04. Tới Thiên Đường

21/03/20239:12 SA(Xem: 1431)
04. Tới Thiên Đường
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 4
TỚI THIÊN ĐƯỜNG

Rời xa sự trông nom của hai vị lão hòa thượng Lang Sơn, sư ông Lãng huệ và tôi lên tàu, xuôi giòng Trường Giang đi từ Nam Thông đến Thượng Hải. Năm đó tôi 15 tuổi, do phải bứt lìa ngôi cổ tự mà tôi từng gọi là nhà, nên lòng cảm thấy rất sầu đau và căng thẳng. Nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa bé, sắp được đi từ nhà quê đến thành phố lớn, mắt nhìn thấy đủ loại mỹ diệu phong quang, cho nên lòng cũng thấy phấn khởi.

Đoạn lộ trình ấy, bây giờ đi chỉ cần hai tiếng là tới nơi; nhưng hồi đó phải tốn mất hai ngày. Chúng tôi đi bằng đường thủy, ngồi trên tàu lớn, nhưng máy móc cực kỳ cũ kỹ, chạy chậm rì.

Lúc khởi hành, sông nước đục ngầu, bầu trời u ám phủ đầy mây, thời tiết rất xấu. Tôi và hành khách ngồi trên tàu đợi, mong khí trời chuyển tốt, để được hít thở không khí trong lành. Do bị ống khói tàu phun mù mịt, y như là mưa khói nên tôi đứng dậy đi ra trước đầu tàu, ngước mặt hít thở. (Nhờ ở đây gió thổi khói đen tản mát), tôi hít thật sâu không khí nồng nàn mùi sông nước, đối với tương lai trước mặt, tôi hoàn toàn mù tịt chẳng biết gì, ngoài lòng hiếu kỳ mang theo. Lúc đó Trung Quốc đang đối đầu với đủ thứ biến loạn phức tạp. Nhưng lòng tôi lại rất bình tĩnh. Sự bình tĩnh này không phải do hiểu lý vô thường biến diệt của Phật pháp, mà vì tôi đã trải qua nhiều hoạn nạn: thủy tai, chiến tranh, bần cùng… và đói khát. Tất cả nạn tai này đã khiến tôi hiểu ra, kiếp người là nguy ách, khốn khổ; cũng là quý giá. Đối với đại sự xảy ra khiến mọi người phải đào vong trong thế kỷ này, tôi chẳng thể nào hiểu thấu. Trong độ tuổi niên thiếu thời đó, lòng tôi tràn đầy lạc quan. Cuộc sống đang mở rộng trước mắt, tôi chỉ việc nghiêng mình tiến tới, đứng thẳng đón gió và chờ đợi…

Tối đó, tôi chọn chỗ nghỉ trên miếng ván dùng để bắc cầu, chẳng thèm đợi gió đến thổi tan không khí ám khói; tàu vẫn chậm chạp lướt trong sương mù, tiếng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền; tôi dần dần chìm vào giấc ngũ. Cho đến khi âm thanh bầy chim biển ồn ào đánh thức, tôi mới phát hiện một bên má mình đen thui vì dính đầy khói tàu.

Thượng Hải xem ra giống như vùng cao nguyên, có núi non trùng điệp cao ngất tiếp giáp mây sương mịt mù. Khi tàu tiến vào cảng, tôi được mở rộng tầm mắt. Thuở giờ tôi chưa từng thấy qua những cao ốc xây kiểu Tây, cho nên cứ tưởng đó là núi cao. Khó tin được là những tòa lầu cao ngất như vậy là do chính con người xây nên.

Sư ông và tôi vừa bước ra khỏi tàu, thì một đám người chạy ào tới bu quanh, tranh nhau xách hành lý chúng tôi. (Chà! Người dân Thượng Hải sao mà tử tế quá, không những họ nhiệt liệt đón chào, mà còn giành nhau xách hành lý dùm chúng tôi nữa chứ!)

Nhưng sư ông từ chối và khẩn trương kéo tôi đi, thật ra hành lý chúng tôi rất ít.

Chúng tôi dừng truớc một dãy xe kéo màu vàng, sư ông hỏi giá cả, rồi bảo tôi: – Người Thượng Hải khi dễ dân nhà quê lắm!

Cuối cùng cũng kiếm được một xa phu lấy giá phải chăng, chúng tôi lên đường.

Khi tôi tắc lưỡi và ngắm “các tòa nhà chạy trên đường”, thì sư ông giải thích:

– Đó là xe buýt và xe điện!

Tôi chẳng thể nào tin vào những gì mắt mình trông thấy. Xe điện đi trên đường ray ư?

Tôi hỏi sư ông:

– Người ta sống ở trên xe điện hết hả?

Sư ông cười tôi ngu. Tôi chẳng cách chi tưởng tượng được đó lại là phương tiện giao thông chuyên chở. Lúc đó tôi 15 tuổi, chất phác và ngây thơ. Trong thế giới tôi sinh trưởng, đã mấy thế kỷ nay đâu có thấy thay đổi gì? Giờ đột nhiên trong khoảnh khắc, tôi nhảy vọt vào một cõi văn minh kỳ lạ.

Tôi dễ dàng nhận ra đây là một nơi bận rộn huyên náo. Người đi trên đường gấp gáp vội vã, coi bộ rất bận và đều có mục đích. Tôi không biết họ đi đâu, cũng chẳng biết họ sống như thế nào.

Đây là một thành thị náo động. Âm vang tiếng Xe điện quẹo trái rẽ phải, còi xe lửa xình xịch hú vang; mọi người hò hét í ới. Khắp nơi đều là lăng xăng loạn động. Giữa cảnh hỗn độn rầm rĩ đó, chúng tôi ngồi trên chiếc xe nhỏ tồi tàn, anh xa phu còn góp thêm tiếng thét gào trên đường, cắt ngang dòng hợp âm hỗn tạp và kéo chiếc xe lắc la lắc lư tiến ra đường.

Chúng tôi đi qua vài tiểu điếm và quầy hàng, xưa nay tôi chưa từng thấy qua những gì lạ lùng như vậy, nên lòng rất hiếu kỳ. Có mấy cửa hàng bên trong không có hàng hóa, chỉ có người; tôi không biết các tiệm này làm gì. Sư ông giải thích:

– Chỗ này thuộc công sở nhà nước, không phải cửa hàng.

Tôi hỏi: – Những người trong đó sinh sống như thế nào?

Sư ông đáp:

– Đủ kiểu!

Tôi thấy các nhân viên bảo vệ gác cửa của một tòa nhà giàu kia, bọn họ đều để râu tóc, trên đầu có trùm khăn, sư ông bảo họ là người Ấn Độ.

Tôi nói: – “Phật Thích-ca cũng là người Ấn Độ”… Và hưng phấn nghĩ thầm: “Đức Phật chắc là giống những người này!”… Tôi cũng liên tưởng đến tổ sư Đạt Ma, theo mô tả thì “Ngài có đầu tóc dài, râu nhiều và đôi mắt to thiệt to…”, nhân đó tôi cho rằng những người Ấn Độ gác cửa này thảy đều là Phật giáo đồ.

– Không chừng chúng ta cũng có thể thỉnh họ giảng Phật pháp? – Tôi thưa với sư ông.

Sư không nói, cứ nhìn tôi chằm chằm. Sau đó tôi mới biết, những người Ấn trùm đầu này là tín đồ ngoại giáo, sự thật thì rất ít người theo đạo Phật. Nhưng tôi vẫn thấy thân thiện và có cảm tình nhiều với họ, bởi vì họ đến từ quê hương Đức Phật, nơi Ngài đản sinh.

Khi chúng tôi đến gần khu thương nghiệp Khách Sạn Quốc Tế cao nhấtThượng Hải (tới ba mươi ba tầng), tôi cơ hồ kêu lên hết nổi. Tôi thưa với sư ông: -“Bảo tháp” này còn cao hơn Lang Sơn nữa đó. Rồi trố mắt nhìn những người ra vào nơi Khách sạn, tôi hỏi:

– Họ là… thiên sứ hay… thần tiên vậy?

Ở quê tôi, chỉ có những người cực giàu mới có thể xây được ngôi nhà lầu hai, ba tầng. Vậy thì những người có thể ngự trong tòa nhà cao chót vót như thế này, nhất định không phải là người rồi!

Trong khách sạn đa số là người ngoại quốc. Sư ông giải thích:

– Họ từ nước ngoài qua đây.

Lúc chúng tôi đến Thượng Hải, thì thế giới chiến thứ hai vừa kết thúc, nhưng thành phố Thượng Hải sớm đã quốc tế hóa. Nhiều khu vực bị ngoại quốc thuê mướn, khu thương nghiệp khách sạn quốc tế này nguyên là do người Anh quản lý, đến khi người Anh rút đi, thì lọt về tay người Trung Quốc. Thế nhưng thương nhân ngoại quốc vẫn còn ở Thượng Hải kinh doanh, lập nghiệp và hầu hết bọn họ đều cư ngụ trong đây.

Những người chờ băng qua đường nhìn giống như bầy vịt, tất cả đều chăm chăm dán mắt vào trụ đèn đỏ; đợi một lát, đèn xanh bật, và mọi người lập tức tủa đi như dòng nước chảy không ngừng. Tôi cảm thấy mỗi người đều nhỏ bé làm sao. Không ai thèm chú ý đến chúng tôi, chúng tôi chỉ là hai người trong đám đông rộng lớn.
Sau đó, tôi bắt đầu thấy tội nghiệp cho anh xa phu. Từ bến xe đến chùa, anh kéo ỳ ạch hơn tiếng đồng hồ. Tại quê tôi cũng có xe kéo, nhưng tôi cảm thấy nghề này ở Thượng Hải rất gian khổ.

Đám xa phu luôn luôn phải cảnh giác, vì trong thành phố xe giăng như mắc cửi, có xe điện, xe búyt, xe lửa… và nhiều khách bộ hành… xa phu một mình kéo chúng tôi đi trên con đường phức tạp, vừa phải lo tránh né, vừa hô hào cảnh báo…

Sau đó tôi thường tránh không đi loại xe này, bởi đám xa phu quá khốn khổ rồi. Nhưng mà các sư huynh tôi nói: – Nếu như không ai chịu đi xe kéo, thì những xa phu này sẽ bị chết đói hết!… Cho nên thỉnh thoảng tôi đành phải chiếu cố đến họ.

Rời khu vực thương nghiệp, chúng tôi rẽ vào ngõ hẽm chật hẹp có nhiều tường vách và cổng lớn vây quanh, những con hẻm chằng chịt đan nhau này giống như một mê cung vô tận. Nơi đây là vùng tương đối an tĩnh, nhiều nhà có sân, có cổng kín đáo; người ngoài không thể nhìn vào. Phía sau tường là những ngôi nhà lợp mái ngói đỏ. Bên trong phất ra mùi đồ ăn xào nấu. Tôi bỗng nghe âm vang nước chảy và tiếp đến chúng tôi đi qua một cây cầu nhỏ, thấy đám công nhân đang gánh nước; nước đục ngầu, xông lên mùi rau trái ung thối.

Cuối cùng sư ông và tôi cũng đến Đại Thánh Tự, chùa được xây trong khu vực phổ thông, nằm ngay con hẻm phía sau Xưởng Dệt. Tự viện đương sửa rộng và có nhiều thay đổi. Do áp lực khiến tôi và sư ông phải rời Lang Sơn, cũng giống như những hòa thượng đồng cảnh ngộ rời bỏ tự miếu trốn đến đây sống. Trong thành đầy những người lìa bỏ quê đến, những người thuộc vùng đất xảy ra giao tranh.

Kiến trúc của Đại Thánh Tự các mặt đều xây hướng về Đông, hai dãy liêu phòng tại hai bên đại điện. Kiểu xây cất nhìn đơn giản, thực dụng. Không có tính cách phong phú đậm đà và cũng không hiển rõ truyền thống Lang Sơn, còn bốc mùi mốc ẩm…

Khi tôi lên chánh điện, đứng trước tượng Phật; ngửi được mùi khói hương, tôi nghe lòng mừng rỡ vô hạn; vì thấy như mình đã về đến nhà. Tôi cung kính lễ Phật; lúc đứng dậy, một cảm giác vừa đắng vừa ngọt bỗng trào dâng ồ ạt trong tôi. Hai năm ngắn ngủi cư ngụ tại Lang Sơn, đã cho tôi cái cảm giác: chỗ nào có Phật thì chỗ đó là nhà tôi. Song thân và gian nhà tranh vách đất của tôi đã thuộc về dĩ vãng…

Lúc Nhật chiếm Thượng Hải, một vị quan trong chính phủ Trung QuốcPhật giáo đồ, ông bỏ tiền ra xây dựng ngôi kiến trúc bốn tầng lầu. Nhưng sau cuộc chiến, ông bị ghép tội phản quốc và đem ra hành quyết, vì vậy mà tòa lầu ông xây chưa xong; trống trải, dở dang; chỉ có tượng Thổ địa, Thành hoàng to lớn ở đó mà thôi.

Đây là những tượng thần xuất phát từ sự mê tín của các tín đồ hộ trì Tĩnh An Tự (nơi tôi sẽ đến học sau này), Tĩnh An Tự không biết làm sao, họ chẳng thể dẹp tượng thần, mà cũng không thích thờ phụng; nên đã chở tới giao cho Đại Thánh Tự. Lúc mới đến Đại Thánh Tự, tôi thấy lạ nên hỏi trụ trì:

– Những tượng này không phải là Phật giáo mà…?

Mặt ông không biểu hiện gì, chỉ đáp:

– Những tượng này là được gởi ở địa phương chúng ta mà thôi!

Tôi không nói gì, nhưng có chút ngạc nhiên. Có thể nói là trụ trì đã phương tiện giải quyết vấn đề. Nhưng mà, cho dù tuổi tôi còn nhỏ; chưa biết gì nhiều, nhưng tôi cũng cảm thấy ông đáp có điểm kỳ quái. Mặc dù Phật giáo có tính bao dung, uyển chuyển, nhưng tôi vẫn thấy vị trụ trì quá dễ dãi và lõng lẽo. Bây giờ hồi tưởng lại, có thể nói là Đại Thánh Tự đại diện cho tình huống Phật giáo Trung Quốc thời đó – sự dễ thỏa hiệp sẽ làm mất đi nguyên tắc và mục đích minh bạch.

Nếu tôi là trụ trì Đại Thánh Tự, tôi đã sớm đem mấy tượng thần này dẹp đi rồi. Lúc đó tôi cho rằng Phật giáo Trung Quốc cần phải chấn chỉnh lại, không nên chìu theo, để cho tín ngưỡng và tục lệ hỗn tạp của người dân đồng hóa. Như thế sẽ khiến người ta ngộ nhận: sẽ hiểu lầm và cho Phật giáo là mê tín! Thời đó Trung Quốc có rất ít người nghiên cứu kinh điển và giảng dạy Phật pháp. Đa số các tu sĩ chỉ tụng đám, thực hành tôn giáo hình thức. Mặc dù trong chùa không thờ phượng gì nhiều, nhưng lại cho đặt tượng thần ở bên ngoài, để mọi người đến cầu tài, cầu sức khỏe hay những nguyện vọng khác.

Khi các tu sĩ kéo đến Thượng Hải, bắt đầu cư ngụ trong các phòng ốc trống tại Đại Thánh Tự. Trước phòng ốc là một cái giếng, hằng ngày đều có người đến gánh nước hay giặt giũ. Chúng tôi cũng lấy nước ở đây uống, cho nên mỗi ngày sáng sớm đều rất bận rộn, ồn náo. Ở đấy cho ta cái cảm giác là chỗ của các phụ nữ trong xóm tới lui nói chuyện tạp, chứ không phải đạo tràng tu hành.

Hậu diện Đại Thánh Tự có một miếng đất trống, chùa và xưởng dệt đều trồng rau ở đây. Xa ra chút nữa là vùng đất thuộc khu vực chợ. Miếng đất nông nghiệp nhỏ này nằm giữa tòa lầu công nghiệp và nhà kho. Tiếng dế kêu rền rĩ suốt đêm không ngừng, chiều tối không khí hầm hập nóng, muỗi ruồi tụ tập bu đầy. Buổi sáng, tôi thường giật mình thức giấc đúng lúc gà gáy. Mặc dù ngoài cổng chùa, bao quanh là khu hương thôn nông nghiệp rộng lớn, nhưng trong khu sinh thái tại Thượng Hải này, người ta vẫn có thể cảm nhận được sức sống, nhiệt khí và nền văn hóa đại đô hội của nó.

Bởi vì tôi có kinh nghiệm làm nông, nên một trong các công tác của tôi là trồng trọt. Tôi không những có thể trồng rau trái, mà còn trồng luôn loại cây lương thực tối quý báu như lúa. Đây là việc rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Mặc dù Quốc Dân Đảng chiếm lĩnh Thượng Hải cùng các khu vực lân cận, nhưng trong thành không phải là rất an toàn hay bình yên. Do hàng hóa lưu thông không dễ dàng vì bị kiểm soát nghiêm ngặt, khiến mực sống thường nhật không ổn định, nên chúng tôi rất khó mua gạo. Thêm phần bọn gian thương tích trữ gạo gây nên cảnh khan hiếm, rồi sau mới tung ra bán để hốt tiền, thâu lãi to. Chúng tôi gọi họ là bọn “sâu mọt” (mễ trùng).

Tại Đại Thánh Tự, chúng tôi ăn cháo, có lúc cũng dùng bánh rán; bữa ăn có cà-rốt, rau xanh, đậu hủ. Nhưng đây là vào thời điểm tình hình còn tốt.
Thông thường chúng tôi ăn cháo với dưa mắm. Thức ăn đơn giản, Có lúc chúng tôi dùng củ cải muối hay dưa muối.

Ở Thượng Hải tôi thường bị người chế nhạo. Vì lúc đi chợ, hễ người ta vừa nghe tới cái giọng không âm điệu của tôi thì họ đều cười và gọi tôi là (hương ba lão) “dân nhà quê”. Tôi nghe, và hiểu được lời họ nói, vì ngôn ngữ cũng đồng. Còn những câu khác thì tôi không hiểu. Bởi vì mấy người tuổi trẻ nói chuyện thường hay chêm tiếng Anh vào.

Thượng Hải “ngoại hóa” rất nhanh. Ảnh hưởng Tây phương lan rộng khắp nơi, các hiệu buôn đều có treo bảng tiếng Anh, đa số người dân đều mặc Tây phục. Trang phục truyền thống chỉ dùng trong những trường hợp cần. Tôi thấy phụ nữ đi giày cao gót, lòng rất lo. Bởi giày cao gót có cái đế cao nhồng ốm nhom mà lại nhỏ xíu, tôi lo họ sẽ bị té không biết lúc nào.

Người ta ăn mì, bánh bao; uống sữa bò và các thứ thức rất ngon mà tôi chưa từng thấy qua bao giờ. Lần đầu tiên tôi mới biết đến khoai tây và trái hồng, cũng lần đầu nhìn thấy người ngoại quốc. Những người Anh quốc và người Pháp này, sau cuộc chiến họ đã ở lại đây. Bọn họ ngụ tại vùng đất người ngoại quốc thuê, rất sạch sẽ, khô ráo và không có muỗi.

Còn khu vực người Trung Quốc cư ngụ thường ẩm thấp và hôi thúi, phát sinh đủ thứ ký sinh trùng, ruồi nhặng… Chứng kiến cảnh khác biệt này, tôi cảm thấy rất hiếu kỳ. Có người bảo tôi:
Hệ thống đường nước của người ngoại quốc cực kỳ tốt, còn của người Trung Quốc thì thường hay bị nghẽn, bít.

Tôi đến Đại Thánh Tự không lâu, thì xảy ra một chuyện lưu ấn tượng sâu sắc cho cư dân lân cận. Một buổi chiều chạng vạng tối, tôi và các thầy khác đang canh tác trên khu vực đất chùa, thì nhìn thấy hai con hồ ly lông trắng. Thoạt đầu, chúng tôi cứ tưởng đây là hai con bạch miêu. Nhưng khi nhìn rõ cái đuôi bù xù đầy lông, đôi tai thẳng đứng và cái mũi nhọn của chúng thì mới biết đó là hồ ly. Chúng nằm sấp trên đất, mặt hướng ra trước, phóng mắt ngắm nhìn quanh.

Người Trung Quốc tin rằng hồ ly trắng là hóa thân của thần tiên, màu lông trắng tuyết của nó là tượng trưng cho niên kỷ cửu viễn (tuổi tác cực cao). Nhìn thấy một con đã là chuyện rất khó. Vậy mà chúng tôi một lúc được nhìn thấy tới hai con, đây là việc quá hi hữu; chuyện này được đồn vang. Sau đó, người ta rùng rùng kéo nhau đi đến Đại Thánh Tự. Có người nảy ra ý định: Xin hiến hai trứng gà dâng tặng nhị vị thần tiên. Thế là, chiều tối y đem trứng tới đặt tại đó. Đến sáng hôm sau, khi ra xem thử thì thấy hai trứng rõ ràng lớp võ vẫn lành lặn, còn nguyên; không hề bị vỡ hay tì vết, nhưng ruột lại trống rỗng. Chẳng biết hồ ly làm cách nào có thể ăn được trứng mà không cần phá vỏ? Những vỏ trứng rỗng này thế là được cất giữ làm kỷ niệm.

Một tín đồ khác không tin hồ ly là thần tiên, bắt đầu kêu réo, chửi nó là “hồ ly thúi” đã làm cho bọn người mê muội sùng bái nó. Sau khi ông lăng mạ với đủ từ khó nghe rồi thì về nhà ngủ. Sáng hôm sau khi thức dậy, ông phát hiện y phục của mình đang ở… tuốt trên xà nhà (trước cửa phòng).

Sư phụ tôi bảo ông ta: – Ông xúc phạm hồ ly tiên, hãy nên xin lỗi…

Ông liền sám hối. Qua hôm sau, quần áo ông về lại trên giường, được xếp rất chỉnh tề ngăn nắp.

Tuổi tôi còn quá nhỏ, mới từ quê ra tỉnh, chỉ có hiếu kỳkinh ngạc. Lúc đó tại Đại Thánh Tự, thôi thì có đủ quà cáp, bông hoa người ta mang đến tặng… Thần thoại dân gian lại được dịp khơi lên, người ta kể rầm rĩ từ đầu chí cuối mọi tình tiết, bầu không khí trở nên náo nhiệt, vui vẻ, vì những điều thần bí khó giải thích…

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.