Nhiệt độ tháng 12 có ngày xuống âm 3 độ C, tuyết rơi trắng xóa, vùng quê có cả băng giá. Ánh đèn điện vàng vọt hắt hiu, tù mù, làm cho mùa đông dài lê thê, tưởng chừng như vô tận. Không khí lạnh tràn khắp không gian, cái lạnh ẩm ướt, khó chịu càng khiến con người cảm thấy tê tái thêm. Đến cái giường cũng ẩm, chăn gối đều lạnh ngắt. Nhiều người phải cho cục gạch đất nung vào lò sưởi cả ngày, để trước khi đi ngủ bọc trong giấy báo, đặt dưới lớp chăn làm ấm giường. Người khá giả hơn thì sử dụng loại chảo có nắp đậy và cán dài, bỏ than tro vào đó sưởi ấm chăn gối. Ít ai có được phòng ngủ sưởi ấm bằng than củi và hầu hết thường thiếp đi trong cơn lạnh giá của mùa đông.
Paris mùa đông thứ hai sau ngày giải phóng khỏi ách chiếm đóng của Đức quốc xã vào tháng 8 - 1944 còn thiếu thốn về nhiều mặt, thực phẩm và chất đốt để sưởi ấm, người dân phải về quê tìm mua gà, vịt... Ấy vậy mà những phụ nữ Pháp vẫn tất bật lo bữa tiệc Giáng sinh cho người thân theo truyền thống được tươm tất, trọn vẹn.
Mãi đến ngày 5-5-1945, lệnh của tướng De Gaulle mới được truyền đến đảo Réunion, cho phép hoàng tử Vĩnh San (tên người Pháp gọi vua Duy Tân) lần đầu tiên kể từ khi bị đày ra đây vào năm 16 tuổi (1916), sau 29 năm mới được đặt chân đến Paris. Lênh đênh hơn 1 tháng, từ đảo Réunion trên Ấn Độ Dương, tháng 6 -1945 vua Duy Tân được con rể của tướng De Gaulle là tướng Alain de Boissieu tiếp đón tại Paris.
Cũng theo tướng De Boissieu, vua Duy Tân đã phê phán, chỉ trích “rue Odinot” (Bộ thuộc địa Pháp) còn mải mê trong đường lối chính trị cố hữu của mình với những từ ngữ “thuộc địa”, “đế quốc”, “chủ quyền nước Pháp” hay “cai trị trực tiếp”, mà không hề muốn đề cập đến các khái niệm “độc lập”, “tinh thần quốc gia”. Nhà vua cho rằng “rue Odinot” chối bỏ sự hiện hữu của một quốc gia và Tổ quốc Việt Nam, mà theo ông “đó là điều đáng lo ngại”. Tướng De Boissieu cho vua Duy Tân biết rằng, những điều ấy đã được Bộ thuộc địa Pháp công bố trước khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945, đến giờ thì tình hình đã thay đổi, có hy vọng thương lượng lại.
Ngày 20-7-1945, vua Duy Tân được gởi sang Đức và đến cuối tháng 10-1945 lại có lệnh gọi ông trở về Paris.
Trong khi đó, ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9-9-1945, quân Tưởng Giới Thạch tràn vào miền Bắc để giải giới quân Nhật. Cũng khi ấy, tướng Leclerc theo chân quân Anh và Ấn trở lại Đông Dương, vào lại Sài Gòn ngày 12-9-1945. Tình hình rối như mớ bòng bong, sự kiện tiếp nối sự kiện, mà khi ấy tướng De Gaulle vẫn lúng túng khi cố tìm kiếm một giải pháp có thể thực thi cho Đông Dương, trong khi các thế lực thuộc địa cũ còn mạnh mà “quân bài” Bảo Đại đã mất hiệu nghiệm, không được lòng dân. Pháp “vướng” vì hai chữ “độc lập” của Việt Nam và sau này Mỹ cũng thế!
Vua Duy Tân vừa trở về sau chuyến công vụ tại Đức, nhưng phòng trọ của ông không được sưởi ấm, cái lạnh thấm qua da thịt buốt thấu xương nên khó dỗ giấc ngủ. Trong khi chốn đi đày của nhà vua lại là nơi quanh năm ấm áp. Ở Paris, nhà vua cảm thấy cô đơn, lạ lẫm, khác hẳn bầu không khí cởi mở, thân thiện trong gia đình và bạn bè bên đảo. Không khí lạnh giá, căn nhà trọ một mình vắng vẻ càng làm tăng thêm cảm giác cô đơn nơi ông.
Vua Duy Tân phải chờ đợi tại Paris đến ngày 14-12-1945 thì cuộc gặp gỡ lịch sử duy nhất giữa tướng De Gaulle và nhà vua mới diễn ra, nội dung được giữ bí mật. Tuy nhiên, có người cho rằng vì sự bất cẩn của chính vua Duy Tân và do quá vui mừng trước khả năng được về lại Việt Nam mà ông đã để lộ ra tin tức. Nhà vua đã liên lạc với một số nhân vật Việt Nam có tên tuổi tại Paris với mục đích thành lập nội các tạm thời để ra mắt quốc dân khi trở về, nhưng ông đã thất vọng vì không tìm được sự giúp đỡ và ủng hộ nào như mong đợi.
Sau này, tướng De Boissieu hoàn toàn đồng ý với ông Eugène-Pierre Thebault khi ông viết về cuộc gặp gỡ này như sau: “Đối với vua Duy Tân cũng như tướng De Gaulle, thời gian không còn nhiều để cho những tranh luận ngoài đề và sự mặc cả. De Gaulle muốn tự mình thẩm định con người mà trong vòng thân cận đều giới thiệu với ông là có khả năng giải quyết vấn đề khó khăn ở Đông Dương, trong khi vua Duy Tân lại muốn quay lại ngôi vị mà nhà vua không hề từ bỏ”.
Thebault là người bạn trung thành của vua Duy Tân và cựu Giám đốc văn phòng của Thống đốc Capagory ở đảo La Réunion ấy cũng có mặt tại Paris để gặp vua Duy Tân lần cuối cùng vào ngày 17-12-1945.
Tâm sự trĩu nặng khi 5 đứa con bỏ lại trên đảo, đứa bé nhất vua mới được biết cách đó vài hôm, là một bé gái, sinh ở Saint-Denis ngày 1-12-1945, đặt tên là Marie Gisèle Andrée...
Những ngày cuối năm ở Paris là khoảng thời gian đầy nhung nhớ, hy vọng và lo âu cho tương lai của vua Duy Tân. Trong hai lá thư viết từ Paris gửi cho con gái đầu - bà Suzy Vĩnh San, vua Duy Tân dặn dò con phải bảo bọc các em, sống phải lương thiện, không dối trá...
Con gái yêu quí của cha, chính từ văn phòng của cha ở đại lộ Champs Elysees, cha đã viết thư này cho con. Ngoài trời thì băng giá và ở đây thì lạnh tương tự, vì không nơi nào được sưởi ấm...
Với hai tay lạnh cóng, cha viết cho con. Mới có 5 giờ chiều mà phải bật đèn để nhìn cho rõ, vì màn đêm buông xuống lúc 3 giờ chiều... Con biết không, con gái của cha, cha đã phải hy sinh rất nhiều để mua quà cho các con. Cha viết tiếp lá thư dở dang vì quá lạnh, không viết nổi...”.
Lá thư cuối cùng trong tuồng chữ viết vội của vua Duy Tân viết cho con gái đề ngày 28-11-1945.
Sau đó, một người dáng nhỏ bé, gầy gò, co ro, vội vã lên chiếc máy bay của Hãng hàng không Air France cất cánh tại phi trường Le Bourget ngay trong đêm Giáng sinh 24-12-1945, hy vọng vượt chặng đường dài để về thăm gia đình, bạn hữu và nhìn mặt đứa con gái mới chào đời. Hành lý mang theo chỉ là những món quà Giáng sinh nho nhỏ, ít tốn kém và gọn nhẹ cho việc di chuyển bằng máy bay. Xa gia đình và các con mới chỉ có 7 tháng mà nhà vua đã thấy dài đằng đẵng, nhớ nhung khôn xiết, nhất là người vợ mang thai khi vua ra đi. Đảo La Réunion nơi vua muốn trở về cách Paris 9.400 cây số đường chim bay.
Đêm Giáng sinh tại Pháp là thời khắc sum họp gia đình, mấy ai lại di chuyển đường dài, vì thế chuyến bay định mệnh ấy, với 21 chỗ ngồi, chỉ có 5 hành khách và 3 nhân viên phi hành đoàn: ông Guy Porte - phi công, ông Lucien Coulomb - phụ trách truyền thanh và ông Louis Rebout - kỹ sư phi hành. Chiếc máy bay đã rơi xuống một khu rừng rậm thuộc Bassako, nước Cộng hòa Trung Phi ngày 26 -12 -1945, tất cả mọi người trên máy bay đều tử nạn, trong đó có vua Duy Tân.
Tướng De Gaulle rời khỏi chính quyền ngày 20-1-1946, chưa đầy 1 tháng sau cái chết của vua Duy Tân.
Tuyết Trần (Paris 2017)
Xem thêm:
Bước Chân Đại Sỹ (Huệ Trân)
Đảo Réunion, Dấu Chân Lưu Đầy Hai Vị Vua Việt. (Ký sự của BS. Nguyễn Xuân Quang)