Kho Tàng Pháp Âm

30/03/20213:25 CH(Xem: 5592)
Kho Tàng Pháp Âm

PHẬT GIÁO NAM TÔNG VIỆT NAM
KHO TÀNG PHÁP ÂM
TỲ KHƯU GIÁC GIỚI
CHÙA BỬU ĐỨC

 

MỤC LỤC

Ba Hạng Người     
Hai Pháp Chướng Ngại
Bốn Pháp Tiến Hóa
Bốn Hạng Người (1)
Con Người Giá Trị
Bốn Pháp Có Đặc Ân
Tam Tướng Thế Gian
Tư Cách Sân Hận
Tứ Thân Phược Pháp
Tứ Chánh Cần
Báo Thời Của Nghiệp
Đạo Phật Với Tuổi Trẻ
Ba Yếu Pháp Dẫn Đến Giải Thoát
Năng Suất Của Nghiệp
Tam Pháp Thắng Nghịch
Biết Thương Mình
Thế Nào Là Lời Phật Dạy?
Tâm Hoang Vu
Pháp Tam Cơ
Bốn Hạng Người (2)

BA HẠNG NGƯỜI

 

Thời pháp hôm nay tôi xin thuyết trình về “Ba hạng người” do Đức Phật đã giảng dạy cho chư đệ tử, được ghi chép lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṇguttara Nikāya).

Thưa quý vị, một thời nọ Đức Thế Tôn đang trú yên, bèn gọi Chư Tỳ Khưu mà dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, có 3 hạng người này, có mặt xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?

Này chư Tỳ khưu, ở đây có người mù mắt, có người chột mắt, có người sáng cả đôi mắt.

Và thế nào là người mù mắt?

Này chư Tỳ khưu, có người không có mắt để biết cách thâu hoạch tài sản, làm gia tăng tài sản đã thâu hoạch, họ lại cũng không nhận biết được Pháp thiện và Pháp bất thiện, Pháp có tội và Pháp vô tội, Pháp hạ liệt và Pháp ưu thắng. Hạng người như vậy người là hạng người mù mắt.

Thế nào là Người chột mắt?

Này chư Tỳ khưu, có người lành một mắt chỉ biết được cách thâu hoạch tài sản, làm gia tăng tài sản đã thâu hoạch, mà họ lại không có mắt để nhận biết được Pháp thiện và Pháp bất thiện, Pháp tội và Pháp vô tội, Pháp hạ liệt và Pháp ưu thắng. Hạng người như vậy, gọi là người chột mắt.

Thế nào là người sáng cả đôi mắt?

Này các Tỳ khưu, có người có hai mắt, để nhờ vậy biết cách thâu hoạch tài sản, làm gia tăng tài sản đã thâu hoạch, họ lại nhận biết được Pháp thiện và Pháp bất thiện, Pháp tội và Pháp vô tội, Pháp hạ liệt và Pháp ưu thắng. Hạng người như vậy gọi là người sáng cả đôi mắt.”

Thưa quý vị, qua đoạn kinh này, chúng ta thấy rằng Đức Phật đã dùng lối tỷ dụ thuyết để ám chỉ Pháp cho dễ nhận, như là ở đời dụ người có mắt; có hạng người đui mắt; có hạng người chột mắt và có hạng người sáng mắt.

Hạng người mù mắt Đức Phật dạy đây chẳng phải là người bị hư nhãn quan thị giác bằng thịt đâu. Còn người chột mắt chẳng phải là người tật nguyền còn một mắt, và người sáng mắt không phải là chỉ cho người có thần kinh lành mạnh đâu.

Nếu hiểu theo cớ sự thì đâu có gì phải nói mà chính là đây nên hiểu theo cái lý của sự.

Thưa quý vị nói nhãn hay con mắt đây có hai:

-      Một là nhục nhãn (Maṇasacakkhu) tức là con mắt bằng thịt của chúng ta đây, cũng gọi là nhãn quang hay thị giác để cho trông biết cảnh sắc.

-      Và hai là Trí nhãn (Paññācakkhu) tức là ám chỉ con mắt trí hóa nhận hiểu sự vật, pháp lý do quán xét suy tư.

Như vậy, đối với ba hạng người tỷ dụ có mắt, mà Đức Phật đã dạy, là nói đến Trí nhãn chứ không phải nhục nhãn.

Và bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu sâu về ba hạng người này, trước hết là tôi trình bày hạng người thứ nhất có mặt xuất hiện ở đời.

Thưa quý vị, hạng người mù mắt, Đức Phật dạy chỉ cho hạng chúng sanh sống ở đời mà thiếu trí hóa thông minh trên cả hai phương diện: đời sống vật chấtđời sống tinh thần.

Nghĩa là hạng người này không hiểu biết phương cách để làm ra tài sản, tài sản hợp pháp và những tài sản nào đã thâu hoạch được, không biết cách làm cho tăng trưởng thêm.

Lại nữa hạng người này rất mù quáng không nhận biết được Pháp nào là thiện, Pháp nào là bất thiện, Pháp chi là tội, Pháp chi là không tội lỗi, Pháp gì là ưu thắng, Pháp gì là hạ liệt thấp kém.

Thưa quý vị, hạng người này do vậy đời sống của họ phần nhiều bị sầu muộn khổ đau ngay trong đời hiện tại luôn cả kiếp vị lai.

Về đời sống vật chất hiện tại, vì không biết cách làm thâu hoạch tài sản chưa có, tăng trưởng tài sản đã có nên họ trở nên nghèo túng thiếu hụt, từ đó có thể khiến sanh ra những hành động, việc làm phi pháp bất chánh, nên đôi khi mắc phải tội tình bị hành hạ khổ sở. Đó là nỗi khổ về đời sống vật chất của người mù mắt trong hiện tại.

Nhưng thưa quý vị, tại sao chúng sanh ấy bị nghèo túng không biết cách thâu hoạch tài sản, hoặc có biết nhưng tài sản không phát sanh?

Vì họ vốn đã bị mù mắt từ đời trước không biết làm lành bố thí, giúp đỡ tài vật cho chúng sanh khác cần thiết. Do nhân ấy, nghiệp ấy nên đời này gặt hái hậu quả như vậy.

Trở lại vấn đề về đời sống tinh thần hiện tại của hạng người mù mắt, do không nhận biết Pháp thiện ác, Pháp đen trắng nên họ tự do hành ác hạnh, bất thiện pháp như: sát sanh hại vật, trộm cướp tà dâm, nói dối, nói độc ác, nói đâm thọc, nói chuyện nhảm nhí, ...

Do vậy họ luôn luôn bị phiền toái, khổ tâm sầu muộn, khiếp đãm. thế nên Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

“Nay khổ đời sau khổ

Kẻ ác hai đời khổ

Khổ tâm: "Ta làm ác"

Sanh ác thú khổ hơn.”

Đến đây tôi sẽ nhắc lại câu chuyện: Ông Thôn trưởng hại nhóm thanh niên Magha, tiền thân của Đức Trời Đế Thích.

Đức Phật kể lại rằng:

“Này Đại vương Mahālī, trong thời quá khứ, tại một lãnh thổ thuộc xứ Magadha, có một thanh niên tên là Magha. Tính hiền lành khoan dung, hay làm việc từ thiện hào hiệp, chẳng hề oán giận ai dù cho kẻ ấy nhiều lần chiếm cứ chỗ ưa thích của anh. Một hôm nọ thanh niên Magha nghĩ đến con đường lầy lội cãn trở mà mọi người phải đi, chàng bèn ra khỏi nhà mang theo cuốc xẻng đắp đường, đốn cây bứng gốc nào nên bứng, rồi dọn sạch.

Khi ấy, có người đi đến gặp bèn hỏi rằng: “Anh làm việc chi vậy?”

Thanh niên Magha đáp: “Này bạn! Tôi làm đường lên trời.”

Người kia nói: “Như thế tôi sẽ cùng làm bạn với anh.”

“Như thế là tốt đẹp, này bạn.”

Thế rồi lần lượt có 33 thanh niên khác đến gia nhập đồng nhau mang cuốc đắp đường cho bằng phẳng, xa được 2 do tuần (1 do tuần là 16 cây số).

Lúc bấy giờ có ông thôn trưởng thấy những người làm như thế bèn nghĩ rằng: “Họ làm những việc không đáng để làm, phải chi họ đem cá, thịt hay rượu đến ăn uống thì mình có thể chung sức với họ”. Nghĩ vậy y bèn cho gọi những thanh niên ấy đến hỏi rằng: “Các ngươi làm việc gì đấy?”

“Thưa chúng tôi đắp đường đi lên trời.”

“Đáng lẽ, các người không nên làm như vậy, nên tìm thịt, cá rồi ăn uống với rượu, xong làm công việc khác.”

Những thanh niên ấy phủ nhận, bác lời ông thôn trưởng dù ông có thêm lời cũng vô ích. Ông thôn trưởng phát sân, bèn nghĩ rằng: “Ta sẽ hại bọn này mới được.”

Rồi vào tâu với Đức vua: “Tâu hoàng thượng! Tôi có thấy kẻ cướp rũ nhau đi từng bọn.”

Đức vua phán rằng: “Ngươi hãy đi bắt bọn cướp ấy đem nạp cho trẫm.”

Ông thôn trưởng liền tuân lệnh Vua bắt nhóm thanh niên Magha đem nộp. Đức vua chưa kịp quan sát, phán rằng: “Hãy cho voi giẫm đạp chúng đi.”

Quân y lệnh, thanh niên Magha lúc bấy giờ khuyên các bạn rải tâm Từ bi bác ái đến nhà vua, ông thôn trưởng và đến bầy voi, chẳng nên oán giận ai,tất cả đều hành theo. Khi ấy voi chẳng dám lại gần do thế lực của lòng từ bi, vua lấy làm lạ, bèn vời tất cả thanh niên ấy đến, hỏi ra tự sự, khi rõ việc vua hối hận vô cùng, chịu xin lỗi và rồi bắt cả vợ chồng ông thôn trưởng cùng cả gia đình làm nô lệ của các thanh niên ấy, từ đó thanh niên Magha và các bạn vẫn tiếp tục làm các việc phước.”

Nhắc tích chuyện đây để quý vị thấy rằng kẻ mù mắt nghĩa là không có Trí hóa, nhận biết đều phải, quấy, thiện, ác thì họ hay làm những việc làm bất chánh, tội lỗi. Vì thế khiến cho họ gặt hái những hậu quả không hay, hơn nữa bị bậc trí khiển trách nặng nề như ông thôn trưởng kia vậy.

Do đó người Phật tử chúng ta, hãy cố tránh hạng người này và cố giữ đừng để bị mù mắt, mà phải bị khổ đau.

Tiếp đến tôi xin trình bày hạng người thứ hai Đức Phật dạy có mặt xuất hiện ở đời. Thưa quý vị, đó là hạng người chột mắt, nghĩa là chỉ sống một bên thôi.

Đức Thế Tôn dạy là chỉ cho hạng chúng sanh sống ở đời có trí hóa thấp kém, chỉ biết phương cách làm cho ra tiền của, thâu hoạch lợi tức, phát sanh tài sản và những tài sản nào đã thâu hoạch, họ lại biết thế làm cho phát sanh thêm.

Nhưng hạng người này về đời sống tinh thần, họ rất mù quáng, không nhận biết phải quấy, pháp thiện ác, lành dữ như thế nào? Pháp nào thuộc thành phần đen tối hạ liệt? Những pháp nào thuộc thành phần trong trắng ưu thắng? Do không hiểu như vậy, hạng người này cũng không tránh khỏi khổ đau sầu muộn.

Mặc dù hiện tại, đời sống vật chấtsung túc, nhưng không khả dĩ đem lại an vui hạnh phúc chút nào, vì tinh thần bị căng thẳng sa sút.

Tôi còn nhớ trong kinh ghi chép:

Một lần nọ, có ông Bà la môn cho là Đức vua có hạnh phúc hơn Đức Phật. Đức Phật mới hỏi rằng:

“Ngươi nghĩ thế nào, nhà vua có thể giữ tâm an tĩnh luôn suốt 7 ngày không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Vậy nhà vua có thể giữ tâm an tịnh trong 6 ngày? 5 ngày? 4 ngày? 3 ngày? 2 ngày? Hay 1 ngày không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Phật dạy tiếp:

“Nhưng này Bà la môn, ông nghĩ sao? Như Lai có thể giữ tâm an tịnh từ 1 ngày đến 2 ngày, hoặc 3 ngày, 5 ngày, hay 7 ngày không?”

“Bạch Thế Tôn, chắc chắn là được rồi.”

“Như vậy, này Bà la môn, nhà vua với Như Lai ai là người có hạnh phúc hơn?”

“Tốt đẹp thay, bạch Thế Tôn, chính Thế Tôn là người có hạnh phúc hơn. Quả thật vậy, nhà vua không thể an vui tự tĩnh được dù chỉ 1 ngày, 1 giờ; mặc dầu nhà vua có binh đông, tướng mạnh, lắm người hầu thiếp, tiền của đầy kho, là chúa trong thiên hạ, nhưng không thể so với Thế Tôn, dù Ngài chỉ có Tam y quả bát sống không gia đình, nhưng Ngài hoàn toàn tự tĩnh, rốt ráo, an vui.”

Như vậy, người ở đời chỉ biết tạo tiền tài, vật chất chưa chắc là an vui. Hạnh phúc chẳng phải ở chỗ có tiền tài nhiều, gia thế mạnh, mà hạnh phúc an vui chính là sự tự tĩnh, thanh thoát, thân tâm trong sạch do nhờ biết và hành theo Thiện pháp từ bỏ Ác pháp.

Thưa quý vị, hơn nữa Đức Phật dạy rằng: “Với người chột mắt vì không biết thiện pháp, ác pháp, pháp đen và pháp trắng, do vậy, dù họ biết cách thâu hoạch tài sản, mà thâu hoạch bằng cách phi pháp, bất chánh, nên hạng người ấy có thể bị sanh vào khổ thú, địa ngục.”

Đến đây tôi xin nhắc thêm trường hợp của người đồ tể Cunda:

Ông Cunda là một người chuyên sanh thế bằng nghề giết thịt lợn trải qua 55 năm trường nên người ta gọi ông là thầy đồ tể, mặc dù nhà ông ở kế cận ngôi chùa Jetavana (Kỳ viên) là nơi Đức Phật đã an cư hoằng dương Chánh pháp thường khi, thế mà người đồ tể ấy chẳng mảy may nếm được chút hương vị Pháp bảo, ông ta vẫn miệt mài sinh kế trong nghề tội lỗi của mình.

Rồi cho đến những ngày cuối cùng trong đời ông, phải chịu đau khổ cùng cực hết sức bi đát, là trước khi chết ông ta phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la, rên siết vô cùng thảm hại, giống như 1 con heo bị đem ra làm thịt, sau khi chết, ông đồ tể Cunda tái sanh vào khổ cảnh địa ngục.

Thưa quý vị, nhắc chuyện này cho chúng ta thấy rằng hạng người được gọi là chột mắt, dù họ biết cách thế thu lợi, thâu hoạch tài sản nhưng mà có lợi ích gì? Có an vui gì? Trong khi đời sống tinh thần bị đen tối, tội lỗi ,bởi không nhận biết Pháp thiện ác, Pháp đen trắng. Đạo Phật dạy tiền tài vật chất chỉ là miếng mồi đau khổ, vả chăng chỉ là những bóng phù du mờ ảo. Chỉ có 1 nếp sống tinh thần trong sạch, thanh khiết đượm nhuần Thiện pháp, chính đó mới mang lại sự hạnh phúc an vui mà thôi. Chúng ta phải ý thức như vậy.

cuối cùng, tôi xin trình bày đến hạng người thứ 3 xuất hiện có mặt ở đời.

Thưa quý vị, đây là hạng người sáng mắt, Đức Phật dạy đây chỉ cho hạng người sống ở đời có đầy đủ trí hóa, ưu thắng cao thượng tức là chúng sanh này có Trí tuệ biết cách thâu hoạch tài sản hợp pháp, đúng pháp, biết cách gia tăng tài sản, đã thâu hoạch được.

Và về đời sống tinh thần họ cũng sáng suốt, khôn khéo, nhận biết: Pháp nào là thiện, Pháp nào là bất thiện, Pháp nào là ưu thắng, Pháp nào là hạ liệt, Pháp nào là thành phần trắng, Pháp nào là thành phần đen, Pháp nào có quả báo khổ hay Pháp nào có quả an vui? Hạng người như thế gọi là người sáng mắt.

Thưa quý vị, đối với hạng người này được xem là tối thượng hơn, về cả hai phương diện đời sống vật chấtđời sống tinh thần đều hạnh phúc an vui.

Hạng người ấy do hiểu biết Pháp lành nên thâu hoạch tải sản bằng cách đúng pháp, lượng thiện, vì thế của cải không trở thành của phi nghĩa, hoạnh tài, nhờ vậy họ sống cuộc đời vật chất tự nhiên an vui, không mang tai họa.

Cũng nhờ hiểu biết được Pháp luân lý thiện ác, đen trắng nên hạng người này làm được việc lành, thân tâm trong sạch, chẳng hành thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, cùng ý ác hạnh, do vậy lúc nào cũng tự tĩnh an vui, nếu có lâm mệnh chung chắc tâm định tĩnh thơ thới và sau khi chết có thể được sanh vào thiện thú. Cho nên trong Kinh Pháp Cú (Dhammapāda), Bậc Đạo Sư có giảng dạy rằng:

"Nay vui, đời sau vui,

Làm phước, hai đời vui.

Người ấy vui, an vui,

Thấy nghiệp tịnh mình làm."

Lại có thêm lời dạy nữa:

"Nay sướng, đời sau sướng,

Làm phước, hai đời sướng.

Mừng rằng: "Ta làm thiện",

Sanh cõi lành, sướng hơn."

Để nhận định về thực chất của hạng người thứ 3 này, cùng quả báo an vui cho chính họ, tôi xin nhắc lại 1 chuyện tiền thân của Bồ Tát và Đề-bà-đạt-đa như vầy:

Lúc quá khứ, Đức Bồ tát làm lái buôn tên là Seṇva; đồng thời cũng có người lái buôn khác trùng tên, cùng đi buôn 1 cách với nhau. Hai người đồng đi tới xứ Aritthapuri mua bán. Anh lái buôn cùng tên kia có tánh tham lam quỷ quyệt.

Trong xứ ấy có 1 gia đình nghèo, trước kia là bá hộ, bây giờ chỉ còn có hai bà cháu sống heo hút với nhau. Tài sản chỉ còn vỏn vẹn mỗi 1 các mâm vàng để lẫn lộn với mấy cái mâm thau cho đến đỗi cũ kỹ, lâu ngày không dùng đến thành thử hai bà cháu không biết đó là mâm vàng.

Ngày nọ người lái buôn trùng tên kia mang đồ nữ trang đi bán ngang nhà, cô cháu muốn được vòng vàng đeo, đòi bà mua cho, bà bảo: “Nhà mình nghèo, có tiền đâu mà mua, hoặc có cái gì đâu mà đổi được”.

Cô cháu nói: “Nhà mình còn cái mâm cũ kỹ kia không dùng đến nữa, vậy bà đem đổi đồ cho cháu đi”.

Bà cụ liền mời tên lái buôn ấy vào nhà tỏ bày tự sự. Khi người thương buôn xem cái mâm xong, biết là mâm vàng quý mới nghĩ rằng: “Ta sẽ lấy cái mâm vàng này, mà không tốn hao gì cả”, khi nghĩ thế mới nói: “Cái mâm này đâu có giá trị gì, mà bà muốn đổi vòng vàng dù cho năm tiền cũng không ai thèm đổi.” Nói rồi làm bộ bỏ đi, tính bụng 1 hồi sẽ trở lại kiếm kế lấy không hoặc đổi rẻ.

Liền khi ông ta vừa đi rồi, người lái buôn Seṇva, tức Bồ tát cũng đến nhà bà ấy, rao bán đồ nữ trang, người cháu cũng đòi đổi nữa.

Bà cụ đem mâm cho Seṇva xem và tỏ bày mọi việc muốn đổi, Bồ tát Seṇva xem mới biết mâm ấy là mâm vàng quý, mới nói rằng: “Thưa bà, cái mâm này đáng giá mấy muôn đồng tiền nhưng đồ của tôi đem theo đây cũng chưa đúng với giá cái mâm này”.

Nghe vậy bà cụ nói: “Ồ, vậy sao? Thôi tùy ý chú em đổi món nào cũng được”.

Seṇva mới đánh giá cái mâm ấy rằng: “Tất cả đồ hàng của tôi đáng giá 500 đồng và tiền mặt 500 đồng, vậy xin bà cất lấy, tôi chỉ xin lại cái cân này, cái bao và 8 đồng để về đường”.

Nói rồi giao hết hàng vật và tiền cho bà cụ. Bồ tát lấy chiếc mâm vàng ra đi qua sông về xứ.

Nói về tên thương buôn trùng tên kia khi trở lại, tính đổi rẻ, thì nghe bà cụ thuật lại hết mọi chuyện, tức lộn lên, không nén nổi lòng tham, vội quăng cả đồ đạc chỉ lấy cái côn lớn rồi chạy đổi theo Seṇva. Khi đến mé sông kêu to lên, nhưng Seṇva không trở lại.

Người lái buôn ấy tức giận đến trào máu ra và chết tại chỗ. Còn Seṇva về tới nhà được an vui nhờ thiện hạnh chân thật của mình.

Thưa quý vị, qua tích chuyện trên chắc quý vị, đã nhận rõ thái độ của người sáng suốt ra sao rồi. Và chính nhờ biết cách thâu hoạch tài sản đúng pháp, cùng biết pháp chân thật mà chấp trì, nên Đức Bồ Tát là người thương buôn Seṇva được an vui, tránh khỏi tai hại, uất ức, sầu muộn. Thế nên là người Phật tử phải trau dồi Trí nhãn. Con mắt nào đã phát sinh rồi, nên gìn giữ chẳng để hư hoại, nghĩa là phải tu tập Trí hóa thánh thiện luôn luôn.

Còn như những ai xét mình đã bị mù mắt hay chột mắt phải nên chữa trị cho lành, tức là hãy tìm đến “bậc lương y” đại tài để Ngài giải phẩu cho và chỉ thuốc hay mà dùng, tức ý nói: “Tìm nương về Đức Phật, Ngài sẽ thuyết pháp khai thị, giáo pháp của Ngài là những phương diệu dược trị được tất cả căn bệnh trầm kha của chúng sanh”.

Như vậy, tôi đã trình bày xong về 3 hạng người được tỷ dụ có mắt, hằng xuất hiện ở đời. Đó là người mù mắt, người chột mắt và người sáng mắt.


HAI PHÁP CHƯỚNG NGẠI

 

Thời thuyết trình hôm nay tôi sẽ đề cập đến “Pháp chướng ngại sự an lạc”.

Pháp chướng ngại là thế nào?

Thưa quý vị, Pháp chướng ngại sự an lạc nghĩa là Pháp che lấp mất sự an lạc hạnh phúc của chúng sanh; mặc dù trong thâm tâm chúng sanh vẫn hằng mong muốn được an vui không oan trái, không chinh phạt, không kình chống cũng không hãm hại; dù như thế, mà bên trong chúng sanh đã có những pháp đê tiện này rồi thì vẫn không thoát khỏi bốn điều tác hại: Oan trái, chinh phạt, kình chống và hãm hại lẫn nhau. Do đó gọi là Pháp chướng ngại sự an lạc.

Thưa quý vị, nguyên khi Đức Thế Tôn trú tại hang động Indasāla trên núi Vediya gần thành Rājagaha, xứ Magadha.

Bấy giờ Đức Trời Đế thích cùng một số đông thiên chúng có cả nhạc công Càn thát bà Pancankha, hội nhau đến yết kiến Đức Phật tại hang động Indasāla.

Khi ấy, Đức Trời Đế thích có lời bạch hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn, do phược triền chi mà Chư thiên, nhân loại, Atula, Long vương, Càn thát bà cùng những loài khác đều muốn rằng không bị oan trái, không bị chinh phạt, không bị kình chống, không bị hãm hại, thế mà mỗi mỗi chúng vẫn sống thù hận có oan trái, có chinh phạt, có kình chống, có bị hãm hại?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

“Này Thiên chủ, do triền phược Tật đố và Lận sắc mà hàng Chư thiên, nhân loại, Atula, Long vương, Càn thát bà cùng những loài khác đều muốn rằng không bị oan trái, không bị chinh phạt, không bị kình chống, không bị hãm hại thế nhưng chúng vẫn sống thù hận có oan trái, có chinh phạt, có kình chống, có hãm hại!”

Thưa quý vị, đó là hai Pháp chướng ngại sự an lạc làm cho chúng sanh sống mất sự an vui, có sự thù hằn lẫn nhau tức là tật đố và lận sắc. Đức Phật đã dạy như vậy.

Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu sâu vào hai vấn đề này trước nhất là Pháp tật đố.

Tật đố là như thế nào? Tại sao Tật đố là Pháp chướng ngại sự an lạc? Tật đố mang lại quả báo chi, hành pháp gì để diệt trừ tật đố?

Đó là các vấn đề phải bàn. Về Pháp chướng ngại sự an lạc thứ nhất.

Thưa quý vị, Tật Đố dịch từ Phạn ngữ Issa hay cũng gọi là ganh tỵ, nghĩa là sự ghen ghét, đố kỵ với sự thành tựu hạnh phúc của người khác.

Khi thấy người ta được ưa chuộng, lợi lộc, được tôn trọng, được kính mến thì là không vừa lòng, cố tránh mặt với sự thạnh vượng của kẻ khác. Đó là đặc tính của Pháp tật đố.

Với người đã sanh tâm tật đố (ganh tỵ) thì chẳng bao giờ được hân hoan vui vẻ; tâm của người ấy luôn luôn xốn xang khó chịu dù kẻ ấy đang hưởng sự sung túc cũng không được yên vui, chính vì vậy Pháp này được xếp đồng loại với tâm sân, bởi có trạng thái uất ức khó chịu, như vị giáo chủ Nigaṇtha Nàtaputta.

Ngày xưagia chủ Upālī là tín đồ của họ, một ngày kia gia chủ Upālī đến luận đàm cùng Đức Phật, được Thế Tôn hướng dẫn quay về Chánh Pháptrở thành Bậc thánh cư sĩ, từ đó hết lòng phụng sự Tam Bảo. Đến một lúc nọ, giáo chủ Nigaṇtha Nātaputta nghe được những lời ca tụng của gia chủ Upālī tán dương Đức Phật thì uất ức hộc máu nóng ra ngay tại chỗ ngồi.

Bởi thế nên gọi tật đố là một Pháp chướng ngại sự an lạc.

Thưa quý vị, trong Kinh Cūlakammavi bhanga có đề cập khi thanh niên Subhatodeyya bạch hỏi về sự chênh lệch giữa tầng lớp người trong xã hội, được Đức Phật ghi nhận rằng:

“Này thanh niên, ở đời này có những người có tánh ganh tỵ đối với người khác được lợi lộc, được danh dự, được kính trọng, yêu mến thì sanh lòng ghen ghét, đố kỵ người đó. Bởi cách hành động không lành ấy, sau khi thác phải đọa sanh vào cõi khổ; nếu tái sanh lại làm người thì phải chịu thế cô quyền chức nhỏ”.

Trong thế gian này, có những kẻ bất lực thế cô, đó cũng do nghiệp đê tiện tật đố của họ đã gây ra. Đối với người sanh tâm tật đố với kẻ khác chẳng những phải chịu cái hậu quả cay đắng như vậy không đâu, mà chính cái tư cách hèn hạ này còn khiến chúng sanh gieo nhiều mầm ác pháp để rồi phải thụ hưởng thêm những quả chua cay tương ứng với hành động đã làm. Kẻ ganh tỵ luôn tìm cách làm cho giảm giá trị của người cao quí và như vậy, nếu lúc ấy gặp người phản ứng lại, thì cả hai người ganh và kẻ bị ganh mới sinh ra oan trái oán thù và làm hại lẫn nhau; nhược bằng người bị ganh không có thái độ phản kháng mà lại còn khoan miễn, tha thứ. Như thế kẻ ganh phải lãnh chịu hậu quả thảm khốc một mình.

Nói đến đây tôi còn nhớ có chuyện vị Tỷ khưu trụ trì, tiền kiếp của ngoại đạo Jambuka, vào thời Đức Thế tôn Kassapa; một lần nọ có vị Thánh tăng A-la-hán vào ngụ nhờ trong Chùa của thầy Tỳ khưu trụ trì nọ.

Thiện tín thấy vị khách Tăng khả kính cốt cách siêu phàm thanh tịnh thì phát tâm trong sạch cúng dường vật thực, y mặc và mời thợ cạo đến cạo tóc cho vị ấy. Vị tỳ khưu trụ trì thấy vậy bực dọc khó chịu vì ganh tỵ, bèn tìm lời thóa mạ cho tổn danh dự đi: “Ống thật không xứng đáng với sự hộ độ cúng dường, hãy ăn phẫn  còn hơn dùng vật thực, hãy lõa thể còn hơn mặc y phục, hãy cạo đầu bằng bẹ thốt nốt chớ có cạo bằng dao bén”. Sỉ vả như vậy rồi, vị Sư trụ trì ấy, sáng hôm sau còn dùng lời bêu xấu Ngài nơi nhà thiện tín nữa.

Nói về vị Thánh tăng khách nghĩ thương hại cho kẻ phàm phạm thượng phải bị hậu quả khổ đau, không muốn để cho họ gây thêm ác nghiệp nữa, nên Ngài đã bỏ đi lúc rạng sáng.

Vị tỳ khưu do nghiệp xấu xa đê tiện đã gây, nên dù tu trì Giới luật chân chánh trong kiếp đó cũng không chuyển nghiệp được, sau khi thác phải đọa sanh vào địa ngục rất lâu đời, đến kiếp có Đức Phật Thích Ca ra đời, thầy được sanh trở lại làm người có tên là Jambuka, con của một gia đình bá hộ trong thành. Thế mà từ nhỏ đến lớn không bao giờ chịu ăn cơm bánh, mà chỉ làm người ăn phẫn  để sống, không bao giờ mặc y phục, chỉ lõa thể mà thôi. Đến khi xuất gia theo ngoại đạo cũng không cạo đầu bằng dao cạo, mà chỉ toàn chuốt bẹ thốt nốt để cạo tóc, đầu bị trầy trụa sần sừ, máu chảy dầm rất đau đớn. Mãi sau, Đức Phật đến hóa độ đắc quả A-la-hán rồi mới khỏi nghiệp khổ ấy.

Thưa quý vị, xuyên qua mẩu chuyện này cho chúng ta thấy đó là hậu quả không tốt đẹp của sự Tật đố, người Phật tử cần phải từ bỏ, lánh xa tư cách xấu hèn ấy có như vậy, đời sống chúng ta mới được hòa đồng an vui.

Phải diệt trừ Tật đố bằng Pháp hành chi đây?

Thưa quý vị, là phải biết tri nhân, tri quả? Nghĩa là phải suy nghĩ về tội khổ sanh ra cái hậu quả thãm khốc như thế nào? Rồi phải chán nãn ghê sợ tư cách ganh tỵ. Lại nữa, phải suy xét rằng: “Chúng sanh ấy cũng như mình, sở dĩ họ được thành tựu hạnh phúc như vậy, chẳng phải nhờ một sự ngẫu nhiên, mà chính là do nơi sự trao dồi đức hạnh trong nhiều đời nhiều kiếp. Ta muốn được hưởng quả thành tựu hạnh phúc như vậy, tất nhiên phải cố gắng đào tạo nhân lành, phải sửa đổi tánh nết cho ra người mẫu mực, phải an cư tự túc, phải xử sự vuông tròn theo Nhân đạo.”

Thử hỏi, ta không tạo nhân lành chỉ lo ganh ghét đố kỵ với kẻ khác như vậy, có đem đổi lại hạnh phúc ấy cho ta chăng? Mà trái lại còn gây thêm phần khốc hại nữa là khác.

Đó là chúng tôi đã trình bày chi Pháp chướng ngại sự an lạc thứ nhất. Tiếp đến là chúng tôi bàn đến chi Pháp chướng ngại sự an lạc thứ hai, tức Lận sắc.

Thế nào là Lận sắc?

Thưa quý vị, lận sắc dịch từ Phạn ngữ Macchariya nghĩa là bỏn xẻn, keo kiệt, bòn rít tức là tư cách không xả bỏ, chia sớt đến người khác; đặc tính của Pháp lận sắc là ôm giấu lợi tức của mình, không muốn người khác dính dấp với sự thành lợi của ta.

Sự bỏn xẻn hay lận sắc có 5 cách:

1.     Bỏn xẻn chỗ ở nghĩa là không muốn cho ai tá túc, lưu trú trong chỗ ngụ của mình; nếu có ai đến xin ở thì viện đủ lẽ chối từ.

2.     Bỏn xẻn dòng giống nghĩa là phân chia giai cấp, không muốn người giai cấp thấp trà trộn pha lẫn với giai cấp sang trọng của mình.

3.     Bỏn xẻn sắc tốt, ở đây chú giải ghi nhận rằng tiếng gọi sắc tốt hay Vaṇṇa là ám chỉ danh dự, ngợi khen, đồng ý nói rằng không muốn cho ai ca tụng, tán dương tài đức của kẻ khác.

4.     Bỏn xẻn lợi lộc nghĩa là không muốn dứt bỏ chia sớt tài sản vật chất của mình cho ai hết.

5.     Bỏn xẻn Pháp nghĩa là dấu đút sự hiểu biết của mình, không muốn dạy cho ai biết, sợ e người bằng mình hoặc giỏi hơn mình.

Đó là những tư cách bỏn xẻn (lận sắc).

Thưa quý vị, ở đời chúng sanh còn nguyên nhân bỏn xẻn, nguời có không chịu chia sớt cho nguời không có, thành thử sanh ra sự tranh giành, cướp giựt lẫn nhau, mà chúng sanh sống trong sự tranh giành, cướp bóc thì đời sống đâu còn sự an vui hạnh phúc. Như vậy phải chăng, tư cách bỏn xẻn là pháp chướng ngại sự an lạc ?

Trong kinh Dīghanikāya có dạy rằng: “Vì không bố thí nên nghèo đói hưng thịnh; vì nghèo đói hưng thịnh nên trộm cuớp hưng thịnh; vì trộm cướp hưng thịnh nên đao kiếm, hình phạt hưng thịnh, rồi thì ác nghiệp sanh lên. Do vậy tuổi thọ dung sắc bị giảm thiểu.”

Thế nên Pháp lận sắc được xem là Pháp chướng ngại sự an lạc vì làm cho đời sống chúng sanh không đặng an vui, gây nhiều oan trái , thù hận, tranh chấp.

Thưa quý vị, Pháp lận sắc hay sự bỏn xẻn gây nên nhiều kết quả không tốt đẹp về sau; thường thì bỏn xẻn dẫn chúng sanh vào 4 đường ác nhất là Ngạ quỷ (quỷ đói) hay súc sanh, lại nữa nếu sanh làm người thì không có nhiều tài sản, bởi nhân bỏn xẻn không bố thí giúp đỡ ai hết. Đó là nói đến hậu quả tư cách bỏn xẻn lợi lộc của mình.

Còn như sự bỏn xẻn chỗ ở sẽ là nhân tạo về sau đơn côi, không ai hoan hỷ cho chứa ngụ; lại người bỏn xẻn dòng giống về sau ắt bị mất mát tổn thương, tạo ra bất hòa khí. Còn về bỏn xẻn sắc tốt, tức bỏn xẻn sự ngợi khen ca tụng, chính mình sẽ không được người xưng tụng hoặc đã có thì bị xem rẻ về sau.

Như tích có một vị Tỳ khưu nghe thiện tín ca tụng Ngài Sārīputta thuyết pháp hay, thì thâm tâm không muốn, nên bảo rằng Đại Đức Sārīputta thuyết như vậy cũng chưa hay lắm, đâu bằng ta thuyết, về sau thiện tín hợp lại thỉnh cầu thầy Tỳ khưu ấy thuyết pháp, thầy thuyết không được bèn tìm cách lẩn tránh, thiện tín chạy theo, vì quá hổ thẹn nên hấp tấp bị rơi vào hầm phẫn , dính đầy mình.

Lại nữa, như bỏn xẻn pháp, không muốn nói cho ai cùng biết pháp này, sợ họ bằng hoặc hơn mình, đó là nhân tạo hậu quả về sau không đặng nhiều Trí nhớ, trí tuệ; hơn nữa sự hiểu biết học hỏi của mình sẽ trở thành vô dụng.

Tôi còn nhớ chuyện vị Tỳ khưu tên Cūllapaṇṭhaka, người không có mảy may trí nhớ, trí tuệ chi cả, ngài thuộc mỗi một câu. Chuyện ấy Đức Phật ghi nhận rằng, trong một đời sống trước, vị ấy là người thông suốt giáo pháp, hiểu hết nghĩa lý, nhưng khi các vị khác hỏi về điều này điều kia. Vị ấy không muốn giảng giải cho biết, bèn kiếm kế chỉ qua hỏi vị Đại đức khác; do nghiệp xấu như vậy nên đời này phải bị tối mê dốt nát.

Thưa quý vị, thuở xưa có ông bá hộ, người ta gọi là Machaṇyaseṭṭhī rất bỏn xẻn, keo kiệt dù có tài sản đầy nhà nhưng không hề bố thí chia sớt cho ai cả đến khi thác rồi bị sanh làm chó trong nhà để giữ của chôn cất.

Lại có ông bá hộ khác do nhân bỏn xẻn, chết sanh làm người ăn mày khổ sở bần túng, khi xin đến trước nhà cũ của mình, người nhà bèn bắt trói lại bỏ ngoài đống rác. Đó là những hậu quả do bỏn xẻn.

Trở lại vấn đề, chính pháp bỏn xẻn cho chúng sanh có một cuộc sống bị dính mắc, do đó lệ thuộc mà không thể giải thoát được trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, bỏn xẻn tạo ra không khí bóp nghẹt khó thở, ai cũng ôm ấp bảo thủ của mình. Nên sinh ra phiền phức, khó chịu, chính vì vậy Đức Phật dạy phải xả tài bố thí.

Vậy muốn diệt trừ pháp Lận sắc (bỏn xẻn) phải hành như thế nào?

Thưa quý vị, phải suy xét cho thấy rõ tội lỗitai hại phát sanh do sự bỏn xẻn, với các quả lành thành tựu do sự xả hỷ và cũng phải quán xét rằng: “Thế gian là vô sở hữu, ra đi phải bỏ tất cả, chấp giữ cho lắm rồi ra đi (chết) cũng bỏ lại tất cả, chỉ mang theo cái hành trang, tức nghiệp thiện hay ác của mình tạo mà thôi. Có thiện ngôn rằng: “Những gì tôi tiêu dùng thì nó đã mất, cái chi tôi tồn trữ thì phải để lại cho kẻ khác dùng, duy chỉ có những cái gì tôi đã cho là còn thuộc về tôi thôi”. Vậy cần nên quán xét như thế.

Và cũng nên nhớ rằng cả hai pháp Tật đố và Lận sắc do hai nhân Thương và Ghét khiến cho phát sanh. Như vậy nghĩa là sao?

Tức là khi một kẻ nào thân thích, trìu mến một người bạn mình thương; lúc ấy thấy ai giao hữu với bạn mình thì sanh lòng đố kỵ, ganh ghét. Hoặc như người bạn mình thương ấy, lại giao thiệp với kẻ khác thì sanh lòng đố kỵ, khó chịu. Ấy vì nhân Thương mới sanh ra tật đố.

Lại nữa, thưa quý vị, có kẻ vì ưa chuộng của cải nên không muốn dứt của cho ai, hoặc vì quá yêu chuộng tư hữu của mình nên không muốn cho ai cùng được hưởng thụ chung, ấy vì nhân Thương mà sanh ra bỏn xẻn.

Lại nữa, như có người vì lẽ riêng gì, ghét một kẻ nào đó, nay kẻ ấy được tôn trọng, được lợi lộc, được ưa chuộng, thì sanh lòng ganh ghét đố kỵ. Đó là vỉ Ghét mà sanh ra tật đố.

Vì như người có kẻ thù ghét ai rồi, thì cho dù những vật tầm thường không đáng kể họ cũng không hứng giúp đỡ cho, ấy là nhân Ghét mà sanh ra bỏn xẻn.

Thưa quý vị, nên nói rằng Thương và Ghét phát sanh do vọng tưởng, ước muốn. Vì muốn như vầy mà được như vầy thì sanh ra ưa chuộng; nhược bằng muốn như vậy mà chẳng được như vậy thì sanh ra ghét bỏ.

Đức Phật quả là nhà tâm lý học, Ngài đã thấu rõ nhân và quả, nguồn cội của các Pháp, Ngài dạy rằng từ sự mong muốn sanh ra thương ghét, từ sự thương ghét sanh ra Tật đố và Lận sắc, do chúng sanh có Tật đố và Lận sắc (bỏn xẻn) nên cho dù có mong mỏi sống không bị oan trái, không bị chinh phạt, không bị kình chống, không bị hãm hại thế nhưng vẫn phải sống thù hận có oan trái, có chinh phạt, có kình chống và có bị hãm hại. Ước mong rằng người Phật tử khi đã thâm hiểu điều tác hại như vậy, chúng ta nên cố tu tập dứt bỏ dần, để một ngày kia chúng ta sống an vui trong sự hòa hợphòa hợp để an vui.

Thưa quý vị, thời thuyết trình hôm nay đến đây cũng vừa phải lẽ.


BỐN PHÁP TIẾN HÓA

 

Thời Pháp hôm nay tôi sẽ trình bày về “Bốn pháp tiến hóa” là những pháp giúp cho chúng ta được phát triển tiến bộ ở mặt tinh thần, cho từ chỗ tối đến chỗ sáng; từ chỗ vô minh thấp hèn, tiến đến chỗ sáng suốt cao thượng; từ chỗ uế nhiễm đạt tới đích thanh tịnh tinh lương.

Mọi nguời Phật tử đều phải cần tu tập những Pháp tiến hóa này, bởi mục đích rốt cùng của người Phật tửthành tựu viên mãn Tuệ giải thoát chứng ngộ Níp bàn, không còn sanh thú tương lai; mà nơi đây những Pháp tiến hóa này giúp cho người đạt đến trí tuệ ấy. Nhược bằng, dù chúng ta chưa tỏ ngộ được mục đích vô thượng ấy, vì thiện duyên chưa đầy đủ, nhưng trong hiện tại lạc thú, chúng ta cũng được an vui hạnh phúc.

Pháp tiến hóa đây gồm có 4 và 4 pháp ấy là sao?

Thưa quý vị, đó là:

  1. Thân cận Bậc tịnh giả.
  2. Nghe đặng Chánh Pháp.
  3. Khéo tác ý Pháp.
  4. Hành Pháp đúng Chân lý.

Ấy là 4 pháp tiến hóa, làm cho con người từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ chỗ khổ đau bước đến an lạc.

Tuần tự tôi sẽ trình bày rộng rãi những điều này.

Thế nào là thân cận Bậc tịnh giả?

Thưa quý vị, Bậc tịnh giả (Sappurisa) hay Chân nhâncon người thật sự, nghĩa là người trong sạch về thân, trong sạch về khẩu, trong sạch về ý. Tức là thân hành không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu hành không nói dối, không nói đâm thọc, không nói độc ác, không nói điều vô ích, nhảm nhí; ý hành không nghĩ về tham dục, không nghĩ sân hận, không nghĩ sát hại.

Hơn nữa, Sappurisa là Bậc trí thức (Paṇḍita) tức là người đa văn, học nhiều hiểu rộng, biết rõ nguyên nhân, biết rõ kết quả, biết rõ mình, biết rõ người, biết rõ thời thế, nên làm cùng không nên làm, biết rõ hội chúng để xử sự và lại biết độ lượng tri túc.

Sự thực ra, Bậc tịnh giả là người biết trau dồi Phạm hạnh cao thượng, như có giới đức, bố thí, hành đầu đà, thiểu dục.

Câu nói thân cận Bậc tịnh giả là năng gần gũi, giao tiếp, thân thích với bậc Phạm hạnh sáng suốt như vậy.

Bậc tịnh giả là người có thân, khẩu, ý lành vì thế người năng thân cận rồi không bị oan trái hãm hại và luôn luôn được an vui.

Lại nữa Bậc tịnh giả là người có phạm hạnh cao, đáng là bậc mô phạm, do vậy, những ai kết giao hằng được thực hành ba điều tốt là Bố thí, trì giớitham thiền, cũng như Đức vua Pāyāsi là người có ác tà kiến, không tin hành vi thiện ácquả báu chi cả, về sau đến yết kiếnđàm luận cùng Đại Đức Kassapa, được nghe Chánh pháp rất hoan hỷ liền tổ chức đại tế đàn bố thí đến các vị Sa môn, bà la môn, luôn đến những người nghèo, những người vô gia cư, những kẻ ăn mày. Sau khi chết được sanh lên nhập chúng với Tứ đại thiên vương.

Hơn nữa, Bậc tịnh giả là vị trí tuệ đa văn nên khi người giao cận hằng được phát sanh trí hóa do nghe và học hỏi chánh Pháp. Ấy là nguyên nhân do dứt trừ sự hoài nghikiến thức được chân chánh.

Thuở Đức Phật Níp bàn độ 500 năm, lúc ấy có đức vua Milinda trị vì xứ Sāgaha có nhiều trí tuệ đặt ra nhiều câu hỏi rất khó khăn, chất vấn khiến cho các vị Sa môn, bà la môn trả lời không được phải tạm lánh đi hết. Đức vua lấy làm buồn lòng vì chẳng vị nào giải nghi cho mình được.

Đến một lúc nọ, có một vị Đại đức Thánh tăng là bậc trí tuệ đa văn nằm lòng Tam tạng, thông suốt nghĩa lý Phật ngôn, tư tưởng như dòng nước chảy vậy. Khi ấy đức vua Milinda mừng thầm, liền tìm đến yết kiến và vấn đạo Ngài bằng nhiều câu hỏi sâu xa vi diệu, Đại đức Nāgasena dùng nhiều phương tiện giải bài phá nghi hết cho vua Milinda, khiến nhà vua hết lòng hoan hỷ tán dương Tam Bảotrở thành một cận sự nam lỗi lạc trong Phật giáo.

Thưa quý vị, chính vì thế người Phật tử chúng ta muốn (giải thoát) mau tiến hóa cần nên tìm đến các Bậc hiền trí, sự thân cận bậc hiền trí Tịnh giả hằng có nhiều quả an vui như vậy, lợi ích như vậy.

Thế nào là nghe đặng Chánh Pháp?

Thưa quý vị, sự nghe đặng Chánh Pháp quả là một điều khó nên có Phật ngôn rằng:

“Kiechaṃ saddhammassavanaṃ.”

“Khó mà nghe đặng Chánh Pháp.”

Bởi thế nếu người được nghe chánh Pháp rồi hằng được an lạc yên vui lâu dài.

Chánh Pháp là những lời dạy thiết yếu chánh chân có công năng hướng thượng toàn thiện đưa chúng sanh đến chỗ an vui lợi lạc, nói đúng ra chánh Pháp là lời dạy của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đã tuyên thuyết toàn hảo đoạn đầu, toàn hảo đoạn giữa, toàn hảo đoạn cuối, nghĩa là những lời dạy bổ ích khiến cho người nghe được Giác ngộ chân lý, hiểu rõ đâu là khổ, đâu là nguyên nhân sanh khổ, đâu là pháp diệt khổ và đâu là con đường đưa đến sự diệt khổ, cùng nhân sanh khổ. Chánh Pháp đây chỉ ngay là Bát chánh đạo hay Giới - Định - Tuệ.

Lời dạy của Đức Phật dù chính Ngài tuyên thuyết hay chư vị đệ tử của Ngài lập lại cũng vẫn là chánh pháp, vẫn có giá trị tuyệt đối.

Một khi người đã được nghe Chánh Pháp rồi hằng được 5 quả báu như sau:

-        Được nghe những pháp chưa được nghe.

-        Những Pháp đã nghe rồi hiểu rõ thêm.

-        Diệt trừ được sự hoài nghi của mình.

-        Làm cho kiến thức được chân chánh.

-        Khiến cho tâm càng được trong sạch.

Khi chúng ta nghe được chánh pháp hằng có 5 quả báu như vậy, nhứt là con người có những điều hoài nghi lầm lạc, khiến cho trở ngại sự tiến bước đến Đạo quả giải thoát, mà khi nghe đặng Chánh Pháp rồi thì phá tan được sự hoài nghi đi.

Lại nữa, đối với chúng sanh vì chỗ ở, tư tưởng, hiểu biết căn cứ và trình độ khác nhau nên phát sanh lên nhiều thứ kiến thức quan niệm, có khi sai lạc tà vạy. Nhưng nhờ nghe được Chánh Pháp mới làm cho kiến thức được chân chánh, hiểu biết đúng như thật. Như thuở Đức Phật còn tại thế, có gia chủ Upālī là người theo phái ngoại đạo Nigaṇṭha có quan niệm rằng cả ba thân, khẩu và ý thì thân là quan trọng, tối trọng để tạo thành nghiệp. Về sau đến Đức Phật, Ngài dùng nhiều phương tiện giải thích; ông Upālī đắc được đạo quả Tu-đà-hoàn, dứt trừ được thân kiến, hoài nghigiới cấm thủ, trở thành một cận sự nam trong Phật giáo.

Lại như vua Payāsi là người có ác tà kiến rằng: “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báu”. Đến khi nghe Đại đức Kassapa, dùng nhiều phương thế giảng giải cho nghe thì dứt bỏ được quan niệm sai lầm ấy, có kiến thức chân chánh, trở thành vị thiện nam quy y Phật, Pháp, Tăng.

Thêm nữa, người nghe đặng Chánh pháp rồi hằng làm cho tâm an vui tự tại, trong sạch quý cao. Đến như Đức Phật có lúc nọ Ngài bị bệnh sốt, khi ấy dạy Đại đức Kassapa thuyết pháp cho Ngài nghe về Pháp thất giác chi tức là 7 Pháp giúp cho giác ngộ. Khi nghe xong, Đức Phật an vui hoan hỷ, khiến cho lướt khỏi cơn bệnh.

Thưa quý vị, nghe được Chánh Pháp là khó, mà khi nghe được rồi thì hằng làm cho người tiến hóa lợi ích an vui lâu dài, bởi thế người Phật tử phải cố gắng tìm nghe chánh Pháp, khi đã nghe thấy rồi, chúng ta không nên lơ đãng bỏ qua mà không cần nghe nữa.

Thế nào là khéo Tác ý Pháp ?

Thưa quý vị, khéo tác ý Pháp là suy xét một vấn đề đó theo đường lối trí tuệ, tạo nên nhận hiểu rõ rệt đúng đắn với Pháp.

Một người thiếu học hiểu khi gặp hoàn cảnh xảy ra, nếu là hạnh phúc thì họ mê luyến thụ hưởng một cách bồng bột, trái lại nếu là khổ đau, bất toại nguyện thì họ thất vọng, buồn nãn, sầu muộn, ưu bi, họ bị đau khổ và thiếu suy xét chánh đáng.

Nhưng đối với Bậc hiền trí, thì khi phải xử sự với cảnh, vị ấy biết khéo tác ý suy xét hợp lý; gặp hoàn cảnh khổ vị ấy dùng làm phương tiện “Khổ quán” tức là suy xét đến nổi thống khổ phải có trong vòng luân hồi là như vậy, không ai tránh khỏi. Nhờ đó mà xoa dịu được nỗi khổ đau, đem lại tinh thần an vui thanh thoát.

Như Ngài Puṇṇa bạch xin Đức Phật cho mình về xứ Sunāparantā để hành đạo, Đức Phật dạy rằng:

“Trong xứ ấy dân tình rất hung dữ, tà kiến nếu ngươi đến đó cũng có khi họ phỉ báng làm hại, mà gặp trường hợp họ chửi mắng ngươi, ngươi sẽ nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn,lúc đó con nghĩ, dân chúng đó rất tốt, họ chỉ chửi mắng chứ không đánh đập mình.”

“Rồi này Puṇṇa nếu trường hợp họ đánh đập ngươi, ngươi sẽ nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, nếu đến như vậy, con nghĩ rằng, họ cũng còn rất tốt đối với mình, chỉ đánh đập chứ chưa giết hại, còn hành đạo được.”

Đức Phật mới hỏi tiếp rằng:

“Đến lúc nào đó, như họ tìm cách giết hại ngươi, thì ngươi sẽ nghĩ sao?”

“Bạch Thế tôn, như vậy họ cũng còn tốt đối với con, ở đời này có nhiều sự thống khổ, lắm người muốn tìm cách hủy diệt cái thân bệnh khổ này, nay ta khỏi tìm mà có.”

“Lành thay này Puṇṇa, ngươi sẽ thành công và thắng hóa trong mọi nơi nhờ đức lành này.”

Quả thật vậy chỉ trong một thời gian sau Đại đức Puṇṇa nhờ đức kiên tâm tự tại mà Ngài đã thành đạt cứu cánh Phạm hạnh tại xứ Sunāparantā và thu phục trên 1000 dân xứ ấy trở thành tín đồ.

Thưa quý vị, đến như Bậc trí tuệ nhìn thấy dòng nước chảy, hoặc ngọn đèn leo lắt hay một lời hay vị ấy cũng biết suy xét theo lý Pháp, để rồi tỏ ngộ chân lý,chứng được quả Vô sanh. Bà Patacāra là một vị Tỳ khưu ni, khi đang rữa chân nhìn thấy những hạt nước rơi và tan dần trên mặt suối, liền xét đến lý vô thường của thế gian mà đạt Thánh quả. Tỳ khưu ni Kisagotamī nhìn thấy ngọn nến tàn lụn sắp tắt trước ngọn gió, thì nhìn thấy sự mỏng manh ảo huyền của cuộc sống và chứng ngộ Chân lý cao siêu. Và như hai cha con của ông tiều phu nọ, lúc nghe câu hát của cô hái hoa: “Hoa sen tuy đẹp nhưng sớm nở tối tàn, kiếp người nào khác chi là hoa sen.”, liền suy xét đến bản chất tạm bợ của thân này và phát sanh Tuệ độc Giác Phật.

Thưa quý vị, qua những sự kiện như vậy chúng ta thấy nhờ sự khéo tác ý, biết suy tư đúng pháp mà con người đạt đến chỗ an vui tự tại, giác ngộ những gì chưa thấu đạt, người Phật tử chúng ta không phải chỉ nghe Pháp rồi có thể tỏ ngộ lý Pháp được đâu; tất cả phải được thẩm nghiệm xét suy theo trí hóa.

Thường thường trong khi thuyết Pháp Đức Phật hay nhắc rằng: “Này các Tỳ khưu, hãy khéo tác ý, ta sẽ giảng ...” hoặc “Này gia chủ, hãy khéo tác ý, ta sẽ giảng ...” đó là dụng ý của Đức Thế tôn nuốn dạy rằng: “Hãy sẵn sàng dùng trí suy nghiệm kỹ những lời Pháp đã được nghe cho thấu rõ lý Pháp”.

Sự khéo tác ý Pháp là nhân làm cho nhận hiểu chân lý được, rồi khiến cho thực hành đúng theo Pháp lý, bởi có biết mới có làm do đó “Khéo tác ý Pháp là nhân tiến hóa”.

Và thế nào là hành Pháp đúng theo Chân Lý?

Thưa quý vị, Pháp đúng chân lý là những pháp không đem đến hại mình, hại người hoặc hại cả hai; là những Pháp đưa đến quả báu an vui, nhứt là quả vui chấm dứt ngũ uẩn, không còn luân hồi. Tức là chỉ ngay Pháp Bát Chánh Đạo hay Tứ Diệu Đế chỉ có con đường bát chánh mới đem lại sự an lạc bất tử là Níp bàn.

Con đường Bát chánh đạo đó là:

1.     Chánh Kiến: Tức sự nhận thấy chân chánh đối với các Pháp thế gian, là khổ; nhận thấy nguyên nhân cảnh khổ; nhận thấy sự diệt khổ, nhận thấy con đường đưa đến sự diệt khổ.

2.     Chánh Tư Duy: Là lối suy nghĩ chân chánh tức suy nghĩ về sự ly tham; suy nghĩ đến vô sân là phát triển lòng từ; suy nghĩ đến sự bất hại là phát triển tâm bi đối với chúng sanh.

3.     Chánh Ngữ: Là cách nói năng chân chánh không nói dối chỉ nói lời chân thật, không nói đâm thọc chỉ nói lời hòa hợp, không nói độc ác chỉ nói lời dịu ngọt, không nói điều vô ích chỉ nói lời hữu ích.

4.     Chánh Nghiệp: Là lối hành động chân chánh về thân không sát hại sanh vật, không lấy của chẳng được cho, không tư thông với kẻ khác phi pháp.

5.     Chánh Mạng: Là lối nuôi mạng chân chánh, tránh lối nuôi mạng bằng thân ác, khẩu ác và ý ác.

6.     Chánh Tinh Tấn: Là siêng năng cố gắng chân chánh, tức là cố ngăn ngừa ác Pháp chưa sanh và cố phát huy thiện Pháp đã sanh.

7.     Chánh Niệm: Là sự ghi nhớ vững vàng chân chánh, không lãng quên tức là niệm thân trên thân, niệm thọ trong thọ, niệm tâm trong tâm và niệm pháp trong pháp.

8.     Chánh Định: Là cách gom trụ tâm trên đề mục Thiền định chân chánh có đủ chi Thiền: Tầm , Tứ , Hỷ , Lạc và định do Đức Phật xác nhận.

Hành Pháp đúng theo Chân lý phải nói là hành theo Pháp Bát chánh đạo, bởi chân lýTứ diệu đế, mà trong Tứ diệu đếBát chánh đạođạo đế, ngược lại trong Bát chánh đạo cũng có Tứ diệu đế.

Người hành theo Bát chánh đạo rồi, thì hằng được hiện tại lạc trú, có thể chứng tri đạo quả Vô sanh, trong kinh Dīghanikāya. Đức Phật có dạy rằng:

“Này Subhadda, trong Pháp và Luật nào không có Bát thánh đạo, thời tại đấy không có bốn hạng Sa môn xuất hiện (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán). Này Subhadda, trong Pháp và Luật nào có Bát thánh đạo, thời tại đấy có bốn hạng Sa môn xuất hiện. Subhadda, chính trong Pháp và Luật này có Bát thánh đạo, thời tại đây có 4 hạng Sa môn xuất hiện. Nếu những vị Tỳ khưu sống chân chánh (hành Bát chánh đạo) thì ở đời này không vắng những vị A-la-hán.”

Thưa quý vị, như vào một thời ấy có ông thương buôn tên Bāhiya, bị đắm thuyền may lội được vào bờ, dùng vỏ cây làm y phục mặc. Quẩn chúng thấy vậy cho rằng ông là vị A-la-hán; về sau, khi nhận định được sự lầm lẫn ấy, ông muốn biết Pháp hành để thành A-la-hán thật sự; có vị trời mách bảo ông liền tìm đến Đức Phật.

Lúc đó Đức Thế Tôn còn đang đi khất thực trên đường, ông Bāhiya đến thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp, Đức Phật nhận thấy ông có duyên lành đắc Đạo quả được, nên Ngài dừng lại dạy cho ông hành con đường chánh đạoTứ Niệm Xứ bằng một bài kệ ngắn.

Khi đó, ông Bāhiya chọn một gốc cây bên vệ đường ngồi xuống chú tâm hành đạo. Theo phương pháp Tứ niệm xứ chỉ trong giây lát tâm được định tĩnh lắng trong, vô minh diệt minh sanh, đoạn tận mọi lậu hoặc phiền não ở đời và Bāhiya trở thành một vị A-la-hán.

Thưa quý vị, qua tích trên chúng ta thấy người hành pháp đúng chân lý rồi, dù trong thời gian ngắn cũng đạt kết quả tốt. Hơn nữa dù nếu ta hành đúng Pháp rồi mà chưa đắc chứng đạo quả giải thoát, thì ngay trong hiện tại cũng vẫn được an vui tự tại ít có phiển não thiêu tâm.

Thưa quý vị, tóm lại bài thuyết trình hôm nay tôi đã trình bày về bốn pháp tiến hóa là:

1.     Thân cận Bậc Tịnh Giả, tức là gần gũi giao du với người hiền minh, thân khẩu trong sạch thiện lành.

2.     Nghe đặng Chánh Pháp nghĩa là nghe được lời dạy hữu ích của Đức Phật.

3.     Khéo Tác Ý tức là suy xét Pháp sâu xa bằng trí tuệ.

4.     Hành Pháp đúng chân lý, tức là thực hành Pháp Bát Chánh Đạo.

Xét ra bốn Pháp này có liên quan với nhau, trên phương diện nhân quả trước là đến thân cận Bậc tịnh giả là nhân cho nghe đặng Chánh Pháp, nghe đặng chánh pháp là nhân để suy xét thẩm nghiệm, sau khi suy xét thẩm nghiệm rồi là nhân cho hành chánh Pháp ấy. Mong rằng mọi người Phật tử chúng ta cũng đều hành theo bốn pháp tiến hóa này hầu đạt đến chỗ an vui lợi ích lâu dài cho đời này và cả đời sau.

Thời thuyết trình hôm nay đến đây cũng vừa phải lẽ, tôi xin kết thúc.


BỐN HẠNG NGƯỜI (1)

 

Thưa quý vị, thời pháp hôm nay tôi xin thuyết trình về “Bốn hạng người”. Bốn hạng người này được Đức Phật tỷ dụ như bốn cách trời mưa, bốn cách trời mưa là như thế nào?

Đó là:

  1. Chuyển gầm mà không mưa.
  2. Không chuyển gầm mà mưa.
  3. Chuyển gầm mà mưa.
  4. Không chuyển gầm mà cũng không mưa.

Thưa quý vị, Đức Phật dạy cũng có bốn hạng người như mưa, hằng xuất hiện ở đời.

Thế nào là hạng người như vậy? Thưa quý vị:

  1. Có người như chuyển gầm mà không mưa.
  2. Có người như không chuyển gầm mà mưa.
  3. Có người như chuyển gầm và mưa.
  4. Có người như không chuyển gầm cũng không mưa.

Bây giờ, chúng ta sẽ tuần tự tìm hiểu về bốn hạng người này:

Thế nào là người như chuyển gầm mà không mưa?

Thưa quý vị, người chuyển gầm mà không mưa nghĩa là người hay nói, nói rất nhiều; trong giữa bạn bè hay hội chúng, người ấy rất hoạt bát, lanh lẹ, lợi khẩu , nói điều cao xa tưởng chừng như là người thông suốt tất cả, hiểu thông mọi việc vậy. Nhưng mà về cái phẫm thì họ không hành được chút gì đối với lời của họ, người ấy chỉ là ngưới năng thuyết bất năng hành, hay nói mà không hay làm, đó là người như chuyển gầm mà không mưa.

Thưa quý vị, xét về hạng người này, chúng ta thấy chẳng có lợi ích chi, cũng như con lân biết đi múa cho người ta xem mà mình thì bụng đói. Cũng vậy hạng người chỉ biết nói mà không hành thì không hưởng được quả báu của việc làm, mình nói nhiều điều hay lẽ phải, có lợi ích khiến cho kẻ khác hành theo được tiến hóa an vui. Riêng mình vì không hành theo lời ấy nên vẫn chất chứa phiền toái, khổ đau. Đó cũng là hạng người không biết thương mình thi hành thiện Pháp, không nên làm việc dữ.

Tôi còn nhớ trong kinh Pháp cú (Dhammapāda) Đức Phật có dạy rằng:

“Dù nói nhiều kinh điển

Phóng túng, không thực hành

Chẳng hưởng sa môn quả

Như mục đồng đếm bò.”

Gọi là Sa môn quả đây có nghĩa là chỉ cho những thành quả giải thoát, tức là bốn bậc Thánh: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Đối với người dù nếu nói nhiều kinh điển Giáo lý mà lại dễ duôi, không có thực hành theo; Thời Phật dạy cũng giống như kẻ mục đồng từ sáng đến chiều đếm số bò cho đủ của chủ để trả về chuồng, đến khi bò cái có sữa thì chủ bò hưởng, chớ họ không được hưởng. Cũng vậy người có nói mà không hành thì quả vị giải thoát đâu có cho họ hưởng.

Thưa quý vị, đến đây tôi xin nhắc ra chuyện tích của một vị Tỳ khưu nọ, vào thời Đức Phật:

Vị kia vốn là Pháp sư, thông suốt Giáo pháp nhưng còn là phàm tăng, còn vị Tỳ khưu nọ là thiền sư, tuy không thông suốt nhiều Giáo lý nhưng thực hành đúng đầy đủ và đắc quả A-la-hán, vị pháp sư phàm tăng không thực hành những điều mình đã học và thuyết, nên vẫn còn phiền não chất chứa. Một hôm vị pháp sư ấy muốn gây rối cho vị Thánh tăng, trước mặt Đức PhậtTăng chúng đã đặt ra nhiều câu hỏi gút mắc, biết rõ ý định thấp hèn ấy, Đức Phật bèn nêu ra vài câu hỏi có liên quan đến sự Chứng ngộ chân lý Giáo pháp.

Với kinh nghiệm bản thân, vị thiền sư A-la-hán trả lời được tất cả. Nhưng vị pháp sư vì chỉ học nhiều, nói nhiều mà không có hành không đắc quả, nên không trả lời được. Nhân cơ hội đó Đức Phật mới thuyết lên câu kệ:

“Dù nói nhiều kinh điển

Phóng túng, không thực hành

Chẳng hưởng sa môn quả

Như mục đồng đếm bò.”

Thưa quý vị, nhắc tích này để Quý vị thấy người nói mà không hành thì không có lợi ích, cũng như vị Tỳ khưu pháp sư kia vậy. Thế nên, người Phật tử hãy hành những gì mình đã nói, dù chưa được thành tựu, nhưng cũng có cố gắng. Nơi đây bảo như vậy nghĩa là chúng tôi chỉ muốn nói: Chúng ta biết nói điều lành, thiện, thì hãy làm điều lành thiện.

Tiếp đến là hạng người thứ hai:

Thế nào là người như không chuyển gầm mà mưa?

Thưa quý vị, người như không gầm mà mưa, nghĩa là không hay nói, ít nói giữa bạn bè hay trong hội chúng hoặc sống với mọi người, người ấy giữ im lặng, không bàn luận không có lợi khẩu, tuy vậy, nhưng họ hành động thực hành, cố gắng làm cho đủ những gì mình đã biết. Đó gọi là người như không gầm mà mưa!

Thưa quý vị, xét về hạng người này, chúng ta nên phân biệt có hạng xấu có hạng tốt.

Có người lầm lì thầm kín, không nói gì cả, mà họ làm những việc tày trời, thâm ác không thể ngờ ấy là hạng xấu.

Còn có người không nói gì hết, không tuyên bố gì cả, ấy thế mà họ lại thực hành, làm theo một cách hoàn mãn những gì bổ ích, lợi ích, tốt đẹpthiện pháp, chúng ta cũng không ngờ được ấy là hạng tốt.

Ở đây, chúng ta chỉ bàn về hạng tốt mà thôi.

Thưa quý vị, hạng người dù không nói mà có làm, có thực hành; hạng người ấy không như con lân, mà cũng giống như con sư tử vậy.

Con sư tử lặng lẽ ở rừng sâu, im lìm bên bờ suối, chỉ chuyên bắt mồi ăn, nên được no bụng. Cũng vậy người không nói mà làm, dù không được ai biết đến, nhưng chính bản thân hưởng được quả báu của việc làm một cách tròn đủ, luôn luôn tự tại an vui. Và chính hạng người này nhờ vậy mà cũng được thành đạt Thánh quả, hưởng an Níp bàn là trạng thái rốt ráo an vui.

Thế nên trong Kinh Pháp cú (Dhammapāda) Đức Thiên Nhơn Sư có dạy rằng:

“Dù nói ít kinh điển

Nhưng sống thực hành pháp

Đoạn trừ tham sân si

Tỉnh giác, tâm giải thoát

Không chấp thủ mong cầu

Đời này hoặc đời sau

Ắt hưởng sa môn quả.”

Nói hành Pháp tùy Pháp đây tức là thực hành pháp theo đúng Giáo lý chánh truyền mà mình đã biết hiểu, người như vậy là người hành pháp tùy pháp. Đức Phật dạy: “Người hành theo pháp , từ bỏ tham lam, sân hậnsi mê, có Tri kiến chân chánh, tâm siêu thoát mọi ràng buộc, không còn sự chấp thủ về đời sống này hay đời sống sau. Cho dù như vậy người ấy không biết nói nhiều về kinh pháp, nhưng tất hưởng được Thánh quả Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán.”

Thưa chư Đạo hữu, đến đây tôi sẽ điển hình một câu chuyệnliên quan đến vấn đề này.

Câu chuyện ấy là chuyện vị Thiền sư và vị Pháp sư vào thời Đức Phật, mà tôi có nhắc tóm tắt ở chi pháp trước. Bây giờ xin kể rõ lại để Quý vị nhận thấy trạng thái thành công của người dù không nói mà hành.

Khi xưa lúc Đức Phật còn tại thế có hai người bạn tâm giao cùng đi xuất gia theo Đức phật. Khi xuất gia xong, một vị thích pháp hành, nên vào đảnh lễ Đức Phật xin đề mục hành thiền thích hợp, rồi từ giả vị Sư bạn đi vào rừng Tu thiền. Kiên trì, tinh tấn chẳng bao lâu vị Sư ấy trí Tuệ viên mãn, đoạn tận mọi phược triền và đắc quả A-la-hán.

Nói về vị kia, thì trái lại thích pháp học hơn, nên cố tìm tòi nghiên cứu Giáo lý, trở thành một vị Pháp sư danh tiếng, dạy dỗ chư Tăng rất đông, thuyết pháp thâu rất nhiều đệ tử.

Một thời gian sau, vị thiền sư A-la-hán mới trở về đảnh lễ Phật và sang thăm vị pháp sư bạn. Khi ấy vẫn còn là phàm tăng, vị Sư này có ý khinh bạn mình có lẽ trí tuệ kém, ít hiểu pháp, nên định phỏng vấn về Giáo lý một ít.

Đức Phật thấu hiểu tâm vị ấy, nên ngự đến giữa hai vị ấy và chư Tỳ khưu đệ tử, sau đó Thế Tôn nêu lên ba câu hỏi có liên quan đến sự chứng ngộ giải thoát.

Vị pháp sư lúc bấy giờ không có kinh nghiệm thực chứng nên chẳng biết trả lời ra làm sao, Đức Phật xoay qua hỏi lại vị thiền sư A-la-hán, vì vốn là bậc Thánh vô học, đã tự thân chứng ngộ chân lý rồi nên rút kinh nghiệm bản thân, vị Thiền sư trả lời một cách thông suốt.

Đức Phật “Sādhu” ba lần, sau đó Ngài dạy:

“Dù nói ít kinh điển

Nhưng sống thực hành pháp

Đoạn trừ tham sân si

Tỉnh giác, tâm giải thoát

Không chấp thủ mong cầu

Đời này hoặc đời sau

Ắt hưởng sa môn quả”

Trước đó Ngài đã đọc lên câu kệ liên quan đến thái độ của vị Pháp sư mà tôi đã trình bày trước.

Thưa quý vị, chúng ta có thể nói trong việc tu tập, thực hành là cốt quan trọng để đưa đến kết quả. Ta nói “Từ bi” mà thân vẫn sát sanh, nói độc ác, ý vẫn thù hiềm oán hận người khác. Thì đó là nói mà không làm, vậy còn như mình không tuyên bố rằng: “Tôi ráng tu tâm, dưỡng tánh, ...” mà tự nội thân biết Trì giới, trau dồi kiến thức, đào thải ác pháp, ... Đó là như người không chuyển gầm mà mưa, tức không nói mà làm; Quý vị thử nghĩ người nào trong hai hạng trên tốt hơn, lợi ích hơn?

Tiếp đến là hạng người thứ ba.

Thế nào là người như chuyển gầm và mưa?

Thưa quý vị, người như chuyển gầm và mưa nghĩa là hạng người trên đời này hễ nói ra là làm, có nói và có làm; giữa bạn bè hay trong hội chúng. Người ấy tuyên bố, bạn nạn, lợi khẩu, nói rất hay rất nhiều. Song song theo ấy, họ làm nhiệt quyết, thực hành ngay những gì mình đã nói, việc nói và làm đối với người ấy đi đôi, hạng người như vậy gọi là người như chuyển gầm và mưa.

Thưa quý vị, ở đời thông thường cái gì có tốt, ắt có xấu, cái gì có lợi tất có hại. Cũng như đây, hạng người nói là làm, có thuyết là có hành; xét hạng người ấy ta thấy có người nếu nói điều ác, thủ đoạn, mánh khóe, gian hùng thì họ hành động cũng y như vậy, thủ đoạn, mánh khóe, gian hùng. Thế có lợi chăng? Có tốt chăng? Hay chỉ để lãnh lấy hậu quả bi đát thảm hại.

Chẳng hạn như vua Vidūdadha, vì nghe một lời nóitính cách khinh khi của người nữ tỳ, dòng Sakya, thành Kapilavatthu đang lau rửa chỗ ngồi cho mình, và nói rằng: “Đây là cái ghế mà con của người nô lệ đã ngồi trên đó”. Chính lời nói ấy khiến vua Vidūdadha tức giận thốt lên lời thề: “Các hoàng tử dòng Sakya hôm nay rửa cái ghế ta ngồi bằng sửa đến lúc nào đó ta nguyện sẽ rửa cái ghế của ta bằng máu lấy từ cổ họng của họ phun ra.”

Quả thật như lời nói thề độc ấy, về sau vua Vidūdadha thực hiện ngay, kéo quân sang tàn sát toàn thể dòng Thích Ca (Sakya), chỉ đến đàn bà và trẻ con cũng không chừa, máu chảy thành dòng, thây chất thành đống thế là đúng như lời thề vua Vidūdadha đã rửa cái ghế của ông ngồi bằng máu lấy từ cổ họng của các hoàng tử Sakya phun ra. Và rồi vua thu quân trở về nước.

Khi đại quân ấy đi đỗi xa, đến bờ sông Acisavati thì trời tối, vua truyền hạ trại nghỉ quân trên bờ sông, Quan quân chia nhau, người nằm trên bờ gần mé nước, kẻ lên nằm trên cao. Lúc đó, những người vô tội tàn sát nằm dưới bãi và những kẻ có tạo nghiệp ác nằm trên cao thì tự nhiên họ lại bị những con kiến bò lên cắn rứt người này người kia, chỗ này chỗ kia làm cho họ bực mình phải đổi chỗ ngủ. Người vô tội thì nằm trên cao, còn kẻ đã tạo nghiệp dữ thì nằm ở dưới bãi. Giữa đêm khuya, một trận lụt to dâng lên cuốn trôi đi nhà vua và đoàn tùy tùng ngủ gần mé nước ra tận biển cả, làm mồi cho tôm cá.

Thưa quý vị, đây là người chuyển gầm và mưa, nói là làm mà nói và làm như thế có lợi ích gì ? Chỉ tổ hại mà thôi.

Còn có hạng người tốt hễ nói là làm, mà lời nóiviệc làm ấy cao cả, thánh thiện, vô tội, vậy mới mang lại sư hạnh phúc, lợi lạc chứ.

Tôi xin điển hình hạng người đó.

Bồ tát Vessamtara trong thời quá khứ, tức là tiền thân của Đức Bổn Sư Thích Ca, Ngài là hoàng tử con vua Sañjaya. lúc lên 8 tuổi, Ngài thường bố thí mỗi ngày là  100.000 kahapana (tiền vàng). Ngài phát nguyện rằng: “Nếu có ai đến xin thân thể, tứ chi nhỏ lớn hoặc vật chi khác, ... thì ta có thể bố thí bất nghịch ý”.

Đức bồ tát có phát lời đại nguyện như thế. về sau vì Ngài lúc đang ngự đi bằng voi báu có nhóm Bà la môn đến xin với Đức bồ tát. Ngài hoan hỷ nhận lời và ban cho họ voi báu đang ngự cưỡi, luôn cả vật trang điểm quý báu, nhân đó quần thần bất bình khiến Đức phụ hoàng phán đuổi đi vào rừng ở. khi ấy có cả vợ con cùng theo là nàng Madrī cùng hai con trẻ Jāli và Kaṇha.

Trên đường đi được nữa đường, Đức bồ tát bố thí luôn cả xe và bốn ngựa, ngài bế hoàng nam Jāli, vợ ngài bế công chúa kaṇha đi bộ vào rừng.

Sau khi ở tại rừng một thời gian, có Bà la môn Jijaka đến xin ngài bố thí hai trẻ, Đức bồ tát thực hiện ngay lời đại nguyệnthảm trạng lúc ấy đau cắt lòng. Khi đó Đức bồ tát phát nguyện thành Chánh giác độ chúng sanh; liền đó đại địa dày 240.000 do tuần phải chấn động, run chuyển thật phi thường.

Về sau, muốn cho Đức bồ tát được bổ túc pháp bố thí, nên Đức đế thích biến làm vị Bà la môn đến xin nàng Madrī, vợ bồ tát. Bồ tát Vessamtara phát tâm trong sạch cầm tay nàng Madrī bố thí đến đạo sĩ Bà la môn. Lúc ấy quả địa cầu cũng chấn động vô cùng khủng khiếp. Bồ tát liền phát nguyện Chánh giác trong khi ấy.

Ngày sau, nhờ pháp đại thí ấy, Bồ tát đắc thành quả Chánh đẳng chánh giác, độ tận chúng sanh, tức là Đức Phật Thích Ca, Bậc đạo sư của chúng ta đây.

Thưa quý vị, nhắc tích này để chúng ta thấy rõ người như chuyển gầm và mưa là thế, người hễ nói là làm như Bồ tát đây. Thật là cao cả, hiếm có, bởi vậy mới thành Phật được còn như chúng ta đây đừng nói chi đến đại thí, chỉ tiểu thí thôi, mà chúng ta nói thì dễ làm lại khó nếu ta chỉ nói được mà không làm được như Bồ tát thì chẳng biết chừng nào mình Giác ngộ giải thoát được.

Bởi vậy người Phật tử chúng ta hãy cố gắng tinh tấn lên thêm mức nữa và sau cùng tôi xin trình bày hạng người thứ tư.

Thế nào là người như không chuyển gầm cũng không mưa ?

Thưa quý vị, người như không chuyển gầm cũng không mưa là người trong đời này không nói cũng không làm. Đó là hạng người im hơi lặng tiếng chẳng làm nên tích sự gì.

Dù thế chúng ta cũng nên xét lại hạng người như thế cũng là tốt mà cũng là xấu.

Là tốt nghĩa là người không có nói ác cũng không làm ác, như vậy sống hiền hòa, không thích tham dự vào việc nào vô bổ, ấy là người không nói không làm mà tốt vì không tạo nghiệp xấu, do không tạo nghiệp xấu nên không gặp quả xấu, bởi không gặt quả xấu tức là an vui tránh khỏi tại họa.

Là xấu, tức là người không nói điều lành, cũng không làm điều lành, họ sống quanh quất lục đục, chỉ biết miệt mài trong thế lợi, đây là ám chỉ cho những kẻ vô ý thức, không biết nhận định con đường tốt, con đường xấu để tiến thân. Chỉ biết thụ động với thiện pháp, do đó cũng được gọi là người không biết thương mình, vì không làm nên thiện nghiệp gì, thì không có hành trang tốt trữ theo lúc lâm chung nên phải sanh làm loài hữu tình hạ liệt.

Thưa quý vị, còn có hạng người nữa ngoài ra hai người trên, mà cũng là như không chuyển và không mưa hay không nói cũng không làm. Đó là người vô tích sự, chỉ rong rểu, chơi bời không tham dự vào bất cứ việc gì.

Nói làm ác thì họ cũng không ác lắm, mà hành thiện thì họ cũng chẳng có hành gì. Hạng người như vậy tương lai bị khuất lấp đi nói về sanh thú của hạng người này: “Con đường trời khó đi được, địa ngục cũng ít sanh vào, mà thường thì sanh thú làm người hạ liệt, không quyền chức, không tài sản, không trí tuệ sâu sắc, ... Hoặc là họ bị rơi vào loại bàng sanh, thú hai chân, thú bốn chân, ...”

Bồ tát có lúc dễ duôi cũng sanh làm thú nhưng là con thú có vị thế ưu thắng hơn con thú khác, nhứt là có trí tuệ.

Bởi thế, thưa quý vị, khi chúng ta đã am tường được tính cách của những hạng người không nói cũng không làm như vậy, là người Phật tử ta nên đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ với bất thiện pháp không nói cũng không làm.

Nhưng hãy tích cực trong thiện pháp, đừng bỏ trôi sống buông lung vì như thế sẽ có hại, chúng ta hãy nhớ lời Đức Phật dạy:

“Chớ chê khinh điều thiện

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần."

Thưa quý vị, bài thuyết trình này tôi đã trình bày xong bốn hạng người. Người như bốn cách mưa hẳn có trong đời:

1.     Có người trong đời nói mà không làm; trời chuyển gầm mà không mưa, như thế nào thì người ấy cũng như thế đó. Gọi là người như chuyển gầm mà không mưa.

2.     Có người ở đời này, không nói mà làm, trời không chuyển gầm mà mưa như thế nào, thì người ấy cũng như thế. Gọi là người như không chuyển gầm mà mưa.

3.     Có người trong đời này, hễ nói là làm, trời chuyển gầm và mưa như thế nào, thì người ấy cũng như thế đó. Gọi là người như chuyển gầm và mưa.

4.     Và có người trong đời này, không nói cũng không làm, trời không chuyển gầm cũng không mưa như thế nào, thì người ấy cũng như thế đó. Gọi là người như không chuyển gầm và không mưa.

Thưa quý vị, xét theo bốn hạng người này đây hẳn có tốt và có xấu; theo thiện pháp là tốt, theo phi thiện pháp là xấu. chúng ta hãy tự xét lại mình.

Thời pháp hôm nay cũng vừa thích hợp.

 


CON NGƯỜI GIÁ TRỊ

 

Thời Pháp hôm nay tôi xin giảng về pháp “Con người giá trị”.

Trước hết chúng ta hãy nhận định con người giá trị là như thế nào?

Thưa quý vị, nói đến con người giá trị chẳng phải là hạng người có địa vị cao như vua Kiệt, vua Trụ, Tần Thủy Hoàng; cũng không phải là người giàu có của tiền phú túc tài sản như bá hộ Macchariya hay triệu phú Kosiya. Những con ngườiđịa vị cao mà gian hùng bất chánh, chỉ được xem là người có giá trị đối với những kẻ đồng phe, đồng phái, xiểm nịnh mà thôi; những kẻ giàu cóích kỷ hẹp hòi chỉ là con người ty tiện, mặc dù đối với kẻ dưới sự bợ đỡ xem là giá trị.

Con người giá trị nơi đây là mẫu người tốt, có ích, trở thành một nguồn sinh lực cần thiết cho mọi người sống chung quanh, tập trung, con người giá trị một cách chân chánh là mẫu người vô hại cho cả hai, biết làm lợi mình và lợi người.

Thưa quý vị, muốn trở thành con người chân giá trị, thời chúng ta phải học và hành theo những pháp tác thành con người giá trị. Thật ra đối với chúng ta đây, có khi sự hiểu rất nông cạn, chỉ thấy phiếm diện một vài khía cạnh; duy có Đức Phật là bậc Thiên Nhân Sư, lối nhìn sâu sắc, am tường toàn chân, Ngài đã chỉ bày con đường lợi ích, vạch trần con đường nguy hại.

Ở đây trong kinh Dhammadhana, có ghi nhận là có 5 pháp tác thành con người giá trị.

Thế nào là 5 pháp ấy?

Thưa quý vị, thứ nhất là Thành thạo (Vyatto), thứ hai là Tự tín (Vīsārado), thứ ba là Đa văn (Uhussuto), thứ tư là Trì pháp (Dhammadharo) và thứ năm là Hành pháp tùy pháp (Dhammassa hoti anudhammacārī); ấy là 5 pháp tác thành con người giá trị. Vậy ta hãy tìm hiểu sâu hơn.

Thế nào là Thành thạo là pháp tác thành con người giá trị?

Thưa quý vị, thành thạo nghĩa là rành rẽ, lão thông, thuần thục trong bất cứ sự việc gì.

Dù là thế tục xã hội, các nghề nghiệp cũng phải thiện xảo, thành thạo: biết như thế nào là thành tựu, như thế nào là không thành tựu, thế nào là hữu ích, thế nào vô ích. Có thế, việc làm mới được thành công tốt đẹp và bổ ích.

Còn nói về như Hành giả là người Phật tử cũng phải thành thạo trong việc tu tập của mình, biết rõ Pháp hành hữu ích, pháp hành vô ích, biết rõ pháp hành chân chánh, pháp hành không chân chánh, ... Chẳng hạn người Phật tử trong việc làm bố thí, trì giới lão thông rằng: “Bố thí với tư cách này là có quả báu lớn, như thế này không có quả báu lớn, trì giới khéo tác ý như vầy mới thành tựu giới bằng như với cách kia không thành tựu giới, ...”. Người Phật tửHành giả am tường như vậy gọi là thành thạo trong việc tu tập của mình.

Người thành thạo, tinh luyện trong việc làm sẽ trở nên con người giá trị, xứng đáng, bổ ích, miễn là việc làm chánh đáng, hợp pháp và người ấy sẽ được trọng vọng nể; cá nhân được an vui hạnh phúc.

Tôi sẽ nhắc lại câu chuyện anh què chỉ nhờ thành thạo và lão luyện trong một nghề bún sạn tầm thường của anh mà được vua chú ý, cấp ân bổng.

Có một anh què nọ tại kinh đô Bārānasī có tài bún sạn rất thuần thục khéo léo, người ta thường đẩy xe cho anh ra ngoài cửa thành dưới cội cây to, đem sạn đến bảo anh bắn vào lá cây thành hình thú này, thú nọ để xem chơi rồi cho anh tiền.

Ngày nọ có vua ngự chơi vườn thượng uyển đi ngang qua chỗ ấy, thấy những lá cây lủng lỗ có hình thú rất ngộ mới phán hỏi; quan cận thần liền tâu tự sự.

Nhà vua cho vời anh què đến hỏi: “Trong triều có vị quân sư mang tật hay cướp lời trẩm, vậy khanh có cách nào trừ cái tật ấy của ông ta chăng?”

Anh què đáp: “Tâu nếu có vài cân phân dê thì hạ thần đây có phương thế làm được.”

Nhà vua bèn đem anh về, để ngồi gần bên Ngài, sau một tấm màn có khoét lổ, bên anh có cân phân dê khô. Đoạn hồi trào thần bàn việc quốc gia.

Vị quân sư quen tật vừa hả miệng toan cướp lời vua, thì liền bị anh què, qua lổ màn búng một viên phân dê khô vào miệng, ham nói quá, ông nuốt viên phân để nói, cứ thế cho hết cân phân dê.

Đức vua bấy giờ trông thấy vậy mới bảo quân sư rằng: “Về tật ham nói, nên khanh đã nuốt hết cân phân dê khô mà vẫn chưa biết dạ dày của khanh không thể tiêu hóa được cân phẩn ấy. Vậy khanh hãy dùng thuốc xổ ra đi.” Vị quân sư cả thẹn ra về, từ ấy bỏ tật hay nói cướp lời.

Nhờ anh què mà nhà vua đỡ bực, nên ngài ban cho anh què ấy thâu thuế bốn thôn ước độ được 10 muôn dân, để cho anh sinh sống.

Thưa quý vị, thế là nhờ lão luyện thành thạo trong việc làm của mình, mà anh què được yên tấm thân, và có phải vì đó mà anh trở thànhgiá trị chăng? Khi đối với anh là một người tàn tật, vậy thì muốn thành người có chân giá trị chúng ta phải luyện thành thạo trong việc làm, từ nghề nghiệp sống cho đến việc tu tập phải bảo đảm.

Lại nữa, thế nào là Tự Tín, pháp tác thành con người giá trị?

Tự tín là gì? Thưa quý vị, Phạn ngữ Visārado nghĩa là vững tin, không khớp sợ, dạn dĩ khi đối diện trước sự việc gì.

Người thiếu lòng tự tín, tâm nhát sợ, có sự run sợ, khớp sượng trước việc làm thời không thể nào thành công một cách mỹ mãn, trước hội chúng kẻ thiếu lòng tự tín tất chỉ làm trò hề cho người thôi. Trái lại còn đầy lòng tự tín ắt sẽ thành công trong mọi việc.

Hơn nữa, ngay trong việc tu tập cũng vậy, Hành giả là người tu có khi gặp nhiều trở ngại cản bước tiến, lắm lúc trở ngại ấy đến quá lắm khiến cho Hành giả phải chìm sâu, thối bước, nếu không khéo và thiếu lòng Tự tín?

Thưa quý vị, Bồ tát Sĩ-đạt-ta, lúc tu khổ hạnh nơi rừng vắng, sau này đắc quả Chánh đẳng Chánh giác rồi, Ngài thuật lại cho Bà la môn Jaṇussoni nghe về nổi lo sợ và lòng tự tín của Ngài:

Này Bà la môn, khi ta chưa giác ngộ hãy còn là Bồ tát, ta suy nghĩ: “Thật khó cho đời sống chốn rừng sâu u tịch, không dễ tìm được sự an vui, nỗi lo sợ khiếp đảm luôn luôn khuấy nhiễu tâm trí của Bậc hành giả nào chưa thuần thục thiền định gom tâm.”

Này Bà la môn, rồi ta nghĩ: “Sở dĩ sự kinh sợ phát sanh vì là do những vị Sa môn hay Bà la môn nào sống trú ẩn tại giữa rừng sâu thanh vắngthân nghiệp không thanh tịnh, khẩu nghiệp không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh, sự nuôi mạng không thanh tịnh, các vị ấy còn vọng tưởng về tài, sắc, lợi, danh, hằng có tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng dật, hoài nghi chi phối thân tâm hoặc giả những vị Sa môn hay Bà la môn ấy ngự nơi rừng vắng nhưng vẫn còn tính cống cao, ngã mạn, lười biếng, hửng hờ, ươn hèn, xão trá, bất nhả. Vì họ không thanh tịnh nên phải bị những đều kinh sợ làm lung lạc thân tâm.”

Này Bà la môn còn về phần Như Lai khi sống trong rừng vắng, ta đã có thân khẩu ý thanh tịnh, chẳng có tham dục, giữ tâm Từ bi đối với chúng sanh, không sân hận, không lười biếng, chẳng phóng dật, chẳng hoài nghi, với tâm tư định tĩnh sáng suốt, cố diệt tính xấu cống cao, ngã mạn, si mê, hờ hửng, luôn luôn có sự Tri túc và ghi nhớ biết mình; vì lẽ đó những đều kinh sợ khiếp đãm không sao lay chuyển thân tâm ta. Này Bà la môn, khi ta quan sát như vậy, ta cảm thấy lòng Tự tín xác chứng hơn khi sống trong rừng núi.

Thưa quý vị, người đời bây giờ không thể nghĩ rằng: “Vị sa môn trẻ tuổi có đầy lòng tự tín kia, sau này sẽ là đấng vĩ nhân của thế gian, là thầy của cả Chư thiênnhân loại.”

Noi theo dấu chân Ngài, người Phật tử luôn luôn cố tạo cho mình đầy lòng tự tín, bằng cách dọn thân, khẩu, ý thanh tịnh. Diệt trừ dần dần các bất thiện pháp, khi đã làm như thế, là người thắng hóa trong mọi nơitrở thành con người chân giá trị.

Tiếp đến, Đa văn là pháp tác thành con người giá trị.

Thế nào là đa văn?

Thưa quý vị, Đa văn (Bahussuto) nghĩa là nghe nhiều, học rộng về nghĩa lý, triết lý, pháp lý dù là người Đời hay Đạo.

Người học nhiều hiểu rộng theo kiến thức thế tục thì cũng thành giá trị đối với thế gian. Còn như đối với người tu, đa văn về kiến thức Phật pháp sẽ trở thành bậc giá trị trong Đạo Pháp. Là người xứng đáng và cần thiết cho tiền đồ.

Có lần nọ, một người đến bạch Phật: “Bạch Thế Tôn cúng dường Tam bảoPhật bảo con đã cúng dường rồi; Tăng bảo con cũng đã cúng dường rồi, còn cúng dường Pháp bảo thì phải làm sao?”

Phật dạy: “Hãy tìm đến cúng dường những vị Đa văn, vậy là cúng dường Pháp bảo”.

Lúc ấy người ấy bèn tìm đến vị Tỳ khưu để hỏi thăm, Chư Tăng mới chỉ ông ta cúng dường đến Đại đức Ānanda, chỉ có Ngài là bậc Đa văn, thông thuộc giáo pháp nhiều.

Lại nữa thưa quý vị, lúc Đức Thế Tôn đã viên tịch được bốn tháng, Đại đức Kassapa câu hội Chư Thánh Tăng tại thành Rājagaha là kinh đô xứ Magadha, tại hang núi Vebara để kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. Trong đại hội này Đại đức Kassapa được cử làm chủ tọa, trong đó Chư Tăng cả thảy 499 vị A-la-hán duy chỉ có Ngài Ānanda còn là Thánh hữu học Tu-đà-hoàn, nên không thể hội chúng được. Nhưng không có Đại đức Ānanda thì làm sao kết tập, vì có ai đủ sự ghi nhớ tất cả lời dạy của Đức Thế tôn ? Một vị Tỳ khưu đã hỏi như vậy.

Đại đức Kassapa gọi đức Ānanda đến quở và khuyến khích. Chư Tăng đại hội vẫn chờ đợi Ngài Ānanda, cho đến sáng hôm sau Đại đức đã thành tựu Thánh vô học, liền đi đến hội trường và khai hội. Đại đức tọa chủ liền mời Ngài Ānanda trùng tuyên lại giáo pháp đã kết tập Tam Tạng về Kinh và Vi diệu pháp.

Và quả đúng như lời Đức Phật vẫn thường ca ngợi Đại đức Ānanda là Đa văn tạng, Ngài lập lại các lời pháp, sự kiện, tích quá khứhiện tại, các lời Phật ví dụ, các di ngôn sắp tịch diệt không sót một đoạn, một lời nào luôn cả các địa điểm cùng tất cả các trường hợp Đức Phật vấn đáp với Chư thiên, Ngoại đạo và Vua chúa. Dứt từng thời, từng đoạn rồi qua hôm sau lại tiếp tục cho đến hoàn tất ròng rả 7 tháng trời.

Thưa quý vị, là Phật tử hết lòng tôn kính Tam Bảo, quy ngưỡng Tam bảo, hằng niệm Ân đức Phật, Pháp, Tăng thì chúng ta càng biết ơn, mến đức các bậc Thánh Tăng đã dầy công bảo tồn Chánh pháp, lưu lại nguyên vẹn giáo lý pháp bảo cho đến sau này. Công đức vô lượng vô biên đó, Đức Ānanda là một bậc Đại ân nhân của hàng Phật tử vậy.

Đức Ānanda nhờ Đa văntrở thành mẫu người giá trị, cái chân giá trị mà nay hàng tín đồ Phật giáo không ai dám phủ nhận, ta hãy noi gương các bậc tiền nhân, nay cố gắng học hỏi cho thật nhiều Kinh - Luật - Vi diệu pháp ngõ hầu duy trì Chánh pháp cho được lưu tồn bền lâu.

Kế đến, thế nào là Trì pháp, pháp tác thành con người giá trị?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Dhammadharo nghĩa là mang giữ pháp lý, mang giữ trong nội tâm, tức là nơi đây ý nói thông thuộc, nằm lòng giáo lý.

Các vị Pháp sự hộ pháp phải là người thông thuộc nhiều về Tông chỉ Giáo lý của mình như vậy, mới thành người giá trị; quãng bá và bảo tồn giáo (lý) pháp đặng.

Ngay đến thế tục những ai lão thông làu làu về văn hóa kiến thức xã hội, thời cũng thành người có giá trị đối với người đời.

Riêng về bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ trong Phật Pháp, những giáo lý do Bậc đạo sư thuyết giảng, chúng ta thông thuộc nhiều, chẳng những có lợi cho chính mình mà lợi có ích cho người khác nữa và càng lợi cho tiền đồ chánh Pháp, vì sao vậy?

Thưa quý vị, một khi mình thông thuộc Giáo lý thời những việc đáng hành ta biết để hành, những điều không đáng hành ta biết để tránh, như thế có lợi cho mình; có lợi cho người là do nhờ thông thuộc nhiều về giáo lý, chúng ta có thể hướng dẫn tiếp độ chúng sanh khác quay về con đường chân chánh.

Và có lợi ích cho Giáo pháp bởi thông thuộc giáo lý một cách rành rẽ, chúng ta có thể ở bất cứ nơi đâu và lúc nào cũng thuyết minh được Chánh giáo, nhờ đó Phật pháp càng tỏ sáng mở rộng.

Như trong Phật giáo thuở xưa, khoảng 500 năm sau khi Phật tịch diệt có Ngài Thánh Tăng Nāgasena, nhờ thông thuộc Tam Tạng lão thông nghĩa lý Phật ngôn nên đã thắng phục đức vua Milinda qua những cuộc vấn đáp; nhờ vậy Phật giáo đựợc thịnh hưng.

Lúc mới vào tu Sadi, Ngài Nāgasena đã nằm lòng trọn 7 bộ Diệu Pháp Tạng, do nghe qua một lần với Đại đức Bohana, rồi ngài Nāgasena lúc ấy, liền đến chỗ một ngàn triệu (100 koti) vị A-la-hán trú ngụ và thuyết lên 7 bộ diệu pháp ấy bằng ý nghĩa sâu rộng cho các Ngài nghe. Chư vị Thánh Tăng vô cùng hoan hỷ tán dương Ngài.

Có lần nọ, Ngài Nāgasena vẫn còn là phàm nhân, thế mà khi Trai tăng tại một nhà nàng cận sự nữ xong, Ngài bèn thuyết pháp hoan hỷ công đức bằng kệ ngôn thâm diệu cho cô tín nữ ấy nghe, lúc chấm dứt thời pháp giờ phút nào thì bà tín nữ ấy liền đắc quả Tu-đà-hoàn trong giờ phút ấy.

Lúc đó, có vị Đại đức khác buông lời tán dương Ngài bằng tiếng: “Sādhu, Sādhu (lành thay), ông Nāgasena này quả là có Trí tuệtrí nhớ là người có thể làm cho thành tựu lợi ích đến người và trời”.

Thưa quý vị, Ngài Nāgasena quả là một con người chân giá trị do nơi sự thông thuộc giáo lý của Ngài, là Phật tử như chúng ta, ít nhiều cũng phải cố gắng thông thuộc giáo pháp của Bậc đạo sư hầu đem lại giá trị an vui cho chính mình và người khác.

Và sau hết là Hành pháp Tùy pháp, tác thành con người giá trị.

Thế nào là hành pháp tùy pháp ?

Thưa quý vị, tiếng Phạn Anudhammacan nghĩa là hành theo giáo lý, còn Dhammassa nghĩa là đúng chân lý hay theo đúng chánh pháp. Như vậy sự thực hành pháp đúng với chân lý gọi là hành pháp tùy pháp.

Sự thực hành pháp đó là như thế nào?

Thưa quý vị, ở đây có 4 chân lý được xem là nòng cốt căn bản, cao siêu thâm diệu đó là Sự Khổ điều chắc chắn phải có, gọi là khổ Đế, nguyên nhân sanh khổ là điều chắc thật, gọi là Tập đế. Sự diệt khổ điều hẳn như vậy, gọi là Diệt đếchân lý cuối cùngcon đường đưa đến sự diệt khổ, đó là điều không thể cưỡng, gọi là Đạo đế.

“Khổ Đế học để biết

Tập Đế học để diệt

Diệt Đế học để thành

Đạo Đế học để hành.”

Như vậy sự Hành pháp tùy pháp hay hành pháp đúng chân lý đây có nghĩa là thực hành con đường Diệt khổ tức Bát Chánh đạoChánh Kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Khi người đã thực hành con đường Bát Chánh này là người có Giới, có Định và có Tuệ, được đến đích vô thượng là Níp bàn, là người đến Thánh vức chẳng còn phiền não, Bậc đã sáng chói cả đời này vì như trăng thoát khỏi mây che vậy.

Khi xưa có người thuơng buôn Bāhiya trước lầm tưởng rằng mình đã đắc quả A-la-hán về sau hiểu ra liền đi tìm Đức Phật để thọ giáo với Ngài.

Lúc ấy Đức Phật đang trên con đường khất thực, ông Bāhiya tiến đến đảnh lễ Phật, và bạch xin Ngài dạy pháp hành cho thành tựu A-la-hán. Đức Phật xét thấy duyên lành của ông đã đến, hơn nữa ông sẽ chết lúc trưa nay. Nên Ngài tạm dừng, thuyết cho ông nghe đại lược về pháp hành Tứ niệm xứ, nghĩa là phải giữ kềm cái tâm, có sự biết mình, ghi nhớ vững vàng trong mọi hành động oai nghi của thân tâm. Ông Bāhiya hoan hỷ tín thọ pháp, rồi bèn đến gốc cây bên vệ đường ngồi xuống Thiền định an trú chánh niệm vững vàng, thân tâm yên tĩnh, phát triển Tuệ minh sát chứng lậu tận thông, gánh nặng đã đặt xuống, không còn gì phải làm nữa, chẳng còn tái sanh trong tương lai, tức là Ông Bāhiya đã trở thành vị A-la-hán thật sự, bấy giờ Ngài Níp Bàn tại chỗ, do con bò húc chết. Khi ấy các vị Tỳ khưu thương tiếc bạch hỏi Phật sanh thú của vị ấy ra sao? Đức Phật dạy con của Như Lai đã giải thoát rồi, việc phải làm đã làm rồi không còn tái sanh nữa.

Thưa quý vị, nhờ hành theo pháp đúng chân lý mà ông Bāhiya trở thành bậc Thánh nhân vô lậu, nghĩa là thoát khỏi mọi trói buộc phiền nhiễu, rất xứng đáng là ruộng phước ở đời, bởi thế trong hàng Phật tử chúng ta muốn tiến đạt thành con người chân giá trị cần phải hành theo Giáo lý đúng chánh pháp không tà vọng say suyển, nghĩa là trước hết phải nhận định tỏ tường chắc chắn bảo đảm, có như thế mới tiến hóa ích lợi, bằng không sẽ thành người bất hạnh không may.

Trong thời pháp hôm nay, tôi vừa nói về pháp tác thành con người giá trị. Là người có đầy đủ tư cách, đức tính, giá trị đó là tư cách Thành thạo trong việc làm; thứ hai là tư cách tự Tín dạn dĩ trước mọi việc; thứ ba là Đa văn nghe nhiều học rộng; thứ tư là tư cách thông thuộc Giáo lý và thứ năm là tư cách hành theo pháp đúng Chân lý. Đối với người nào có đủ tư cách này rồi là người có giá trị trong mọi nơiđạt đến đích an lạc, hiện tại được yên vui.

Do đó người Phật tử chúng ta muốn lợi ích an vui nên tu tập cho mình những pháp tác thành con có người giá trị.

Thời pháp hôm nay cũng vừa thích hợp.

 


BỐN PHÁP CÓ ĐẶC ÂN

 

Thời thuyết trình hôm nay, nói về “Bốn pháp Đặc Ân”.

Thế nào là bốn pháp có đặc ân?

Thưa quý vị, pháp có đặc ân là những pháp giúp cho thành tựu tốt đẹp, may mắn, vượt khỏi điều bất hạnh hiễm nguy; lại nữa là những pháp có đặc tính an lành cao quí, nếu người đã thực hành tròn đủ ắt đạt đến quả đích cao thượng. Và có thể nói rằng: “Trong đời sống của chúng sanh chẳng thể thiếu những pháp có đặc ân này, nếu chúng sanh không có những pháp này, chắc chắn rơi vào bất hạnh, sầu khổ, ưu bi, vì lẽ đó nên gọi là pháp có đặc ân.”

Pháp có Đặc ân như thế nào?

Thưa quý vị, Đức Thế tôn có thuyết kệ ngôn rằng:

“Yass’ ete caturo dhammā guṇā paramabhaddakā

Saccaṃ dhammo dhiti cāgo diddhaṃ so ativattati

Yassa cete na vijanti guṇā paramabhaddakā

Saccaṃ dhammo dhiti cāgo diddhaṃ so nativattati.”

Nghĩa là:

“Bốn pháp có đặc ân cao quý nhất, là Chân thật, Thuận pháp, Nghị lực và Dứt bỏ. Ai có những pháp đó người ấy sẽ thoát khỏi sự nhiễm hại. Những pháp có đặc ân tốt lành nhất là Chân thật, Thuận pháp, Nghị lực và Dứt bỏ. Ai không có những pháp đó, người ấy không thoát khỏi sự nhiễm hại được.”

Thưa quý vị, xét theo bài kệ này, thấy rằng Đức Phật dạy có bốn pháp là:

  1. Chân thật (Sacca).
  2. Thuận pháp (Dhamma).
  3. Nghị lực (Dhiti).
  4. Dứt bỏ (Cāga).

Cả bốn pháp này là những pháp có đặc ân cao quý hằng đem ngươì khỏỉ sự nhiễm hại là áp lực của kẻ thùáp lực của phiền não.

Nếu đời sống của con người thiếu mất bốn pháp có đặc ân này là chân thật, thuận pháp, nghị lực và dứt bỏ thời phải rơi vào bất hạnh, không được an vui, họa khổ sẽ đến với người ấy, trái lại thì tốt đẹp an vui.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu vào những pháp này.

Trước hết chúng tôi trình bày pháp có đặc ân thứ nhất là Chân thật.

Thế nào là Chân Thật?

Thưa quý vị, sự đúng với lẽ thật; như nói thế nào, làm thế ấy và làm thế nào, nói thế ấy – “Yathā vādi tathā karī, yathā karī tathā vādi” – Như vậy gọi là chân thật.

Sự chân thật có 3 cách.

Sự nói chân thật, tức là nói lời đúng pháp, hợp pháp không tráo trở, dối trá trong Kinh có giảng rằng: “Người nói chân thật không vọng ngữ như là có người đến chỗ tập hội, đến chỗ quần chúng hay đến chỗ nhóm họp, người ta hỏi chuyện người ấy, nếu không biết người ấy nói: “Tôi không biết”; nếu biết người ấy nói: “Tôi biết”; hoặc nếu thấy, nói: “Tôi thấy”; bằng như không thấy nói: “Không thấy” ấy là người nói lời chân thật.”

Tích xưa, Bồ tát Vidhura là tiền thân Đức Phật Thích Ca, người tu hạnh chân thật, có dạ xoa Puranaka đến tìm cách bắt ngài bằng cách đánh cờ với vua. Nhà vua thua cuộc, nhà vua buộc đánh đổi quân sư là Bồ tát Vidhura, đức vua bàng hoàng, dối rằng: “Không nên như vậy, vì quân sư là hoàng thân của trẫm”.

Dạ xoa lấy làm căm phẫn bèn đòi gặp bồ tát Vidhura để hỏi căn nguồn, nếu là hoàng tộc thì thôi, bằng như không phải thì bắt đi. Đức vua nghe qua lo sợ, vì ngài rất quý trọng quân sư của mình.

Đến khi hợp lại, có mặt Bồ tát là quân sư Vidhura, dạ xoa bèn hỏi: “Thưa ngài, Ngài là tôi của vua hay hoàng tộc của vua?”

Đức quân sư Bồ tát liền suy xét đến pháp cao quý là Chân thật, liền tuyên thệ rằng: “Ta chính là tôi thần của vua chớ không phải là hoàng thân quốc thích”. Nghe xong dạ xoa dù là kẻ chực bắt hại Ngài cũng phải hoan hỷ buông lời tán tụng Bồ tát là người chân thật hiếm có. Chúng ta thấy như thế gọi là chân thật.

Thứ hai là sự làm chân thật. Thưa quý vị, sự làm chân thật là hành động đúng theo lẽ thật, đúng theo những gì mình đã nói, lời nóiviệc làm đi đôi, như Nhạc Chính Tử nước Lỗ bên Tàu.

Nước Lỗ có một cái đỉnh đồng rất quí, nước Tề bắt phải đem dâng, vua Lỗ tức lắm, cho làm một cái đỉnh giả đem sang.

Vua Tề bảo: “Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang dâng, thì ta mới tin”.

Vua Lỗ gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi.

Nhạc Chính Tử hỏi: “Sao không đưa cái đỉnh thật?”.

Vua Lỗ nói: “Ta quí cái đỉnh ấy lắm”.

Nhạc Chính Tử thưa: “Nhà vua quí cái đỉnh ấy như thế nào, thì tôi quí cái đức “Tín” của tôi như thế ấy”.

Sau vua Lỗ phải đưa đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

Thưa quý vị, việc làm của Nhạc Chính Tử như vậy, gọi là sự làm chân thật. Cho đến kẻ nghịch như vua Tề củng phải tín nhận đến, chẳng lẽ người Phật tử chẳng học cái hay ấy hay sao?

Và thứ đến là sự nghĩ chân thật, thưa quý vị, sự nghĩ chân thậtsuy xét điều phải lẽ thật, không suy tưởng tà vọng như xét về Sự Khổ, xét nguyên nhân Sanh Khổ, suy tưởng sự Diệt Khổ và nghiệm con đường đưa đến Sự Diệt Khổ, hoặc suy nghĩ về cách ly tham; suy tư đến cách vô sân là niệm lòng Từ bi, suy tư đến cách bất hại là phát triển tâm bi. Tất cả tư duy ấy đều gọi là sự nghĩ chân thật.

Thưa quý vị, chân thật là pháp có Đặc ân quí cao, đó là hành trình của chư Thánh Nhân, nhứt là Đức Phật, dù khi còn Bồ tát, các Ngài cũng phải hành pháp chân thật để bổ khuyết pháp Ba la mật mới được đến quả Vô sanh, nên gọi sự chân thật là pháp có đặc ân; hơn nữa, người an trú vào pháp chân thật sẽ là người cao quí, trở thành nơi thương yêu của Bậc thiện trí thức là nơi kính trọng của hàng Chư thiên và là nơi tín nhiệm của quần chúng; người ấy sẽ thoát khỏi sự tai hại cũng nhờ nơi hạnh chân thật của mình.

Thưa quý vị, tôi còn nhớ trong kinh đã ghi chép lại câu chuyện như vầy:

Có một xứ nọ, quân gia bắt được 4 tội nhân đem giam tù, một hôm nhà vua đột xuất đi xét trại giam, mới thấy 4 tội nhân ấy bèn kêu lại mà hỏi rằng: “Các ngươi làm thế nào mà phải bị bắt như vầy?”

Bốn tội nhân kia lần lượt trình bày nổi tâm sự của mình. Tội nhân thứ nhất than rằng: “Tâu lệnh hoàng thượng, thật tình oan cho tôi, bởi người ta ghét tôi mà cáo gian cho tôi, nên tôi phải bị bắt như vầy”.

Đức Vua nghe qua gật đầu, rồi xoay qua tên tội nhân thứ nhì; tội nhân này đáp: “Tâu đại vương bởi quan chỗ tôi ăn của hối lộ trước mà xử oan cho tôi, chớ tôi thật tình vô tội”.

Nhà vua nghe xong cũng gật đầu, rồi hỏi sang tội nhân thứ ba, người này đáp: “Tâu lệnh Thánh hoàng, chỉ vì một câu chuyện hiểu lầm mà tôi bị xử oan thế này”.

Đức vua nghe rồi vẫn làm thinh và hỏi tiếp tội nhân thứ tư, anh này đáp: “Tâu bệ hạ, xét ra hạ thần bị tù tội đây cũng đáng, nguyên văn buổi tối kia thần khoét vách một người khá giả ở phía nam thành này để lấy rương bạc đem đi, chủ nhà hay được tri hô lớn, quan quân đuổi theo bắt kịp, nên hạ thần bị giam vào đây. Tâu việc hạ thần là như vậy”.

Đức vua nghe qua, lấy làm lạ nghĩ: “Tên tội nhân này chân thật, dù biết nói ra là bị tội, nhưng vẫn nói thật chắc có lẽ là người tốt, chỉ vì nghèo mà làm vậy thôi”. Đức vua ra về với quan cai ngục, đều tra hỏi lai lịch của tên tội nhân thứ tư thì sự việc quả đúng như lời khai của người này hôm qua.

Ba ngày sau, người tội nhân thứ tư nhận được chiếu chỉ của vua ban xuống tha bổng cho anh ta được tự do như trước.

Thưa quý vị, qua chuyện này cho ta thấy rằng người có Pháp chân thật rồi, dù là có tội, khó nói ra cũng khó thoát khỏi tội, như người tội nhân thứ tư kia vậy. Cho đến Đức Phật dạy: “Sự chân thật là pháp có đặc ân cao quí” là vậy. Người Phật tử chúng ta cũng nên hành pháp chân thật như thế để được lợi ích an vui và hành đúng theo lời chỉ giáo của Bậc đạo sư.

Tiếp đến pháp có đặc ân thứ hai là Thuận pháp.

Thế nào là Thuận pháp?

Thưa quý vị, thuận pháp là sống đúng theo pháp, tức là sự hành Thiện pháp.

Người sống Thuận pháp là người hành động đúng theo thiện pháp. Sự thuận pháp đây có 3 là:

  1. Chánh ngữ.
  2. Chánh nghiệp.
  3. Chánh mạng.

1.     Chánh Ngữ: Là sự nói chân chánh thiện hạnh, lời nói đáng cho các bậc trí thức ngợi khen. Tức là nói lời chân thật đáng tin cậy không nói dối, nói lời dịu ngọt, mát mẻ với từ tâm, không nói độc ác; nói lời hòa hợp; đoàn kết mọi người, không nói đâm thọc; và nói lời hữu ích đúng lý, mạch lạc có đem lại tịnh lạc cho mình cho người, không nói vô ích.

2.     Chánh Nghiệp: Nghĩa là hành động hành vi chân chánh thiện hạnh, tức là tránh xa sự sát sanh, sống có lòng bi mẩn đối với các loài hữu tình , không giết mạng sống chúng sanh ấy; tránh xa sự trộm cắp, biết tri túc vui theo của cải mình đã có được trong sạch, không đi trộm giựt của người khác; tránh xa sự tà dâm, là tịnh hạnh trong trắng, không dâm loạn lân la theo vợ con người bất hợp pháp.

3.     Chánh Mạng: Nghĩa là sự nuôi mạng sống chân chánh, bằng cách hợp lẽ Đạo, không do thân ác, khẩu ác và ý ác. Nói về chánh mạng có 2: Chánh mạng của người tại giaChánh mạng của bậc xuất gia.

Người tại gia: Chánh mạng là không hành 5 nghề buôn bán là: Bán người hoặc thú sống, bán khí giới, bán thuốc độc, bán thịt và bán rượu. Ngoài ra đó người cư sĩ có thể sống bằng mọi nghề nào không vi phạm giới là được xem chánh mạng.

Bậc xuất gia: Chánh mạng được xem như là chỉ sống bằng Tam y và quả bát để khất thực mà ăn, rồi chỉ lo trau dồi Thiền địnhGiới luật, phát triển pháp học và pháp hành.

Thưa quý vị, đời sống có Thuận pháp được kể là Phạm hạnh cao quí, Bồ tát xưa kia cũng có đôi lúc dễ duôi nhưng phần nhiều Ngài sống chấp trì theo Thiện pháp dù là thời kỳ không có giáo pháp Đức Phật toàn giác nào ra đời.

Như có kiếp nọ, Ngài là người lái buôn tên Seṇva, có một người thương buôn khác cũng trùng tên, cả hai cùng đi đến một xứ nọ buôn bán; tên thương buôn kia đi ngang nhà của một gia đình hai bà cháu nghèo nàn trong xứ ấy bà cụ gọi vào tỏ lời muốn đổi cái mâm đen cũ để lấy ít nữ trang cho cháu đeo. Mâm ấy là mâm vàng mà hai bà cháu không biết vì quá cũ kỹ, tên thương buôn kia thử biết là mâm vàng, thì định gạt lấy nên giả bộ chê rồi bỏ đi, tính chốc trở lại đổi rẻ mạt đi.

Không ngờ lúc sau là Bồ tát là lái buôn Seṇva cũng đến ngay nhà đó, bà cụ cũng tỏ lời muốn đổi, bà đưa mâm, Bồ tát xem xong biết là mâm vàng liền bảo cho bà biết, rồi đánh giá cái mâm bằng tất cả tiền mặt và vật hàng mang theo để lại hết cho bà cụ, chỉ xin lại cái cân, tiền về đường thôi. Bồ tát lấy mâm ra đi về tới nhà được an vui. Riêng tên thương buôn nọ trở lại, biết chuyện quá hối tiếc thổ huyết chết liền.

Lại nữa, có kiếp Bồ tát sanh ra trong một gia đình có mẹ già và người anh cả, ngài là em út. Thời gian ấy mẹ ngài lâm bệnh nặng chạy thầy, chạy thuốc bao nhiêu cũng không thuyên. Có một vị lương y nọ, khám bệnh rồi bảo: “Phải có máu của con thỏ tươi mới chữa khỏi”.

Người anh bèn sai Bồ tát đi bắt thỏ về, bồ tát đánh bẫy được con thỏ rừng rất tốt, khi ấy Ngài thấy thỏ sợ hãi sự chết, vùng vẫy trong lồng, ánh mắt như có vẻ van lơn cầu cứu. Động lòng trắc ẩn bồ tát không thể giết được, nên mở lồng bẫy ôm thỏ vào lòng vuốt ve an ủi rồi thả cho về rừng xanh.

Bồ tát trở về người anh hỏi, ngài liền thuật lại mọi chuyện, bị anh quở mắng nặng, Bồ tát ôm mẹ và phát nguyện, do lời chân ngôn quá mãnh liệt khiến cho bệnh mẹ tiêu tan, lành lại như xưa.

Thưa quý vị, trong đời sống lúc nào Bồ tát cũng thuận pháp sống theo pháp, nên chi Ngài luôn luôn được an vui, thắng vượt hơn chúng sanh khác đồng loại.

Chính đấy cũng nhờ sống Thuận pháp mà chúng sanh được trong sạch quí cao, bởi vậy Bậc đạo sư dạy sự sống thuận pháp là pháp có Đặc ân cao quí, hằng có trạng thái giúp cho người an vui tiến hóa lợi lạc, thoát khỏi nhiễm hại.

Tôi xin nhắc lại chuyện Bồ tát, trong kinh có ghi chép ở bộ chú giải Bổn sanh kinh (Atthakathājataka) như vầy:

Trong thời quá khứ, lúc đức vua Brahmadatta trị vì trong xứ kinh đô Bārānasī tại thị trấn Kāsī trong một gia đình bà la môn Dhammapāla, Bồ tát được sinh trưởng ở đấy, có một điều hy hữu là trong gia đình bồ tát từ xưa đến nay không hề có một người nào chết yểu, chết lúc non trẻ.

Bồ tát lớn lên đi học tài nghề với một vị giáo sư trứ danh, ở kinh đô Jakkānlā, Ngài là học trò giỏi nhất trong đám sĩ tử của thầy. Trong lúc đó người con trưởng của vị giáo sư từ trần, ai cũng đều thương tiếc , khóc than, kể lể đủ điều, chỉ trừ ra có Đức bồ tát là không ưu sầu chi cả.

Thấy bồ tát không khóc than chi hết, các bạn hỏi căn nguồn:

“Trong gia đình bạn không có người chết sao?”

“Có bạn à, song không chết trẻ, chỉ đến già mới chết”

“Điều này là thông lệ trong gia đình bạn chăng?”

“À, đó là thông lệ trong gia đình của tôi, bạn à!”

Các bạn hữu đồng nhau đem mách chuyện cho vị Giáo sư biết, vị giáo sư này lấy làm lạ hỏi thăm Đức bồ tát, rồi định ý rằng: “Ta nên thẩm vấn thân sinh của trò Dhammapāla kumāra này, nếu thật như thế, ta sẽ tu hành theo”.

Sau khi xong việc rồi, vị Giáo sư gởi giao lại học trò cho Đức bồ tát thay thế trông nom; còn vị ấy gói lấy xương dê, cho người mang đi theo đến nhà bồ tát. Gặp được thân sinh của Đức bồ tát vị giáo sư sau khi tỏ lời thân hữu rồi liền an ủi bằng lời rằng: “Trò Dhammapāla kumāra học hành tấn hóa, nhưng chẳng may từ trần, xin ông đừng thương tiếc vì các pháp hành đều là vô thường”.

Ông Bà la môn nghe vậy vỗ tay cười xòa bảo rằng: “Người khác chết, chớ con tôi không chết đâu!”

Vị giáo sư mở gói xương cho xem, ông Bà la môn vẫn quả quyết: “Không phải xương con tôi đâu, đây là xương của chúng sanh khác, quyết hẳn con tôi không chết, vì gia đình của tôi đã bảy đời rồi, chẳng có một người nào chết non cả”.

Nghe chuyện phi thường như thế vị Giáo sư hết sức hoan hỷ hỏi rằng: “Này ông Bà la môn do nhân chi hành phạm hạnh gì? Mà trong gia đình ông không có người chết trẻ, xin ông chỉ cho tôi với”.

Ông Bà la môn bèn tường thuật cho vị Giáo sư nọ về nguyên nhân của sự không chết trẻ trong gia đình ông rằng: “Chúng tôi tu hành không nói dối, hằng thân cận Bậc tịnh giả, bố thí phục vụ, chẳng tà dâm, tránh xa sự sát sanh, bỏ trộm cắp cũng không uống rượu cho nên con cháu sanh ra từ cha mẹ tốt như vậy, tự nhiên sáng Trí, có nhiều trí tuệ, là người học rộnghọc thức tiến hóa. Vì thế các người trẻ của tôi không chết”.

Vị danh sư nghe xong lời nói như thế bèn phát tâm phỉ lạc, hoan hỷ, đem lời ca tụng tán dương rồi trở về với tâm vô cùng trong sạch với gia đình Bồ tát.

Thưa quý vị, gia đình của Đức bồ tát trải qua 7 đời rồi mà không hề có người chết trẻ, yểu tử, có phải chăng đó là do đấng huyền cơ đã ban ân huệ?

Không như thế đâu, xuyên qua lời tâm sự của thân sinh đức Bồ tát, đã chứng minh rằng bởi người trong gia đình hằng sống thuận pháp, hành theo thiện hạnh, có giới đức cho nên có nhân như vậy mới sanh ra quả tốt thế này. Bởi vậy Đức Thế Tôn dạy rằng: “Sống thuận pháp, là pháp có đặc ân cao quý, hằng mang lại điềm lành, giúp cho người vượt qua sự nhiễm hại”. Lời dạy ấy là vậy, có giá trị vô cùng.

Thứ đến nữa là pháp có đặc ân thứ ba, nghĩa là sự Nghị lực.

Thế nào là Nghị Lực?

Thưa quý vị, nghị lực là sức cương quyết, tâm cứng cỏi quyết định trong việc làm, không thoái thoát.

Người đời, trong bất cứ nghề nghiệp, việc làm nào mà thiếu nghị lực rồi đương nhiên sẽ thất bại, bằng như có đủ nghị lực tất thành công một nữa.

Tích Trần Minh Khố Chuối xưa kia, nghèo mạt đến đỗi không quần áo mặc chỉ lấy lá chuối khô chầm lại làm khố mà mặc, vẫn đeo đuổi học; đi học đến trường phải mài mực cho các học sinh nhà giàu để xin giấy mực viết, thế mà vẫn đeo đuổi học; bọn học trò nhà giàu trêu ghẹo hà hiếp vẫn không nãn, vẫn quyết tâm học hành, lại học giỏi nhất trong đám học sinh của thầy đồ, về sau ra ứng thí đổ đến Trạng nguyên đứng đầu trong nước, hết sức vinh hiển. Đó phải chăng bởi có nghị lực?

Lại nữa như Bồ tát Temiya xưa kia là một vị hoàng tử con vua Kāsikarāja, Ngài xét thấy rằng cảnh hành phạt tội nhân của vua; phát tâm kinh cảm, sợ hãi ngôi vị làm vua. Liền đó có một vị Thiên nữ đến khuyên: “Nếu muốn lánh ngôi vua, phải là người liệt, câm, điếc”. Từ đó hoàng tử thực hành nguyện vọng. Khiến đức vua, hoàng hậu và triều thần ái ngại lo lắng, thất vọng nhất là vua.

Đức vua bèn bày ra 17 cách thử thách, xem Ngài có thật bại liệt, điếc và câm không như là:

-        Thử bằng cách bỏ đói, bỏ khát.

-        Thử bằng cách đốt lửa nóng.

-        Thử bằng cách cho voi dọa.

-        Thử bằng cách gợi thính giác, gợi thị giác, gợi tính dục, ...

Bị thử thách cam go như vậy, suốt cả 16 năm trời mà Ngài vẫn cam chịu đựng, quyết tâmmục đích xuất gia Đạo sĩ, từ bỏ ngai vàng; đến cuối cùng nhà vua thịnh nộ truyền lệnh bắt bỏ vào rừng.

Như cọp về rừng, Bồ tát xuất gia làm đạo sĩ, tinh cần sách tấn, đắc thiền và thần thông, chết sanh về cõi Phạm thiên.

Thưa quý vị, đấy là gương nghị lực hết sức cao quí, Bồ tát tránh được tội trần, đi xuất gia, cũng nhờ có nghị lực, Trần minh khố chuối đổ đạt vinh hiển cũng do đầy nghị lực, còn rất nhiều và rất nhiều chuyện khác nêu cao nghị lực, đã giúp thành tựu những gì, bởi thế nghị lực là pháp có đặc ân quí cao là vậy.

Nói ngay đến người tu chúng ta, nếu thiếu nghị lực là thất bại. Bởi chúng ta hằng bị rất nhiều sự thử thách cam go về bên ngoài cũng như bên trong.

Bên ngoài là sự khổ do ăn, uống, trú ở, rằng nắng, mưa, nóng, lạnh, người khác dòm ngó, xuyên tạc, dòm xiểm chỉ trích, ... đó là nỗi khổ thông thường; còn như bị sanh, già, bệnh, chết là bên ngoài trọng đại.

Và bên trong chúng ta phải bị đè nén bởi áp lực của ma phiền não tham, sân, si nhất là ái dục, rồi tà kiến, hoài nghi, ngã mạn, ... tất cả phiền não ấy cũng như những mũi tên độc bắn vào người chúng ta; làm cho phiền toái, khổ não, ưu bi.

Do đó nếu Bậc hành giả yếu mềm thiếu nghị lực chắc chắn rơi vào bất hạnh, khổ đau, sa ngã theo thế trần, sẽ làm ngăn chặn con đường Giải thoát, mục tiêu cứu cánh Vô sanh sẽ không đến với ngươi ấy.

Thưa quý vị, đã nêu gương trong vấn đề này, tôi xin điển hình tích chuyện có ghi chép trong kinh:

Có vị Đại đức tên là Lomasanaga, ở hành đạo tại hang tên Piyanigu ở núi Cetiyapabbata. Khi ấy nhằm mùa nắng trời thật nóng, nhưng Ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa nơi trống trải, mồ hôi đổ ra đến uớt y Ngài. Chư đệ tử thấy ngài như vậy nóng lòng, nên đến bạch xin ngài vào ngồi trong mát.

Ngài đáp: “Vì ta sợ nóng nên mới ngồi đây”, rồi Ngài mới quan sát đến cái nóng ở địa ngục còn cao gấp không biết bao nhiêu tỷ tỷ lần của sự nóng này, nhờ vậy nên Ngài phát triển minh sát tuệ đắc quả A-la-hán tại chỗ ngồi ấy. Đó là một gương nghị lực.

Lại nữa, có tích của vị Đại đức khác, lúc đó đại đức này đi khất thực, thiếu cơm ăn đã ba ngày, sự đói khát làm cho Ngài càng quan tâm nghĩ đến cái khổ như vầy: “Khi ta còn luân hồi trong cỏi Sa-bà này, thì đã biết là bao nhiêu lần ta sanh làm ngạ quỷ, phải bị đói khát hơn đây muôn vạn lần!”.

Khi ấy, tâm ngài rất kinh sợ về sự luân hồi. Ngài dùng Minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não, và vô ngã, nên đắc được A-la-hán quả đó là thêm một gương nghị lực nữa.

Thưa quý vị, nhìn lại những tấm gương của các vị xưa kia, chúng ta thấy sở dĩ mà chiến thắng được trận giặc lòng, chinh phục được phiền não, thành đạt được Thánh quả, từ đây thoát được cạm bẫy đầy hiểm nguy, của ác ma bủa khắp; ấy là cũng nhờ các vị có đủ nghị lực quyết tâm vững chắc, không xao động vì pháp thế gian, hơn nữa cũng như người đời thoát khỏi sự khó, khổ sở để trở nên an vui hạnh phúc, thì cũng phải nhờ nghị lực ý chí.

Chính vì thế, mà Đức Thiên Nhân Sư dạy pháp nghị lực là pháp có Đặc ân cao quí, người có pháp này tất thoát khỏi sự nhiễm hại.

Cuối cùng tôi xin trình bày pháp có đặc ân thứ tư là Dứt bỏ.

Thế nào là Dứt bỏ?

Thưa quý vị, dứt bỏ Phạn ngữ gọi là Cāga, nghĩa là sự buông ra, sự tách ra, không chất chứa ôm giữ.

Sự dứt bỏ nơi đây có 2 là:

  1. Dứt bỏ tài vật.
  2. Dứt bỏ chướng ngại tinh thần.

Sự dứt bỏ tài vật, tức là sự thí tài, chúng tatài sản bao nhiêu, lượng sức mình có thể, rồi đem ra cho chúng sanh khác; hoặc là bố thí cho người nghèo khổ, khốn cùng, ... hoặc là dâng cúng đến Sa môn, Bà la môn. Như thế gọi là tư cách bố thí hay dứt bỏ tài vật.

Sự dứt bỏ đào luyện cho con người tiến bộ về mặt tinh thần, là dứt lòng bỏn xẻn, không khổ tâm chấp trước, ôm ấp tài sản; bỏn xẻn là nhân đưa xuống bốn đường ác nhất là bàng sanhngạ quỷ. Người có tâm bố thí xả tài thì đặng tránh khỏi đường ác ấy, trong kinh có ghi nhận rằng: “Bồ tát do nhân bố thí Ba la mật quá nhiều nên không bao giờ Ngài sanh làm ngạ quỷ (quỷ đói) cả”.

Và tích xưa trong Phật giáo có kể lại rằng:

Ở thành Sattatthi có ông bá hộ rất bỏn xẻn, được mang danh Macchāriga ông ta có chôn dấu rất nhiều khạp vàng, đến lúc chết nhớ lại luyến tiếc vàng ấy, nên sanh làm chó trong nhà ấy để giữ của.

Lại như có một vị Sư vào thời Đức Phật, vốn có tâm hà tiện, được thiện tín dâng cho bộ y mới, không dám mặc, cũng không làm phước, cất giữ rất kỹ. Chừng trước giờ lâm chung tâm luyến tiếc chiếc y, bèn sanh làm con rệp trong y đó.

Thưa quý vị, tư cách dứt bỏ tài vật hay bố thí là một điều phát sanh hạnh phúc rất nhiều.

-        Bố thí là nguồn gốc sanh tài sản.

-        Bố thí là thành trì bền cố che chở tai nạn cho người chủ thí.

-        Bố thí là nơi nương nhờ của ta trong ngày vị lai.

-        Bố thí ví như ghe thuyền có khả năng đưa người qua sông biển là luân hồi, tức là bố thí Ba la mật, hành trình của Chư vị Bồ tát.

Sự dứt bỏ bố thí có đến 26 công đức, bởi vậy mới gọi là pháp có Đặc ân cao quí.

Thưa quý vị, đây tôi xin nhắc lại một câu chuyện điển hình:

Vào đời Đức Phật Ca Diếp, có vị Tỳ khưu đi thọ trai nhà thiện tín trở về thấy bầy chó gồm một mẹ và nhiều con, đang kiệt sức vì đói, động lòng trắc ẩn. Vị ấy mới móc cổ mữa ra vật thực thọ trai xong, cho bầy chó ăn, nhờ đó chúng khỏe lấy lại sức đi ở nơi khác. Vị Tỳ khưu ấy sau khi chết sanh vào cõi trời, rồi sanh lại làm người vào đời Đức Phật Thích Ca, đi xuất gia không khi nào thiếu vật thực, dù cho đi đến một xứ hạn hán nghèo đói đã lâu, chẳng phải thế, mà trước đó cả trăm kiếp không hề bị đói khát. Đó là đặc ân của Pháp dứt bỏ tài vật.

Còn nói về sự dứt bỏ chướng ngại tinh thần là sao?

Thưa quý vị, đây ý nói là xả ly phiền não, xả bỏ cảnh phiền não, sự vật gì làm vẩn đục tâm không được tiến hóa thì cố bỏ đi, để được thanh thoát nội tâm.

Như tích xưa, tiền thân Phật làm đạo sĩ tên là Kuddālaka xuất gia được 5 tháng, đến mùa mưa thì nhớ lại cân hạt giống và cái cuốc mình còn cất, liền xách về dọn đất trồng rẫy đến mùa hái hoa quả xong lại cất nữa, ở nhà chán, lại xuất gia đạo sĩ, đến mùa mưa nhớ lại cái cuốc và hạt giống để dành đó bèn hoàn tục nữa. Cứ thế đến 7 lần cũng do cái cuốc và hạt giống để dành đó, sau vị ấy mới nghĩ rằng: “Sự xuất gia của ta đây không được hoàn toàn, là do nơi 2 vật này”. Suy nghĩ xong ông bèn đem 2 vật ấy ra mé sông Ganigā, liền nhắm mắt lại quay 3 vòng rồi liệng xuống giữa sông, xong ông mới la lên rằng: “Ta đã thắng!” 3 lần.

Khi ấy đức vua Bārānāsi, đi dẹp giặc biên thùy chiến thắng trở về, ngang qua đó tình cờ nghe được như vậy, bèn vời đến hỏi cớ sự; vị Đạo sĩ ấy đáp rằng: “Sự thắng giặc bên ngoài, còn có khi thua lại, còn tôi thắng giặc bên trong nội tâm là lòng tham, là một kẻ cướp các thiện pháp mà ít ai thắng nổi được, sự đắc thắng này quả là cao quí, thế nên tôi mới la lên như vậy”.

Lúc đó, vị Đạo sĩ dùng nước sông làm đề mục đắc được thiền định, bay lên ngồi trên hư không. Đức vua và tất cả quan quân thấy như vậy, đồng thanh đảnh lễ và xin xuất gia theo hết.

Thưa quý vị, qua tích này cho ta thấy rằng cảnh trần là vật chướng ngại sự tu tập của người tu, nếu mà không dứt bỏ được ắt không đạt đến kết quả gì. Trái lại người dứt bỏ được như vị đạo sĩ Kuddālaka liệng bỏ cái cuốc và hạt giống vậy, thời tâm thoát khỏi áp lực của phiền não, nhờ vậy tâm an định dễ dàng có thể đè nén hoặc đoạn trừ năm pháp cái là: Tham dục, sân độc, hôn thụy, trạo hốihoài nghi.

Nếu không thế nữa, sự dứt bỏ chướng ngại tinh thần cũng có khi giúp cho người thoát khỏi cái khổ tai hạithành tựu an vui dù không hạnh phúc như là Thiền định hay Đạo quả.

Trong Túc sanh truyện, có ghi chép lại Đức Phật thuyết tích 500 người lái buôn vượt trùng dương đi ngang qua một hòn đảo tên là Jambapāni là nơi có nhiều dạ xoa cái (Yakkhim) trú, khi có ghe bị đắm, dạ xoa vớt người đem về, trước là thỏa mãn tình dục sau ăn thịt.

Thuyền của 500 người lái buôn này đi ngang đảo ấy bị đắm, các dạ xoa hóa thành các thiếu nữ đẹp ra vớt lên rồi giả đò tâm sự. Trước chồng các nàng cũng bị đắm thuyền chết hết, nay mời các vị ở lại cho có bậu bạn, các người thương buôn vì đam mê sắc đẹp các nàng ấy nên không ngần ngại, nhận lời. Về sau trong số các ông, thuyền trưởng rình bắt gặp vợ mình hiện nguyên hình dạ xoa ăn thịt người.

Ông mới thừa dịp kêu các người kia trốn đi, chỉ có 250 người bỏ vợ dạ xoa, theo ông mà trốn về xứ an vui, riêng 250 người kia vì không bỏ được sắc dục nên bị dạ xoa hại.

Nhắc tích này cho quý vị thấy rằng nếu chúng ta dứt bỏ được vật dục phiền não là điều có lợi lớn vô cùng, thoát khỏi sự nhiễm hại vì không có tâm đắm trước nên không vướng khổ. Bởi thế cho nên Đức Phật dạy pháp dứt bỏ là pháp có Đặc ân cao quí.

Thưa quý vị, trong bài thuyết trình hôm nay tôi nói về bốn pháp có đặc ân cao quý, giúp cho người thành tựu an vui vượt khỏi sự tai hại đó là:

-      Sự Chân Thật, tức là làm đúng, nói đúngsuy nghĩ đúng.

-      Sự Thuận Pháp, tức là sống hành theo thiện pháp, chánh ngữ, chánh nghiệpchánh mạng.

-      Thứ đến là Nghị Lực, tức đủ sức cương quyết trong việc làm chân chánh.

-      Và sau cùng là Dứt bỏ, tức bố thí tài vật và từ bỏ vật dục phiền não.

Ước mong rằng người Phật tử chúng ta ai ai cũng tu tập theo những pháp có đặc ân này, hầu tránh khỏi các điều tội khổ, tai hạithành tựu những hạnh phúc, nhất là quả vị lai Níp bàn.

 


TAM TƯỚNG THẾ GIAN

 

Hôm nay, tôi xin thuyết trình về pháp “Tam tướng thế gian”.

Tam tướng thế gian tức là 3 hiện tướng bất khả ly của đời vũ trụ, 3 tướng này được xem nhưđịnh luật cố hữu của vạn pháp trong đời, không có lúc nào và bất cứ nơi đâu trên thế gian thoát khỏi quyền chi phối của 3 pháp ấy, thế mới gọi là Tam tướng bất khả ly. Nghĩa là chẳng dễ tách rời được, duy chỉ có trạng thái Siêu thế, vượt ngoài thời giankhông gian. Tức Níp bàn mới chẳng bị ba định tướng này.

Ba tướng của thế gian ấy là gì?

Thưa quý vị, ba tướng của vũ trụ ấy là:

  1. Vô thường (Anicca).
  2. Khổ não (Dukkha).
  3. Vô ngã (Anatta).

Người đời chúng ta sống trên cuộc thế vì hằng bị vô minh che lấp rồi say mê trong tài, sắc, lợi, danh mà quên đi thực tế phũ phàng , đã dày xéo và nhận chìm chúng ta trong bể khổ.

Và cũng chính vì sự u tối ấy nên chúng sanh, sanh tâm mê chấp cho rằng vạn vật ở đời là thật ngã, trường tồn tuyệt đối an vui, bởi vậy mới có tâm phóng túng, duyên theo ngoại cảnh, sắc trần, ít khi nào hướng đến viễn ly.

Nếu con người như thế mãi chắc chắn bị đọa lạc trầm luân.

Chúng tacon người phải thật sự là những con người, nghĩa là phải có tâm trí tiến hóa, thấu triệt bản chất thật của thế gian. Như vậy, cần nên quán niệm thường thường về Tam tướng của vũ trụ.

Chúng tôi xin trình bày hiện tướng thứ nhất của thế gianVô thường

Thế nào là Vô thường?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Anicca nghĩa là không thường còn, không tồn tại, không bền vững.

Các pháp trong thế gian không có chi là bền bỉ thường trụ cả, luôn luôn biến hoại đổi thay, vì rằng các pháp nào được gọi là hữu vi tức pháp có nhân tạo tác, thì hễ có nhân sanh thì tất có diệt, nên Đức Phật dạy rằng:

“Sabbe saṃkhāra aniccati.”

“Tất cả pháp hữu vivô thường.”

Thưa quý vị, vạn pháp ở đời dù là danh hay sắc, lớn hay nhỏ, thô hay tế cũng đều có bản chất sanh diệt của chúng. Đặc tính của pháp vô thường là:

  1. Sự tiếp tục sanh ra rồi diệt.
  2. Có tánh cách thay đổi.
  3. Các pháp chỉ là tạm thời.
  4. Bản chất tương phản với thường tồn.

Đó là bốn đặc tánh của hiện tướng vô thường.

Con người ở đời, ai nhận chân được bản chất vô thường của vạn hữu, quả thật vậy người ấy sẽ không dính mắc trong tài, sắc, lợi, danh, là người chẳng quyến luyến theo dục trần, Đức Phật hằng tán dương con người ấy. Ngài có dạy rằng: “Hỡi chư Tỳ khưu, vị tỳ khưu sống nhiều với tâm xét tưởng vô thường, thì tâm tư được thối thoát, nhàm chán các lợi đắc, cung kínhdanh vọng, vị ấy sẽ sống với tâm xả ly không phóng đãng”.

Vì sao vậy? Thưa quý vị bởi Đời với vị ấy pháp đời là hư hao, giả tạm, chẳng khác gì bóng phù du sớm còn tối mất.

Thưa quý vị, đối với bậc Thánh Nhân xưa nay cũng nhờ ngộ được cái bản chất vô thường của vạn hữu mà các Ngài thực chứng quả vị vô sanh, đoạn trừ mọi kiết sử tham ái ở đời, chẳng còn khổ sanh tử triền miên.

Thuở Phật còn tại thế, có người góa phụ tên là Patācārā cả chồng lẫn con cùng cha mẹ đều chết liên tục trong một gian ngắn, quá chán nản bà phát điên, may đến gặp Đức Phật, Ngài thuyết pháp giải tỏa cho; bà tỉnh ngộ xin xuất gia Tỳ khưu ni trong Phật giáo.

Có lần nọ, bà xuống nước rửa chân tay nhìn thấy những giọt nước từ trên rơi xuống, gieo điểm trên dòng nước chảy rồi tan đi, điểm thì tan gần, điểm tan xa, có điểm trôi đi xa hơn nữa mới tan.

Cảnh tượng ấy gợi ý cho bà suy niệm về lý vô thường của đời sống, mà chính bản thân bà đã kinh nghiệm. Phải rồi? Cái gì có sanh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, sau đó Tuệ quán phát sanh bà đắc quả A-la-hán.

Nhân cơ hội này, Đức Phật đến và dạy rằng:

“Ai sống một trăm năm,

Không thấy pháp sanh diệt,

Tốt hơn sống một ngày,

Thấy được pháp diệt sanh.”

Thưa quý vị, quả thật vậy, nếu phải sống đến trăm năm mà không thấy pháp vô thường, vẫn hớn hở chạy đuổi theo thế gian, trong khi thực tế phũ phàng xô ngã, thì thật là nông nổi đáng thương, và nếu chỉ sống một ngày thôi mà người Ngộ nhận được pháp sanh vô thường, tự chủ được mình nhận chân bộ mặt của thế gian, thế thì quả là đều tốt, có ích hơn.

Người Phật tử quán niệm hiện tướng vô thường chẳng phải tìm đâu xa, niệm tưởng ngay bản thân mình từng tế bào vật thể đổi thay, từng hành động oai nghi, biến chuyển từng cảm giác thay đổi, từng hơi thở sanh diệt luôn luôn; cho đến danh pháp cũng thay đổi từng chập, có lúc tư tưởng thiện, có lúc tư tưởng bất thiện, khi thì không thiện, không bất thiện, ... niệm nhớ như vậy là ta đã suy tưởng Vô thường rồi.

Đó là hiện tướng thứ nhất, kế tiếp tôi trình bày hiện tướng thứ hai của thế gian.

Thế nào là Khổ não?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Dukkha gồm tiếp đầu ngữ Du là khó và Kha là chịu đựng. Như vậy khổ nghĩa là trạng thái khó chịu, cảm giác bất kham với sự chi phối.

Đức Phật dạy: “Phàm pháp chi vô thường là Khổ, vì sao? Bởi không chịu nổi cách sanh diệt ấy.”

Đề cập đến hiện tượng khổ của thế gian người đời có thể cho rằng Phật giáo mang tính chất tiêu cực bi quan.

Nhưng thưa quý vị, đó chính là điểm thực tế chỉ có Bậc siêu phàm Trí tuệ mới nhận ra được mà thôi.

Hạng người chỉ thấy lớp ngoài, nhưng Bậc Thánh nhân thấy được thực tướng của sự vật. Đối với các Ngài, tất cả đời sống đều là khổ não và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững. trong một thế gian huyền ảo tạm bợ và vô thường, không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi, hạnh phúc vật chất. Thưa quý vị, chỉ là sự thỏa mãn của một vài ước vọng, nhưng khi ta vẫn đạt đến được thì nó đã vội lìa bỏ ta, dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn, vì không bao giờ ta cho là đủ, đấy chính là trạng thái khổ vậy.

Đặc tính của hiện tướng khổ có 4 là:

  1. Cách làm cho nóng nảy.
  2. trạng thái khó chịu đựng.
  3. tính cách khổ sở.
  4. Là sự trái nghịch với an vui.

Thưa quý vị, chúng sanh bao giờ cũng bị chi phối bởi hiện tướng khổ ấy là điều chắc như thế, chúng ta sống trên đời phải chịu bốn nỗi khổ trầm trọng và hầu như là luật định.

đó là khổ sanh (Jātidukkha) tức là sầu muộn phát sanh do hiện khởi, có thân ngũ uẩn này, một khối tích tựu phiền não đau thương như người bị nổi sanh u nhọt vậy.

Kế đó là khổ già (Jaradukkha) tức là sự thống thiết phát sanh do cách cũ hư tiêu mòn của thân ngũ uẩn khí huyết suy hao, tinh thần càng bạc nhược ví như xe đến thời hư mòn trục cốt.

Kế theo là khổ bệnh (Vyādridukkha) tức là sầu muộn phát sanh do sự đau nhức của thân ngũ uẩn; một khi thân tứ đại bất hòa thì có sanh ra nhiều chứng bệnh dày vò thống thiết, khiến cho khó chịu vô cùng.

Thêm nữa là khổ chết (Maraṇadukkha) sự sầu muộn phát sanh do cách tiêu hoại diệt vong của thân ngũ uẩn cũ, để bắt sanh thân ngũ uẩn mới, chớ có được yên đâu. Hơn nữa lúc sắp chết khiến cho thân tâm khó chịu kinh cảm hãi hùng khổ sở lắm.

Thưa quý vị, đối với chúng sanh ngoài ra bốn tư cách khổ trọng ấy, chúng ta còn phải chịu nhiều nỗi khổ khác kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày, những khổ ấy là:

-      Thân ái biệt ly khổ, tức sầu muộn do thương yêu mà phải xa cách.

-      Oán hờn hội ngộ khổ, nghĩa là sầu khổ do không thân ái mà phải hội ngộ gặp gỡ.

-      Uất ức khổ, nghĩa là khó chịu do tức tối, ngẹn nghào khi gặp cảnh nghịch lòng.

-      Bất kham khổ, hay khổ khổ, là sầu muộn do chịu nhiều sự khổ thống thiết khó chịu nổi, làm cho phiền toái thân tâm như thương tích đau nhức.

-      Dục bất đạt khổ, nghĩa là phiền muộn do mong muốn mà không đạt được, tức là bất toại nguyện.

-      Ưu bi khổ, tức là khổ do nổi buồn ray rức, xào héo tâm can.

Tóm lại, thủ ngũ uẩn khổ nghĩa là có thân sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩnthức uẩn do nghiệp thủ sanh ra, thì tất phải bị chi phối bởi định luật vô thường, bị lôi cuốn bởi lục dục, bị dày xéo do phiền não, cùng phải chịu tất cả nổi thống khổ.

Thưa quý vị, hiện tướng khổ của thế gian mà tôi đã trình bày theo mười một cách khổ mà Đức Phật đã dạy như vậy, thử hỏi trên đời này có ai dám nhận rằng chính tôi không có chịu khổ ấy chăng!?

Ngay đến chính Đức Phật và Chư vị Thánh A-la-hán là bậc đã siêu thoát khỏi phiền não, thế mà khi còn hiện hữu ngũ uẩn các Ngài cũng phải chịu các nỗi khổ thân như bệnh, già, chết, ...

Với tinh thần sáng suốt thực tiễn người Phật tử nhìn nhận thế gianđau khổ, đó là hiện tướng Chân lý nhưng đây không phải là tinh thần tiêu cực, bi quan của Phật giáo, vì người Phật tửtìm thấy lối thoát, cởi mở, an vui tuyệt nhiên. Vấn đề này ngoài phạm vi đề cập sâu rộng.

Thưa quý vị, trong đời sống tu tập, người Phật tử cần nên thường xuyên quán niệm về sự khổ trong vô thường, bởi nhờ quán niệm như vậy nên đối với cuộc sống, người Phật tử phát tâm kinh cảm sợ hãi trong sự dễ duôi, biếng nhác phóng túng buông lung, nổi kinh cảm ấy tự như kẻ giết người giơ đao lên có tâm hồi hộp vậy, điều này Đức Phật đã dạy trong kinh Aṇguttara như thế.

Bởi nhờ vậy, nên người Phật từ chẳng dám khinh suất dễ duôi đối với Thiện pháp hay Ác pháp, vì tâm thấy lo sợ nỗi khổ sanh tử luân hồi.

Đến đây tôi xin nhắc lại một câu chuyện điển hình:

Lúc Đức Phật còn tại thế, có một nông dân vào xuất gia, sống đời Phạm hạnh thiêng liêng. Nhưng sau đó vì phiền não chi phối nên hoàn tục trở về đời sống cư sĩ; thế rồi lại xin trở vào tu nữa, cứ vậy đến sáu lần ra vào.

Một lần kia, khi nhìn thấy một thiếu phụ sắp lâm bồn, đau đớn vô cùng, phải chịu nhiều sự thống khổ. Anh nông phu ấy chứng kiến như vậy, xét đến nổi thống khổ của chúng sanh phải chịu dày vò trong đời, thì phát tâm kinh sợ và thật sự nhàm chán thế tục. Liền đó anh tận dụng hành Thiền đắc được quả Tu-đà-hoàn.

Anh trở về chùa, xin xuất gia lại, với những Tăng sĩ không mấy hoan hỷ chấp nhận cho vào giáo hội một người đã nhiều lần ra đi và trở lại, sau cùng anh được thọ cụ túc giới và cố gắng chuyên cần sớm thành đạt đạo quả A-la-hán.

Thưa quý vị, câu chuyện này đã ghi nhận cho ta thấy kết quả của sự quán niệm hiện tướng khổ là như vậy. nếu người tu nào còn yêu đời, còn quan niệm thế gian là đẹp là hạnh phúc thì chắc hẳn đối với người ấy mục tiêu cứu cánh còn rất xa, và khi nói như thế không có nghĩa là người tu luôn luôn phủ nhận cái hạnh phúc của thế gian?

Người tu vẫn chấp nhận nhưng xem đó là cái hạnh phúc tạm bợ, ảo cảnh, cái hạnh phúc ấy chỉ nằm trong tình huống khổ đau, sự thật là như vậy.

Và sau cùng tôi xin trình bày hiện tướng thứ ba là Vô ngã.

Vô ngã là gì?

Thưa quý vị, thuyết vô ngã (Anatta) là phủ nhận một cái tuyệt đối lưu tồn hiện hữu trong đời.

Phàm các pháp Thế gian luôn cả pháp Siêu thế đều có mang bốn đặc tính này:

  1. Không thuộc dưới quyền lực nào.
  2. Có thể trạng tương phản với bản ngã.
  3. trạng thái rỗng không.
  4. Có tánh cách không chủ quyền.

Thưa quý vị, cái mà người ta thường gọi là linh hồn, bản ngã, hay cái tôi tức để nói đến một thực thể tuyệt đối, trường cửu ở trong con người, cái bản thể bất biến ở sau hiện tướng giới hằng biến theo một vài tôn giáo. Mỗi người có một linh hồn riêng biệt do thượng đế sanh ra, và sau khi chết, linh hồn ấy vẫn còn mãi mãi, vĩnh viễn sống nơi Địa ngục hay nơi Thiên đàng tùy sự định đoạt của thượng đế.

Họ cho rằng, cái linh hồn ấy trải qua nhiều kiếp sống cho đến khi lọc luyện hoàn toàn tinh khiếtcuối cùng trở thành đồng nhất với Thượng đế hoặc Brahnaṃ, tức là đại hồn của vũ trụ mà từ đó đã phát nguồn.

Người ta nói cái linh hồn hay cái tự ngã trong con người là cái gì suy nghĩ, cảm giác và nhận lấy thưởng phạt về tất cả mọi hành vi thiện, ác; một quan niệm như thế gọi là ý tưởng về cái Ta – Ngã chấp.

Thưa quý vị, Phật giáotôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo của nhân loại đã phủ nhận sự hiện hữu của một linh hồn, một cái tự ngã hay cái đại hồn như thế.

Theo Phật giáo sự thiên chấp với cái ta là một niềm tin tưởng sai lạc, không có trong thực tại và nó sanh ra nguy hại, mọi sự hỗn loạn tranh chấp, xung đột thù hiềm; nói chung là tất cả mối tác hại trên thế gian này đều phát sinh do cái quan niệm về “Tôi”, “của Tôi”.

Vì tự vệ con người đã tạo ra thượng đế để nương cậy, để che chở cho chính mình để được an toàn cho bản thân, như đứa trẻ nương tựa vào cha mẹ. Vì muốn tự tồn, con người đã nghĩ ra một linh hồn bất tử, tồn tại mãi mãi.

Do vô minh, bất lực, sợ hãi con người cần có hai yếu tố như vậy để tự an ủi lấy, vì thế mà họ bám chặt vào đó một cách cuồng nhiệt.

Thưa quý vị, giáo lý của Đức Phật không bồi dưỡng sự vô minh ấy, cũng không dung nạp những bẩm tính yếu đuối, nhược hèn như vậy, mà cốt hướng cho con người trở nên sáng suốt để trừ khửtiêu diệt chúng.

Theo Phật giáo, quan niệm về thượng đếlinh hồnsai lạc, hư ảo, mặc dù quan niệm ấy đã được khuếch trương sâu rộng bằng lý thuyết. Tất cả đó chỉ là một chiếu ảnh tinh thần xảo diệu, rỗng tuếch của lối triết học.

Thưa quý vị, học thuyết về Anatta hay Vô ngã là kết quả hiển nhiên của sự phân tích ngũ uẩnGiáo lý về duyên sinh hay duyên khởi.

Chúng ta nên biết rằng, theo Phật giáo cái gọi là một chúng sanh, một cá nhân là vật được phối hợp bởi 5 uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩnthức uẩn) khi phân tích 5 uẩn ấy và suy xét kỹ, thì chúng ta sẽ chẳng thấy có một cái gì ở phía sau 5 uẩn ấy để có thể gọi là “cái Tôi”, “cái Ta” hay bất cứ một bản thể bất biến nào.

Đấy là phương pháp phân tích 5 uẩn.

Học thuyết về Thập nhị duyên khởi cũng đem lại kết quả cho thấy lý vô ngã ấy là lối tổng hợp pháp, chứng minh rằng trong đời này chẳng có chi gọi là tuyệt đối, mọi sự vật đều giả hợp, tương đốitùy thuộc lẫn nhau:

“Vì cái này có nên cái kia có,

Vì cái này không nên cái kia không,

Vì cái này sinh nên cái kia sinh,

Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”

Sự sinh tồn của đời sống liên tục, cùng sự chấm dứt của đời sống đều được giải thích trong một công thức gọi là Duyên khởi, có 12 yếu tố:

-        Vô minh duyên cho Hành.

-        Hành duyên cho Thức.

-        Thức duyên cho Danh sắc.

-        Danh sắc duyên cho lục nhập.

-        Lục nhập duyên cho Xúc.

-        Xúc duyên cho thọ.

-        Thọ duyên cho ái.

-        Ái duyên cho thủ.

-        Thủ duyên cho hữu.

-        Hữu duyên cho Sanh.

-        Sanh duyên cho Lão, tử, sầu bi khổ ưu, não.

Đó là quá trình theo đó mà sự sống đã phát sanh, tồn tạitiếp diễn, nếu chúng ta đảo ngược công thức lại, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình:

-        Vô minh diệt thì Hành diệt.

-        Hành diệt thì Thức diệt.

-        Thức diệt thì Danh sắc diệt.

-        Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt.

-        Lục nhập diệt thì Xúc diệt.

-        Xúc diệt thì Thọ diệt.

-        Thọ diệt thì Ái diệt.

-        Ái diệt thì Thủ diệt.

-        Thủ diệt thì Hữu diệt.

-        Hữu diệt thì Sanh diệt.

-        Sanh diệt thì Lão, tử, sầu bi khổ ưu, não diệt.

chúng ta tìm hiểu toát yếu về vòng tròn nhân quả ấy.

Thưa quý vị, Vô minh là sự mê mờ, cuồng si của tâm thức hay là sự không biết cái đáng biết (vô thường, khổ, vô ngã); chính đó là gốc sanh ra những động lực, ý chí hành động tạo tác của thân, khẩu và ý (duyên hành). Rồi Hành ấy (hành động nghiệp gồm nghiệp thiện, bất thiện, vô ký) tạo ra quả tục sinh nối liền đời sống (duyên thức). chính quả Thức ấy làm nhân sanh ra thân tâm mới do 5 uẩn tạo thành trong đời vị lai (duyên danh sắc). Danh sắc thì sinh ra Lục nhập là sự tương tác giữa 6 căn (6 nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là 6 trần (6 ngoại xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm và pháp - ý tưởng) (duyên lục nhập). Có lục nhập thì có sự gặp gỡ, tiếp xúc, giao thoa giữa các căn và trần hay nói rõ hơn Xúc chính là sự tiếp xúc giữa con ngườithế giới thông qua 6 cơ quan tri giác (duyên xúc). Khi đã có xúc liền sanh ra cảm Thọ của tâm (thọ khổ, thọ lạc và thọ xả) với thế giới (duyên thọ). Do cảm thọ nên Ái dục hay sự tham muốn, yêu thích (dục ái, sắc áivô sắc ái) mới sinh ra (duyên ái). Có ái rồi thì lại sanh ra chấp Thủ là sự bám víu, muốn chiếm hữu của tâm thức vào một đối tượng (duyên thủ). Do chấp thủ tạo ra Hữu chính là năng lực để hình thành toàn bộ những gì được gọi là tồn tại, sự sống, thế giới (duyên hữu). vì có hữu mới có điều kiện tái Sanh, hiện khởi (duyên sanh). Bởi có sanh nên mới có Lão tử cứ thế rồi phát khởi sự sầu, bi, khổ, ưu, não và rồi cứ luân chuyển như vậy mãi mãi.

Nhìn về quá trình sinh tử của kiếp sinh tồn ta thấy gồm cả vòng tròn nhân quả, toàn bộ 5 uẩn này là do nhân tập khởi, tùy thuộc phát sanh. Chúng ta sẽ không tìm thấy một thực thể nào lưu tồn bất biến trong quá trình sinh khởi ấy để được xem là “cái Tôi”, “cái Ta” hay “bản Ngã” hoặc “Linh hồn”.

Nghiệm lại, chúng ta cần nhớ rõ một điều rằng mỗi yếu tố trong duyên sinh đây đều vừa là quả, vừa là nhân; nó vừa làm sở bị định đoạt bởi … (Paticcasamuppāda) và vừa làm năng là điều kiện cho … (Paticcasamuppāda) bởi thế chúng đều là tương đối, phụ thuộc lẫn nhauliên quan với nhau, không có cái gì là tuyệt đối hay biệt lập.

Thưa quý vị, theo thuyết duyên khởi cũng như theo sự phân tích con người thành 5 uẩn, ý tưởng về một bản thể trường cửu bất diệt trong hay ở ngoài con người dù gọi là tôi, linh hồn, ngã hay cái ta, chỉ được coi như một niềm tin sai lầm (tà tín), một bóng dáng của tâm thức. Đây là thuyết vô ngã trong Phật Giáo.

Và để tránh một sự nhầm lẫn ở đây, ta nên nhắc lại là có 2 loại chân lý, một sự thật Ước định (Samutisacca) và một sự thật Siêu lý (Paramatthasacca) hay thường gọi là Tục đếChân đế. Khi ta dùng thông thường những từ ngữ như: tôi, anh, linh hồn, cá nhân, ... không phải chúng ta nói dối, bởi vì không có ngã hay linh hồn như thế nhưng chúng ta nói một sự thật thuận theo qui ước của Thế gian, nhưng sự thật Siêu lý ấy là trong thực tế: không có “Tôi” hay “linh hồn”, ...

Trong kinh Đại thừa, kinh Lăng già cũng có nói một con người nên được xem là chỉ có trong sự chế định (Paññatti) chứ không phải trong Thực tại (hay trong bản thể).

Thưa quý vị, như thế thì chúng ta không nên chấp nhận một cái bản Ngã thật có trong vạn pháp, vì thế sẽ sai lầm đi với chân lý, Đức Phật có dạy:

“Sabbe saṃkhārā aniccà,

Tất cả pháp hữu viVô thường,

Sabbe saṃkhārā dukkhā,

Tất cả pháp hữu vi là khổ,

Sabbe dhammā anattā,

Tất cả pháp là vô ngã.”

Và như vậy, cho dù là pháp hành hay ngũ uẩn luôn cả pháp vô vi Níp bàn cũng chẳng nên cho rằng đó là một bản ngã lưu tồn, bởi thế trong 2 câu đầu Đức Phật dùng danh từ Saṃkhāra (Pháp hữu vi) cho đến câu thứ 3 Ngài lại dùng danh từ Dhammā (mọi pháp) nếu bảo Dhammā đồng nghĩa với Saṃkhāra và như vậy không có lý do nào Đức Phật lại dùng danh từ Saṃkhāra ở 2 câu đầu mà đến câu thứ 3 lại dùng danh từ Dhammā.

Chúng ta cần lưu ý điểm đó.

Thưa quý vị, thời pháp này tôi đã trình bày về Tam tướng thế gianVô thường, khổ và vô ngã.

Ba pháp này luôn luôn chi phối khắn khít với vạn pháp ở đời; như thế, thế gian mắc phải chứng bệnh trầm kha, quẩn túng. Người Phật tử cố làm sao tu tập để chữa dứt 3 chứng bệnh hiểm nghèo ấy, bằng cách Giác ngộ Níp bàn, pháp ấy vượt ngoài 3 chứng bệnh thế gian này.

Muốn chứng ngộ trạng thái Níp bàn, phải hành trình tu tập trên con đường Bát chánh hay còn gọi là Bát chánh đạo, trong đó có Tứ niệm xứ là pháp tu độc nhất cho nên gọi là Ekayāno Maggo (con đường độc nhất).

Chỉ có tự mình mới cứu chữa căn bệnh trầm kha ấy được mà thôi, chứ không ai khác có thể chữa khỏi dùm ta. Bậc Đạo Sư trước những ngày cuối cùng đã giáo giới:

“Này Ānanda các ngươi hãy sống tự mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa lấy, không ai khác làm chỗ nương tựa cho, lấy Chánh pháp làm hòn đảo, Chánh pháp làm chỗ nương tựa không có gì khác làm chỗ nương cho.”

Đức Phật đã dạy như thế chúng ta hãy y cứ theo đó mà chấp trì tu học.

Thưa quý vị, thời pháp hôm nay xin kết thúc.

 


TƯ CÁCH SÂN HẬN

 

Thưa quý vị, trong thời thuyết hôm nay, tôi sẽ bàn về “Tư cách sân hận”.

Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về trạng thái của sân hận.

Sân hận là như thế nào?

Thưa quý vị, sân dịch từ Dosa là Phạn ngữ do căn của Dussati nghĩa là trạng thái khó chịu, không bằng lòng, bất mãn, tức là hận hực nóng lên, không thích ý với đối tượng, có tính cách muốn tiêu diệt cảnh gì bất toại nguyện.

Sân hận chính là phiền não (Kilesa) chính nó đã gây phiền phức khó chịu cho nội tâm, đã tiêu trừ trí tuệ, làm cho mất tự chủ cho nên có chú giải Pāli rằng:

“Sayameva dussatī ti doso.”

“Tự thành độc hại gọi là sân.”

Như vậy, trạng thái tâm sân là thái độ hư hại, tức tối, sân hận nếu không khéo sẽ trở thành tánh cách nguy hiểm.

Quả báo của sự sân hận ra sao?

Thưa quý vị, trong kinh Tăng chi bộ Đức Phật dạy Tăng chúng về quả của sự sân hận như sau:

“Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy có khéo tắm rửa chải chuốt cũng trở thành xấu xí, vô duyên. Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, dù cho người ấy có nằm trên chỗ êm ả cao sang cũng ngủ một cách khổ sở. Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, không thâu hoạch tài sản được như ý. Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, hằng bị hư hao tài sản đã được thâu hoạch. Lại nữa, người sân hận bị phẫn nộ chi phối nếu trước có danh tiếng ắt bị mất danh tiếng ấy. Lại nữa, người sân hận bị phẫn nộ chi phối bạn bè hằng xa lánh họ. Và lại nữa, người sân hận bị phẫn nộ chi phối sau khi chết ắt sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục.”

Thưa quý vị, đó là 7 quả báu của sân hận mà người sân hằng thọ lãnh như thế.

Và tôi cũng còn nhớ trong kinh Cùlakammavibhanga ở Trung bộ kinh, một lần nọ thanh niên Subha Todeyya đến bạch hỏi Đức Phật vì cớ sao mà cũng là người như nhau mà có người ưu thắng, kẻ hạ liệt. Chẳng hạn thấy có người đẹp sắc, kẻ xấu xí vô duyên?

Khi ấy Đức Phật có dạy rằng:

“Đây người thiếu niên này, có người nam hay người nữ nào tâm nhiều sân hận, hay bất bình nóng giận, mỗi chút mỗi gắt gỏng, phẫn nộ, tỏ lộ sự bất mãn, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi chết do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa sanh vào địa ngục, khổ thú, nhưng nếu tái sanh lại làm người thì thường hay buồn bực, xấu sắc, vô duyên.”

Hơn nữa thưa quý vị, một người vì sân hận phẫn nộ chi phối, nên gây nhiều tội lỗi như có thể hành ý ác hạnh, do hành ác hạnh như thế, sau khi mạng chung họ phải bị nhiều thống khổ, khi rơi vào bốn đường ác đạo, nhất là địa ngục và atula.

Tôi xin điển hình một vài câu chuyện.

Hoàng tử Duṭṭhakumāra là con của vua Kitavāsa, rất thông minh đỉnh ngộ, văn võ song toàn, nhưng bản tính ngạo mạn, nóng nảy, cống cao. Hoàng tử nghĩ rằng ai cũng phải cúi đầu trước mặt chàng, chỉ ngoài ra mẫu hậu và phụ vương.

Một lần nọ hoàng tử cùng đoàn tùy tùng đến khu lâm viên săn bắn, nơi đây là chỗ để hoàng tử tha hồ bắn giết, có đủ muôn thú để thỏa mãn lòng hiếu sát đối với chàng.

Lúc đang ngự đi trên đường, bỗng xuất hiện một vị Phật độc giác, ngược chiều với đoàn xa giá, Ngài lặng lẽ ôm bát vào thành khất thực, cốt cách oai nghiêm, lục căn sáng sủa, uy nghi siêu phàm, luôn luôn phát tiết những tư tưởng an lành đến chúng sanh, khiến mọi người nhìn thấy Ngài họ có cảm giác hoan hỷ lạ thường.

Không ai bảo ai, đoàn tùy tùng đồng loạt chấp tay cung kính hướng về Đức Phật Độc Giác đảnh lễ.

Hoàng tử Duṭṭhakumāra thấy thế, lòng sân hận cuồn cuộn, nổi lên như thác lũ. Nghĩ rằng bọn tùy tùng ấy chỉ được phép cúi đầu trước mặt mình thôi, nay lại ngang nhiên cúi đầu trước lão tu sĩ này, tức tốc rời lưng voi. Hoàng tử tiến đến trước mặt vị Phật Độc Giác, giựt lấy bình bát trên tay Ngài, quăng xuống đất rồi dẫm lên cho bể. Đoàn tùy tùng hết sức kinh hãi, chưa kịp can giám.

Xong dùng lời bất nhã, ngạo nghễ với Đức Phật độc giác với lòng bi mẩn, nghĩ thương xót cho hoàng tử hành động tội lỗi to lớn như thế tất gây nhiều thảm họa trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, nên Đức Phật lặng lẽ nhìn hoàng tử với đôi mắt từ bi vô lượng, rồi Ngài đành nhịn đói và vận thần thông bay về núi.

Khi ấy, không còn hứng thú trong việc đi săn nữa, hoàng tử truyền lệnh quay về. Từ ấy hoàng tử cảm thấy khát nước lạ, sức nóng trong mình càng gia tăng thêm lên, khát quá hoàng tử khiến đoàn tùy tùng tìm nước uống.

Nhưng nghiệp lực quá nặng nề khiến cho hồ ao giếng đều khô cạn, đoàn tùy tùng tìm mãi không được một giọt nước nào, trong khi ấy hoàng tử lăn lộn la hét:

 “Nước, nước, hãy cho ta uống nước. Ôi! Khát quá, có lẽ ta chết mất!”

Dù tận lực, tùy tùng vẫn không tìm ra một chút nào, thậm chí đến một giọt cũng không có.

Chịu khát không nổi, Hoàng tử Duṭṭhakumāra oằn oại khổ sở, cuối cùng trút hơi thở, liền đọa sanh vào địa ngục Avīci chịu khổ không sao kể siết.

Lại nữa thưa quý vị:

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có gã thợ săn tên là Kodha. Vào sáng tinh sương mang tên cầm lao dẫn chó vào rừng, vừa đi đến ven rừng, gặp một vị Tỳ khưu đang hành đạo, gã Kodha liền nổi nóng (bởi tập tục người Ấn Độ thời bấy giờ cho rằng buổi sáng ra đường gặp một người đầu trọc là xui) hắn ta  chỉ vào mặt vị Đại Đức mà hét rằng: “Hôm nay ta vào rừng săn thịt không có, thì ta giết ông đầu trọc này, rồi gã đi vào rừng”.

Quả thật, gã săn suốt ngày chẳng đặng con mồi nào cả; nên buổi chiều vừa ra đến mé rừng cũng gặp vị Đại Đức đang hành đạo, hắn hét lên như điên, vừa đuổi chó, vừa phóng lao tới, quyết lòng hạ sát vị này.

Vị Đại Đức thấy thế liền lùi lại, vừa chạy vừa ngăn: “Đạo hữu! đạo hữu! không nên làm vậy! nhà sư là kẻ tu hành đâu có làm gì phật ý đạo hữuđạo hữu xử sự như vậy?”. Gã hằn học đáp: “Vì gặp nhà ngươi buổi sáng mà suốt ngày nay ta chẳng săn được con mồi nào cả nên ta phải giết nhà ngươi để trừ hậu hoạn về sau.”

Vị Đại Đức vừa thụt lui, vừa dùng lời lẽ phải trái giải bày, nhưng gã thợ săn bất cần, cứ đuổi chó và phóng lao xông tới. Túng thế, vị Đại Đức phải phóng mình trèo lên cây, Kodha ở dưới cầm lao đâm lên túi bụi. Vị Đại Đức phải chuyền qua, chuyền lại để né tránh. Thình lình cái y vàng của ngài rơi xuống phủ trùm gã thợ săn. Bầy chó săn tưởng vị Đại Đức vừa rơi xuống chúng nhảy tới cắn xé gã thợ săn ra từng mảnh.

Sau khi thoát chết vị Tỳ khưu trở về hầu Phật và bạch lại câu chuyện. Đức Phật cho biếtsân hận phẫn nộ chi phối khiến gã thợ săn ấy xúc phạm đến người có giới đức, nên phải chết một cách thê thảm như vậy. Đức Phật còn cho biết thêm, sau khi chết gã thợ săn bị sanh vào địa ngục do lòng sân hận của hắn.

Thưa quý vị, nhắc tới hai chuyện tích trên để chúng ta thấy rõ hậu quả tai hại của sự sân hận như thế nào.

Có câu cổ ngữ rằng: “Khí thị vô minh, sân thị hỏa”, quả thật vậy, sân là lửa hằng thiêu đốt nội tâm khiến cho nóng nảy khó chịu, từ đó sanh ra những tệ hại ác xấu, chính sân làm cho mất trí khôn, không tự chủ, không còn lý trí suy xét việc làm phải, quấy nữa. Cho nên cách ngôn nói rất đúng: “Ăn quá mất ngon, giận quá mất khôn” là vậy.

Là người Phật tử chúng ta nên tu tập diệt sân, bằng cách phát triển lòng Từ bi của mình, luôn luôn có tư tưởng mát mẽ an lành đối với mọi loài, hãy sống không hận thù giữa những người thù hận, đó là ta hành theo lời dạy của Bậc đạo sư. Đức Phật dạy: “Rằng như dù có kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân, mà nếu một ai khởi ý nhiễm ác hại, thời người ấy không phải là người thực hành Giáo pháp của ta.”

Thưa quý vị, vẫn biết rằng ở đời, nếu không đắc đến Thánh A-na-hàm, A-la-hán thì chúng sanh ai cũng có sân hận, không sao tránh được. Nhưng mà tư cách sân hận cũng có khác, người thế này người thế kia, chớ không giống nhau. Có người không đến nông nổi lắm trong kinh Puggalapaññatti, Đức Phật có dạy như có 4 loại rắn:

  1. Là thứ có nọc chạy mau mà không độc.
  2. Là thứ có nọc chạy không mau mà độc.
  3. Là thứ có nọc chạy mau mà độc.
  4. Là thứ có nọc chạy không mau cũng không độc.

Cũng vậy, ở đời này có 4 hạng người tương tự hằng hiện bày có mặt.

Thế nào là người như rắn có nọc chạy mau mà không độc?

Thưa quý vị, người như thế là người trong đời này thường hay sân, mỗi chút mỗi giận, dễ dàng bất bình, nhưng mà sự sân giận của người ấy không ngấm ngầm chất chứa lâu. Đó là người như rắn có nọc chạy mau mà không độc. Hạng người này có rõ rệt trong đời, chúng ta dư biết rồi; xét đến người ấy chúng ta thấy vậy cũng không đến nổi tác hại lắm vì họ chỉ giận dữ bất bình nhất thời thôi. Khi gặp người ấy, thấy họ đang khi giận dữ ta nên vuốt êm, hoặc lánh mặt đi cho qua buổi ta mới giải bày nguồn cơn, thế mới yên chuyện.

Còn thế nào là người như rắn có nọc chạy không mau mà độc?

Thưa quý vị, hạng người ấy là người trong đời này ít hay giận, khó sân hận, nhưng khi giận rồi thì sự sân hận ấy ngấm ngầm chất chứa lâu, có thể nói là khắc sâu trong tâm khãm có khi ba năm cũng chưa quên được. Đó gọi là người như rắn có nọc chạy không mau mà độc. Hạng người như thế đấy chúng ta cũng thấy biết rõ rệt trong đời này; xét về hạng người này chúng ta thấy họ rất khó chịu vì sao? Vì họ không khi nào cởi mở được, nếu có cũng rất khó. Biết vậy, đối với người này đừng bao giờ làm phiền họ, chọc giận họ, nếu ta muốn giữ hòa khí. Tương đối là hạng người này cũng còn tốt vì họ ít hay giận, ít hay sân, cũng đáng giao thiệp, để học và bắt chước tánh không hay sân của họ, còn như tánh cố chấp về sau, thì chẳng nên ảnh hưởng theo.

Còn thế nào là người như rắn có nọc chạy mau mà độc?

Thưa quý vị, người như rắn có nọc chạy mau mà độc là người trong đời này thường hay sân việc mỗi chút mỗi giận, mỗi sự mỗi bất bình; mà lại sự sân hận của người ấy ngấm ngầm chất chứa lâu, không cởi mở được. Đó là người như rắn có nọc chạy mau mà độc. Xét hạng người đây ta thấy nguy hiểm hơn hết, trong lúc sân và ngấm ngầm như vậy họ có thể gây tác hại vì mang ác cảm. Đối với hạng người này, ta không nên sống chung, gặp gỡ gần gũi bởi sẽ có hại. Trong kinh Anguttaranikāya, Đức Phật có lời dạy rằng: “Người đa sân, nhiều hiềm hận, hễ nói động đến là tức tối, sừng sộ hiện rõ bực tức; thì cũng ví như phẩn vậy, quậy vào thì văng cùng mình hôi thối lắm. Thế nên với người ấy cần phải thản nhiên, không nên gần gũi, không nên chung sống, không nên gặp gỡ”. Quý vị biết chăng, như ngày xưa vào thời Đức Phật còn tại thế, có một ông thầy nọ có một đứa học trò rất ngỗ nghịch, mỗi lần quở rầy thì sân hận, không rầy thì làm quấy. Một ngày kia, có một lỗi lầm rất lớn; ông thầy bèn gọi vào quở trách nặng nề, người học trò lấy làm bất bình, ác cảm dữ dội. Lúc nọ thừa cơ liền nổi lửa đốt tiêu tịnh thất thầy và bỏ trốn. Đức Phật nghe thuật câu chuyện mới dạy rằng:

“Nếu không được bạn đường

Tốt hơn hay bằng ta

Phải vững sống một mình

Chẳng bầu bạn kẻ ngu.”

Và thế nào là người như rắn có nọc chạy không mau cũng không độc?

Thưa quý vị, người như rắn có nọc chạy không mau cũng không độc là người trong đời này không hay sân và cách sân hận của người ấy cũng không ngấm ngầm chất chứa, tâm dễ dàng cởi mở dịu hòa mát mẻ, không hay chấp nhất việc này việc nọ. Hạng người này xem như là người tốt, vô hại, sống giao thiệp với họ tất được an vui, không có gì nguy hiểm.

Như bồ tát Mahosatha ngày xưa là bậc trí tuệ vô song, giải nghi tất cả vấn đề mà vua và 4 vị quân sư đều phải thúc thủ. Đức vua sùng mộ Bồ tát vô cùng; ban cho quyền cao, chức trọng sự phú quí vinh hiển tột bậc hơn cả 4 vị quân sư ấy nữa. Cả 4 vị quân sư ấy đem lòng ganh (tỵ) ghét Bồ tát, mong tìm cớ hãm hại. Một ngày kia họ giả bộ làm thân hỏi Bồ tát việc kín của mình nên nói cho ai, Bồ tát đáp: “Không nên nói việc kín đến ai cả, khi nào việc ấy kết quả rồi mới nên nói ra”. Bốn vị quân sư liền lập tức vào chầu vua, và vu cáo rằng: “Mahosatha có việc kín muốn cướp đoạt ngai vàng của vua, và bảo rằng khi thi hành xong mới nói ra”. Đức vua nghe vậy tin lời, nổi cơn thịnh nộ ban cho 4 vị gươm vàng đi giết Bồ tát. Ngày hôm sau, do trí tuệ Bồ tát biết vậy chờ đến trưa trễ mới vào chầu vua, và trình bày sự thật cùng giải thích vì sao không nói kín chuyện mình; rồi sau đó nêu bày tội lỗi của 4 vị quân sư tày trời mà vua không hay vẫn tin theo, ắt sẽ thất bại. Đức vua nghe tâu liền hỏi lại, 4 vị kia đều thú tội không chối cãi được vua ra lệnh tống giam, rồi dẫn ra pháp trường xử tử. Đức Bồ tát liền quỳ tâu, xin lượng khoan hồng của vua xá tội cho họ; Đức vua chuẩn tấu nhưng dạy phải làm tôi mọi cho Bồ tát đến trọn đời, Bồ tát xin vua ân xá và cho phục chức họ như xưa. Với hành động cao đẹp này làm cho vua thêm kính phục và nghĩ rằng: “Mahosatha là bậc hiền nhân quân tử, không lòng phản nghịch và có lòng từ bi cứu vớt người đối thủ nữa thật là hiếm có”, rồi vua ban thưởng đến Bồ tát rất nhiều vật báu.

Thưa quý vị, đối với người như Bồ tát cho dù là kẻ nghịch hại, ngài cũng vẫn từ bi khoan dung, không ôm hiềm hận, không hay phẫn nộ bực tức, và chấp mê. Đó là cái gương để người Phật tử chúng ta noi theo, hãy bước theo dấu chân của Bậc tiền nhân trí thức.

Lại nữa, thưa quý vị nói đến tư cách sân hận ở một đoạn kinh khác trong bộ Anguttaranikāya Đức Thiên Nhân Sư có dạy rằng: “Có 3 hạng người này có mặt xuất hiện ở đời, thế nào là ba? Ở đây, này Chư tỳ khưu có người như lằn khắc trên đá. Lại nữa, có người như lằn gạch trên đất. Lại nữa, có người như lằn gạch trên nước”.

Vậy thế nào là hạng người như lằn khắc trên đá?

Thưa quý vị, Đức Phật dạy rằng ở đời có hạng người như lằn khắc trên đá nghĩa là có người tánh hay sân hay buộc hờn, trạng thái sân hận của người ấy khó nguôi ngoai được, nó ngấm ngầm rất lâu trong người ấy không dễ phai mờ, cũng như đá mà khắc chữ hay lằn gạch vậy. Có thể mấy chục năm hoặc 100 năm sau cũng chưa phẳng lì hết dù là gió mưa chà xát. Hạng người này chúng ta thấy tương tự như người ví rắn có nọc chạy mau và độc hoặc người ví rắn có nọc chạy không mau và độc. Vì chúng ta xét khía cạnh sự sân hận chất chứa lâu. Đó là đề cập đến người thứ nhất trong 3 người ví như lằn gạch.

Còn thế nào là người như lằn gạch trên đất?

Thưa quý vị, người như lằn gạch trên đất nghĩa là ở đời có người cũng hay sân hận nhưng sự sân hận ấy ngấm ngầm chất chứa không lâu chỉ một thời gian ngắn nào đó, làm họ nguôi ngoai hết phiền, cũng như lằn gạch hay chữ viết trên đất dù rõ rệt, chậm phai mờ, nhưng trải qua mưa gió hoặc cọ xát ít lâu thì phẳng lì mất. Cũng vậy có người trong đời cũng chất chứa sân hận nhưng không lâu cũng nguội phai, ấy là người như lằn gạch trên đất vậy.

Và thế nào là người như lằn gạch trên nước?

Thưa quý vị, lẽ thường thì mặt nước có sự khắng khít liền lạc, cho dù lấy vật kẻ lằn trên mặt nước, mặt nước vẫn liền lại không lưu lại dấu vết. Cũng như thế ở đời có người tánh mát mẽ, ôn hòa dù có bị kẻ khác nói lời thô bỉ không vừa ý, không đẹp tai người ấy vẫn như thường, vẫn còn ưa nhau, vẫn khắng khít nhau, vẫn liền lạc nhau, Đó là người như lằn gạch trên nước.

Thưa quý vị, tôi đã trình bày rõ tư cách sân của người trong đời này chính do Đức Phật là bậc Lokavidū, thông suốt tam giới đã tuyên thuyết, được ghi lại trong tạng kinh hay tạng diệu pháp bộ Puggalapaññatti.

Thưa quý vị, người Phật tử chúng ta khi đã am tường hết tính chất sân hậnhiểu rõ hậu quả không tốt của lòng sân, thời chúng ta hãy tu tập thế nào để dứt trừ lòng sân ấy đi. Người đời cũng vì sân hận mà không có bạn bè; cũng vì sân hận mà tiêu hao tài sản, cũng vì sân hận mà xấu sắc, cũng vì sân hận mà chẳng an vui, và cũng bởi sân hậnchúng sanh hành ác hạnh chém giết lẫn nhau. Do nghiệp như vậy khi thác rồi phải chịu khổ trong đọa xứ.

Vậy hành pháp chi để diệt Sân hận được?

Thưa quý vị, an trú vào hai pháp Từ - Bi là hai pháp ngăn trừ sân hận.

Từ Bi là gì?

Tâm từ Phạn ngữ Mettā là một trạng thái tâm của người bạn tốt lúc nào cũng hòa dịu, mát mẻ mong sao cho bạn mình được an vui. Đặc tánh của lòng Từ đồng nghĩa với Adosa nghĩa là không nóng nảy, không sân hận, ... Như vậy tâm Từ tức là trạng thái tâm dịu hiền mát mẽ đối với mọi loài, lúc nào cũng mong cho chúng sanh được an vui cởi mở.

Còn tâm Bi, tiếng Phạn gọi là karuṇā nghĩa là trạng thái tâm rung động trước sự khổ của chúng sanh, đặc tánh của tâm Bi là không muốn chúng sanh bị khổ và luôn tìm cách giúp chúng sanh ra khỏi sự khổ.

Nói chung chung, tâm từ bi là lòng từ mẫn đối với vô lượng chúng sanh, mọi loài.

Thưa quý vị, người có tâm từ bi như là có dòng nước mát để ngăn trừ hỏa hoạn sân hận vậy.

Tâm từ bi ví cũng như nước, tâm sân ví như lửa khi có nước ắt không có lửa.

Nhờ có lòng từ bi mới ngăn chặn được tâm sân hận, tâm từ bi hằng làm cho tâm con người trở nên mát dịu an vui không gây thù hận oan trái.

Trong kinh có giải rằng tâm từ bi đem lại nhiều quả báu như là:

-      Người có tâm từ bi là nơi thương yêu của mọi người.

-      Người có tâm từ bi chư thiên hằng hộ trì.

-      Người có tâm từ bi diện mạo được tươi tỉnh đẹp đẽ.

-      Người có tâm từ bi khiến ai nhìn cũng sanh thiện cảm.

-      Người có tâm từ bi ngủ được an vui, khi thức cũng được an vui.

-      Người có tâm từ bi thì khí giới, lửa, thuốc độc không làm hại được.

-      Người có tâm từ bi trước phút lâm chung không bị tán tâm rối loạn. Sau khi chết có thể sanh vào thiện thú.

Chắc quý vị còn nhớ tích Bồ tát Suvannasāma, tôi xin nhắc lại:

Bồ tát kiếp ấy làm con của hai vị đạo sĩ nam và đạo sĩ nữ, trong rừng Bồ tát là người con hiếu đạo vô song, ngài tu hạnh Tâm từ rất chính chắn, hằng có tư tưởng an lành hòa dịu đến tất cả thú rừng chung quanh, vì thế thú rừng rất cảm mến bồ tát. Khi bồ tát đi gánh nước hái trái trong rừng, chúng chạy lẩn quẩn theo chân không hề sợ hãi.

Một ngày nọ, có vua tên Kabaliyaska vào rừng săn bắn thấy thú chạy theo Bồ tát liền giương cung bắn, ngờ đâu tên độc trúng nhằm Bồ tát.

Bồ tát không oán trách chi cả, và gọi vua lại tâm sự việc cha mẹ mù của mình nhà vua rất hối hận, nguyện phụng dưỡng 2 đạo sĩ suốt đời thay Bồ tát; vua vội gánh nước về thất đạo sĩ và cho tin, hai đạo sĩ yêu cầu nhà vua dẫn đến chỗ ấy.

Hai ngài liền phát lời chân ngôn (Saccavādī) rằng: “Con chúng tôi thực hành phạm hạnh, pháp bác ái là nơi yêu thương của mọi loài, do lời chân thật này mong rằng thuốc độc hãy tiêu trừ”.

Dứt lời ấy, thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, do năng lực của lời chân ngôn và pháp tu Bồ tát trong sạch, tức thì tiêu tan thuốc độc, Bồ tát tỉnh lại như thường.

Thưa quý vị, Bồ tát cũng nhờ tâm Từ bi khéo tu tập nên tránh được nạn thuốc độc làm hại và cũng nhờ lòng Từ bi ấy mà Bồ tát cãm phục được nhà vua. Cả hai bên không có thù hận oan trái lẫn nhau.

Nói đến đây tôi cũng lại nhớ, nhắc thêm hạnh của Đức Phật cũng đã thâu phục voi Nālāgiri bằng lòng Từ bi của ngài.

Lúc đó Đề bà đạt đa đã câu kết được vua A xà thế, bèn tìm cách hại Phật để đoạt quyền cai quản Tăng chúng, ông ấy dạy người nài voi của vua, chờ Phật đi bát ngang thì phục rượu cho voi say và thả ra để voi chạy dẫm chết ngài.

Một buổi sáng, người nài thi hành việc ấy, con voi thấy Đức Phật từ xa đã cuồng lên, hung dữ vô cùng, chân dậm đất bụi bay mù mịt, miệng rống thật là kinh khủng, nhắm hướng Đức Phật mà chạy đến dẫm đạp nát tan. Chư phàm Tăng kinh sợ, đứng vẹt hai bên đường; Chư Thánh Tăng A-la-hán vẫn bình thản; Đức Phật vẫn thản nhiên tiến bước, làm cho Đại đức Ānanda nóng lòng (vì không ai thương kính Phật bằng ngài Ānanda).

Đức Phật rải lòng Từ bi đến voi chiến và cảm hóa nó, voi chiến kinh sợ chạy đi nơi khác, mất hết vẻ hung hăng. Đức Phật lúc ấy gọi voi lại, tiếng nói của Ngài làm đánh thức tri giác của nó, bây giờ nó ngoan ngoãn như một con chó nhà. Tiến đến quỳ xuống bên Đức Phậtnghe lời cảm hóa rồi rút êm về chuồng, từ đó nó trở nên hiền lành.

Người đời có câu hát tán dương rằng:

Người ta chế ngự loài voi

Bằng cây bằng móc, bằng roi, bằng xiềng

Tay không khí giới thản nhiên

Đức Phật chỉ lấy Đức hiền thắng voi.

Thưa quý vị, còn rất nhiều câu chuyện khác nói lên hạnh Từ bi làm tiêu trừ nghịch pháp sân hậncảm hóa mọi nơi. Tôi chỉ đề cặp một vài chuyện thôi.

Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Tâm từ bi chỉ có thể khởi trước khi sân để dàn cảnh áp đảo sân không cho sanh, hoặc chỉ có thể sanh sau khi sân đã nguôi rồi. Thế có hại quá, làm sao diệt tắt sân lúc đang sanh để ngừa tránh hành động bi đát có thể diễn. Đó là một vấn đề ta phải lưu ý.

Khi đang Sân hận không bao giờ rải tâm Từ bi được nhất định là vậy, lúc ấy thưa quý vị ta phải đình chỉ tư duy nhẫn nại đừng nghĩ chuyện đó nữa; bây giờ phải ghi nhớ biết mình khi nào sân dịu tắt thì khi ấy mới niệm lòng từ.

Đó là cách ngăn trừ sân đang phát khởi, mong rằng tất cả Phật tử chúng ta vị nào cũng hiểu rõ quả báo của sân, để diệt trừ sân, ngăn chặn sân, hầu tránh những việc làm không tốt do sân, để khỏi gặt hái hậu quả không tốt.

Thưa quý vị, thời pháp này đến đây cũng phải lẽ, xin dứt lời.

 


TỨ THÂN PHƯỢC PHÁP

 

Thời pháp hôm nay tôi xin thuyết trình về “Tứ thân phược pháp”.

Đời sống của chúng sanh hạng phàm như ta đây là nơi chất chứa phiền não, là môi trường cho phiền não phát sanh. Trong khi đó nếu chúng tanhận biết được một phần nào phiền não trong nội tâm tất sẽ giãm trừ bớt đi, cũng như người để ý biết mình có bệnh thì sẽ ngừa trị căn bệnh ấy, do vậy bệnh không tái phát nhiều trái lại nếu không biết ắt sẽ có hại.

Thế nào là Thân Phược Pháp?

Thưa quý vị, thân phược pháp là pháp trói chặt thân tâm, khiến cho chúng sanh mắc dính sầu muộn, khó tháo mở để giải thoát tự do. Tiếng Phạn gọi Kāyagamtha, dịch là thân phược, ám chỉ sự trói cột Thân DanhThân Sắc.

Thân sắc tức là phần vật chất, xác thân gọi là sắc uẩn; còn thân danh là phần tâm thức gồm có 4 là: Thọ uẩn, Hành uẩn, Tưởng uẩnThức uẩn. Vì thế nên gọi là bốn pháp trói chặt thân tâm.

Bốn pháp trói chặt Thân tâm đó là gì?

Thưa quý vị, trong kinh Đức Phật có dạy bốn pháp gọi là: Tham ái thân phược, Sân độc thân phược, Giới thủ thân phược và Ngã kiến thân phược.

Đó là 4 pháp trói chặt thân tâm còn gọi là thân phược.

Bây giờ để am tường tánh chất những pháp này, chúng ta hãy tìm hiểu sâu vào chi pháp. Trước hết chúng tôi xin trình bày pháp thứ nhất.

Thế nào là Tham ái thân phược?

Thưa quý vị, Phạn ngữ gọi Abhijjhā có nghĩa là khát vọng, luyến mê đối tượng nơi đây lòng khao khát mê say theo lục dục là sắc đẹp khả ái, âm thanh khả hỷ, hương thơm, vị ngon, xúc lạcpháp ái, chính đó làm trói chặt thân tâm của chúng sanh, có thể nói chúng sanh khó giải thoát khỏi sự trói cột ấy được.

Trong kinh có dạy rằng: “Người tham ái dục trần bị dính mắc bởi lạc thú ấy khắm keo cũng tợ như con khỉ rừng tham nhựa cây đẹp, giơ tay sờ bị dính cứng vội lấy tay khác để gỡ, ngờ đâu lại dính luôn; nó liền dùng 2 chân đạp gỡ, nào dè cũng dính nốt; nó vội lấy miệng cào gỡ thì cũng bị dính luôn; khi ấy con khỉ hoàn toàn mất hết tự do và đương nhiên làm con mồi cho tên thợ săn.”

Cùng thế ấy, thưa quý vị, khi chúng sanh mê luyến theo cảnh trần, chính lòng tham ái đó trói chặt họ vào cạm bẫy dục vọng làm mồi của ma vương. Rốt cùng, chúng sanh phải rơi vào vòng đau khổ thống thiết.

Như thuở xưa, tại thành Vesālī có chàng thanh niên tên Nahāpitaputta là con của một người thợ cạo, một hôm chàng xin theo cha vào hoàng cung chầu vua, bổng gặp nàng công nương vốn là công chúa con đức vua, công chúa có sắc đẹp khuynh thành, hoa nhường nguyệt thẹn, khả ái vô cùng. Bấy giờ chàng Nahāpitaputta tâm chao động, đê mê nhìn nàng đắm đuối như ngắm nhìn một bức tranh tuyệt mỹ, không sao xa rời được. quá quyến luyến sắc đẹp mỹ miều, chàng quên đi hiện tại.

Người thợ cạo chứng kiến cảnh tượng lấy làm e ngại vội lên tiếng kéo con về hiện tại, bảo ra về. chàng thanh niên không đành lui bước nhưng vẫn nặng nhọc theo cha.

Về đến nhà, chàng không còn tâm trí để vào việc khác nữa, ngoài ra mơ tưởng bóng sắc yêu kiều của công nương; chàng đã xin cha cưới công chúa nhưng hy vọng quá mỏng manh đối với chàng là con dòng giai cấp thấp thỏi, cha chàng không cho phép.

Chàng Nahāpitaputta mang bệnh tương tư thật sự, chẳng còn thiết gì về việc ăn uống nữa, chàng mòn mỏi yếu ớt chết dần và sau đó trút hơi thở cuối cùng, mang theo tâm trạng bi đát vô cùng đau thương.

Thưa quý vị, qua câu chuyện được ghi nhận như vậy, cho chúng ta thấy mối tai hại lớn của chúng sanh, thật sự tham ái chính là sợi dây quá rắn, trói chặt thân tâm, không sao vùng gỡ được, và cũng chính nó dẫn chúng sanh đến đau khổ triền miên.

Biết thế, người Phật tử khi đã quán triệt cần phải xả ly; khi xả ly cần phải tu tập Tri kiến giải thoát. Bởi do đó mới thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau, nên trong kinh Pháp cú Đức Phật có dạy:

“Từ khát ái sầu muộn sanh,

Từ khát ái lo sợ sanh,

Đối với ai thoát khỏi sự khát ái,

Thời chẳng còn sầu muộn tất đâu lo sợ.”

Kế đến, chi pháp thứ hai, thế nào là Sân độc thân phược?

Thưa quý vị, Phạn ngữ gọi Byāpada nghĩa là lòng cố oán, ác cảm, tức là sự oán thù làm hại kẻ khác nói về sự sân mà trói mặt thân tâm, chẳng phải là trạng thái khó chịu thường đâu.

Chính lòng oán hận mới làm cho thân tâm của chúng sanh bị trói chặt nghĩa là tâm ác cảm cột xiết thân tâm khi nào rồi, thì kẻ ấy khó nguôi ngoai xóa bỏ được, hằng chấp cứng chính vì thế mà chúng sanh bị đau khổ sầu muộn. Người bị ác cảm thì hồi hộp lo sợ mình bị hại, đối với kẻ oán thù người, thì tâm thân nóng nảy bực dọc bị thiêu đốt bởi lửa sân.

Đức Phật có dạy trong kinh Anguttara; người bị phẫn nộ chi phối, bị phẫn nộ cột trói rồi, có thể họ làm ác hạnh bằng thân, làm ác hạnh bằng khẩu làm ác hạnh bằng ý, do vậy sau khi thân hoại mạng chung, họ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục.

Đến đây, tôi xin nhắc lại một chuyện tích điển hình.

Thuở xưa, tại thành Ba la nại dưới quyền thống trị của Đức vua Kitavāsa. Nhà vua có một hoàng tử tên là Dutthakumāra, tỏ ra rất thông minh, đỉnh ngộ đức vua và hoàng hậu hết mực nuông chìu cả triều thần ai cũng hết lòng kính trọng, nhưng khổ nổi, hoàng tử càng lớn lên thì lòng kiêu mạntâm địa hung dữ cũng tăng dần. Bao giờ Dutthakumāra cũng nghĩ ngoại trừ phụ vương và mẫu hậu, ai ai cũng phải cúi đầu trước mặt chàng.

Một hôm, hoàng tử cùng đoàn tùy tùng kéo đến khu lâm viên gần thành Ba la nại để săn bắn, trên đường đi ngược chiều với đoàn xa giá, một vị Phật độc giác lặng lẽ ôm bát vào thành khất thực, trước vẻ trang nghiêmoai nghi tế hạnh của vị Bích chi phật, những tư tưởng an lành của Ngài luôn luôn phát tiết khiến mọi người khi nhìn Ngài cảm thấy hoan hỷ lạ thường.

Không ai bảo ai, đoàn tùy tùng đồng loạt chấp tay cung kính hướng về Đức Phật độc giác đảnh lễ.

Hoàng tử Dutthakumāra thấy thế lòng sân hận nổi lên như thác lũ, nghĩ rằng bọn tùy tùng ấy chỉ được phép cúi đầu trước mặt mình mà thôi, bây giờ trong khi đi với mình mà ngang nhiên cúi đầu trước lão tu sĩ này.

Tức tốc hoàng tử rời lưng voi, tiến nhanh đến trước mặt Đức Phật Độc Giác giựt lấy bình bát trên tay Ngài quăng xuống đất rồi dẫm lên cho bể, đoàn tùy tùng kinh hãi trước hành động quá ngông cuồng của hoàng tử, chưa ai kịp can gián điều gì.

Thái tử bất nhã hỏi: “Thế lão sa môn có giận ta không, ta là hoàng tử Duttha con của vua Kitavāsa đây”.

Phật Độc Giác vẫn lặng yên với tâm thương xót, Ngài nhìn hoàng tử bằng ánh mắt từ Bi vô lượng.

Hoàng tử tiếp tục: “Lão hãy mở to mắt mà nhìn ta cho kỹ, xem bộ dạng ông như thế mà dám làm gì ai!”

Thế là ngày hôm ấy Đức Phật đành nhịn đói và vận thần thông bay về núi Namdamuhāka.

Khi ấy, không còn hứng thú trong việc săn bắn nữa, hoàng tử truyền lệnh quay về, trên đường về hoàng tử cảm thấy nóng lạ thường, sức nóng càng gia tăng quá độ, cảm thấy khát nước. Hoàng tử truyền lệnh cho đoàn tùy tùng tìm nước uống. nhưng do nghiệp lực quá nặng nề, khiến hồ ao giếng rạch đều khô cạn, đoàn tùy tùng tìm mãi không được một giọt nước nào, trong khi ấy hoàng tử lăn lộn la hét: “Nước, nước, hãy cho ta uống nước. Ôi! Khát quá có lẽ ta chết mất”.

Dù tận lực, vẫn không tìm ra nước, hết chịu đựng nổi hoàng từ Dutthakumāra oằn oại, khổ sở rồi lìa trần liền sanh vào địa ngục A-tỳ chịu khổ không sao tả xiết.

Thưa quý vị, xuyên qua tích này chúng ta ghi nhận rằng: Chính lòng sân hận nó hằng cột chặt thân tâm, trì kéo chúng sanh rơi vào khổ cảnh do ác nghiệp mình tạo bởi sân tâm. Vì thế trong kinh Tạp A-hàm, Đức Thiên Nhân Sư có dạy:

“Này Bà la môn, người bị sân hận trói buộc, bị sân hận chinh phạt làm cho phẫn nộ, thời người ấy làm thân ác hạnh, hành khẩu ác hạnh, và suy nghĩ ý ác hạnh, do làm thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh. Sau khi thân hoại mạng chung nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục, không nên thân cận”. Đó là lời dạy của Bậc đạo sư chúng ta nên hành trì.

Tiếp đến chi pháp thứ ba, thế nào là Giới thủ thân phược?

Thưa quý vị, giới thủ thân phược nghĩa là sự chấp trì giới cấm không thích đáng, khiến cho trói chặt buộc ràng thân tâm theo ác kiến, làm cho chúng sanh không thể giải thoát được, chẳng giãm trừ phiền nãotrái lại càng chất chứa thêm nhiều phiền toái.

Giới cấm ấy là như thế nào?

Đối với người Phật tử chỉ vâng giữ chấp hành các điều giới luật do Đức Phật là Bậc đạo sư sáng suốt ban hànhchấp nhận những học giới ấy có công năng tiêu trừ ác nghiệp, tạo nên một đời sống Thánh thiện gương mẫuhiện tại lạc trú.

Trái lại, thưa quý vị, có những giới cấm cực đoan, vô bổ, do chủ thuyết tà giáo ngoại đạo dựng lên, Đức Phật không chế định cũng như không nhìn nhận, giáo điều ấy không đem đến giải thoát phiền não mà chỉ tạo kết quả nông nổi bi đát thôi, như là ăn chay, nằm đất, nằm gai, bện tóc, uống nước lã, hơ mình trên lửa, hoặc cúng tế thờ lửa, cầu kinh, ... hay giữ một mật hạnh nào đó với ý mong tha lực hộ trì.

Chúng sanh khi đã chấp giữ những giới cấm như vậy rồi, thời thân tâm bị trói chặt không sao giải thoáttri kiến được, chính họ bị rơi vào đọa xứ bất hạnh.

Một lần nọ, thưa quý vị, khi Đức Phật ở giữa dân chúng Koliyā, bấy giờ có ngưu hành giả Puṇṇa, chuyên trì hạnh con bò, cùng với cẩu hành giả Seniya, chuyên trì hạnh con chó. Cả hai đều đến hầu Đức Phật.

Rồi ngưu hành giả Puṇṇa bạch hỏi Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, lõa thể Seniya là cẩu hành giả chấp hành loài chó trong một thời gian dài, y thực hành hạnh con chó, ăn đồ ăn quăng dưới đất vậy sanh thú hắn thế nào? Vận mệnh hắn thế nào?”

Đức Phật ngăn lại câu hỏi, ngưu hành giả khẩn khoản yêu cầu đến lần thứ ba, Đức Phật dạy rằng: “Ta đã ngăn cản tuy nhiên ta sẽ trả lời cho ngươi, ở đây này Puṇṇa, người nào chấp trì hạnh chó, tư tưởng như chó, uy nghi loài chó một cách hoàn toàn viên mãn. Sau khi chết sẽ sanh làm loài chó, nếu người ấy có ác tà kiến rằng: “Do chấp trì khổ hạnh này, giới điều này, ta sẽ sanh làm Chư thiên”, thời như vậy do Ác tà kiến người ấy sẽ có một trong hai sanh thú: Địa ngục hay Bàng sanh; thế thì chấp trì hạnh chó nếu được thành tựu sẽ sanh làm chó bằng không sẽ sanh trong địa ngục!”.

Khi nghe nói vậy, cẩu hành giả khóc lóc, hối tiếc mình đã thực hành hạnh vô ích, rồi cẩu hành giả Seniya bạch hỏi Thế Tôn về sanh thú và vận mạng của ngưu hành giả Puṇṇa như thế nào? Là một người đã chấp trì hạnh loài bò trong một thời gian dài?

Đức Phật lại ngăn cản 3 lần, sau cùng ngài dạy rằng: “Ta đã ngăn cản 3 lần, tuy vậy, ta sẽ trả lời cho ngươi, ở đây này Seniya, người nào chấp hành bò, tư tưởng như con bò, uy nghi như loài bò, một cách hoàn toàn viên mãn, sau khi chết sẽ sanh làm loài bò, nếu người ấy có ác tà kiến như sau: “Do chấp trì khổ hạnh này, do giới điều này ta sẽ sanh làm chư Thiên”, thời do Ác tà kiến người ấy sẽ có một trong hai sanh thú: Địa ngục hay Bàng sanh, như vậy chấp trì hạnh bò nếu thành tựu sẽ sanh làm bò bằng không sẽ sanh trong địa ngục.”

Thế Tôn giảng xong, ngưu hành giả Puṇṇa khóc mướt và tỏ bày nỗi uổng tiếc của mình hành vô ích bấy lâu nay, và cả hai cầu thính pháp nơi Đức Phật để từ bỏ hạnh cực đoan của mình.

Thưa quý vị, như vậy có lợi ích gì, khi chúng ta hành trì ác giới chấp trì tà giới? Sự chấp trì giới đều không do Chánh tri kiến đưa đến, là tổ chỉ ràng buộc, trói chặt thân tâm mà thôi, muốn giải thoát người Phật từ cần nên sáng suốt nhận định trước khi chấp trì một giới điều nào chớ mù quáng để bị trói chặt trong khổ đau, hãy trừ bỏ Tà giới vô ích.

Và sau cùng, chi pháp thứ tư, thế nào là Ngã kiến thân phược?

Thưa quý vị, ngã kiến thân phược là chấp trước bản ngã quá sâu đậm, tức là cho rằng cái này thật là ta, là của ta, chính do sự chấp trước ấy nên hằng trói chặt thân tâm chúng sanh.

Sự kiện này cũng là tri kiến sai lầm thuộc về Tà kiến, một khi chúng sanhtư tưởng ngã chấp, chắc hẳn sẽ bị ràng buộc khổ đau. Khi mà thực tế phủ phàng không chịu dưới chủ quyền của ai; chính ta còn không có cái gì là thật ngã?

Và lại nữa ngay trong đời sống hiện tại, con người bị tư tưởng Ngã kiến cột ràng, thời họ bị thoái đọa không mong cầu tiến được thì làm sao giải thoát? Có chăng là khi con người đã ý thứctừ bỏ những tư tưởng ngã sở, ngã chấp qua một bên như thế mới hy vọng.

Như thuở Phật giáo lúc sơ thời, Đức Phật ngự đến xứ Uruvela để độ ba anh em thầy Kassapa.

Nói về thầy đạo sĩ anh cả ở tại rừng Uruvela, nên có tên là Uruvela Kassapa,còn lại hai người kia cũng là đạo sĩ trú một nơi khác chung quanh đó, Cà 3 thầy đều xuất gia theo lối đạo sĩ phạm ngã.

Bấy giờ khi Thế Tôn ngự đến rừng Uruvela, Ngài lại ngay đạo sĩ Kassapa xin trú ngụ, bắt đầu từ giờ phút ấy Thế Tôn thực hiện thần thông lực cảm hóa thầy đạo sĩ.

Trước hết Ngài dùng thần lực để thâu phục rồng chúa hung ác ở tại đền thờ lửa của đạo sĩ, đạo sĩ Kassapa nghĩ thầm phục nhưng vẫn cho rằng: “Dù vậy vẫn chưa bằng ta”.

Kế đến trong đêm Tứ Thiên Vương rồi Đức Đế Thích đến hầu Phật, hào quang chói sáng toàn vùng, sáng sớm đạo sĩ hỏi thăm biết việc, mới nghĩ ông Sa môn có nhiều oai đức thật đến đổi vua trời còn phải đến hầu; dầu thế nhưng vẫn chưa cao thượng bằng ta.

Liên tiếp trong nhiều ngày sau, Đức Phật đã thực hiện thần thông lực kể có đến ba ngàn năm trăm lần khác nhau, thế mà đạo sĩ Kassapa vẫn chấp cứng quan niệm cho rằng ta cao thượng hơn.

Thế mới biết con người chấp trước bản ngã quá sâu đậm, rồi hằng bị trói chặt nếu không phải là Phật thì có ai gỡ ra cho được.

Và rồi sau cùng, vào một ngày nọ, mưa bão thật to cả ngày đêm làm cho khu rừng Uruvela bị ngập hết, phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác ngự nơi nào dù cho nước lụt hay lửa cháy, thì chỗ trú của Ngài vẫn an nhiên vô sự, lúc ấy Phật liền dùng thần thông tạo thành tường nước vây quanh đường kinh hành của Ngài, khi đó đạo sĩ Kassapa đến vấn an, thấy vậy cả kinh, nhưng vẫn cố chấp. Đức Phật liền khơi dậy tâm ông và giải thích trạng thái tâm sai lạc của ông ví như tên trộm bị bắt quả tang. Ông đạo sĩ sợ hãi nghĩ rằng vị Sa môn này biết được tư tưởng của mình, ông vội vàng đảnh lễ Phật và xin xuất gia cùng với nhóm đạo sĩ tùy tùng 500 vị, sau đó cả hai đạo sĩ em cũng đến gia nhập giáo hội.

Câu chuyện này quá dài, nhưng thưa quý vị, để cho thấy rằng cái hậu quả nguy hại của sự chấp cứng bản ngã quá sâu đậm, trở thành cái thành kiến cố hữu làm trói chặt thân tâm của chúng sanh không sao cầu tiến được. Là người Phật tử muốn tiến tu, chúng ta phải từ bỏ cái thành kiến ngã chấp này đi vì cứ cho rầng: “Tôi như thế này, tôi như thế nọ, cái này của tôi, cái kia của tôi, ...” bởi vậy mới sanh ra nhiều bi đát.

Tóm lại, thưa quý vị, thời pháp hôm nay tôi vừa trình bày về Tứ thân phược pháp, nghĩa là bốn pháp trói chặt thân tâm. đó là sự tham đắm lục dục (sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon xúc lạcpháp ái) là pháp trói chặt thân tâm. Kế đến sự cố oán sân hận với người là pháp trói chặt thân tâm. tiếp nữa sự chấp trì giới cấm tà giáo, là pháp trói chặt thân tâm. và sau cùng, sự chấp trước bản ngã sâu đậm, là pháp trói chặt thân tâm.

Thưa quý vị, muốn đoạn trừ thân phược tham ái, Người Phật tử luôn luôn phòng hộ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) cùng thường xuyên quán niệm về tánh cách vô thường giả tạm của vạn pháp, để đoạn trừ Thân phược sân độc, người Phật tử năng tu chánh định và sống an trú với tâm Từ bi đối với chúng sanh, mọi loài. Mong rằng chúng sanh lúc nào cũng an vui, để đoạn trừ Thân phược giới thủ, chúng ta phải đào tạo Trí tuệ chánh tri kiến phản ảnh, việc làm trước khi chấp trì và để đoạn tận Thân phược ngã kiến, ta phải quán triệtvô ngã là tánh chất rỗng không của vạn pháp chẳng có chi là thật ngã trường tồn.

Thời pháp đến đây là kết thúc.

 

TỨ CHÁNH CẦN

 

Thời pháp hôm nay, tôi xin đề cập đến pháp “Tứ chánh cần” là một pháp trong 37 pháp trợ giúp giác ngộ. Đích thực hơn pháp này là chi nghành của con đường Thánh đạo tám ngành trực tiếp dẫn đến Đạo quả; hơn nữa pháp này cũng chính là pháp Ba la mật về tinh tấn độ (Viriyapāramī) mà chư vị Bồ tát muốn tròn đủ duyên lành tỏ ngộ đạo quả; không thể bỏ qua không thực hành được, và đây cũng là pháp cần yếu căn bản cho người tu tập, tức là một trong ba pháp cơ bản.

Thưa quý vị, Pháp Chánh Cần là như thế nào?

Chánh cần, Phạn ngữ Padhāna, cũng giống như Sammāvā yamo, đồng nghĩa với viriya là tinh tấn, chánh cầnsự cố gắng, ráng sức tiến, siêng năng một cách chân chánh đúng pháp. Tức là đè nén bất thiện pháp, phát huy thiện pháp.

Pháp chánh cần có đặc tánh là ủng hộ các Thiện pháp cho đầy đủ, không để bị tiêu hoại.

Cũng ví như ngôi nhà không bị sụp đổ trước cơn giông bởi nhờ sự rắn chắc của cột kèo, cùng thế ấy, năng lực của pháp Chánh cần nâng đỡ các Thiện pháp trong tâm của hành giả, không bị tiêu hoại đi.

Pháp chánh cần phát xuất từ gốc Tấn quyền (Viriyindriya).

Pháp chánh cần ví như con bò được sức mạnh ở bốn chân, có thể chở đồ nặng kéo xe đi đến đích. Cũng vậy, chánh cần có 4 tư cách khiến cho ác pháp bị đào thãi, thiện pháp được chất chứa đưa Hành giả đạt đến đích vô sanh, là Đạo quả Níp bàn đây gọi là Tứ chánh cần.

Thưa quý vị, bốn Chánh Cần đó ra sao?

Thưa quý vị, đó là:

  1. Thận cần (Saṃvarapadhāna).
  2. Trừ cần (Pahānapadhāna).
  3. Tu cần (bhāvanāpadhāna).
  4. Bảo cần ( Unurakkhāpadhāna).

Như vậy gọi là bốn pháp chánh cần hay Tứ Chánh Cần. Bây giờ chúng ta tìm hiểu sâu vào từng chi pháp của tứ chánh cần.

Trước hết, thế nào là Thận cần?

Thưa quý vị, tiếng gọi Saṃvara có nghĩa là sự thu thúc, sự đóng ngăn, ở đây thận cần tứctư cách siêng năng, cố gắng ngừa đón các ác bất thiện chưa sanh không cho phát sanh. Ý nói rằng, tỷ như lòng tham dục, hay sự phẫn nộ, hoặc tâm ganh tỵ bỏn xẻn, ... chưa có phát khởi, thì cố ngăn đón thu thúc để đừng cho các bất thiện pháp ấy sanh ra.

Vì cớ sao phải ngăn ngừa ác pháp chưa sanh?

Thưa quý vị, ví như trong một vương quốc, trong lúc yên bình cũng phải xây thành đắp lũy, khai thông hào, tổ chức quân gia, luyện đúc khí giới để phòng bị, chớ không lo, chừng giặc đến làm sao trở tay kịp. Cùng thế ấy, người tu có sự thu thúc dè dặt đối với các ác pháp chưa sanh, nhờ vậy bất thiện pháp không phát khởi được. Nếu để khi ác pháp đã sanh rồi, cũng khó diệt trừ, và nội tâm cũng đã bị tỳ vết, ô uế. Cũng như người không đề phòng lửa, đến lúc lửa gây hỏa hoạn, thì rất khó chữa, dù chữa được vẫn thiệt hại nhiều.

Người tu hành pháp Thận cần là khôn khéo dàn cảnh tốt đẹp cho tâm, khiến mang lại sự an vui giải thoát.

Thưa quý vị, tích xưa khi Đức Phật còn tại thế, ở một làng nọ tên gọi Mātikagāma, tại đó có một bà Đại tín nữ đắc tha tâm thông biết được tâm của người khác. Trong làng ấy, có 60 vị Tỳ khưu trú hành đạo, được bà đại tín nữ cung phụng từ vật dụng thích hợp theo ý riêng của mỗi vị, do nhờ tha tâm thông của bà, nhờ vậy 60 vị Tỳ khưu hành đạo dễ dàng không bị trở ngại nên đắc A-la-hán quả cả thảy. Sau đó bèn về hầu Phật và các vị thuật lại sự kiện hành đạo của mình được dễ dàng do nhờ bà tín nữtha tâm thông. Lúc ấy có thầy Tỳ khưu tên Cittagutta vào ngồi tại đấy, nghe thấy câu chuyện của người Thí chủ như vậy, bèn nghĩ : “Nếu quả như vậy, thật là rất tốt cho ta đến hành Đạo tại chỗ ấy”. Nghĩ như vậy rồi, đãnh lể Đức Phật và bạch xin đi đến làng Mātikagāma để hành Đạo. Đức Thế Tôn nhận lời.

Tỳ khưu Cittagutta ra đi đến làng Mātika từ khi ấy, ngài Cittagutta nhận được sự hộ độ đặc biệt của người đại tín nữ, vì mỗi khi đại đức khởi ý muốn dùng xài chi, bà tín nữ đều biết mà dâng cúng đại đức Cittagutta nghĩ xa phát tâm kinh cảm rằng: “Thật là hại cho ta, nếu còn là phàm nhân hay nghĩ chuyện quấy ắt bà tín nữ này biết được tâm xấu của ta, như người bắt kẻ trộm giữa tòa án vậy”.

Suy xét như vậy, ngài Cittagutta bèn trở về hầu Phật bày tỏ tự sự đã khiến cho mình quay về, Đức Phật dạy bảo trở lại chỗ đó, ở và cố kiềm giữ cái tâm, đừng để cho nó buông thả theo dục vọng, như vậy sẽ đem lại nhiều kết quả an vui.

Được khuyến khích, Tỳ khưu Cittagutta liền trở lại ở làng của bà tín nữ khi trước, ngày đêm chuyên cần cố ngăn đón tư tưởng và kiềm trong đề mục Thiền định Minh sát chẳng bao lâu thành đạt được Thánh quả A-la-hán tại làng ấy.

Thưa quý vị, xuyên qua tích này chúng ta thấy tư cách của người tu cố gắng ngăn đón trước bất thiện pháp chưa sanh đừng để phát sanh, là một việc có ích vô cùng trong đường hướng tu tập của mình, ví như vương quốc có xây thành, luyện binh sẵn sàng không còn sợ kẻ ngoại xâm phá rối. Đó là pháp Thận cần trong tứ chánh cần.

Tiếp đến là pháp Trừ cần, thế nào là trừ cần?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Pahāna nghĩa là dẹp bỏ, hủy bỏ, dời đi, trừ cần có nghĩa là cố gắng siêng năng diệt từ các ác bất thiện pháp đã sanh rồi cho tiêu mất đi.

Ác pháp đã sanh rồi, cố tiêu trừ cho diệt mất, đó gọi là Trừ cần.

Thưa quý vị, người tu cần phải cố diệt trừ các ác pháp hèn hạ đã sanh khởi nơi mình, làm cũng như người biết bệnh đã có trong mình liền cố uống thuốc chạy thầy để tiêu trừ căn bệnh ấy.

Khi người đã hành động như thế gọi là người làm sáng chói đời này đúng như Phật ngôn:

“Ai trước sống phóng dật

Sau lại không dễ duôi

Làm sáng chói đời này

Như trăng thoát mây che.”

Và người tu tập trừ cần, diệt trừ ác pháp đã sanh làm cho mất đi, là người đã dọn thân tâm trong sạch, có phẩm hạnh tốt chánh đáng, sẽ đạt đến quả vị giải thoát chẳng sai, như Đức Phật đã khuyên dạy:

“Siñca bhikkhu imaṃ essati

Sittā te lahum essati

Chetvā rāgañ ca dosañ ca

Tato mibbānaṃ ehisi.”

“Hỡi Tỳ khưu, hãy tát cạn chiếc thuyền này, thuyền tát cạn sẽ đi mau; khi người đã đoạn trừ tham ái, sân hận, nhờ đó ngươi sẽ đạt đến Níp bàn.”

Đây tôi xin nhắc lại tích Đại đức Millaka khi chưa xuất gia, ngài là một người thợ săn rất giỏi, giết rất nhiều thú rừng. có lần ngài đến tư thất của một vị Đại đức hành đạo ở trong rừng để xin nước uống, lúc dở nấp lu ra, không thấy có nước, ông giận mới nói: “Thật là tệ, tu chỉ ăn rồi ngủ có lu nước uống cũng không xách được.”

Vị đại đức lấy làm lạ, vì nước mới xách đầy, bèn đi ra xem lu nước, thấy nước vẫn còn đầy, mới múc cho người thợ săn uống. Người thợ săn sợ hãi nghĩ: “Mình đã làm nhiều tội lỗi đến nổi hũ nước đầy mà lại cạn khô”. Chán sợ tội lỗi của mình đã làm, người thợ săn bèn xin xuất gia tu hành, nhưng hành đạo không yên vì cảnh tượng giết chóc ám ảnh mãi.

Về sau, khi nhìn thấy thầy tế độ lấy chỉ một đóm lửa nhỏ để vào đống cây tươi xanh to lớn chất gần đó, chỉ trong nháy mắt cháy thành tro bụi, ấy là lửa địa ngục, do Đại đức tế độ dùng thần thông lấy được. Ngài Millaka nghĩ sợ hãi nỗi khổ trong địa ngục!

Từ đó ông ráng hết sức tu hành không hề xao lãng, khi nào tham thiềnbuồn ngủ, hôn trầm chi phối thì ông lấy khăn nhúm nước bịt đầu, còn chân thì ngâm trong nước.

Một lúc nọ vị Đại đức thầy tế độ thấy vậy mới dạy rằng: “Uy đức thường đến cho người siêng năng; có trí nhớ; việc làm trong sạch, suy nghĩ trước mới hành động sau, hành theo Thánh pháp và không dễ duôi.”

Ông Millaka nghe câu ấy, bèn nghĩ rằng: “Đã gọi là người siêng năng thì người như ta đây có trí nhớ, việc làm chân chánh suy nghĩ trước hành động sau, đã thu thúc trong Chánh pháp, không dễ duôi”. Ông nghĩ thấy sự tu hành của mình trong sạch, ông dùng Trí tuệ quan sát thân này ngộ theo Tam tướng, đắc được Thánh quả khi ấy.

Thưa quý vị, nhắc tích này cho chúng ta thấy rằng Đại đức Millaka là người có đầy đủ pháp chánh cần, nhất là tu tập pháp tinh cần, từ khi còn là thợ săn Ngài cố diệt bỏ nghiệp ác ấy, đến khi xuất gia hành đạo cố đè nén ác nghiệp đã phát sanh cho đến khi thành tựu Đắc quả, thật là Bậc người đáng cho hậu tấn noi guơng.

Kế đến là pháp Tu cần, thế nào là tu cần?

Thưa quý vị, tiếng Phạn Bhāvanā là gieo trồng, phát triển, khai hóa, gọi là tu hay tu tiến, tu cần nghĩa là sự cố gắng siêng năng phát triển Thiện pháp làm cho phát sanh, những thiện pháp chưa sanh.

Thiện pháp dù là việc nhỏ chút ít, người tu cũng không nên xem thường mà bỏ qua, lại phải cố tâm chuyên cần thực hiện.

Như trong kinh Pháp cú Đức Phật có dạy:

“Chớ xem thường phước báo

Cho nó không đến mình

Bình nước được đầy tràn

Cũng do từng giọt nhểu

Người trí thấm nhuần phước

Cũng nhờ chứa lần ít.”

Thưa quý vị, bậc Trí Tuệ luôn luôn tìm xét các việc lành, thực hiện các Thiện pháp khiến cho phát sanh điều lợi ích, các Bậc ấy chẳng dám trì hưỡn dễ duôi.

Nơi đây tôi xin nhắc lại một tích chuyện để chúng ta noi gương.

Thửa xưa, vào thời Đức Phật Kassapa có một vị đạo sĩ hướng dẫn một nhóm cư sĩ theo rất đông, nhưng ngặt nổi, vị đạo sĩ lẫn các người cư sĩ kia không ai trì giới hết dù là ngũ giới.

Một lúc nọ vị đạosuy nghĩ: “Ta hướng dẫn một nhóm cư sĩ như vầy, mà ta không giữ giới chi cả thì có chi là hơn họ đâu?”. Nghĩ rồi vị đạo sĩ thấy vậy liền nghĩ tiếp: “Thế ta cũng chưa hơn gì họ, vậy từ nay ta tiết chế không ăn phi thời.”

Nhóm cư sĩ đệ tử biết thế bèn tính nhau giữ giới không ăn phi thời.

Vị đạo sĩ ấy biết mình cũng vẫn còn ngang hàng với nhóm cư sĩ ấy không hơn gì, thì liền đến xin xuất gia với Đức Thế Tôn Kassapa. Nhóm cư sĩ đệ tử thấy thầy mình xuất gia cao thượng rổi cũng rủ nhau vào xuất gia trong Phật giáo.

Khi đã xuất gia bằng nhau, hết thảy các vị Tỳ khưu đạo sĩ cố tâm hành đạo đắc được Tu-đà-hoàn; các vị kia thấy thế cũng cố gắng lần lược đắc Tư-đà-hườn cả thảy.

Vị tỳ khưu Đạo sĩ cố phát triển thiền định thêm, đạt đến Tư-đà-hàm, rồi A-na-hàm những vị kia cũng gia công Thiền định cho đến đắc quả vị đồng nhau với Tỳ khưu đạo sĩ.

Thấy thế vị này càng tinh tấnthành đạt Thánh quả vô học A-la-hán, là mức độ cùng tột không còn gì hơn nữa, các triền phược đã đoạn trừ, mọi lậu hoặc đã tiêu hủy, không còn sanh tử trong tương lai. Rồi sau đó, các vị đệ tử cũng nỗ lực không ngừng và tất cả đều thành đạt A-La-Hán quả đồng nhau.

Thưa quý vị, nhắc tích này để người tu chúng ta noi gương theo đó mà hành trì, cố gắng phát triển để thành đạt những Thiện pháp gì mình chưa có, như thế đời sống ta mới trở nên thánh thiện tốt đẹp được, và sau cùng mới có đủ thiện duyên để Giác ngộ Níp bàn, thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi; như vị đạo sĩ và nhóm cư sĩ kia vậy.

Sau hết là chi pháp Bảo Cần, thế nào là Bảo Cần?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Anurakkhā nghĩa là hộ trì, gìn giữ, hay bảo hộ, duy trì. Bảo cần là sự tinh tấn cố gắng bảo trì phát triển thêm những Thiện pháp, đã sanh rối càng được tốt đẹp nhiều hơn, không để cho thiện pháp đã sanh bị tiêu mất.

Bậc thiện trí luôn luôn gìn giữ những gì tốt đẹp mà mình đã có, như gìn giữ báu vật đã phát sanh vậy, trước sống trong Thiện pháp sau quên lãng buông lung gọi là kẻ dễ duôi, Bậc thiện trí không thích dễ duôi, y như Phật Ngôn đã giáo truyền rằng:

“Chúng ngu si kém trí

Nối sống đời dễ duôi

Kẻ trí giữ chuyên cần

Như hộ tài sản quí.”

Trong bảy hạng người tợ như lặn nước. Người tu cần phải trở thành như bốn hạng người sau:

-      Như người lặn chìm xuống rồi nổi lên tìm được hướng đi, tức là thánh quả Tu-đà-hoàn.

-      Như người chìm xuống nước rổi nổi lên đi theo hướng đã tìm được, dụ như vị Tư-Đà-Hàm.

-      Như người đang chìm nổi lên mặt nước đi theo hướng đã tìm lội qua bờ kia đứng đó, dụ như vị A-Na-Hàm.

-      Như người đang chìm nổi lên mặt nước lội theo hướng đã tìm qua bờ kia và lên thẳng trên bờ, dụ như thành đạt quả A-La-Hán.

Nếu không tiến đến như vậy, chúng ta hãy ở vào mức độ của hạng người thứ ba là: Người chìm xuống nước rồi nổi lên mặt nước đứng đó không hơn không kém, nghĩa là chỉ cho người hành Thiện mà chỉ giữ trong mức độ như vậy chớ không tiến hóa hơn, cũng không lui sụt.

Thưa quý vị, được như vậy cũng là tốt rồi, đến đây tôi xin thuật một câu chuyện gương mẫu trong pháp Bảo cần để chúng ta tu tập theo.

Xưa có một thiện nam ở tại làng núi Damtavaddhammānātho vào ngày trai giới đến thọ bát quan trai cùng ngài Đại đức Pingala Buddharakkhita tại chùa Ambariya, sau khi thọ xong, ông đi cày ruộng. Lúc ấy con bò của ông đi mất, ông lên núi tìm, vì vô ý ông bị một con trăn to quấn ông, lúc bấy giờ trên tay ông có cầm một con dao thật bén, ông mới nghĩ rằng: “Một khi ta đã thọ giới cùng Bậc có đức hạnh cao, ta không nên để giới hạnh ta bị hư hoại, ta nhất định thà chết còn hơn là phạm giới”, rồi ông liệng con dao ấy ra xa, vì ông sợ rằng con dao còn trên tay ông sẽ giết con trăn, vì tâm ác và lòng tham sống. Nhờ oai lực của sự hy sinh mạng sống để giữ Giới hạnh cho trong sạch, làm cho trăn có cảm tưởng là đang quấn nhằm một lò lửa, nên kinh sợ tháo ra và bỏ chạy.

Thưa quý vị, nhắc tích này cho ta thấy các vị tu hành xưa kia, thật là tinh tấn chân chánh, một khi đã thọ trì Thiện pháp rồi, thì cố bảo trì Thiện pháp ấy cho đến cùng, chẳng dễ duôi để hư hoại, thật đúng là người tu chính chắn. Chúng ta là những người Phật tử nên hành theo gương đó, cố mà gìn giữ những Thiện pháp nào đã phát sanh nơi mình cho được tốt đẹp mãi, nhờ thế mới được an vui luôn luôn.

Thời pháp hôm nay thưa quý vị, tôi vừa đề cập đến bốn pháp Chánh Cần là tư cách cố gắng siêng năng chân chánh không sái quấy là cố ngăn trừ ác pháp và cố trau giồi thiện pháp. Nói cho rõ là 4 tư cách:

-      Một là cách siêng năng ngừa đón các Ác pháp chưa sanh không cho sanh gọi là Thận cần.

-      Hai là cách tinh tấn diệt trừ những Ác pháp đã sanh cho diệt mất gọi là Trừ cần.

-      Ba là cách tinh tấn khai thác các Thiện pháp chưa sanh cho đặng sanh gọi là Tu cần.

-      Bốn là cách tinh tấn bảo trì những Thiện pháp đã sanh cho được còn tốt đẹp mãi gọi là Bảo cần.

Bốn pháp chánh cần này là nền tảng cho sự tu tập của người Phật tử tu hành, nhờ bốn pháp chánh cần này nâng đỡ trong Thiện pháp không bị lui sụt thối hóa, do đó không bị rơi vào con đường bất hạnh, cảnh giới khổ đau, nhất là được mau giải thoát các nổi thống khổ trong đời này. Vì thế mong rằng mỗi mỗi người Phật tử chúng ta ai ai cũng tu tập bốn pháp chánh cần này, cho đặng tốt đẹp.

Thời thuyết trình hôm nay xin kết thúc.

 


BÁO THỜI CỦA NGHIỆP

 

Thời pháp hôm nay tôi sẽ nói về “Báo thời của nghiệp” tức là bàn về cách nghiệp trả quả theo thời gian.

Thưa quý vị, trong Phật giáo chủ trương nghiệp hay Kamma là hành động cố ý, hành vi tư niệm sẽ có phản ứng tự nhiên, chúng ta gọi là quả báo. Phật giáo không tuyên bốmột thế lực tối cao hay một đấng Phạm thiên, tạo hóa sắp để hay định đặt và chúng sanh được thọ lĩnh cảm giác vui hay khổ từ nơi vị tối cao ấy.

Đức Phật có dạy:

“Kammassakā satta kammadāyādā”

Nghĩa là:

“Chúng sanh có nghiệp là của mình, chúng sanh thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nơi y cứ, nghiệp phân chia chúng sanh tức là có hạ liệt và ưu thắng.”

vấn đề Nghiệp báo được xem như là nền tảng kiên cố của đạo Phật về nhân sanh quan của con người.

Thưa quý vị, trở lại theo như đề tài nơi đây tôi chỉ xin trình bày cách trổ quả theo thời gian của nghiệp như sau:

Mỗi hành động hay việc làm nặng nhẹ do nơi dòng tư tưởng mạnh, yếu nên sự phản ứng trổ quả chậm hay mau khác nhau, như có người tạo nên một hành động thì gặt hái hậu quả nhãn tiền; có người hành động mà không thấy gì, đến đời sau mới lãnh hậu quả, rồi có kẻ hành động cho đến kiếp sau sau nữa mới cho quả; cũng có khi người hành động quả mất luôn, ...

Trong bộ Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) có giải về nghiệp trổ quả theo thời là:

  1. Hiện nghiệp.
  2. Sanh báo nghiệp.
  3. Hậu báo nghiệp.
  4. Vô hiệu nghiệp.

Bàn về khía cạnh này, chúng ta nên đi sâu hơn.

Đầu tiên là nói về Hiện nghiệp.

Thưa quý vị, hiện nghiệp theo tiếng Pāli: “Ditthadhammavedaniyakamma” nghĩa là nghiệp được cảm thọ quả ngay hiện tại. Đó là phản ứng của nghiệp ngay trong kiếp sống hiện tiền người ta thường gọi là quả báo nhãn tiền.

Theo Vi diệu pháp giải thích thì một dòng tư tưởng hành động, trong đó có 7 chập tư tưởng tiềm năng, gọi là tâm đổng tốc hay Javana.

Chập đổng tốc đầu tiên có năng lực cho quả hiện tại, có thể trong vòng 7 ngày trở lại hoặc lâu hơn, nhưng cũng trong vòng hiện tiền chập đổng tốc này yếu nhất trong bọn đổng tốc, nên khi muốn trổ quả cần phải việc làm mạnh lớn, và chỉ có thể trổ quả trong một kiếp này thôi; nếu quá kiếp hiện tại, thời chập đổng tốc thứ nhất sẽ trở thành Vô hiệu nghiệp (Ahosikamma).

Thưa quý vị, hiện báo nghiệp nếu là Thiện thì hiện tại sẽ cho kết quả an vui, như tích ông Bhattabhatika tại thành Barānasī là một người làm công không cho Trưởng giả Gandha suốt ba năm trường để đổi lấy chỉ một bữa cơm sang trọng của Bậc trưởng giả.

Sau ba năm làm việc cực nhọc, siêng năng không một chút lỗi lầm, hôm nay là ngày cuối viên quản gia báo cho ông Trưởng giả biết và hôm ấy ông Bhattabhatika được tận hưởng một bữa cơm sang trọng mà phải đổi lấy bao nhiêu cực nhọc, trong suốt ba năm ròng rã ông đang hồi hộp chuẩn bị.

Cũng trong ngày ấy vào đúng buổi sáng từ núi Gumdhamadana có một vị Phật độc giác vừa xả Thiền diệt, Ngài xem xét thấy người làm công Bhattabhatika sẽ tốt phước gặt hái nhiều kết quả, rồi Ngài đắp y mang bát ngự đến đám đông trước phòng ăn của Bhattabhatika ăn và đứng yên đó.

Khi nhìn thấy Đức Phật Độc Giác, ông Bhattabhatika hết sức hoan hỷ, nhịn ngay bữa cơm thèm khát tử lâu vội vàng bưng bát cơm trên tay ngay trước mặt Đức Phật Độc Giác, quì xuống đảnh lễ Ngài, rồi cung kính sớt hết phần cơm vào bát vị Phật độc giác. Xong rồi ông ta quì xuống đảnh lễ một lần nữa, Đức Phật Độc Giác liền phúc chúc cho thí chủ, rồi vận thần thông ngự về núi. Tất cả mọi người ở đấy ai ai cũng thấy rõ và họ chứng kiến lúc ông Bhattabhatika sớt bát cho Phật nên họ rất hoan hỷ reo hò ầm ĩ.

Ông trưởng giả Gandha dạy hỏi việc, biết rõ việc ông cũng rất hoan hỷ và xin chia phước cho, rồi ban bố cho Bhattabhatika phân nữa tài sản của mình.

Ít lâu sau, tiếng đồn thấu đến tai vua, vua mời Bhattabhatika vào chầu thưởng cho ông 1000 đồng tiền vàng về sự bố thí cao cả ấy và ban cho nhiều ngọc ngà châu báu, luôn cả chức vụ giữ kho, như quan giữ kho Gandha vậy, kể từ đó ông hiển nhiên giàu có, người ta gọi là trưởng giả Bhattabhatika.

Thưa quý vị, đấy là hiện nghiệp thiện kết quả hiện tại vui, còn nếu như hiện nghiệp là ác thì sẽ cho quả khổ tức khắc trong đời hiện tại. Như có tích rằng:

Một người kia có danh là Nandagoghātaka làm nghề hàng bò, bán thịt bò để nuôi sống đã hơn năm mươi năm rồi vì đã dùng thịt trong mỗi bữa ăn, nên mỗi bữa ăn đều phải có thịt bò ông mới ăn cơm được.

Ngày kia vợ ông ta bán thịt hết không còn đủ thịt ăn, nên ông giận không dùng cơm. Liền cầm dao ra chuồng bò đè con bò sống cắt lấy một cái lưỡi bảo vợ đem nướng rồi ngồi chờ thịt chín để ăn, khi vợ ông nướng xong mang lên, ông lấy dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày thì quả của nghiệp phát sanh tức khắc, là cái lưỡi của ông Nanda đứt lìa rớt liền xuống mâm cơm, ông ta la khóc như tiếng bò rống, chịu vô cùng khổ sở, sau đó chết sanh vào địa ngục liền. Đây là trường hợp hiện nghiệp ác.

Thưa quý vị, qua hai trường hợp ông Bhattabhatika và người hàng bò Nanda, chúng ta nên biết đó là hiện nghiệp, nghiệp trổ quả hiện tại.Cả hai việc làm đều to tát mạnh mẽ, khiến cho mãnh liệt dòng tư tưởng, nếu thiện thì tối thiện, nếu ác thì ác tột, do đó chập đổng tốc đầu tiên gom mãnh liệt nhiều cho quả ngay hiện tại. Đó là nghiệp trả quả theo thời gian cách thứ nhất.

Kế đến cách thứ hai là Sanh báo nghiệp.

Thưa quý vị, sanh báo nghiệp theo đúng Phạn ngữ là Upapajjavedanīyakamma, nghĩa là nghiệp được cảm thọ quả khi tái sanh, tức là hành động hiện tại, mà kết quả trong đời thứ hai kế tiếp đây và sau khi chết.

Theo Vi diệu pháp giải thích , chập đổng tốc thứ nhất có khả năng trổ quả ngay hiện tại, thì chính chập đổng tốc thứ bảy của dòng tư tưởng có mãnh lực trổ quả trong kiếp thứ hai, chập đổng tốc này cũng không mạnh lắm nên chỉ trổ quả một kiếp thứ hai mà thôi, nếu quá sẽ trở thành Ahosikamma (vô hiệu nghiệp) tuy nhiênviệc làm thường chập đổng tốc này cũng có thể thành nghiệp trổ quả đời kế sau được.

Về trường hợp sanh báo nghiệp này cũng có hai, nếu là thiện thì đời sau được an vui, nếu là ác thì đời sau kế đây bị quả khổ, trong cả hai tư cách sanh báo nghiệp này có khi nhất định cũng có bất định.

Phần thiện, người đắc Thiền định không hoại, chết chắc chắn sanh cõi Phạm thiên.

Phần ác, nếu người phạm ngũ nghịch đại tội (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, chích máu Phật, chia rẽ Tăng) thì sau khi chết chắc chắn phải đọa sanh trong vô gián địa ngục.

Thưa quý vị, nói đến đây tôi xin nhắc lại một sự tích sanh báo nghiệp Thiện như sau:

Thuở ấy, tại thành Sāvatthī có cậu thiếu niên tên Mattakundali con của một ông Bà la môn hà tiện, ông này không hề bố thí cho ai một chút gì, cho đến vợ con trong nhà ông cũng ngại.

Một ngày nọ cậu thiếu niên Mattakundali lâm bệnh nặng, gần chết đi, ông Bà la môn sợ người đến thăm tốn kém cho ông lắm; bèn sai đem cậu con trai bạc phước ấy ra để nằm nơi mái hiên nhà.

Trong ngày ấy, Đức Phật vào buổi sáng dò xét chúng sanh nào hữu duyên tế độ, Ngài nhận thấy cậu Mattakundali sẽ phát niềm Tin nơi ngài và chết sanh về thiện thú, thấy vậy Đức Phật liền mang y bát, ngự đến trước cửa nhà ông Bà la môn ấy, cậu Mattakundali xoay ra nhìn thấy Đức Phật cậu nói thầm: “Ta bị mắc ông cha mù quáng si mê, thành ra không có cơ hội đến gần Đức Phật như vầy, để hầu hạ, cúng dường và thính pháp. Bây giờ may gặp được Ngài, nhưng tay chân đã tê liệt không cử động được gì nữa”, nghĩ rồi cậu Mattakundali đem hết niềm tin thanh tịnh hướng đến Đức Phật với tâm tư vô cùng hoan hỷ.

Đức Thiên Nhân Sư bảo: “Thôi bấy nhiêu đủ rồi” và Ngài ngự đi luôn.

Cậu thiếu niên nhìn theo mãi cho tới khi bóng hình của Đức Từ Phụ biến mất dạng, khi tâm cậu đang trong sạch như thế, cậu tắt thở luôn. Như người ngủ mới thức giấc, cậu thác sanh lên cõi trời, ở trong một tòa kim ốc rộng đến ba mươi do tuần.

Thưa quý vị, trường hợp này gọi là sanh báo nghiệp thiện; còn về sanh báo nghiệp ác như trường hợp ông Devadatta.

Ông là một vị Tỳ khưu trong Phật giáo, trước kia tu hành chính chắn, đắc được tứ thiền ngũ thông, tuy nhiên vẫn còn phàm . Sau đó vì lợi, danh, tài, lợi, quyền thế làm cho mù mắt, nên ông xúi Vua Ajātasattu (A-xà-thế) giết phụ vương để soán ngôi riêng ông thì giết Phật để cai quản Tăng chúng.

Thoạt đầu sai người đi thích khách Đức Chánh Giác nhưng bất thành. Sau đó cho người thả voi điên là Nālāgiri tấn công Đức Phật lúc Ngài đang đi trì bình, nhưng ông ta thất bại. Rồi tiếp tục, ông lên núi phía trên con đường kinh hành thừa lúc Thế Tôn đang ngự lăn tảng đá to xuống, nhưng không sao, chỉ một mảnh nhỏ ném vào chân Thế Tôn làm chảy máu.

Cuối cùng ông tìm cách chia rẽ chư Tăng 500 vị mới xuất gia trong sạch đang sống chung với Tăng chúng. Vì ông Đề Bà Đạt Đa phạm vào hai tội như vậy, nên bị đất rút chết sanh vào địa ngục vô gián hết một ức kiếp.

Lại như vua Ajātasattu do nghe theo lời của thầy Tỳ khưu Đề bà đạt đa hạ sát phụ vương là Đức vua Bimbisāra nên thác sanh vào địa ngục đồng sôi.

Thưa quý vị, đó là những trường hợp sanh báo nghiệp ác, tóm lại sanh báo nghiệp là nghiệp làm trong hiện tạithành tựu quả báo trong đời kế. Tiếp đây, tức là đời thứ hai tùy theo hành động thiện ác mà họ vui hay khổ.

Tiếp theotrường hợp hậu báo nghiệp, Phạn ngữ Apārāparavedamyakamma nghĩa là nghiệp báo ứng hay cảm thọ quả trong các đời khác, khác nữa; tức là nghiệp kết quả sau đời thứ 2, đời thứ 3 trở đi. Nghiệp này có cơ hội trổ quả mãi cho đến khi Níp bàn mới hết và thành Ahosikamma (vô hiệu nghiệp) nghiệp này cũng ví như con chó săn đuổi mồi rượt theo kịp lúc nào thì cắn xé lúc ấy.

Theo Vi diệu pháp giải thích trong một dòng tư tưởng, có 7 chặp đổng tốc tác thành nghiệp, trong đó chính năm chặp đổng tốc giữa là thứ hai đến thứ sáu có năng lực mạnh mẽ nhất gây ảnh hưởng mãnh lực trổ quả tồn tại về sau từ kiếp thứ ba trở đi. Nghiệp này cũng rất quan trọng chớ không phải là thường, trường hợp một người đời sống bị rất nhiều đau khổ, bi đát chẳng phải chung qui do đời trước kế tiếp này tạo đâu mà có thể do nghiệp này tồn tại từ nhiều rất nhiều kiếp xa xưa nữa! Trở thành hậu báo nghiệp cho đến ngày nay.

Thưa quý vị, Hậu báo nghiệp đây cũng có thiện và ác.

Nếu hậu báo nghiệp thiện thì các đời sau cảm thọ quả an vui tốt đẹp như trường hợp Đại đức Sīvali.

Vào thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa) có một thanh niên xuất gia, mà hàng ngày về thọ thực ở nhà cha mẹ, ngày nọ sau khi thọ thực xong, về đến gần Chùa, vị ấy thấy một con chó với một bầy chó con ốm gầy đi không nổi, vì thiếu ăn. Cảnh tình thậtbi đát khi thấy vậy, vị ấy phát tâm thương xót bầy chó không biết lấy gì cho ăn, bỗng nhớ đến mình vừa thọ thực xong, ngài dùng tay móc cổ cho ói ra vật thực, để bầy chó nhờ đó mà ăn lấy sức đi được nơi khác.

Nhờ bố thí như vậy, sau khi chết được sanh về cõi Trời, đến thời Đức Phật Thích Ca vị ấy sanh vào gia đình Phật tử, lớn lên xuất gia theo Phật giáo. Nhờ phước bố thí từ kiếp đó còn dư sót nên Ngài được người trong sạch bố thí cúng dường rất nhiều vật thực, đến nổi dùng không hết vậy. Đó là hậu báo nghiệp thiện như thế còn nếu như hậu báo nghiệp là ác thì cho cảm thọ quả khổ đau.

Như tích nàng Sāmāvatī là hoàng hậu của vua Kudena nàng bị thứ hậu Magandiya thiêu sống cùng chết với 500 tỳ nữ khác, các vị Tỳ khưu đem câu chuyện thương tâm ấy bạch lại với Đức Phật, Đức Thế Tôn liền thuyết tiền kiếp nàng như sau:

Vào thời kỳ không có Đức chánh đẳng chánh giác, dưới quyền thống trị của vua Brahmadatta, hàng ngày có 7 vị Phật Độc Giác được thỉnh vào thọ thực trong thành.

Ngày nọ, 1 trong 7 vị Độc Giác ấy nhập đại định trong khoảng bụi rậm gần mé sông, lúc đó có 500 tỳ nữ của vua dạo chơi, xuống sông tắm bị lạnh bèn xúm nhau đốt lửa bụi rậm để sưởi ấm chừng khi lửa cháy qua hết mới thấy Đức Phật Độc Giác ngồi im đó, không hề hấn gì, các cô nghĩ sợ nhà vua biết chuyện sẽ làm tội, nên tính nhau gom củi khô chất lại đốt Đức Phật một lần nữa cho cháy hết đi.

Khi lửa cháy to rồi bèn trở về, đến ngày xả định Đức Phật Độc Giác vẫn sống tự nhiên, riêng về 500 tỳ nữ ấy có một cô cầm đầu trước không cố ý, sau cố tâm hại Phật, nên chết sanh vào địa ngục, khi thoát khỏi địa ngục được làm người, nghiệp còn dư sót nên ngày nay bị chết cháy như thế. Đây là trường hợp Hậu báo nghiệp.

Tóm lại thưa quý vị, một hành vi thiện hay ác do năm chập tư tưởng đổng tốc giữa có khả năng tích trữ nghiệp trổ quả từ đời thứ ba trở đi thì gọi là Hậu báo nghiệp.

trường hợp cuối cùngVô hiệu nghiệp, thế nào là vô hiệu nghiệp?

Thưa quý vị, danh từ Ahosikamma nghĩa là nghiệp đã cho quả rồi tức là đã qua thời kỳ trổ quả, không còn mãnh lực nữa gọi là vô hiệu nghiệp, ví như trái dừa khi đã lên cây rồi còn cái gáo vỏ không còn trồng lại được nữa, như thế nào thì nghiệp trong trường hợp này cũng thế ấy.

Ở đây có 3 trường hợp thành vô hiệu nghiệp vì đây không phải là có thứ nghiệp, vô hiệu riêng biệt mà là ba loại nghiệp khi không còn mãnh lực trổ quả nữa thì thành vô hiệu nghiệp.

Trường hợp Vô hiệu nghiệp thứ nhất là chập đổng tốc thứ nhất có mãnh lực nghiệp trổ quả hiện tại, nhưng bị một nghiệp khác lướt đi, trổ sanh quả nghiệp không được quá kiếp này thì tâm đổng tốc thứ nhất trở thành vô hiệu nghiệp, như trường hợp những người làm phước hay làm tội mà hiện tại vẫn không có phản ứng kết quả gì ấy là do việc làm không lớn mạnh, cho nên chập đổng tốc đầu tiên không đủ mãnh lực trổ quả, và thành vô hiệu nghiệp đối với loại này.

Trường hợp Vô hiệu nghiệp thứ hai là chập đổng tốc thứ bảy của dòng tư tưởng hành động, có mãnh lực trổ sanh quả trong kiếp thứ hai kế đời hiện tại, nếu trễ quá kiếp thứ ba dù đã trổ quả hoặc chưa kịp thì trở thành vô hiệu nghiệp, là quá kiếp thứ hai rồi, chập đổng tốc thứ bảy không còn mãnh lực trổ quả nữa, để nhường cho hậu báo nghiệp tức 5 chập đổng tốc giữa trổ sanh quả.

Nói về vô hiệu nghiệp thứ hai này như trường hợp chàng Vātarālaka làm đao phủ thủ trong thành Rājagaha, hạ sát tội nhân rất nhiều, đáng lẽ sau khi chết bị sanh khổ thú, nhưng nhờ cúng dường đến Đại đức Sārīputta nên chết sanh vào cõi trời, do đó sanh báo nghiệp của chàng không trổ quả được.

Còn về trường hợp Vô hiệu nghiệp thứ ba là năm chập đổng tốc giữa có mãnh lực trổ quả từ đời thứ ba trở đi nếu có cơ hội, đến lúc ngũ uẩn Níp bàn thì không còn mãnh lực trổ quả nữa hậu báo nghiệp ấy tiêu mất luôn, trường hợp như ngài Angulimāla trước là một tên cướp nguy hiểm vô cùng đã giết chết cả thảy 999 người, lấy 999 ngón tay kết thành vòng mà mang, nhưng sau đó nhờ Phật dùng thần thông hóa độ xuất gia trở thành vị A-la-hán sau đời sống này không còn sanh thú nữa, thì nghiệp giết người không sao trả được kể như trở thành vô hiệu nghiệp.

Tóm lại vấn đề Vô hiệu nghiệp là nghiệp không còn khả năng trổ quả nữa nếu là hiện báo nghiệp thì quá đời hiện tại nghiệp ấy sẽ thành Ahosikamma, và nếu là hậu báo nghiệp thì đến lúc Níp bàn sẽ thành Ahosikamma.

Thưa quý vị, qua bài thuyết trình hôm nay, tôi vừa trình bày về báo thời của nghiệp, tức nghiệp trả quả theo thời gian có 4 là:

-      Hiện báo nghiệp, là hành động trổ quả hiện tại.

-      Sanh báo nghiệp, là hành động trổ quả đời kế sau.

-      Hậu báo nghiệp, là hành động trổ quả từ đời thứ 3 trở đi.

-      Và vô hiệu nghiệp là nghiệp không còn mãnh lực trổ sanh quả nữa.

Như vậy, thời pháp đến đây cũng vừa phải lẽ.

 


ĐẠO PHẬT VỚI TUỔI TRẺ

 

Thời pháp hôm nay tôi sẽ trình bày về vấn đề “Đạo Phật với tuổi trẻ”.

Thưa quý vị, ngày nay chúng ta thấy rằng đa số người khi nghe hai tiếng “đi tu” dều có một thành kiến cho rằng đó là một hình thức yếm thế, chán đời lãng quên sự thật, chối bỏ thực tế, Đạo Phậtgiáo lý chỉ thích hợp với những người lười biếng hoặc tiêu cực, chùa chiền là nơi ẩn của những người chán đời tìm quên sự thế trong lời kinh tiếng kệ, người tu là những người mất đi nhựa sống thiếu sinh lực, tức là những người lỡ vận công danh, thất bại tài tình, hoặc già yếu, ... Nói chung, Đạo Phật là đạo chủ trương tiêu cực; chùa được xem nhưdưỡng đường, người tu được xem như là những người trốn tránh trách nhiệm.

Đó là những thành kiến của đa số người chỉ nhận xét Đạo Phật qua nhãn quan thông thường và thiếu suy nghĩ kỹ.

Ở đây trong bài thuyết trình này chúng tôi sẽ trình bày với quý vị vấn đề ấy.

Thưa quý vị, để đi vào vấn đề, chúng ta sẽ nêu lên một vài nét là:

-      Phải chăng Đạo Phật là một tôn giáo tiêu cực?

-      Phải chăng giáo lý nhà Phật không thích hợp với tuổi trẻtuổi trẻ là tuổi tràn đầy nhựa sống, nhiệt huyết mà Đạo Phật được xem nhưtiêu cực thụ động?

Thưa quý vị, nếu nói theo Đạo Phậttiêu cực, thì theo chúng tôi cũng đúng trên một phương diện, mà lại sai trên một phương diện. Như thế là sao?

Thưa quý vị, khi Đức Phật xuất hiện trên đời truyền bá Giáo pháp, Ngài đã nói rằng: “Cũng như nước biển có một vị duy nhất là vị mặn thì Giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị duy nhất là vị Giải thoát.”

Câu Phật ngôn này cho ta thấy rằng giáo lý của Đức Phậtgiáo lý đặt nặng trọng yếu về phương diện giải thoát xuất thế. Do đó nếu nói Đạo Phậttiêu cực thì sẽ đúng, nếu hiểu là tiêu cực trong các việc ác hạnh hay các việc làm có kết quả kéo dài sự luân hồi, hưởng thụ ngũ dục, ...

Và là sai nếu hiểu theo Đạo Phật tiêu cực trong trách nhiệm bổn phận, nói cho đúng phải nói rằng Đạo Phậttích cực, con người tu Phật chân chánh luôn luôn tích cực trong vấn đề Tu tập để Giải thoát, sự tích cực trong Đạo Phật là vậy.

Thưa quý vị, như trên chúng ta thấy rằng Đạo Phật cũng chủ trương tích cực tinh cần, nào phải là tiêu cực hoàn toàn như người ta nghĩ đâu.

Người tu Phật phải tích cực tinh cần nhưng những sự tích cực tinh cần ấy phải đặt đúng chỗ, thiết thựchợp lý.

Tức là trước sự khổ, tinh cần tu tập cách nào để giải quyết sự khổ, đó gọi là đúng chỗ; hiện hữu bị sự sanh, già, bệnh, chết chi phối, tích cực tinh cần cách nào để giải thoát không bị sự chi phối ấy nữa đó mới là thiết thực. Bị khổ, biết nguyên nhân Sanh khổ, tìm phương pháp Diệt khổ, tích cực tinh tấn hành theo phương pháp ấy mới là hợp lý.

Nói tóm lại, với hạnh phúc hiện thế người Phật tử luôn luôn có thái độ tiêu cực nhưng lại tích cực trong việc tu tập giải thoát vì đó là cứu cánh Diệt khổ, qua những điều trên chúng ta thấy rằng: Bảo Đạo Phật là chủ trương tiêu cực thì quả thật là ngây thơ và nông nổi vậy!

Tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày và phân tích về vấn đề Đạo Phậtthích hợp với tuổi trẻ hay không?

Thưa quý vị, tuổi trẻ là tuổi nhiệt thành, nhiệt quyết tích cực và đầy đủ sinh lực hơn lứa tuổi nào hết. Chính ở tuổi trẻ lý tưởng được thực hiệnmục đích của việc làm được đạt thành.

Thì trở lại vấn đề khi nãy chúng tôi đã trình bày sự tích cực của Đạo Phật, chúng ta thấy rằng như vậy Đạo Phật thích hợp với tuổi trẻ chớ không phải là không thích hợp.

Chọn đời sống xuất gia, khoát lên mình chiếc y, vị Tu sĩ không phải trốn trách nhiệm, đây nói đến phần tử chân chánh, mà là chọn một hướng đi mang một sứ mệnh chấp nhận một đời sống tu tập khuôn khổ. Đi tu không là hình thức thụ động mà ở đó đòi hỏi sự tinh tấn tích cực hơn bao giờ hết, muốn tu thì trước hết phải học mà sự học đòi hỏi ở trí tuệ sáng suốt, một sức khỏe đầy đủ, nếu quý vị học mà sức yếu, suy nhược là một điều trở ngại, sự sáng suốt khó mà phát sanh ở một tấm thân yếu đuối.

Ở pháp học đòi hỏi sức khỏe bao nhiêu thì ở pháp hành cũng vậy, nếu hành pháp mà bị bệnh hoạn thì quả thật là một điều chướng ngại lớn. Nếu quý vị ngồi Hành thiền mà chỉ trong phút chốc đã mỏi lưng, thân uể oải thì khó mà để tâm lắng dịu được.

Ngoài việc Học pháp và Tự tu, vị Tu sĩ còn có trách nhiệm Hoằng pháp để thể hiện lòng Từ bi và đáp lại niềm tin của chúng sanh. Như vậy với những điều này, chúng ta thấy rằng đi tu hay đi xuất gia không phải là một hình thức thụ động mà là hoạt động rất tích cực; có thụ động chăng là cũng có đối với một phần tử không thật tu. Sự tích cực của người tu ấy đòi hỏi ở tấm thân khỏe mạnh một trí tuệ sáng suốt và một nghị lực đầy đủ, tuổi trẻ có đủ những điều kiện ấy nên Đạo Phật rất thích hợp với tuổi trẻ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi bảo người già không tu được, mà ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự thích hợp của tuổi trẻ đối với việc tu tập trong Đạo Phật.

Thưa quý vị, bây giờ tôi sẽ lần lượt trình bày và phân tích về những thích hợp ấy. Tuổi trẻ đối với việc tu tập trong Đạo Phật có ba điều thích hợp như sau:

-      Là có nhiều sức khỏe để học hành giáo lý.

-      Có nhiều nhiệt tâm để hoàn thành phận sự.

-      Có đủ sự sáng suốt để làm tròn chí nguyện.

Trước nhất, là tuổi trẻ có nhiều sức khỏe để học hành giáo Pháp, tại sao vậy?

Thưa quý vị, trong bất cứ môn học nào cũng cần phải có sự kiên tâm và bền bỉ, thì mới có thể học hỏi một cách mỹ mãn. Sự bền bỉ ấy ảnh hưởng một phần ở sự kiên nhẫn và một phần ở sức khỏe, nếu thiếu sức khỏe thì khó mà đeo đuổi hoàn mãn được. Phật Pháp cũng vậy nếu muốn học suốt thông đầy đủ thì cũng cần có những điều kiện là đầy đủ nghị lực, và sức khỏe cho phép. Đó là ở Pháp học, còn ở Pháp hành cũng thế. Nếu thiếu sự kiên tâmsuy nhược thì cũng khó mà thành đạt như ý. Ở giai đoạn tuổi trẻ con người khỏe mạnh hơn bao giờ hết, ở thời trẻ tuổi nhựa sống tràn đầy, sinh lực đầy đủ do đó việc học pháp và hành pháp sẽ thích hợp dễ dàng, đối với tuổi trẻ không bị chướng ngại. Nói đến đây tôi còn nhớ trong kinh Dhamapāda có ghi câu chuyện của hai anh em nọ, người anh tên là Mahāpāla vốn có duyên lành đối với Phật Pháp nên có ý định muốn xuất gia, nhưng người em là Cūlapāla đã ngăn cản và khuyên người anh để đến già hãy xuất gia, đừng phí tuổi thanh xuân hãy sống đời sung sướng như vậy là hạnh phúc.

Với một ý tưởng vững chắcsáng suốt, người anh là Mahāpāla đã trả lời bằng kệ ngôn:

“Jarā ajjaritā honti

Hatthapādā anassavā

Yassa so vihatatthāmo

Kathaṃ dhamma carisati.”

Nghĩa là:

“Tuổi già làm suy yếu

Tay chân khó dạy biểu

Người lực biết sức cùng

Làm sao hành pháp diệu?!”

Thưa quý vị, câu nói trên quả là một phương ngôngiá trị đã ý thức những quan kiến sai lầm là “già rồi hãy tu”. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đã hiểu và biết được Phật Pháp mà tuổi còn trẻ thì hãy cố gắng Tu tập, Học pháp và Hành pháp vì đang ở trong thời thuận lợi nhất vậy.

Tiếp theochúng tôi xin trình bày điều kiện thuận lợi thứ hai đó là tuổi trẻ có nhiều nhiệt tâm để làm tròn phận sự.

Thưa quý vị, trong Phật giáo chẳng phải là một tôn giáo rỗng im lìm lặng lẽ, mà có rất nhiều phận sự cần phải làm, luôn cả Bậc xuất gia và hàng tại gia. Đối với một vị Tu sĩ xuất gia, ngoài việc trau giồi pháp học và pháp hành, nghiêm trì luật cấm, thực hành phẩm hạnh Sa môn, còn phải gánh trách nhiệm Hoằng pháp độ sanh, giữ vai trò sứ giả Như Lai. Tất cả những phận sự ấy đòi hỏi ở một nhiệt thành, nhiệt tâm, nhiệt quyết với ý tưởng và phải cố gắng phấn đấu với mọi trở lực, mới có thể làm tròn được, và đây chỉ thấy ở thời trẻ trung, mới có đủ nghị lực như vậy.

Cũng nên nói thêm rằng, phận sự trong Phật giáo là người tu phải chuyên cần thành đạt cứu cánh giải thoát mình khỏi mãnh lực phiền não, và ngày nào nguời tu chưa tiêu diệt được hết phiền nảo là chưa tròn phận sự. Sự hành pháp để làm tròn phận sự như vậy cũng ở con người xuân trẻ mới có thể đủ nhiệt tâm để thành tựu một cách nhanh chóng.

Nói chung chung, phận sự trong Phật giáo đối với người tu cần đòi hỏi ở nhiệt tâm làm, sốt sắng làm, mà tuổi trẻ dễ nhiệt tâm dễ sốt sắng với việc làm. Do vậy Đạo Phật rất thích hợp với tuổi trẻtuổi trẻ rất thích hợp với Đạo Phật. Tuổi trẻ không thích thụ động, không thích ở yên, dễ nhiệt tâm với phận sự.

Sau cùng chúng tôi sẽ nói đến điều thuận lợi thứ ba của tuổi trẻ với Đạo Phậttuổi trẻ có đủ sáng suốt để làn tròn Chí nguyện.

Thưa quý vị, chúng ta có nguyện vọng đạt thành một cứu cánh nào, mục đích nào thì phải có Trí tuệ và sự tinh tấn trí tuệ hay sự sáng suốt giúp cho ta làm đúng, thực hiện đúng và khéo léo; sự tinh tấnnghị lực giúp ta vượt qua mọi trở ngại. Ở đây chúng ta thấy với một chí nguyện giải thoát, người Phật tử phải có nhiều sự sáng suốt, minh mẩn: sáng suốt trong việc phân biệt pháp nào là chánh, pháp nào là tà, pháp nào nên thực hành, pháp nào không nên thực hành, ...

Để chứng minh rằng tuổi trẻ đối với Đạo Phật rất thích hợp, tuổi trẻ cũng có trí tuệ để đạt thành chí nguyện, tôi xin nhắc câu chuyện Sadi Sukha bảy tuổi đạt thành quả vị A-la-hán.

Thuở ấy Sadi Sukha theo thầy thế độ là Đại đức Sārīputta đi khất thực, bên đường vào xóm thấy con đường đào dẫn nước vào ruộng bèn hỏi thầy: “Bạch ngài người ta dẫn nước để làm gì?”. Đại đức đáp: “Người ta đào mương để dẫn nước đi chỗ này đến chỗ kia, dẫn đến chỗ khô để làm ruộng”. Sadi Sukha hỏi thăm và nghĩ rằng: “Nếu người ta có thể điều khiển, hướng dẫn một vật không có trí khôn đi từ chỗ này đến chỗ kia theo ý muốn, tại sao người ta không để điều khiển được Tâm trí của chính mình, tự kiểm sát tâm và hướng dẫn theo ý muốn cố gắng để thành đạt đạo quả A-la-hán”.

Đi được một đỗi xa, vị Sadi thấy người ta đang chuốc tên, người ấy hơ cây tên trên lửa, để uốn nắn cho nó ngay thẳng. Khi ấy mới lên tiếng hỏi thầy: “Bạch ngài người ta đang làm gì?”. Đại đức đáp: “Đó là người thợ chuốc tên, người ấy hơ cây tên trên lửa để uốn nắn cho nó ngay thẳng.” “Bạch ngài cây tên ấy có trí khôn không?”. Đại đức dạy rằng “Này con, nó là một vật vô tri không có trí khôn đâu”. Vị Sadi tự nghĩ: “Nếu người ta có thể hơ lửa uốn nắn một cây que vô tri giác, không có trí khôn để làm cho nó ngay thẳng tại sao chúng sanh lại không thể kiểm soát uốn nắn tâm này để thành đạt quả vị A-la-hán”.

Tiếp tục đi thêm một đổi nữa, vị Sadi trẻ nhìn thấy những người thợ đóng xe, người thì chuốc căm xe, người thì đảo niềng, người thì đục lỗ cây trục, ... thấy vậy mới hỏi thầy: “Bạch ngài, người ta làm gì?”. Đại đức đáp: “Người ta đóng xe, họ đang đục, đẽo, chuốc, bào cây để làm thành xe”. “Bạch ngài, vậy những vật ấy có trí khôn không?”. Đại đức đáp: “Này con, các vật ấy không có trí khôn đâu”. Một tư tưởng sau đây liền phát sanh đến vị Sadi trẻ tuổi: “Nếu người ta có thể bào dọn, dùng những khúc gỗ vô tri kia để làm thành những bộ phận của một chiếc xe, tại sao những chúng sanh có đầy đủ trí khôn, lại không kiểm soát mình để thành đạt quả A-la-hán?”.

Bấy giờ vị Sadi trẻ tuổi Sukha liền xin phép Đại đức Sārīputta cho mình trở về tịnh thất và trao y bát lại cho thầy, rồi trở lại vào Chùa vào phòng đóng cửa lại, ngồi xuống, yên lặng tập trung tư tưởng, cố gắng thành đạt một quan niệm rõ ràng và chân chánh về bản chất thật sự của chính bản thân mình.

Đức hạnh thanh tịnh của vị Sadi trẻ tuổi mạnh tột độ làm cho Đức Đế Thích nóng nảy, ngài quán chiếu thấy vậy, liền cùng bốn vị Thiên vương hổ trợ vị Sadi hành đạo bằng cách xuống canh giữ im lặng chung quanh tịnh thất, không có cho tiếng động nào. Chẳng mấy chốc khi Đại đức Sārīputta vừa về tới thì Sadi Sukha cũng vừa thành đạt đạo quả A-la-hán, vua trời và bốn vị thiên vương hoan hỷ ca tụng rồi trở về cõi trời.

Thưa quý vị, vừa rồi tôi đã trình bày với quý vị về vấn đề Đạo Phật với tuổi trẻ, để minh chứng những thành kiến sai lầm và nêu lên những thích hợp của tuổi trẻ trong vấn đề học pháp và hành pháp. Vậy tôi mong rằng những người Phật tử chúng ta những ai còn ở thời tuổi trẻ thì hãy tận dụng những thuận lợi ấy để theo đuổi, thực hành nguyện vọng giải thoát, vì ở thời này ta có thể thành tựu được chí nguyện dễ dàng. Nếu chúng ta dễ duôi, thì đến khi vô thường, già hay bệnh hoạn không thể tu học được nữa thì dù hối tiếc cũng đã muộn, như trong kinh Dhammapāda, Đức Phật có dạy:

“Trẻ không sớm biết tu hành

Không lo tài sản để dành mai sau

Cò già ủ rũ bên ao

Cá tôm chẳng có xanh xao chết dần.”

Lại nữa:

“Trẻ không sớm biết tu hành

Không lo tài sản để dành mai sau

Như cung bị gãy hai đầu

Nhìn về quá khứ khổ sầu thở than!”

Thưa quý vị, thời pháp tôi thuyết trình hôm nay đến đây cũng phải lẽ.

 


BA YẾU PHÁP DẪN ĐẾN GIẢI THOÁT

Thời pháp hôm nay tôi xin đề cập đến “Ba yếu pháp dẫn đến giải thoát”.

Thưa quý vị, khi nhận mình là Phật tử cũng như khi khép mình vào đời sống tu tập, tôi nghĩ tất cả những người Phật tử chân chánh đều nhìn nhận rằng mục đích của sự tu tập phải là sự chấm dứt khổ.

Trên tất cả mục tiêu giải thoát, được người Phật tử xem cứu cánh duy nhất và những gì đưa đến giải thoát được xem là trọng yếu nhất, cần phải thực hành không thể là một người Phật tử, khi không có chí nguyện giải thoát và có thể nói rằng không thể có sự thành tựu cứu cánh giải thoát nếu không hành trình đúng con đường Chánh đạo.

Do đó, phương pháp thực hành đưa đến diệt khổ được xem là hết sức trọng yếu đối với việc thành tựu giải thoát, nói rộng hơn là đối với người Phật tử.

Hôm nay trong đề thuyết trình này, chúng tôi xin mạn phép trình bày với quý vị sự kiện liên quan trong vấn đề ấy theo sự học hỏi về Phật pháp của chúng tôi.

Thưa quý vị, có ba pháp được xem là thiết yếu trong việc tu tập của người Phật tử, giúp cho chúng ta thành tựu nguyện vọng giải thoát, ba pháp ấy là Tín, Hạnh và Nguyện.

Để quý vị hiểu rõ về ba pháp này chúng tôi xin lần lượt giải thích từng chi pháp. Trước hết tôi xin giải về pháp thứ nhất đó là Tín.

Thế nào là Tín?

Thưa quý vị, tín dịch từ Phạn ngữ Saddhā nghĩa là sùng mộ, niềm tin, sự tín nhiệm thật khó mà định nghĩa giải thích một cách trọn vẹn, và đầy đủ Phạn ngữ Saddhā hay Tín vì danh từ Phạn ngữ này có một nghĩa hết sức rộng và sâu sắc.

Khi được đức vua Milinda hỏi về trạng thái của “Tín” (Saddhālakkhana), Đại đức Nāgasena một vị A-la-hán uyên thâm giáo lý đã trả lời một ví dụ rằng:

“Như một đoàn người trên con đường đi gặp một đường nước to do mưa chảy tràn xuống, cắt ngang đường đi. Đoàn người dừng lại lòng phân vân chẳng biết chỗ nước đó sâu hay cạn, có nên đi hay trở lại mà đi có chắc là được không? Bấy giờ cũng có một người đi đến chỗ đó vốn có kinh nghiệm đường đi nước bước, bèn vén gọn y phục dò dẫm xuống nước, lội thẳng qua kia an toàn. Đoàn người kia thấy người ấy đi qua rổi thì mạnh mẽ lội qua theo thẳng bên kia. Thí dụ như thế nào thì trạng thái của Đức tin như thế ấy, đoàn người trước phân vân dừng bước vì chưa có niềm tin thấy chắc biết chắc, sau lại mạnh mẽ bước qua đường nước ấy, niềm tin cũng giống như niềm tin của người Phật tử vậy.”

Thưa quý vị, với thí dụ súc tích trên Đại đức Nāgasena đã cho chúng ta ba khía cạnh của Đức tin, khía cạnh thứ nhất đức tin là sự (chắc thật) tin tưởng không có sự ngờ vực, khía cạnh thứ hai đức tin là sự chắc thật bảo đảm có sự suy xét chắc chắn, khía cạnh thứ ba là niềm tin giúp cho ta mạnh dạn tiến đến những gì mong mỏi.

Ở khía cạnh thứ nhất, niềm tin được xem là một sự tin tưởng không có sự ngờ vực, không thể có một niềm tin với đối tượng nào mà lại có phân vân với đối tượng đó hay trái lại cũng như không bao giờ có một ánh sáng trong bóng đen và bóng đen không bao giờ có ở ánh sáng. Điều đó được Vi diệu pháp giải rõ sở hữu hoài nghi hay sự lưỡng lự phân vân chỉ sanh nơi tâm ai hoài nghi, một tâm mê mờ thiếu sáng suốtsở hữu Tín hay trạng thái tin tưởng chân chánh chỉ sanh ở tâm tịnh hảo.

Ở khía cạnh thứ hai là sự chắc thật, bảo đảm có sự suy xét sáng suốt trong thí dụ đã cho ta thấy rõ đoàn người lữ hành đã mạnh dạn đi qua con đường nước và được an toàn, vì có sự tin tưởng khi đã thấy một người đi qua sông, tức là những người ấy đã tin tưởng mạnh dạn và sự tin tưởng ấy sanh lên nhờ sự “thấy chắc biết chắc”.

Niềm tin của người Phật tử phải là niềm tin như vậy, nghĩa là một niềm tin xây dựng trên căn bản Trí tuệ sáng suốt, tức là sự tin tường vào lẽ thật do sự suy xét kỷ lưỡng, không vội vàngmù quáng có như vậy niềm tin mới được bảo đảm và có lợi ích thiết thực. Nhất là không lay chuyển bởi điều tà vọng. Trong kinh có ghi lại một câu chuyện nói về niềm tin của một vị Thánh nhân khắc phục và chiến thắng lời tà ngụy, câu chuyện được ghi rằng:

Saṇkhali là một thiện nam chứng quả Tu-đà-hoàn trong một lần thính pháp nơi Đức Phật, Saṇkhali từ bỏ mọi hình thức cúng tế mê tín, nên không làm các cuộc tế tự, có một vị Chư thiên vì không nhận được tế lễ nữa nên muốn làn cho thiện nam Saṇkhali có niềm tin sai lệch nơi Tam bảo, để làm các việc tế tự, nên biến thành Đức Phật và đầy đủ uy nghi phẩm hạnh đi đến nhà người thiện nam ấy, gọi đến và dạy rằng “Khi trước tại pháp đường ta giảng rằng thế gianvô thường, khổ não, và vô ngã đó chỉ là phương tiện thuyết thôi, chứ thật ra thế gian này là trường tồn, an lạc, và hữu ngã, ngươi hãy tin như vậy”.

Với một người thành tựu niềm tin bất thối nơi Tam bảo, một niềm tin do sự liễu tri thật thể của các pháp, thiện nam Saṇkhali nhận rõ đó là sai lạc, nên đã trả lời: “Ông là ai? Là ma vương chăng mà lại nói như vậy! Đừng nói thế, đó là sai lầm, một Bậc giác ngộ không bao giờ dạy như vậy”. Vị chư thiên tà ấy biến mất tại chỗ.

Thưa quý vị, với câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy: Nếu một niềm tin mù quáng không phải do sự biết chắc, thấy chắc sẽ đổ vỡ trước những điều sai lạc, trái lại niềm tin được xây dựng trên căn bản Trí tuệ sáng suốt thì quả thật niềm tin ấy vô cùng bảo đảm đáng được gọi là niềm tin bất thối.

Vì vậy người Phật tử yếu tố quan trọng nhất để việc tu tập được tiến triểnxây dựng cho mình một Niềm tin do sự suy xét sâu rộng.

Sang khía cạnh thứ ba niềm tin là một sức mạnh giúp chúng ta mạnh dạn tiến tới những gì chúng ta mong mỏi.

Thưa quý vị, đừng nói chi đến việc tu tập đối với những việc thông thường trong đời sống hằng ngày, niềm tin cũng đóng một vai trò trọng yếu, một nhà doanh nghiệp không thể tạo nên tài sản lớn, nếu thiếu niềm tinnghị lực, một nhà giáo dục không thể làm tròn phận sự nếu không tin tưởng vào khả năng, vào sự lợi ích thiết thực của việc giáo dục, ... còn đối với người Phật tử không thể học pháp hành pháp nếu thiếu sự tin tưởng vào hiệu năng của Chánh pháp. Đại đức Nāgasena đã cho chúng ta hình ảnh hết sức sinh động về sức mạnh của niềm tin: Đoàn người lữ hành mạnh mẽ tiến bước vượt qua rạch nước khi tin tưởng rằng: “Mình sẽ đi được” do thấy một người cũng như mình đã đi qua tới bờ kia an toàn.

Sức mạnh của niềm tin có mãnh lực vô cùng khiến người ta có niềm tin rồi thì vượt qua tất cả để đạt đến mục đích mà mình đã mong mỏi. Khi xưa thuở ông Cấp Cô Độc chưa là thánh cư sĩ trong Phật giáo, có lần đến nhà anh rể được nghe tán dương Ân đức Phật trong Phật bảo ông phát niềm tin trong sạch nơi Đức Phật không đợi đến sáng, giữa đêm ông bỏ nhà đi tìm Đức Phật dù trong đêm tối và phải đi qua một bãi tha ma, vấp nhầm xác chết nhưng vẫn cố đi, cuối cùng gặp Phật nghe pháp và đắc thánh quả Tu-đà-hoàn.

Thưa quý vị, vì thế Đức tin đối với người Phật tử là điều thiết yếu dẫn đến thành tựu nguyện vọng.

Tuy nhiên chúng ta cần ghi nhận rằng không phải niềm tin nào cũng dẫn chúng ta đến tốt đẹp, có 2 thứ niềm tin:

1.     Tà tín (Micchāsaddhā): sự tin tường mù quáng, lầm lạc, tin vào kẻ sai quấy, tà tín là niềm tin xây dựng bằng sự mê mờ thành kiến, theo sở thích sai lầm.

2      Chánh tín (Sammāsaddhā) là niềm tin sáng suốt phát nguồn từ một trí tuệ suy tư chu đáo, một niềm tin chân thành.

Nếu Chánh tín dẫn chúng ta đi đến chỗ tốt đẹp như thế nào, thì Tà kiến dẫn chúng ta đi đến chỗ tai hại như thế ấy, vì niềm tin đúng sẽ đến hành động đúng, hành động đúng sẽ dẫn đến an lạc, nếu niềm tin sai sẽ đưa đến khổ đau.

Do niềm tin có tác năng mạnh như vậy nên người Phật từ chúng ta phải cần thận trọng trong việc đặt niềm tin, phải xét kỷ trước khi tin, phải hết sức dẻ dặt, sự cẩn thận bao giờ cũng tốt hơnvội vàng cẩu thả, một niềm tin có được do nhờ sự dè dặt thận trọng suy xét kỷ lưỡng sẽ bảo đảm cho bước tiến tu tập của chúng ta nhiều.

Như vậy chúng ta sẽ trình bày pháp thiết yếu thứ nhất, tiếp đến là nói về yếu pháp thứ hai là “Hạnh”.

Thế nào là Hạnh?

Thưa quý vị, Hạnh (Casita) có nghĩa là hành nghiệp, việc làm, nói rõ hơn là việc làm để đạt đến mục đích. Nếu so với tín ta có thể nói Hạnh là phần chủ yếu để đạt đến cứu cánh , còn Tín chỉ là động lực trợ giúp.

Nếu một người chỉ có Đức tin nơi Tam bảo mà không thực hành theo Giáo pháp thì vẫn không bao giờ thành tựu được hạnh phúc giải thoát.

Có hai thứ Hạnh:

1.     Tà hạnh (Micchācarita) là những việc làm tà vọng của thân tâm, có hậu quả khổ đau. Tà hạnh gồm những hành động ác của thân gọi là thân ác hạnh, lời nói thô ác của khẩu gọi là khẩu ác hạnh, ý nghĩ ác quấy của ý là ý ác hạnh. Ba hạnh nghiệp này được xem nhưcon đường sai lạc đối với nguyện vọng giải thoát vì nó dẫn đến đọa lạc, gây ra sự đau khổ.

2.     Chánh hạnh (Sammācarita) hay Thiện hạnh (Sucarita) là hành động chân chánh đúng đắn, tốt đẹp. Chánh hạnh được xem như điều kiện tất yếu phải có đối với người hướng đến Đạo quả Níp bàn. Cũng như việc uống thuốc trị bệnh là việc phải làm cấp bách đối với bệnh nhân muốn khỏi bệnh.

Vì vậy để chí nguyện giải thoát được mau thành tựu, thì người Phật tử cần trau giồi chánh hạnh một cách đầy đủ, chánh hạnh ấy được biểu hiện qua đời sống của chúng sanh, niềm tin nơi Phật Pháp. Mà sống đời buông lung phóng túng tất nhiên sẽ xa vời đối với mục tiêu dứt khổ, chánh hạnh chỉ có khi nào chúng tađời sống qui củ , nề nếp , tinh cần không phóng đãng.

Thuở Đức Phật còn tại thế, có một vị Bà la môn tên Dhotaka một hôm đến nghe pháp với Đức Phật liền phát tâm tín thành nơi Tam bảo, nhưng với tâm yếu ớt Dhotaka thấy rằng mình khó mà thực hành được thành tựu nên đến gần Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn tế độ cho con, xin Thế Tôn diệt trừ phiền não uế trược cho con.”

Bằng lời từ tốn Thế Tôn đã trả lời: “Này Dhotaka! Như Lai không thể đem lại Đạo quả giải thoát cho ngươi, chỉ có ngươi tự mình thực hành pháp cao thượng, mới có thể đạt đến giải thoát được. Bậc trí thức hằng tự mình làm cho mình được giải thoát, vì vậy ngươi nên giải thoát cho chính mình bằng cách thực hành Thiện pháp.”

Thưa quý vị, nhắc lại câu chuyện trên chúng ta muốn nói với quý vị rằng sự thực hành giáo pháp tức là những việc làm thiện hành là điều cần thiết nhất để đưa đến giải thoát.

Đức Phật hằng dạy rằng Giáo pháp của Như Lai không phải là những thứ triết thuyết làm thỏa mãn tính tò mò của những người muốn khám phá các sự vật chung quanh mình, mà Giáo lý của Như Lai truyền dạy là những gì thiết thực để thực hành đưa qua đại dương sanh tử.

Đức Phật cũng dạy rằng: “Giáo pháp của Ngài là những giáo điều, được gọi là Ehipassiko nghĩa là đến với Giáo pháp thực hành để đưa đến thực chứng”.

Thưa quý vị dù Đức tin có nhiều nguyện vọng cao nhưng tất cả những điều ấy sẽ ảo huyền nếu không có sự thực hành. Trong bộ kinh Majjhimānikāya. Đức Phật đã xác nhận điều ấy khi một người Bà la môn đến hỏi Ngài, sự mong muốn có đưa đến thành tựu không? Thế Tôn trả lời: “Nếu nguyện vọng mà không thực hành chánh đáng thì sẽ không thành tựu nguyện vọng, nếu có nguyện vọng mà lại thực hành chánh đáng thì sẽ thành tựu điều mà mình mong muốn, nếu không có nguyện vọng và không có sự thật hành chánh đáng tất nhiên sẽ không đưa đến gì cả, nhưng dù không có nguyện vọng mà lại có sự thật hành chánh đáng thì cũng vẫn có kết quả.”

Để sáng tỏ hơn, Đức Phật đã cho ta một ví dụ vô cùng rõ rệt:

“Cũng như người muốn có dầu đổ cát vào thùng rồi rưới nước mà ép, do làm sai lạc như vậy dù có nguyện vọng cũng không đạt được dầu, trái lại có những người mong muốn có dầu liền đổ hạt dẻ vào thùng rưới nước và ép tất sẽ đạt được dầu, dù người ấy có nguyện vọng hay không, nhưng vì có thực hành đúng cách. Cũng như thế người muốn mà hành không đúng thì không đạt thành nguyện vọng, ngược lại người có nguyện vọng tin tưởngthực hành đúng đắn thì sẽ đạt đến mục đích mà mình mong mỏi.”

Thưa quý vị, với những lời dạy trên đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự thực hành đối với nguyện vọng là như thế nào và nói rõ hơn là muốn thành tựu những gì mình muốn phải có sự thực hành chánh đáng. Cố nhân đã nhận hiểu điều đó khi dạy rằng: “Nghĩ hay nói hay mà không làm thì chưa hay, nghĩ hay nói hay lại làm hay thì quá hay”. Câu nói ấy thật là thâm thúychuẩn xác quá.

Với người Phật tử, Đức Phật là vị Giáo chủ được xem như một người chỉ đường hay hướng đạo, giáo phápĐức Phật truyền dạy được xem như bản đồ vẽ con đường, còn sự thực chứng giác ngộ thì phải tự thực hành bằng sự tinh cần nỗ lực.

Tôi còn nhớ trong kinh có ghi lại khi Đức Phật còn tại thế có vị pháp sư học nhiều hiểu rộng xuất sắc hơn người, nhưng rất tiếc sự thực hành và sự thực chứng không có, vì vậy vị này có những hạnh kiểm không mấy tốt đẹp, để khiển trách vị ấy Đức Phật đã dạy:

“Dù người học rộng nói nhiều kinh

Nhưng lại dễ duôi không thực hành

Như kẻ chăn bò cho người khác

Phẩm hạnh Sa môn chẳng hưởng phần.”

Với tất cả những điều đã trình bày cho ta thấy việc thực hành hết sức quan trọng đối với người tu, thành thử gọi “Hạnh” là yếu pháp đưa đến giải thoát.

cuối cùng chúng tôi xin trình bày về yếu pháp thứ ba dẫn đến giải thoát là “Nguyện”.

Thưa quý vị, “Nguyện” tức là nguyện vọng nghĩa là sự mong mỏi hoài bão ước muốn có thể nói là lý tưởng. Một cậu học sinh chăm chỉ từng ngày từng tháng với hy vọng đạt được đến bằng cấp, đó là một nguyện vọng. Rồi có bao nhiêu người cả năm này tháng kia đem cả sức lực lẫn tâm trí làm việc này việc nọ, mỗi người ấy đều có một nguyện vọng. Hình như hầu hết đa số mọi người đều có một nguyện vọng riêng dù cao thượng hay thấp hèn.

Trên bước đường tu người Phật tử cũng vậy, nghĩa là cũng vẫn có nguyện vọng hay hoài bão nhưng nguyện vọng ấy không giống như những nguyện vọng thông thường, mặc dù cũng là sự mong muốn.

Tư tưởng Tây phương có câu: “Cũng như những ngôi sao, giúp cho những nhà hàng hải định hướng đi, nguyện vọng sẽ giúp cho người tìm được hướng đi và hướng dẫn con người đi trọn vẹn con đường đó”.

Và ta có thể ví dụ sự thực hành hay “Hạnh” như một con tàu. “Tín” hay niềm tin được xem như bánh lái của con tàu.

Sự đến đích là ở con tàu, tàu chạy được do động cơ, thẳng tiến được nhờ bánh lái, cũng vậy việc làm phải có niềm tin. Tin mà không làm thì cũng hóa ra chẳng có chi hết, có niềm tin có hành động mà thiếu lý tưởng nguyện vọng hay chí hướng thì ta làm để chi đây?

Thưa quý vị, như thế thì “Nguyện vọng” đối với việc làm của người ta quả cũng là một vấn đề quan trọng, chớ không thường.

Chúng ta cũng nên nhớ, nguyện vọng tốt đẹp chánh đáng sẽ dẫn đi trên con đường tốt; ngược lại nguyện vọng xấu thì dẫn đi đến chỗ xấu. Như Vi diệu pháp có giải rằng:

“Micchattapaṇidhi akusalacittaṃ hetup padaṃ hoti,

Sammattapaṇidhi kusalacittaṃ hetuppadaṃ hoti.”

Nghĩa là: “Hướng mình theo nẻo tà là nhân sanh tâm bất thiện. Hướng mình theo lẽ chánh là nhân sanh tâm thiện.”

Vì nguyện vọng có tác dụng ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như vậy nên người Phật tử cần phải (tu) lập cho mình nguyện vọng tốt đẹp, tức là nguyện vọng mong mỏi đạt đến giải thoát.

Trong mọi pháp tu, tức là trong những việc làm phước thiện của người Phật tử nếu không có nguyện vọng chánh đáng thì hóa ra vô ích với đời sống tu tập, thí dụ như một người bố thí với tâm mong mỏi sau này được vật này vật nọ như vậy sự bố thí ấy là sự ôm ấp, có nguyện vọng thấp hèn, dính mắc. Tất nhiên không phù hợp với tinh thần của người Phật tử.

Trong mười pháp Ba La Mật (Pārāmi) có Chí nguyện độ là sự hoài bão thành tựu giải thoát, độ này rất quan trọng. Nếu bố thí, trì giới,… mà không có chí nguyện giải thoát thì không thành pháp Ba La Mật.

Cũng nhờ có chí nguyện giải thoátBồ Tát đã kiên tâm bền lòng thực hành tròn đủ pháp Ba La Mật, có những khi Bồ Tát tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn, bất chấp tất cả, có những kiếp Bồ Tát bố thí vợ, bố thí con, bố thí thân mạng để hành Ba la mật, ta có thể hỏi tại sao Ngài có hùng tâm đến như vậy? Rất dễ hiểu vì Ngài có nguyện vọng cao cả quá mạnh.

Thưa quý vị, do đó để có thể đi trọn con đường tu tập người Phật tử hãy lập cho mình một chí hướng, một nguyện vọng chánh đáng. Như vậy, có thể tạm nói chúng tôi đã trình bày về yếu pháp thứ ba là “Nguyện” hay “Nguyện vọng” của người Phật tử.

Tóm lại trong thời pháp này chúng tôi đã nói về ba yếu pháp đưa đến giải thoát là ba nhân tố căn bản mà tất cả những người Phật tử nào bước theo dấu chân Đức Phật đều phải thực hiện. Ba nhân tố ấy là “Tín” (Saddhā) tức Niềm tin hay đức tin; thứ hai là “Hạnh” (Carita) tức là sự thực hành và thứ ba là “Nguyện” (Paṇidhi) tức nguyện vọng hay chí hướng. Chúng ta hãy tạo cho mình một niềm tin chân chánh sáng suốt nơi Tam Bảo tức Phật, Pháp, Tăng; tin nơi lý nhân quả. Tin nơi Phật, chúng ta sẽ bước theo dấu chân Ngài; tin nơi lý nhân quả, chúng ta làm những thiện nghiệp để đem lại hậu quả an lạc và tránh những điều bất thiện để khỏi bị quả báo khổ ưu. Khi đã có một đức tin chân chánh sáng suốt chúng ta hãy làm tất cả những gì chánh đáng, đừng để niềm tin của chúng ta vô cớ, nếu được niềm tin cao quí thì nên thực hành Phật Pháp để được cao quí hơn.

Song song với việc làm tốt đẹp, chúng ta hãy có nguyện vọng chân chánh, thích đáng để niềm tin và sự thực hành của chúng ta trở nên thật sự hữu ích, tương lai được an lạc, mục tiêu không bị sai lệch.

Đây là lời di huấn của Đấng Đạo Sư đã giáo giới chúng ta:

“Appamādena sampādethā ti.”

“Hãy tinh cần chớ dễ duôi.”

Kết luận:

Pháp tu trọng yếu có ba

Giúp người tu Phật vượt qua luân hồi

Một, Tin Tam Bảo ba ngôi

Tin vào nhân quả để rồi tiến tu

Hai, Hành ly thế mịt mù

Dốc lòng tu tập cho dù nhọc thân

Ba là Nguyện vọng siêu nhân

Ước mong giải thoát trầm luân khổ sầu

Trí nhân muốn vượt trần lao

Nương theo ba pháp, tu sao cho tròn.

Thưa quý vị, thời pháp đến đây cũng thích hợp.

 

NĂNG SUẤT CỦA NGHIỆP

 

Thời pháp hôm nay tôi xin nói về “Năng suất của nghiệp”. Nghiệp là sự cố quyết hành động đúng như Phật ngôn: “Cetanāhaṃ bhikkhave.kammaṃ vadāmi.” - “Này chư Tỳ khưu ta nói nghiệp là sự cố ý.”

Thưa quý vị, năng suất của nghiệp là lượng năng hiệu lực trổ quả của hành động. Mỗi mỗi hành động tùy theo việc làm và cách làm đều có mang sắc thái riêng để tạo quả chớ không phải giống nhau đâu. Ở đây có bốn sắc thái của hành động mà gọi là năng suất của nghiệp cũng như bộ Visuddhimagga giải thích bốn sắc thái ấy là:

  1. Trọng nghiệp (Garukakamma).
  2. Thường nghiệp (Bahuhikamma).
  3. Cận nghiệp (Āsamnakamma).
  4. Vô ý nghiệp (Katattakamma).

Bây giờ để thấu hiểu các vấn đề này chúng tôi xin phép bàn sâu vào chi tiết.

Trước hết là nói về trọng nghiệp.

Thưa quý vị, trọng nghiệp Phạn ngữ gọi là Garukakamma, là nghiệp nặng nề trọng đại, nghĩa là nghiệp mạnh mẽ có năng lực, trổ quả lấn áp các nghiệp khác, có thể nói trọng nghiệp là nghiệp cố định phải trổ quả như vậy.

Trọng nghiệp có 2 là: thiện và ác.

Trọng nghiệp thiện là hành động lành có năng lượng mạnh mẽ, nghiệp này chỉ là ý nghiệp, đó thuộc về Thiền định như là:

  1. Đắc Sơ thiền Sắc giới.
  2. Đắc Nhị thiền Sắc giới.
  3. Đắc Tam thiền Sắc giới.
  4. Đắc Tứ thiền Sắc giới.
  5. Đắc Ngũ thiền Sắc giới.
  6. Đắc Không vô biên xứ thiền Vô sắc giới.
  7. Đắc Thức vô biên xứ thiền Vô sắc giới.
  8. Đắc Vô sở hữu xứ thiền Vô sắc giới.
  9. Đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền Vô sắc giới.

Tất cả 9 bậc thiền này được xem nhưtrọng nghiệp thiện vì cho quả lành một cách mạnh mẽ, không sai chạy; người nào đắc thiền nếu không hư hoại sau đó thời chắc chắn Thiền trổ quả sanh làm Phạm thiên chẳng sai, tùy theo bậc thiền.

Còn về trọng nghiệp ác, thưa quý vị là hành động bất thiệnnăng lượng mạnh mẽ trổ quả nhanh chóng nghiệp này, có thể là thân nghiệp hay khẩu nghiệp. Trọng nghiệp ác có 5 là:

  1. Giết cha.
  2. Giết mẹ.
  3. Giết A-la-hán.
  4. Làm thân Phật chảy máu.
  5. Chia rẽ Tăng chúng.

Đó là 5 trọng nghiệp ác, năm hành động này có thể thành hiện nghiệp và thành sanh báo nghiệp một cách rõ rệt trổ quả lấn lướt các nghiệp khác.

Một người khi đã phạm tội vào một trong những trọng nghiệp ác này thì dù có tạo các việc phước lớn như tạo Tháp xá lợi bằng vàng, chùa tứ phương Tăng, hoặc Trai Tăng khắp trong Sa bà thế giới, ... có là như thế đi nữa, cũng không thể ngăn ngũ nghịch trọng tội ấy được. Khi chết chắc chắn phải đọa sanh trong địa ngục, như vua Ajātasattu nghe lời thầy Devadatta hạ sát phụ vương để soán ngôi, về sau vua hối hận đến quy y Tam bảo làm phước nghe Pháp mong chuộc lỗi lầm, nhưng vô ích nghiệp ác đã ngăn chặn sự lợi ích của vua rồi. Đức Phật dạy: “Này chư Tỳ khưu, nếu vua Ajātasattu không hạ sát phụ vương là một vị vua chân chánh, thì sau khi nghe pháp, pháp nhãn ly trần vô cấu sẽ phát sanh đến vị đó”. Đức Phật muốn nói quả vị Tu-đà-hoàn. Thế rồi sau khi chết vua Ajātasattu bị đọa sanh vào địa ngục đây là trọng nghiệp của vua Ajātasattu.

Lại như ông Tỳ khưu Devadatta vì tham vọng cai quản Tăng già nên có lần ông định giết Đức Phật bằng cách là lăn tảng đá to từ trên núi xuống con đường của Phật đang đi kinh hành, may tảng đá bị mắc lại bể ra một mảnh ném trúng chân Đức Phật làm chảy máu, rồi sau đó ông đặt ra 5 giới cấm yêu cầu Đức Phật ban hành cho Tăng Lữ, Đức Phật không ưng thuận ông phát sân chia rẻ chư Tăng 500 vị theo ông do hai trọng nghiệp ấy dù trong giờ phút cuối cùng ông ăn năn sám hối hiến thân cúng dường Tam bảo, mà cũng bị đất rút sanh vào địa ngục vô gián ấy là trọng nghiệp ác của thầy Tỳ khưu Devadatta.

Thưa quý vị, về trọng nghiệp ác này Phạn ngữ “Micchāniyata dhamma” nghĩa là các pháp tà cho quả cố định như những nghiệp ác của vua Ajātasattu và Tỳ khưu Devadatta vậy.

Tiếp theo là nói về thường nghiệp.

Thưa quý vị, tiếng gọi là Bahurikamma nghĩa là nghiệp, hành động thường làm quen cũng gọi là làm theo thói quen.

Chính những hành động thường làm trở thành thói quen ấy có ảnh hưởng rất nhiều đến cá tính của người như có tích:

Một vị A-la-hán có thói quen nói chuyện với ai cũng dùng lời xưng hô như nói với người ở, giai cấp cùng đinh, các vị khác phản đối và đem chuyện bạch với Phật, Đức Phật giải thích vì là một tiền khiên tật, thói quen thường làm trong quá khứnăng lực tiềm tàng, ảnh hưởng đến hiện tại.

Và chính những hành động được xem là thường nghiệptác dụng rất quan trọng đến đời sống tái sanh của chúng sanh.

Về thường nghiệp có hai là: Thiện và ác.

- Thường nghiệp thiện, thưa quý vị là hành động lành thường làm quen làm, thành ra thói quen như có tích một người đàn bà kia thường hay phục vụ chư Tăng bằng cách giặt hộ y áo đến lúc giờ phút lâm chung bà nhìn thấy những đóm lửa đỏ rực, cháy dữ dội, lúc ấy, lúc thấy ánh lửa vàng bà sực nhớ lại màu y vàng của chư Tăng và bà đã làm phước phục vụ nhờ thế tâm tư đổi lại hoan hỷ mát mẽ, bà chết sanh vào cõi trời. Lại nữa như đức vua Duṭṭhagami thường xuyên cúng dường đến chư Tăng trước mỗi bữa ăn, nhờ vậy trong giờ phút lâm chung khiến cho Đức vua hoan hỷ thỏa thích việc làm và chết được sanh lên cõi trời Đâu suất (Tusita) đó gọi là những trường hợp thường nghiệp thiện.

- Còn như thường nghiệp ác, thưa quý vị, là những việc làm bất thiện tội lỗi thường làm quen làm trở thành nết quen khó bỏ quên được, thường nghiệp này rất tai hại hằng dẫn sanh ác thú. Tôi xin nhắc lại chuyện ông Cunda, ông là một người đồ tể hàng heo giết thịt bán để làm kế sinh nhai, đã lâu lắm rồi nhà ông ở gần chùa Jetavana nơi Phật thường ngự. Trong những ngày cuối cùng của ông ta nghiệp ác theo cho quả, ông Cunda phải chịu đau khổ cùng cực rất là bi đát là ông phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la, rên siết vô cùng thãm hại, giống như một con heo bị đem ra làm thịt. Chư vị Tỳ khưu đi khất thực ngang qua nghe tiếng như vậy tưởng là họ giết heo. Rồi đem bạch hỏi Đức phật. Đức Phật mới giải thíchsự kiện và Ngài còn thêm rằng: “Với ai làm việc ác trong cả hai đời, đời này và đời sau phải chịu đau khổ sầu muộn”, thế là đồ tể Cunda chết sanh trong địa ngục. Đó là thường nghiệp ác của ông Cunda.

Thưa quý vị, đối với người có thường nghiệp rồi, cũng như ngựa quen đường cũ vậy, nên khi người Phật tử cố gắng làm việc lành cho thuần thục mạnh mẽ như là giữ ngũ giới, thọ trì Bát quan trai giới, bố thí, tham thiền, ... có như thế tâm dễ dàng khéo tác ý Thiện mà dẫn sanh an vui, ví như người thợ làm thành món đồ tốt do nhờ đã quen tay vậy.

Kế đến tôi xin trình bày về Cận nghiệp.

Thưa quý vị, cận nghiệp tiếng Phạn gọi là Āsamnakamma nghĩa là nghiệp cận thời, nghiệp sanh trong giờ phút lâm chung, gần chết.

Trong giờ hấp hối tư tưởng nghiệp sanh khởi nhớ đến đeo níu việc lành hay dữ gọi là cận nghiệp, nghiệp này sẽ cho quả ngay như con bò đứng gần cửa chuồng vậy.

Nếu trong giờ lâm chung tư tưởng lành nhớ được việc thiện, thì tức khắc dẫn sanh vào nhàn cảnh.

Bằng như giờ hấp hối, tư tưởng bồn chồn nhớ đến việc ác đã làm, gặp cảnh bất thiện, tất dẫn sanh trong khổ thú.

Thưa quý vị, theo như hai lẽ giải đây có khi chúng ta sẽ nhận sai lầm rằng: “Nếu thế ta chỉ làm lành chút ít để dành rồi không cần tạo thêm nữa đến lúc hấp hối ta sẽ tưởng nhớ đến nghiệp lành chút ít như vậy cũng được sanh vào nhàn cảnh cần gì phải cố tâm làm phước cho vất vả.”

Không nên như vậy đâu, thưa quý vị cho dù là người làm phước chan chứa để dành, rồi bỏ qua không lưu tâm nghĩ đến mỗi ngày, đến lúc gần lâm chung cũng khó mà nhớ tưởng phước được, huống hồ ta làm ác nhiều làm phước ít thì làm sao mà nhớ cho đặng, ta hãy nghiệm rằng ngày thường còn khó nhớ đến việc phước mình làm thì lúc lâm chung là lúc quan trọng, bao nhiêu sự bồn chồn sợ hãi phủ đè lên người ta. Đó là bản chất của kẻ phàm phu, thì thử hỏi đủ nghị lực đâu để nhớ lại việc phước chút ít mình đã làm, có họa chăng là việc hiếm hoi, gặp đặng cảnh trợ thiện mạnh mẽ thích hợp như là có Chư Tăng trợ niệm, hình ảnh Phật tượng, nghe kinh, nghe pháp, ...

Như vậy thưa quý vị, chúng ta thấy cận tử nghiệp này rất quan trọng vì chi phối đến đời sống sau này của chúng sanh.

Cận nghiệp này có 2:

- Nếu cận tử nghiệpThiện nghiệp nhớ đến việc lành trong giờ phút lâm chung sẽ dẫn sanh trong nhàn cảnh. Như tích cậu thiếu niên Matthakundali con của ông bà la môn hà tiện, không dám xuất ra một số tiền mà ông cho là lớn để chạy thuốc cho con đang bệnh, bệnh cậu thiếu niên ngày càng trầm trọng, trăm phần không thể vượt qua, ông Bà la môn mang cậu đặt nằm ngoài hiên vì sợ người đến thăm dòm ngó tài sản. Tốt thay cho cậu thiếu niên bạc phước ấy lúc ấy hình ảnh của cậu lọt vào Tuệ nhãn của Đức Thiên Nhân Sư, Ngài liền y bát thanh tịnh xuất hiện trước mắt cậu với hình ảnh vô cùng rực rỡ uy nghiêm của Đấng Đại Từ khiến cõi lòng cậu Matthakundali trở nên thanh thoát nhẹ nhàng, đức tin mãnh liệt khởi lên hướng trọn vẹn theo hình bóng của Đức Phật. Lúc ấy trút hơi thở cuối cùng, lập tức sanh vào cõi trời đạo lợi trong một tòa kim ốc huy hoàng cao 30 do tuần. Thưa quý vị, đây là cận nghiệp thiện của cậu thiếu niên Matthakundali.

- Còn nếu cận tử nghiệpác nghiệp, người sanh tâm bất thiện, nhớ đến việc ác đã làm trong giờ phút lâm chung như vậy sẽ dẫn sanh trong đọa xứ. Như đức hoàng đế Asoka (A-dục vương) là một vị hộ pháp mạnh mẽ, có lần hoàng đế muốn xuất ra 40 triệu đồng vàng để cúng dường Tam bảo, cho đủ số là 1 tỷ đồng vàng như Cấp cô độc xưa kia, bèn dạy triều thần làm theo nhưng họ chẳng chịu vâng lời, vì sợ vua sài hết công quỹ nước nhà, đức hoàng đế Asoka thấy vậy phiền muộn, cho đến giờ phút cuối Ngài sanh tâm bực tức triều thần đã ngăn lại sự làm phước của ngài, bấy giờ ngài băng hà thọ sanh làm con rắn độc. Lại như hoàng hậu Mallikā suốt đời làm phước bố thí, rất dồi dào, mà chỉ có lần nói dối với đức vua, đến trước giờ lâm chung nhớ lại việc lỗi lầm ấy mà sanh tâm hối hận buồn bực và tắt thở, chết sanh trong đọa xứ địa ngục hết 7 ngày. Ấy là những trường hợp cận tử nghiệp ác.

Thưa quý vị, sau cùng tôi xin nói về Vô ý nghiệp.

Vô ý nghiệp đúng ra trong Phạn ngữ gọi là Katattakamma nghĩa là nghiệp chỉ làm mà thôi. “Nghiệp chỉ làm” đây không thuộc vê thường nghiệp, cũng chẳng phải là cận nghiệp, nghiệp này là hành động có gây ảnh hưởng đến kẻ khác nhưng người làm không biết, không cố ý gây ảnh hưởng đến kẻ khác. Trường hợp này như tích có con ếch bị anh mục đồng chống cây roi nhầm lên mình trong khi cả hai đang nghe Phật thuyết pháp, hành động của anh mục đồng gọi là Katattakamma (vô ý nghiệp).

Nếu trong khi hành động vô tình ấy mà chúng sanh kia có oan trái cộng vào đó, đồng thời lúc ấy tư tưởng của người hành động không được mấy tốt đẹp như phóng dật hay sân tâm, hoặc tham tâm, ... dù không phải đối với ngay đối tượng chúng sanh này, thời như vậy vô ý nghiệp ấy sẽ có thể trả quả.

Như tích tiền thân của Đức Bồ Tát Savaṃnasāmā bắn chơi một phát tên vào một nụ hoa, vô tình trong nụ hoa có một con sâu bị trúng tên, oằn oại rồi chết, đến kiếp Bồ tát sanh làm con của hai ông bà đạo sĩ bị đức vua Yakkha bắn lầm mà chết. Nếu phân tích ta thấy Bồ tát vô ý bắn chết con sâu nhưng trong lúc ấy tâm Bồ tát không tốt dù không phải đối với con sâu, nhưng cố tình hủy diệt đối tượng là bông hoa. Hơn nữa con sâu oằn oại có oan trái với Ngài nên về sau nghiệp vô ý này trả quả, thật là nhân quả chặt chẽ tương xứng.

Thưa quý vị, trong bài thuyết trình hôm nay, tôi vừa trình bày về năng suất của nghiệp, là lượng năng trổ quả của hành động có 4 là:

1.     Trọng nghiệp là hành động có tính cách mạnh mẽ trả quả nhất định.

2.     Thường nghiệp là hành động có tính cách quen thường xuyên nên dễ sanh trổ quả.

3.     Cận nghiệp hay cận tử nghiệp tức là tư tưởng nghiệp sanh lúc lâm chung quyết định cho đời sống sau này.

4.     Vô ý nghiệp là hành động vô ý có thể trổ quả, nếu không khéo tác ý.

Thời pháp hôm nay cũng vừa phải lẽ.

 

TAM PHÁP THẮNG NGHỊCH

Thời pháp hôm nay, tôi xin thuyết trình về đề tài “Tam pháp thắng nghịch” nghĩa là ba pháp để chiến thắng người đối nghịch.

Quý vị sẽ lấy làm lạ khi nghe trong Phật giáo còn nói đến kẻ nghịch và phương pháp chiến thắng kẻ nghịch. Nhưng thưa quý vị, theo Phật giáo kẻ nghịch đây không phải là người cừu địch, vay nợ máu không đội trời chung, ... mà chính là những chướng ngại vật làm ngăn chặn đường tu, ở đây có hai kẻ thù nghịch.

- Một là ám chỉ chư phiền não lậu hoặc, tham, sân, tà kiến.

- Hai là chỉ ngay ma vương, đây ý nói tất cả Chư thiên ma Tà kiến chuyên phá khuấy người tu, và chỉ luôn những chúng sanh ác quấy chống đối người tu tập.

Và lại nữa, nơi đây phương pháp chiến thắng mà Đạo Phật chủ trương rất hiền hòa, êm dịu, không phải gây một tác hại nào đến chúng sanh dù là sinh linh nhỏ bé, Đạo Phật vẫn là đạo Từ Bi kia mà.

Thưa quý vị, trong ngày hôm nay tôi thuyết lên pháp này để người Phật tử chúng ta am hiểu phương pháp chiến thắng với trở ngại, bởi người tu của chúng ta phải gặp rất nhiều nghịch chướng bên trong lẫn bên ngoài. Những lúc ấy nhờ am hiểu phương thế pháp lực nên có thể chiến thắng vượt qua được.

Thưa quý vị, để đi ngay vào đề pháp tôi sẽ nêu lên chi pháp mà được gọi là Tam pháp thắng nghịch.

Ở đây có ba pháp này chiến thắng kẻ nghịch đó là:

  1. tư chất Thông thái. Phạn ngữ gọi Dakkhābhāva.
  2. tư chất Dũng cảm. Phạn ngữ gọi Sūrabhāva.
  3. Là có Trí tuệ. Phạn ngữ gọi Paññā.

Bây giờ để chúng ta hiểu thấu đáo vấn đề cần phải hiểu, tôi xin mạn phép trình bày dẫn chứng tuần tự.

Trước hết, thế nào là tư chất Thông thái là pháp thắng nghịch?

Thưa quý vị, tư chất thông thái ấy ra sao? Nghĩa là tính cách thông hiểu, hiểu thấu đáo, biết một cách tuần tự, biết rõ ràng việc làm ấy gọi là tư chất thông thái.

Sự Thông thái có 2 cách:

- Sự thông thái theo đời nghĩa là tính cách thông hiểu am tường thế gian pháp như các nhà bác học, khoa học, ...

- Lại nữa là sự thông thái theo Đạo nơi đây tức là tính cách thông hiểu thấu đáo Phật Pháp:

+ Thứ nhất là thông hiểu Pháp học, biết rõ nghĩa lý của các pháp trong kinh điển Tam Tạng.

+ Thứ hai là thông hiểu Pháp hành tức biết rõ phương cách hành đạo thế nào là đúng? Thế nào là sai? Hành thế nào có kết quả? Thế nào không kết quả?

+ Thứ ba là thông hiểu Pháp thành tức biết rõ trạng thái của mục tiêu tu tập hay am tường trạng thái Đạo quả Níp bàn.

Người tu trong Phật giáo thông hiểu am tường ba khía cạnh ấy gọi là người có tư chất thông thái theo đạo.

Thưa quý vị, như chúng ta đã biết người tu hay bị trở ngại bị đối nghịch bên trong lẫn bên ngoài.

Khi bị trở ngại bởi phiền não ma chi phối, lúc ấy có thể nhờ thông hiểu Diệu pháp lý Kinh nên biết phương thế hành ngăn chặn và vượt qua, nhờ đó mà thắng hóa được kẻ nghịch là phiền não.

Lại nữa có khi gặp trường hợp người nghịch chống đối, xuyên tạc chất vấn cột nan bằng nhiều lẽ gút mắc sâu xa. Trong trường hợp này người có tư chất thông thái Kinh Luật nhờ đó ứng đối dễ dàng và biết phương thế xử sự để cảm hóa người ta.

Như thuở Phật giáo được 500 năm từ khi Đức Thế Tôn Níp bàn có một vị Tỳ khưu trí tuệ vô song, Ngài có tên là Nāgasena, Ngài xuất gia năm 7 tuổi mới nghe qua một lần đã nằm lòng 7 bảy bộ Diệu pháp thấu đáo tận tường lý nghĩa không sai, lớn lên làm Sadi, Nāgasena xuất gia Tỳ khưu và học thuộc lòng cả Tam Tạng thông suốt nghĩa lý Phật ngôn và chẳng bao lâu đắc A-la-hán quả.

Trong thời ấy có đức vua Milinda là người cao kiến, luận lý bén nhạy, là bậc trí thức có nhiều ý kiến sâu xa. Đức vua thường để tâm tìm kiếm các vị đạoSa môn có danh là giáo chủ cao minh thông suốt Kinh Luật để tìm đến vấn đạo cật nan.

Các vị giáo chủ trứ danh thời bấy giờ chịu phép, chư vị Sa môn trong Phật giáo là những vị A-la-hán rút vào rừng núi, Phật giáo cũng ảnh hưởng vì thế mà sắp lu mờ suốt cả 12 năm dài từ đó, tại thủ đô của xứ Sāgala vắng bặt hình bóng lai vãng của các vị Sa môn, Bà la môn cũng vì sự vấn đạo cật nan của Đức vua Milinda.

Mãi sau, đến khi Ngài thánh tăng Nāgasena xuất hiện, Ngài có Trí tuệ vô song thông thái vô cùng đã luận đàm cùng đức vua Milinda trải qua mấy trăm câu hỏi gút mắc sâu xa. Đức Nāgasena đã lập luận lý lẽ, dẫn chứng Kinh điển, nêu bài thí dụ giảng giải pháp để phúc đáp cho vua Milinda một cách trôi chảy rành mạch, khiến cho đức vua khâm phục hoan hỷ vô cùng, hết lòng sùng ngưỡng Phật giáo, nhờ đó giáo pháp Phật Đà được sáng lạng.

Đức Nāgasena đã cảm hóa chinh phục được vua Milinda trở thành nhu thuận, cũng nhờ tư chất thông thái Giáo pháp của Ngài và ảnh hưởng do nghiệp trí đã tạo đời quá khứ.

Thưa quý vị, xuyên qua sự kiện xảy ra này chúng ta đã nhận được người đã có tư chất thông thái thì chiến thắng vượt qua mọi trở lực đối nghịch.

Còn phiền não sanh, nhờ thông thái hiểu pháp cũng bài trừ được, có kẻ đối nghịch chống phá nhờ khéo biết, khôn ngoan cũng cảm hóa được, Đức Phật 45 năm hoằng khai Chánh pháp đã thâu phục biết bao kẻ ngoại đạo, công kích, chống đối và phỉ báng, cũng nhờ tánh cách Toàn tri của Ngài cho nên người Phật tử chúng ta phải cố tầm chân Chánh pháp đào sâu nghĩa lý diệu huyền của Pháp bảo, để có thể thành người thông thái uyên thâm.

Tiếp đến, thế nào có tư chất Dũng cảm là pháp thắng nghịch?

Thưa quý vị, tư chất dũng cảm ấy ra sao?

Nghĩa là sự can đảm, vững lòng quyết tiến không lui sụt, không yếu hèn trước trở ngại khó khăn nguy hiểm đó gọi là tư chất dũng cảm, Phạn ngữ gọi là Sūrabhāva.

Thưa quý vị, sự dũng cảm nơi đây cần phải hiểu có hai sắc thái:

- Một là sự dũng cảm bên ngoài nghĩa là tánh cách gan dạ. cứng lòng đối với chướng ngại vật. Theo thế gian sự phấn đấu hy sinh trước kẻ thù khó khăn, vì chính nghĩa đó là sự dũng cảm. Còn theo Phật giáo thì sự dũng cảm bên ngoài ấy là vững lòng, không thối chuyển, không để bị lui sụt trước những quân ma, thử thách những trở ngại vật chất trong việc hành đạo, nắng, mưa, nóng, lạnh, đói, khát, ...

- Và thứ hai là sự dũng cảm bên trong, đây ý nói là sự phấn đấu với trận giặc lòng tức là phiền não, tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn; bỏn xẻn, ganh tỵ, hôn trầm, phóng dật, tà kiến, ... đó là sự dũng cảm bên trong.

Thưa quý vị, khi người có tâm dũng cảm như thế ấy rồi, sẽ có thể vượt qua những trở ngại, chiến thắng mọi quân ma. Nhất là phiền não ma và dù chí đến ma vương có nhiều thần lực thế mà cũng vẫn thúc thủ khâm phục trước Bậc có tâm dũng cảm như vậy.

Chắc quý vị còn nhớ đến giai đoạn đã xảy ra trong sự xuất gia từ bỏ hoàng thành của Bậc đạo sư chúng ta trước khi chưa thành đạo.

Khi ấy, lúc Ngài là thái tử Siddhattha ngài cùng Xa nặc người hầu xe dùng ngựa Kamthaka rời khỏi hoàng thành đi tìm đạo giải thoát, bấy giờ ma vương là vị chư Thiên nhiều thần lực, có tâm xấu xa thường khuấy rối người tu, hay tin thái tử xuất gia bèn hiện ra chận đường mà bảo:

“Này Sĩ-đạt-ta ngưởi xuất gia làm gì? Không còn bao lâu nữa người sẽ là vua Chuyển luân vương là chúa cõi trần. Bây giờ đây, dù người có tâm tu hành cũng chẳng đắc quả gì? Bởi người bất hiếu, bất nghĩa, thiếu bổn phận thì làm sao đắc đạo được?”

Khi ấy, Đức Sĩ-đạt-ta nghiêm nghị hỏi: “Ngươi là ai?”

“Ta là vua cõi trời Vassavati.”

Đức Sĩ-đạt-ta biết là ma vương bèn phản kháng:

“Này ma vương, ta cũng biết rằng xe ngọc Chuyển luân vương sẽ đến với ta, nhưng ngươi hãy tránh cho ta đi. Ta không ham mê những điều ấy đâu, để rồi mắc lưới của ngươi, ta sẽ làm cho thế gian rung chuyển khi ta đạt thành quả Giác ngộ, ngươi đừng hòng lung lạc, ta đã quyết định tìm đường giải thoát cho chúng sanh. Ngươi hãy tránh ra, hỡi con người tội lỗi!”

Lúc đó ma vương tủi hổ biến mất. Thế rồi trải qua 6 năm khổ hạnh biết bao công trình, Đức Sĩ-đạt-ta mà bấy giờ người ta gọi là đạo sĩ Cồ-đàm, hình dung tiều tụy, khô héo sức kiệt lực cùng, ... Cho đến một ngày nọ, Ngài nhận thức được lối tu khổ hạnh không đem lại kết quả gì, nếp sống lợi dưỡng cũng thế. Rồi Ngài chuyển hướng theo con đường Trung đạo, trở lại khất thực nuôi thân. Một ngày kia, có ông Bà la môn tên Sutthiyo dâng cho ngài 3 bó tranh, Ngài trải dưới cội bồ đề rồi phát nguyện: “Nếu ta đắc quả hôm nay xin cho nơi này nổi lên một bảo tọa”. Liền đó một bảo tọa màu xanh cao 14 hắc tay từ dưới đất nổi lên, Đức bồ tát đạovô cùng hoan hỷ, ngự lên bảo tọa; Ngài lại phát nguyện thêm rằng: “Bao giờ chưa hết tiềm miên phiền não, dù cho thịt ta có khô, máu ta có cạn, ta cũng không rời bỏ nơi nầy”, rồi Ngài tham thiền.

Bấy giờ sau khi chứng kiến được việc làm của Bồ tát, Ma vương bất mãn bèn kêu gọi binh ma đến vây Bồ tát tranh bảo tọa, biến ra nhiều kỳ hình dị tướng, cốt làm cho Ngài kinh sợ mà rời bảo tọa ra đi.

Bọn Ma vương tay cầm khí giới la hét rền vang, trời đất chuyển động, các vị Chư thiên hầu Bồ tát đều sợ tránh đi hết, giữa lúc thế cô nguy hiểm, Đức Bồ tát nghĩ nhớ đến 30 pháp Ba la mật mà Ngài đã đào tạo dung dưỡng từ lâu, ngài cảm thấy an tâm nên Ngài bình tĩnh lại, ngài dùng 7 chiến sĩ hữu lực bảo vệ mình là: Đức tin, Tinh tấn, Chánh niệm, An định, Trí tuệ, Tâm tàm và Tâm quý. Ngồi trên bồ đoàn Đức Bồ tát cảm thấy binh tướng của mình oai hùng, mạnh mẽ không kém gì quân ma; nên Ngài an nhiên tự tại.

Thấy thế khiến Ma vương vô cùng tức giận tung ra nhiều thần lực phép màu để hại Bồ tát, và buộc Ngài phải rời bồ đoàn ra đi, nhưng Ma vương bị thất bại nhục nhã trước con người siêu đẳng ấy, không có một tấc thép nào trong tay,chẳng một binh gia tướng sĩ nào cả, chỉ có ý chí cương quyết dũng cảmnguyện lực Ba la mật mà thôi.

Sau khi Ma vương rút đi rồi, cảnh vật rừng sâu rất thanh tịnh, dưới cội bồ đề. Bồ tát Sĩ-đạt-ta đang Thiền định tâm tư bổng dưng dao động không an, bao nhiêu ảo ảnh của tài tình danh lợi trong quá khứ đều hiện ra rõ rệt trong tư tưởng của Ngài.

Đây là trận giặc lòng nổi dậy ngăn cản con đường đạo quả của Ngài.

Đức Bồ tát cương quyết thắng phục tâm, tự sách tấn lấy mình đẩy lui hết những tư tưởng nhơ bợn, khiến cho tâm tư của Ngài trở nên an tịnh tuyệt đối.

Để rồi trong đêm rằm trăng tròn hôm ấy, Bồ tát chứng ngộ Tam minh đạt thành Chánh giác, là một đóa hoa duy nhất chỉ nở một lần, Ngài là thầy tất cả Chư thiênnhân loại, là đấng vĩ nhân cao quý hơn cả Chư thiên, Phạm thiên trong đời.

Thưa quý vị, nhắc lại giai thoại này của Đức Bổn Sư khi còn là vị Bồ tát đã hiện rõ cho chúng ta thấy gương dũng cảm của Ngài. Nhờ tư chất dũng cảm ấy mà Đức Bồ Tát thắng phục được ma vương, vượt qua các chướng ngại tinh thần bởi thế có tư chất dũng cảmpháp thắng nghịch.

Và tiếp sau cùng là thế nào có Trí Tuệpháp thắng nghịch?

Thưa quý vị, trí tuệ là gì? Trí tuệ là sự sáng suốt khôn khéo, nhận rõ, hiểu thấu, hiểu biết rành, nhận định đúng, quán xét tỏ tường. Trí tuệ như ánh sáng, như gươm sắc, diệt trừ sự mê tối. Có ba loại trí tuệ:

  1. Trí Văn.
  2. Trí Tư.
  3. Trí Tu.

Trí văn là tuệ sáng suốt do nghe, học mới đặng hiểu biết những nghĩa lý sâu sắc, cao siêu những triết học hoặc toán học hay các tài nghệ.

Trí tư tức là tự tâm sáng suốt, suy xét tìm tòi mà đặng hiểu biết những lời ngoài ra cách học, hỏi, nghe, như Bồ tát với vị sư huynh đi rừng thấy đường voi vừa đi qua, thì Bồ tát nhận biết voi là voi cái, người nài là người nữ, voi bị chột mắt, sư huynh chạy theo thấy đúng vậy, nghĩ là thầy chỉ dạy sư đệ không dạy mình nên giận thầy. Câu chuyện đến tai thầy, thầy cũng ngạc nhiên, Bồ tát liền giải thích điểm suy xét cá nhân của mình cho thầy và sư huynh nghe, đó là trí tư của Bồ tát.

Trí tu, là tuệ sáng suốt phát sanh do tu hành tỏ ngộ, tức là phát triển Tứ niệm xứ hay Tuệ phát sanh trong tâm Thiền.

Thưa quý vị, trí tuệyếu tố nền tảng trong Phật giáotrí tuệ là ánh sáng soi đường cho lẽ phải giúp Hành giả thấu rõ bản thể pháp, nhận biết phân biệt chánh tà, hiểu biết nhân quả của các pháp.

Đối với người có trí tuệ, trong việc tu tập sẽ thắng hóa được các pháp nghịch dễ dàng, như người có gươm bén không sợ kẻ thù.

Những chướng ngại tinh thần như là phiền não bên trong hay nghịch cảnh khó xử, cũng nhờ người có trí tuệvượt qua được, vì biết tìm xét nhân và quả. Đến đây tôi xin nhắc tích chuyện tiền thân của Bồ tát, khi ấy Bồ tát là con khỉ chúa.

Thuở ấy, có ông Phạm chí mất bò, bèn đi tìm kiếm vào rừng sâu, rủi bị quên đường lạc ngõ, đói khát đến xế chiều may gặp được cây tùng lan có trái ăn được, ông Phạm Chí mừng rỡ và leo lên hái ăn không may vì vô ý bị gãy nhánh rơi xuống hố sâu hầm đứng, có rể giăng ngang chằng chịt nên không chết, nhưng không lên được chỉ khóc la kêu cứu.

Bấy giờ có con khỉ chúa là tiền thân Bồ tát đi ngang qua nghe thấy, thương xót định cứu, khỉ chúa thấy ông Phạm chí thì nghĩ đến sức mình e không nổi, bèn tựu kế thảy hòn đá nặng bằng người rồi đem lên thử thấy được mới chuyền xuống cổng đưa ông Phạm chí lên khỏi hố được an toàn.

Lại nữa, thưa quý vị, người có Trí tuệ sẽ giải thoát mình khỏi tay kẻ thù nhờ có sáng kiến.

Như lúc quá khứ, cũng tiền thân Đức Bồ tát sanh làm con khỉ chúa, thân hình to lớn và đẹp ở rừng Himavana gần sông Gangā, tại khúc sông ấy có một cặp cá sấu ở, sấu cái có mang muốn ăn thịt khỉ mới bảo sấu đực: “Tôi muốn ăn trái tim của khỉ chúa”, sấu đực nghe nói lấy làm khó xử vì làm sao bắt được khỉ ở trên bờ?

Sau mới nghĩ ra một kế, sấu đực bò lên gần bờ chỗ khỉ chúa xuống uống nước hằng ngày, thấy khỉ chúa bèn làm quen chuyện trò, lâu ngày trở nên thân, một hôm sấu bảo khỉ: “Bạn hầu chúa, bên kia sông có nhiều thứ trái ngon lắm như chuối, xoài, mận, ... đều tươi tốt quanh năm, ở đây chỉ có chuối. Vậy bạn nên qua bên kia chơi một chuyến”. Khỉ chúa nói “Mà làm sao tôi qua được?” Sấu bảo “Tôi xin chở bạn trên lưng mà đưa qua dễ dàng”. Khỉ đáp: “Nếu bạn có lòng tốt thì tôi cám ơn lắm”.

Sấu đôn đốc khỉ chúa cởi trên lưng sấu đực, sấu lội ra giữa sông thì bảo ngược: “Ta không đem ngươi đi đâu cả, vợ ta có mang thèm ăn tim ngươi, bây giờ ta sẽ giết ngươi”, khỉ chúa hoảng kinh, nhưng lanh trí bảo: “Ồ! tưởng gì chớ tim tôi thì tôi sẵn sàng cho, mà sao anh không nói trước ở trong bờ tôi lấy cho, anh thử nghĩ nếu trái tim tôi đây mà để trong mình thì những lúc tôi chuyền nhảy nó khua, đụng bể nát còn gì?”. Khỉ chúa nhìn thấy trái sung chín trên cây, liền chỉ sấu mà bảo: “Kìa kìa! Tim tôi để trên cây kìa anh đem tôi vô, tôi lên lấy cho mà đem về”. Con sấu ngu ngốc nghe thấy tưởng thật đưa khỉ chúa vào bờ, khỉ mừng quá trèo lên cây sung nói: “Này bạn sấu ngu ngốc kia! Bạn tưởng tim tôi có thể để rời thân được sao? Bạn tuy lớn xác nhưng không có trí tuệ, thời bạn hãy về an vui, tôi không trả thù bạn đâu”, nói xong bỏ đi mất, mặc cho sấu bực tức, buồn tiếc.

Thưa quý vị, qua những tích chuyện này, chúng ta thấy Bồ tát nhờ có trí tuệvượt qua mọi hoàn cảnh khó xử. Cũng vậy, đối với người tu tập sẽ gặp không ít những trở ngại, bên trong là kẻ thù phiền não, bên ngoài là hoàn cảnh gay go và kẻ đối nghịch công kích, trong những nghịch trở ấy, nếu chúng ta có đủ Trí tuệ sáng suốt thì sẽ vượt qua một cách ổn thỏa, mà muốn đào luyện Trí tuệ chúng ta trau dồi Trí văn bằng cách nghe, học hỏi Chánh pháp; trau dồi Trí tư bằng cách thường suy xét những yếu lý cao siêu trong Phật pháp và trau dồi Trí tu bằng cách cố niệm quán Danh Sắc theo Thiền định niệm xứ cho nhận rõ sự sanh diệt của các pháp.

Thưa quý vị, nói tóm lại trong thời pháp hôm nay, tôi đã trình bày về ba pháp thắng nghịch. Là có tư chất Thông thái, có tư chất Dũng cảm và có Trí tuệ. Chúng tôi mong rằng, tất cả chúng ta ai cũng có mang ba pháp này. Vì trên con đường tu tập chúng ta còn phải chịu đựng biết bao thử thách, và đương đầu với phiền não ma vương. Vậy nếu xét thấy mình chưa có, chúng ta hãy đào luyện cho có. Ba pháp này cũng ví như ba chữ bùa hộ mạng vậy.

Thưa quý vị, thời pháp hôm nay đến đây xin kết thúc.

 

BIẾT THƯƠNG MÌNH

Thưa quý vị, chúng sanh ai ai cũng biết thương mình, lo bảo vệ cho mình, bằng chứng qua những sự chen đua, tranh giành chạy theo thế lợi vật chất, lo chạy ăn, chạy mặc, ... xảy ra những cuộc sát phạt nhỏ, lớn. Chung qui chúng sanh cũng vì thương mình, bảo vệ cho mình.

Nhưng chúng sanh thương mình, bảo vệ cho mình như thế! Có đạt được an lạc? Có thành tựu hạnh phúc? Có phải thật sự biết thương mình chăng?

Thưa quý vị, trong vấn đề này chúng ta cũng nên nhớ rằng: Tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc luân hồi tạo gây ác nghiệp tất gặt hái quả khổ đau!!!

Đã gọi là thương mình mà chúng sanh gây ra nhiều ác nghiệp, miệt mài trong tài sắc, lợi danh, làm tăng trưởng thêm lòng tham, sân, si khiến cho bị luân hồi, gặt hái nhiều quả khổ đau dày dò thống thiết. Như vậy có hạnh phúc gì? Sướng ích gì? Chẳng phải là thật sự thương mình đâu, chỉ là tự hại mình thôi. Đức Phật còn dạy trong kinh Dhammapāda rằng:

“Kẻ ngu đốn quanh quẩn

Với tự mình là thù

Tạo tác nghiệp ác xấu

Mang kết quả đắng cay.”

Quả thật vậy, chúng sanh thiểu trí thương mình lo cho mình bằng hạnh làm bất chánh, trở đi, trở lại chung qui chính mình là kẻ thù của mình.

Thưa quý vị, chính thời pháp hôm nay tôi muốn nói lên “Sự thương mình” một cách chân chánh, hợp lẽ đạo đúng theo tinh thần Phật giáo để chúng ta nhớ lấy mà biết thương mình thật sự.

Thưa quý vị, Đức Phật là Bậc đạo sư của chư Thiênnhân loại. Ngài đã am tường nhân hạnh phúcđau khổ của chúng sanh, lời dạy của Ngài còn được ghi chép lại và vẫn nổi bậc, có giá trị tuyệt đối cho tới ngày nay, Trong Thánh điển ấy, bộ Khuddakanikāya tập Dhammapāda có ghi lại lời dạy mà ngày hôm nay tôi muốn trình bày lên nơi đây, Đức Phật dạy rằng:

“Attānañ ce piyaṃ jaññā,

Makkheyya naṃ surakkhitaṃ.”

“Nếu biết mình là nơi thương yêu

Thì phải khéo bảo vệ lấy mình”.

Lời dạy hữu ích này có ý nghĩa như thế nào? Có giá trị đến đâu? Vậy bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa ý của câu Phật ngôn này.

Thưa quý vị, mình là nơi thương yêu mình đây, tạm thời chúng ta hãy hiểu mượn gọi tiếng Phạn Atta là ám chỉ tự thân này, riêng cá nhân ngũ uẩn tri thức này.

Phải khéo bảo vệ mình, thế nào là khéo bảo vệ?

Thưa quý vị, khéo bảo vệgìn giữ hộ trì cho tốt đẹp, không gây nên sự bất lợi tác hại nào, theo Phật giáo thì “Khéo bảo vệ” đây nghĩa là thúc liễm phòng hộ thân, khẩu và ý trong thiện pháp.

Đức Phật dạy: “Nếu biết mình là nơi thương yêu, phải khéo bảo vệ lấy mình”, câu này Đức Phật muốn dạy: “Chúng sanh khi biết tự mình là nơi thương yêu, thì phải bảo vệ mình bằng cách thực hành thiện pháp, lánh xa ác pháp”. Chúng sanh nào y cứhành trì theo lời dạy của Chư Phật từ xưa đến nay:

“Sabbapāpassa akaranaṃ

Kusalassa upasampadā

Sacittapariyo dapanam”

“Không làm mọi điều ác

Thực hiện những việc lành

Trau dồi tâm trong sạch.”

Người như thế gọi là biết thương mình và đã bảo vệ mình một cách chân chánh.

Thưa quý vị, thiết tưởng nơi đây cũng cần bàn qua những hạnh làm này.

Không làm mọi điều ác là sao?

Ở đây có 10 loại ác nghiệp bắt nguồn từ ba căn bất thiện: tham, sân, si. Đó là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói lời vô ích, ý tham dục, sân hậntà kiến. Sự từ bỏ không hành theo 10 nghiệp ác ấy, gọi là sự không làm mọi điều ác.

Còn ở đây, có 10 việc làm Thiện này, bắt nguồn từ ba căn thiện: vô tham, vô sân, và vô si gọi là thập hạnh phúc hay Puññakiriyavatthu. Đó là bố thí, trì giới, tu thiền, cung kính, phục vụ, thuyết pháp, thính pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước và cải chánh kiến thức. Sự chấp trì thực hành theo 10 việc thiện này gọi là thực hiện những việc lành.

Và sự trau dồi tâm trong sạch, tức là thuần hóa cái tâm, chế ngự tà tư duy, có sự ghi nhớ biết mình.

Thưa quý vị, nếu người đời ai biết thương mình hiểu mình là chỗ thương yêu, rồi cố hành thiện pháp, lánh xa ác pháp, sống chẳng buông lung phóng dật, có sự tinh tấn thì sẽ đạt nhiều hạnh phúc an lạc, thoát khổ chẳng sai.

Tôi còn nhớ trong kinh có ghi nhận rằng:

Khi xưa có 30 vị tỳ khưu cùng nhau học đề mục hành Thiền, rồi rủ nhau vào một khu rừng để hành đạo.

Các vị ấy chia nhau mỗi người một vị trí tham thiền, không cho gặp nhau. Chỉ trừ ra hai ngày rằm và ba mươi mới tụ hợp lại để làm lễ phát lồ.

Trong khu rừng ấy có con hổ hung tợn, thỉnh thoảng vồ bắt một vị Tỳ khưu trong nhóm ấy, trong khi vị đó đang hành đạo một mình, dần dần số Tỳ khưu thưa bớt đi; vào mỗi kỳ làm lễ phát lồ, kiểm điểm lại thì thấy mất thêm một vài vị, chư vị Tỳ khưu phát giác ra việc có cọp vồ trong khi các vị Tỳ khưu đang hành đạo, vì sợ động đến các vị khác đang hành đạo nên cam chịu một mình.

Bấy giờ các chư Tỳ khưu mới tính với nhau rằng: “Từ đây, hễ có sự tai hại, nên kêu lên báo động cho các vị Tỳ khưu bạn biết để cứu giúp”. Các vị đồng ý với nhau.

Một đêm kia, con hổ rừng đến vồ bắt một vị Tỳ khưu trong khi vị này đang hành đạo, vị Tỳ khưu ấy liền kêu lên: “Chư đạo hữu ơi! Tôi bị cọp vồ rồi”.

Các vị Tỳ khưu nghe vậy vội đốt đuốc xách gậy đuổi theo con cọp đang tha vị Tỳ khưu; khi đuổi gần kịp, con vật liền phóng mình lên mỏm đá to nghiêng ngoài vực sâu, các vị Tỳ khưu đến đó, không biết làm gì được nữa, liền khuyến khích vị Tỳ khưu đang nằm oằn oại, đau đớn kia: “Này đạo hữu, trong giờ phút này chỉ có đạo hữu là người duy nhất cứu lấy đạo hữu”.

Được sách tấn, dù mạng sống mong manh nhưng nhờ Thiền định khá thuần thục, vị Tỳ khưu ấy kiềm giữ được tâm dùng đề mục khổ oán, phát triển Minh sát, và tức khắc đắc được A-la-hán, Níp bản luôn tại miệng con cọp. Đối với vị ấy không còn sanh tử nữa.

Thưa quý vị, nhắc tích này cho chúng ta thấy mặc dù vị Tỳ khưu bị cọp vồ và đã chết, nhưng chính vị ấy đã hành động hết sức để tự cứu mình, dù nằm trong hoàn cảnh khó khăn, nguy biến Bậc thiện trí thức vẫn nỗ lực, chuyên trú hướng mình theo lẽ chánh đó là cách thương mình bảo vệ mình của người Thiện trí.

Thưa quý vị, đến đây tôi sẽ nhắc thêm một tích nữa, chuyện được ghi lại trong kinh điển Pāli, để chúng ta suy nghiệm.

Thuở ấy, có đoàn người buôn biển, rủ nhau đem thuyền vượt khơi, thuyền buồm gặp gió thuận lướt sóng dễ dàng, được 7 ngày bình yên bỗng nhiên bị trận bão dữ, sóng to gió lớn, thuyền lủng hư, nguy hiểm. Mọi người trong thuyền sợ hoảng khấn vái Chư thiên mong cầu cứu vớt, rồi than khóc chấn động.

Trong thuyền ấy, duy nhất chỉ có một người là bình tĩnh sáng suốt, người ấy nghĩ đến cách nương tựa bảo vệ cho mình, liền nhớ đến trước khi ra đi mình đã thọ Qui giới trong sạch nơi Tam Bảo, người ấy hết sức vui mừng bèn ngồi bàn dà giữa đám đông trên thuyền an trú vào qui giới tươi tỉnh như không.

Mọi người trông thấy, đến gần tìm hỏi cái nguyên nhân không lo sợ đó, người ấy bèn thuật lại việc trước khi đi mình đã làm phước Trai tăng thọ trì qui giới chính chắn, nên bây giờ có Pháp hộ trì không lo sợ. Các người kia liền yêu cầu cho được thọ qui giới người Thiện nam ấy ưng chịu.

Bèn chia ra làm 7 nhóm, mỗi nhóm 100 người, rồi đọc qui giới cho mọi người đọc theo, khi vừa truyền giới dứt đến nhóm thứ 7, thì người Thiện nam ấy bố cáo lên rằng: “Ngoài qui giới ra, các người chẳng có chi làm nơi nương nhờ đâu, chỉ phải nên niệm tưởng qui giới của mình đi.”

Liền sau đó, cả bọn người lái buôn phải thác nơi giữa biển, đều được thọ sanh trong cõi trời Đạo Lợi, có các cung điện quý báu phát sanh lên cho Chư thiên đó sống an vui, rồi cả nhóm Chư thiên này nhớ lại nguyên do bèn đồng nhau xuống đảnh lễ Phật.

Thưa quý vị, đối với bậc trí biết thương mình, bảo vệ mình bằng cách như thế gặp hoàn cảnh nguy biến không phải van xin cầu cứu với ai, tự mình nỗ lực cánh sinh an trú vào Thiện pháp, cho nên các vị ấy thật sự được an vui, tự tại khỏi lo âu sầu muộn.

Ngược lại có những chúng sanh thiếu trí nông nổi họ cứ tưởng thương mình là biết lo cho mình ăn ngon, mặc đẹp, có danh vọng, uy quyền, ... thế là đủ lắm rồi. Và nếu cần họ có thể vì thương mình, vì hạnh phúc cá nhân mình mà gây đau khổ cho chúng sanh khác; tạo nên nhiều ác nghiệp không ngần ngại.

Để cụ thể hóa vấn đề này tôi xin viện dẫn trường hợp của Tỳ khưu Devadatta là một vị Tỳ khưu có phẩm hạnh chân chánh trong những năm đầu; thầy đã thành đạt đến tứ thiềnngũ thông; tài đức vô cùng, được bạn đồng Phạm hạnh kính phục và tín đồ tôn trọng sùng bái. Nhưng về sau bị danh lợi làm mù quáng thầy tự nghĩ: “Ta có đủ tài đức vậy nên tìm coi và làm vừa lòng người để giúp ta được nhiều danh lợi”.

Thầy chủ ý ngay đông cung Ajātasattu sau đó thầy thực hiện thần thông cảm hóa vị đông cung này, khiến cho vị ấy bái phục và từ đó sớm mai chiều, đông cung cúng dường mỗi ngày 500 mâm cổ vật dụng đến thầy Devadatta.

Thế rổi mải say đắm trong danh lợi, thầy Devadatta quên đi bổn phận tu hành, ông ta tự nghĩ: “Với thần thông này, đáng lý ta phải quản trị Tăng chúng”.

Khi ý nghĩ táo bạo này phát khởi, các pháp thần thông của thầy Devadatta tiêu hoại mất.

Ông đến hầu Phật và yêu cầu giao quyền chưởng quản Tăng chúng, Đức Phật không chấp nhận, ông sanh lòng oán hận âm mưu hại Phật.

Trước tiên ông Devadatta xin đông cung Ajātasattu giết vua cha để cướp ngai vàng, riêng phần ông thì thuê người thiện xạ đi giết Đức Phật, nhưng mưu đồ bất thành.

Ông Devadatta một lần khác mưu toan hãm hại Đức Phật bằng cách thả voi Nālāgiri đã bị phục rượu say cuồng , trong khi Đức Phật đi khất thực , xua voi dẫm Ngài nhưng thất bại.

Có lần khác nữa, ông Devadatta lên sườn núi Gijjhakūta ông xô tảng đá to xuống giết Phật, nhưng may không sao, chỉ một mảnh bể va vào chân Phật khiến chảy máu chút ít.

Cũng chưa từ bỏ tham vọng, với ý định xấu xa, ông Devadatta xoay qua chiều mưu toan khác có vẻ êm hơn, đó là ra yêu sách để dựa cớ chia rẽ Tăng.

Từ đó những ngày đen tối dồn dập đến Devadatta, ông lâm bệnh trầm trọng, trước khi nhắm mắt, ông hối hận ăn năn và mong muốn yết kiến Đức Phật, nhưng lúc ấy nghiệp dữ trổ sanh mà ông phải chết một cách cực kỳ khốn khổ, là mặt đất nứt rút ông xuống lòng đất, sau khi chết thọ sanh vào khổ cảnh vô gián địa ngục.

Thưa quý vị, tôi nhắc lại câu chuyện này có phần dài, nhưng để viện dẫn cho chúng ta thấy với người chìu theo dục vọng của mình, tạo gây ra những hành động nông nổi ác quấy đó là vô tình thương mình mà hại mình vậy.

Thưa quý vị, với những lý lẽ viện dẫn trong thời pháp hôm nay đã nói lên thái độ biết thương mình thế nào có lợi? Thương mình thế nào có hại? Dù sao đối với chúng ta cũng là những người đệ tử Phật nên phải biết thương mình, bảo vệ mình một cách chân chánh.

Sự thương mình bảo vệ mình một cách chân chánh hợp lý, là cố tinh tấn trau dồi phẩm hạnh, khắc phục tham, sân, si. Đem mình ra khỏi ác thú bốn đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và atula.

Thưa quý vị, mong rằng người Phật tử chúng ta luôn luôn hành theo lời dạy của bậc đạo sư:

“Nếu biết mình là nơi tương tựa

Thì phải khéo bảo vệ lấy mình”

Nói tóm lại:

“Thương mình tinh tấn là khôn

Thương mình giải đãi là chôn lấy mình.”

Thưa quý vị, bài thuyết pháp đến đây xin kết thúc.

 

THẾ NÀO LÀ LỜI PHẬT DẠY?

Thưa quý vị, thời thuyết trình hôm nay tôi xin nói về đề tài “Thế là lời Phật dạy?”.

Thế thường ở đời, những vật được nhiều người ưa chuộng như hàng tốt, thuốc hay, ... thì thường có những người lợi dụng nhãn hiệu đó mà làm các loại giả hiệu tương tự để sanh lợi!!! Cũng vậy, khi Đức Phật ra đời, giáo lý của Ngài tuyên thuyếtchân lý, là Chánh pháp toàn hảo đoạn đầu, được toàn hảo đoạn giữa, được toàn hảo đoạn cuối, giáo lý ấy có hiệu năng hướng thượng đưa đến an lạc, sự an lạc tuyệt đối, được quần chúng đa số quy ngưỡng, ưa chuộng. Lợi dụng cơ hội ấy, một số người hoặc là ngoại đạo, hoặc là những đệ tử bất hảo, vì danh vì lợi đã sửa đổi Giáo lý theo tư kiến của mình, thành lập môn này phái nọ, lý kia, thuyết nọ cho hợp thời thế, cho hợp với cuồng tín của nhiều người, để thu hút quần chúng phát sanh lợi lộc. Và luôn luôn dán nhãn hiệu đi đầu bằng danh từ “Phật Giáo” mặc dù cũng với nhãn hiệu đó, nhưng những chủ trương giáo lý đều mâu thuẫn tương phản lẫn nhau.

Đứng trước sự kiện ấy, có những người Phật tử đâm ra hoang mang, ngờ vực không biết đâu là chánh, đâu là tà, đâu là đúng, đâu là sai? Biết tin điều nào bỏ điều nào? Và làm sao hiểu rõ thế nào là lời Phật dạy, và thế nào là không phải lời Phật dạy?

Thưa quý vị, chính vì lẽ đó nên hôm nay chúng tôi mạo muội trình bày các vấn đề liên quan đã được học hiểu và tìm thấy trong Tạng kinh Thánh điển, ngõ hầu đem lại chút ít ánh sáng gì cho chúng ta soi đường trong việc chọn đường tu tập.

Thưa quý vị, trở lại vấn đền sự kiện này đã được Đức Phậtvị Đạosáng suốt đã dè dặt nhắc nhở chư đệ tử trước giờ diệt độ như sau:

“Hỡi chư Tỳ khưu, sau này có thể có những vị tuyên bố: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của Bậc đạo sư tôi được tự thân nghe biết, ...”. Hỡi chư Tỳ khưu, các người đừng nên tán thán, đừng nên hủy bỏ lời nói của các vị ấy, mỗi lời mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật; nếu thấy phù hợp tương ứng, mới nên hiểu rằng: “Đây chắc chắn là lời dạy của đức Đạo sư, vị ấy nói chân chánh” và ngược lại, nếu đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật thấy không phù hợp, không tương ứng thì nên hiểu rằng: “Chắc chắn đây không phải là lời dạy của Đức Thế Tôn; vị ấy nói như vậy đã sai lầm” và này các Tỳ khưu, hãy từ bỏ những vị này”.

Thưa quý vị, xuyên qua lời dạy đó, đã cho chúng ta một bài học hay, đem ứng dụng trong việc tu tập của mình, chẳng nên nhận định tin càng, vì sự cẩn thận bao giờ cũng tốt hơnvội vàng.

Vấn đề này rõ hơn thế nữa là trong bộ kinh Aṇguttara Nikāya. Đức Phật đã dạy cho bà Mahāpajāpati Gotami, những vấn đề làm tiêu chuẩn để suy biết thế nào là Phật Pháp? Thế nào là phi Phật pháp?

“Này bà Gotami, bất luận những Giáo điều nào:

-        Đưa đến Tham dục, không biết đến Ly tham.

-        Đưa đến Hệ phược, không đưa đến Ly hệ phược.

-        Đưa đến Tụ tập, không đưa đến Yểm ly.

-        Đưa đến Đa dục, không đưa đến Thiểu dục.

-        Đưa đến Không tri túc, không đưa đến Tri túc.

-        Đưa đến Tụ hội, không đưa đến Nhàn tịnh.

-        Đưa đến Biếng nhác, không đưa đến Tinh tấn.

-        Đưa đến Khó dưỡng, không đưa đến Dễ dưỡng.

Này bà Gotami, nên hiểu rằng đó không phải là Pháp là Luật, là lời dạy của Bậc đạo sư.

Ngược lại, này bà Gotami, những Pháp nào:

-        Đưa đến Ly tham, không đưa đến Tham dục.

-        Đưa đến Ly hệ phược, không đưa đến Hệ phược.

-        Đưa đến Yểm ly, không đưa đến Tụ tập.

-        Đưa đến Thiểu dục, không đưa đến Đa dục.

-        Đưa đến Tri túc, không đưa đến Bất tri túc.

-        Đưa đến Nhàn tịnh, không đưa đến Tụ hội.

-        Đưa đến Tinh tấn, không đưa đến Biếng nhác.

-        Đưa đến Dễ nuôi, không đưa đến Khó nuôi.

Ở đây này bà Gotami, nên hiểu rằng đó là Pháp là Luật, là lời dạy của Bậc đạo sư.”

Thưa quý vị, đấy là những pháp tiêu chuẩn để trắc nghiệm thế nào không phải là lời Phật dạy, đã được Bậc đạo sư chỉ dẫn một cách tóm tắt. Sau đây tùy theo sự học hiểu của mình, chúng tôi sẽ trình bày những pháp tiêu chuẩn trắc nghiệm “Đúng lời Phật dạy” vì vấn đề này quan trọng cần thiết hơn.

Thế nào là Pháp đưa đến Ly tham không đưa đến Tham dục, đó chính là lời dạy của Phật?

Thưa quý vị, tham dục là sự luyến nhiễm, ái trước, khao khát những đối tượng khả ái, hấp dẫn lòng dục.

Pháp đưa đến ly tham, nghĩa là những pháp nào khi thực hành có kết quả đưa đến xả ly, nhàm chán, không ái nhiễm, chẳng còn dính mắc với các cảnh trần nữa.

Trong Giáo lý của Đức Phật, Ngài hằng thuyết minh về nguồn gốc sự khổ, đó là ái dục, lòng tham, xuyên qua những lời sau đây:

“Từ khát ái sinh ra sầu ưu, từ khát ái sinh ra sợ hãi, với ai thoát khỏi khát ái, chẳng có sầu ưu thì đâu có sợ hãi.”

Đức Phật đã từng khuyến hóa chư đệ tử như lời sau đây, được tìm thấy trong kinh Dhammapāda bộ Khuddaka Nikāya:

“Hỡi chư Tỳ khưu, hãy tát cạn con thuyền này, thuyền tát cạn nhẹ sẽ đi mau. Các ngươi hãy đoạn tận tham áisân hận, nhờ đó các ngươi đạt đến Níp bàn”.

Thưa quý vị, xuyên qua lời dạy đó chúng ta còn lầm tông chỉ giáo lý Phật như thế nào nữa? Lời dạy của Đức Phật luôn luôn có tính cách hướng đến sự ly tham, đoạn tận tham rõ ràng và hơn nữa những pháp mônĐức Phật dạy chư đệ tử hành trì càng phải có tính cách hướng đến sự ly tham, đoạn tận tham rõ ràng.

Suy niệm quán tưởng về bản chất bất tịnh, ô trược của xác thân, để nhàm chán, từ bỏ tham luyến, tự thân không dính mắc đam mê dâm dục hèn hạ như trong kinh Aṇguttara Nikāya đã dạy như vậy.

Suy niệm về bản chất vô thường của vạn hữu, để không tham luyến trong tài, sắc, lợi, danh.

Suy niệm về sự chết để không tham luyến trong cuộc sống giả tạm này.

Suy niệm về tính cách bất hỷ, khổ trong tất cả thế gian để không tham ái bám víu các cõi sống luân hồi.

Thế thì những chủ thuyết nào có tánh cách xây dựng lòng tham trong khát ái, chủ trương các cõi cao cả sang trọng, ... tu để hướng đến cảnh giới như vậy thì đấy chính không phải là lời Phật dạy vì còn đeo níu, dính mắc cảnh, chúng ta nên hiểu như vậy.

Hơn nữa, chẳng lẽ Chân lý lại có hai? Chánh pháp lại mâu thuẫn, giáo lý lại tương phản? Nếu không do nhiều người xướng lập! Đức Phật tuyên bố pháp hành ly tham chớ không đưa đến tham dục. Đó là pháp của Như Lai, đem đối chiếu trắc nghiệm các pháp hành quán niệm, suy tưởng như bất tịnh, ... Và lời dạy tiêu chuẩn này chúng ta sẽ không còn ngờ vực việc gì nữa, đích thật là lời dạy của Bậc đạo sưtương ứng với nhau, không phài là không tương ứng.

Tiếp đến thế nào là lời Phật dạy đưa đến Ly hệ phược, không đưa đến Hệ phược?

Thưa quý vị, hệ phược là dây trói buộc, tức là phiền não, kiết sử. Chính những pháp này cột trói chúng sanh trong vòng luân hồi, không sao cởi bỏ được. Ở đây, ái dục là dây trói buộc; ái hữu là dây trói buộc; phẫn uất là dây trói buộc; ngã mạn, tà kiến, giới cấm thủ, hoài nghi, tật đố, bỏn xẻnvô minh là những dây trói buộc.

Pháp hành đưa đến ly hệ phược, những pháp nào khi thực hành có kết quả đoạn tận, tiêu trừ, nhổ sạch mọi kiết sử trói buộc, cởi mở tâm, giải thoát buộc ràng.

Mục đích trong Phật giáo là dạy hành pháp để đoạn tận mọi kiết sử thằng thúc để thành đạt bốn Thánh quả tỏ ngộ Níp bàn đó là mục tiêu duy nhất của Giáo pháp.

Đức Phật dạy về quán mắt là vô thường, quán cảnh sắc là vô thường, quán nhãn thứcvô thường, quán nhãn xúc là vô thường; từ xúc ấy sanh thọ, quán nhãn thọ này là vô thường khi ấy tâm nhàm chán, rồi xả ly, do xả ly được giải thoát cắt đứt mọi hệ phược.

Cũng vậy quán đối với tai là vô thường.

Cũng vậy quán đối với mũi là vô thường.

Cũng vậy quán đối với lưỡi là vô thường.

Cũng vậy quán đối với thân là vô thường.

quán tâmvô thường; quán cảnh pháp là vô thường; quán ý thứcvô thường; quán ý xúc là vô thường; từ xúc sanh thọ và quán ý thọ là vô thường; khi ấy tâm nhàm chán, rồi xả ly, do xả ly nên được giải thoát, dứt sạch mọi hệ phược; thực hành đến mức độ như vậy, là lời dạy của Bậc đạo sư, có hiệu năng xả ly, cắt đứt mọi hệ phược.

Đem so sánh pháp môn hành quán này với pháp tiêu chuẩn “Pháp chi đưa đến ly hệ phược, không đưa đến hệ phược, đó là pháp của Như Lai” thì thưa quý vị, chúng ta thấy rõ trắc nghiệm tương ứng, hòa hợp không tương phản, thì như vậy chính là lời dạy của Đức Phật.

Bằng như chủ thuyết nào, đem trắc nghiệm thấy rằng thực hành theo chỉ đưa đến trói buộc, ràng buộc, dính mắc thân tâm chúng ta nên hiểu rằng đấy chính không phải lời Phật dạy, bởi so sánh hậu quả trái với tông chỉ.

Kế tiếp thế nào là lời Phật dạy đưa đến Yểm ly, không đưa đến Tụ tập?

Thưa quý vị, sự Tụ tập dịch từ Phạn ngữ Ācaya nghĩa là pháp được chất chứa bởi nghiệp phiền não, ở đây ám chỉ sự luân hồi sanh tử; Đức Phật không dạy ra những pháp nào hành kết quả rốt ráo, còn luân hồi trong 6 nẻo!

Pháp đưa đến yểm ly là pháp thực hành có hiệu năng đưa đến vượt khỏi luân hồi không còn sanh tử xoay chuyển nữa, tức đạt Níp bàn.

Thưa quý vị, chính giáo lý của Đức Phật có những tinh hoa pháp môn mang tính chất ấy như là Bát Chánh Đạocon đường chánh, có tám nhánh dẫn đến đạo quả Níp bàn đó là:

1.     Chánh kiến: trí tuệ nhận thấy chân lý đúng với nhân và quả.

2.     Chánh tư duy: suy xét, nghĩ tưởng về những việc chân chánh.

3.     Chánh ngữ: ngăn trừ tà ác ngữ, nói năng chân chánh.

4.     Chánh nghiệp: ngăn trừ tà ác nghiệp, hành động chân chánh.

5.     Chánh mạng: ngăn trừ ác tà mạng do thân, khẩu ác, tức là nuôi mạng chân chánh.

6.     Chánh tinh tấn: siêng năng cố gắng với việc làm chánh thiện.

7.     Chánh niệm: ghi nhớ việc làm chánh đáng.

8.     Chánh định: định tâm an trụ một cảnh bằng cách chân chánh.

Đối với Tám chánh đạo này, phân ra trong đó gồm có tam học Giới - Định - Tuệ giúp cho Hành giả tu tập rốt ráo sẽ đạt đến giải thoát, cứu cánh Níp bàn. Chính Đức Phật đã nhấn mạnh các vấn đề này trong kinh Aṇgutara Nikāya.

Đức Phật là Bậc không còn luân hồi, Ngài đã phơi bày cái khổ luân hồi, mục đích thành đạo Chánh giác của Ngài là muốn tiếp độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi, như thế thì không có lý nào để Ngài tuyên thuyết dạy chúng sanh bằng những pháp chỉ rốt ráo kết quả là đưa đến luân hồi.

Bởi thế nên khi trắc nghiệm một pháp môn hành trì nào, biết rằng kết quả còn bám víu vào các cõi luân hồi, thì phải hiểu đó chẳng phải là lời Phật dạy, trái lạilời Phật dạy.

Tiếp đến nữa thế nào lời Phật dạy đưa đến Thiểu dục không đưa đến Đa dục?

Thưa quý vị, đa dục tức là ham muốn nhiều, đó chính là tham, mà lòng tham muốn là dẫn đến khổ, mục đích của Đạo Phật là thoát khổ, đương nhiên phải bứng tận gốc nguyên nhân sanh khổ là lòng tham muốn.

Nếu vậy thì đúng là lời Phật dạy, phải là pháp đưa đến thiểu dục, tức là pháp môn nào thực hành kết quả đưa đến lòng ít muốn không tham, chẳng thèm khát đòi hỏi.

Đức Phật có dạy 13 pháp đầu đà (Dhutaṇga) đều có đặc tánh làm cho thiểu dục (Appicchatā) nhưng đây chỉ trình bày phần chính.

- Tư cách người lượm vải dơ bỏ, để may y phục mặc. Đó là ngăn lòng tham muốn ưa thích se sua, lòe loẹt.

- Tư cách người xuất gia chỉ đi khất thực ăn, khi đó ai cho chi ăn nấy, không đòi hỏi món này tôi ăn được, món kia tôi ăn được, khiến cho tâm phải chộn rộn về vật thực.

- Tư cách người xuất gia chỉ đi khất thực thứ lớp theo từng nhà như thế để diệt lòng tham muốn, tìm kiếm món ngon vật lạ ở chỗ cao sang nhà giàu có. Khi đó đến bất cứ nhà nào giàu, nghèo, tôn kính hoặc không tôn kính cho hoặc không cho cũng không có ý đòi hỏi.

- Tư cách Bậc xuất gia chỉ ngụ trong rừng, đó để ngăn lòng ham muốn nhà cao, cửa rộng, phồn hoa đô hội.

- Tư cách Bậc xuất gia chỉ ngụ dưới gốc cây, đó để ngăn lòng tham muốn đòi hỏi tiện nghi vật chất.

- Tư cách Bậc xuất gia chỉ ngụ nơi mộ địa để nhàm chán thế trần, không muốn chạy theo danh vọng tài tình.

- Tư cách Bậc xuất gia chỉ trong ba oai nghi không nằm để tiết dục, không ưa ngủ nghỉ.

Như vậy chúng ta thấy trên đây những pháp Bậc đạo sư dạy có tánh cách diệt dục, ngăn chặn lòng ham muốn; đem so sánh trắc nghiệm thì quả hợp với pháp tiêu chuẩn: “Pháp nào đưa đến thiểu dục không đưa đến đa dục, là Pháp Luật của Như Lai” vậy ta đã thấy rõ.

Bằng như chủ thuyết nào hành trì đem lại kết quả lòng ham muốn nhiều, đòi hỏi nhiều, thì chính đấy không phải là lời Phật dạy đúng như Phật ngôn đã giáo truyền.

Thứ đến, thế nào là lời Phật dạy đưa đến Tri túc không đưa đến Bất tri túc?

Thưa quý vị, bất tri túc là không biết đủ, không biết độ lượng, người đời có ít muốn nhiều; có cái này muốn thêm cái khác; luôn luôn họ thiếu thốn khao khát không cùng. Có thể nói với một trận mưa vàng, cũng không biết đủ thỏa mãn lòng dục của chúng sanh.

Chính vì không biết đủ, thiểu dục tri túc như vậy nên chúng sanh cảm thấy thiếu thốn, đưa đến đau khổ, rồi đâm ra làm những việc tội lỗi, sau đó phải lãnh hậu quả vô cùng bi thương.

Đạo Phật tiêu diệt những tình huống thảm trạng ấy, mục đích của Đạo Phật biến con người trở thành toàn hảo, toàn hảo bên ngoài lẫn bên trong; bằng chứng xuyên qua những lời dạy thâm thúy hữu ích, trong kinh Dhammapāda. Bậc đạo sư đã tán thán:

“Vui thay, bạn lúc cần,

Vui thay, sống biết đủ,

Vui thay, chết có đức,

Vui thay, mọi khổ đoạn.”

Trong một trường hợp khác Đức Thế Tôn có dạy: “Satuṭṭhī paramaṃ dhanaṃ.” – “Sự tri túctài sản quí nhất.”

Và rõ rệt hơn, cụ thể hơn là những pháp môn hành trì Dhutaṇga hay đầu đà mà Bậc đạo sư đã chỉ dạy có tính cách làm trở thành người tri túc như là:

- Tư cách Bậc xuất gia chi giữ tam y mà thôi (là y Tăng già lê, y vai tráiy nội) như thế là Hành giả chỉ vừa lòng với mỗi một tam y này, không đòi hỏi nhiều thêm nữa.

- Tư cách người chỉ ăn một chỗ, tức là một lần trong ngày, là vừa lòng với một lần ăn như thế đủ nuôi sống thân rồi.

- Tư cách người ăn trong một bát, là biết đủ trong số vật thực ấy không muốn thêm nữa.

- Tư cách người ngăn vật thực không thọ thêm của thí chủ dâng nữa, tức là biết đủ với thật thực mà mình đã thọ lãnh rồi.

- Tư cách người chỉ ở một chỗ mà chư Tăng chỉ định cho, không tính thay đổi chỗ. Đây là làm cho tri túc trong chỗ ở.

Thưa quý vị, như trên chúng ta thấy mục đích lời dạy của Đức Phật chỉ cốt sao thành người tri túc biết đủ thôi, chớ không đòi hỏi nhiều, do đó nếu pháp môn nào hành trì đưa đến tri túc đấy chính là lời Phật dạy.

Bằng như chủ thuyết nào thực hành thấy càng mong muốn đòi hỏi nhiều, thì nên biết đó chính không phải là lời Phật dạy.

Và thứ đến nữa, thế nào là lời Phật dạy đưa đến Nhàn tịnh không đưa đến T hội?

Thưa quý vị, tụ hội là chỗ quần tụ ồn ào, tạo thành cảnh phiền não, không thích ứng với người tu chân chánh, phát triển Tịnh thiền.

Đúng theo giáo lý của Đức Phật, Ngài không hề chủ trương rủ rê đông đảo, sống tập trung để bàn biện, có phe đảng, ... Ngài chỉ dạy sống độc cư, thanh tịnh, định tỉnh nhất tâm, huấn luyện tâm yên tịnh, bởi tâm tư của chúng sanh hằng phóng túng, phan duyên theo cảnh trần, thích hợp cũng giống như con khỉ chuyền cây trong rừng.

Đức Phật hằng tán thán, ca tụng nếp sống độc cư, Ngài dạy chư đệ tử xuất gia phải ưa thích nếp sống độc hành, như tê giác độc sừng, ở tại gốc cây hay ngôi nhà trống hoặc nơi khu rừng tĩnh mịch để tu Thiền, có vậy tâm mới không nhiễm bụi đời.

Và Ngài còn dạy thêm phải nên quán tưởng thường thường như vầy, nhất là Bậc xuất gia: “Ta có ưa thích trong nơi thanh vắng chăng?”.

Như thế chi vậy? Thưa quý vị, đặng kiểm điểm tâm, nếu còn nhận thấy mình còn ưa chốn tụ hội ồn ào, thì huấn luyện tâm lại; và nếu đã thấy mình phát tâm hướng về độc cư, ưa thích trong nơi thanh vắng để Thiền định, thời còn hoan hỷ phát tâm thêm.

Như thế đó, chúng ta thấy rằng Đức Phật là bậc thanh tịnh, ưa thích thanh tịnh, tán thán sự thanh tịnh, và huấn luyện dạy đệ tử vui trong thanh tịnh, ...

Nếu giáo điều nào thực hànhtính cách nghịch chống hạnh viễn ly thanh vắng và dẫn đến kết quả rủ rê đông vui ấy chính không phải lời Phật dạy.

Bằng như thuận hạnh, là chính lời Phật dạy ta nên nhận định như vậy.

Thứ đến nữa là thế nào là lời Phật dạy đưa đến Tinh tấn, không đưa đến Biếng nhác?

Thưa quý vị, Đức Phật hằng dạy về những nổi thống khổ luân hồi: khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ ngạ quỷ, khổ súc sanh, khổ atula, khổ địa ngục, khổ ngũ uẩn, ... và Ngài tuyên thuyết sự diệt khổcon đường đưa đến sự diệt khổ. Người tu Phật khi quán sát đến các nỗi khổ trong luân hồi, thì phát tâm kinh cảm, run sợ như kẻ tội bị kề gươm lên cổ, nên càng chẳng dám dễ duôi, buông lung, mà cố hành trì Chánh đạo, cố trau dồi Thiện pháp không chút sơ hở và luôn luôn tìm cách xây hòn đảo giải thoát cho chính mình, như thế mới chính là mục đích đối với lời dạy của Đức Phật.

Bậc đạo sư hằng giảng dạy khuyến hóa về thái độ tinh cần xuyên qua lời dạy như sau:

“Ai sống quán bất tịnh

Khéo thu thúc các căn

Tri túc trong vật thực

Tinh tấn chuyên tinh cần

Ma vương không hiếp được

Như gió trước núi đá.”

Còn tóm lại:

“Ai sống nhìn tịnh tướng

Các căn không thu thúc

Vô độ trong vật thực

Biếng nhác kém tinh cần

Ma vương uy hiếp nó

Như gió lay cây yếu.”

Thưa quý vị, xét lại sắc thái lời dạy của Đức Phật, xuyên qua các câu kinh ấy chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, chủ trương của Đức Phật là hướng đến nỗ lực, tinh cần hành pháp đưa đến rốt ráo thoát khổ, chớ chẳng phải là Giáo lý chủ trương thụ động, có tính cách van xin cầu tha lực nên chi lời dạy nào chủ thuyết nào mang tính cách ấy phải được bác hẳn không phải là lời dạy của Đức Phật, người Phật tử chúng ta nên lưu tâm vấn đề này.

Và sau hết thế nào là lời dạy đưa đến Dễ nuôi không đưa đến Nan dưỡng?

Thưa quý vị, nan dưỡng là khó nuôi, người tu người hành trì theo giáo lý của Đức Phật, phải là dễ nuôi, không tìm kiếm món này món kia, tôi ăn được, tôi ăn không được, ...

Đức Phật dạy chư đệ tử Ngài sống khất thực mà ăn, ai cho chi dùng nấy, sống tri túc với vật đã có; sống đừng đòi hỏi kêu gọi nơi thí chủ, tùy niềm tinthí chủ hộ độ, tùy hoàn cảnhthí chủ hộ độ, tùy trường hợpthí chủ dâng cúng.

Ở đời ăn để sống, chứ đâu phải sống để ăn, ăn sốngtu đoạn trừ phiền não cấu uế tham, sân, si cho thoát lưới luân hồi.

Thưa quý vị, đó mới đúng là chủ trương của Đức Phật đáng nên hành trì bằng trái lại pháp nào dạy thành khó nuôi, kén chọn trong vấn đề ăn uống chính đấy chẳng phải là lời Phật dạy, chúng ta nên từ bỏ.

Thưa quý vị, vừa qua chúng tôi đã trình bày về tám sắc thái tiêu chuẩn của lời Phật dạy, để người Phật tử chúng ta khỏi bị lầm tưởng mua nhằm đồ giả trùng hiệu.

Trong vấn đề tu tập quả là phức tạp khó khăn, chớ không phải dễ, không khéo đi lầm đường lạc nẽo là kể như rơi vào bất hạnh, chẳng những bất hạnh đau khổ đời này mà cả đời sau đến vô lượng kiếp nữa. Nên khi chọn đường phải dè dặt, suy cho kỷ, nghĩ cho cùng, thấy phần chắc bằng Trí Tuệ thì mới nên đi theo.

Kết luận chúng tôi nhắc lại di ngôn của Bậc đạo sư trước giờ viên tịch; được ghi lại trong kinh Mahāparinibbāna bộ Majjhimanikāya như sau:

“Hỡi chư Tỳ khưu, khi các ngươi nghe một vị Tỳ khưu hay một vị Trưởng lão tỳ khưu có sức học uyên thâm, đa văn nói lên điều gì và bảo rằng “Đó là pháp, đây là luật, như vậy là Giáo lý của Bậc đạo sư” thì các ngươi không nên vội chấp nhận cũng không nên vội hủy bỏ, mà nên dùng Trí tuệ thẩm xét, suy nghiệm từng chữ, từng lời rồi đem đối chiếu với Kinh với Luật, xem có phù hợp hay không, nếu thấy không phù hợp thì nên loại bỏ, nếu thấy tương ứng thì nên thọ trì.”

Thời pháp đến đây xin kết thúc.

 

TÂM HOANG VU

Thưa quý vị, thời thuyết trình hôm nay tôi xin thuyết về “Tâm hoang vu”, chi pháp tích trong bộ kinh Majjhimānikāya bài kinh Cetokhila do Đức Thế Tôn thuyết giảng cho đệ tử chúng Tỳ khưu nghe.

Trước khi giảng chi pháp chúng ta hãy tìm hiểu về trạng thái tâm hoang vu.

Thưa quý vị, tâm hoang vu tức là một trong trạng thái tâm thụ động, tinh thần lãnh đạm, tư tưởng hoang phế tức là trạng thái tâm được xem như lui sụt, hư đốn bất thiện.

Nghĩa là trạng thái tâm hoang vu này gây ảnh hưởng khiến cho người không hướng về chuyên cần nỗ lực tinh tấn trong mục đích cao cả và cũng chính vì tâm hoang vu này làm cho người đệ tử Phật không thành đạt được, niềm tin bất thối nơi Tam bảo, do vậy việc tu tập hành trì bị trì hưỡn lui sụt, cho nên trở thành sa sút rơi vào bóng tối, bẫy ma.

Thưa quý vị, chính những trạng thái tâm hoang vu này có tác dụng nguy hại đến Phật tử, nó đi ngược lại với tông chỉ mục đích của người tu. Mục đích của người tu, đệ tử Phật là hướng đến một niềm tin bất thối, đạt thành mục tiêu giải thoát, do Tuệ giác liễu tri như vậy là mục đích của người tu.

Để thấu đáo vấn đề, hầu diệt trừ trạng thái tâm, tâm thụ động hoang vu, giúp cho việc tu tập của người đệ tử Phật được tăng tiến. Một lần nọ Đức Phật trú ở Sāvatthi, tại chùa Jetavana, Ngài dạy đến các vị tỳ khưu 5 tâm hoang vu này, thế nào là 5?

-        Là hoài nghi Bậc đạo sư.

-        Là hoài nghi Giáo pháp.

-        Là hoài nghi Chư tăng.

-        Là hoài nghi Điều học.

-        Là phẫn nộ với Bạn đồng tu.

Đó là 5 tâm hoang vu cần phải được đoạn trừ.

Bây giờ tuần tự chúng tôi sẽ trình bày từng chi pháp để chúng ta lãnh hội ý nghĩa dễ dàng.

Tại sao hoài nghi Bậc đạo sưtrạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, hoài nghi Bậc đạo sưhoài nghi Bậc thầy giác ngộ của mình, nghĩa là ám chỉ Đức Phật và Ngài là Bậc đạo sư của chư thiênnhân loại.

Còn Phật tử hoài nghi Đức Phật nghĩa là có tâm do dự nghi ngờ, phân vân về sự Giác ngộ cao cả của ngài, không quyết tin nơi ngài.

Ở đây có 5 cách hoài nghi bậc đạo sư:

- Một là: “Đức Phật có thật đắc chứng quả Toàn giác chăng?”

- Hai là: “Đức Phật có hào quang sáng thấu chỗ khuất đặng chăng?”

- Ba là: “Hào quang sắc màu của Phật khi xét suy bộ Đại xứ túa ra đầy đủ chăng?”

- Bốn là: “Chẳng biết thần thông, nhất là song thông của Đức Phật hóa hiện để hàng phục chúng sanh có thật vậy chăng?”

- Năm là: “Chẳng biết cách diệt trừ vô minh bằng Trí Tuệ của Ngài có phải thật vậy chăng?”

Thưa quý vị, một người Phật tử có sự hoài nghi Bậc đạo sư của mình như vậy là không tốt, sẽ chận đứng sự tiến hóa của mình; vì rằng khi ngờ vực vị Đạo sư thì tịnh tín bị rung động, niềm tin bị lung lạc, mà niềm tin bị lung lạc thì không thể hướng đến nỗ lực, kiên trì, tinh tấn tu học do đó bị thối hóa và rơi vào bất hạnh lâu dài.

Tôi xin kể lại sau đây một trường hợp điển hình:

Thuở ấy, có vị Tỳ khưu tên Sunakkhatta vào tu trong Phật giáo, hành thiền đắc được thiên nhãn thông, không đắc thêm gì được nữa. Chỉ thấy hình sắc Chư thiên, nhưng không thể nghe được tiếng nói, vị ấy bèn phát lòng ước muốn nếu mà nghe được tiếng Chư thiên nữa thì tuyệt diệu.

Tỳ khưu Sunakkhatta bèn vào hầu Phật và xin học pháp tham thiền để đắc thiên nhĩ thông.

Đức Phật biết rõ vị Tỳ khưu này vì mang hạnh nghiệp đê tiện đã làm thủng tai Bậc giới đức trong một kiếp quá khứ; nên nay dù cố công cũng không thành, Đức Phật không dạy bảo cho pháp tham thiền ấy.

Tỳ khưu Sunakkhatta bèn tự hành, nhưng không kết quả, mới phát tà tư duy nghĩ rằng: “Hay là Sa môn Gotama là dòng vua, ta đây cũng dòng vua bằng nhau, nếu một khi dạy cho ta đắc thần thông thì có ta đạt quả vị bằng Ngài, nên ngài không dạy chăng?”

Khi thầy Sunakkhatta nghĩ sai, ngờ vực Đức Phật như vậy, thì sanh tâm oán Đức Thế Tôn không bao lâu xin hòan tục, từ bỏ giáo pháp, không tu theo Đạo Phật nữa, rồi sau khi chết rơi vào khổ cảnh.

Thưa quý vị, đó là hậu quả của tâm hoang vu, thứ nhất là hoài nghi Bậc đạo sư, tư cách ấy ngăn chặn sự tiến hóa trong Phật pháp, do vậy người Phật tử phải hằng suy xét đến Ân đức Phật là Tịnh đức, Bi đức, và Trí đức để am hiểu về Ngài một cách rõ rệt.

Tiếp đến thế nào là hoài nghi Giáo pháp trạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, giáo pháp ở đây nghĩa là lời dạy của Bậc đạo sư, gồm có ba:

  1. Pháp học.
  2. Pháp hành.
  3. Pháp thành.

Pháp học tức là Tam học Giới - Định - Tuệ.

Pháp hành tức là pháp tu chỉ tịnh (Samatha) và pháp tu quán Minh sát (Vipassanā) hay pháp hành Tứ niệm xứ vậy.

Pháp thành là chỉ cho trạng thái thành đạt tức 4 đạo, 4 quả (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán cùng quả Níp bàn).

Hoài nghi giáo pháp quả là tâm nghi hoặc ngờ vực lời dạy của Bậc đạo sư, hoài nghi giáo pháp có 4 cách:

-      Một là: “Chẳng biết bốn bậc Thánh quả có thật đúng như vậy chăng?”

-      Hai là: “Chẳng biết bốn bậc Thánh quả có chắc như vậy chăng?”

-      Ba là: “Chẳng biết Níp bàn là vắng lặng dứt tuyệt rốt ráo hết tất cả khổ phải chăng?”

-      Bốn là: “Chẳng biết pháp học Tam tạng có tám mươi bốn ngàn pháp môn như thế phải chăng?”

Đó là trạng thái hoài nghi giáo pháp.

Thưa quý vị, Đức Phật là Đấng đạo sư đã tuyên thuyết Giáo pháp toàn chân, toàn thiệntoàn mỹ, có công năng hướng thượng khiến những ai vững niềm tin hành trì theo, thời dẫn đến giải thoát, an vui tuyệt đối. do đó ngược lại nếu người Phật tử có tâm hoài nghi, ngở vực Giáo pháp khiến cho niềm tin bị rung động, yếu kém, thời như vậy tâm tư trở nên thụ động, tiêu cực, buông lơi việc hành đạo, không có hướng về nỗ lực sách tấn, thành thử bị thối đọa rơi vào bất hạnh.

Thưa quý vị, trong Kinh pháp cú Đức Phật có dạy rằng:

“Ai tâm không an trú

Chẳng thông hiểu Chánh Pháp

Tịnh tín bị dao động

Trí tuệ không viên thành.”

Thưa quý vị, Trí tuệ viên thành tức là quả vị A-la-hán. Ý nghĩa câu kệ này muốn dạy rằng: Người mà tâm tư dao động, niềm tin bị mất mát tất không đạt thành mục đích. Do đó người Phật tử phải diệt trừ sự hoài nghi trong Giáo pháp để giữ vững niềm tin, không bị dao động, hầu hướng tâm kiên trì, nỗ lực hành đạo, thành đạt quả vị. Và muốn diệt trừ hoài nghi giáo pháp, chúng ta phải tận lực học hỏi, nghe nhiều và suy nghiệm giáo lý cao xa, cho thấu hiểu nghĩa lý Phật pháp.

Kế tiếp thế nào hoài nghi Chư tăng là trạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, chư Tăng hay còn gọi là Tăng chúng, tức là chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật, là những người đã đặt niềm tin nơi Bậc đạo sư, nơi giáo pháp, các vị ấy tự nguyện sống đời sống Phạm hạnh thiêng liêng dưới sự chỉ đạo của Bậc giác ngộ; cạo bỏ râu tóc, đắp y cà sa; bên trong có Giới - Định - Tuệ. Các vị ấy được gọi là đệ tử Phật, ăn theo Phật, ở theo Phật, hành theo Phật.

Ăn theo Phật là Đức Phật ngài dễ nuôi; có chi dùng nấy; lại tiết dục, ăn một ngày một thời một bữa ngọ thôi, Tăng chúng đệ tử Ngài cũng vậy.

Ở theo Phật là Đức Phật ngài sống vô gia cư, không có gia đình, không có tư gia, khi hoằng hóa chỗ này, khi hoằng hóa chỗ khác, không định cư lâu. Chư Tăng đệ tử Phật cũng vậy.

Và hành theo Phật, là Phật ngài dạy bậc xuất gia sống điều chế trong giới bổn Paṭimokkha nuôi mạng chân chánh, thu thúc lục căn, thọ dùng tứ vật dụng phải biết tiết độ quán tưởng, ... Khi Đức Phật dạy như thế chư Tăng đệ tử hành theo lời dạy chẳng dám sai. Đó là nói về Tăng chúng.

Thưa quý vị, hoài nghi Tăng tức là ngờ vực nghi ngờ Ân đức tăng, không quyết tin, hoài nghi Tăng có hai cách:

-      Một là: “Nghi ngờ Thánh Tăng đệ tử Phật có đắc quả thật hay không?”

-      Hai là: “Nghi ngờ phàm Tăng đệ tử Phật có thành tựu Tăng hay chăng?”

Thưa quý vị, Đức Phật đã Níp bàn rồi, giáo pháp Ngài được lưu tồn đến ngày nay có cho chúng ta tu tập cũng nhờ Tăng chúng nắm giữ giềng mối; hơn nữa Ân đức Phật và Ân đức Pháp được triển khai trong thế gian cũng do Tăng chúng phổ cập cả thảy. Vì thế đó, những ai do dự, nghi ngờ không quyết tin nơi Tăng chúng là điều thiệt hại lớn cho chính họ, khiến cho mất mát nhiều sự lợi ích. Những người ấy sẽ không nếm được hương vị pháp bảo, hương vị giải thoát do Tăng chúng hoằng hóa đạo mầu.

Đến đây tôi xin kể một tích chuyện điển hình:

Có lần ngài Vītasoka (Ngài Vītasoka là em của vua Asoka, tánh khinh thường Tam bảo, khi trước rất tin tưởng nhóm ngoại đạo tu khổ hạnh , đối với Tăng chúng đệ tử Phật, vị ấy không có niềm tin, ông thường nói: “Mấy vị Sa môn tu theo Phật giáo, tu hành dễ dãi quá, thì làm sao Giác ngộ được gì?”) cùng huynh đệ Asoka đi điền điệp, trông thấy một nhà tu khổ hạnh hơ mình trên lửa đỏ, sức nóng ác nghiệt khiến cho da thịt nức nẻ. Ngài Vītasoka rất bái phục và nức nở khen: “Người tu phải khổ hạnh như vậy mới phải, và thế cũng chưa thấy gì? Huống hồ các vị Sa môn tu theo Phật giáo thường ngày sống trong sự dễ dãi đầy đủ làm sao giải thoát được”.

Đức vua Asoka mỉm cười, không đáp trở về hoàng cung, ngài nghĩ ra cách tế độ em. Ngài bèn thiết kế với các quan, xong rồi giả vờ vào phòng tắm, cởi bỏ áo mão trên ngai. Các quan khi ấy mới bàn với ngài Vītasoka rằng: “Trước sau gì ngài cũng làm vua, vậy sẵn áo mão đây ngài hãy mặc thử xem coi có oai vệ lắm không?”. Đức hoàng đệ Vītasoka làm theo; hoàng đế Asoka lúc bấy giờ trở ra thấy vậy, Ngài liền giả cơn thịnh nộ hét lên: “Trẫm chưa băng hà mà hoàng đệ lại soán ngôi?”. Rồi tuyên quân xử trảm. Các quan giả vờ can gián, nhà vua vẫn không tha, nhưng lại cho em mình làm vua 7 ngày rồi xử tội sau.

Trong bảy ngày ấy, tân vương được thọ hưởng một Đặc ân của một vị vua, cứ vào mỗi buổi chiều Đức vua Asoka cho quân rao to: “Đã được một ngày còn sáu ngày nữa, tân quân xử trảm.”

Cứ thế từ ngày này đến ngày kia, cho tới ngày thứ bảy, quân dẫn vị hoàng đệ Vītasoka đến trình đức vua Asoka, vua hỏi: “Bảy ngày qua chắc ngự đệ làm vua sướng lắm phải không?”

Đức Vītasoka đáp: “Tâu, em nào có vui hưởng được gì, hằng ngày khi nghe quân đao phủ nhắc tới sự chết gần kề làm cho em lo nghĩ sợ hãi tán tâm còn lòng dạ nào vui hưỏng dục trần!”

Khi ấy vua Asoka dạy em rằng: “Ngự đệ chỉ lo nghĩ đến sự chết trong một kiếp này mà còn kinh cảm như thế, huống hồ chi các vị Sa môn đệ tử Phật hằng nhớ tưởng đến cái chết trong vòng sanh tử luân hồi, khổ trong các cảnh giới súc sanh, ngạ quỷ, atula, địa ngụcchúng sanh nào giải đãi hằng bị sa đọa, tất cả chúng sanh đều phải bị khổ khi đã mang thân ngũ uẩn này, và mỗi pháp hữu vi đều là hiện tướng của sự vô thường, khổ nãovô ngã. Lo âu như vậy, thì làm sao các Ngài dám dễ duôi giải đãi như ngự đệ đã nghĩ.”

Đức Vītasoka bấy giờ tỉnh ngộ xin phép đức hoàng huynh Asoka để nương tựa Tam bảoxuất gia theo Tăng chúng. Đức vua hoan hỷ ân xá cho em và chuẩn tấu theo lời Ngài Vītasoka xuất gia chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán.

Thưa quý vị, một người như Ngài Vītasoka có tâm nghi ngờ Tăng bảo như thế không thể nào tiến hóa trên con đường chân chánh được nếu không may có được vị Hoàng huynh cải hóa thì chẳng mong tỏ ngộ được, bởi thế hoài nghi Tăng là trạng thái tâm hoang vu, ngăn chận sự tiến hóa; do đó người Phật tử phải diệt tâm hoài nghi này để thành tựu lợi ích tốt đẹp.

Tiếp đến nữa, thế nào là hoài nghi điều học là tâm hoang vu?

Thưa quý vị, điều học là những pháp môn trong Giáo pháp mà mình đã thọ trì như Giới luật, ...

Hoài nghi điều học là nghi ngờ những điều mà mình đã thọ trì, vì không hiểu biết rõ điều học ấy mà tâm ngờ vực nghi hoặc.

Người đã đặt niềm tin nơi Giáo pháp nhưng còn có thể có sự hoài nghi điều học được, thế cho nên đề cập đến cả hai trạng thái:

-        Hoài nghi giáo pháp.

-        Hoài nghi điều học.

Vấn đề này chúng ta cũng nên phân biệt cho rõ.

Ở đây hoài nghi giáo pháp nghĩa là không có sự tin tưởng nơi Giáo lý toàn bộ, còn ngược lại như hoài nghi điều học chẳng phải là không có niềm tin nơi giáo pháp, nhưng chỉ là do không hiểu rõ điều đã thọ trì nên sanh ra ngờ vực hoang mang một vấn đề ấy, sự kiện này là như vậy.

Thưa quý vị, sự hoài nghi điều học chúng ta có thể nói tới hai cách:

-      Một là: “Nghi ngờ điều luật mà mình đã trì giữ không biết nó như thế nào? Có đúng chăng?”

-      Hai là: “Nghi ngờ pháp môn mình hành trì như pháp đầu đà, thiền định, ... không biết có kết quả ra sao? Có thật thành tựu lợi ích chăng?”

Cách hoài nghi điều học là vậy.

Thưa quý vị, sự hoài nghi diều học có ảnh hưởng hậu quả không kém phần quan trọng, người Phật tử một khi đã thọ trì giáo điều nào rồi mà tâm tư thụ động chán nãn không thỏa mãn có sự ngờ vực trong pháp mình hành, tất thối lui không thể có chí hướng nỗ lực vào pháp hành ấy được, mà nếu thối chuyển, không nỗ lực đương nhiên không đạt đích. Vị Bồ Tát hành pháp độ cũng vậy, nếu ngờ vực không quyết tin việc làm của mình thời lý tưởng gãy đổ, không thành tựu giải thoát được, cũng ví như người học luyện bùa, tâm có sự ngờ vực không tin tưởng thời bùa chẳng hiệu nghiệm người Phật tử thọ trì pháp cũng như thế đó.

trường hợp này mặc dù không tác hại như hoài nghi pháp, nhưng cũng ngăn chận tiến hóa trong việc tu tập . Do đó người đệ tử Phật phải có Trí đa văn hiểu sâu rộng Phật Pháp nhất là thông suốt điều mình đã thọ trì bằng cách siêng  nghe, cần vấn những gì mình chưa hiểu.

Tiếp nối sau cùng thế nào là phẫn nộ với Bạn đồng liêutrạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, người ta thường nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” sự thật như vậy, những lúc tâm ta giải đãi phóng dật cần có những bạn đồng phạm hạnh sống gần nhắc nhở và un đúc tinh thần ta thêm lên. Nhờ vậy ta mới hướng về chuyên cần nỗ lực, trong thiện pháp. Bởi thế Đức Phật dạy trong năm pháp làm cho mau Giải thoát có điều là được bạn lành.

Tư cách phẫn nộ với bạn đồng liêu nghĩa là tỏ lộ bất mãn, sân hận, chống đối với những vị đồng phạm hạnh sống gần, tâm tư, lời nói gắt gỏng với ai khi nhắc nhở lỗi lầm.

Sự phẫn nộ sân hận là một trong mười sáu pháp làm cho trở thành khó dạy, khi người đã sân nộ, các bạn trí biết được tránh xa, không thân cận giao thiệp, chẳng dám khuyên nhắc, như thế thì tâm tư sẽ bồng bột, không được hun đúc tất nhiên bị thối đọa rơi vào bất hạnh.

Thưa quý vị, như thầy Tỳ khưu Channa vốn là người hầu của thái tử Sĩ-đạt-ta khi còn tại vị, sau khi thái tử xuất gia thành Phật rồi, thầy cũng xuất gia theo nhưng tính tình ngang ngạnh khó dạy dù được sự nhắc nhở của chư vị Tỳ khưu bạn trong những khi thầy phạm lỗi, nhưng thầy Channa luôn luôn tỏ ra thái độ bất mãn, sân hận, chống đối với các vị này không hề phục thiện.

Đến nỗi Đức Phật dạy: “Này Ānanda, hãy hành tội phạm đàn ấy với thầy tỳ khưu Channa, đừng vị nào nói chuyện giảng giải, giáo giới Tỳ khưu Channa khó dạy ấy nữa”.

Cho nên trong khi Phật còn sống cho đến khi diệt độ khoảng thời gian ấy Tỳ khưu Channa không đắc quả gì cả.

Thưa quý vị, xuyên qua câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ thái độ tâm hoang vu của vị Tỳ khưu Channa, như vậy nên chẳng thành đạt được những lợi ích gì đối với mục tiêu trong đời sống phạm hạnh. Do đó, người Phật tử đã gọi là đệ tử Phật, chúng ta phải tu tập, mong rằng: “Tâm tôi luôn luôn được mát mẻhoàn cảnh nào tôi cũng nói với tâm từ không nói với tâm sân”. Luôn tất cả mọi người, ta đều như vậy thì tôi tin rằng ta sẽ diệt trừ được tâm hoang vu thứ năm này.

Thưa quý vị, tóm lại bài thuyết trình hôm nay tôi xin trình bày về 5 tư cách tâm hoang vu khiến cho tâm tư thối hóa, thụ động không thành đạt lợi ích trong việc tu tập.

Năm tâm hoang vu đó là:

-      Hoài nghi Bậc đạo sư, tức là nghi ngờ không quyết tin sự Giác ngộ của Đức Phật.

-      Hoài nghi Giáo pháp nghĩa là có tâm ngờ vực không thỏa mãn đối với giáo lý của Đức Phật.

-      Hoài nghi Tăng chúng nghĩa là nghi ngờ Chúng đệ tử tu hành của Đức Phật.

-      Hoài nghi Điều học nghĩa là có tâm ngờ vực không thỏa mãn điều mình đã thọ trì.

-      Và cuối cùngphẫn nộ với Bạn đồng liêu tức là chống đối, sân hận, hay bất mãn đối với đạo bạn đồng phạm hạnh.

Thưa quý vị, đó là 5 tâm hoang vu mà người Phật tử học cho biết để diệt trừ tận gốc các pháp ấy, khi nào các trạng thái tâm ấy còn nội khởi thì ta không thành tựu lợi ích, trái lại thì tốt đẹp.

Thưa quý vị, thời thuyết trình hôm nay đến đây vừa phải lẽ.

 

PHÁP TAM CƠ

Thời pháp hôm nay tôi xin giải về pháp “Tam Cơ”.

Pháp Tam cơ là thế nào?

Thưa quý vị, cơ tiếng Hán nghĩa là thành, gốc, nền. Nguyên nhân gọi là pháp Tam cơ nghĩa là ba pháp nền móng căn bản giúp cho tiến hóa lợi ích đạt quả đích cao thượng, tức là sự giải thoát không thể có sự lui sụt được, đó là: Trí tuệ - Đức tin - Tinh cần.

Một người Phật tử muốn cho mình trong sạch thanh lọc ô nhiễm, trước hãy tạo một niềm tin, nhưng phải là niềm tin chân chánh tức nhiên lòng tin đó phải dựa trên trí tuệ, hiểu biết mới có thể là chân chánh được; khi đã được như vậy rồi người Phật tử cần phải nỗ lực sách tấn, dồn hầu hết vào việc hành trì pháp, như thế mới có kết quả khả quan.

Sau đây chúng ta sẽ lần lượt trình bày từng chi pháp một cho chúng ta dễ nhận định hơn.

Thế nào là cơ Tin?

Thưa quý vị, đức tin (Saddhā) là tính cách tin tưởng vào ngưỡng mộ nơi, hay là một sự trong sạch với một nhân vật khả tín. Đức tin nơi đây phải là chánh tín, một niềm tin được đặt trên lý trí dựa vào Đức Phật, Giáo Pháp, Chư Tăng; có vậy mới là cơ sở giúp cho tiến hóa được, đặc tánh chính của đức tin là thanh lọc khiến cho chúng sanh tinh khiết.

Điểm thứ hai nữa là niềm tin thôi thúc cố đạt đến các quả đích cao hơn.

Tựu trung lại, đức tin chân chánh nơi đây có 4 là:

  1. Tin cái nghiệp (Kammassaddhā).
  2. Tin quả (Vipākamaddhā).
  3. Tin có nghiệp riêng của mình (Kammassakātāsaddhā).
  4. Tin nơi sự giác ngộ của Đức Phật.

Thưa quý vị, tin nghiệp là tin vào mỗi mỗi hành động cố ý làm bất thiện do thân, do khẩu hay do ý đều là có mãnh lực trổ quả, cho vui hay cho khổ đó là niềm tin cái nghiệp.

Còn tin quả là tin rằng mỗi cách hưởng cảnh vui khổ trong đời sống đó là kết quả tương ứng của những hành động thiện hoặc ác đã gây, có thể là hiện tại hay quá khứ. Đó là tin quả.

Còn về sự tin có nghiệp riêng của mình nghĩa là tin chắc rằng mỗi mỗi chúng sanh đều có biệt nghiệp của chính họ đã tạo nên, cho dù sanh làm quyến thuộc với nhau, mỗi chúng sanh ấy thọ cảm hạnh phúc, khổ đau khác biệt, ấy chỉ là do nghiệp riêng của mình, chính họ đã tạo trữ rồi thành tựu như vậy; chớ không có nhân vật tối cao nào ban bố sắp đặt cho cả.

Đúng như Phật ngôn dạy trong kinh Cūlakammavibhanga như vầy:

“Này thanh niên, chúng sanh có nghiệp riêng của mình, hưởng cảm cái nghiệp, nghiệp là thai bào, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là cứ điểm, nghiệp phân chia các loài hữu tình thành ra ưu thắng, hạ liệt.”

cuối cùng là tin sự giác ngộ của Đức Phật. tức là tin chắc cái Tuệ giác sáng suốt của Đức Thế Tôn, Ngài đã tỏ ngộ Sự khổ, tỏ ngộ Nhân sanh khổ, liểu tri pháp Diệt khổ, thấu triệt Con đường đưa đến pháp diệt khổ, lại nữa trong sạch nơi Đức Phật là nhân vật cao quý thanh tịnh cả thân, khẩu, ý, không nơi khuất lấp; Ngài là bậc đã tự mình giác ngộ chân chánh; là Thầy của cả Chư thiênnhân loại; là Bậc có giới đức vô thượng, là Bậc không còn luân hồi nữa; những lời dạy do Đức Như Lai thuyết là hướng thượng; chúng đệ tử do Ngài huấn luyện là chân chánh cao đẹp. Như vậy là tin nơi sự Giác ngộ của Đức Phật.

Thưa quý vị, khi chúng ta đã thiết lập niềm tin như vậy thì khiến cho chúng ta mong đạt đến những quả đích cao hơn, nhờ đó ta có thể thực hiện các việc lành như Phật đã dạy: “Saddhā bamdhati pāthayyam” nghĩa là “Đức tin là gói cột sự dự phòng”. Do vậy ta được an vui và trở nên thánh thiện. Chính vì vậy mà Phật ngôn: “Saddhā sādhu patiṭṭhitā” nghĩa là “Đức tin thành tựu sự tốt đẹp”.

Như tích xưa thuở ông Cấp Cô Độc chưa là Thánh cư sĩ, có lần đi đến thăm anh chị trong nội thành, được nghe người anh rể tán tụng Ân đức Tam bảo nhất là Đức Phật, thì niềm tin dạt dào với Đức Phật đã khởi lên mãnh liệt nơi ông Cấp Cô Độc.

Chính nhờ đó mà trong đêm, lòng tin vô hạn đã thúc đẩy ông tìm đến Thiên Nhân Sư, trong lúc đi nhờ phỉ lạc của niềm tin suy niệm Ân đức Phật đã tạo thành một vầng sáng soi đường cho ông; ông cứ đi, đi mãi thì bỗng vấp phải những tử thi, vì đi ngang qua một bãi tha ma, ông khiếp đảm nhưng nhờ có Chư thiên khuyến khích và lòng tin được khởi lên ông tiếp tục đi, thế là chướng ngại đến với ông hai lần nữa. Nhưng cuối cùng ông đã thắng hóa tất cả, và đến gần đảnh lễ dưới chân Đức Phật, lãnh hội Giáo lý ngay tại đó đã đạt Thánh quả Tu-đà-hoàn diệt trừ ba sự trói buộcthân kiến, hoài nghigiới cấm thủ, thế là không bao lâu chẳng quá bảy kiếp nữa vị ấy sẽ thoát khỏi mọi sự khổ đau ở đời.

Thưa quý vị, qua tích này chúng ta đã nhận thấy nhờ có đức tin mà ông Cấp Cô Độc được thanh lọc tinh khiết, nhờ có đức tin ông tiến đạt đến quả đích cao hơn, tạo nên sự hạnh phúc vô thượng. Chính vì đó người Phật tử chúng ta hãy tự tạo cho mình một niềm tin chân chánh để làm cơ bản, nền móng cho sự giải thoát tiến hóa. Hơn nữa chính đức tintài sản cao quí của người trong đời này.

Những ai chưa có niềm tin thì ta nên phát triển niềm tin, còn chúng ta những ai đã có niềm tin chân chánh rồi thì nên cố duy trì và phát huy mạnh mẽ niềm tin đó.

Như vậy tôi đã trình bày xong pháp căn bản thứ nhất là cơ Tín, kế đến tôi nói qua pháp cơ bản thứ hai là cơ Trí, tức Trí tuệ.

Thế nào là cơ Trí?

Thưa quý vị, Trí tuệ (Paññā) là sự sáng suốt hiểu biết thực tại, thông thấu pháp đúng như thật. Chính trí tuệ là nguồn cội của mọi sự hiểu biết, trí tuệ trở thành một trong tám nẽo đường đưa đến sự giác ngộChánh kiến (Sammādiṭṭhi) vì đường lối hiểu biết đúng đắn theo Tứ Diệu Đế, lại nữa Trí tuệ trở thành một pháp trợ cho sự Giác ngộTrạch pháp giác chi, vì quán triệt các pháp danh và sắc; lại là Tuệ quyền, Tuệ lực, ...

Chung qui lại Trí tuệ là pháp gốc, căn bản của sự Giác tri chân lý.

Trí tuệ đây có ba là:

  1. Trí Văn.
  2. Trí Tư.
  3. Trí Tu.

Thưa quý vị, nói đến Trí văn tức là sự sáng suốt thấu triệt các pháp do nhờ nghe pháp hoặc học hỏi, tìm hiểu nơi người trí, nơi kinh sách mà phát sanh Trí tuệ.

Còn về Trí tư tức là sự thông suốt minh mẩn do sự suy xét chân lý pháp lý cao siêu chân chánh mà phát sanh Trí hóa.

Và Trí tu tức là Tuệ sáng suốt quán triệt các pháp, do nơi tu tập Thiền tứ niệm xứquán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp. Người tu Thiền tứ niệm xứ cho thấy rõ sự sanh diệt vô thường của danh và sắc, phát sanh Tuệ giác, cái trí tuệ ấy gọi là Trí tu vậy.

Trở lại vấn đề Trí tuệ là pháp cơ bản giúp cho người tu tiến hóa lợi ích.

Thưa quý vị, kiến thức chân chánh là một điều hệ trọng đối với người tu, bởi nó giúp cho ta không hành pháp sai lạc, người ta còn có những tư tưởng sai lầm, niềm tin mù quáng, cuồng tín đó là do thiếu Trí tuệ làm căn bản không suy xét trên lý trí.

Đức Phật lần nọ đã giáo giới cho dân chúng xứ Kālāma rằng:

“Đừng vội tin, này các dân Kālāma những gì chỉ nghe tố tụng, đừng vội tin chỉ vì lời đồn đãi, đừng vội tin theo truyền thống tập quán, đừng vội tin chỉ vì trong Kinh điển, cũng đừng vội tin chỉ vì là vị Thầy ta thuyết, mà chỉ khi nào với Trí tuệ hiểu rõ đây là Thiện, đây là ác, đây là nhân kết quả vui, đây là kết quả khổ, ...”. Khi ấy mới nên tín thọ, đại để Đức Phật dạy là vậy, như thế trong mọi vấn đề người Phật tử cũng cần phải áp đặt Trí tuệ trên trước, thẩm xét cho tường tận.

Có vậy ta không bị lầm lạc mê cuồng, ở đây khi quan sát các sự vật phải nhận diện cho thấy rõ các pháp trên Đời là khổ; hãy tìm rõ Nhân sanh khổ, cùng quán triệt sự Diệt khổthông suốt Con đường đưa đến sự diệt khổ. Đó là trí tuệ chân chánh, nói rõ hơn Trí tuệ căn bản giúp cho tiến hóa lợi ích, tức là Tuệ thấy rõ lý nhân quả của pháp chân đế: hiểu rõ Tập khởi sự khổ là nhân; hiểu rõ sự Khổ là quả; thấu đáo con Đường diệt khổ là nhân; liễu tri sự Diệt khổ là quả.

Khi người có Trí tuệ như vậy rồi là người được thấu đạt những tinh hoa trong giáo pháp, bởi giáo lý Đức Phật chỉ có người Trí mới lãnh hội được; cũng nhờ Trí tuệ thấu triệt những tinh hoa ấy khiến cho kiến thức con người trở nên chân chánh, không bị đầu độc mê cuồng, nhờ vậy con đường Giải thoát sẽ không xa, vòng luân hồi sẽ ngắn lại.

Có lẽ quý vị cần liên tưởng đến cuộc đời của Ngài Sārīputta là một vị Thượng thủ thinh văn tả hữu của Đức Phật, có đặc biệt đa Trí tuệ.

Thuở ngài còn là thanh niên Upatissa cũng có nhiều Trí tuệ, một hôm cùng người bạn thân đi xem hát, sau khi đó cả hai tự ngộ nhận cuộc đờihư ảo cũng giống như vở kịch trên sân khấu.

Thế là cả hai chán nản, từ bỏ gia đình mong tìm con đường giải thoát, cả hai lúc đầu đến hầu các vị giáo chủ trứ danh để thọ giáo, với Trí tuệ sẵn có không mấy chốc đã thấu đạt hết phần giáo lý của thầy mình, nhưng cả hai xét thấy đây cũng chưa phải là cứu cánh rốt ráo, thế rồi từ giã ra đi.

Đến các vị giáo chủ khác cũng xét thấy như vậy, lúc đó hai người bạn chia tay, mỗi người đi một ngã hứa hẹn nếu ai tìm ra con đường giải thoát trước, thì trở về dắt dẫn người sau.

Nói về thanh niên Upatissa sau khi từ giả rồi, đang đi vào thành Rājagaha bổng thấy đại đức Assaji y bát trang nghiêm tướng đi từ tốn, gương mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ sự vắng lặng sâu xa bên trong, cốt cách siêu phàm của vị chân tu ấy khiến thanh niên Upatissa tò mò để ýlặng lẽ theo Ngài, đến lúc Đại đức dừng chân lại một chỗ thích hợp để thọ thực xong; người thanh niên chụp lấy ngay cơ hội cung kỉnh bạch hỏi Ngài về mục đích, giáo lý và ai là vị Tôn sư của Ngài? Khi ấy Đại đức Assaji trình bày đại lược giáo lý như sau:

“Các pháp nào sanh lên cũng như nhân của những pháp ấy, Như Lai đã chỉ và Ngài đã dạy cách đoạn triệt những pháp ấy”

Vị đại đức Sa môn đã thuyết giảng như vậy. Trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ đã đủ thuần thục để thấu triệt những chân lý sâu xa, dầu chân lý ấy chỉ được gợi ra một cách vắn tắt. Vị ấy chỉ cần một tia ánh sáng và đại đức Assaji đã đọc lên bốn câu kệ thật là khéo léo đưa người ngay vào con đường. Khi nghe xong hai câu đầu, thanh niên Upatissa đã đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotāpatti).

Bấy giờ đúng theo lời cam kết Upatissa trở về báo tin lành cho bạn là Kolita vốn cũng là bậc Trí tuệ, khi nghe xong bốn câu kệ ông cũng đắc quả Tu-đà-hoàn luôn, về sau cả hai xuất giatrở thành nhị vị Thượng thủ thinh văn của Đức Phật, tức là Đại đức Sārīputta và Đại đức Moggallāna.

Thưa quý vị, trở lại vấn đề chúng ta thấy Trí tuệ hết sức là quan trọng, hết sứccăn bản, nhờ có Trí tuệ chúng sanh mới thấu đạt chân lý Chân - Thiện - Mỹ, nhờ có Trí tuệ con đường tu tập mới được sáng tỏ minh chánh, có vậy người Phật tử mới dễ dàng tiến hóa đạt đến quả đích vô thượng.

Ấy là Cơ Trí Tuệ pháp như vậy.

Sau cùng chúng tôi sẽ trình bày pháp cơ bản thứ ba là Cơ Cần.

Thế nào là cơ Cần?

Thưa quý vị, cơ cần là một pháp căn bản về sự tinh luyện chuyên sách tấn.

Cần hay tinh tấn, Phạn ngữ Viriya nghĩa là sự siêng năng, quyết tiến, nỗ lực không ngừng, đặc tánh của pháp này là nâng đỡ không cho bị lui sụt.

Mọi sự cố gắng trong việc làm siêng suốt đều được xem là cần chuyên, sách tấn, tuy vậy nơi đây trên phương diện Cần là pháp nền móng, cơ bản Cần phải hiểu là lối siêng năng cố gắng một cách chân chánh, đúng là pháp có mục đích cao thượng, mặc dù trong mọi việc làm nếu có sự cố gắng tinh chuyên cũng đạt kết quả thỏa mãn, nhưng sự cố sức ấy chẳng khả dĩ mang lại chút gì trong việc tổng trừ mọi khổ đau, do đó khi nói đến pháp nền tảng giúp cho Hành giả tu tập thêm tiến hóa thì phải đề cập đến sự cố gắng nỗ lực như thế nào để nếm được hương vị Giải thoát bằng không cũng là đang đi trên con đường đến Giác ngộ.

Sự tinh tấn ấy thưa quý vị, được xem là Chánh tinh tấn (Sammāvāyāmo) gồm có bốn trọng yếu là:

-      Thận cần tức là cách cố gắng làm cho không phát sanh những ác chưa sanh, như ta chưa sát sanh, trộm cắp thì cố giữ đừng cho sát sanh, trộm cắp,…

-      Trừ cần tức là cách cố gắng dứt trừ những ác pháp đã sanh rồi không cho tái phạm, như người đã gây ác nghiệp rồi bây giờ cố chừa bỏ không làm nữa.

-      Tu cần tức là cách cố gắng làm cho phát sanh những Thiện pháp chưa sanh, như người chưa biết bố thí, trì giới, ... thì giờ cố tìm cách bố thí, trì giới, ...

-      Bảo cần tứcsự cố gắng làm cho tăng trưởng thêm các Thiện pháp đã sanh rồi không cho bị hư hoại.

Đó là pháp Chánh Cần là nền tảng giúp cho tiến hóa lợi ích.

Thưa quý vị, khi người có đường lối siêng năng chân chánh như vậy rồi là người sẽ thắng hóa trong mọi nơi. Tinh tấn cũng ví như con bò, Đức Phật dẫn dụ như vậy. Con bò có bốn chân hằng kéo vật nặng đi đến đích. Mong muốn được cũng vậy, chánh tinh tấn có bốn trọng yếu như thế rồi, hằng làm cho người sấn tới lướt qua được các trở ngại tinh thần là tham, sân, si đoạn trừ mọi ác nghiệp và phát huy cao độ những Thiện pháp, nhờ đó tiến đạt đến chỗ an vui tuyệt đối, không còn cái khổ ngũ uẩn luân hồi nữa.

Nói đến đây tôi còn nhớ gương cao cả đáng noi theo của các vị Tỳ khưu xưa kia:

Có vị Đại đức tên là Lomasanaga ở hành đạo tại hang Piyamgu khi ấy nhằm mùa nắng trời thật nóng, nhưng Ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa nơi trống trải mồ hôi đổ ra, chư đệ tử thấy Ngài như vậy nóng lòng nên đến bạch xin Ngài vào ngồi trong mát.

Ngài đáp: “Vì tôi sợ nóng nên mới ngồi đây”, rồi Ngài mới quan sát đến cái nóng ở địa ngục còn cao gấp không biết bao nhiêu tỷ tỷ lần của sức nóng này. Lúc đó Ngài cố dồn hết nỗ lực vào đề mục Thiền định phát triển Minh sát, nhờ vậy nên đắc A-la-hán quả tại chỗ ấy. Đây là gương lành mà chúng ta noi theo.

Còn nhiều mẫu chuyện tinh tấn khác khiến ta có thể thầm kính các vị ấy.

Như đại đức Millaka trước kia là người thợ săn vì nghĩ sợ tội ác của mình nên vào xuất gia, cố hết sức mình hành đạo nhưng tâm không bao giờ yên trú. Về sau, nhờ Thầy tế độ nhắc nhở, nên từ ngày ấy, Ngài càng cố gắng, không dám xao lãng, khi nào tham Thiền mà bị buồn ngủ, thì Ngài lấy khăn nhúng nước bịt đầu, còn chân thì ngâm trong nước.

Ngày nọ, Thầy tế độ dạy rằng: “Người tinh tấntrí nhớ việc làm trong sạch, suy nghĩ trước mới hành động sau, người hành theo Thánh pháp và không dễ duôi thì quyền chức thường đến cho người ấy”.

Ngài Millaka nghe câu ấy liền nghĩ rằng: “Đã gọi là người siêng năng như ta đây là người có trí nhờ việc làm chân chánh, đã thu thúc trong Chánh pháp, không dễ duôi. Ngài nghĩ thấy sự tu hành của mình trong sạch. Giới hạnh thanh cao, Ngài dùng Trí tuệ quan sát thân này là vô thường, khổ nãovô ngã, đắc được quả A-na-hàm.”

Thưa quý vị, như thế thì người Phật tử chúng ta cần phải trau dồi đức tinh tấn cho đầy đủ để có nghị lực lướt qua mọi trở ngại tinh thần, hầu tiến đạt đến nơi tuyệt đối, thoát khổ vì pháp tinh cầnnền móng căn bản tạo sự thành công, và muốn vậy ta phải quán sát ở điều kinh cảm là: sanh, già, đau, chết, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và atula là những nổi thống khổ không sao kể hết.

Đó là pháp cơ bản thứ ba.

Thưa quý vị, vừa qua tôi đã trình bày về ba pháp cơ bản nền móng giúp cho người tu được tiến hóa lợi ích đó là: Cơ Tín, Cơ Trí và Cơ Cần.

Pháp Tín – Trí - Cần này là ba pháp nền tảng, có sự hỗ tương với nhau, khi ta có Niềm tin thì lòng tin đó phải có Trí tuệ song song thì mới được chân chánh mà khi đã có lòng tin chân chánh rồi cần phải nỗ lực Tinh chuyên thì lòng tin đó mới đạt đến quả đích cao. Ba pháp này được tỷ dụ dễ hiểu như sau:

“Có ba anh em, anh Trí, anh Cần và anh Tín đi buôn xứ ngoại xuyên đường rừng, đem theo vật thực độ 7 ngày, rủi bị lạc đường nên đói khát.

Anh Cần quá xôn xao, anh Trí cũng bấn loạn, chỉ có anh Tín nương phần lý nghiệp khuyên giảng anh em, nếu chúng ta nghiệp số định nơi rừng dù có sôi nổi (phiền não) đến đâu cũng chẳng khỏi, trái lại sẽ có dịp may.

Nhờ lời thức tỉnh của anh Tín, anh Cần giảm xôn xao, anh Trí mới đặng sanh sáng kiến; xét theo hướng chim dơi đi ăn đoàn có trái cây, anh Cần ráng hết sức tìm ngay may gặp ăn no và đem lại cùng nhau đở đói, mới lần ra khỏi chốn lạc đường.”

Đây là ba pháp căn bản chúng ta cần phải có.

Thưa quý vị, thời thuyết trình hôm nay đến đây vừa phải lẽ.

 

BỐN HẠNG NGƯỜI (2)

Thời thuyết trình hôm nay tôi xin đề cập đến “Bốn hạng người”.

Thưa quý vị, tùy theo trường hợpĐức Phật đã giải thích, ở đời có bốn hạng người như thế này. Trong trường hợp khác có bốn hạng người như thế kia, ...

Ở đây khi thanh niên Pessa là con một người huấn luyện voi đi đến Đức Phật và trình bày sự nhận xét của mình:

“Bạch Đức Thế Tôn thật là hy hữu thay, thật vi diệu thay Bạch Thế Tôn, Đức Thế Tôn hiểu được hạnh phúc và sự bất hạnh của chúng sanh, trong khi loài người sống trong sự rối ren như vậy, trong sự cặn bã như vậy, trong sự xảo quyệt như vậy.

Bạch Thế Tôn rối ren thay như loài người. Bạch Thế Tôn cởi mở thay như loài thú vật, bạch Thế Tôn con có thể điều khiển con voi nhiếp phục con voi như ý, nhưng những người đầy tớ, phục dịch người làm công thật khó mà nhiếp phục như ý!”.

Thưa quý vị, do nhân này mà Đức Phật đã đề cập đến bốn hạng người thiêu đốt ở đời, cho thanh niên Pessa nghe.

Bốn hạng người gọi là thiêu đốt nghĩa là nói trên khía cạnh những hạng chúng sanh sống ở đời làm cho khổ não nóng nảy.

Bốn hạng người thiêu đốt ấy ra sao?

Thưa quý vị, Đức Phật có dạy:

“Này Pessa ở đời này:

-      Có người tự làm khổ mình chuyên tâm làm khổ mình.

-      Có người hành khổ người chuyên tâm hành khổ người.

-      Có người tự hành khổ mình vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ mình và người.

-      Có người vừa không làm khổ mình không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người không chuyên tâm hành khổ người.

Như vậy ở đời có bốn hạng người có mặt xuất hiện.”

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu.

Thế nào là hạng người tự hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình?

Thưa quý vị, hạng người tự hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình nghĩa là sống trong đời có người tự làm cho mình khổ, tự làm cho mình nóng nảy, không ai làm cho họ khổ mà chính họ làm lấy. Tức là ám chỉ những người từ bỏ hạnh phúc, sống bó buộc trong hình thức khổ hạnh dưới nhiều sắc thái mà chung qui không đem lại kết quả giải thoát gì chỉ khổ thân này thôi.

Trong kinh Đức Phật dạy: “Người sống hạnh lõa thể, sống hạnh nhổ râu tóc chứ không cạo, hoặc sống hạnh chỉ đứng chứ không ngồi, hay chuyên ngồi chò hỏ một cách tinh tấn; hoặc giả, chuyên sống hạnh ngủ nằm trên gai nhọn; sống hạnh tắm đêm lạnh ba lần hoặc có người sống hạnh ăn trái cây, ăn cỏ, hay không ăn cá thịt; hoặc ăn ít, ăn một ngày 7 miếng vật thực, một ngày ăn một bữa, hai ngày một bữa, ... 7 ngày một bữa, có khi ăn nữa tháng một lần hoặc giả tu hạnh nhịn đói, ... Như vậy dưới nhiều hình thức tu ép xác khổ hạnh, hành thân hoại thể và những ai hành theo đó được xem là người tự mình hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình.”

Thưa quý vị, người tự hành khổ mình phải nói là người không có Trí tuệ cớ sao? Vì trong khi mình mong muốn an lạc, chán khổ, ấy thế mà họ không biết lại tự hành khổ mình, hành hạ mình tự rước lấy khổ thân thêm chớ chẳng ích lợi gì.

Như thuở ấy có ngưu hành giả Punnakodiyaputta và lõa thể Semiya cẩu hành giả, cả hai là bạn đồng hành khổ hạnh, một kẻ tu hạnh sinh hoạt như loài bò, một kẻ tu hạnh sinh hoạt như loài chó, ăn đồ để trên đất, ngồi chò hỏ, ...

Rồi cả hai cùng đến viếng Đức Phật và hỏi về kết quả sanh thú tương lai do hạnh tu ấy, Đức Phật mới giải thích rằng người nào tu hạnh chó, chết sanh làm chó (do thân y duyên) và nếu kẻ ấy có Tà kiến sai lạc sẽ bị đọa sanh địa ngục, còn kẻ nào tu hạnh bò một cách tinh tấn (do thường thân y duyên) tương lai chết sanh làm bò, và nếu kẻ ấy có ác tà kiến nữa thì bị rơi vào địa ngục.

Như vậy, thưa quý vị, có ích lợi gì? Có hạnh phúc gì? Khi ta hành các nghi thức khổ hạnh ép xác, vô ích uổng công mà chỉ thành tựu không tới đâu, lại chôn vùi chính mình trong bóng tối đau thương. Cho nên người Phật tử tu tập cần phải tránh né hai con đường cực đoanLợi dưỡngKhổ hạnh chớ để trở thành người tự hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình.

Tiếp đến, thế nào là hạng người hành khổ người chuyên tâm hành khổ người?

Thưa quý vị, ở đây người hành khổ kẻ khác chuyên tâm hành khổ người khác nghĩa là hạng người này sống chuyên gây tổn hại, tang tóc sầu đau cho chúng sanh khác, hạng người ấy không có tâm Từ bi đối với mọi loài, thiếu lòng tàm quí.

Hạng người ấy như là những người thợ săn đánh bẫy rình rập bắt thú; những người đồ tể chuyên giết heo, trâu, bò để lấy thịt bán nuôi sống, hay là những người ngư phủ chuyên sống bủa câu, giăng lưới bắt cá ,tôm; hoặc là những kẻ cướp, tên trộm hại người lấy của; hay là những kẻ làm các nghể độc ác khác. Những chúng sanh ấy ra đời như vậy gọi là hạng người hành khổ người chuyên tâm hành khổ người.

Thưa quý vị, có tích người hàng bò tên Vadago Ghātaka chuyên nuôi sống bằng cách giết bò bán thịt, y làm nghề này hơn năm mươi năm.

Và vì hàng ngày đã dùng thịt trong mỗi bữa ăn đều phải có thịt bò y mới ăn cơm được,có ngày nọ, bà vợ của ông ta bán hết thịt không còn đủ thịt ăn, người hàng bò giận lắm không dùng cơm, liền cầm dao ra cắt cái lưỡi bò sống khiến con bò oằn oại chết đi, y mới đem vào bảo vợ nướng rồi ngồi chờ ăn.

Đấy là hạng người mà Đức Phật dạy sống hành khổ người chuyên tâm hành khổ người, hạng người này không phải là không đau khổ bởi nhân hiện tại họ gây sầu muộn cho chúng sanh khác cho nên sẽ gặt hái hậu quả sau đó.

Như người hàng bò ấy sau khi bà vợ y nướng thịt lưỡi bò xong, đem cho hắn dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày thì quả của nghiệp ác phát sanh tức khắc, nghĩa là lưỡi của ông ta khi ấy đứt lìa xuống mâm cơm. Ông ta khóc như tiếng bò, chịu vô cùng đau khổ, chết liền sanh trong vô gián địa ngục.

Thưa quý vị, tiếp theo là hạng người thứ ba.

Thế nào là hạng người vừa tự hành khổ mình và hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người?

Thưa quý vị, người vừa hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình; vừa hành khổ người chuyên tâm hành khổ người tức là hạng người sống ở đời hành động không thích đáng, gây bất lợi đau khổ cho chính bản thân mình mà lại còn tạo khổ đau liên lụy đến chúng sanh khác nữa; khi đề cập đến hạng người này và được hỏi tại sao không ưa thích hạng người thứ ba? Lúc ấy thanh niên Pessa đã trả lời Đức phật: “Bạch Thế Tôn, vì hạng người này cố hành khổ hành hạ mình và người khác trong khi tự mình và người khác mong muốn hạnh phúc, chán nhàm sự khổ. Do vậy con không thích ý hạng người này.”

Thưa quý vị, hạng người thứ ba này được xem là người thiểu trí, đó là: Ở đời có những vị có uy quyền, vua chúa có những viêc làm nông nổi, tự mình ảnh hưởng làm khổ và dùng quyền lực cưỡng áp người khác phải làm theo ý mình, nếu ai phản kháng thì bị bắt bớ hình phạt tội tù, ... Đó là hạng người thứ ba trong bốn hạng người này.

Trường hợp xưa kia, có đức vua Pāsenadi, đêm nọ vua nghe bốn tiếng la thật to Du-sa-na-so ngài lấy làm kinh sợ.

Sáng ra vua đem chuyện hỏi các vị quân sư Bà la môn, các vị này không hiểu gì bèn tâu là điềm chẳng lành cho vận mệnh vương vị nên cần phải tế thần lửa.

Cách thế tế thần lửa thời ấy thật là dã man, người ta phải tìm bắt thú đực cho đủ 100, thú cái 100, đồng nhi  nam 100, đồng nhi nữ 100, sau đó đào một cái hầm thật to đốt lửa cháy đỏ rực, để giết người và thú lấy máu đổ vào lửa. trong buổi lễ đương sự cầu lễ là một vị Vua hay một triệu phú Bà la môn phải cạo đầu mặc áo thô, thoa dầu nằm xuống đất chỉ có lát cỏ nuôi sống bằng nửa từ vú của con bò rồi vị ấy bắt đầu ra lệnh giết hại vật để tế thần lửa, ...

Đức vua Pāsenadi nghe bàn lấy làm kinh sợ, nhưng cũng phải thi hành liền sai đào hầm và tự mình hành nghi lễ. Lúc các thú và người sắp bị giết sợ hãi kêu la than khóc thãm não làm náo động cả hoàng cung. May lúc ấy có hoàng hậu Malliā là người tín nữ Trí tuệ đã kịp thời can gián vua đến hầu Phật, và cứu được mọi người.

Trường hợp của vua Pāsenadi được gọi là hạng người có tâm làm khổ mình và vừa cố tâm hành khổ người, người như vậy không tốt vừa làm tự mình mất lợi lạc lại làm mất hạnh phúc chúng sanh cho nên phải rơi vào bất hạnh. Trường hợp vua Pāsenadi nhờ có Hoàng hậu can gián kịp nên tránh được con đường nguy hại trong tương lai nếu không chắc phải bị khổ.

Như vậy là hạng người thứ ba có mặt xuất hiện ở đời mà Đức Phật dạy là hạng người vừa có tâm làm khổ mình vừa chuyên tâm hành khổ người.

Sau cùng thế nào là hạng người không hành khổ mình không chuyên tâm hành khổ mình và cũng không hành khổ người không chuyên tâm hành khổ người?

Thưa quý vị, người không cố hành khổ mình và không cố hành khổ người nghĩa là chỉ có các vị tu hành theo con đường Trung đạo: không Khổ hạnh, Lợi dưỡng; hướng tâm trong Thiền định, Đạo quả; sống an trú với bốn đức vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả đối với tất cả chúng sanh không hận không sân, không thù không oán bạn nghịch. Hạng người này không gây sầu khổ cho ai hết dù chính mình hay mọi người khác.

Thưa quý vị, như các bậc Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh đẳng chánh giác tự mình diệt tận vô minh, phiền não, chứng ngộ với Thượng trí thấu đạt tất cả thế gian và tự mình thành tựu cứu cánh giải thoát an vui tuyệt đối. Đức Như Lai ấy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện với đầy đủ văn, nghĩa. Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ Thanh tịnh; khiến cho chúng sanh phát khởi niềm tin an trú trong Thiện pháp, có những người Thiện nam tín nữ tín ngưỡng giáo lý, tín ngưỡng Đức Như Lai liền từ bỏ gia đình sống không gia đình, viễn ly tài sản bà con, những người ấy kiên trì Phạm hạnh, Giới luật từ bỏ ác hạnh xấu xa, tránh sự nuôi sống tà mạng sống tri túc thu thúc các căn Chánh niệm tỉnh giác việc làm, an trú thiền định. Nhờ vậy có thể thời gian sau những vị ấy thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Níp bàn thoát khỏi sông mê bể khổ.

Thưa quý vị, đây là trường hợpĐức Phật dạy là hạng người không cố tâm hành khổ mình và cũng không cố tâm hành khổ người hằng xuất hiện ở đời là như thế.

Thưa quý vị, qua bốn hạng người mà tôi vừa trình bày trên, có ba hạng người xấu không đáng ưa thích và một hạng người tốt đáng ưa thích.

Hạng người chuyên tâm hành khổ mình là hạng người xấu không đáng ưa thích vì sao? Vì trong khi chính mình mong muốn hạnh phúc nhàm chán khổ đau thế mà tự dẫn đến khổ, là người thiếu trí.

Hạng người chuyên tâm hành khổ người là hạng người xấu không đáng được ưa thích. Bởi vì người khác trong khi họ mong muốn hạnh phúc chán ngán sự khổ vậy mà nỡ nhẫn tâm gây sầu khổ cho người, là kẻ ác.

Hạng người chuyên tâm vừa tự hành khổ mình và hành khổ người là hạng người xấu, không đáng được ưa thích. Bởi vì trong khi chính mình và người khác đều mong muốn an lạc, chán ngán khổ đau mà hạng người này tự dẫn đến khổ cùng làm khổ cho kẻ khác, như thế là người ác trí nông nổi.

Còn hạng người vừa không cố hành khổ mình cũng không chuyên tâm hành khổ người là người tốt, đáng ưa thích vì sao? Vì hạng người này ngay trong hiện tại sống tự tại, an vui mát mẻ hưởng thụ quả lạc thọ đem lại sự an vui cho người và cho chính mình. Như vậy được gọi là bậc Hiền trí, vì sáng suốt, vì hiền thiện.

Mong rằng người Phật tử chúng ta hãy là hạng người thứ tư chớ đừng trở thành hạng người thứ nhất hay hạng người thứ hai hoặc hạng người thứ ba. Vì đó là những hạng người không tốt đẹp sẽ dẫn đến khổ đọa.

Thời pháp hôm nay đến đây cũng vừa phải lẽ.

* Chỉnh Sửa: Tỳ Khưu Minh Vinh.
* Đánh Máy Vi Tính: Cô Ngô Thị Minh Phi.
* Làm Phước Bản In Gốc: Cô Cẩm Bình.



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.