08. Khoắc Khoải

21/03/20239:14 SA(Xem: 1976)
08. Khoắc Khoải
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 8
KHẮC KHOẢI

Cuộc sống quân nhân khiến tôi mệt mỏi, cạn kiệt sức lực. Tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện đào ngũ. Lòng tôi rất rối, không biết sau này chuyện gì sẽ xảy ra, cũng chẳng biết có mình có khôi phục được thân phận tu sĩ hay không? Hồi xưa tôi nghĩ đi lính đỡ vài năm, sang Đài Loan rồi tôi sẽ có cơ hội làm hòa thượng lại. Nhưng ở trong quân ngũ mấy năm ròng, tôi mới hiểu ra mộng ước này tưởng đơn giản nhưng thực sự rất khó với tới.

Thời gian cứ trôi qua, một năm, hai năm, ba năm… đã năm năm rồi… Chính phủ quốc dân hiện đang thiếu nhiều vũ khí lẫn nhân viên quân sự. Nếu xảy ra đánh nhau, tôi không biết mình có còn sống để mà tu tiếp nữa không? Tôi chỉ là một người khoác áo lính, nhưng tâm tư toàn là hoài vọng đời sống thoát tục, ước mơ cháy bỏng này luôn nung nấu tôi.

Tư tưởng đào ngũ cứ ám ảnh mãi. Nhưng… áo tu tôi không còn, tôi cũng chẳng có đủ dũng khí để chạy trốn. Đã có người thực hiện việc chạy trốn đến ba lần: Lần nhất thất bại, anh bị đánh đập tới nỗi thịt da tét ra. Lần thứ hai, anh bị bắt lại; họ trói vào cọc, phạt anh đứng phơi ngoài trời suốt hai ngày, không cho ăn uống; đại tiện tiểu tiện gì cũng tại chỗ đó. Lần thứ ba, anh bị xử tử.
Mặc dù cảm thấy mình đang khốn quẫn, nhưng là sĩ quan, tôi vẫn có thời gian để viết bài cho tạp chí Phật giáo.

Trước năm 1956, tôi sáng tác rất nhiều thơ, đoản văn và tiểu thuyết… không dính tới chủ đề Phật giáo, chẳng ai lưu ý đến văn tôi. Mùa xuân năm đó, các quân nhân từng là bạn đồng tu trước đây, góp ý khuyên tôi nên chuyển hướng, thế là tôi bắt đầu viết về triết họctôn giáo.

Tôi gởi bài đến báo Phật giáo, nội dung bình luận ý nghĩa cuộc sống, vô thường, khổ và cô độc… Tôi đề xướng chúng ta cần phấn đấu, nỗ lực để tiêu trừ nghiệp lực, ra khỏi tam giới, thoát vòng sinh tử luân hồi, đời đời kiếp kiếp không còn bị trôi lăn.

Tôi cũng tham khảo quan hệ giữa tôn giáovăn học, để mắt tới ảnh hưởng kinh điển phật giáo đối với văn học. Tôi cho rằng Phật giáo đồ đối với văn học nên tôn trọnglưu tâm nhiều hơn, vì sáng tác văn học nghệ thuật có ý nghĩa sẽ rất trân quý và ảnh hưởng cực lớn đối với xã hội, nhân loại.

Tôi viết cho báo Phật giáo rất được hoan nghênh, thế là tôi tự chọn một bút danh. Tôi dùng họ “Trương” của mình và lấy tên “Thái Vi” thay cho Bảo Khang.

Cách doanh trại không xa, lưng chừng núi có một ngôi chùa, từ doanh trại nhìn lên có thể thấy tượng Phật vĩ đại trên núi. Nhân đó tôi thường đến trước tôn tượng này lễ bái, không ai quấy rầy tôi. Trong đội lính có nhiều tín đồ Cơ đốc giáo, họ thường tụ hội đọc Phúc âm.

Tôi cũng dành riêng thời gian đả tọa. Tôi và mấy người ở chung một gian phòng, ngủ trên sạp; đây cũng là chỗ tôi ngồi thiền. Các bạn biết tôi ngồi, nên không quấy rầy tôi. Vì tôi là sĩ quan, cho nên có chăn bông; tôi dùng nó để ngồi. Nhưng do công tác bất thường nên tôi không có thời gian cố định để tĩnh tọa và không thể ngồi được lâu. Vì có lúc tôi ngồi được một, hai tiếng thì các quân nhân vào phòng, phá tan bầu không khí yên tĩnh; cho nên ngồi thời gian ngắn mới không bị quấy rầy.

Sĩ quan có được quyền tự do đi lại; nên khi nghĩ phép thì tôi đi viếng chùa. Phật giáo Đài Loan hiện đang có nhiều chuyển biến. Trên đảo chỉ có số ít chùa, (suốt thời gian 50 năm nhật bản chiếm lĩnh), Đài Loan bị ảnh hưởng sâu nặng, ngay cả giới Phật giáo cũng mang phong cách Nhật Bản. Khi người Nhật rút đi rồi, trụ trì cũng đi theo, chùa thuộc cư sĩ tiếp quản lo liệu. Trong chùa chỉ có thực hành hình thức tôn giáo, đám sám… chứ không có Phật học viện tiến tu. Đối với các hoạt động hoằng pháp bên ngoài (như hướng dẫn tu hành) thì người phụ trách chùa chỉ có một số ít được học qua khóa huấn luyện Tăng già, nhưng chính yếu vẫn là tổ chức đám sám, làm nghi thức siêu độ cho người chết theo tín ngưỡng dân gian.

Thế nhưng, tình hình này đã bắt đầu thay đổi. Khi tôi mới đến Đài Loan, Đài Loan chỉ có khoảng từ hai-ba mươi vị tu sĩ chân chánh. Sau đó có thêm bốn-năm mươi vị tu sĩ từ Đại Lục chạy qua.

Có một số người sau đó hoàn tục, bởi vì họ không thể nói tiếng Đài, nên chẳng cách chi truyền dương Phật pháp. Đến sau này chính phủ yêu cầu nhân dân học quốc ngữ; mới phát hiện những vị tăng đến từ Đại Lục rất tài giỏi, kiệt xuất. Một số từng là bậc thầy của các giáo sư tôi, sau khi đến Đài Loan đã lưu lại, họ là Nam Đình lão nhân, trưởng lão Đạo Nguyên, trưởng lão Bạch Thánh và Diệu Nhiên…

Nam Đình lão nhân và tôi thường liên lạc, ông rất quan tâm giúp đỡ và thường tặng vật thực cho tôi. Bởi ông biết trong quân đội chẳng có gì ăn, mà tôi lại ăn chay nên dinh dưỡng càng thiếu thốn. Có lần ông cho tôi sữa bò (đây là thực phẩm được xem là rất quý vào thời đó). Tôi chế nước nóng pha sữa, ăn với cơm; thấy hết sức ngon miệng, mùi vị thơm ơi là thơm. Các bạn tôi rất đố kỵ, nói tôi là quý tộc, mới có sữa bò uống.

Nam Đình lão nhân thường viết thư động viên tôi. Tôi nhớ có lần viết thư cho ông, tôi kể lể mình chán nản tột cùng và than van đời sống quân ngũ khôngtự do. Trong thư hồi âm, Nam Đình lão nhân viết:

“Trong thế giới này, ai có được tự do? Chỉ có thân xác chứ không có tự do”. Ông khuyến khích tôi quán sát phản ứng của mình đối với hoàn cảnh. Dùng thân làm dụng cụ để tu. Ông viết: “Chúng sinh sống trên thế gian này giống như ở trong nhà lửa, ngay lúc Phật còn trụ thế, lúc ngài hóa độ chúng sinh, thì đây là Phật quốc tịnh độ. Anh hãy biến người trong quân trại thành thiện tri thức của mình, tiếp tục dụng công. Đó chính là vì sao Phật đạt đến giải thoát rồi, mà vẫn trụ thế giáo hóa, bởi vì Ngài muốn giúp đỡ chúng sinh”…

Phong thư này đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi y theo đó mà giữ tâm.

một lần nghỉ phép, tôi ngồi xe buýt đến Đài Bắc thăm Nam Đình lão nhân. Ngài ở Thiện Đạo Tự, một ngôi chùa Nhật Bản thuộc cư sĩ quản lý. Người quản lý chùa thỉnh ngài đến ở nhưng không cho làm trụ trì. Ngài mỗi tuần giảng kinh một lần, có nhiều người đến nghe, nơi ngài ở là một gian phòng cũ kỹ, chật hẹp. Bởi vì ở Đại Lục ngài là bậc thầy nổi danh, cho nên có nhiều tín đồ cúng dường, trong số đó không thiếu các tướng lãnh và những nhân vật chính trị giàu quyền lực. Họ mặc dù có cúng dường tiền, song ngài không có người chăm sóc, nên việc gì cũng phải tự làm. Muốn viết thư cho tôi, ngài phải lặn lội đi rất xa để mua thư và tem. Cho dù là vậy, ngài vẫn là đối tượng mơ ước của nhiều tăng sĩ từ Đại Lục sang Đài Loan. Vì ở chỗ ngài ở có thức ăn, học sinh được tài trợ; còn những tăng sĩ khác không chỗ nương, phải lưu lãng long đong trên quốc đảo này vì chẳng có chỗ an thân.

Lúc tôi thăm Nam Đình lão nhân, gian phòng ngài ở quá nhỏ nên tôi phải đứng. Nam Đình lão nhân vì muốn khuyến khích tôi, mỗi khi tôi từ giã, ngài thường cho tôi một tờ năm hay mười đồng.

Vào thời đó, đối với một sĩ quan nghèo như tôi, đây là số tiền rất lớn.

Tôi cũng đến thân cận các trưởng lão khác như phápBạch Thánh ở Thập Phổ Tự Đài Bắc, chùa ông công việc bề bộn nên chúng tôi không có thì giờ đàm đạo nhiều. Ông thường hỏi tôi: – Anh có vấn đề hay gặp khó khăn gì chăng? Cứ nói cho tôi biết, tôi sẽ giúp anh giải quyết…

Tôi cũng đi thăm trưởng lão Diệu Nhiên, nơi ông ngụ là một vùng thôn quê nhỏ, không ai giúp đỡ nấu nướng, mà ông còn phải nấu cho người ăn. Tính ông bình dị dễ gần, luôn sẵn sàng động viên an ủi người, khiến người ngưỡng mộ.

Thỉnh thoảng tôi ghé thăm và ở lại Thiện Đạo Tự, là ngôi chùa lớn nhất Đài Bắc vào thời điểm đó. Đấy là tổng bộ Tịnh độ tông. Đại điện xây mô phỏng theo chùa ở kinh đô. Liêu phòng bên chánh điện chật chội khó kham. Phòng tôi ngủ nhờ là chỗ thờ cốt.

Tôi vẫn ở trong tâm trạng giằng co, quẫn bách; thường hoài nghi và khao khát muốn lìa quân ngũ. Một năm, rồi một năm nữa trôi qua… các bạn đồng tuPhật học viện trước đây (cùng nhập ngũ một lượt với tôi) lúc này đều đã trốn thoát, quay về hồi phục thân phận tu sĩ hết cả. Nhưng hồi ấy xã hội Đài Loan đang rất bất an, cho nên họ cũng chẳng được sung sướng gì. Bởi người ta phao tin đồn khắp nơi rằng: “Những người xuất gia từ Đại Lục kéo sang Đài Loan là gian tế”. Vì vậy mà nhiều tu sĩ bị chính phủ bắt bớ, tống giam. Người không bị bắt thì phải lo bôn đào, cải trang thân phận; mặc lại y phục đời, sống lẫn lộn cùng dân thường và không dám ở trong chùa nữa.

Quả tình tôi chẳng có dũng khí để đào ngũ. Vì ngụ trong quân trại xem ra vẫn tốt hơn là ở nhà giam. Tình huống Đài Loan lúc đó rất gay go. Bất kể lý do, thời gian nào, bạn đều có thể bị bắt, bị tra khảo, bị nhốt giam! Ngày nào cũng thế, chẳng cần pháp đình xuất lịnh, từ sáng đến tối họ đều có thể bắt người bất kỳ. Bởi thế nên tôi đành ở trong quân ngũ chờ đợi với tâm tư sầu muộn… rồi đâm ra hoài nghi… Tự hỏi “Không biết mình còn có ngày được quay về làm hòa thượng nữa hay không?”…

Thùng sơn lủng đáy

Sau đó tôi gặp được Linh nguyên lão nhân và cuộc đời của tôi bỗng chuyển sang hướng mới.

Lúc tôi ghé thăm “Cao Hùng Phật Giáo Đường” (một ngôi chùa mới tại Cao Hùng), thì gặp Linh Nguyên lão hòa thượng – Ngài từ Cơ Long tới và đang ngụ nhờ tại đây. Sau này có người cúng cho ngài một mảnh đất, ngài liền xây một ngôi chùa ở Cơ Long. Tăng chúng đi hành cước bên ngoài, không có ngũ tại quán trọ, thông thường các chùa đều cho người đến quải đơn (Trình điệp đàn xin tá túc) có thể ngủ nhờ một, hai đêm – Đây là tập tục của các đạo tràng tự viện thiền tông trong tùng lâm.

Linh Nguyên lão hòa thượng thấp hơn tôi, Ngài có cái bụng phệ to tròn và đôi má đầy đặn. Khi Ngài ngồi thiền, nhìn giống như Bố Đại hòa thượng. Ngài bước đi khoan thai, nói năng dịu dàng; mặc dù ngài ít khi cười, nhưng người ta luôn cảm nhận được tấm lòng từ bi tỏa ra nên không ai cảm thấy sợ hãi. Ngài mặc áo vá nhiều chỗ, chẳng thèm quan tâm người có coi thường mình hay không. Ngài không kiểu cách và chẳng tỏ vẻ đại hòa thượng. Ngài là người Triết Giang, (một tỉnh bên biển đông Trung Quốc, thuộc phía nam Thượng Hải). Ngài dùng từ rất giản dị, vì tôi là người Giang Tô nên có thể giao tiếp với Ngài dễ dàng.

Mặc dù tôi đang mặc áo lính, nhưng Ngài không cư xử như đối với cư sĩ. Ngài nói phòng của mình quá nhỏ, nên tối đó hai chúng tôi sẽ đồng nghỉ trên sạp. (Nhưng cư sĩ không được phép cùng người xuất gia ở chung một phòng), vì vậy ngài bảo: -Tối nay chúng ta cùng nhau tham thiền!

Khi Ngài ra ngoài hành cước, Ngài không đòi hỏi phải có giường mới ngủ được. Chỉ cần có một chỗ đủ để ngồi là được rồi. Tư thế này tương tự ngồi thiền, nhưng thân không thẳng đứng; đầu Ngài cúi thấp giống như ngủ.

Có hai bộ kinh bàn đến Du già thụy miên. Tư thế ngồi thụy miên này cần phải luyện tập; cho dù là khi bạn đã ngủ rồi. Lưng của bạn và phía trước hơi cong (bối hội tiền loan), không phải cách thích hợp để ngủ. Nhưng trải qua luyện tập, bạn có thể ngồi tốt, chính xác, và thực sự vào giấc ngũ dễ dàng. Tư thế nghỉ ngồi này, có thể khiến người ngủ không mộng mị; đạt được trạng thái nghỉ ngơi chân chánh. Khi ngài ngồi như thế, trông ngài hết sức an ổn, giống như là một tượng Phật vậy.

Chúng tôi ngồi bên nhau trên bộ ván, trong cái mùng lớn. Sau đó, tôi mỏi mệt ngủ thiếp đi. Rất khinh an, khỏe khoắn, không mộng mị… Lúc tôi tỉnh lại, lão hòa thượng vẫn còn ngồi, tôi làm y theo ngài.

Linh Nguyên lão hòa thượng rất ít khai khẩu, trừ khi người khác bắt chuyện trước.

– Con có thể hỏi ngài một vấn đề chăng? – Cuối cùng tôi nhịn hết nổi, đành phải lên tiếng

Ngài đáp: – Được!

Thoạt tiên, tôi chỉ muốn hỏi một vấn đề, nhưng hằng trăm thắc mắc bỗng dâng trào, những tư tưởng từng vây khốn, hành hạ tôi, giờ được dịp bung ra hết. Bao hoài nghi và nỗi niềm tuyệt vọng được kích phát òa vỡ: – “Con có thể thành hòa thượng được nữa không? Làm sao đạt đến điều này? Con phải theo ai học tập? Thành tu sĩ rồi thì phải làm sao? Con phải thành một hòa thượng như thế nào? Làm hòa thượng, con phải làm sao để lợi mình, lợi người? Phật pháp quảng đại như vậy, thâm áo giống như biển, con sẽ bắt đầu từ đâu? Có vô lượng, vô lượng pháp môn, con phải chọn pháp môn nào để tu?…

Tôi hỏi một hơi không ngừng, hi vọng vị hòa thượng tướng mạo an nhiên, tự tại này có thể tuần tự giải đáp hết cho mình. Nhưng khi tôi vừa dứt lời thì ngài hỏi vặn lại:

– Còn gì nữa không?

Tôi tiếp tục dốc hết bầu tâm sự, kể lể tiếp những điều từng ám ảnh, làm khổ, hành mình…

Cuối cùng, Lão hòa thượng hít một hơi dài, đưa tay lên, đánh mạnh xuống bộ ván và quay sang tôi hét thật to:

– BUÔNG!

Lúc đó thật là khiến người ta chấn động, hết hồn! Ngay lập tức tâm tôi như bị nổ tung, mồ hôi tuôn dầm dề. Gánh nặng bỗng biến mất hết… Trong khoảnh khắc đó, mây mù tiêu tan, lớp lớp chướng ngại từng vây bủa, che ám… bỗng lặn mất tiêu, không còn tung tích. Thay vào đó là cảm giác cực kỳ khinh an, tự tại. Tôi thấy toàn thân mát mẻ, thanh lương; vô cùng thư thái. Còn có vấn đề gì nữa đều là dư thừa! Những nghi hoặctuyệt vọng từng có, giờ hóa thành vô tung vô tích. Thế giới này đã không còn vấn đề gì nữa rồi, tất cả ưu tư khổn hoặc thảy đều là quá khứ!

Tôi đang ở trong trạng thái cực kỳ hoan lạc. Tôi không nói một lời nào nữa và tiếp tục ngồi bên Ngài.

Qua hôm sau, cả thế giới này bỗng nhiên đổi mới, như thể tôi vừa được nhìn thấy lần đầu. Đây là buổi sơ ngộ giữa tôi và bậc thiền sư vĩ đại. Ngài tuyệt không biến tôi thành đệ tử Ngài. Lúc chia tay, tôi thưa:

– Con có nên theo Ngài không?

Ngài đáp:

– Đấy là vấn đề của con!

Tôi không có được chỉ thị hay khuyến khích nào của Ngài. Nhưng mà, kể từ đêm đó trở về sau, tâm tôi được an định.

Tôi vẫn còn gặp phải những niệm dục vọng, oán hận, sợ hãi, âu lo, hư vinh v.v.. hiện lên tỏa sức lôi cuốn giống như trước, nhưng tôi có thể lập tức buông bỏ ngay những phản ứng tâm lý đó. Và một khi đã giải trừ rồi, tôi cảm thấy hết sức tự tại. Thí như những năm tháng về sau này, chính phủ muốn bổ nhiệm tôi làm đại biểu Đại hội quốc dân, một cơ hội nhiều người thèm muốn, tôi nhìn ra những cám dỗ trong đó, nên không tiếp nhận.

Sau này tại Nhật Bản, ngay lúc Trung – Nhật tình thế khẩn trương, có một ngôi chùa mời tôi làm trụ trì, đem ngũ dục tặng tôi, tôi từ chối. Vì từ sau khi tôi gặp Linh Nguyên lão hòa thượng rồi, tôi biết rất rõ cuộc đời của tôi là như thế nào, phải sống làm sao… Tôi đã trải qua một chuyển biến cực kỳ trọng đại.

nghiệp lực xui khiến để tôi gặp Linh Nguyên lão hòa thượng ư? Tuyệt không phải thế, chỉ có thể gọi đây là “thiện căn”. Vì nghiệp, theo Phật giáo là chỉ luật nhân quả. khi chúng ta nói cái này, cái kia xảy đến là do nghiệp! – Tức ám chỉ những gì chúng ta đang trải qua trong hiện tại, là kết quả hành vi quá khứ chúng ta (Ví như ngày trước tôi đối xấu với láng giềng, thì sẽ nhận quả không được người giúp đỡ. Nếu như tôi đối với láng giềng hết sức tử tế, họ sẽ sốt sắng phù trợ tôi).

Đây là ngôi chùa tu hành tinh tấn, xem duyệt kinh tạng. Tôi tin mình và Linh Nguyên lão hòa thượng kiếp trước từng có gặp gỡ và đã tạo nên mối nhân duyên cực tốt lành. Cho nên, lúc tôi khao khát được xuất gia lại, thì nương vào nguyện lực của tôi, Linh Nguyên lão hòa thượng xuất hiện, giúp tôi tiến bước mãi…

Cho tới bây giờ, tôi vẫn được giải thoát, tự tại – không gì có thể trói buộc: danh, lợi, quyền lực, nữ sắc… thảy đều vô hiệu.

Mặc dù có vô số, vô lượng trách nhiệm trên mình, tôi cũng không hề cảm thấy bị trói buộc.

Linh Nguyên lão hòa thượng đã vì tôi, dạy tôi làm sao để có thể sống vững, lớn mạnh; không để mình bị chết dần mòn trong trại quân khô cằn sỏi đá…

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.