VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA MỘT SỐ TU SĨ PHẬT GIÁO
Diệu Thông
Nội dung
Không biết từ bao giờ, người tu sĩ vô hình chung đã trở thành thước đo phẩm chất đạo đức của xã hội. Không chỉ có vậy, người tu sĩ Phật giáo còn được xem là người có bí quyết hạnh phúc và mang bí quyết ấy san sẻ cho những người khác. Thực tế cho thấy một bài pháp thoại, một lời an ủi, một việc thiện lành của người tu sĩ Phật giáo đã mang lại không ít niềm an vui cho nhiều người. Hoà thượng Nhất Hạnh từng có lời dạy: “Nếu chúng ta bình an, chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể cười. Và mọi người trong gia đình, trong xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính sự bình an của ta”. Nhưng câu hỏi được đặt ra: liệu rằng bản thân người tu sĩ Phật giáo có thật sự là cội nguồn cho sự bình an chưa hay phần nhiều trong số ấy cũng đang tha thiết tìm cầu một sự bình an cho mình?
Bởi lẽ trong tăng chúng, mỗi cá nhân không chỉ sống chung với những người dễ thương, an lạc mà vẫn có những người khó khăn, khắt khe, luôn có khuynh hướng kỳ thị và trách cứ!
Để có thể nuôi dưỡng ngọn nguồn hạnh phúc, việc hành trì, gìn giữ giới luật của tu sĩ Phật giáo là điều không thể thiếu. Còn gì quý báu hơn khi tu sĩ có được thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh trong đời sống tu tập! Nhưng đáng buồn thay trong đời sống tu hành có tu sĩ mắc phải, phạm phải đó là “Sự không tương quan giữa lời nói và hành động”. Có thể nói lời nói và hành động là cánh cửa đưa con người ta đến thiên đường hạnh phúc nhưng đó cũng chính là con đường dẫn lối đến địa ngục não phiền. Thiên đường hay địa ngục tuỳ thuộc vào nội lực tu tập tự thân của mỗi người tu sĩ Phật giáo để có đủ tỉnh thức và chánh niệm trước những cấu uế tâm vi tế bên trong mỗi người.
I. NGUYÊN NHÂN ĐƯA ĐẾN SỰ KHÔNG TƯƠNG QUAN GIỮA LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG
Trong cuộc sống, lời nói, ngôn ngữ là một phương tiện không thể thiếu để con người trao đổi thông tin, biểu đạt tình cảm, giúp mỗi người hiểu biết và thương yêu. Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó và ngôn ngữ cũng không ngoại lệ. Nếu không khéo sử dụng, ngôn ngữ có thể đem đến sự chia rẽ, thù hận và đoạ lạc. Nhất là trong một cộng đồng tu sĩ, khi lời nói bị đem ra sử dụng như một công cụ nhằm đánh bóng chính mình mà không được đi đôi với hành động cụ thể thì sự chia rẽ, sự bất hoà trong tăng chúng rất dễ xảy ra. Từ đó khiến cho tăng thân ngày càng suy yếu, nội lực tăng thân cũng giảm dần. Vậy vì lý do gì khiến cho một số tu sĩ Phật giáo có sự bất nhất giữa lời nói và hành động của mình?
Qua quá trình quan sát và tìm hiểu, người viết đúc kết được một số nguyên nhân như sau:
1. Do không ý thức được đó là hành động sai trái
Trong giáo lý Duyên khởi, đức Phật có dạy vô minh là nguồn gốc của đau khổ, vô minh là đầu mối của sinh tử luân hồi. Trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn thường bắt gặp những trường hợp có hành vi sai trái, nhưng người trong cuộc không hề ý thức được điều đó. Ví dụ một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có cha chuyên nhậu nhẹt, bài bạc, đứa trẻ ấy không được giáo dục tử tế sẽ không ý thức được rằng uống rượu, đánh bài, say xỉn là những việc làm bất thiện và nó cứ tập tành theo người cha ấy.
Trong thiền môn, một chú tiểu lớn lên nếu không được giáo dục tốt, nếu không gặp được thầy sáng, bạn hiền sẽ rất dễ đi vào con đường sai lệch mà không ý thức được. Ví dụ một chú tiểu vào chùa nhưng sống với một người thầy chỉ chuyên lo đi đám hoặc làm kinh tế, kiếm tiền mà không lo chăm lo đời sống tâm linh cho đệ tử; ngày qua ngày, chú tiểu nhìn cách người thầy của mình sống và làm việc với những lời nói a dua lấy lòng phật tử để đạt được lợi dưỡng cho mình, điều đó sẽ hình thành trong tâm thức chú tiểu một ý niệm không thiện lành dẫn đến hành động mà chú không hề ý thức được.
Trong kinh điển được kết tập lại, cũng có câu chuyện về một đệ tử Phật phạm lỗi khẩu nghiệp do không ý thức được đó là điều sai trái. Đó là câu chuyện về chú tiểu Rahula trong lúc vui đùa đã nói dối. Nhân đó, Phật đã khuyến cáo Rahula về những nguy hiểm của việc nói dối và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thường xuyên tư duy về những hành động của mình(1). Nhưng mấy ai trong chúng ta được may mắn như thế, được thọ nhận sự chỉ dạy đúng đắn khi những sai lầm vừa chớm khởi?
2. Do thói quen
Bên trên người viết đưa ra nguyên nhân là do vô minh, không ý thức được đó là hành động sai trái mà phạm lỗi. Và từ việc phạm lỗi trong vô thức được huân tập một thời gian lâu dài, sẽ hình thành một thói quen. Như trong y học có phản xạ có điều kiện mà Ivan Pavlov đã nghiên cứu và chứng minh thông qua thí nghiệm quan sát việc tiết dịch vị của loài chó dưới các điều kiện khác nhau. Việc hình thành thói quen lời nói và hành động không tương quan nhau cũng gần như thế. Khi một việc làm được huân tập lặp đi lặp lại nhiều lần, đến lúc người ta nhận thức được đó là hành động không thiện lành nhưng do thói quen vẫn không thể nào từ bỏ được. Cũng vậy, khi một người thường xuyên thích nói mà không làm, lâu dần sẽ hình thành thói quen khó thay đổi.
3. Do lười biếng
Lười biếng gần như là bản tính cố hữu trong mỗi con người. Vì lười biếng mà kéo theo những trì trệ trong công việc lẫn sự tu tập. Một tu sĩ do lười biếng nên dễ thất hứa. Ví dụ một tu sĩ hứa sẽ hoàn thành công việc được giao trong một kỳ hạn, nhưng do lười biếng mà không làm công việc ấy dù trước đó đã hứa hẹn rất nhiều.
4. Do muốn đánh bóng chính mình
“Danh” là một trong 5 món dục (tài, sắc, danh, thực, thuỳ) mà con người khó gìn lòng trước sự cám dỗ đầy hấp dẫn của nó. Một người tu sĩ Phật giáo cũng không ngoại lệ. Vì muốn đánh bóng tên tuổi của mình mà không ít người đã nói quá lên trọng trách của mình trong tăng chúng, từ đó sinh ra những người hữu danh vô thực. Có thể người tu sĩ vẫn ý thức được việc nói năng và hành động không thống nhất là một việc làm không đúng đắn nhưng do năng lực tu tập còn kém cỏi nên đã để mình sa đà vào hư danh thông qua việc khoe khoang, khoác lác về những việc mình đã làm.
5. Do biện hộ đó là phương tiện trong giao tiếp ứng xử
Trong kinh tạng, đức Phật có dạy chúng Tỳ kheo cần thực hành những lời nói như hoa, như mật, dùng lời nói “không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý”(2). Tuy nhiên có một số người đã dựa theo những lời dạy đó của đức Phật để biện hộ cho hành động khoe khoang của mình rằng đó là phương tiện trong giao tiếp nhằm chiếm được cảm tình của người nghe. Thật đáng buồn thay! Những người như thế chẳng khác nào con lừa đi sau đàn bò mà tự cho mình là con bò như Phật đã từng nêu ví dụ trong phẩm Sa môn thuộc Kinh Tăng Chi Bộ(3).
II. CÁC TRƯỜNG HỢP LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM KHÔNG TƯƠNG QUAN THƯỜNG GẶP
Những nguyên nhân đã nêu ở trên được người viết đúc kết lại thông qua việc quan sát đời sống hằng ngày của người tu sĩ. Và một số trường hợp xuất hiện sự không tương quan giữa lời nói và việc làm trong đời sống tu sĩ Phật giáo mà người viết thường gặp là:
1. Giữa thầy với đệ tử
Một người thầy tốt không phải là người thầy có khả năng giúp đỡ đệ tử mình có được những danh vọng, địa vị trong Giáo hội; cũng không phải là người truyền trao chùa chiền, tài sản cho đệ tử. Mà một người thầy tốt là người có khả năng xây dựng cho đệ tử mình một Tăng thân vững chãi, thảnh thơi trong ngôi nhà Chính pháp; là người có thể ươm mầm hạt giống an lạc, hạnh phúc bên trong người đệ tử để hạt giống ấy sinh sôi, phát triển. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ phước duyên để gặp được bậc minh sư như thế. Ngày nay, giữa xã hội vàng thau lẫn lộn, không ít vị thầy hướng đạo đã đặt để vào đệ tử của mình quá nhiều những đòi hỏi nhưng bản thân mình lại không là một tấm gương sáng cho chúng đệ tử noi theo.
Ví dụ, thầy dạy đệ tử phải biết trên kính dưới nhường, chị nói em nghe, em nói chị nghe. Thế nhưng bản thân thầy lại hay nói xấu, chỉ trích các vị tu sĩ khác với đệ tử của mình; đồng thời tỏ rõ sự đố kỵ khi một ngôi chùa lân cận phát triển, đông đảo phật tử hơn chùa mình.
Một ví dụ khác, thầy thường hứa hẹn với đệ tử lúc mới xuất gia rất nhiều điều, chẳng hạn như tạo điều kiện trong việc học tập Phật pháp, tạo thuận lợi trong việc báo hiếu song thân khi già bệnh… Nhưng khi đệ tử đã xuất gia vào chùa, thầy chỉ muốn đệ tử quẩn quanh bên mình, chăm lo các công việc lao tác tại chùa, khó chịu khi đệ tử mình giãi bày ý nguyện được đi tham vấn các vị danh tăng, được tham gia học tập các khoá thiền…
Bên cạnh đó, có vị thầy hay kể về quá khứ vàng son của mình. Nhưng trong lời kể ấy có đôi phần không đúng sự thật. Và trong thực tế, thầy lại có những việc làm đi ngược lại với những “thành tích” thầy đã có trong quá khứ.
Hoặc có những việc thầy tỏ vẻ quan tâm đệ tử nhưng đó chỉ là sự quan tâm chiếu lệ mà không phải xuất phát từ sự chân thành. Ví dụ khi có những đệ tử đi học xa trở về, thầy vẫn hỏi han quan tâm nhưng vì tình thương không đồng nên thái độ nhiệt tình và hời hợt cũng được biểu hiện. Trong khi phân chia vật thực, đồ dùng, thầy vẫn ưu tiên hơn cho người đệ tử mà mình dành nhiều tình cảm mặc dù ngoài miệng, thầy vẫn nói thầy thương như nhau. Mặt khác, khi đệ tử đi học chủ yếu tài chính là do gia đình hỗ trợ, nhưng thầy lại nói với những người khác tất cả đều do thầy lo liệu.
Dẫu biết rằng ở vị trí của một người thầy, một người trụ trì sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn khó ai có thể chia sẻ được. Tuy nhiên không phải vì lẽ đó mà mình đánh mất đi sự truyền thông giữa mình và đệ tử chỉ vì những hành động không tương quan với lời nói của mình. Như vậy bản thân người thầy ấy đã thất bại hoàn toàn trong công tác xây dựng tăng thân.
2. Giữa đệ tử và thầy
Khi một mối quan hệ thầy trò bị sứt mẻ, ta không thể đổ lỗi hoàn toàn vào vị thầy hay người đệ tử. Trong sự bất đồng giữa lời nói và việc làm, ngoài những trường hợp mà vị thầy mắc phải thì người đệ tử cũng không phải hoàn toàn thanh tịnh.
Một người đệ tử kính trọng thầy là điều cần thiết. Thế nhưng có những người chỉ cung kính trước mặt thầy nhưng sau lưng lại không để thầy trong lòng. Bằng chứng là khi thầy răn dạy điều gì, trước mặt thầy, người đệ tử vâng dạ cúi đầu nhưng sau lưng lại nói xấu thầy với phật tử và phân bua rằng mình không hề sai. Không những thế, người đệ tử thân cận bên thầy còn chỉ trích thầy với những vị tôn túc khác mặc dù ngoài miệng vẫn nói con rất biết ơn những gì thầy đã làm cho con và luôn tôn thờ thầy như Cha Mẹ.
Ngoài ra, sự bất nhất trong lời nói và việc làm của người đệ tử còn thể hiện thông qua việc khi có mặt thầy thì làm việc rất hăng say nhưng khi thầy vắng mặt thì lại chểnh mảng công việc của mình và đùn đẩy cho người khác.
Bên cạnh đó, có khi người đệ tử vì muốn làm đẹp lòng thầy mà đã hứa hẹn rất nhiều điều êm tai, dễ nghe. Nhưng qua thời gian thì những lời hứa ấy chỉ như bóng trăng in trên mặt nước chỉ có thể nhìn mà không thể chạm, những lời hứa ấy chỉ có thể nghe mà không thấy thực hiện.
Thời gian lâu dần, niềm tin giữa thầy và trò ngày bị mai một, sự gắn kết thầy trò không còn chặt chẽ nữa từ đó đưa đến biết bao nhiêu chuyện đau lòng khác như đệ tử từ bỏ thầy, nói xấu thầy… Và nguy hại hơn là con đường không thiện lành mà người đệ tử ấy phải đi khi xả bỏ thân mạng.
3. Trong huynh đệ
Trong huynh đệ chung sống với nhau thật khó để tránh được những bất hoà, hiềm khích. Tuy nhiên một tu sĩ Phật giáo chân chính sẽ không ngừng quay lại quán sát chính mình để sửa đổi những tâm niệm cấu uế trong tâm mình, mượn những bất hoà, hiềm khích ấy làm bài học giác ngộ cho mình. Thế nhưng không phải người tu sĩ nào cũng ý thức được điều đó. Ngày nay, những phiền não mà người tu sĩ gặp phải khi chung sống cùng nhau được dấy khởi rất nhiều. Thậm chí có người cả đời không muốn nhìn mặt nhau nữa dù là huynh đệ cùng chung sống dưới một mái chùa. Những bất hoà, hiềm khích ấy một phần xuất phát từ những lời nói và việc làm không tương quan với nhau.
Con người luôn có những tâm bất thiện ngủ ngầm bên trong mình như tham lam, đố kỵ, ganh đua… Một người tu sĩ cũng như thế. Chính vì tham lam nên không ít huynh đệ đã giao tiếp với nhau trên tinh thần lợi dụng lẫn nhau. Từ đó sinh ra những lời hứa hẹn, cam đoan về mối quan hệ khăng khít giữa huynh và đệ. Tuy nhiên khi một trong hai bên không còn giá trị để bên còn lại lợi dụng nữa thì những lời hứa và thái độ tốt đẹp ngày xưa cũng theo sự vô thường mà biến chuyển.
Ngoài ra, trong các công việc lao tác tại chùa, không ít vị có tật kể công. Nhưng đa phần lại là làm ít kể nhiều hoặc không hề tham gia vào làm nhưng lại thao thao như thể mình đã bỏ ra rất nhiều công sức để mong có được cảm tình từ người ngoài cuộc.
Bên cạnh đó, có người vì để đẹp lòng nhau nên ngoài miệng luôn nói mong muốn và sẵn lòng giúp đỡ huynh đệ khi có việc cần. Nhưng khi được nhờ thì lại tỏ thái độ khó chịu hoặc than vãn, hoặc sau lưng lại đi kể công với người khác.
Vì những biểu hiện ấy mà tình huynh đệ ngày một lợt lạt, mọi người sống kiêng dè và không hết lòng với nhau. Dẫn đến sự suy yếu của tăng đoàn và rạn nứt trong hoà hợp tăng.
4. Trong giao tiếp với phật tử
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật có dạy chúng Tỳ kheo không nên vì tài vật mà trước mặt các cư sĩ tự tán thán hoặc chê trách lẫn nhau để được hưởng các lợi dưỡng và bị trói buộc, mê say, đắm trước vào các lợi dưỡng ấy(4). Tuy nhiên ngày nay trong hàng xuất gia, không ít người vì sự mê say, đắm trước vào các tài vật, lợi dưỡng do người thế gian cung cấp mà đã có những lời nói và việc làm không tương quan nhau.
Ví dụ trước mặt phật tử thì dùng lời ngon ngọt ca ngợi nhưng sau lưng lại là chê bai, chỉ trích người phật tử ấy. Hoặc khi có mặt phật tử thì niềm nở mời ăn uống nhưng khi phật tử ra về hết thì lại không dọn dẹp bàn ăn uống mình vừa bày biện mà để nguyên hiện trạng bừa bộn như thế mặc kệ người khác dọn dẹp.
Hoặc khi phật tử đến hỏi vấn đề nào đó, vì sĩ diện, vì danh vọng nên có những chuyện người tu sĩ không biết mà nói biết, không làm mà nói làm để phật tử đẹp lòng.
Trường hợp khác, người tu sĩ hay than vãn với phật tử về những vất vả, cực nhọc trong chùa để mong có được sự thương cảm nhưng trên thực tế, một số huynh đệ khác còn vất vả cực nhọc hơn nhưng họ vẫn không hề nói gì.
Ngoài ra, người tu sĩ còn hay mắc phải lỗi khen mình chê người một cách khéo léo. Chuyện không nói có, chuyện có nói không về huynh đệ mình với phật tử, gây nên cái nhìn không thiện cảm của người phật tử dành cho huynh đệ mình.
Từ những hành động trên người tu sĩ vô tình làm cho người phật tử mất đi niềm tin kính đối với hàng xuất gia và đẩy họ ngày càng xa rời chính pháp.
5. Trong việc làm từ thiện
Có thể nói tu sĩ Phật giáo đã làm rất tốt vai trò của mình trong các công tác từ thiện xã hội trong khuôn khổ Giáo hội nói riêng và xã hội nói chung. Tuy nhiên có trường hợp đã lợi dụng việc từ thiện mà trục lợi cho riêng mình cả về danh lẫn lợi.
Khi một người tu sĩ đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân, phật tử cùng nhau đóng góp cho một công tác từ thiện nào đó, thử hỏi có mấy ai thực hiện hành động ấy do xuất phát từ tâm từ thật sự hay là xuất phát từ lòng cầu danh cho mình? Thật khó nói! Đôi khi, tâm tham danh ấy vi tế đến nỗi chính người tu sĩ đứng ra kêu gọi ấy cũng không nhận ra được là mình đang làm xuất phát từ tâm tham mà không phải tâm từ. Nhưng dần dần lâu ngày, người tu sĩ ấy sẽ bị tha hoá do tâm tham ngày một lớn.
Do vì việc kêu gọi từ thiện không xuất phát từ tâm từ thật sự nên người tu sĩ đã không có một lòng thương tưởng đúng mực đối với đối tượng được giúp đỡ. Trái lại người tu sĩ ấy chỉ dùng sự niềm nở, quan tâm dành cho các mạnh thường quân và phật tử đã ủng hộ.
Ngoài ra, do xuất phát từ tâm tham nên có những tài vật và phẩm vật được quyên góp cho công tác từ thiện đã không được dùng đúng mục đích.
Do những hành động và lời nói không tương đồng nhau của người tu sĩ trong công tác từ thiện như vậy đã khiến cho các phật tử dần dần mất đi tín tâm, thậm chí là nảy sinh những tâm niệm bất thiện đối với hàng xuất gia. Không những thế, những việc làm không đúng ấy còn ảnh hưởng đến sự nghiệp tu hành của một tu sĩ.
Khiến cho họ ngày càng trầm luân, đọa lạc vào con đường tà kiến đầy tội lỗi.
6. Khi nói về Phật pháp
Một trường hợp nữa mà người tu sĩ dễ mắc phải trong lời nói và việc làm không tương quan là khi họ nói về Phật pháp. Phật đã dạy các Tỳ kheo cần phải cẩn trọng trong nói năng vì một người nói lời phù phiếm sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Ngược lại, người nào không nói lời phù phiếm sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào thiện thú, thiên giới(5). Tuy nhiên, lời Phật dạy là thế, nhưng vẫn có không ít tu sĩ Phật giáo ngày nay vẫn dùng lời phù phiếm để nói, đặc biệt là khi nói về Phật pháp.
Ví dụ vị thầy trước mặt người khác hay nói về giới luật, rằng đức Phật không cho làm thế này, không cho làm thế khác; từ đó chê bai những người không thực hành đúng theo giới luật Phật đã chế định. Nhưng bản thân mình lại không thực hành theo những giới luật đã lãnh thọ mà lại vào phòng riêng để xem ca nhạc múa hát qua internet, thậm chí là xem các phim ảnh, sách truyện liên quan đến dâm dục.
Một trường hợp khác, có vị không tu tập nhưng lại nói với người khác như thể mình rất siêng năng, tinh cần trong việc tu tập. Cụ thể như trong thời khoá tu tập của chúng tăng thì ngủ gục hoặc né tránh, ngoài thời khoá lúc rảnh thì không tự tu tập mà chỉ lên mạng làm việc riêng…
Ngoài ra, có vị chưa thấu đạt được nghĩa lý vô thường, vô ngã nhưng lại hay nói với người khác về sự vô thường, vô ngã một cách lệch lạc để ngụy biện cho những việc làm của mình. Đặc biệt là khi những cấu uế tâm như tham, sân, đố kỵ, não nhiệt vẫn còn nhưng lại nói với người khác là mình đã đoạn tận và có được an lạc.
Những vị như thế thật là điều đáng buồn cho một nền minh triết của Phật giáo!
Họ không chỉ làm cho Phật giáo suy yếu mà còn khiến mình đi vào con đường hướng hạ đầy nguy hiểm.
III. HẬU QUẢ
Như trên đã điểm qua một số trường hợp lời nói và việc làm không tương quan thường gặp trong đời sống hằng ngày của người tu sĩ. Từ những trường hợp đó ta có thể thấy hậu quả chung mà chúng để lại thật đáng quan ngại. Chính vì người tu sĩ có lời nói và việc làm không tương quan đã khiến cho thầy trò xa cách, huynh đệ bất hoà, phật tử thất tín, tăng thân suy yếu, đạo đức suy đồi, Phật pháp trên đà suy vong. Và đó còn là con đường đưa người tu sĩ đến cõi dữ, ác thú, đoạ xứ và địa ngục.
IV. BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
Với lòng tin sâu sắc vào nhân duyên nghiệp quả, người viết ý thức được thế nào là “một tâm trong sạch chờ đợi là hạnh phúc an lạc, một tâm cấu uế chờ đợi là khổ đau sầu muộn”(6). Và một trong những tâm cấu uế đó là lời nói và việc làm của mình không tương quan nhau.
Để đoạn trừ việc ấy, thiết nghĩ tự thân mỗi người, nhất là người tu sĩ cần thường tự quán xét lại bản thân mình để phát hiện ra những cấu uế vi tế trong tâm, thân cận thiện hữu tri thức để được các vị ấy thường nhắc nhở, sách tấn. Ngoài ra, việc huân tập sự tu tập vô ngã cũng là điều hết sức quan trọng để mình trừ bỏ những tâm tham sân khởi lên. Học tập lời dạy của Thế Tôn: nói sao làm vậy, làm sao nói vậy để xứng đáng là đệ tử của Người. Không vì danh lợi mà hoa ngôn xảo ngữ. Bên cạnh đó, thường thực tập nhận diện đức Phật bên trong mình trong mỗi giây phút cuộc sống hằng ngày mà không phải tìm cầu đức Phật qua hình sắc hay âm thanh để nhắc nhớ mình về giới đức, phẩm hạnh của Người mà tự răn nhắc mình khi đứng trước những cấu uế tâm đang dấy khởi.
Nếu là một vị thầy, việc bắt buộc đệ tử làm theo những gì mình cho là đúng sẽ không quan trọng bằng việc giúp đệ tử tự ý thức được đâu là đúng sai để tự lựa chọn thái độ hành vi của mình. Đồng thời cho đệ tử mình đi thực tập các khoá thiền phù hợp với bản thân mỗi người để các đệ tử học được cánh nhận diện và chuyển hoá những cấu uế vi tế trong tâm. Ngoài ra tiến hành cách thức giao tiếp giữa thầy trò và huynh đệ thông qua việc viết thư soi sáng lẫn nhau sau mỗi kỳ Bố tát để mỗi người có dịp góp ý lẫn nhau và nhìn nhận lại mình trên tinh thần hoà hợp, thanh tịnh. Không những thế, việc nỗ lực tu tập của bản thân là hết sức quan trọng trong việc xây dựng tăng thân an lạc, hạnh phúc trên sự hiểu và thương.
V. KẾT LUẬN
Khổ đau trong đời sống con người còn rất nhiều và nguyên nhân của những nỗi khổ ấy xuất phát từ lời nói cũng không phải là ít. Chính vì vậy, tu tập chuyển hoá khẩu nghiệp không chỉ là một việc cần làm mà còn là trách nhiệm của một tu sĩ. Vì khi khẩu nghiệp được chuyển hoá sẽ góp phần xây dựng được một đời sống thanh tịnh. Một đời sống thanh tịnh sẽ đảm bảo được một đời sống hạnh phúc cho mình và cho người.
Ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của lời nói trong các mối quan hệ giữa con người với con người. Bởi lời nói là chiếc cầu nối giúp tạo sự hiểu biết và cảm thông giữa người này với người kia. Tuy nhiên lời nói đó phải là lời nói đúng đắn, chân thật, không gian dối thì mới đủ sức thuyết phục người khác và mới có khả năng mang đến an lạc thật sự cho mình và người.
Khi xưa vua Ba Tư Nặc khi nhìn thấy tăng đoàn của đức Phật đã càng tăng thêm lòng tin kính đối với Như Lai. Ngày nay, là một tu sĩ Phật giáo, ta cần có ý thức trách nhiệm hơn với từng hành vi, tâm niệm của mình để xứng đáng là đệ tử Như Lai, xứng đáng là nơi nương tự cho những người đang cần đến mình. Và một trong những việc làm xứng đáng nhất của người tu sĩ là hãy nói sao làm vậy, làm sao nói vậy như lời đức Phật đã tuyên bố!
***
CHÚ THÍCH:
(1) Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ I, 61, ĐTKVN, Tôn Giáo, 2016, tr.507.
(2) Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ I, ĐTKVN, VNCPHVN, 1996, tr.227.
(3) Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ I, ĐTKVN, VNCPHVN, 1996, tr.415.
(4) Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ I, ĐTKVN, VNCPHVN, 1996, tr.140.
(5) Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ I, ĐTKVN, VNCPHVN, 1996, tr.718.
(6) Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Tôn Giáo, 2002, tr.31.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đạo đức Phật giáo, Nhiều tác giả, VNCPHVN, 1995.
2. Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Tôn Giáo, 2002.
3. Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya I,II,III, Quảng tánh biên soạn, Hồng Đức, 2016.
4. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Tôn Giáo, 2016.
5. Thích Nhất Hạnh, Sống chung an lạc, Văn hoá Sài Gòn.
(Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021)