Vòng Tay Đại Từ

14/01/20211:00 SA(Xem: 4118)
Vòng Tay Đại Từ

VÒNG TAY ĐẠI TỪ
Bảo Tâm

 

    

Ton tuong Bo Tat Quan The Am Chua Linh Ung
Tôn tượng Đức Quán THế Âm Bồ Tát chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Đà Nẵng

Vân giật mình thức giấc bởi tiếng kêu thất thanh của mình, mồ hôi nhỏ giọt nấu nung cơn mơ còn sót lại. Nhẹ đẩy chăn gối sang bên, cho chân xuống gầm giường quơ dép, cô mở cửa bước ra sân.

     Bầu trời tháng tư cao vời vợi, ngàn sao lấp lánh, màn đêm còn dày đặc. Điệu đàn quen thuộc bốn giờ từ trong nhà vọng ra. Vân đi lại nằm vào chiếc võng con được máng dưới hai cây vú sữa. Gối đầu bằng hai tay, nàng ngửa mặt nhìn trời cao thăm thẳm mà hồn để tận đâu đâu… Giấc mơ vừa qua khiến Vân nghe lòng ray rứt.

     Cảnh tượng hãi hùng của mùa hè đỏ lửa, thỉnh thoảng cứ hiện về trong giấc mơ của Vân. Cũng chính ngày ấy, ba Vân đã từ giã cuộc đời và đứa em trai yêu quý của nàng đã vĩnh viễn ra đi. Thoi thóp trong chút hơi tàn, Ba còn cố hối thúc Má:

  - Hãy mặc anh! Em dẫn con chạy nhanh lên… hãy…vì…. con….vì…con…

     Không còn cách nào hơn, Má cùng anh Vũ và Vân đành lạy ba và em ba lạy rồi tiếp tục chạy trong nỗi niềm cay đắng đớn đau. Lúc đó đạn nổ vang trời, học sinh chết vô số kể, kẻ chạy ra, người chạy vào, máu cùng thây người ngập cả lối đi.

     Từ Quảng Trị, gia đình Vân bằng đủ mọi cách chạy cho tới Đà nẵng. Đà Nẵng lúc này tương đối còn an ninh. Những mái chùa, trường học đã dành làm nơi tạm cư cho đồng bào tị nạn. Người đông như kiến, lố nhố, già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà… sống chen chúc, hỗn độn. Người ta khóc than kể lể, kêu la… Kẻ mất con, người mất chồng, gia đình thất lạc, đau khổ ngập trời!

     Vân lúc đó mới lên năm, Vũ lên bảy. Trẻ con dễ buồn nhưng cũng dễ vui. Mỗi ngày, Vân với Vũ cùng bà Tâm - má Vân-  nhận không biết bao nhiêu món quà ủy lạo do các phái đoàn từ thiện đã tận tâm giúp đỡ. Nào là áo quần, mùng mền, đường, sữa, bánh mì, cơm … Mỗi chiều, quý Thầy Cô còn ra thăm viếng, an ủi từng gia đình. Có hôm, Vân cùng Vũ được quý Cô dẫn vào chùa chỉ cho xem ông Phật to, còn cho chuối bánh và áo quần đẹp nữa! Nên kể từ đó, hình ảnh người tu sĩ từ ái, hiền hòa đã in đậm nét vào tâm hồn ngây thơ, trong sáng của Vân.

     Số người tạm cư lúc ấy quá đông, lại trú ngụ khá lâu, khiến Thiền môn cũng mất đi phần thanh tịnh. Tuy nhiên, khuya nào, tối nào cũng nghe lời Kinh tiếng mõ nhịp nhàng đều đặn và những khuôn mặt nhân từ, phúc hậu với ánh mắt chan chứa tình thương, cùng dáng dấp an lành bình dị đó đã làm vơi đi rất nhiều sầu não của những gia đình tị nạn. Phải chờ sau một thời gian dài cho tình hình lắng dịu, đồng bào mới từ từ trở lại quê hương.

     Vân nhớ trong cuộc đời ấu thơ, gia đình nàng đã ba lần chạy loạn như thế. Và lần nào chùa cũng là nơi che chở an lành nhất. Sau này, khi nghe Má quyết định vào Nam sinh sống, Vân đã đề nghị Má:

  - Má! Mình mua nhà ở gần chùa nghe Má! Con thương mái chùa lắm!

     Bà Tâm cũng gật đầu tán đồng ý kiến ấy nhưng không may, có người bà con nhường nhà lại cho bà Tâm với giá phân nửa, vì thế gia đình nàng đành dọn về đây, gần chợ Cầu Muối, sát bên quán rượu, suốt ngày phải nghe nhạc inh ỏi.

     Tuy nhiên, dù sống giữa thành phố xa hoa nhưng Vân vẫn giữ được nếp sống giản dị. Má và Vân thích đi chùa, thường góp phần vào những công cuộc từ thiện. Chỉ có Vũ càng ngày càng thay đổi, Vũ bỏ học theo bạn bè, rượu chè, cờ bạc rồi về nhà quậy phá. Vũ cãi lại Má và hay đánh đập em. Nhớ đến những trận đòn vô cớ, Vân ứa nước mắt.

     Một làn gió nhẹ thổi qua, vài ba chiếc lá vú sữa rơi rụng. Vân vẫn nằm im lìm trên chiếc võng con. Bỗng! Cánh cửa cổng vụt mở, một dáng người cao lêu nghêu như muốn té nhào vào. Vân ngồi bật dậy nhìn kỹ rồi kêu nhỏ:

     - Anh Vũ!

     Vũ bước từng bước khệnh khạng đến, ngồi bịch xuống trên chiếc ghế xích đu, lè nhè hỏi:

    - Vân đó hở? Sao không ngủ, ra làm gì ngoài này sớm vậy?

  - Dạ! Trời nóng quá, em ra đây cho mát. Anh đi đâu mà giờ mới về vậy anh?

     Vũ thở dài thườn thượt, chàng nói giọng chán đời:

  - Nản quá Vân ơi! Anh muốn chết quách. Cuộc đời sao quá vô vị!

     Vân nhìn anh ái ngại, lòng đầy thương xót:

       - Anh buồn điều gì vậy anh Vũ? Anh nói cho em nghe với đi, thử em có giúp được gì cho anh chăng?

       - Giúp anh à?  – Vũ cười nhạt – Má với mày hãy lo giúp người ta với nhà chùa đi, chứ nghĩ gì đến tao mà hỏi cho mất công.

       - Không đâu anh Vũ ạ! Má chỉ còn có hai anh em mình. Má và em thương anh lắm! Nhiều bữa Má cứ ngồi nhìn ra cửa khóc, trông ngóng anh về. Má lo lắng cho anh vô cùng. Má cứ than thở, không biết chiều nay anh ăn ở đâu? Tối nay anh ngủ ở đâu? Lòng Má thương con vô bờ bến! Anh cứ bỏ nhà đi mãi làm sao Má ăn ngon, ngủ yên được? Má khóc hoài nên mắt Má đã mờ dần, bác sĩ mới cho biết, Má lại mang bệnh lớn tim nữa. Em lo sợ lắm! Sao anh nỡ làm khổ mình và làm khổ gia đình chi vậy anh Vũ?

       Nghe Vân nghẹn ngào hỏi, Vũ hơi chột dạ nhưng cũng nói liều:

       - Tao tự làm khổ mình à? Cũng có lẽ! Nhưng sống phải tận hưởng, ăn chơi cho sướng đời chứ? Dại gì cong lưng ra làm rồi đem tiền cho thiên hạ? Thấy tức! Tao không ăn chơi cũng uổng – Vũ hằn học nói.

       Vân vừa thương anh vừa nghe chua xót. Cô dịu dàng bộc lộ hết tâm can mình:

       - Anh Vũ! Anh quên những ngày tháng cũ rồi sao? Hồi đó cả làng mình chạy loạn, bà con ai cũng đói rách, thương tích nghèo túng…  Nếu không có những mái chùa che chở, không có những tấm lòng hảo tâm cứu giúp, thì đồng bào chúng ta sẽ khổ đến mức nào?

       Em nhớ hoài anh Vũ ạ! Suốt mấy tháng trời, chúng ta ăn nhờ ở đậu nhà chùa, gây ồn náo, khó nhọc không biết bao nhiêu mà kể. Vậy mà chúng ta vẫn luôn luôn được giúp đỡ, an ủi. Quý Thầy, quý Cô chẳng ngại khó khăn cực nhọc, dù trời mưa hay nắng vẫn cố gắng đi vận động đồng bào Phật tử, kẻ công người của, tất cả đều đổ dồn về cho đồng bào nạn nhân. Quả là “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no.” Má và em luôn luôn nhớ ơn này. Vì thế, dù có làm lụng nhọc nhằn vất vả, vẫn không quên dành lại một phần để cúng dường Tam bảo, nguyện cầu cho Đạo pháp hưng thạnh, cho vòng tay đại từ dang rộng mãi, che chở mãi, như mái chùa đã từng che chở dân lành. Má với em cũng không quên đóng góp phần mình vào những công cuộc từ thiện. Quê hương ta còn nghèo khó! Đất nước ta không năm nào tránh khỏi được thiên tai ách nạn, lụt lội, bão tố, hạn hán… Cho nên, dù đang sống giữa thành phố, nơi an ổn sung sướng, ta vẫn nhớ thương đồng bào nghèo khổ của mình, chia sẻ niềm đau với mọi người. Anh thử nghĩ đi! Đồng tiền dùng vào chỗ này có phí phạm gì đâu? Sao anh lại buồn rồi đâm ra phá tán chi vậy?

       - Đành là thế! Nhưng cũng vừa phải thôi chứ! Ngu dại gì để người ta lợi dụng mãi. Chắc gì đồng tiền đó đến tay dân nghèo kia đâu!

       - Nhân nào Quả đó! Anh nghi ngờ chi cho tội.

       - Thời buổi này tao thấy chỉ có tiền. Cha - Thầy gì rồi cũng chẳng trong sạch chi.

       - Cũng tùy người chứ anh! Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Chúng ta đâu nên quơ đũa cả nắm như thế! Vả lại em nghĩ, mỗi người nên tự cải thiện lấy phần mình. Từng cá nhân tốt thì sẽ có gia đình tốt, từng gia đình tốt thì sẽ đưa đến xã  hội tốt. Chứ mình nhìn thấy cái xấu cái tệ của người rồi mình càng xấu, càng tệ hơn. Cứ như vậy thì lợi ích gì đâu?

       Vân nói nhưng rất sợ anh giận, cô nhìn Vũ thăm dò thái độ, thấy Vũ im lặng, cô nhỏ nhẹ tiếp:

       - Anh Vũ! Có phải trong cuộc đời, nếu sống hời hợt, ta cứ ngỡ ai cũng như ai. Cũng ăn, cũng làm, cũng sống chừng mấy chục năm đó rồi chết. Nhưng thật ra, giá trị của mỗi đời sống rất khác xa nhau, phải thế không anh? Có người sống rất tệ, họ chỉ biết chạy theo tài, sắc, danh, lợi, ăn và ngủ. Không thèm biết đến ai, chỉ mong muốn thỏa mãn cho mình. Họ sống theo bản năng, chẳng cần có lý trí, mặc tình cho tham lam, sân hận, si ái sai sử! Một kiếp người mà chỉ biết sống như thế thì thật là uổng! Trong khi đó, còn có bao đời sống vô cùng giá trị. Sự có mặt của họ như một cứu tinh cho nhân loại. Như đời sống của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có mặt chỉ 80 năm mà lợi ích kéo dài qua bao thế kỷ. Trải qua mấy ngàn năm rồi, vậy mà ngày nay càng học Phật ta càng thấy mới mẻ, hay hothiết thực vô cùng, vô tận. Lại còn có vô số những bậc Hiền nhân, Bồ tát cũng đang có mặt trong cuộc đời này. Sự làm lợi ích của họ âm thầm, kín đáo, không tên không tuổi.

Anh biết không? Chính em đã gặp gỡ chứng kiến việc làm của những người này. Muốn gặp được họ cũng không khó, anh hãy đến những nơi khổ đau nhất, như bệnh viện, nhà thương điên, trại cùi…  hay tù ngục chẳng hạn. Ta sẽ thấy vô cùng xúc động. Những việc làm thiết thực của họ sẽ cho ta những bài học vô giá. Nhìn đời sống họ, ta tự cảm thấy hổ thẹn cho đời sống mình. Họ luôn luôn đem tất cả cuộc đời lẫn tài sản để làm lợi ích cho mọi người. Họ chối bỏ địa vị cao sang, cuộc sống lợi danh, để làm những việc tầm thường nhất như băng bó, tắm rửa cho người bệnh, quét dọn, đắp dường, xây cầu… phục vụ cho mọi người như một tôi tớ.

Mới đầu em cũng không tin tưởng mấy, em quá ngạc nhiên về những hành động này. Nhưng dần dần, em mới thấy rõ được tấm lòng hy sinh cao thượng của họ. Họ hoàn toàn không mong cầu một điều gì về mình cả, chỉ phụng sựcống hiến tận tình thôi! Còn ta?... Một dấu hỏi quá lớn phải không anh?...

Nỗi xúc động bỗng dâng trào nghẹn ứ. Vân im lặng khá lâu. Vũ vẫn ngồi bất động ở đó. Trước những lời nói chân thành, trung thực của em, Vũ không còn cớ gì để đổ thừa trách hờn được nữa. Vũ cũng tự biết mình quá sa đọa. Đôi lúc Vũ cũng muốn xa lánh con đường đen tối này lắm chứ! Nhưng không đủ sức tự chủ. Một sự thúc giục vô hình nào đó cứ cuốn lấy chàng. Mới đầu Vũ ngỡ hút thuốc, uống rượu chỉ là trò chơi thôi, có gì quan trọng đâu? Nào ngờ, lần lần thành thói quen, không sao bỏ được. Rồi Vũ nghe theo chúng bạn làm những điều xấu xa tệ hại như gạt gẫm, móc túi… miễn sao có tiền xài.  Những lúc tỉnh rượu hồi tâm, Vũ cũng thấy vô cùng xấu hổ! Nhớ lại những ngày còn ở quê hương, Vũ hối tiếc! Hồi đó Vũ hiếu học và biết thương mẹ thương em. Chỉ mong cố công học hành đến nơi đến chốn để ra làm việc giúp đỡ gia đình. Vậy mà nay, suốt ngày gần như Vũ chỉ ở ngoài đường, nơi quán rượu hoặc nhà bạn bè…

Bà Tâm thấy con trai như thế, rầu rĩ mãi nên càng già, càng bệnh. Vân phải lo gánh vác hết mọi việc trong gia đình. Cũng may, nhờ nghề đan thêu của Vân khá tinh xảo nên rất đắt hàng. Cô làm ngày làm đêm, chẳng hở tay tí nào. Dù vậy, bà Tâm và Vân rất siêng năng đi chùa. Nhờ được nghe Phật pháp nhiều, dần dần bà mới vơi đi sầu não, kham nhẫn chịu đựng, không còn than thở nữa. Bà âm thầm khấn vái, cầu xin Đức Đại Từ Bi chuyển hóa cho con bà sớm biết quay về với đường lành nẻo thiện. Bà nguyện nếu Vũ chỉnh đốn lại được đời sống, bà sẽ giao hết nhà cửa cho Vũ, bà và Vân xin vào chùa công quả tập tu.

Ngẫm lại cuộc đời đã hơn sáu mươi năm qua, thăng trầm vinh nhục, cay đắng đủ điều, trải qua không biết bao nhiêu thương đau khổ não… ngày nay đất nước thanh bình, con đã lớn khôn, bà tưởng sẽ được an ổn tuổi già. Có ngờ đâu khi vào Nam, Vũ đâm ra hư đốn. Nghĩ đến thân phận con người bà chỉ biết thở dài não ruột. 

***

Suốt đêm không chợp mắt, lại thêm phần trời nóng bức. Vừa mở cửa phòng bước ra hiên hóng mát, Bà Tâm chợt mở to mắt nhìn ra cổng. Một nhóm người đang xồng xộc đi vào cửa nhà bà. Rồi một bóng đen chẳng biết từ đâu phóng tuốt vào phòng. Bỗng bà nghe tiếng Vân gọi thất thanh:

- Má ơi!... Má ơi Má…!

       Trời còn nhá nhem, không thấy Vân đâu cả, bà hốt hoảng gọi:

       - Vân ơi! Vân! Con ở đâu?

       Vân hớt hải chạy lại bên Má hỏi dồn dập:

       - Ai vậy Má? Họ vô nhà mình chi vậy?

       Bà Tâm ngơ ngác:

       - Má cũng không biết nữa, có người chạy vào trong nhà rồi.

       - Anh Vũ đó Má!

       - Vậy sao? Để Má hỏi coi họ muốn gì?

       Không cần đợi hỏi, họ đã lên tiếng:

       - Xin lỗi bác, cho chúng tôi gặp cậu Vũ.

       - Các ông là ai?

       - Chúng tôi được báo cậu Vũ đã đánh người ta chết. Chúng tôi cần làm việc với cậu.

Vừa nghe mấy tiếng Vũ đánh người ta chết, bà Tâm đã bủn rủn tay chân, té nhào xuống đất, không còn hay biết gì cả. Mấy người đàn ông vội vàng đỡ bà lên, lay gọi mấy bà cũng không tỉnh, toàn thân bà mềm nhũn như cái bánh ướt. Vân lúc đó cũng cứng cả người, chẳng nói được lời nào.

Thấy cảnh trạng ấy, một người trong nhóm vội lên tiếng:

- Nên đưa bác này đi bệnh viện ngay đã. Hai người đưa đi, còn ba người tiếp tục ở lại làm việc!

Thấy người ta bồng Má đi, Vân bất kể nhà cửa vụt chạy theo. Cũng may thường ngày mẹ con Vân ăn ở với hàng xóm rất có tình, nên khi biết nhà Vân có chuyện chẳng lành, họ vội vàng sang can thiệp. Một vài người đi theo Vân vào bệnh viện phụ giúp lo cho bà Tâm, còn tất cả đi thẳng vào nhà. Mấy người đàn ông lạ mặt lúc nãy đang lục soát nhà cửa. Họ đã tìm được Vũ, còng tay chàng lại dẫn đi. Họ không quên nhắn lại hàng xóm:

- Chúng tôi thi hành pháp luật, không hề làm gì để di hại đến tài sản gia đình bà. Xin bà con làm chứng cho.

im lặng lạnh lùng chẳng nói lời nào cả. Hàng xóm thấy thương xót, có xin xỏ dùm nhưng vô ích. Sự kiện xảy ra quá bất ngờ, không ai rõ chuyện gì. Họ đành đóng cửa nhà bà lại rồi ra về.                                                            

 

***

 

      Trên cành cây vú sữa, vài chú chim se sẻ chuyền qua chuyền lại gọi nhau ríu rít. Hai cánh cổng nhà bà Tâm vẫn đóng im lìm buồn bã. Mãi đến hai ngày sau, Vũ mới được thả tự do. Lúc đó mọi người mới biết Vũ vì ăn nhậu say sưa rồi đánh lộn với bạn bè, nhưng thằng kia mạnh quá! Nó đè Vũ xuống đánh chàng nhừ tử. Thấy Vũ thất thế, một thằng bạn khác lại nhào vô can thiệp. Sẵn mấy vỏ chai rượu, nó nện vào đầu thằng kia, gây trọng thương rồi cả hai bỏ chạy. Khi điều tra kỹ thấy tội Vũ không nặng lắm, họ chỉ nhốt vài hôm cảnh cáo rồi cho về.

Phần bà Tâm, cho đến nay vẫn chưa tỉnh. Trong cơn mê sảng, bà gọi tên Vũ và khóc rấm rức. Vũ được thả, liền phóng xuống bệnh viện. Tận mắt thấy nỗi khổ của mẹ cùng dáng gầy xanh xao của em, lòng Vũ bỗng chùn xuống, niềm hối hận không sao tả xiết. Vũ gục xuống ôm mặt mẹ, nước mắt ràn rụa:

- Má ơi! Con bất hiếu quá! Má ơi!... Con đã làm khổ Má quá, Má tha thứ cho con… Má, Má!... Tỉnh lại đi Má! Con hứa là con sẽ lãnh chịu bất cứ hình phạt nào… Xin Má đừng bỏ con Má!...Má ơi!

Vũ khóc như một đưa trẻ thơ. Thấy anh đau khổ quá, ruột gan Vân như đứt từng đoạn, cô cũng ôm chân Má nức nở nghẹn ngào. Vân không dám nghĩ đến chuyện Má vĩnh viễn ra đi, điều đó có lẽ quá sức chịu đựng của Vân. Vân không dám nghĩ gì thêm nữa, cô lắc đầu nguầy nguậy:

- Không!... Không Má ơi! Má đừng bỏ anh em con, chúng con cần có Má, chúng con thương Má lắm!... Má! Má tỉnh lại Má ơi!

Đã mấy ngày qua, Vân không tài nào nuốt nổi hạt cơm, cô bơ phờ đến ngớ ngẩn. May nhờ bà con lối xóm cùng mấy bác Đạo hữu tận tình an ủi, giúp đỡ. Họ lo hết mọi việc, còn mang tặng cho bà Tâm nào trái cây, bánh, sữa, lẫn tiền bạc. Còn thêm quý Thầy, quý Cô đến tận bệnh viện thăm viếng, an ủi Vân và khuyên lơn Vũ. Thầy Vạn An từ ái cầm tay Vũ dạy:

- Cha mẹ còn như Phật tại thế nghe con! Các con cố gắng vâng lời, đó là cách trả hiếu mà cha mẹ trông mong nhất. Không cần các con phải phụng dưỡng, hầu hạ ăn sung mặc sướng, chỉ cần nghe con nói những lời thành thật, chí hiếucha mẹ đủ mát lòng rồi. Cái tình thiêng liêng này dư sức giúp cha mẹ vượt qua bao cay đắng, gian nan và nhận chịu hết mọi bề khó nhọc mà không hề nao núng.

Thầy nhẹ nhàng tiếp:

- Vũ ạ! Thật ra con người không ai hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Chỉ do vì cảnh duyên đưa đẩy. Nếu bây giờ thả cho quý Thầy, quý Cô ra ngoài xã hội thì cũng vậy thôi, chớ chẳng khác mấy đâu. Nhưng nhờ ở trong môi trường tốt, được học nhiều điều hay lẽ phải, luôn luôn được người lớn khuyên nhắc và tự mình cố gắng sửa đổi những lỗi lầm. Nhờ thế mới dần dần trở nên người đạo đức! Cho nên môi trường sống là điều hết sức quan trọng.

Các con đừng xem thường những đam mê nhỏ như rượu chè, cờ bạc, hút sách, bạn bè xấu… Những thứ đó mới đầu ta ngỡ thử chơi thôi. Nhưng không ngờ dính vô rồi không gỡ ra được, lần lần nó đưa cuộc đời ta đến chỗ u ám, thân thể bệnh hoạn, gia đình tan nát, xã hội tối tăm… Cái gì cũng bắt đầu từ mảy mún cả, người hời hợt hay khinh thường lắm! Nhưng người có trí lại rất dè dặt. Phải cẩn thận! Bởi vì chính cái nhân nhỏ này lại đưa đến cái quả rất lớn. Cuộc đời tốt đẹp hay khổ đau đều do ta cả, Vũ ạ! Không ai ban phát cũng không ai thưởng phạt, luật nhân quả công bằng tuyệt đối, hễ “Hình ngay thì bóng thẳng, tiếng rõ thì vang hay”. Nó tựa như con đứng trước một tấm gương, nếu con cười thì người trong gương cũng cười. Con giơ tay đấm thì người trong gương cũng giơ tay đấm. Trong cuộc sống tương giao, con có công nhận như thế không?

Cho nên Thầy khuyên các con sống cẩn thận, nên dè dặt từng hành động của mình. Thầy rất thông cảm, tuổi trẻ ai cũng nông nổi, phóng túng và đam mê… Có nhiều khi mình muốn dừng lại lắm nhưng có lẽ không đủ sức, phải không con? bản năng thường mạnh hơn lý trí. Vì thế nên ta rất cần môi trường tốt, cần gần thầy lành bạn tốt để nâng đỡ hướng dẫn và giúp năng lực cho mình. Hãy hướng năng lực này vào những việc lợi ích, có biết bao nhiêu việc quan thiết đang cần đôi bàn tay ta đóng góp xây dựng. Hãy tự tạo giá trị cho đời mình chứ con! Thầy tin rằng ngày mai tươi sáng đang mỉm cười  chào đón con đó! Hãy vui lên nghe Vũ!

Lần đầu tiên trong cuộc đời, Vũ cúi đầu đón nhận những lời dạy dỗ thành thật từ ái như thế! Vũ xúc động đến nổi chàng chắp hai tay lại, run run tựa búp sen trước gió:

       - Con vô cùng tri ân Thầy, Thầy đã soi sáng cho con con đường thoát khổ. Con nguyện hứa sẽ cố gắng, không dại dột ngu si hoang phí cuộc đời mình nữa. Con sẽ đem hết khả năng ra phụng sự, xây dựng cho mình và cho đời.

Ngày hôm sau, bà Tâm dần dần tỉnh lại. Bà được Vân cho biết Vũ đã thay đổi hoàn toàn, lòng bà vui mừng vô hạn. Nhân dịp Vũ gần gũi săn sóc bệnh mẹ, bà gọi Vũ ngồi lại ngọt ngào khuyên dạy:

       - Con ạ! Má biết Má không sống được bao lâu nữa đâu. Cuộc đời quả thật là khổ! Má tự chiêm nghiệm “Khổ đế” này qua chính bản thân mình. Sống đã là khổ rồi, mà già - bệnh - chết cũng thật là khổ. Những cái khổ này đâu phải chỉ riêng mình Má, mà hầu như không ai tránh khỏi! Lại còn bao nhiêu cái khổ khác nữa, con thấy không? Người ta không khổ vì nghèo đói cũng khổ vì giàu sang sanh hư hỏng. Không khổ vì chồng vì con lại khổ vì kiếp cô thân độc mã, không nơi nương tựa. Nếu không khổ vì thân bệnh hoạn đau đớn cũng khổ vì tham dục, sân si. Hoặc giảthiên tai, ách nạn…

Cuộc đời này thật quá khổ con ạ! Nếu Má không nhờ học hỏi chánh pháp của Phật, không nhờ Tam Bảo che chở, chắc hẳn Má đã chết từ lâu rồi, không đủ sức chịu đựng để mà sống. Như thế ắt hẳn, các con đã bơ vơ côi cút từ tấm bé. Vì thương các con, nhờ được mọi người an ủi, giúp đỡ lây lất, vậy nên Má mới sống được, lo cho các con đến ngày nay. Bệnh lần này nếu không có mặt con ở đây, có lẽ Má đi luôn quá! Không làm sao đủ sức tỉnh lại được. Những ngày Má chưa tỉnh nổi nhưng Má cũng nghe được tiếng con, cảm được lời ăn năn hối hận của con. Má vui mừng sung sướngmãn nguyện lắm! Chính nhờ năng lực hạnh phúc này đã giúp Má vượt qua cửa tử thần, hồi tỉnh lại với các con. Con có thấy được sự mầu nhiệm thiêng liêng này không?

- Dạ thưa, con đã biết.

- Vì vậy, Má nghĩ trong cuộc sống, chúng ta nên cố gắng mang hạnh phúc lại cho nhau. Bởi nó là năng lực cần thiết nhất. Má không mong gì hơn, sau này khi con có gia đình, con cố gắng yêu thương vợ con! Hãy là người chồng đạo đức, hãy là người cha gương mẫu. Nếu con biết dạy dỗ con cháu cẩn thận, tạo được một gia đình hạnh phúc thì có nghĩa con đã góp phần xây dựng xã hội lành mạnh rồi đó. Má biết con không phải hư hỏng đâu, chỉ do ngoại cảnh đưa đẩy, mà con lại thiếu hiểu biết, dễ tin, nên không tự chủ được mình. Cho nên, sự học hỏi rất là quan trọng. Nếu Má và em con không nhờ hiểu biết đạo lýchắc chắn chúng ta không có được ngày nay. Chúng ta sẽ dại khờ gây ra hết đổ vỡ này đến đổ vỡ khác, không phương cứu vãn… Con hiểu ý Má muốn nói gì không?

       - Thưa Má,  con đã hiểu. Má ơi! Lòng Má như đại dương mà con chẳng khác gì con cóc ngồi đáy giếng. Con ngu muội cố chấp, cứ cho mình là hay, là phải, là đúng, là tốt, cho nên không chịu nghe lời ai cả. Ngày nay con mới sáng mắt ra, may phước cho con là biết ăn năn hối hận kịp. Nếu không, lỡ Má qua đời, chắc hẳn trọn đời con sống trong dằn vặt ray rứt. Quả là giáo pháp đã trưởng dưỡng Má, cho Má sự hiểu biết thâm sâu và Má đã mớm dần cho con tính chất cam lồ ấy.

Vũ nhìn ngắm Má. Gần mười năm qua, ngày nay Vũ mới thật sự nhìn rõ được  hình hài ốm o gầy mòn của Má. Có phải Má đã héo gầy vì sự hư hỏng của Vũ chăng? Cũng như Vân, Vân đã lao nhọc quá nhiều, em tiều tụy sa sút hẳn. Lúc nào Vân cũng có vẻ chịu đựng, nhẫn nhụchy sinh. Vũ nhớ nhiều lần vì nóng giận, chàng đã vô cớ đánh đập em. Nhưng chưa lần nào Vân cãi lại anh một lời. Lúc nào Vân cũng nhỏ nhẹhết lòng an ủi, khuyên lơn Vũ.

Có phải Má và Vân cũng là những vị Bồ Tát hóa thân đó chăng? Đang âm thầm nối tiếp vòng tay đại từ, che chở, bao dung, dắt dìu những kẻ lầm đường lạc lối như Vũ sớm biết quay về với Chân Thiện Mỹ.

Vũ chợt thấy một chân trời mới đang lóe lên trong tâm hồn mình. Và anh tin rằng ngày mai của anh không còn tăm tối nữa..

                                                  

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/01/2018(Xem: 21157)
12/10/2016(Xem: 19113)
26/01/2020(Xem: 11738)
12/04/2018(Xem: 19940)
06/01/2020(Xem: 10815)
24/08/2018(Xem: 9335)
12/01/2023(Xem: 3746)
28/09/2016(Xem: 25008)
27/01/2015(Xem: 26048)
11/04/2023(Xem: 3007)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.