TÀM VÀ QUÝ (2)
Minh Mẫn
Có người thắc mắc: - Làm phật sự không lương, sao nhiều thầy vẫn muốn chạy chọt, cho dù chức nhỏ nhất như phó thư ký cấp huyện, xã cho đến Thành phố hoặc Trung ương.?
***
Dĩ nhiên trong chăn mới biết chăn có rận!
Có người làm trong Giáo hội nhiều nhiệm kỳ, chẳng đóng góp được gì ngoài cái danh phó BTS TP. Tay chân run rẩy, đứng đi không vững, ngoài bảy mươi, thế mà vẫn nài nỉ xin được tiếp tục phục vụ ( chả biết phục vụ cái gì )
Các vị ngoài 70 đều phải về vườn lo tu tập, chả hiểu thế nào, ngoài sự nài nỉ, vị này còn được chức sắc cao hơn do óc địa phương, bảo bọc, can thiệp cho được thêm nửa nhiệm kỳ, quả thật kỳ cục khi được luu nhiệm!
Không riêng tại Thành phố, một vài Tỉnh Thành cũng khó thoát khỏi cảnh:”Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ trông ra khỏi người mong bước vào”.
Một vị ngoài 80, còn ngoại giao lòn cúi thế tục để xin lưu nhiệm thêm nửa nhiệm kỳ quả là điều khó hiểu. Từng đảm nhiệm nhiều năm mà vẫn còn chưa thỏa mãn, chắc chắn đây không phải do nhiệt tình phụng sự phật pháp, vậy phục vụ cái gì???
Bất đắc dĩ do Phật bổ xứ hoặc Tăng sai mới đảm nhận, khi đảm nhận phật sự thì làm nhiệt tình; những vị như thế không bao giờ mong cầu chức danh hay lợi lộc. Ngược lại, một khi mong cầu chức vụ, chắc chắn tâm mong cầu đi kèm danh-lợi-tình của người thế tục.Cái tâm như thế làm sao chu toàn nhiệm vụ được giao phó?
Thế gian lo chu cấp cho vợ con nên phải tìm mọi cách để có tiền, người tu với tâm buông xả, vị tha, muốn nhiều tiền để làm gì? Vương vị như đức Phật còn bỏ tất cả vào rừng sống với thiên nhiên, một số đệ tử Phật ngày nay từ tay trắng, vào chùa một thời gian, trở thành phú Tăng. Tâm hướng ngoại tìm cầu lợi dưỡng thì làm gì còn thời gian hướng nội tầm cầu giải thoát! Theo tổng số Tăng Ni hiện nay thì số sai phạm như thế chưa đáng nói, nhưng so với số chức sắc trong tổ chức Giáo hội thì những thành phần suy thoái đáng báo động.
Người chân tu, tướng tự tâm sanh, tâm sung mãn năng lượng lộ tướng trong sáng,tâm an, thân nhẹ nhàng thanh thản, khác với thế gian là vậy.Người tu sử dung vật chất thế gian vừa đủ để tu cho mình vừa bù đắp cho sự ứng cúng của thế nhân; nếu quá thừa vừa phí phạm trong khi còn nhiều người đói, thêm nặng nợ trần gian,bao nhiêu công tu đủ trả nợ thí chủ, lấy đâu làm tư lương cho bản thân! sanh tâm tham đắm thì việc tu ắt phải suy giảm. Ngồi gần bậc chân tu cảm thấy an lạc, như thế mới đáng làm thầy thiên hạ. Tâm chỉ toan tính lợi hại, mong cầu chắc phải xa rời tánh Phật, làm sao giải thoát. Người chân tu không sợ thiếu thốn, lo gì phải bươn bả tích lũy. Kinh dạy:”thâm tín chư Phật giai sung mãn”
Tôn giáo nhất là đạo Phật luôn xa rời và ngược dòng tục đế, ngày nay hầu như đạo và đời chỉ khác nhau chiếc áo, cái đầu. Như thế làm sao xứng danh”Thiên nhân chi đạo sư”?
Cũng không thiếu những tu sỹ và cư sĩ, không cần chức danh mà vẫn đắc lực phục vụ xã hội, nuôi trẻ mồ côi, cưu mang người già, xây nhà tình thương, làm cầu, đắp đường, khoan giếng…một cách vô tư trong sáng mà không phải kêu gọi phô trương quảng cáo. ( từ thiện khó thoát khỏi những tâm xấu lợi dụng, điều này khỏi phải nói).
Phục vụ vô ngã là công hạnh Bồ tát, phục vụ vị ngã là tâm hành ma chướng. Trong xã hội, có Phật tất có ma, nhưng trong đạo ma Phật lẫn lộn như vàng và cát, Phật cao một thước, ma cao một trượng, khác nhau là tâm từ hạnh bi toát hiện qua việc làm. Những vị mang tâm Bồ tát phục vụ chúng sanh không có yêu cầu mà chỉ tùy duyên phụng sự, vì thế ít gặp chướng ngại, không bị ma tâm dẫn lạc sang lợi dưỡng tính toán. Sơ tâm xuất gia ai cũng đến với tâm trong sáng, nhưng do không kiểm soát tâm để ngoại duyên lạc dẫn vào chốn danh – lợi – tình.
Người có căn cơ đạo đức, luôn nhìn lại chính mình, tránh xa lợi dưỡng thì quyền cao chức trọng để làm gì? Bỏ gia thế vào chùa lại đị nhầm con đường đã từ bỏ, uổng thay một đời, Đạo không ra Đạo, Đời không ra Đời; dối Phật gạt đời, cửa nào sẽ đón chúng ta???
***
Thế thì,đừng ai thắc mắc tại sao làm không lương mà nhiều vị vẫn muốn xin xỏ chạy chọt có một chức danh trong Giáo hội, hãy thương cho tâm vô minh không đợi tuổi tác, xin đừng thắc mắc làm gì!
MINH MẪN
01/7/2022
Xem bài trước:
https://thuvienhoasen.org/a37876/tam-va-quy