2.Thế Nào Là Từ Bi Và Trí Tuệ? (Thích Thanh Từ)

17/10/20214:34 CH(Xem: 7709)
2.Thế Nào Là Từ Bi Và Trí Tuệ? (Thích Thanh Từ)
AUDIO BOOK
TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT
(Nhiều Tác Giả)

THẾ NÀO LÀ TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ?
Hòa thượng Thích Thanh Từ

Trong đạo Phật chúng ta thường nghe nói đến trí tuệtừ bi. Vậy trí tuệ là gì, từ bi là gì? Người sống như thế nào là sống với trí tuệ và người hành xử như thế nào là người từ bi?

Vì vậy mà tất cả chúng ta, nhất là người tu Phật phải lấy trí tuệ làm nền tảng. Ở đây tôi chia trí tuệ ra làm hai loại: Trí thế gian và trí xuất thế gian. Trước hết tôi nói về trí thế gian theo tinh thần Phật pháp. Trí thế gian trong Phật pháp là thấy biết đúng tinh thần nhân quả. Người tu Phật khi làm việc gì phải thấy rõ nguyên nhânhậu quả của nó. Người thấy rõ nhân và quả không lầm là người có trí tuệ.

Trong kinh có nói: “Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả”. Bồ Táthữu tình giác, một chúng sanh giác ngộchúng sanh đó biết sợ nhân ác, chúng sanh mê muội thì sợ quả khổ. Cũng sợ vậy, mà hai cái sợ khác nhau, người sợ nhân gọi là giác, người sợ quả gọi là mê.Trí tuệ của người học đạo tuy là trí thế gian, nhưng cũng là trí tuệ của Bồ Tát. Người biết rõ mỗi hành động mỗi lời nói mỗi ý nghĩ là cái nhân đưa tới đau khổ, thì tránh không làm không nói và không nghĩ. Đó là người biết sống bằng trí tuệ. Nếu nghĩ nói làm không biết kết quả ra sao, cứ nói làm càng bướng, khi kết quả khổ đau đến thì than khóc, cầu Trời khẩn Phật cứu, đó là cái si mê của chúng sanh. Hiện tại chúng ta sống với trí tuệ hay sống với si mê?

Sức mạnh của từ bitrí tuệ

Tôi đơn cử vài việc rất nhỏ mọn trong đời sống là ăn uống. Mục đích của sự ăn uống là để nuôi dưỡng mạng sống được khỏe mạnh lâu dài. Như vậy, ăn uống là cái nhân, nuôi dưởng mạng sống được khỏe mạnh lâu dài là cái quả. Nhưng, có người ăn uống những thứ phá hoại mạng sống, vậy người đó là người trí hay người mê? Chẳng hạn như uống rượu, rượu làm đau bao tử, xơ gan, viêm phế quản... mà người ta vẫn cứ uống. Những món ăn không hợp với bệnh, ăn vào là bệnh phát mà người ta vẫn cứ ăn. Khi bệnh phát nặng lo sợ cầu thầy kiếm thuốc, mà cái nhơn gây ra đau bệnh thì không tránh. Đó là người mê nên gọi là phàm phu thế gian. Người có trí biết cái gì ăn vào làm bại hoại mạng sống, làm cho cơ thể đau bệnh thì không ăn. Món ăn nào giúp cho cơ thể tráng kiện, làm cho mạng sống được lâu dài thì dùng, đó là người trí. Còn hút thuốc có lợi cho mạng sống hay có hại? Hút thuốc làm cho nám phổi, ung thư phổi... mà người ta vẫn cứ hút. Á phiện là một loại ma túy làm cho cơ thể con người gầy ốm xanh xao, suy nhược, bại hoại tột đỉnh, vậy mà người ta vẫn cứ hút. Đó là những người si mê đáo để, tự phá hoại thân thể mình một cách vô lý và nguy hiểm. Người si mê vừa vừa thì phá hoại cơ thể vừa vừa, người si mê ít thì phá hoại cơ thể ít. Tai họa của rượu, của thuốc, của á phiện hiện tại các nhà y học đã chứng minh cụ thể và khuyên không nên dùng. Người ta biết hại mà vẫn cứ dùng, thật là đáng thương! Là con người ai cũng có quyền chọn những thực phẩm tốt làm cho cơ thể khỏe mạnh để dùng, còn những thứ nào đưa đến bệnh hoạn đau khổ thì tránh. Vì con ngưòi có khỏe mạnh mới vui tươi, đau yếu thì buồn khổ.

Chúng ta tu Phật là tu theo đạo giác ngộ, những cái gì làm cho chúng ta đam mê, say đắm, khi thức tỉnh phải gan dạ bỏ liền. Đó là đã tiến trên đường giác ngộ. Đã tiến trên đường giác ngộ thì khổ đau ở cỏi đời này tuy chưa hết nhưng cũng đã bớt đi. Ví dụ người ghiền rượu, ghiền thuốc làm mỗi ngày được 50đ, uống rượu 20đ, hút thuốc 10đ,còn lại 20đ không đủ tiền ăn cơm nên phải mang nợ. Cả cuộc đời sống trong say sưa thiếu thốn khổ sở vô cùng. Bây giờ biết uống rượu hút thuốc có hại, gan dạ bỏ không dùng nữa. Tiền lương mỗi ngày chỉ dùng cho việc ăn uống thì vừa đủ, nên thân khỏe mạnh tâm vui vẻ. Đó là người tự tỉnh tự giác bằng trí tuệ thế gian.

Lại có những chén thuốc đắng cay, uống vào không ngon miệng mà người ta lại dùng, vì họ biết món thuốc đó uống vào thì hết bệnh, thân thể khỏe mạnh, sống lâu. Đó cũng do con ngườitrí tuệ thế gian biết những nhân nào tốt thì làm, dù khó làm vẫn cố gắng; nhân nào xấu thì tránh, không làm dù có hấp dẫn. Người sống như vậy là tu, chớ không phải đi chùa thường, lạy hì hục, khi về nhà cũng rượu thịt say sưa, nói làm sằng bậy, gây khổ cho mình làm khổ lây cho người; đi chùa lạy phật như thế chưa biết tu. Qúi vị cứ sống bình thường, mà biết tránh những cái nhân xấu gây đau khổ cho mình, cho gia đình, cho xã hội, đó là tu.

Ươm mầm hạt giống từ bi

Người có trí tuệ là người có thái độ dứt khoát, biết điều dở, nhất định không làm, dù cho có ai khuyến khích rủ ren. Còn người bình thường phân tích biết điều đó dở mà khi có ai rủ cũng chạy theo làm, thì người này chưa thực có trí, còn mơ màng nửa tỉnh nửa mê; gặp người tỉnh thì tỉnh theo, gặp người mê thì mê theo. Như vậy, người tu chúng ta phải thực sự tỉnh để tự quyết định việc làm của mình cho chính chắn tốt đẹp.

Về lời nói ngôn ngữ cũng vậy. Có khi nào mình chưởi mắng người mà được người thương mến không? Chắc chắn là không. Tất cả quí vị hiện có mặt ở đây, có ai muốn cho mọi người ghét mình không? Chắc chắn là không. Chẳng muốn người ghét, thì những lời hung ác chê bai chỉ trích... nên nói hay nên dừng? Nên dừng.Vì những lời đó làm cho ngưòi nghe khó chịu, họ sẽ sanh tâm oán ghét người nói. Ở đời nếu bị người oán ghét thì khi mình gặp khổ, họ sẽ chế nhạo hoặc hãm hại thêm. Còn nếu được người thương mến khi hoạn nạn được người cứu giúp an ủi. Như vậy có ai dạy khờ gì mà cứ tạo những cái nhơn để cho người oán ghét? Ở thế gian này người ta oán ghét nhau bởi cái gì nhiều hơn hết? Đa số là do cái miệng. Vậy ngang đây qúi vị nhớ tu cái miệng tức là tu khẩu nghiệp. Mỗi khi nói ra là phải lựa lời mà nói, lời lành thì nói, lời dữ thì chừa. Như vậy mới đem an vui lại cho mình cho người. Nếu nói lời dữ thì đau khổ sẽ đến, chớ không tránh khỏi.

Lại nữa, người cứ lo tụng kinh với Phật, hễ ai chọc tức thì mắng chưởi không tiếc lời. Như vậy tụng kinh một giờ, chưởi người chừng mười phút thì phước đức tụng kinh cũng không còn. Để thấy rõ việc tu hành, người trí biết lời nào nên nói thì nói, lời không nên nói thì dừng, điều tốt nên làm thì làm, điều quấy ác có hại thì không làm, đó là người giảng trạch được sự thật. Quí vị chớ nói làm một cách mờ ảo có tính cách huyền bí linh thiêng, mà không thông lý nhân quả. Vì đạo Phật chủ trương con người gặp cảnh khổ hay cảnh vui gốc từ nơi nghiệp lành mà ra. Nói lành làm lành là nghiệp lành, nói hung dữ làm việc ác là nghiệp ác. Muốn được an vui mà gây nhân ác, đó là mê, thiếu trí tuệ. Thế nên muốn được an vui là phải tạo nhân lành, an ủi khuyên lơn giúp đỡ mọi người từ vật chất lẫn tinh thần cho họ được vui vẻ. Người biết sống như thế là người có trí tuệ thế gian.

Sau đây là trí tuệ xuất thế gian. Trí xuất thế gian là trí biết đúng như thật, cái nào giả biết nó là giả, cái nào thật biết nó là thật. Cái giả cho là thật đó là mê, cái có thật mà không biết cũng là mê, thiếu trí tuệ. Thế nên, cái giả biết rõ là giả, cái thật biết nó là thật, đó là người trí, mà là trí xuất thế gian. Trí này có khả năng thấy suốt được lẽ thật, nhìn thẳng nơi con người biết cái nào là giả cái nào là thật không lầm lộn. Thông thường người đời ai cũng thấy thân này là thật. Nhưng với cái nhìn của người có trí xuất thế gian thấy như chổ Phật đã chỉ bày:Thân này là tướng nhân duyên hòa hợp, nhân duyên hội đủ thì thân này tồn tại, nếu thiếu duyên thì nó tan hoại. Bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại mà có thân này; những chất cứng như tóc, lông, răng, xương...thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, nước miếng mồ hôi... thuộc về nước. Hơi ấm thuộc về lửa. Sự máy động, hơi thở... thuộc về gió. Bốn thứ đó hòa hợp thành thân này, nếu một trong bốn món đó mất đi thì thân tan hoại. Bốn món đó là bốn yếu tố chính duy trì mạng sống con người. Nhưng bốn món đó lại xung khắc với nhau; lửa gặp nước thì tắt, đất gặp gió thì rung rinh... Vậy mà bốn món đó phải họp nhau điều hòa nhau, thì mạng sống con người mới điều hòa an ổn. Nếu có sự chống trái hay dư thừa hoặc hao hụt thì thân bất an. Chẳng hạn lửa nhiều thì thân nóng đầu nhức phải dùng thuốc hạ sốt.

Lửa ít thì rét rung phải sưởi ấm, uống thuốc cho tăng nhiệt lượng. Nước nhiều thì phù thủng phải thải nước ra. Nước ít thì khô khao gầy đét... Gió nhiều thì đau nhức... Cứ như vậy mà biến động không dừng ở nơi thân. Nếu một trong bốn thứ đó hoặc quá thiếu hay quá thừa thì mạng sống dừng ngay. Chúng ta thấy sự hòa hợp của đất, nước, gió, lửa thật là tạm bợ, giờ nào nó còn hòa hợp là thân còn, giờ nào nó bất hợp tác thì thân mất, không có gì bảo đảm cả, chỉ cần một hơi thở ra mà không hít vào thì chết ngay.đó là cái thấy của người trí về thân thể con người. Ngược lại, ai cho rằng thân này là thật, chắc bền vĩnh viễn, đó là cái thấy của người mê. Song, không phải biết thân này tạm bợ để rồi bi quan yếm thế, buồn than cho số phận. Mà, giờ nào còn thở, còn khỏe mạnh, những điều hay tốt, nên làm ngay, nếu chần chờ khất hẹn, chết đến sao làm kịp? Tu cũng vậy, giờ nào còn thở còn hơi ấm thì lo tu, mai mốt tắt thở làm sao tu kịp? Biết như vậy để nỗ lực tu, nỗ lực làm điều thiện, chớ không phải thấy nó tạm bợ rồi sống buông xuôi chờ chết, quan niệm như vậy không đúng. Người trí thấy thân này tạm bợ, không thật, nhờ vậy mà hằng tỉnh giác nỗ lực tu hành. Đó là giai đoạn thứ nhất thấy thân này giả.

Hãy nuôi dưỡng lòng từ bi

Giai đoạn thứ hai: Thấy thân này là giả và ngay trong cái giả đó còn có cái chân thật không hình không tướng mà hằng sáng rỡ không hoại, người trí khéo nhận ra nó và hằng sống với nó. Ví dụ trong nhà giảng này trên đây là bàn phật có hình tướng, quí vị nói là có; khoảng không gian trống, đa số người nói là không. Nhưng kỳ thực nó không phải là không. Nếu không thì mọi người đều chết vì thiếu không khí thở. Khoảng không gian này không có hình tướng thô như cái bàn, tượng Phật, nhưng có không khí, có bụi bặm... Chỉ vì mắt thường không thấy được nên cho là không. Vì thế mà phủ nhận những gì quá tầm mắt thấy. Như vậy, để thấy những cái được cho rằng có là vì có hình tướng thô, còn trong không gian cũng có những cái tế, mà mắt thường không thể thấy được, chớ không phải là không. Cũng vậy, thân người phần tứ đại hòa hợp là cái có thô, còn cái hiểu biết được gọi là tâm là cái có tế. Cái có thô là vật chất, cái có tế là tinh thần. Tinh thần có thì vật chất có,vật chất có thì tinh thần có, hai cái hỗ tương nhau nên mới có cuộc sống thế này. Bởi có tinh thần nên khi vật chất hoại mà tinh thần bất động không hoại. Người thấy cái thật biết đúng như thật, thấy cái giả biết đúng như giả, đó là người có trí xuất thế gian. Tôi nhắc lại, người học đạo là phải có trí; trước tiên là phải có trí thế gian hay hữu sư trí, do sự học hỏi truyền dạy của bậc thầy mà có, để rồi đi tới trí xuất thế gian do sụ tu hành mà được. Học đạo mà mù tối quá thì không xứng đáng là người học Phật.

Bây giờ nói tới từ bi. Từ bi từ đâu mà có và muốn có phải làm sao? Làm thế nào có được tình thương đối với mọi người? Tình thươngtừ bi có giống nhau không? Tình thương là tình luyến ái giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bằng hữu... lại có những tình thương không tốt phi đạo lý nữa. Còn từ bi là thương cao thượng bất vụ lợi, thương tất cả mọi loài không vì bản ngã của mình. Muốn có tình thương bất vụ lợi đó trước tiên chúng ta phải xét cảnh khổ của con người.Bài giảng đầu tiên Phật giảng cho năm anh em ngài Kiều Trần Như tại vườn Lộc UyểnTứ Đế. Trong Tứ đế, Khổ đế được nêu lên trước cho mọi người thấy khổ là một lẽ thật không chối cải được. Mục đích là để cho con người thoát ra mọi khổ đau. Do thấy khổ đau dày xéo lên kiếp người mà khởi lòng từ bi thương yêu lẫn nhau, cứu giúp cho nhau ra khỏi biển khổ, chớ không phải nói khổ để mà khóc than cho số phận. Thông thường khi con người cùng ở trong cảnh hoạn nạn khốn khổ thì dễ thông cảm, dễ thương nhau. Nhưng khi ở trong cảnh giàu sang, quyền thế, người được địa vị cao kẻ ở địa vị thấp khó thông cảmthương yêu nhau. Vì vậy muốn phát khởi lòng thương, việc dễ dàng nhất là thấy rõ nỗi khổ của nhau thì mới thương yêu nhau. Nếu mọi người thấy rõ thân mình cũng như thân người do tứ đại hòa hợp mà thành. Khi nó bất hòa thì thân bệnh hoạn, một đại bất hòa thì sanh một trăm lẽ một bệnh. Nếu bốn đại bất hòa thì sanh bốn trăm lẽ bốn bệnh. Như vậy thân này là một ổ bệnh, đã là một ổ bệnh thì khổ vô cùng. Có thân không ai dám nói tôi hoàn toàn không bệnh, không bệnh nặng thì cũng bệnh nhẹ hoặc bệnh mới phát khởi hoặc bệnh đã khởi lâu, không ai là không bệnh. Để thấy rõ thân chúng ta là thân bệnh hoạn, người nào cũng có bệnh thì người nào cũng khổ. Tất cả đều khổ nên thương nhau, giúp đở nhau, an ủi nhau cho bớt khổ. Kiếp người vốn đã khổ rồi, lại làm cho khổ thêm thì quá ác. Có nhiều người tuy bên ngoài thân lành lặng nhưng bên trong có đôi ba chứng bệnh đang hành hạ, khiến họ đau nhức, rên rỉ hoặc cộc cằn. Nếu họ có lỗi lầm nên tha thứ. Người tu là kẻ từ bi, người đời đã khổ mà làm khổ thêm là thiếu từ bi, không xứng đáng là người tu Phật.

Thứ nữa, là xét cái si mê của chúng sanhkhởi tâm từ bi. Chúng sanhsi mê nên cái giả không biết là giả cho là thật, và cái thật mình tự có không biết lại bỏ quên đi. Do tưởng cái giả là thật, nên bị cái giả chi phối sai sử tạo bao nhiêu nghiệp tội, để rồi đời này mang thân này khổ, đời khác mang thân khác khổ, cứ mang thân khổ trầm luân trong vòng sanh tử không có ngày dừng. Chúng ta khi thấy người nào đang ở trong cảnh mê, liền dùng mọi phương tiện khuyến khích nhắc nhở cho họ tỉnh. Dù họ chưa hoàn toàn tỉnh song cũng lóe sáng phần nào để bớt mê. Hễ bớt mê là bớt khổ. Đó là lòng từ bi, vì thấy người mê nên khởi lòng thương xót. Như vậy chúng ta là người học Phật phải có trí tuệtừ bi. Từ bi một là thấy chúng sanh khổ mình thương xót, an ủi giúp đở họ được vui. Hai là thấy người mê cứ gây nghiệp rồi chịu khổ, khổ từ đời này tới đời nọ không có ngày cùng, nên thương xót dùng phương tiện chỉ dẫn cho họ bớt mê. Phật dạy thể hiện lòng từ bi không gì hơn là bố thí, bố thí tài tức là giúp đỡ của cải vật chất cho người nghèo khó bệnh tật. Bố thí pháp là giảng dạy nhắc nhở cho người hết mê lầm.

Trách nhiệm của người tu là phải tự mình có trí tuệ để giải khổ cho mình, và xót thương mọi loài đang đau khổ mà giúp cho họ giải khổ. Tự mình làm sao thoát khỏi những cái dở, những thói quen tật xấu từ lâu đời để mình hết khổ và giúp cho mọi người hết khổ là tu. Tu bằng trí tuệtừ bi.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.