VAI TRÒ VÀ LỜI DẠY CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Nguyên tác: The Dalai Lama’s Roles and Teachings
Tác giả: Robert A.F. Thurman
Việt dịch: Quảng Cơ / Tuệ Uyển hiệu đính / Sunday, October 24, 2021
Cơ Chế
Dòng truyền thừa tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma được bắt nguồn từ một cậu bé Bà la môn đã gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gần Cây Giác Ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng và cúng dường cho ngài một xâu chuỗi pha lê. Nhiều hóa thân được đề cập đến trong lịch sử của dòng truyền thừa ở Ấn Độ, cho đến khi hóa thân đầu tiên của người Tây Tạng, bậc thầy Phật giáo xuất gia Dromtonpa (1004-1064), người là đệ tử quan trọng nhất của đạo sư Atisha người Bengal và là người sáng lập tu viện Rateng và dòngKadam.
Thuyết tiến hóa về nghiệp đã tồn tại từ thuở sơ khai của Phật giáo, và khái niệm luân hồi có ý thức, tự nguyện do phát nguyện (trái ngược với tái sanh không tự nguyện, do bản năng hay nghiệp lực) phát triển khá sớm. Bản thân Đức Phật được trình bày như là nguyên tắc phổ biến trong các câu chuyện tiền thân Jataka và Avadana của Ngài, minh họa cho viễn cảnh liên tục nhiều kiếp. Trong suốt lịch sử, những đứa trẻ trong nền văn hóa Phật giáo thường khiến cha mẹ, người thân và hàng xóm kinh ngạc khi thông báo rằng chúng thực chất chỉ là sự tái sanh của một người đã khuất mà mọi người đều biết. Điều thú vị là chỉ ở Tây Tạng, theo như chúng ta biết, các dòng luân hồi chính thức được thể chế hóa như một cách để bảo tồn truyền thống lãnh đạo và thẩm quyền trong các môi trường chủ yếu là tôn giáo, nhưng cuối cùng cũng trong lãnh vực chính trị.
Điều này rõ ràng có liên quan đến quy mô tu viện đã xảy ra ở Tây Tạng, chưa từng có ở bất kỳ quốc gia nào khác trên trái đất dưới sự bảo trợ của bất kỳ tôn giáo nào. Những người xuất gia sống độc thân một cách thuần thục, dòng dõi huyết thống cuối cùng trở nên quá yếu kém trong việc cân nhắc lựa chọn các nhà lãnh đạo, và được thay thế bằng một quan niệm thường được chấp nhận về sự tiến hóa tâm linh của cá nhân trong việc tiếp tục tái sanh. Bắt đầu là một yếu tố thể chế vào thế kỷ 13, đến thế kỷ 17 thế hệ tái sanh đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo của người Tây Tạng.
Theo như chúng tôi biết thì Đức Thánh Thiện Chiến Thắng Karmapa là người đầu tiên trong số những cuộc tái sanh chính thức như vậy. Hóa thân đầu tiên của ngài, Dusum Kyenpa (1110-1193) đã viết một bức thư trước khi viên tịch, trong đó ngài dự đoán về sự tái sanh của mình trong những hoàn cảnh cụ thể, một dự đoán được thực hiện mười năm sau khi ngài qua đời với sự ra đời của Karmapa Lama thứ hai, Karma Pakshi (1203- 1283), người đã sớm yêu cầu được đưa trở lại tu viện của mình tại Tsurpu để tiếp tục sự giáo huấn của mình. Các tái sinh của Karmapa đã tiếp tục phát triển thể chế của họ và thực hiện các phụng vụ tuyệt vời cho dân tộc Tây Tạng và bây giờ là toàn thế giới. Victor Karmapa thứ mười bảy hiện tại, Orgyen Trinley Dorje (1982-), gần đây đã đào thoát khỏi Tây Tạng do Tàu Cộng chiếm đóng và đang sống ở Dharamsala gần Đức Đạt Lai Lạt Ma, thể hiện mọi hứa hẹn trở thành một vị thầy lớn khác của giáo Pháp.
Cơ chế tái sanh quan trọng thứ hai là của Đạt Lai Lạt Ma. Nó chính thức bắt đầu với sự ra đời của Gendun Gyatso vào năm 1475, người đã sớm tuyên bố mình là hóa thân của Gendun Drubpa nổi tiếng (1391-1474), và bày tỏ nguyện vọng trở lại với các đệ tử của mình tại tu viện Tashi Lhunpo, nơi ngài đã xây dựng trong thời gian hai mươi lăm năm cuối cùng của kiếp trước. Ngài đã được cha mẹ, giáo thọ sư và những thị giả của mình chấp nhận là tái sanh thật sự, và được đưa trở lại tu viện trong vinh quang. Tuy nhiên, các vị trụ trì quyền lực của trường đại học tu viện lớn đó rõ ràng không muốn chính thức hóa sự công nhận của mình bằng cách giao vị trí đứng đầu cho cậu bé. Vì vậy, tại một thời điểm nhất định trong quá trình tu học, Ngài đã lợi dụng sự gia hộ này để cải trang, trốn tránh nhiệm vụ của mình và dành một số năm nhập thất thỉnh thoảng với vị thầy vĩ đại của Mật điển Kalachakra, là Khedrup Norzang Gyatso.
Trong thời gian này, vị tái sanh trẻ tuổi, Gendun Gyatso, đã xây dựng tu viện quan trọng Chokorgyal trong khu vực linh thiêng gần núi Ode Gungyel, nơi Tsong Khapa (1357-1419), ông nội tâm linh của ngài, đã nhập thất sáu năm của riêng mình trong những năm 1390, và ngài đã có một mối quan hệ đặc biệt với nữ thần bảo hộ hung dữ Shri Devi, người có hồ tâm linh thiêng liêng nằm ẩn mình gần đó. Cuối cùng, tình trạng tái sanh của Gendun Gyatso đã được xác lập không còn nghi ngờ gì nữa với tư cách là vị thầy chính của dòng Gelukpa, ngự tòa chính của ngài nằm trong Cung điện Ganden tại tu viện Drepung cũng như ở Tashi Lhunpo.
Hóa thân thứ ba là Sonam Gyatso (1543-1588), người được mời đến đông bắc Tây Tạng đến nơi đóng quân của Altan Khan, một nhà cai trị quan trọng của Mông Cổ. Vào dịp này, một bước quan trọng đã được thực hiện trong việc chuyển đổi người Mông Cổ sang Phật giáo, dựa trên những thay đổi mà họ đã trải qua khi Hốt Tất Liệt cai trị ở Trung Hoa ba trăm năm trước đó. Trong bầu không khí lễ hội của sự kiện biến đổi này, Đại Hãn Mông Cổ đã gọi Sonam Gyatso là Lạt ma 'Đại dương' ('Dalai'), ('gyatso' là 'đại dương' trong tiếng Tây Tạng) và ông được gọi là 'Người thứ ba' để thừa nhận kết nối có ý thức với Gendun Drubpa và Gendun Gyatso. Sonam Gyatso đã có công lớn trong việc giảng dạy và thành lập tu viện cho người Mông Cổ và người Amdo ở đông bắc Tây Tạng, nhưng vẫn không có trách nhiệm chính trị trực tiếp ở miền trung Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ tư là Yonten Gyatso (1589-1617), ngài không phải là người Tây Tạng nhưng được tái sinh giữa những người Mông Cổ, với tư cách là cháu của chính Altan Khan. Ngài đã củng cố một cách vô hạn mối quan hệ giữa người Mông Cổ và người Tây Tạng, khi còn khá trẻ ngài đã trở về miền trung Tây Tạng và trụ trì tại tu viện Drepung.
Đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, Losang Gyatso (1617-1682), người đã chủ trì những thay đổi quan trọng của thế kỷ 17 nhằm tạo ra hình thức xã hội hiện đại của Tây Tạng. Vào giữa thế kỷ 16, đã xảy ra xung đột không ngừng giữa những người cai trị thế tục ở miền nam Tây Tạng và những người ở miền trung Tây Tạng, mà một số nhà sử học cho là do xung đột giáo phái giữa các Karmapa Lama và các tín đồ của họ và các Lạt ma Gelukpa và các tín đồ của họ. Nhưng chính xác hơn khi công nhận đây là kết quả của cuộc xung đột giữa các lãnh chúa thế tục cai trị Tây Tạng thời phong kiến và các tổ chức tu viện liên tục gia tăng và các nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả các giáo phái Phật giáo.
Trong tất cả các xã hội Phật giáo (và Thiên chúa giáo) trong suốt lịch sử, chủ nghĩa tu viện và chủ nghĩa quân phiệt đã chống lại nhau như những đối thủ thể chế về đất đai, tài nguyên, sức mạnh nam nhân và sức mạnh phụ nữ. Bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào chủ nghĩa tu viện thống trị, chủ nghĩa quân phiệt đã bị suy yếu. Bất cứ khi nào các lãnh chúa hoặc một hoàng đế duy nhất thống trị và gia tăng các hoạt động quân phiệt của họ, thì các cơ sở tu viện bị thanh trừng, tài nguyên của họ bị tịch thu và các tu sĩ của họ bị biến thành chiến binh. Thế kỷ 15 và 16 ở Tây Tạng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của chủ nghĩa tu viện, đạt đến mức vào năm 1600 khi các nhà cai trị quý tộc thấy quyền lực và tài nguyên của họ bị suy giảm đến mức mà họ coi là điểm nguy hiểm. Đối thủ cơ bản của họ không phải là một giáo phái hay thủ lãnh, mà là bản thân hệ thống xã hội ‘tu viện quần chúng’ hoàn toàn mới (một thuật ngữ tôi dùng cho sự phát triển xã hội độc đáo của Tây Tạng này).
Nhà lãnh đạo thế tục quyền lực nhất thời bấy giờ là Vua của Tsang, và tất nhiên ông ta phải sử dụng một nhà lãnh đạo tôn giáo quan trọng vì tính hợp pháp trong mắt một người dân ngày càng quan tâm đến các mưu cầu tâm linh và ngày càng ít quan tâm đến các cuộc tranh giành quyền lực phong kiến. Ông đã chọn Karmapa Lama, Đức Thánh Thiện Choying Gyatso (1604-1674), lúc đó còn trẻ và vừa mới lớn. Vua của Tsang tự xưng là đệ tử của Lạt ma để thần thánh hóa ý định hung hăng duy trì quyền lực thế tục của mình, và sau đó bắt đầu tìm cách phá bỏ sự kiềm chế của chủ nghĩa tu viện đông đảo đối với người Tây Tạng.
Thế chế Đạt Lai Lạt Ma, cho đến thời điểm đó đã từ chối tham gia chính trường, cống hiến cho việc mở rộng liên tục các trường đại học tu viện và lối sống phi quân sự của họ, đã vươn tới sự bảo vệ của nó trước những người bảo trợ Mông Cổ, những người đã đến Tây Tạng và đánh bại liên minh lãnh chúa. Sau đó, vào năm 1642, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm đã thực hiện một bước chưa từng có: Ngài đảm nhận trách nhiệm chính trị đối với cả đất nước, phi quân sự hóa và quan trường hóa các lãnh chúa thế tục, xóa bỏ quyền sở hữu đất đai và mạng lưới quan hệ giữa mọi người ở mọi cấp độ, và chính thức hóa chủ nghĩa tu viện quần chúng. là hệ thống xã hội chính thức của Tây Tạng, điều được gọi là hệ thống ‘Quốc Gia Giáo Pháp Điều Phối' (Dharma-state coordination - Chos-srid zung-'brel).
Sự sắp xếp chưa từng có này không nên nhầm lẫn với 'sự thống nhất giữa nhà thờ-nhà nước' đã dẫn đến cuộc đàn áp tôn giáo dữ dội ở châu Âu và do đó đã được khắc phục ở Mỹ bằng hiến pháp "tách rời nhà thờ và nhà nước". 'Pháp' có nghĩa là 'giáo huấn', lời dạy của Đức Phật về sự giải thoát cá nhân và giác ngộ khoa học, không phải 'tôn giáo', 'nhà thờ', hay thậm chí 'niềm tin tôn giáo', và vì vậy sự phối hợp giữa giáo Pháp và Nhà nước có ý định là mục đích trọng tâm của đời sống quốc gia. là nền giáo dục tiến hóa của mọi công dân, giống như 'sự thống nhất giữa trường đại học-nhà nước' hơn là 'sự thống nhất giữa nhà thờ-nhà nước’.
Hơn nữa, các Phật tử không thuộc độc thần giáo, vì vậy người cai trị không được cho là đại diện cho một vị thần độc đoán, toàn năng, khó hiểu, mà tự cho mình là một hiền nhân với hạnh nguyện vị tha của một vị bồ tát. Người lãnh đạo tu viện với tư cách là một tu sĩ Phật giáo giữ những thệ nguyện trang nghiêm về sự hiền lành, khiêm hạ, trinh khiết, trung thực. Do đó, ngài tận tâm với các nguyên tắc bất bạo động, chủ nghĩa tối giản về kinh tế, ủng hộ tự do và giáo dục của các cá nhân, và phục vụ quên mình. Do đó, ngài được người dân Tây Tạng vào thời điểm này ưa thích hơn là một vị vua hay lãnh chúa với quân đội của ông ta, đòi hỏi nhu cầu về lao động một cách cưỡng bức và tự làm lớn thêm tham vọng cho dòng dõi triều đại của mình. Xã hội Tây Tạng mới này là duy nhất trên hành tinh bấy giờ và hiện tại, và do đó các thuật ngữ như ‘phong kiến’, ‘thần quyền’, thậm chí ‘truyền thống’ hay ‘tiền hiện đại’, đều không chính xác trong việc mô tả nó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm bắt tay vào việc xây dựng Potala, biểu tượng của chính phủ Cung điện Ganden mới, và là sự kết hợp đáng chú ý của cung điện hoàng gia, cơ sở tu viện, Mandala Mật tông và thiên đường. ngài bảo trợ việc xây dựng thêm nhiều tu viện cho tất cả các dòng, không chỉ riêng dòng Gelukpa, quyền lãnh đạo mà ngài đã thoái vị chức trụ trì cao cấp của tu viện Ganden để đại diện cho tất cả mọi người thuộc tất cả các dòng tu. Ngài trao cho các gia đình lãnh chúa trước đây các cấp bậc quan chức và tiền lương để phục vụ cho chính phủ, sau khi tước bỏ hầu hết các quyền phong kiến của họ đối với đất đai và nông dân của họ - quan trọng nhất là quyền duy trì một đội quân tư nhân. Ngài không chỉ trao đất đai và thực phẩm cho tất cả các đơn vị Phật giáo, mà còn bảo vệ những người theo đạo Bon, trao đất cho cư dân Hồi giáo ở Lhasa để xây dựng các đền thờ Hồi giáo và cho phép họ tự do thờ cúng, đồng thời cho phép và hỗ trợ các hoạt động truyền giáo của đạo Thiên chúa. Tiếp cận từ Tây Tạng, ngài đã thực hiện một thỏa thuận để giữ hòa bình ở Nội Á châu với các nhà cai trị Mãn Châu mới đắc thắng của Trung Hoa (1644-1911) và không khuyến khích người Mông Cổ xây dựng lại đế chế của họ, nhưng truyền cảm hứng hiệu quả cho họ theo đuổi lối sống Phật giáo phi quân sự hóa mà Tây Tạng đã tiếp nhận và thực hiện.
Đức Đệ Ngũ Vĩ Đại qua đời vào năm 1682, nhưng Nhiếp Chính Vương đã che giấu cái chết của ngài trong hơn một thập niên, do sự trì hoãn lâu dài trong việc chính thức công nhận hóa thân được phát hiện bí mật, người được giữ bí mật với gia đình của mình trong một bầu không khí giống như nhà tù. Có lẽ, do sự dưỡng dục áp bức của mình, cho nên Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu đã quay lưng lại với niềm đam mê tu viện của mình và từ chối các trách nhiệm nhà nước của mình. Điều này đã khiến những người Mông Cổ và Tây Tạng của ngài bất mãn, dẫn đến việc ngài bị phế truất và bị trục xuất, một cuộc xung đột dân sự nguy hiểm, và cuối cùng là sự can thiệp của người Mãn Châu vào công việc của Tây Tạng. Sau một thời gian, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy đã khôi phục lại tổ chức phần nào, tập trung vào việc giảng dạy tâm linh trao quyền cho Nội các của mình và đặt nền tảng cho một quốc hội.
Từ thời Đạt Lai Lạt Ma thứ tám đến đời thứ mười hai, Tây Tạng duy trì ổn định và hòa bình, mặc dù vẫn còn trong quản trị, với những đổi mới chính trong nhiều lãnh vực đang được phát triển ở miền đông Tây Tạng và Mông Cổ, khác xa với sự bảo thủ tự mãn của chính quyền trung ương. Các nhà cai trị Mãn Châu của Trung Hoa cũng trở nên ít ủng hộ Tây Tạng hơn khi mối đe dọa của người Mông Cổ giảm bớt do tác động bình định của Phật giáo, và kỷ nguyên của chủ nghĩa đế quốc châu Âu đã đưa người Anh và người Nga, những người mà Phật giáo hoàn toàn là một bí ẩn, vào cuộc tác động xung quanh Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba (1876-1933) là Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên nắm toàn quyền trong văn phòng của mình kể từ Đời Thứ Bảy. Công việc trong đời của ngài là đối phó với những áp lực đối với Tây Tạng từ đế chế Mãn Châu đang suy tàn, Nga hoàng, Anh hoàng, Trung Hoa dân quốc và cuối cùng là những người cộng sản Nga và Trung Hoa. Ngài đã cố gắng phát triển kinh tế Tây Tạng để nó có thể chống lại chủ nghĩa quân phiệt công nghiệp. Ngài tuyên bố độc lập chính thức khỏi mối quan hệ được bảo hộ mà Tây Tạng từng có với đế chế Mãn Châu, cố gắng phát triển lực lượng phòng thủ quốc gia, và thậm chí còn có những cử chỉ hướng tới việc gia nhập Hội Quốc Liên và giới thiệu nền văn minh Tây Tạng với thế giới. Mặc dù ngài đã được hỗ trợ trong việc này bởi các nhà lãnh đạo của Anh quốc ở Ấn Độ, nhưng chính sách độc quyền thật sự của chính phủ Anh trong việc đối phó với người Mãn Châu và sau đó là những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đã khiến Luân Đôn làm thất vọng mọi nỗ lực của ngài để giành được sự công nhận chính thức cho Tây Tạng từ các quốc gia trên thế giới.
Cũng từ bên trong, sự lãnh đạo tu viện bảo thủ của chính ngài đã làm nản lòng những nỗ lực của ngài trong việc tạo ra một hệ thống trường học thế tục hiện đại hóa, xây dựng một lực lượng quốc phòng khả thi và phát triển ngay cả một cơ sở hạ tầng công nghiệp khiêm tốn. Sau khi nghe các báo cáo chi tiết về số phận của các Phật tử Mông Cổ dưới bàn tay của những người cộng sản Nga vào đầu những năm 1930, ngài đã tuyên bố rằng ngài sẽ qua đời trước thời hạn một thập niên để vị tái sanh và trưởng thành đủ sớm để giúp đỡ Tây Tạng khi nó sẽ bị nhấn chìm dưới Làn Sóng Đỏ của Chủ nghĩa Cộng sản mà ngài dự đoán sẽ xuất hiện từ Trung Hoa. Ngài viên tịch năm 1933.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn được nhiều người biết đến và đã đạt được danh hiệu ‘Đức Thứ Mười Bốn Vĩ Đại’ do sự phát triển nội tâm sâu sắc và những tác phẩm tuyệt vời về giảng dạy, viết lách, lãnh đạo chính trị và tham gia xã hội. Ngài đã kiên quyết tuyên bố ý định thoái vị khỏi các trách nhiệm chính trị của thể chế Đạt Lai Lạt Ma sau khi đối thoại được nối lại với một chính phủ Tàu Cộng ít đế quốc hơn và thực dụng hơn để có thể giải quyết vấn đề của Tây Tạng một cách công bằng và hợp lý.
Ngài đã kiên quyết bác bỏ đề xuất của tôi về một ‘chế độ tam quyền phân lập’, và vì vậy rõ ràng là ngài cho rằng nghĩa vụ của mình sẽ thay đổi khi việc chiếm đóng và lưu vong kết thúc và một nền dân chủ Tây Tạng khả thi đã bắt đầu hoạt động ở một Tây Tạng tự do. Tôi vẫn tự hỏi liệu có cách nào để tiếp tục thử nghiệm cao quý do Đức Đệ Ngũ Vĩ Đại bắt đầu, và tạo ra một ‘nền dân chủ tinh thần’ thay vì chỉ phù hợp với mô hình dân chủ thế tục của Mỹ và Ấn Độ, trong đó thần Mammon[1] có khuynh hướng tiếp quản. Nền 'dân chủ tinh thần' này rõ ràng sẽ không ưu đãi bất kỳ tôn giáo, trật tự hay giáo phái cụ thể nào lên thành 'nhà thờ nhà nước', nhưng nó sẽ giáo dục người dân áp dụng một trình độ đạo đức cao hơn, một mức độ giáo dục tinh thần cao hơn cả về tinh thần lẫn tâm linh và khoa học, và sẽ giúp cân bằng vật chất và tinh thần cho người dân ở Tây Tạng mới.
Sau đó, Tây Tạng có thể đảm nhận vai trò chính đáng của mình trên thế giới như một trung tâm nghiên cứu bất bạo động, cho các phương pháp luận thực hiện công bằng xã hội, phương pháp luận môi trường, nghệ thuật chữa bệnh khoa học nhưng tự nhiên, giáo dục và phát triển tâm linh. Thể chế Đạt Lai Lạt Ma, có lẽ, theo mong muốn của Đức Đệ Thập Tứ Vĩ Đại, có thể trở nên tương đối miễn trách nhiệm chính trị và phát triển mạnh mẽ như một nguồn giáo huấn tâm linh cho thế giới rộng lớn hơn. Các Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai sẽ tiếp bước ngài và kêu gọi các tín đồ của tất cả các tôn giáo, không chỉ Phật tử, và truyền cảm hứng cho họ để hạn chế các khuynh hướng nguy hiểm đối với sự không khoan dung tôn giáo và sự cuồng tín về tư tưởng, đồng thời thúc đẩy các yếu tố có lợi trong đức tin đáng kính của họ.
Đức Vĩ Đại Thứ Mười Bốn: Phát Triển Cá Nhân
Tôi sẽ kể lại một số khía cạnh của các cuộc gặp ban đầu của tôi với Đức Vĩ Đại Thứ Mười Bốn trong ba mươi tám năm qua. Điều này có thể hữu ích để phác họa sự phát triển cá nhân của ngài bởi vì tôi là một trong số ít những người không phải là người Tây Tạng đã liên tục biết đến Đức Ngài trong một thời gian dài như vậy.
Đức Thánh Thiện là một người khổng lồ về sự phát triển tâm linh — một gương mẫu sống động về những phẩm chất tốt nhất của một tu sĩ Phật giáo, một hành giả và người thầy được truyền cảm hứng về các con đường đạo đức, tôn giáo và triết học của Bồ tát, và một người sử dụng quyền trượng kim cang trang nhã và tràn đầy năng lượng lão luyện của Mật thừa. Tất nhiên, ngài cũng là một hóa thân có ý thức của Avalokiteshwara (Quán Thế Âm), vị bồ tát của lòng từ bi phổ quát. Như vậy, có vẻ như những thành tựu vĩ đại và những việc làm to lớn của ngài trong kiếp này đã xuất hiện một cách tự nhiên từ sự thực hành của ngài trong những kiếp trước, giống như ngài đã không làm gì đặc biệt để phát triển bản thân trong kiếp này.
Nếu chúng ta nghĩ theo cách đó, chúng ta có thể cảm thấy ngài vượt quá khả năng của chúng ta đến nỗi mặc dù chúng ta có thể thích sự hiện diện của ngài, học hỏi từ sự dạy dỗ của ngài và cảm thấy hết lòng vì ngài, nhưng thật khó để bắt chước ngài. Điều này sẽ không làm hài lòng Đức Thánh Thiện chút nào. Khi dựa vào một kalyanamitra (dge bai bshes gnyen hay geshe hay tiến sĩ Phật giáo Tây Tạng), một người bạn tâm linh của Phật giáo, sự ủng hộ thông qua lòng sùng kính và phục vụ thông qua hành động là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là hiện thực hóa những lời dạy của ngài bằng cách đưa chúng vào thực hành trong cuộc sống của chúng ta. Một điểm quan trọng thường được nói về Đức Phật Thích Ca là Ngài không phải là một thần tính nguyên thủy, một vị Phật ngay từ đầu. Ngài là con người giống như chúng ta, thậm chí là một con vật, trong nhiều kiếp trước. Ngài đấu tranh với những đam mê và khuyết điểm, sự hiểu lầm và sự kém cỏi, giống như chúng ta. Tuy nhiên, Ngài đã thực hành Pháp và cuối cùng đã vượt qua mọi điều bất cập, và kết cuộc trở thành vị Phật hoàn hảo, sáng chói, người đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến tự do, tình yêu và hạnh phúc.
Khi tôi lần đầu tiên gặp Đức Thánh Thiện trong một buổi yết kiến riêng, Ngài là một thanh niên hai mươi chín tuổi. Chúng tôi gặp nhau trong phòng hội kiến tại khách sạn của ngài ở Sarnath, Ấn Độ, nơi ngài là khách mời danh dự tại Đại hội Liên kết Phật tử Thế giới năm 1964. Tôi nhớ cảm giác bị canh gác căng thẳng về ngài, cảm giác ngài đang ở từ rất xa và ở trên cao, và ngài không hoàn toàn thoải mái trong môi trường xung quanh. Tôi cũng nhớ sự thân thiện của ngài đối với tôi, đặc biệt là khi ngài nghe tôi nói bằng tiếng Tây Tạng rõ ràng, điều mà tôi đã có thể sử dụng được ở một mức độ nào đó. Tôi đã được giới thiệu với ngài như một học sinh sơ khai về Phật giáo (khoảng hai năm sau đó với người bạn tâm linh đầu tiên của tôi, geshe người Mông Cổ, Ngawang Wangyal), người muốn học dưới sự dạy dỗ của ngài và nếu có thể trở thành một nhà sư Phật giáo. Ngài nói rằng tôi nên đến và gặp lại ngài ở Dharamsala sau khi hội nghị kết thúc và ngài sẽ xem việc học của tôi sẽ tiến hành như thế nào. Sau đó ngài biến vào ánh nắng mùa thu để đi đến khán đài được thiết lập gần bảo tháp lớn nơi giảng dạy đầu tiên của Đức Phật để đọc diễn văn của mình tại hội nghị.
Tôi không nhớ rõ bài phát biểu khi ngài đã đưa nó qua một phiên dịch viên và nó nghe có vẻ lý thuyết nhưng trang trọng. Đức Thánh Thiện đã có một nhiệm vụ khó khăn phía trước. Trong những năm đó, ngài bắt đầu giới thiệu Phật giáo Tây Tạng với công chúng Phật giáo quốc tế, những người xem (không may là nhiều người trong số họ vẫn làm) Phật giáo Tây Tạng là 'Lạt ma giáo', một sự băng hoại giáo đoàn của Phật giáo thật sự, nơi họ nghĩ rằng vấn đề thật sự là Thượng Tọa bộ (Theravada) hoặc Đại thừa. Chỉ có một số tương đối ít Phật tử Chân Ngôn Tông của Nhật Bản được thật sự lưu tâm là Mật tông Phật giáo, và thậm chí họ còn hơi sợ hãi trước Mật điển Du Già (Yoga) vô thượng, sở trường của Phật tử Tây Tạng. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, ngay cả như vậy, thì đích thân ngài đã điều khiển rất quan tâm và sự kết hợp giữa ngài là một tu sĩ Phật giáo giản dị cũng như một người phát ngôn chân thành và tận tụy cho dân tộc đau khổ của Ngài đã có hiệu quả trong việc lay động trái tim mọi người một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.
Trong suốt một năm tiếp theo, tôi hầu như không nhận ra (ở tuổi hai mươi ba, tôi hạnh phúc nhưng không nhận thức được nhiều thứ, mặc dù tôi đã hết sức cố gắng để giác ngộ!) may mắn lớn của tôi là được gặp Đức Thánh Thiện thường xuyên, gần như là hàng tuần, để thảo luận về việc học và sự tiến bộ của tôi, cũng như một số điều khác, khi nó đã xảy ra. Đức Thánh Thiện lúc đó sống ở McLeod Ganj, trong Svarg Ashram. Khi chúng tôi gặp nhau, các cuộc trò chuyện của chúng tôi theo một khuôn mẫu bất biến. Đầu tiên, Đức Thánh Thiện sẽ nghe tôi kể lại một cách ngắn gọn về những gì tôi đã học được từ những người thầy bình thường của tôi (ngài đã giao tôi cho vị giáo thọ cao cấp của ngài Kyabjey Ling Rinpoche và trụ trì tu viện Namgyal). Sau đó, tôi sẽ giải đáp một số câu hỏi với ngài, đặc biệt là về chủ đề yêu thích của tôi thời đó, triết lý Trung luận (Madhyamika), về tánh không và thuyết tương đối. Đức Thánh Thiện luôn có một vài điểm đặc biệt để đưa ra, phản biện lại các câu hỏi và quan sát, nhưng sau đó Ngài sẽ giới thiệu tôi với các vị thầy được chỉ định của tôi và bắt tay vào đặt câu hỏi cho tôi về nhiều điều mà ngài rất quan tâm. Ngài sẽ hỏi về Darwin và Freud, Einstein và Thomas Jefferson, cuộc sống ở châu Mỹ và châu Âu. Tôi sẽ trả lời tốt nhất như có thể, đặt ra những từ mới bằng tiếng Tây Tạng cho một số khái niệm — tiềm thức, id[2] thuyết tương đối, chọn lọc tự nhiên — và liệt kê các thuật ngữ tiếng Anh trong các trường hợp khác.
[1] Mammon /ˈmæmən/ trong Tân Ước của Kinh Thánh thường được định nghĩa là tiền bạc, giàu có vật chất, hoặc bất kỳ thế lực nào hứa hẹn sự giàu có, và được kết hợp với theo đuổi lợi nhuận một cách tham lam.
[2] Id là thứ thúc đẩy nhu cầu và mong muốn của chúng ta và siêu ngã phấn đấu cho đạo đức và sự hoàn hảo. Bản ngã là người trung gian giữa hai cái, cố gắng đáp ứng nhu cầu của cả cái tôi và cái siêu phàm trong khi giải quyết những đòi hỏi của thực tại.- Sigmund Freud-
[3] Hoàng tử của Giáo hội ngày nay được sử dụng gần như dành riêng cho các hồng y Công giáo. Tuy nhiên, thuật ngữ này quan trọng hơn về mặt lịch sử như là một thuật ngữ chung cho các giáo sĩ có văn phòng giữ thứ hạng thế tục và đặc quyền của một hoàng tử hoặc được coi là tương đương.