NGÀY TĂNG BẢO SAṄGHA DAY
Vũ Đình Lâm
Ở miền Bắc Việt Nam, qua mỗi độ xuân đến là mùa của lễ hội, trong đó phải kể đến ngày lễ Rằm tháng Giêng. Dân gian truyền câu “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” để miêu tả mức độ hoành tráng của ngày Rằm tháng Giêng. Thường thì ai cũng chỉ biết sơ sơ về ý nghĩa các ngày lễ dân gian như Rằm tháng 7 là lễ Vu lan, Rằm tháng 8 là Tết Trung thu, ngày mồng 3 tháng 3 là Tết Thanh minh, ngày mồng 5 tháng 5 là Tết Đoan ngọ… Nhưng ý nghĩa của Rằm tháng Giêng thì đa phần đại chúng chỉ biết lơ mơ là ngày Thượng nguyên, ngày dâng sao giải hạn đầu năm gì đấy vì đền nào, chùa nào cũng ghi như vậy. Thượng nguyên là gì thì chả biết, nghe đồn là ngày theo tích của ông cha bên Tàu truyền sang, nhưng ai cũng biết ngày đó là đền phủ chùa chiền nào cũng mở hội to đùng, cúng bái la liệt để dâng sao giải hạn, to đến mức nghẽn hết cả đường như ở chùa Trấn Quốc của thầy Thanh Nhã, chùa Phúc Khánh của thầy Thanh Quyết... Ừ, thì cứ biết ngày Rằm tháng Giêng là ngày đến đền chùa, nộp ít tiền để các ông thầy cúng viết sớ giải hạn (vì ai cũng có hạn nên phải cúng tiền để các thầy giải cho nhẹ hạn), rồi cũng nghe các thầy ê a “kim đương thỉnh giải” gì gì đó… Ngồi nghe ngáp sái quai hàm thì được các thầy sai ra lấy cái xô nhựa đựng nước và các đồng xu âm dương vào, mỗi lần các thầy ê a gì gì đó thì phải thò tay xuống tìm các đồng xu và nhặt ra để trước mặt, sau khi các ông trẻ ê a xong thì đến tiết mục đếm xu, ai mà xu chẵn thì xong, xu bị lẻ là thiếu tín tâm, trong năm phải năng đến để cống nạp hơn nữa… Cuộc đời chúng ta cứ trôi đi trong những buổi lễ huyền hoặc tâm linh như vậy.
Cho đến một ngày đủ duyên, tôi đã được đọc giáo lý Nguyên thủy của đạo Phật, và như ánh sáng bừng lên trong đêm tối, soi tỏ bức màn vô minh và mê tín đã bao phủ lên bấy nhiêu năm cuộc đời. Tôi đọc và mới hiểu được ý nghĩa đích thực của ngày Rằm tháng Giêng và những ngày Rằm trọng đại trong Phật giáo với những tên gọi đầy hoan hỉ như:
- Ngày Rằm tháng Giêng Māghapūja: Ngày Tăng Bảo (Ngày đại hội Thánh Tăng của thời kỳ đức Phật Gotama).
- Ngày Rằm tháng Tư Vesākhapūjā: Ngày Phật Bảo (Ngày đức Bồ-tát đản sinh kiếp chót, ngày đức Bồ-tát chứng đắc quả vị Phật Chánh Giác, ngày đức Phật nhập Niết-bàn).
- Ngày Rằm tháng Sáu Āsālhapūja: Ngày Pháp Bảo (Ngày đức Phật lần đầu tiên thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân Dhammacakkappavattanasutta).
Với ngày Rằm tháng Giêng có hai ý nghĩa chính:
♦ Ngày Đại hội thánh tăng tại Veluvana (Trúc Lâm tịnh xá)
♦ Ngày đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma vương rằng 3 tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết bàn.
Lễ hội Rằm tháng Giêng là ngày đại hội thường lệ của chư Phật được gọi là Caturangasannipāta. Tuy nhiên, theo lịch sử những vị Phật Chánh Giác trong quá khứ thì số tăng hội, thời kỳ đại hội, địa điểm có phần khác với đức Phật Gotama. Còn những yếu tố căn bản cho kỳ đại hội thì hoàn toàn giống nhau. Dường như đây là truyền thống của Chư Phật. Đại hội thánh tăng thời kỳ đức Phật Gotama hội đủ bốn chi phần là:
1. Tổ chức đúng vào ngày trăng tròn tháng Giêng Māgha.
2. Đại hội có 1.250 vị tỳ-khưu, tự động đến bái kiến đức Phật mà không có sự thỉnh mời hay hẹn trước.
3. Số tăng hội 1.250 vị đều xuất gia Thiện-lai Tỳ-khưu (Ehibhikkhu).
4. Các ngài đều là bậc Thánh tăng.
- Đại hội thánh tăng thời kỳ này khai mạc đúng vào ngày trăng tròn tháng Māgha tại Veluvana. Trong đại hội, đức Phật thuyết cho 1.250 vị tỳ khưu về giới bổn Pātimokkha, được phân chia làm hai phần:
1. Giáo giới Ovadapātimokkha: Đức Phật tóm lược Giáo pháp của Ngài thành ba câu kệ ngôn:
Sabbapāpassa akaranam / Không làm điều ác.
Kusalassu upasampadā / Làm các hạnh lành.
Sacittapariyotapanam / Giữ tâm ý trong sạch.
Đây là giáo giới của chư Phật trong quá khứ cũng như của Đấng Đạo Sư lúc đó.
2. Đức Phật giảng về Anāpātimokkha, có nghĩa là Ngài chuẩn y giới luật cho chư tỳ khưu phải hành lễ Bố-tát (Uposatha) mỗi tháng hai kỳ vào ngày 15 và 30 (hoặc 29). Lễ Bố-tát là một hình thức giúp các vị xuất gia quán chiếu lại giới hạnh của mình cho được tịnh nghiêm, nếu có sơ sót trong tiểu giới thì ngày hôm đó các vị sám hối với nhau.
Ngày nay, chư Tăng hệ phái Theravāda vẫn còn gìn giữ truyền thống này vì Giới luật là nền tảng của Phật giáo, Giới luật còn thì Giáo pháp còn. Trong Tam Tạng kinh điển, đức Phật tuyên bố rằng theo thời gian, Luật tạng sẽ hoại diệt sau cùng. Khi nào Luật tạng hoại diệt thì lúc đó là thời mạt pháp, là khởi điểm hết nhiệm kỳ Giáo pháp của một vị Phật Chánh Đẳng Giác.
Đồng thời với ý nghĩa trên, ngày rằm tháng Giêng còn được Kinh Mahāparinibbanasutta (Đại-bát Niết-bàn) ghi như sau:
Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu Tăng từ kinh thành Rājagaha du hành đến kinh thành Vesāli. Một hôm, Đức Thế Tôn ngự vào thành Vesāli khất thực, sau khi thọ thực xong, đức Phật dạy bảo Đại đức Ānanda cùng ngự đến ngôi tháp Cāpālacetiya. Sau khi đức Thế Tôn ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn, Đại đức Ānanda đảnh lễ đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ.
Khi ấy, đức Thế Tôn dạy rằng: - Này Ānanda, bậc nào đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu (idhipāda), đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành tựu này.
Này Ānanda, bậc ấy có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ hoặc hơn kiếp tuổi thọ như ý.
Này Ānanda, Như Lai đã thường tiến hành 4 pháp thành tựu, đã tiến hành trở thành thuần thục, đã tiến hành trở thành nền tảng vững chắc, có căn bản, đã luyện tập thành thói quen hằng ngày, thường tinh tấn không ngừng tiến hành 4 pháp thành tựu này.
Này Ānanda, Như Lai cũng có khả năng duy trì trọn kiếp tuổi thọ (100 năm) hoặc hơn kiếp tuổi thọ (hơn 100 năm) vậy.
Đức Thế Tôn đã dạy gián tiếp như vậy, mà Đại đức Ānanda không hiểu, nên bạch đức Thế Tôn rằng:
- Kính bạch đức Thế Tôn, kính xin Ngài duy trì suốt kiếp tuổi thọ (100 năm).
Kính xin Ngài duy trì trọn kiếp tuổi thọ, để tế độ cho phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc phần đông chúng sinh, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho chư thiên và nhân loại.
Bởi vì, khi ấy Đại đức Ānanda bị Ma vương quấy nhiễu, nên không hiểu ý của đức Thế Tôn. Dù đức Phật dạy như vậy lần thứ hai, lần thứ ba, Đại đức Ānanda vẫn không hiểu được nên ngài Ānanda đảnh lễ đấng Đạo sư, rồi xin phép đi ra ngoài ngồi dưới gốc cây không xa đó.
Khi Đại đức Ānanda vừa mới ra ngoài, Ác Ma Thiên liền đến đảnh lễ đấng Thập Lực Tuệ, rồi đứng một nơi hợp lẽ và bạch rằng:
- Kính bạch đức Phật, kính xin Ngài tịch diệt Niết-bàn, kính xin Ngài tịch diệt Niết-bàn ngay bây giờ! Bây giờ là lúc tịch diệt Niết-bàn của Ngài.
Thật ra, Ác Ma Thiên đã nhiều lần đến thỉnh đức Phật tịch diệt Niết-bàn, những lần trước Ngài đều khước từ. Nhưng lần này, Đức Thế Tôn hứa với Ác Ma Thiên rằng:
- Này Ác Ma Thiên, ngươi hãy yên tâm, không lâu nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết-bàn. Kể từ nay, chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.
Như vậy, Đức Thế Tôn có trí tuệ sáng suốt, xác định thời gian ba tháng nữa sẽ xả tuổi thọ, sinh mạng của Ngài, tại ngôi Tháp Cāpālacetiya, đó là vào ngày Rằm tháng Giêng (âm lịch). Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động.
Đại đức Ānanda thấy điều lạ thường, trái đất rung chuyển nên vào hầu Đức Thế Tôn, bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nguyên nhân nào làm trái đất rung chuyển, bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Ānanda, ngay hôm nay, vừa rồi, Như Lai có trí tuệ sáng suốt hứa với Ác Ma Thiên rằng: “Chỉ còn ba tháng nữa, Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn”.
Để kỷ niệm ngày Rằm tháng Giêng này, các quốc độ Phật giáo Theravāda tổ chức lễ Rằm Māghapūja bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp, tỏ lòng kính ngưỡng đến các bậc xuất gia.
Đặc biệt, chư Tăng cùng các cận sự nam nữ thường tổ chức nghi lễ cúng dường Tăng Bảo bằng lễ hội Đầu đà (Dhutaṇga): Thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng mà thôi, suốt đêm Rằm tháng Giêng cho đến rạng ngày hôm sau.Thông thường, trong đêm Đầu đà có nhiều phần để Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý như: chư Tăng thuyết pháp, chiêm bái Xá Lợi, hành thiền, vấn đáp Phật pháp, luận đạo, hành thiền v.v... Người tham dự một đêm đầu đà, qua những phần sinh hoạt Pháp đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn bản của Phật giáo và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam Bảo. Đó là cách thức cúng dường cao thượng nhất đến Đức Phật.
"Đầu đà" hay “Dhutaṅga” nghĩa là dẹp được những phiền não, loại trừ được những phiền não.
Hành giả thọ pháp hạnh đầu đà là người ít tham muốn, tri túc, hoan hỷ ở nơi thanh vắng, không sống chung đụng với nhiều người, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp, giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, thực hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc; thực hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não, tham ái.
Pháp hạnh đầu đà có 13 pháp; pháp hạnh ngăn oai nghi nằm là 1 trong 13 pháp hạnh đầu đà ấy.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm có có 3 bậc:
- Bậc thượng: Hành giả ngồi ngay thẳng, không dựa lưng, đầu vào một nơi nào cả.
- Bậc trung: Hành giả có thể ngồi dựa lưng, đầu vào tường...
- Bậc hạ: Hành giả có thể ngồi trên giường, trên ghế dựa...
Hành giả sau khi thọ trì pháp hạnh đầu đà này rồi, suốt đêm: Canh đầu, canh giữa, canh cuối chỉ sử dụng 3 oai nghi: Oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là phụ tuyệt đối không sử dụng oai nghi nằm, cho đến rạng sáng ngày hôm sau.
Nếu hành giả muốn ngủ để thân tâm được nghỉ ngơi, thì hành giả có thể ngủ trong oai nghi ngồi.
Như vậy, hành giả đã thành tựu kết quả pháp hạnh đầu đà này.
Hành giả đã thọ pháp hành đầu đà này rồi, ban đêm có 3 canh: Canh đầu, canh giữa, canh cuối, nếu hành giả đặt lưng và đầu xuống mặt phẳng nằm nghỉ ngơi vào canh nào, thì pháp hành đầu đà này bị đứt. Tuy pháp hành đầu đà này bị đứt nhưng không có tội, chỉ không được phước mà thôi. Hành giả có thể nguyện thọ pháp hạnh đầu đà này trở lại.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm này, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, hành giả được thành tựu các quả báu như sau:
- Cắt đứt tâm ham nằm ngủ ngon giấc.
- Thuận lợi thực hành mọi pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.
- Giữ gìn các oai nghi đáng kính, dễ phát sinh đức tin trong sạch.
- Tinh tấn thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ liên tục.
- Hỗ trợ cho các pháp hành giới - định - tuệ... được phát triển và tăng trưởng tốt.
Trong bộ Chú giải Mahāvagga thuộc Chú giải Trường Bộ Kinh, kinh Sakkapañha-suttavaṇṇanā có đề cập đến chư Thánh Arahán thọ trì pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm đó là:
- Nhị vị Tối Thượng Thanh Văn đệ tử: Ngài Đại Trưởng Lão Sāriputta và Ngài Đại Trưởng Lão Mahāmoggallāna không nằm suốt 30 năm.
- Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa không nằm suốt cuộc đời xuất gia (Ngài thọ 120 tuổi).
- Ngài Trưởng lão Anuruddha không nằm suốt 50 năm.
- Ngài Trưởng lão Bhaddiya không nằm suốt 30 năm.
- Ngài Trưởng lão Soṇa không nằm suốt 18 năm.
- Ngài Trưởng lão Raṭṭhapāla không nằm suốt 12 năm.
- Ngài Trưởng lão Ānanda không nằm suốt 15 năm.
- Ngài Trưởng lão Rāhula không nằm suốt 12 năm.
- Ngài Trưởng lão Bākula không nằm suốt 80 năm (Ngài thọ 160 tuổi).
- Ngài Trưởng lão Nāḷaka không nằm cho đến khi tịch diệt Niết Bàn.
Tuy quý Ngài là bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, nhưng quý Ngài thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là cốt để làm gương tốt cho lớp hậu sinh noi theo.
Các pháp hạnh đầu đà đều có khả năng ngăn được phiền não, nghĩa là diệt tâm ác, để tâm thiện sinh, làm cho các thiện pháp phát sinh như dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp phát sinh.
♦ Nghi thức thọ pháp hạnh đầu đà:
Trước khi thọ pháp hạnh đầu đà:
- Nếu hành giả là Tỳ khưu, thì nên sám hối āpatti xong.
- Nếu hành giả là Sadi, thì nên xin thọ lại phép quy y Tam Bảo và Sadi thập giới.
- Nếu hành giả là cận sự nam, cận sự nữ, thì nên xin thọ phép quy y Tam bảo và ngũ giới, hoặc bát giới.
Mỗi hành giả sau khi đã có giới rồi, phát sinh thiện tâm trong sạch, cung kính thọ pháp hạnh đầu đà.
Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng tuần tự như sau:
1 - Kính lễ đức Phật Gotama:
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.
2 - Thọ trì pháp hạnh đầu đà:
Seyyaṃ paṭikkhipāmi,
Nesajjikaṅkaṃ samādiyāmi.
Con nguyện xin ngăn oai nghi nằm.
Con xin thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng.
3 - Cúng dường Tam bảo:
Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Phật Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.
Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Pháp Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.
Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Saṃghaṃ pūjemi.
Con đem hết lòng thành kính cúng dường Đức Tăng Bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.
4 - Lời nguyện cầu:
Addhā imāya paṭipattiyā jāti jarā maraṇamhā parimuccissāmi.
Chắc chắn, con sẽ giải thoát khỏi sinh, già, chết do nhờ duyên lành thực hành pháp hạnh đầu đà này.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên thế gian.
Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Xin hãy cùng nhau thành tâm nguyện cầu cho Chánh Pháp được trường tồn, nguyện cầu cho tất cả chúng sinh tôn kính Pháp, nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa trên cõi nhân gian này.
Etena saccavajjena sotthi me hotu sabbadā.
Do lời chân thật này, cầu mong cho con luôn được an lành
Etena saccavajjena sotthi te hotu sabbadā.
Do lời chân thật này, cầu mong cho người luôn được an lành
Etena saccavajjena sotthi no hotu sabbadā.
Do lời chân thật này, cầu mong cho chúng con luôn được an lành
Etena saccavajjena sotthi vo hotu sabbadā.
Do lời chân thật này, cầu mong cho mọi người luôn được an lành.