Thiền Ngữ Thi Kệ Trong Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối Của Thiền Sư Trần Thái Tông

10/02/20223:07 CH(Xem: 7751)
Thiền Ngữ Thi Kệ Trong Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối Của Thiền Sư Trần Thái Tông

 

THIỀN NGỮ THI KỆ
TRONG KHOA NGHI SÁU THỜI SÁM HỐI
CỦA THIỀN SƯ TRẦN THÁI TÔNG
Như Hùng

 

tran thai tong Chúng con từ vô thỉ kiếp đến nay;
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm.
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau”.

 

Thiền sư Trần Thái Tông (1218-1277) một con người siêu việt một nhân cách cao cả, từ tư tưởng cho đến hành động, từ trí tuệ cho đến sự nghiệp cứu độ chúng sinh, giúp dân giữ nước. Dù một ông vua bận rộn trăm công ngàn việc, nhưng vẫn miệt mài dụng công nỗ lực tu tập không ngừng nghĩ. Ngài còn soạn ra sám pháp Sám Hối Sáu Căn ngày đêm sáu thời chuyên cần tụng niệm lễ bái. Mỗi thời sám hối một căn từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cứ như thế tháng ngày liên tục tu tập hành trì miên mật. Ở đó còn là pháp hành vô cùng lợi lạcý nghĩa, bởi trong đời sống hằng ngày, ai trong chúng ta lại không gây nên tội lỗi nghiệp quả từ nơi sáu căn ba nghiệp. Chúng ta noi gương Ngài hết lòng theo bước quyết tâm thực tập pháp Sám Hối, nguyện dứt trừ những lỗi lầm xấu ác bất thiện do sáu căn ba nghiệp gây tạo từ vô lượng kiếp đến nay, hôm nay một dạ chí thành sám hối, nguyện từ nay về sau tu tập thiện pháp thề không tái phạm lỗi xưa. Nếu chúng ta thường xuyên hành trì tu tập sám pháp, sẽ giúp chúng ta nhận diện một cách tích cực rõ ràng sự đi lại và những phát khởi của sáu căn, trần, thức. Để từ đó chúng ta từ bỏ những tăm tối nhiễm ô bất thiện, hướng tâm đến nơi cao đẹp thiện lành lạc an.

Hầu hết những sáng tác của Thiền sư Trần Thái Tông đều được đúc kết bằng một bài thi kệ, riêng trong Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối còn là những lời thiền ngữ thi kệ đan xen tiếp nối. Cứ thế tung bay mở ra cánh cửa tỉnh thức giác ngộ cho từng tâm thức, phổ nên giai điệu không cùng vô tận của tuệ giác. Từng lời thiền thi âm vang vút cao chọc thủng màn đêm tăm tối, lồng lộng soi đường tỏa sáng trên bầu trời dân tộc đạo pháp. Từng cơn gió thoảng từng làn hương giới định tuệ quyện bay thơm ngát từng không, vỗ về sưởi ấm cõi nhân sinh đau khổ, đưa người qua sông mê tìm về bến giác. Từng lời từng chữ từng câu thi kệ là những điệp khúc vô biên thắm tô nẻo về chân như tánh giác. Từng lời thiền ngữ là những khai thông mở lối cuộc đăng trình tìm về lạc an trú ngụ. Từng lời nhắc nhở từng câu khuyên bảo giúp chúng ta một lòng hướng nguyện con đường cao cả giải thoát. Từng bước đi từng lối về cõi tâm hoa nở rộ miền lạc an thênh thang lộng gió.

Điều quan trọng, từ nơi đây con người này cũng chính sáu căn ba nghiệp làm cho chúng ta phiền não đau khổ, thì cũng từ đây sáu căn ba nghiệp này sẽ dẫn đưa chúng ta đến với thiện lành lạc an cao đẹp. Một khi chúng ta dừng lại tư duy quán chiếu nhận diện, cũng là lúc chúng ta thấy rõ căn nguyên vì đâu do đâu, chúng ta vẫn còn trong vòng khổ đau vô minh kiềm tỏa sai sử, ba ác nghiệp thường xuyên khuấy động. Từ đó, chúng ta một lòng chuyển hóa đổi thay tránh xa những bất thiện nhiễm ô tai hại lầm lạc do những giác quan mang lại. Là khi chúng ta biết giữ tâm mình luôn trong sáng chánh niệm tỉnh giác trước mọi tác tạo nói năng hành động nghĩ suy. Khi chúng ta áp dụng trọn vẹn những lời dạy bảo cao cả, những pháp hành vi diệu vào sự tu tập của mình. Là khi chúng ta thực hiện đủ đầy Giới Định Tuệ ba môn vô lậu học, ứng dụng tám con đường Trung đạo, dẫn đến hạnh phúc lạc an đích thật, thì mới thoát khỏi tăm tối khổ đau đến với giác ngộ giải thoát. Ở đó không còn những mê lộ gian truân nhọc nhằn lo sợ trói buộc, tan biến mọi mộng tưởng đảo điên khổ đau đêm ngày hành hạ tra tấn. Ở đó, thanh tịnh trang nghiêm định tuệ đủ đầy tỏa sáng, não phiền lắng đọng tâm lành lạc an thênh thang rộng mở.

Chúng ta mãi mê hối hả lao mình vào cuộc sống mờ mịt lầm lạc nhiễm ô, đắm chìm dong ruổi trong những tham vọng hơn thua tranh giành tước đoạt. Cứ mãi để cho mình bị xích xiềng với cái quá khứ, sống trôi nỗi bất định với hiện tại, mơ ước về một tương lai mịt mùng thăm thẳm. Chúng ta quay về lắng nghe từ trong chân tánh lặng yên nhiệm mầu của mình, thì sẽ hiểu được nhiều thứ biết được nhiều điều phát hiện mọi sự rõ ràng. Chỉ cần chúng ta lắng lòng tư duy tỉnh thức, sẽ nhận biết đâu là đường ngay lối thẳng chốn mê bờ ngộ. Chỉ cần chúng ta ý thức minh mẫn nhận biết rõ ràng, từ trước đến nay chúng ta để cho sáu căn ba nghiệp dẫn dắt tạo nên muôn vàn tội lỗi. Chúng ta sống với những điều không thật, luân phiên bị vô minh xúi dục sai khiến khổ đau quấy nhiễu đêm ngày. Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta mãi miết nổi chìm nơi sông mê bể ái lầm lạc trong ba cõi sáu đường, là do chúng taBỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo”. Bây giờ và mãi mãi về sau chúng ta nguyền từ bỏ những bất thiện sai lầm nhiễm ô níu kéo, nguyện đoạn trừ những ác tâm uế trược tăm tối phủ vây. Nguyện rời xa những sắc màu trần gian huyễn mộng bám chặt, nguyện từ bỏ tham lam giận hờn si mê phiền não khổ đau chất đầy trĩu nặng. Chúng ta nguyện tìm về phương trời rộng cao trong sáng, nguyện tìm đến an trú nơi thường tịnh an yên, nguyện thường sống trong chánh niệm tỉnh giác. Nguyện quay về khai mở tự tánh chân như, nguyện trọn nên lạc an tâm lành ban rải, nguyện thắp sáng chân tâm một lòng bỏ mê theo ngộ.

Trong Khoa Nghi Sáu Thời Sám Hối, nghi thức đầu tiên Ngài đốt trầm hương dâng lên Tam Bảo, có bài thi kệ dâng hương, bài kệ dâng hoa, kế đến phần tâu bạch gồm những lời thiền ngữ, xưng tán ca tụng tán dương, những lời sách tấn khuyên bảo nhắc nhở. Tiếp theo là phần sám hối sáu căn, kế tiếpcầu nguyện khuyên mời, phát lòng tùy hỷ, hướng nguyện và hồi hướng. Tiếp đến là mười hai lời phát nguyện thâm sâu cao cả, chúng ta gắng sức ra công chuyên cần nỗ lực theo gương Ngài thực hiện, nguyện mong đạt được giác ngộ trọn thành đạo quả. Cuối cùngbài kệ vô thường, những lời cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta tu mau kẻo trễ, sống trọn vẹn hết lòng tỉnh thức từng phút giây hiện tại, đừng chờ đợi ngày mai một khi vô thường đến, sẽ tước đoạt cuốn phăng lôi đi tất cả không chừa một ai.

Thời khóa tu tập hành trì sám pháp của Thiền sư Trần Thái Tông rất tinh cần miên mật, Ngài chia mốc thời gian ra làm sáu tương thích với sáu căn đó là lúc: sáng sớm, giữa trưa, hoàng hôn, chập tối, nửa đêm và lúc vừa qua đêm. Khóa lễ buổi khuya bắt đầu vào lúc 3 giờ sáng, và cũng là khóa lễ sám hối trước tiên về tội căn của mắt. Bài thi kệ Khuyên răn lúc giờ Dần, Ngài cảnh tỉnh nhắc nhở chúng ta đừng để tâm của mình vướng bận chạy theo mộng huyễn trần cảnh. Đừng để cho con mắt của mình bị cảnh duyên sắc màu che mờ bao phủ, cũng đừng mãi mê lo ôm giữ tấm thân ô uế bất tịnh mà không chuyên cần tu tập. Phải mở ra con mắt huệ con mắt chánh kiến, nhìn thấy mọi sự tinh tường sáng tỏ, thấy rõ sự vận hành của các pháp, thấy được tường tận bản thể như thật tánh tướng thông suốt nhiệm mầu.

Phương đông tờ mờ sáng,
Mặt đất tối tan dần.
Tâm chạm trần cảnh dấy,
Mắt lòa sắc tưng bừng.
Xác thối đừng ôm mãi,
Đầu vùi, sớm ngưỡng lên.
Ân cần chuyên sáu niệm,
Hầu mong hợp cơ chân”.
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch, thuongchieu.net

Lời thiền ngữ Dâng hương buổi sớm, âm vang thanh cao chấn động tâm mê, vựt dậy bao lầm lạc tìm về giác ngộ. Trăng vừa lặn trời hồng sắp sáng, một dạ chí thành cúi mong kính lễ, đốt nén tâm hương hết lòng tỏ bày khấn nguyện, dâng cúng Phật, Pháp, Thánh hiền Tăng. Giới định tuệ chơn hương tỏa khắp mười phương, rừng công đức nhờ nước thiền tưới tẩm, đường giải thoát thênh thang rộng mở. “Cúi nghĩ: vừng thiềm non Tây vừa lặn; đuốc rồng phương Đông mới lên. Chiếu Phạn họp những người thanh tịnh; cõi không lễ chư vị thánh hiền. Mong thấu lòng thành, kính dâng hương báu. Hương này, trồng từ ở rừng tu, nước thiền định đã từng tưới bón. Chặt về từ vườn tuệ, đao giải thoát chuốc bào. Búa rìu không bởi sức người; hình thể tự nhiên nảy nở. Đốt nén hương trí tuệ; kết đài mây quang minh. Khi hương bay khắp chốn ngạt ngào; nơi khói tỏa đầy trời sực nức.

Vừa lúc rạng ngày, đốt hương dâng cúng”.

Nguyễn Đức Vân dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 161

Bài thi kệ Dâng hương, lời thơ nhẹ đưa về miền sâu thẳm, chiên đàn trầm hương vừa đốt thơm tho xông khắp rừng thiền, nơi vườn tuệ hương thơm sực nức, giới hạnh tịnh thanh tung bay ngược gió, định tuệ sáng tỏ đêm ngày, nguyện một lòng đốt lò tâm hương mãi cúng dâng.

Trầm thủy, rừng thiền hương sực nức,
Chiên-đàn, vườn tuệ đã vun trồng,
Đao giới vót thành hình non thẳm,
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng”.

Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 163

Từng đóa từng đóa hoa tâm dâng lên cúng dường chư Phật, tâm giác ngộ rộng sâu bừng dậy tỏa sắc hương. Lời thiền thi thắm đượm nẻo nhân gian, hoa tâm một cõi lối về chân như, ba nghiệp thanh tịnh hạnh lành công đức, đủ đầy vẹn toàn gió nghiệp nào thổi rơi. Bài kệ Dâng hoa:

Đất tâm hoa nở sắc khoe tươi,
Thơm ngát ngàn hoa khắp cõi trời.
Muôn đóa đem dâng trên điện Phật,
Nghìn thu gió nghiệp chẳng tàn rơi”.
Băng Thanh dịch

Từng lời Tâu bạch nguyện mong tha thiết, cõi thiền tâm mở lối điểm tô, đốt đuốc tuệ soi đường dẫn bước, lòng từ bi tế độ muôn loài. Cúi xin ngưỡng mong bậc Đại Giác, phá tâm mê mở lối chúng con vượt qua bể khổ trầm luânDương đuốc tuệ soi đường tăm tối; nổi thuyền từ chốn bể khổ đau”. Trời sáng rỡ hãy còn mê ngủ, nơi nhà lửa ngục tù thiêu đốt, vượt mê cung về với chân thường. Đừng để lòng dục tâm tham thanh sắc đuổi theo bén gót, chấm dứt ngon đẹp khen chê hối hả kiếm tìm. Phải biết ngày đêm qua mau vô thường lấn tới, gốc thân chẳng vững thần chết đang chờ, đừng mãi ôm giữ tấm thân tiền của. Hãy mau tỉnh dậy đốt đuốc mà đi, nương nhờ hải đảo tự thân, chăm lo tu tập mở mang trí tuệ.“Gặp khi bừng sáng; thương kẻ còn mê. Trong đêm hồn mộng hãy mơ màng; tỉnh dậy tâm đầu còn bối rối. Tai mắt mãi mê thanh sắc; mũi mồm theo đuổi ngon thơm. Nhà lửa luôn luôn thiêu đốt; sóng yêu mãi mãi đắm chìm. Dù người mở mắt sớm nay; vẫn kẻ ngủ say đêm trước. Chẳng lo già ốm chết theo; chỉ bận vợ con tiền của.

Này các Phật tử! Gốc thân chẳng vững; cõi mệnh khó yên. Phàm những kẻ đầu đội trời xanh, đều khó tránh nhãn quan rơi xuống. Một sớm lỡ sẩy tay; muôn kiếp thân khôn chuộc. Hãy nên sớm rắc mầm lành; chớ tự bo bo tìm quả ác. Người người mau tỉnh; ai nấy chăm tu. Dốc lòng lễ vô thượng từ dung; chạm mắc thấy đại quang minh tạng.”...

Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 165

Phần sám hối tội căn của mắt, con mắt chúng ta luôn che mờ bao phủ, chạy theo sắc màu huyễn tướng, thấy nghe lạnh lùng, dửng dưng vô tình, tâm từ khô héo, thật giả khó phân, chánh tà khó thấy. Nhìn sai các thứ, lộng giả thành chơn, đắm đuối mê say, gọi mời níu kéo, chọn lựa ghét ưa đẹp xấu tranh giành. Chỉ khi sáng tỏ mắt tuệ bừng lên, chánh kiến thông suốt, thiện ác phân minh, có không thật giả rõ ràng. Chi khi con mắt chánh kiến hiển lộ, tuệ giác soi chiếu đủ đầy, thấy biết tường tận, thể tánh các pháp vốn dĩ rõ ràng như thế.

Dốc lòng sám hối, chúng con từ bao kiếp tới nay, bỏ mất bản tâm; không hay chính đạo. Đọa ba đường khổ; bởi sáu căn sai. Không sám hối trước khó ăn năn sau”.

Nghiệp căn mắt là:nhân ác xem kỹ; nghiệp thiện coi khinh. Nhận lẫn hoa không; quên xem trăng thật. Sự ghét yêu nổi dậy; chuyên đẹp xấu tranh giành. Mắt ngó dông dài; mờ đường chính kiến. Xanh qua trắng lại; tía đúng vàng sai. Nhìn lệch hết thảy, chẳng khác kẻ mù. Gặp người nhan sắc, liếc trộm nhìn ngang; lòa lẫn kiếp xưa, bản lai diện mục. Thấy của người khác, nhìn ngó đăm đăm; gặp kẻ nghèo hèn, mắt che chẳng đoái”....

Nguyễn Đức Vân dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 167

Lời tỏ bày tha thiết, tâm thành nguyện kính dâng, cúi xin Đức Phật từ bi xót thương che chở, thánh hiền Bồ Tát tăng ni, mở tâm từ vô lượng, dẫn độ quần sinh, vượt mê thoát khổ đến bờ lạc an. Bài kệ Dốc lòng khuyên mời:

Kính xin chư Phật mười phương
Thánh hiền Bồ Tát cùng hàng tăng ni
Mở tâm vô lượng từ bi
Chúng sanh vượt độ sông mê đến bờ”.
Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 168

Bài thi kệ Hết lòng tùy hỷ, một dạ vui mừng hoan hỷ, quyết chí nguyện nương theo Phật, sống trọn trong ánh hào quang, nơi sinh mọi hạnh lành công đức, nhịp bước song hành trên lối về giác ngộ, giữ tâm chân thật bền chặt chẳng hề vơi.

Ta nay theo Phật lòng hoan hỷ,
Thành kính hôm mai sửa lỗi lầm,
Mong sớm được lên thang thập địa,
Dốc lòng gìn giữ lấy chân tâm”.
Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng

Tâm từ hiến dâng ban trải khắp cùng, cõi lòng độ lượng bao dung, tạo nhân tốt đẹp lên nẻo chánh. Nguyện đem công đức lành, đến với muôn loài chúng sanh, hướng tâm về thánh đạo. Bài kệ Dốc lòng hồi hướng, có đoạn:

Công đức muôn loài nguyền tưới khắp,
Tu nên chính giác, dựa nhân lành”.

Mỗi căn ngoài những gây tạo lầm lạcnghiệp quả Ngài đã chỉ dạy, còn có mười hai lời phát nguyện cao cả, nếu chúng ta gắng sức nỗ lực tu tập hành trì chắc chắn sẽ mang lại sự an lạc giác ngộ cho mỗi chúng ta. Đó còn là mười hai duyên lành cao quý vô cùng giá trị, nếu chúng ta hết lòng thực hành sẽ là những đóa tâm hoa giác ngộ nở rộ công đức, dâng cúng lên mười phương Tam Bảo. Khi con mắt rộng mở không bị chi phối ngăn ngại, chánh kiến cái thấy sẽ trở nên chân chính tinh tường thấu suốt. Chúng ta nguyện phủi sạch bụi trần, dứt bỏ dục niệm bám nhiễm vướng mắc, rời ra phân biệt sắc màu ưa thích đắm say, giữ tâm trong sạch vững chãi không não phiền lay động trước mọi chướng duyên nghịch cảnh. Nguyện mở mang trí tuệ không để đầu óc mê muội tối tăm, thường sống trong chánh niệm tỉnh thức, tuệ nhãn đêm ngày soi chiếu. Chúng ta nguyện thực hành mười hai nguyện lực sâu rộng, ắt hẳn chúng ta sẽ có được an lạc ngay trong phút giây hiện tại bây giờ. Dưới đây là sáu lời nguyện của mắt trong số mười hai lời nguyện, chúng ta cùng hướng tâm tư duy quán chiếu.

Một, nguyện rộng mở, cặp mắt chánh kiến
Hai, nguyện lau sạch, cát bụi trần lao
Ba, nguyện nhìn hình, mắt không đắm mến
Bốn, nguyện thấy sắc, tâm chẳng lay động
Năm, nguyện quên đầu, cần kíp nhận ra
Sáu, nguyện mắt tuệ, tự tròn đầy đủ”....
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch

Phần cuối sám hối mỗi căn Ngài có làm bài kệ Vô thường, những lời thiết tha gửi gắm nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta. Hết đêm lại ngày hết ngày lại đêm mau chóng lướt qua, bóng đêm dần tan mặt trời ló dạng. Tuổi xuân nhẹ gót bỗng chốc thoáng trôi, trên đầu tóc bạc điểm tô, già yếu bệnh tật, nhan sắc nhăn nheo, tàn phai theo năm tháng, vô thường rơi rụng. Nơi chốn mộng ảokhông sinh diệt, cuộc tử sinh ly biệt chờ chực vây quanh. Chúng ta cố gắng dụng công tinh cần nỗ lực vượt thoát, quyết chí đêm ngày tu tập không xao lãng. Kệ Vô Thường buổi sớm có đoạn:

...“Tóc xuân ngầm điểm trắng,
Nét ngọc sắp phai hồng
Nào biết niên hoa ngắn
Còn tranh nghiệp quả hùng”...
Đào Phương Bình dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 173

Khóa lễ buổi trưa, Ngài quỳ gối dâng hương chí thành tâu bạch trước Tam Bảo, lời thiền ngữ rộng sâu nghi ngút tỏa hương do lửa định đốt thành. Có đoạn: “khói bay nghi ngút đều do lửa định đốt thiêu; mây cuốn lửng lơ vốn tự khí lành tan khắp”. Nhờ sức định tâm hương thiền tỏa khắp, lửa giác ngộ bừng lên thiêu rụi tham sân si não phiền loạn động, hóa mây lành rãi khắp nẻo nhân gian.

Dâng lời Tâu bạch tỏ bày cứ thế vươn cao thắp sáng, thiền tịnh song tu, từng bước chân đi về lạc an cõi tịnh, chín phẩm sen vàng nở rộ miền lạc bang. “Đổi sáu ngã thành sáu thần thông, dẫn chín loài thành chín liên phẩm”. Thắp sáng đèn tuệ tâm đăng, soi bước cuộc truân chuyên lữ thứ. “Nên nảy niềm tin; bỏ trừ nghi hoặc. Sớm mở lòng ngời chư Phật; soi tan thùng tối chúng sinh.”...Cõi lòng rộng mở định tuệ sáng soi, phá tan ngục tù tăm tối.

Từng lời nhắc nhở từng câu thiền ngữ Ngài chỉ dạy cảnh tỉnh chúng ta nghiệp căn của tai: “ghét nghe tiếng pháp, thích lắng lời tà; mê mất chính tâm, đuổi theo ngoại vọng”. Đó là những gì chúng ta đang sống và cảm nhận, trong một tâm cảnh vốn luôn như thế, cái tâm phân biệt lăng xăng giao động, đầy dẫy vọng niệm hướng ngoại chạy theo, lúc nào cũng hiện hữu cũng dâng cao choáng ngợp trong ta. Tai của chúng ta thường không thích nghe những lời chân chánh những lời ngay thẳng, nhưng lại thích nghe những lời dối trá ru ngủ ngọt ngào dịu êm. Nhưng khổ một điều, hễ càng du dương chừng nào thì càng khiến cho ta mê say đắm nhiễm chừng ấy, càng ngọt ngào bao nhiêu thì càng làm cho ta mê muội ngất ngây bấy nhiêu. Sức tác động của lời tà khiến cho tâm trí ta mê muội không đủ sáng suốt lầm đường lạc lối. Sám hối tội căn do tai là biết cách nhận diện gạn lọc thích nghi, chỉ nên nghe những gì cần nghe phải nghe, những gì phù hợp với chánh pháp, trở về đúng nghĩa của tánh nghe chân thật. Không nên nghe những gì không phù hợp không thích nghi, những gì đem lại say đắm bất thiện ô nhiễm. Chỉ nên nghe những lời chánh ngữ những lời chân thật từ tâm, những lời phù hợp thích nghi với chánh pháp với đạo lý như thật.

Mười hai lời nguyện thâm sâu khắc dạ, tánh nghe bừng dậy thông đạt nguồn căn, nguyện lắng nghe tự tánh nhiệm mầu, hiểu thấu chân tánh thường tại. Nguyện nghe khổ sớm tìm phương giải thoát, bỏ ngoài tai lời tà ác hung dữ thị phi. Nguyện nghe những lời thanh cao chân thật chánh ngữ, tánh nghe rành rõ thấu tỏ bốn phương, lời pháp âm vi diệu nguyện nghe cùng khắp, trống pháp vang lên nguyện thấu tỏ tường.

Một nguyện nghe tiếng, liền được ngộ đạo,
Hai nguyện nghe khổ, sớm lo tu hành,
Ba nguyện nghe suốt, khắp bốn phương cõi,
Bốn nguyện nghe vui, thấu đạt vô sanh,
Năm nguyện lời tà, tai không dính mắt,
Sáu nguyện chánh ngữ, chóng nghe rành rõ,
Bảy nguyện tiếng pháp, thường được gần gũi,
Tám nguyện trống pháp, thường lắng tai nghe,”.....
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch

Bài thi kệ Vô thường lúc bây giờ, còn là lời nhắc nhở vọng đưa trên lối về tử sinh giác ngộ, từng bước đi hoa nở miền tịch dương. Ở đó, có là cung đàn tiễn đưa réo rắc khúc ly biệt, sáng còn chiều mất sớm nở tối tàn, có là đoạn trường vô thanh bất diệt, hay đường mê rong ruổi khổ đau thương nhớ đong đầy? Dù sao có ra sao, thì qui luật vô thường đến đi có không thổn thức vẫn treo lơ lửng trên đầu, còn là lẽ vận hành tự nhiên của thành trụ hoại diệt. Tất cả đều do chúng ta tự mình tìm ra chân lý, biết quay đầu trở về nơi chân thường vô sanh bất diệt.

Chớp mắt vừng ô vừa mới mọc
Quay đầu bóng nhật đã tròn xoe
Chỉ ham giấc ngủ say mê mải
Nào biết quang âm thấm thoắt đi
Phút chốc hoa tươi rồi lại héo
Quanh co mệnh nấm thịnh liền suy
Ai ơi xin hãy quay đầu lại
Rong ruổi đường mê mãi thế chi.”

Thiều Chửu dịch, Tập san Đuốc Tuệ, trích từ Thơ Văn Lý Trần tập 2

Lời thiền ngữ câu thiền thi đêm ngày vọng đưa soi bóng cõi sắc không, một thuở lênh đênh tìm về nương tựa, hai bờ mê ngộ truân chuyên đếm bước, vầng trăng khuya lấp lánh cõi thiền. Nơi miền tịch lặng tuệ chiếu càn khôn, tâm hoa nở rộ khúc ca chứng đạo vang rền, soi tỏ lối về nẻo giác.

Khóa lễ buổi chiều, khi mặt trời mới vừa xuống núi, là lúc ban ngày khép lại màn đêm sắp hiện ra, bóng thỏ về tây vầng ô khuất núi, ngày qua đêm lại đến. Cũng là lúc Ngài dâng hết tâm thành sám hối nhĩ căn. “Thân tới đàn tràng thanh tịnh; lễ dâng hiền thánh từ bi”.Cõi tâm đốt lò hương chơn tịnh, giới định tuệ hương, giải thoát giải thoát tri kiến hương, hương báu mười phương cùng kết tụ, một dạ tín thành tâm nguyện hiến dâng. Thanh tuệ hương thơm ướp xông lan tỏa, phá tan mộng tưởng lụy phiền, ngửi vào khổ đau cạn địa ngục khô. “Tìm đến kiền thành tan ảo hóa; ngửi vào địa ngục hết chua cay”. Tâm giác ngộ lòng từ bi dâng cao ngập lối.

Lời tâu bạch nguyện cầu kính cẩn dâng lên, đèn tuệ giác sáng soi chiếu tỏ, ngày trôi qua mạng sống giảm dần, chớ có phóng dật buông lung, chớ chạy theo trần cảnh ảo mộng, khua tan tâm mê buông niềm vấn vương tục lụy, quay đầu là bến giác, dắt mũi lôi về ngửi mùi hương tịnh thanh giải thoát.“Hỡi các Phật tử! Nên nghĩ lúc vô thường thấm thoắt; chớ tham cảnh phù thế xa hoa. Phải dắt mũi lôi về ; chớ phóng tâm đi mất. Ai nấy hãy quay đầu soi lại; chớ nên theo ngoại cảnh mưu cầu. Nếu phải tri âm hãy mau tiến bước”.

Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 186

Phần sám hối tội căn do mũi gây ra, những tưởng ba sinh kiếm tìm hương với sắc, mịt mùng trôi sực nức làn mây, tham mùi sắc lạ nhiễm ô tâm tánh, mãi đắm say quên mất chân tâm. Thanh sắc mùi rồi sẽ tàn phai rơi rụng, lời từ bi thương xót gửi trao, nhớ làm theo chớ lãng quên. “Thường tham mùi lạ trăm thứ ngạt ngào; chẳng thích chân hương; năm phần thanh tịnh. Xạ lan sực nức, mê mãi kiếm tìm; giới định xông thơm, chưa từng để mũi.”...Giới định chơn hương, xông thơm khắp cõi ta bà, thuyền bát nhã độ người qua bến giác, vượt bến mê về cõi chân thường.

Mười hai nguyện lực cao thâm sâu diệu, thắp sáng đèn tuệ tâm hương, giũ sạch bụi trần bám nhiễm. Nguyện ngửi mùi hương giải thoát, cõi tuệ giác thơm ngát từng không, lìa xa phiền não uế trược, đốt tan vọng khởi lầm mê. Nguyện quay về nương tựa ba ngôi báu, nguyện nhổ sạch tham sân si gốc rể, nguyện mong về với chân như tánh giác. Nguyện trọn đời sống trong tỉnh giác, nguyện thở vào tâm tĩnh lặng thở ra tan não phiền, hít vào hương định tuệ thở ra muôn pháp lành.

.“Bảy nguyện thở trừ, các chướng phiền não,
Tám nguyện ngửi được, hoa tươi giác ngộ,
Chín nguyện thường thông, giống các pháp lành,
Mười nguyện hằng lấp, nhân ngũ vị tân,
Nguyện thứ mười một, về dạo biển tánh,
Và nguyện mười hai, ra khỏi bến mê”.
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

Bài kệ Vô Thường lúc bây giờ, những lời sách tấn khuyên dạy đầy tấm chân tình ấm áp, cơn lốc vô thường lấn tới cuốn trôi hất trọn. Chúng ta lại để cho ý mải miết rong chơi theo trần cảnh, tâm vượn nhảy nhót lăn xăn chẳng chịu dừng. Thân trôi dạt nơi ba đường mờ mịt, hết xuống lại lên đắm chìm trong mộng mị. Tuổi già lão bệnh ùn ùn kéo tới, sinh tử vô thường đến phải làm sao, chết nay với xưa có khác gì? Muốn được thảnh thơi thoát khổ, phải lìa xa tà kiến vô minh, một lòng giữ gìn chánh niệm. Thường sống trong tỉnh thức lạc an, nỗ lực chuyên cần tu tập định tuệ, trở về với chân tánh thường tại. Có như thế mới thoát khỏi khổ đau, tử sinh chẳng thể làm hề hấn.

Vừng hồng đà gác núi,
Tấc bóng tiếc chăng ai?
Ý ngựa chạy theo mãi,
Vượn tâm buông thả hoài
Mặt trời mọc rồi lặn
Thân, nổi chìm luân hồi
Già, trí ngu nào khác,
Chết, nay như xưa thôi!
Vô thường, khó tránh khỏi,
Hạn lớn, trốn không nơi,
Đạo chính, hãy theo đuổi,
Rừng tà, mau xa rời”.

Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển Thượng trang 191

Khóa lễ lúc chập tối, khi màn đêm dần bao phủ, bài thi kệ khuyên bảo nhắc nhở chúng ta cái chết không sao tránh khỏi, vậy nên gắng sức tu tâm dưỡng tánh chớ vấn vương cảnh hồng trần. Bóng ngả về tây hoàng hôn tắt lịm, vạn vật chìm lặng trong màn đêm, ánh sáng nào còn đứng mãi, ngày đã qua làm sao giữ lại, già bệnh đến trêu ghẹo người. Cái chết cận kề nỗi buồn miên man, làm sao dừng lại thoát ra? Giữ tâm bền chặt đừng vướng nhiễm bụi trần, lặng yên mặc cho con tạo xoay vần đến đi. Bài Kệ khuyên mọi người lúc hoàng hôn:

Bóng ngả nương dâu tối
Vầng ô đã lặn rồi
Quang âm nào đứng mãi
Già ốm dễ treo người
Giờ chết khoan sao được
Ngày đi hết cách lôi
Ai ơi nên để mắt
Chớ vấn vương cảnh đời”
Thiều Chửu dịch, Tập san Đuốc Tuệ, trích từ Thơ Văn Lý Trần tập 2

Bài thi kệ về tám khổ, là những nỗi khổ niềm đau tái tê rên xiết của kiếp người. Âm điệu lời thiền thi trầm hùng bay bỗng, như đùa giỡn với tử sinh huyễn mộng. Nhưng để thích nghi bằng lòng với tâm cảnh, cảnh duyên là điều không hề dễ dàng. Để được sống nhẹ bước thảnh thơi không phiền đau lo nghĩ, đòi hỏi chúng ta học hạnh lắng nghe nhẫn chịu, hoan hỷ mỉm cười chấp nhận những gì vốn là sự thật hiển nhiên, dưỡng nuôi trí tuệ từ bỏ tham lam sân hận si mê. Bát khổ, là tám nỗi khổ niềm đau của kiếp người gồm có: “sinh khổ, lão khổ, bệnh khổtử khổ, tăng hiềm hội khổ, tức là cái khổ của oán thù hiềm khích không ưa mà phải gặp gỡ sống chung. Ái biệt ly khổ, cái khổ của yêu thương lo lắng mà phải chia ly rời xa. Cầu bất đắc khổ, là cái khổ ước ao mong cầu tìm kiếm mà không được như ý. Ngũ ấm xí thịnh khổ, hay ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cái khổ bị thiêu đốt nung nấu do sự ham muốn mãnh liệt mà không được toại ý”. Làm sao vượt thoát khổ đau, phá tan ngục tù năm uẩn?

Bài Kệ về tám nỗi khổ.

Dịch nghĩa:

“Từ lúc sinh ra đến lúc lớn lên thì hình hài lận đận,
Già sắp bảy tám mươi thì sự nhận biết mịt mờ
Bệnh xâm nhập vào thân thể khó chịu nổi đau đớn
Chết phải xuống ba đường, nghiệp ác dễ gặp
Nỗi buồnyêu thương mà phải biệt ly không bao giờ hết
Mối hận về oán ghét mà phải sum họp không bao giờ cùng
Cầu xin một nghìn lần không được, càng tăng thêm phiền não
Ngũ uẩn tranh giành nhau càng kịch liệt”.

Dịch thơ:

Thuở mới sinh hình hài lận đận
Bạc phơ đầu trí khôn mê lẫn
Bệnh vào tứ đại lòng sầu đau
Chết xuống tam đồ nghiệp ác dẫn
Ân ái biệt ly mấy khổ sầu
Oán thù hội ngộ vô cùng hận
Kiếm tìm không được não phiền thêm
Ngũ uẩn tranh giành ôi bất tận”.

Băng Thanh dịch nghĩa và thơ, Thơ Văn Lý Trần, tập 2 quyển thượng trang 193-194

Dâng hương lúc chập tối, lời thiền ngữ cất cao vang vọng, cõi tuệ hương xông ngát từng không. Giới định nở hoa thơm ngào ngạt, tâm từ bi trao gởi khắp cùng. Gươm tuệ bén dũa mài từ tịnh giới, định lực cao dày nhờ thiền tâm nung nấu, tỏa thơm khắp chốn mọi nơi....“Gươm tuệ chặt mà vót bằng đao giới, coi vẻ thanh kỳ; nước định rửa mà đốt bởi lửa thiền, hương thơm ngào ngạt. Há chỉ trên đàn thấy ngát; khắp trong mọi chốn đều thơm. Một sợi buông xông, muôn đời sạch nghiệp.” Đỗ Văn Hỷ dịch

Lời Tâu bạch kính dâng khấn nguyện “Kính tâu Đại Giác mười phương, Hùng sư ba đời. Rộng mở đèn tuệ chư Phật; tỏ soi nhà tối chúng sinh”...Đèn tuệ sáng tỏ soi tăm tối, ánh dương quang xô đẩy màn đêm, thức tỉnh tâm mê quay bước trở về. Lời dạy bảo đầy ắp tấm chân tình trao gửi “Ngoài dặm tiá ngựa thôi tiếng hí; dưới ao trong cá lặn mất tăm. Đom đóm lập lòe mặt nước; vành trăng lấp ló đầu non. Bên gác Phượng hoàng say đắm cuộc vui chè rượu; trước lầu Anh vũ miệt mài cái thú mê hoa. Hoặc cợt gió vịnh trăng; hoặc đánh đàn thổi sáo. Ai nấy đăm đăm duyên trước mắt; mọi người quên cả việc thân sau”. Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, gặp gỡ để rồi chia ly, mê hoa đắm nhụy để rồi hoa tàn nhụy héo, những đọng lại là khổ đau vương vấn, giọt lệ sầu nhỏ xuống dạ tái tê, cuộc biệt ly khổ kẻ đứng người trông. Việc thân sau, những việc nên làm và cần phải làm, khi chúng ta nhận thức được phút giây hiện tạiý nghĩamục đích tốt đẹp, là giúp đời sống chúng ta an vui hạnh phúc. Khi chúng ta sống trọn vẹn trong từng sát na sinh diệt cũng có nghĩa chúng ta ý thức giá trị của vô thường. Nhờ ý thức như thế chúng ta biết trân trọng mọi thứ mọi điều, bởi trong vô thường mới có chân thường, có khổ đau mới có lạc an hạnh phúc, cái này sinh nên cái khác cũng sinh. Chỉ là tích cực hay tiêu cực, thiện ác tốt lành đẹp xấu là do nơi tâm ta quyết định. Khi chúng ta từ bỏ tham dục sẽ dẫn chúng ta đến với sự bình thản an yên nơi tâm hồn. Khi chấm dứt cung phụng o bế vỗ về tấm thân tứ đại, từ bỏ cái tôi bản ngã sẽ làm cho đời sống chúng ta phẩm hạnh cao quý thánh thiện. Từ bỏ tham vọng ham muốn sẽ không rơi vào phiền não khổ đau, rời xa sân hận si mê đưa chúng ta đến với lạc an giải thoát.

Thói thường, có lên ắt có xuống, đưa lên được thì kéo xuống được, càng cao danh vọng càng dày gian nan. Có gì bảo đảm cho một ngày mai tươi đẹp, khi vô thường biến động chờ chực vây quanh nuốt trọn, lên được ghế chắc gì còn dịp xuống. Tỉnh dậy mà đi tìm đường mà đến, cánh cửa giác ngộ lạc an thênh thang rộng mở hãy mau bước tới, ba cõi ác đạo lầm than chớ có nhảy vào. Hãy gắng sức tinh cần dụng công, trở về căn nhà chân như tự tánh sẵn có trong mỗi chúng sinh. “Các Phật tử! Nên rõ tiền trình khó tiến; chớ ham cao gối giấc nồng. Lên ghế chắc đâu xuống ghế; đêm nay há biết đêm sau. Cửa “đệ nhất nghĩa” phải mau bước tới; nẻo “tam ác đồ” chớ có lần đi. Quay đầu nhận lấy quê nhà; mở mắt chớ cam mộng hão”. Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 197

Đến đây là phần sám hối tội căn do miệng lưỡi gây nên, điều rõ ràng chúng ta biết, vị ngon chỉ đọng lại ở đầu lưỡi một thoáng rồi mất, dù chỉ một thoáng thôi nhưng hậu quả lại lớn vô cùng. Chỉ vì cung phụng miếng ăn cho tấm thân béo bổ, chúng ta tướt đoạt biết bao sinh mạng gây biết bao thống khổ thương tổn cho người cho vật. Môi sinh phá hủy hâm nóng toàn cầu gây ảnh hưởng đến muôn loài chỉ vì miếng ăn thức uốnggiết hại chúng sinh vì ba tấc lưỡi”. Chúng ta chạy theo mùi vị ngon dỡ, tham lam mê đắm kiếm tìm món ngon vật lạ, cũng chỉ phục vụ cho cái bao tử tấm thân. Bỏ bao công sức thời gian tiền bạc chỉ nhằm thỏa mãn cho cái vị giác. Nhưng khi đồ ăn thức uống đẩy xuống bao tử rồi, cho dù có ngon hay dỡ mặn hay chay cũng đều thải ra ngoài. Khi mùi xú uế bốc lên, bịt mũi lắc đầu mau mau trốn chạy còn không kịp, rốt cuộc dỡ ngon khen chê để làm gì, khi sinh mạng chúng sinh bị sát hại tước đoạt chỉ vì miếng ăn, ngon dở rồi cũng xong một bửa nhưng sát nghiệp mãi theo ta chẳng chịu rời.

Ngài liệt kê những tội do lưỡi gây ra như: “Sát hại muôn vật, nuôi béo thân mình; quay rán cá chim nấu hầm cầm thú. Thịt tanh béo miệng hành tỏi ruột xông. Ăn rồi đòi nữa nào thấy no đâu”...Những tội đến từ miệng: “chửi mắng tam bảo, nguyền rủa mẹ cha, khinh khi hiền thánh lừa dối mọi người. Chê bai người khác che dấu lỗi lầm, bàn luận cổ kim khen chê này nọ. Khoe khoang giàu có, lăng nhục người nghèo, xua đuổi tăng ni chửi mắng tôi tớ”. Từ xưa đến nay họa phần nhiều đến từ miệng và do miệng gây nên, nói năng không cẩn thận thiếu ái ngữ lợi hành dễ đưa đến hiểu lầm gây phiền toái khổ mình và người. Từ bỏ những lời hung ác hằn học thị phi xúi dục đâm thọc lừa dối, những gì gây phương hại tổn thương đau khổ đến kẻ khác. Chỉ nên nói những gì thật sự cần thiết, những gì phù hợp với chánh pháp với đạo như thật, với chánh niệm tỉnh thức thường xuyên có mặt trong suy tư nói năng và hành động. Cuộc sống cách nói năng diễn đạt bày tỏ của chúng ta đem lại quá nhiều phiền nhiễu và khổ đau cho mình và người. Chánh ngữ là điều cần thiết trong những nói năng giao tiếp, lợi mình lợi người mọi sự hoan hỷ. Ái ngữ tâm từ là cách tốt đẹp để chúng ta xây dựng niềm tin thương yêu, góp phần xoa dịu khổ đau đem lại bình an hạnh phúc cho mình và người. Chỉ cần chúng ta lắng nghe thôi, cũng đã làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của kẻ khác, chỉ cần chúng ta biết nghe với con tim và tấm lòng chân thật, thì cũng đã làm cho kẻ khác vững tin an ủi.

Mười hai lời phát nguyện về miệng lưỡi của Thiền sư Trần Thái Tông, còn là những pháp hành thiết thực, để chúng ta nguyện noi theo hoàn thiện tốt đẹp thân khẩu ý của mình. Đó còn là hạnh lành cao cả, chúng ta nguyện thực hiện cho được trọn vẹn viên mãn, nguyện ăn đủ đầy hương vị giác ngộ giải thoát. Nguyện từ bỏ những tanh hôi nhiễm ô bất thiện, nguyện một lòng giữ gìn thân tâm thanh tịnh. Nguyện đọc trì tụng kho báu chánh pháp, nguyện đem pháp vị vô thượng dắt dìu chúng sanh, nguyện đêm ngày uống cạn sông pháp rộng sâu vi diệu.

Một nguyện ăn no, vị vô thượng đạo,
Hai nguyện nhả hết, vị trần tanh hôi,
Ba nguyện biện tài, trừ các lậu hoặc,
Bốn nguyện thích nói, độ được quần sanh,
Năm nguyện đọc hết, kho báu vô tận,
Sáu nguyện sông pháp, uống sạch cạn khô.”...
Thiền sư Thích Thanh Từ dịch

Bài thi kệ về Vô thường lúc bây giờ, là những thanh âm trống pháp dội vang, thấm thật sâu vào từng tâm thức, thắp sáng cõi mê mở ra muôn lối. Lời cảnh tỉnh đong đưa trong gió, gởi yêu thương đến với muôn loài. Dạ bồn chồn lo lắng thì lại tối thêm, thắp đèn tuệ soi tỏ nội tâm lòng mình, chứ đừng lo đốt đèn giùm nhà người. Đừng lo việc tìm kiếm lỗi người mà không chịu thấy chỗ sai của mình. Vô thường sinh tử xưa nay đến đi như thế chẳng hề đổi thay, vốn là qui luật tự nhiên không thể cưỡng cầu hay làm khác hơn được. Chúng ta bằng lòng chấp nhận hoan hỷ thuận theo duyên theo, chúng ta sống ra sao như thế nào, an lạc hay khổ đau mới là vấn đề. Trở về nương tựa ba ngôi báu, quay về nương tựa bậc Thầy giác ngộ vẹn toàn, quay về nương tựa Pháp những diệu âm cao cả chân thật nhiệm mầu, về nương tựa Tăng sự tỉnh thức thanh tịnh luôn hiện hữu. Bài Kệ vô thường lúc bấy giờ.

Mặt trời đã lặn tối lem nhem
Đường tối bồn chồn lại tối thêm
Đuốc của người ngoài chăm gợi thắp.
Đèn nhà mình đó chẳng soi xem
Lừ đừ bóng ác non tây lẩn
Lấp lánh vầng trăng ánh bể lên
Sống chết đổi thay đều thế cả
Quy y Tam bảo mới là yên”.
Thiều Chửu dịch, Tập san Đuốc Tuệ, trích từ Thơ Văn Lý Trần tập 2

Khóa lễ lúc nửa đêm, giọt thời gian vừa báo canh ba, vạn vật chìm lặng trong khuya vắng, dâng hương cúi đầu cẩn bạch. Sáu niềm kính ái quyện hòa chung, kính hiểu khiêm cung một tấm lòng, hương giới đức quyện thơm khắp nẻo. “Lục hòa tăng lữ họp đàn nghiêm; một nén hương thơm lừng pháp giớiLục Hòa, sáu phép trang nghiêm: “Cùng nhau trì giới, cùng chung hiểu biết, lợi ích cùng đồng đều, hòa thuận ở cùng, không tranh cãi, ý hòa hợp cùng vui”. Trang nghiêm tự thân xông thơm pháp giới, cõi tịnh thanh bay tận ngàn mây, cội nguồn linh nở hoa tươi tốt, nhờ mưa pháp thấm nhuần, tâm lành kết tụ nương ánh hào quang che chở. “Cội lành tươi tốt, mãi nhờ mưa pháp chứa chan; thể chất thanh cao, cậy bởi mây lành che chở. Giống lạ chớ đem cây tục đọ; hương thanh đâu để kẻ phàm hay. Đem tới lò vàng, nén nén mới châm trên ngọn lửa; kết thành lọng báu, tầng tầng bay mãi tận ngàn mây.”...

Dâng lời tâu bạch thiết tha kính nguyện, lời thiền ca vút cao muôn lối, giũ sạch tâm mê bụi trần vướng nhiễm, tỉnh dậy đón chào bình minh tươi sáng, đèn tuệ tâm hương sáng soi cõi mộng. Kính lạy mười phương ba đời chư Phật, Đức Phật Di Đà đưa tay phổ độ chúng sinh, phóng quang khắp cõi quần sinh nương về, sen vàng chín phẩm nở hoa, hào quang chiếu diệu dẫn đường về Tây. “Kính lạy mười phương Đại Giác ba đời Hùng Sư. Duỗi tay vàng để đón quần sinh; phóng ánh ngọc để soi khắp cõi”. Đêm đã được nữa rồi, không còn cảnh người ngựa đi khuấy động. Bụi ngoài đường cũng đã lắng đọng, ngọn đèn khuya cũng sắp tàn, mấy đám mây che khuất nhờ gió đẩy đi, mặt trăng hiện ra sáng tỏ trời khuya. Tấm thân huyễn hóa vẫn còn lạc lối, hồn hoang mang lo lắng đường về, nào hay biết tuệ tâm soi đường trong đêm tối ...“Ngọn đèn trong dĩa bạc hầu tàn; bụi bặm ngoài dặm hồng đều lắng. Mấy trận gió mây muôn dặm; một vầng trăng tỏ canh ba. Lưa thưa rừng trúc rây vàng; thấp thoáng hoa sơn giỡn ngọc. Hạc án im hơi nơi trướng huệ; vượn sầu kêu mãi chốn tùng quan. ...Thân ảo hóa chơ vơ rừng núi thẳm; hồn lang thang chạy vạy dặm đường xa. Đành cho ma quỷ quấy rầy luôn; nào biết đuốc tâm thường rực rỡ. Ngoài nhà thần phách lạc hồn bay; trong hang quỷ người vui mắt nhắm. Chỉ biết ham mê giấc ngủ; nào hay tới chốn chân như. Thỏa thuê tới sáng giấc nồng; kể chi mệnh chung trăm tuổi”...

Các Phật Tử!...“Nên đi tới lối vãng sinh; hãy vịn vào tay tiếp dẫn. Cửa ngục nơi nào đêm nay phá vỡ”. Nguyễn Đức Vân dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 205

Phần sám hối thân căn có: sát sinh, trộm cướp, tà dâm. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta bỏ quên tánh giác khỏa lấp chân như, để cho tà kiến tham sân si dẫn dắt, ba nghiệp thân khẩu ý lũng đoạn, sáu căn lầm lạc trôi nỗi trong ba cõi sáu đường. Tất cả đều do chúng ta chấp thân huyễn tướng này là thật nên mới sinh ra cớ sự, lo vỗ về o bế cung phụng bản ngã, lo nắm giữ cái tôi của tôi những gì thuộc về tôi, nên tha hồ tạo muôn ngàn ác nghiệp. “Nhận mình là thực, quên mất pháp thân”. Những lời nhắn bảo chỉ bày vẫn đêm ngày cất cao vang vọng, cõi tử sinh huyễn mộng nguyện lìa xa, chỉ có pháp thân thường trụ mới không tan hoại biến đổi hư hao.

Đoạn trừ nghiệp sát để được thảnh thơi nhẹ bước, không sợ nhân quả bám theo quấy rầy đòi mạng trả mạng. Nuôi dưỡng tâm từ bi ban trải khắp muôn nơi, xoa dịu niềm đau nỗi khổ muôn loài. Không trộm cắp mánh mung chiếm đoạt của người, cho dù chỉ mới nằm trong ý nghĩ, hạnh lành bố thí thường tâm nguyện, hoan hỷ dâng cao ngập lối về. Lòng dục tâm mê nguyền chấm dứt, thân tâm thanh tịnh ác nghiệp tiêu trừ.

Mười hai câu Dốc lòng phát nguyện, chánh nghiệp vẹn toàn nguyện theo bước, lối về giác ngộ hoa nở rộ. Nguyện mạng căn sớm thành trí tuệ, soi khắp nẻo xưa chốn về. Nguyện rời xa tấm thân sinh diệt, trở về với chân thân bất diệt thường hằng. Nguyện quên thân mạng quyết cầu đạo giải thoát, đáp đền ân Phật với bốn thâm ân cao cả, nguyện mong hạnh lành công đức trọn nên.

Một nguyện mạng căn chóng thành trí tuệ
Hai nguyện thể tướng, biến thành chân như
Ba nguyện gieo mình, cầu đại pháp bảo
Bốn nguyện vào lửa, ngộ được thâm nhân
Năm nguyện đốt thân, đền đáp Phật đức
Sáu nguyện chẻ tủy, đáp ơn thầy tổ”....
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

Bài kệ Vô thường lúc bây giờ, đêm ngày gõ nhịp thôi thúc, điệp khúc tử sinh sống gửi thác về. Mịt mùng lạc lối lẩn quẩn ba đường, bước truân chuyên lưu lạc nẻo luân hồi, ngập chìm trong hoang lạnh khói sương. Ánh trăng khuya chiếu rọi bên đồi vắng, người về khoắc khoải tìm lại dáng xưa. Thân huyễn ảo sao còn mê ngủ, trống canh ba đã điểm liên hồi sao còn mãi ngập chìm trong mộng mị, tìm đâu chốn xưa cố quận mặt trời hồng?

Tiếng sáo trời vừa tắt
Trống canh đã điểm ba
Tử quy kêu khắc khoải
Hồn bướm chìm trong mơ
Luẩn quẩn vua nước kiến
Nhởn nhơ cá mặt hồ
Trăng lên chẳng thức dậy
Hoa nở luyến bên hoa
Mê lạc nhà nghìn dặm
Còn ham giấc ngủ thừa
Biết đâu thân huyễn ảo
Mê muội đến bao giờ”.
Băng Thanh dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 212

Khóa lễ vào lúc rạng đông, khi mặt trời vừa ló dạng, đốt hương chắp tay khấn nguyện. Trăng tròn rồi khuyết, hoàng hôn đi bình minh tới, bao người còn mải mê lặn hụp, tỉnh dậy đi ngắm vườn tuệ nở hoa. Từng lời thiền ngữ theo hương quyện khắp, tiếng pháp rền vang đánh thức tâm mê, quay đầu là bến bờ tỉnh giác. Thể chất tịnh thanh bụi trần vô nhiễm, phong thái thảnh thơi lạc an thường trú ngụ, hương từ bi lan tỏa muôn phương.

...“Giấc mơ bên gối còn say; tiếng ốc trên lầu hồ dứt. Sắp hàng tăng chúng tới pháp đàn; trước tượng Thế Tôn dâng hương tín. Hương này, giống tự mặt trăng đem lại; rễ ăn trong núi quẩn quanh. Phong tư không tục; thể chất vô trần.....Nơi tốt tắt ngay lửa giận; hương bay nhờ trận gió từ. Nào phải mùi thơm hạ phẩm; đúng là hương lạ thượng phương.....Quay đầu tìm “thức” quang minh nơi đó tự nhiên sinh; ngẩng mặt ngửi mùi; tịch diệt bởi đây thân chứng được”. Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần

Lời tâu bạch về Ý căn còn là tiếng chuông thức tỉnh bao người đang còn mê đắm, thức dậy đi quay về chốn cũ. Nước cam lồ cứu khổ chúng sanh, ánh hào quang soi đường tăm tối. Giấc mộng lại về với cõi mộng, đêm mãi vui ngày dạ tối tăm, vầng trăng khuya soi bước kẻ lữ hành, tìm về cõi tịnh miền lạc an đất Phật, tự tánh Di Đà sáng mãi trong tâm. Ánh sáng vô lượng thọ quang hằng chiếu khắp, sen nở thấy Phật hiện kim thân. “ Kính tâu mười phương Đại Giác; Hùng Sư tam thế. Rót móc ngọt cứu chúng sinh đói khát; cầm hạt châu soi chốn tối tăm...giấc điệp lại quay về thế mộng; tiếng chuông khua vỡ chốn âm thầm. Ánh trăng nhạt ngậm nửa vành non biếc; vầng trời hồng chưa ló mặt duềnh xanh. Vách xưa tiếng dế nỉ non; đường ngự vó câu rộn rã. Đầu thành khói lạnh vấn vương; trời thẳm sương mai mờ mịt. Đúng là khi đạo sĩ chầu trời; vừa là lúc tăng già hành đạo. Muôn hộ nghìn nhà chưa mở cửa; một đêm sáu khắc đã nên công. Tất tả đường đời; rối bời kiếp sống. Ôm gối nằm tuy sợ đương đêm; mở mắt ngủ chưa hay trọn kiếp.

Các Phật Tử! Nếu mặc sức suốt đêm vui thú; thì trọn ngày tâm địa tối tăm. Đến nỗi ràng buộc một đời; đều bởi u mê hai chữ. Vì ngươi mở một con đường; để lại người sau xem xét. Nên hay nhân mệnh chẳng trường tồn; chớ để mặc lúc này lầm lỡ. Tịnh độ giữ gìn trước mắt; Di Đà nhận lấy trong tâm. Nếu biết nhanh lấy; chóng theo; sẽ được hiển hiện tức khắc”.

Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 215-216

Sám hối Ý căn tội, do bởi ba độc: tham lam, sân hận, si mê, nên chìm mãi trong khổ đau bất tận, lưu lạc ba cõi sáu đường. Ý tác tạo dẫn đầu các pháp, ý lăng xăng chạy nhảy đông tây, giữ tâm ý trong sạch thanh cao, phủi sạch mê mờ bám nhiễm. Buông mọi thứ để tâm không còn vương vấn, mới thong dong trên mọi lối đi về, bỏ xuống hết mọi chuyện mới lạc an hằng trú ngụ. Nguyện từ bỏ tham sân si ba độc, để lối về giác ngộ thênh thang lộng gió, chánh định vững chãi tâm thường an ổn, tuệ giác hằng soi khắp chốn mọi nơi. Nguyện rời xa não phiền đau khổ, gieo hạt mầm chánh niệm nở hoa.

Dốc lòng sám hối, chúng con từ bao kiếp tới nay, bỏ mất bản tâm; không hay chính đạo. Đọa ba đường khổ; bởi sáu căn sai. Không sám hối trước khó ăn năn sau”.

Tội căn ý là: “Vấn vương nghĩ ngợi, không lúc nào thôi; mắc mưu tình trần kẹt tâm chấp tướng. Như tằm cuộn kén, càng buộc càng dăng; như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt. Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo sinh càn; quấy nhiễu tấc lòng, đều do ba độc”.

Tội keo tham là: “Âm mưu ghen ghét, keo cú vét vơ; mười vốn nghìn lời, còn cho chưa đủ. Của như sông chứa; lòng tựa chén rò. Rót vào lại hết; nên nói chưa vừa. Tiền mục thóc dư, chẳng cứu đói rét; lượt chồng lụa chất, nào có giúp ai”...

Tội giận dữ là: “căn tham là gốc, lửa giận tự thiêu, quắc mắt quát to; tiêu tan hòa khí. Chẳng riêng người tục cả đến thầy tăng...chê cả sư trưởng ; nhiếc đến mẹ cha. Cỏ nhẫn lụi vàng; lửa độc rực cháy. Buông lời hại vật; cất tiếng hại người. Không nghĩ từ bi; không theo luật cấm...Dầu ở cửa không; chưa thành vô ngã. Như cây sinh lửa; lửa cháy đốt cây”....

Tội ngu si: “Căn tính đần độn; ý thức tối tăm. Chẳng hiểu tôn ti; không chia thiện ác...Mắng Phật thành tai; nhổ trời ước mặt. Quên ơn quên đức; bội nghĩa bội nhơn. Không xét không hay, đều vì si nghiệp”.

...“Nếu không sám hối, sao được tiêu trừ. Nay ở Phật tiền thảy đều sám hối”.

Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2 quyển thượng trang 218-219

Lời thiền thi Dốc lòng phát nguyện, vượt tâm mê về chốn không cùng, hương định tuệ xông thơm khắp cõi, nguyện mong đèn giác mãi chiếu soi. Chuông chánh niệm ngân vang muôn lối mộng, nguyện rời xa ô nhiễm bặt lăng xăng. Nơi tạng thức sạch trơn bụi trần vương nhiễm, trăng định mãi sáng soi nghi hoặc phá tan tành. Nguyện cắt lìa lưới ái buộc ràng cột chặt, nguyện vươn lên mười bậc nơi đất Phật, nguyện hiến dâng tâm từ vô lượng, đem công đức lành trải khắp muôn nơi. Nguyện tu tập mọi hạnh lành công đức, tâm hoan hỷ trọn nên ba thiền cảnh, nơi miền đất lạc an vui đẹp vô ngần. Nguyện mở lòng nương theo lời Phật dạy, nguyện khắc ghi tâm Phật ý Tổ truyền trao.

Một nguyện nguồn linh, luôn luôn trong sạch.
Hai nguyện tạng thức, dứt bặt lăng xăng.
Ba nguyện khối nghi, đều tan nát hết.
Bốn nguyện trăng định, mãi mãi tròn đầy.
Năm nguyện pháp trần, không khởi không diệt.
Sáu nguyện lưới ái, lìa hết buộc ràng.
Bảy nguyện suy nghĩ, thường hành Thập địa.
Tám nguyện nghe suốt, siêu việt tam thiên.
Chín nguyện tâm vượn, không còn nhảy nhót.
Mười nguyện ý ngựa, dứt sạch cương yên.
Nguyện thứ mười một, mở lòng nghe Phật.
Và nguyện mười hai, mến thích Tổ sư”.
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

Bài thi kệ Vô thường lúc bây giờ, từng lời pháp nhũ từng thanh âm vi diệu, mở đường chuyển hóa vọng tưởng đảo điên, sắc không một cõi cất lời hư vô. Tiếng chuông thức tỉnh khua tan niềm tục lụy, bên giấc nồng mãi còn mê, chưa chịu tỉnh nên còn dệt mộng, bóng tối chưa đi ánh sáng sao lọt vào. Thức dậy đi đập tan mộng huyễn, thẳng bước tiến đến cõi chân thường, nếu chẳng hết lòng lo tu niệm, thì làm sao thoát khỏi vô minh? Tinh cần dụng công phá tà hiển chánh, đêm dài rồi sẽ sáng hồng tươi, nỗ lực hướng tâm vào con đường Thánh, mới không uổng phí một kiếp người.

Trống pháp đánh tan mơ thế tục,
Chuông tăng khua đỉnh điếc trần ai.
Còn ham giấc ngủ chìm trong tối.
Phó mặc trời Đông đã rạng mai.
Đằng đẵng đêm dài rồi phải sáng,
Mịt mờ đường tối hỏi nào ai.
Sớm nay nếu chẳng lo hành đạo.
Ngày khác Hoàng công khó gặp người”.
Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2, quyển Thượng trang 222

Chúng ta thường xuyên sử dụng sáu căn ba nghiệp, việc gây nên tội lỗi là điều không sao tránh khỏi. Để cho thiện ác phân minh đừng hối hận về sau, chúng ta cố gắng giữ gìn sáu căn ba nghiệp cho thanh tịnh trong sạch. Giới định tuệ đêm ngày nguyền thắp sáng, công đức lành tu tập nguyện trọn nên, tìm về trú ngụ nơi lạc an rộng mở, cõi hằng sa bất tận chốn không cùng. Hai câu kệ cuối trong lời tựa mở đầu Khoa nghi sám hốiKhông vì ngõ tía hoa cười sớm. Sao có oanh vàng đậu liễu xanh!” thay cho lời kết.

Như Hùng

Xem thêm:
Khóa Hư Lục (Thích Thanh Kiểm dịch)
Khóa Hư Lục Giảng Giải (Thích Thanh Từ)
Ebook Pdf Khóa Hư Lục

Khóa Hư Lục, Nguyễn Đăng Thục dịch và chú thích
Khóa Hư Lục, Thích Thanh Từ giảng giải
Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm
Đào Duy Anh và sách Khóa Hư Lục







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/11/2016(Xem: 23431)
04/10/2017(Xem: 9762)
05/12/2010(Xem: 33223)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :