thầy coi bói, thầy bói nói dối ăn tiền, hơi đâu mà tin!

 Bà Hai nóng mặt muốn cự liền nhưng lời lão du sĩ chợt văng vẳng trong đầu:” Đừng lấy lỗi người khác đặt vào trong tâm của mình!”, nghĩ thế nên bà Hai cũng vui vẻ nói:

 - Hai đứa ăn cơm chưa? nghỉ tay ăn uống, để mẹ trông hàng cho.

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 10/2020

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 20334)
12/10/2016(Xem: 18285)
26/01/2020(Xem: 10834)
12/04/2018(Xem: 19050)
06/01/2020(Xem: 9872)
24/08/2018(Xem: 8545)
12/01/2023(Xem: 2913)
28/09/2016(Xem: 24243)
27/01/2015(Xem: 23863)
11/04/2023(Xem: 2144)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.