Thích Minh Châu
“Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là hư vọng, không thật, không có lợi ích, Như lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chơn tánh, như thật, không có lợi ích, Như lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chơn tánh, như thật, có lợi ích, Như lai biết thời, trả lời câu hỏi ấy. Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là hư vọng, không thật, không có lợi ích, Như lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chơn tánh, như thật, không có lợi ích, Như lai cũng không trả lời, Này Cunda, nếu những gì thuộc vị lai là chơn tánh, như thật, có lợi ích, Như lai biết thời, trả lời câu hỏi ấy một cách vắn tắt. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là hư vọng, không thật, không có lợi ích, Như lai không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là chơn tánh, như thật, không có lợi ích, Như lai cũng không trả lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc hiện tại là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như lai biết thời, trả lời câu hỏi ấy. Như vậy, này Cunda, đối với các Pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như lai là vị nói phải thời, nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng pháp, nói đúng luật. Do vậy mới gọi là Như lai.
“Này Cunda, trong thế giới này với Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa môn và Bà la môn, với Chư thiên và loài người, những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được phân biệt,được đạt đến,được tin cầu, được suy đạt với ý, tất cả đều được Như lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như lai. Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác và đêm Như lai nhập Vô dư y Niết bàn giới – trong thời gian ấy, những gì Như lai nói, trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như lai. Này Cunda, Như lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Do nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như lai. Đối với thế giới với Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa môn và Bà la môn, với Chư thiên và loài người, Như lai là bậc toàn thắng, không ai có thể thắng nổi, bậc toàn kiến, bậc tự tại”. (Trích kinh Pàsàdika: Thanh tịnh kinh, tập IV, Digha Nikàya: Trường bộ kinh).
LỜI BÀN: Đọc xong đoạn kinh này, chúng ta học một bài học thận trọng trong lời nói. Không những Như lai không nói lời hư vọng, không thật, không lợi ích. Dầu cho có chơn tánh, như thật, có lợi ích, Ngài biết thời trả lời câu hỏi ấy, trả lời một cách vắn tắt và thận trọng. Vì Như lai là vị nói phải thời, nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Như vây mới gọi là Như lai. Câu sau này được các Phật tử Thái lan ghi chép, thêu và đan như một câu châm ngôn đáng được chiêm ngưỡng:
Yathà vàdì, Tathàgato tathà kàrì, yathà kàrì, tathà vàdì, Hi yatthà vàdì, tathà kàrì, yathà kàrì, tathà vàdì, tasmà ta thà-gato ti vuccati. Như lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Do nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên mới gọi là Như lai.
Đoạn kinh này cũng làm chúng ta sáng mắt. Thường chúng ta xem những ai sơ cơ, mới tu hành, mới nhập đạo mới cần phải tu hành cẩn thận, mới phải nói sự thật, không nói dối. Còn những người tu lâu ngày thì có quyền uyển chuyển, tùy theo phương tiện hoàn cảnh. Đoạn kinh trên cho chúng ta rõ, chính Như lai còn phải tôn trọng sự thật một cách triệt để, còn phải làm đúng như điều đã nói và phải nói đúng điều đã làm, vì cớ vậy mới gọi là Như lai.
THÍCH MINH CHÂU