Bài 51 - Con đường đúng đắn

06/01/20224:51 SA(Xem: 4617)
Bài 51 - Con đường đúng đắn

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ-TÁT
The Bodhisattva Ideal

***
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

  

Chương VIII
Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian

 

Bài 51
Con đường đúng đắn

 

                        Trên đây (trong bài 50) chúng ta đã nêu lên là dù mình đang bước theo con đường (của người bồ-tát) thế nhưng đồng thời mình cũng hiểu rằng con đường sẽ chẳng đưa mình đến một nơi nào cả (mục đích con đường của người bồ-tát là mang lại sự giải thoát cho tất cả chúng sinh, thế nhưng chúng sinh thì vô tận, vì vậy con đường cũng sẽ bất tận, không bao giờ chấm dứt, không có một điểm đến nào cả). Chúng ta bước theo con đường nhưng không thể đoan chắc được là con đường có "đúng" hay "không đúng". Tuy nhiên sự nghịch lý và thiếu vững chắc đó có thể giải quyết ổn thỏa được bằng cách xem nó như một mô hình nêu lên một sự nẩy nở [tâm linh]. Một số người đôi khi vì quá thắc mắc nên thường tự hỏi xem mình có đủ khả năng hay không [để bước theo con đường đó], vị thầy mình có phải là một vị thầy tốt hay không, hoặc quyển sách này hay câu mantra (câu niệm hay câu chú) kia thật sự có giúp mình bước "đúng" theo con đường đưa mình đến Giác ngộ hay không? Qua một góc nhìn nào đó thì các thắc mắc trên đây quả là nan giải (không thể nào biết được chắc chắncon đường mà mình đang bước đi có "đúng" hay không). Nếu có một người nào đó nói với bạn như sau : "Này bạn, con đường mà bạn chọn là con đường sai. Đương nhiên con đường đó sẽ đưa bạn xuống địa ngục". Vậy bạn sẽ phải làm gì ? Bạn không thể chứng minh được là người ấy nói sai, cũng không thể "biết được" lời mà người ấy nói với bạn có hữu lý và có thể chứng minh được hay không, nhất là sự hữu lý đó có thể mang lại cho bạn sự Giác ngộ, hoặc ít nhất cũng mở ra con đường đưa bạn đến Giác ngộ hay không ?

                        Nếu muốn biết được con đường mà mình đang bước đi có "đúng" là con đường đưa mình đến Giác ngộ thì chỉ có cách là phải dựa vào một cái gì đó có sẵn từ bên trong con người của mình - dù cái gì đó chỉ là một hạt mầm nhỏ bé - nhưng thật ra tương quan với một cái gì đó to lớn hơn và đã được nẩy nở thật trọn vẹn bên trong con người của Đức Phật. Thiếu tiếng âm vang (resonance) đó, sự giao cảm (communion) đó [giữa mình và Đức Phật] thì chúng ta sẽ không thể nào bước đúng theo con đường và sẽ không bào  đạt được Giác ngộ (thiếu tiếng âm vang của Phật tính trong lòng mình đưa mình đến gần với Đức Phật thì mình sẽ không thể nào bước đúng theo con đường. Việc tu tập đơn thuần dựa vào các phương tiện thiện xảo chỉ là một con đường song song mang xu hướng tách ra ngày càng xa hơn với con đường đưa mình đến Giác ngộ). Một người giác ngộ và một người không giác ngộ cả hai đều là những con người như nhau ; vì vậy chúng ta đều có một cái gì đó giống với (in common with / cùng chung một thứ với) Đức PhậtĐức Phật cũng có một cái gì đó giống với chúng ta (lòng từ bi nóng bỏng đang bốc lên trong con tim mình chẳng hạn). Điều mà chúng ta cần phải cố gắng thực hiện là phát huy những gì bên trong con người của mình giống với những gì bên trong con người của Đức Phật, và đấy cũng là cách ngày càng làm giảm bớt đi sự khác biệt giữa mình và Đức Phật. Khi không còn một chút khác biệt nào nữa [giữa mình và Đức Phật] thì mình cũng sẽ trở thành một con người Giác ngộ [như chính Đức Phật] (Đức Phật hiện ra với mình như một tấm gương để khuyến khích mình trở thành như chính Ngài với đôi mắt thật nhân từ đang đứng nhìn mình và gọi mình từ bên trong tấm gương đó. Đức Phật không hiện ra trong tấm gương để mình van vái và cầu xin Ngài. Sự Giác ngộ là cách bước vào tấm gương, nhưng không phải là một món quà mà Đức Phật đưa ra từ tấm gương để ban tặng mình).

            Tất cả những gì mà chúng ta có thể làm được là nói lên "tôi đây cũng là một vị Phật", hay ít nhất là một người mà mình tưởng tượng qua các bằng chứng còn lưu lại bên trong chính mình. Khi tôi quan sát các bằng chứng đó thì tôi có thể nhận thấy trong tôi có những cái gì đó giống với Đức Phật, và dù cho các phẩm tính đó nơi Đức Phật ở vào một cấp bậc cao siêu hơn gấp bội so với cấp bậc của tôi đi nữa, [thế nhưng] những lời giáo huấn (Dharma / Đạo Pháp) cho biết là tôi cũng có thể phát huy được các phẩm tính như vậy. Vì thế, tôi cứ tạm chấp nhận những lời ấy [và cho đó là hữu lý] để cố gắng xem tôi có thể thực hiện được như thế hay không ? Chẳng hạn như môt bản văn (bản kinh) cho biết Đức Phật có một tấm lòng nhân từ thật to lớn, đối với tôi cũng vậy, thỉnh thoảng tôi cũng phát động được lòng nhân từ, và đồng thời tôi cũng nghĩ rằng tôi có thể làm hơn như thế, và tôi cố gắng thử xem tôi có thể biến tôi trở thành nhân từ hơn như thế hay không ? Sau khi thử cố gắngnhận thấy tôi có thể làm được thì khi đó tôi sẽ có thể kết luận "nếu tôi có thể mở rộng lòng nhân từ thêm một chút, thì nhất định tôi sẽ còn có thể tiếp tục mở rộng thêm một chút nữa, và cứ thế tôi sẽ mở rộng hơn và rộng hơn nữa". Và cứ thế mà chúng ta tiếp tục (đó là con đuờng đúng, con đường đó của người bồ-tát tuy xa tít thế nhưng dường như ngày càng ngắn lại).

            Những điều nêu lên trên đây hướng thẳng vào việc tu tập của chúng ta. Dù Đức Phật đã được chứng minh là một con người sống thật [như chính chúng ta], thế nhưng khi nào chúng ta chưa đủ sức phát động được một sự cố gắng nhỏ nhoi nào để thu ngắn khoảng cách giữa mình và Đức Phật, thì dù mình có phát lộ được lòng tin của mình nơi Đức Phật, lòng tin đó cũng sẽ chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Tóm lại việc tu tập là một sự cải thiện liên tục, xuyên qua sự cải thiện đó chúng ta sẽ dần dần cảm thấy hạnh phúc hơn và hợp nhất hơn (chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng phân tâm thật trầm trọng, thế nhưng chúng ta không hề ý thức được điều đó. Tâm thức chúng ta bung ra khắp hướng, biến đổi liên tục, chưa suy nghĩ xong chuyện này đã nhảy sang chuyện khác, xúc cảm này chưa giảm xuống đã dấy lên xúc cảm khác. Năng lực tâm thần của chúng ta do đó sẽ bị phân tán khắp nơi. Tu tập là hợp nhất năng lực đó bên trong nội tâm mình, mang lại cho mình một tâm thức cô đọng, thăng bằng, và thanh thản hơn. Cố gắng tập trung vào Đức Phật, đến gần với Đức Phật hầu thu ngắn khoảng cách giữa mình và Đức Phật, là cách tạo ra cho mình một thể dạng tâm thần hợp nhất và hạnh phúc hơn). Bên trong chúng ta luôn có một cái gì đó giúp mình nhận biết được con đường mà mình đang bước theo có đúng hay không đúng, và cái gì đó chính là các xúc cảm bên trong chúng ta ngày càng trở nên tích cực hơn, và theo đó chúng ta cũng ngày càng trở nên ý thức hơn (các phương tiện thiện xảo chỉ tạo ra các tác động tạm thời và hời hợt mà thôi).

            Khi nào bạn cảm thấy mình khỏe mạnh, thì sẽ không có bất cứ ai có thể bảo với bạn rằng "Này bạn, tại sao trông bạn có vẻ bệnh hoạn đến thế!". Cũng vậy, tương tự như trường hợp bạn cảm thấy khỏe mạnh trên đây - dù chỉ được một lúc nào đó cũng vậy - nếu bạn cảm thấy trong lòng mình tràn đầy tình thân thiện, lòng từ bi và các mối quan tâm đến kẻ khác, thì sẽ không có bất cứ ai có thể bảo bạn là không đi đúng con đường. Khả năng tự nhiên của một con người ý thức là vượt lên trên chính mình, vì vậy khi nào bạn cảm thấy mình vượt được lên trên chính bạn thì có nghĩa là con đường mà bạn đang bước theo là con đường đúng, bởi vì con đường đó phù hợp với bản chất nội tâm sâu kín nhất bên trong chính bạn.   

          Có lúc bạn cảm thấy mình nở rộ như một đóa hoa, thế nhưng cũng có lúc bạm cảm thấy cuộc sống tâm linh của mình (sự tu tập của mình) chẳng khác gì như trèo lên một đỉnh núi. Hai cách vận hành đó phản ảnh bản chất của bodhicitta (tâm thức giác ngộ / bồ đề tâm). Bodhicitta tuyệt đối là sự Giác ngộ (là đóa hoa nở rộ), trong khi đó bodhicitta tương đối (tương tự như trèo lên đỉnh núi), là bodhicitta trong tình trạng kéo dài chờ đạt được sự Giác ngộ. Sự kết hợp giữa cả hai thể dạng bodhicitta đó chính là sự thực hiện tối hậu (sự Giác ngộ). Vì vậy trong cuộc sống tâm linh (sự tu tập), chúng ta thường xuyên ở trong tình trạng đang thực hiện một cái gì đó mà chúng ta đã có sẵn (bodhicitta ở thể dạng nở rộ hay đang phải trèo lên một đỉnh núi để đạt được nó). Chúng ta phải thực hiện cả hai thứ đó cùng một lúc, tức là ý thức được những gì mình đã có, đồng thời mình cũng phải vượt thoát ra khỏi chính mình để thực hiện nó. Nếu chỉ thực hiện được một trong hai thứ thì chúng ta sẽ bị mất thăng bằng. Chúng ta chỉ có thể hình dung sự kết hợp giữa hai thể dạng đó qua sự tưởng tượng hay trong một giấc chiêm bao (oneiric, dreamlike / một hình thức siêu thực, ảo giác hay cõi mộng.).    Chẳng hạn như khi bạn vừa thức giấc và nhớ lại trong giấc ngủ vừa qua bạn nằm mơ thấy mình đang đi du lịch tại Ấn độ, thế nhưng đồng thời thì bạn cũng thấy mình đang vẽ một cành hoa. Bạn không hiểu gì cả mà chỉ biết là phải chấp nhận có hai chuyện khác nhau xảy ra trong cùng một giấc mơ đó. Phần tri thức trong lúc tỉnh táo của bạn nhận thấy có một sự xen kẽ giữa hai thứ ấy, thế nhưng qua sự cảm nhận siêu thực (oneiric / tương tự như trong cõi mộng) thì thật hết sức lạ lùng, bạn nhận thấy hai thứ xảy ra cùng một lúc, khiến tri thức bạn không sao nắm bắt (nhận thức) được. Cuộc sống tâm linh (việc tu tập) thường là như vậy (có lúc sự Giác ngộ vụt hiện lên với mình một cách tự nhiên, thế nhưng cũng có lúc sự giác ngộ ấy cũng chỉ đơn giản là một ý niệm, một sự cảm nhận phản ảnh một sự cố gắng nào đó. Sự hòa lẫn giữa hai thể dạng đó có thể là do dòng tri thức của mình chưa hoàn toàn thoát ra khỏi sự hiện hữu vật chất của mình, bởi vì thế giới hiện tượng chung quanh mình đang còn trực tiếp liên hệ với sự hiện hữu vật chất đó của chính mình. Nói một cách khác là mình đã đạt được giác ngộ thế nhưng sự giác ngộ đó chưa hoàn toàn trọn vẹn bởi vì mình vẫn còn "sống" với thân xác vật chất còn đang bị trói buộc mình bởi thế giới hiện tượng). Lúc nào bạn cũng phải ý thức một điều là mình phải tiến lên phía trước, hết chặng này đến chặng khác, tương tự như trèo lên một đỉnh núi. Thế nhưng đồng thời bạn cũng phải giữ một sự bình lặng tuyệt đối, chỉ duy nhất tập trung sự ý thức ngày càng sâu xa hơn về vị trí của mình trong hiện tại (mình đang ở trong giai đoạn nào, cấp bậc nào trên đường tu tập của mình).

 

Một vị trí bên ngoài thời gian

           

            Khi nào bạn đạt được một vị trí nằm bên ngoài thời gian - nếu có thể nói như vậy - thì bạn sẽ ý thức được là mình luôn ở vị trí đó (tức là bên ngoài thời gian). Cũng vậy, khi bạn đạt được sự Giác ngộ, thi bạn cũng sẽ cảm nhận được mình luôn ở trong thể dạng Giác ngộ. Người ta cho biết một số vị thầy Zen khi vừa đạt được sự Giác ngộ thì bật cười…và cứ thế mà cười, bởi vì họ nhận thấy một điều vô cùng phi lý là ngoài sự Giác ngộ ra chẳng có bất cứ một thứ gì có thể gọi là thật cả (thế giới chỉ là ảo giác). Quả là một sự sai lầm vô cùng ngu xuẩn ! (trước đây họ cứ nghĩ rằng sự Giác ngộ sẽ mang lại cho họ một cái gì đó tuyệt vời và mới lạ). Sự sai lầm đó bắt họ phải trả một cái giá rất đắt, gồm toàn những thứ khổ đau vô ích. Đôi khi trong cuộc sống thường nhật cũng vậy, sau những lúc quá sức lo lắng về một chuyện gì đó, thì một sự kiện phụ thuộc thật bình thường vụt hiện ra khiến chúng ta nhận thấy trước đây mình không cần phải quá sức lo lắng đến như vậy. Sự cảm nhận Giác ngộ cũng chỉ là một thứ cảm tính trong cuộc sống thường nhật tương tự như trên đây, thế nhưng với một cường độ mạnh hơn nhiều. Bạn sẽ nhận thấy trước đây mình ngu xuẩn đến mức độ nào khi phải chiến đấu và gánh chịu mọi nỗi khổ đau, phải vật lộn với mọi thứ khó khăn hoàn toàn tưởng tượng. Tất cả chẳng qua là vì chúng ta cứ nghĩ rằng mình là một người như thế này hay như thế kia, thế nhưng ngay trong lúc này thì bạn... có thể tha hồ mà cười. Bạn đang biến thành một vị Phật vô cùng khôi hài (chẳng phải Đức Đạt-lai Lạt-ma lúc nào cũng tươi cười, dí dỏm, khôi hài và hóm hỉnh hay sao ?).

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 05.01.22

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

Tạo bài viết
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.
Chỉ vài ngày nữa, là Ngày Bầu Cử của Hoa Kỳ. Cử tri Hoa Kỳ trong ngày 5 tháng 11/2024 sẽ bầu phiếu để chọn lên một tân Tổng Thống, từ hai ứng cử viên của hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ với hai chính sách dị biệt nhau. Lựa chọn này có thể sẽ định hình những chuyển biến tương lai cho cả thế giới khi cách nhìn của hai ứng cử viên, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đã lộ rõ trái nghịch nhau hoàn toàn về cuộc chiến ở Ukraine, trái nghịch nhau một phần về cuộc chiến Trung Đông, xung khắc nhau về cách kềm chế Trung Quốc, và về cam kết ở Biển Đông.