TẮM RỬA NỘI TÂM
Thích Nữ Hằng Như
Tắm rửa là việc làm cần thiết để giữ gìn vệ sinh thân thể. Những người làm việc ở văn phòng có máy điều hòa không khí, hay những người làm việc lao động ngoài trời, hoặc những người suốt ngày không làm gì cả. Dù là ai, thì người đó cũng có nhu cầu tắm rửa ít nhất là một hoặc hai lần trong ngày. Nước và xà phòng giúp tẩy rửa bụi bặm bám vào tóc tai da thịt và cuốn trôi chất mồ hôi tiết ra từ trong cơ thể. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, khi về nhà để có bữa cơm với các thành viên trong gia đình một cách vui vẻ, thoải mái và ngon miệng, người ta cần phải tắm rửa sạch sẽ bản thân mình. Hay trước khi ngã lưng xuống giường nghỉ ngơi, người ta cũng thường phải tắm rửa một phát cho thân thể được sạch sẽ mát mẻ. Thử không tắm rửa một ngày người ta sẽ cảm thấy thân thể dơ bẩn, tâm tư bực bội, khó chịu. Cho nên việc tắm rửa vệ sinh thân thể được xem là việc làm cần thiết, không thua kém gì việc người ta phải ăn khi đói, phải uống khi khát, phải nghỉ ngơi khi mệt, hay phải đi Bác sĩ khám khi mắc bệnh. Đó là nói về thân thể. Nhưng một người được xem là hoàn hảo thì người đó phải có hai phần thân và tâm toàn vẹn.
Thân là phần thể xác, có hình vóc, nên người ta có thể trông thấy và va chạm. Còn tâm là phần tinh thần, tinh thần thì siêu hình không ai có thể nhìn thấy hay sờ mó được. Tuy siêu hình nhưng tâm chính là cái biết, là ý thức, là chủ thể ra lệnh cho thân làm việc theo ý muốn của nó. Tâm buồn khổ thì mắt rơi lệ. Tâm khó chịu thì mặt mày nhăn nhó. Tâm sân hận thì mặt bừng đỏ, mắt long lanh trợn trừng. Tâm e thẹn thì vẻ mặt bẻn lẻn. Tâm vui vẻ thì môi nở nụ cười. Tâm nghĩ tốt thì thân hành động tốt. Tâm nghĩ xấu thì thân hành động xấu v.v… Nói cách khác tâm chính là một phần sự sống của con người.
Con người sống mà không biết gì cả thì sống cũng cầm bằng như đã chết. Vậy mà đa phần người ta sống ở trên đời này, hình như quên mất phần tinh thần, quên mất cái tâm. Họ quên rằng tâm cũng có nhu cầu chăm sóc tắm rửa làm vệ sinh như thân thể vậy! Nếu ai đó đề cập đến việc chăm sóc tắm rửa tâm, sẽ có người nói rằng tâm không có hình tướng thì làm gì có dơ bẩn, hay tâm không có hình tướng thì lấy cái gì để tắm rửa vệ sinh.
II. TÂM Ô NHIỄM, NHIỀU BỆNH TẬT CẦN TẨY RỬA
Các vị thiền sư tu tập theo pháp Phật khẳng định rằng tuy tâm không có hình dáng nhưng chúng ta có thể phân biệt được lúc nào tâm khỏe mạnh và lúc nào tâm bệnh hoạn. Trong giáo lý nhà Phật, tâm bệnh hoạn là khi tâm bị những chất ô nhiễm làm dơ bẩn tâm. Cần tắm rửa loại trừ những chất bẩn này, thì tâm mới bình an khỏe mạnh. Những chất ô nhiễm đó chính là những căn bệnh được đặt tên là tập khí, lậu hoặc, kiết sử, tùy miên. Các bệnh này chứa chấp những đam mê thương ghét, hận thù, nó trói buộc con người vào những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Nặng nề hơn nữa là căn bệnh chấp ngã. Vì chấp ngã nên sinh ra các biến chứng khác như ngã ái, ngã dục, ngã kiến, ngã chấp. Vì chủ quan nên tâm tưởng thường méo mó luôn có thành kiến, định kiến, thiên kiến. Ngoài ra tâm còn có căn bệnh say mê ngũ dục như tài, sắc, danh, thực, thùy, khiến thọ, tưởng, hành, thức luôn dao động, đưa đẩy con người nhìn cuộc đời bằng cái tâm ích kỷ, phân biệt, nhị nguyên tốt xấu, thương ghét, ưa hay không ưa, mong muốn cái này là của mình, cái kia là của mình v.v… Từ những tư tưởng xấu xa trong tâm đưa đến hành động, lời nói, gây tổn thương cho chính mình và những người xung quanh, đồng thời tạo ra không biết bao nhiêu là nghiệp nhân bất thiện.
Do những quấy rầy liên tục xảy ra như vậy khiến tâm con người luôn bất an, tinh thần không lúc nào được ổn định. Để chấm dứt tình trạng này, tâm cần được tẩy rửa làm vệ sinh để trị dứt những căn bệnh gây phiền não cho con người. Xưa kia, Ngài Thần Quang sau này là Nhị Tổ Huệ Khả (Thiền Tông, Trung Hoa), đã không ngần ngại chặt đứt cánh tay của mình làm lễ vật dâng lên Tổ Bồ Đề Đạt Ma để cầu pháp thiền “an tâm”.
Trở lại việc tắm rửa làm vệ sinh thân thể thì ai làm cũng được, chỉ cần xử dụng xà phòng, nước, cùng hai bàn tay kỳ cọ chà xát khắp châu thân. Những chất dơ bẩn sẽ bị nước và xà phòng cuốn trôi để lại thân thể sạch sẽ thơm tho. Nhưng tắm rửa thân thể trong nhà Phật không phải là tắm rửa hằng ngày cho thân thể vật lý được sạch sẽ, mà tắm gội thân thể ở đây cũng giống như tắm rửa làm vệ sinh nội tâm, là tu tập để giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Cho nên tắm rửa thân tâm không phải chỉ một hoặc hai lần trong ngày, cũng không phải dùng xà phòng hay nước sạch để tắm, mà phải tu tập có phương pháp. Và việc tu tập không phải chỉ một ngày một bữa là đủ.
Tâm ô uế bệnh hoạn là tâm huân tập đủ mọi thứ như đã kể, cho thấy tâm này lúc nào cũng dao động, hễ niệm này vừa chấm dứt thì niệm khác sinh khởi. Cứ thế hết khởi rồi tắt, hết tắt rồi khởi, không bao giờ yên lặng, cho nên Đức Phật gọi tâm này là tâm sinh diệt, các vị Tổ thì xếp nó là vọng tâm. Muốn tâm trở về trạng thái yên lặng thanh tịnh, bất sinh bất diệt, hay chân tâm, thì phải chính cái tâm đó tu tập, từ từ cởi bỏ những thứ mà nó đã cất giữ, lâu ngày thành nghiệp.
III. PHƯƠNG THỨC TU TẬP
Giáo lý nhà Phật dạy có bốn phương thức tu tập, đó là Quán, Chỉ, Định, Huệ. Những phương thức này nếu tu tập đến nơi đến chốn thì tẩy rửa được những ô nhiễm trong tâm.
- Tu Quán hay thiền Quán để hiểu rõ đặc tính của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã, và chấp nhận nó. Chấp nhận vì biết chắc rằng mọi thứ đến rồi sẽ đi, không có cái gì là bền vững trên cõi đời này. Tiền tài, danh vọng, hay tình yêu cha, mẹ, vợ, con, nhà cửa, xe cộ, hạnh phúc đang có trong tay tưởng chừng vô cùng bền vững, nhưng rồi sẽ có một ngày tất cả những thứ mà mình yêu mến đó sẽ vuột mất khỏi lòng bàn tay mình. Đó là những vật ngoài thân, thôi thì không bàn! Vậy chứ ngay tấm thân ngũ uẩn của con người đây thì sao? Con người khi còn trẻ thì khỏe mạnh yêu đời. Nhưng thời gian trôi qua, tuổi trẻ đi dần đến tuổi già. Một ngày, một năm trôi qua sức khỏe, sự sáng suốt của người trẻ cũng đi dần đến bệnh hoạn, già nua, yếu đuối, tâm trí không còn nhanh nhẹn sắc bén như thời còn trai trẻ nữa. Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikãya) ghi lại lời Đức Phật mô tả sự vô thường xảy ra trên chính thân thể Ngài như sau: “Thật vậy, này Ananda, tuổi già thay thế tuổi trẻ, bệnh tật đẩy lui sự khỏe mạnh, cái chết làm ngưng sự sống. Mầu da của ta không còn tươi tốt và trong sáng như xưa, bắp thịt chân tay ta yếu đi và da nhăn nheo, thân thể ta nghiêng về phía trước, sự thay đổi cũng thấy rõ trên các giác quan….” . Như vậy, tất cả mọi thứ trên đời này, đều sẽ tùy duyên thay đổi theo không gian thời gian. Cho nên chúng ta phải quán cho rõ, hiểu cho thấu về “vô thường, khổ, vô ngã” của vạn hữu, để tâm không chấp trước buồn khổ khi mọi thứ đột nhiên thay đổi bất như ý.
- Thiền Chỉ là phương pháp tu tập giúp tâm dừng lại, không phóng nghĩ lung tung trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, hay ngắm cảnh v.v…. Tu Chỉ giúp tâm dần dần quen với trạng thái tâm yên lặng. Khi giác quan tiếp xúc với trần cảnh không để tâm chạy theo cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm, khiến tâm dao động. Trong kinh gọi pháp này là “thu thúc hay hộ trì sáu căn” .
- Thiền Định là phương pháp tu tập, chú tâm vào một đề mục để giữ tâm yên lặng. Thí dụ như mượn “hơi thở vô-ra” làm đề mục tập trung, để vọng tưởng hay năm triền cái tham, sân, hôn trầm, thụy miên và nghi ngờ không có cơ hội trồi lên. Khi hành giả nhập định sâu, sóng tâm yên lặng vững chắc. Kinh mô tả trạng thái tâm lúc này “định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, ngoài lý luận…”. Điều này, cho thấy thiền Định chính là phương pháp tắm rửa làm sạch cái tâm ô nhiễm, trị dứt những căn bệnh gây ra phiền não và luân hồi.
- Thiền Huệ, bước đầu là Vipassana tức “tuệ minh sát”. Luôn giữ chánh niệm tức cái “biết như thật”, khi đối duyên xúc cảnh, tâm bây giờ và ở đây, tức là tâm không quay về quá khứ, không vọng tưởng tương lai cũng không dính mắc với dục vọng hiện tại. Hành giả có thể tu tập theo kinh Tứ Niệm Xứ dạy. Đó là quán bốn xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Những gì xảy ra trên Thân, Thọ, Tâm, Pháp như thế nào trong khi tọa thiền, hành giả chỉ biết như thế ấy. Cái biết này là biết không lời, là tự tánh biết. Cái biết như tấm gương ghi nhận đối tượng xuất hiện trong tâm, diễn tiến và chấm dứt như thế nào thì biết y như vậy, không tác ý can thiệp.
- Trí huệ Bát Nhã (Panna/Prajna) là trí biết của trực giác. Khi tâm an trú trong định sâu, trí huệ tâm linh tự phát. Trí này thấu hiểu mọi vạn vật, mọi sự kiện trong vũ trụ mà không cần học hỏi hay suy nghĩ phán đoán gì cả. Giai đoạn này tánh giác, hay Phật tánh, hay tiềm năng giác ngộ tự phát sang. Trí huệ Bát Nhã là trí huệ vô sư, không còn phân biệt nhị nguyên, không còn chủ thể và khách thể. Đây là một loại trí tuệ siêu vượt của các bậc A-La-Hán, Bồ tát đã bước được qua “bờ bên kia” (paramita) là bờ giác ngộ, và nó còn phát huy đến vô thượng gọi là chánh đẳng chánh giác, là Phật.
VI. BƯỚC ĐẦU TU TẬP
Tùy theo căn cơ mà chúng ta chọn lựa pháp môn thích hợp tu tập để dễ tiến trên đường tu. Nhưng dù chọn pháp môn nào thì trước hết chúng ta cũng phải tuân theo lời Phật dạy. Phải học hỏi, tư duy giáo lý nhà Phật, để có Chánh tri kiến, nghĩa là phải có ý thức hiểu biết việc nào đúng việc nào sai. Việc nào làm khổ người, khổ mình thì nên tránh, việc nào mang hạnh phúc đến cho mình lại làm khổ người khác thì cũng không nên làm. Trong kinh thường nhắc đến bài kệ ngắn “Không làm các điều ác; Vâng làm các việc lành; Thanh tịnh hóa tâm ý”. Như vậy giáo lý nhà Phật dạy chúng sinh trước khi tu tập tiến tới giác ngộ giải thoát luân hồi sinh tử, phải nhắm đến ba mục tiêu tu hành như sau: Thứ nhất là không có những hành động xấu ác làm hại người, hại mình, hay có lợi cho mình mà hại người. Trong kinh gọi đó là hành động bất thiện. Thứ hai là siêng năng làm các việc thiện lành mang an lạc, hạnh phúc đến cho chúng sinh và cho cả bản thân mình. Trong kinh gọi đó là hành động thiện. Thứ ba là phần tu tâm, hành giả hành trì các pháp môn tu tập để cho tâm thức đạt được vắng lặng tỉnh thức.
Thực hành các pháp tu làm lợi lạc cho chúng sanh, hành giả ngày càng phát huy được tâm Từ, tâm Bi. Nhờ có tâm Từ thương chúng sanh nên hành giả mới phát tâm Bi làm việc thiện lành bố thí, giúp đỡ, an ủi mọi người. Và vì mới tu tập nên ý thức luôn dặn dò mình nên giữ niệm thiện, xa lìa niệm ác. Tuy tâm còn phân biệt, còn chọn lựa nhị nguyên, nhưng nhờ chọn tâm thiện lành đưa đến hành động thiện lành. Kết quả người được giúp an vui, từ đó tâm trí hanh giả cũng được an vui.
Muốn tiến thêm trên con đường tâm linh thì hành giả bước thêm một bước nữa. Đó là quán câu hỏi của Tổ Huệ Năng “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là “bản lai diện mục” của Thượng Tọa Minh? ”. Bản lai là xưa nay, diện mục là bộ mặt thực. Khi tâm không khởi niệm thiện, cũng không khởi niệm ác, lúc đó tâm rơi vào vô niệm, tức không có niệm nào khởi lên cả. Khi tâm không còn niệm nào hết, tâm trống rỗng, chỉ có dòng nhận thức không lời đó là “bản lai diện mục” là bộ mặt thật, là chân tâm, là tánh giác, hay Phật tánh. Lúc đó tâm hành giả ở trong trạng thái Xả (vô niệm hay vô tâm) tức tâm vắng lặng mà tỉnh thức, không còn dính mắc chấp trước bất cứ một thứ gì trên đời này cả.
VII. PHÁP TU LỤC ĐỘ
Trong kinh Đại thừa dạy pháp tu “Lục độ” gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Hành giả có thể tắm rửa làm vệ sinh cho cả thân và tâm qua đường tu “Lục độ”.
- Tu hạnh bố thí: Giúp đỡ những người thiếu thốn nghèo khổ bằng tiền tài vật chất, bằng lời nói an ủi, bằng chỗ dựa tinh thần v.v… Đây là hành giả thực hành lời Phật dạy làm việc thiện lành mang niềm vui, hạnh phúc, xoa dịu nỗi lo âu, sợ hãi của chúng sanh. Tu hạnh bố thí giúp cho hành giả diệt trừ bớt lòng tham, san bằng lòng ganh ghét, đố kỵ, phát triển tâm Từ tâm Bi ngày một nhiều hơn.
- Trì giới: Người Phật tử tuân giữ năm giới cấm: Không giết hại mạng sống của người hay thú vật. Không lấy của không cho. Không tà hạnh. Không nói dối. Không xử dụng những chất say nghiện làm lu mờ lý trí. Trì giữ không phạm giới cấm giúp cho hành giả dừng lại trước hàng rào phân chia đạo đức và tội ác. Nhờ vậy hành giả không phạm lỗi, giữ được ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh.
- Hạnh nhẫn nhục: Là hạnh chịu đựng những khó khăn, trở ngại, quyết không lùi bước trên đường tu. Không sanh tâm khởi niệm khi tiếp duyên xúc cảnh. Người tu hạnh nhẫn nhục sẽ loại trừ được tâm Sân hận. Sân hận bị xem là chất độc nguy hại trong ba độc tham, sân, si.
- Tinh tấn: Có ý chí và nghị lực không lùi bước trước những nghịch cảnh trên đường tu, quyết siêng năng phấn đấu tu tập vượt qua biển sinh tử để đến bờ giác ngộ. Tinh tấn là nhiên liệu cần thiết hỗ trợ cho việc tu hành miên mật không giải đãi lười biếng.
- Thiền định: Tập trung tư tưởng vào một đề mục để giữ nội tâm yên lặng, không một niệm nào khởi lên trong tâm. Có vị thiền sư định nghĩa: “Thiền là bên ngoài không dính mắc vào trần cảnh, định là nội tâm yên lặng” thật là chính xác.
Thiền định là phương pháp tắm rửa vệ sinh cái tâm ô nhiễm thành thanh tịnh trong sáng là phương thuốc hữu hiệu điều trị những căn bệnh về thân và tâm. Nhờ định lực vững chắc nên tâm bình thản trước mọi sóng gió của cuộc đời. Tóm lại, thiền định giúp tâm sạch sẽ, yên lặng (thanh tịnh). Thanh tịnh là phương tiện để đi đến cứu cánh là trí tuệ.
-Trí tuệ Bát Nhã: Đức Phật là bậc giác ngộ vô thượng, là thầy của trời người, nên chúng đệ tử của Phật cũng hướng tới mục tiêu giải thoát giác ngộ như Ngài. Trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ siêu việt, quán triệt chân tướng của vạn pháp. Đây là trí huệ của chư bậc Bồ tát, chư Phật.
“Lục độ” là sáu cách tu tập. Tuy chư Tổ phân chia như vậy, nhưng cả sáu pháp đều liên hệ mật thiết với nhau. Khi thực tập pháp này thì năm pháp kia có mặt để hỗ trợ. Ghi chú: Trong kinh Phát Triển cũng có dạy pháp môn “Lục độ Ba-la-mật”. Lục độ ba-la-mật cũng là sáu phương pháp tu tập như lục độ, nhưng pháp này cao hơn dành cho các bậc Thánh, bậc A-la-hán. Hiện tại, chúng ta hãy còn là người phàm phu nên bước đầu thực hành “lục độ” để chuyển tâm phàm thành tâm thánh. Rồi từ đó tiến tu thêm.
VIII. KẾT LUẬN
Tóm lại con người có hai phần thân và tâm. Cả thân và tâm đều quan trọng như nhau. Tâm gá vào thân để hiện hữu. Thân nhờ tâm chủ trì hướng dẫn để xử sự và hành động. Trên đường tu giải thoát giác ngộ, Kinh dạy “nhận thức và hành vi” phải thanh tịnh, tức thân và tâm phải thanh tịnh. Vì trí tuệ và căn cơ của chúng sanh khác nhau, cho nên Đức Phật mới bày ra nhiều pháp tu. Pháp tu có khác nhưng pháp nào cũng nhắc nhở chúng sinh phải giữ tâm ý ngay thẳng trong sạch. Tâm ý có trong sạch thì hành vi mới trong sạch. Cho nên cốt lõi của việc hành trì tu tập để thân và tâm đi đến chỗ thanh tịnh là phải thiền định và thiền huệ.
Chúng tôi xin chép lại Lời Phật Dạy (Kinh Pháp Cú) qua Phẩm Song Yếu dưới đây để tạm ngưng bài viết với chủ đề “Tắm Rửa Nội Tâm”.
1) Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác, nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân, vật kéo.
2) Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình.
(Kinh Pháp Cú-Phẩm Song Yếu)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Chân Tâm thiền thất, September 16/2022)