NÚP ÁO NHÀ SƯ
(Võ Đào Phương Trâm - An Tường Anh)
(Võ Đào Phương Trâm - An Tường Anh)
Ngày trước, trong Kinh Phật có ghi chép lại vào thời kỳ mạt pháp, ma vương lộng hành, cho con cháu ma vương giả làm người tu hành, mặc áo tu hành nhưng tâm đầy những tội lỗi, tà kiến để phá đạo giới, làm lung lay những điều tốt đẹp mà đạo Phật đã dày công tạo lập.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, Kinh điển giáo lý của Phật vẫn được lưu giữ và truyền tụng lại từ những điều cốt lõi nhất, nếu có khác là chỉ khác ở sự vận dụng linh hoạt trước sự thay đổi, phát triển của nhân loại sao cho phù hợp nhất.
Chúng ta cảm thấy vui mừng vì dù trải qua ngần ấy thời gian, từ khi Đức Phật nhập niết bàn đến nay, con người vẫn trân trọng, tôn quý những nguyên tắc, lời dạy của Người, dù xã hội có hiện đại hơn, con người có tân tiến hơn nhưng giá trị truyền thống trong Kinh điển giáo lý nhà Phật vẫn được chúng sinh hành trì và tôn quý.
Điều đó thể hiện ở chỗ: người ta sẵn sàng lên án những nhà sư phạm giới như ăn thịt, uống rượu, sử dụng chất cấm, những nhà sư chưa dứt được tham ái dục, vẫn còn bị thao túng bởi danh, bởi sắc, bởi tiền tài chi phối, dẫn đến sự tha hóa và biến chất. Người ta không ủng hộ cho những trò tiêu khiển mang tính hơn thua, bạo lực mà nó vốn được khoác lên mình bằng sự biện hộ “thể thao lành mạnh”, người ta không đồng tình trước những lời thuyết pháp cợt nhã, thiếu am hiểu, thiếu kiến thức và gây ảnh hưởng đến truyền thống dân tộc, ảnh hưởng đến dư luận xã hội…và tất nhiên, không vì bất kỳ lý do gì mà người ta lại có thể đồng tình, du di cho những việc làm, lời nói đi ngược lại tôn chỉ của đạo Phật. Điều đó cho thấy rằng dù có trải qua bao nhiêu năm, người ta từ trẻ rồi đến già thì họ vẫn trân trọng những đạo lý thuần hành, nhân văn, tính từ bi và trí tuệ trong nhà Phật.
Chúng ta đã từng bắt gặp rất nhiều những bình luận của các bạn trẻ thế hệ Gen Z ra sức bảo vệ những truyền thống tốt đẹp của đạo Phật, bằng chính kiến và sự hiểu biết của mình, những người trẻ có trí thức đã lên án những việc làm đi ngược lại giáo lý nhà Phật, họ bài xích những lối sống, hành vi, lời nói vi phạm nguyên tắc Phật giáo. Từ đó, chúng ta thấy rằng, dù trải qua bao nhiêu năm và dù thế hệ sau có là những người trẻ nào đi nữa nhưng một khi được tiếp nhận văn hóa, giáo lý Phật giáo một cách nghiêm túc từ những bậc tu hành đắc đạo, những vị Tỳ kheo phẩm hạnh, những bậc Chư Tôn đức độ thì họ sẽ tôn kính và trở thành một trong những người lưu giữ, bảo vệ cho sự tồn tại của Phật pháp.
Ngược lại, chúng ta cũng bắt gặp không ít những “giả sư” mang chiếc áo nhà tu nhưng tâm địa đi ngược lại với đạo Pháp của Phật, họ chính là những mầm mống gieo rắc độc hại cho người đi theo họ, khi người đó không đủ chính kiến, không đủ tinh tấn và nghe theo một cách mụ mị, mê lầm. Họ có thể trở thành tay sai đắc lực phục vụ cho những ý đồ riêng biệt của những “giả sư”. Sự độc hại từ những “giả sư”, “ngụy sư” thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những loại thuốc độc vì nó hủy hoại tinh thần, tâm lý, ý thức con người một cách từ từ, từ chính những lời dẫn dắt sáo rỗng, thoạt nghe thì rất đạo lý nhưng thực chất chỉ hàm chứa những mục đích cá nhân, mà người lợi lạc không phải phật tử, không phải chúng sinh mà lợi lạc cho chính những tà sư đó.
Chúng ta vẫn thường hay nghe những lời rao giảng như “Tà sư sẽ khuyên các bạn nên giữ tiền cho bản thân mình để phòng khi bất trắc cần sử dụng. Chân sư sẽ cho bạn lời khuyên đừng giữ tiền lại dự phòng mà hãy biết giúp đỡ, bố thí cho người khác, nếu giúp hết rồi đến khi mình cần mà không có thì cũng vui vẻ chấp nhận…”, “Phải biết hy sinh thân mạng này” bằng những mỹ từ và lý do vô cùng cao cả và hùng tráng.
Nhưng thưa rằng! là một phật tử tinh tấn, chúng ta hãy quán chiếu mọi lời nói dưới nhiều góc độ, trong nhiều bối cảnh để thấy rằng điều đó là đúng hay sai, là hợp lý hay chỉ là những lời mị dân, sáo rỗng? Ai cho phép chúng ta được quyền phê phán, chỉ trích người tạo ra của cải và giữ gìn tài sản của họ? ai cho chúng ta cái quyền tùy tiện phán xét người khác là ích kỷ, là tà sư khi người ta giữ gìn tiền của để phòng thân trong khi tiền bạc đó là do họ làm ra bằng mồ hôi, nước mắt, bằng công sức và không vi phạm pháp luật? Ai cho chúng ta cái quyền phát ngôn trịch thượng, quy chụp và cẩu thả như như vậy?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người giàu có và làm từ thiện rất nhiều, nhưng ông ấy có cho hết tài sản của mình để trở thành người vô sản hay không? Nếu như ông ấy không còn tài sản nào thì làm sao ông ấy có thể lo được cho bản thân, làm sao giúp đỡ và tạo ra việc làm cho hàng nghìn người khác nữa? Khi chúng ta không giữ lại tiền bạc để phòng thân, lỡ như khi cần không có, chúng ta nằm đó chịu chết hay là phải đi vay mượn? rồi chúng ta lại trở thành kẻ nợ nần, trở thành gánh nặng cho người khác hay sao?
Thế nên khi đã là một minh sư thì cần phải có trách nhiệm với những lời thuyết giảng của mình, làm sao cho nó sát thực, cho người nghe vận dụng được vào thực tế, đừng nói đạo Pháp, triết lý nhà Phật như ở trên mây. Dù giáo hóa điều gì cũng phải đặt sự an sinh cho người khác lên trên hết, liệu có phật tử nào ngồi dưới đạo tràng mà an lạc nổi khi ở nhà nợ nần chồng chất hay không? Người chân tu là biết mang lại lợi lạc cho chúng sinh chứ đừng rao giảng những điều thoạt nghe thì cao thượng nhưng thực chất lại đẩy người khác vào đường cùng. Và thực tế là có không ít người nhẹ dạ cả tin đã bị mất trắng tài sản từ những lời hô hào đẹp đẽ, đầy lý tưởng của những tập đoàn đa cấp, những tổ chức lừa đảo, từ những thầy bà bói toán đánh vào tâm lý mụ mị, mê tín dị đoan, dẫn đến tan cửa nát nhà.
Và chúng ta đã từng thấy những giả sư luôn nêu cao khẩu hiệu hy sinh đầy tính cực đoan, nó không phải sự hy sinh bằng tinh thần kham nhẫn, hòa bình mà là chiến đấu trong xung đột, họ thuyết giảng tùy tiện, cợt nhã lịch sử dân tộc nhưng lại kêu gọi phật tử, tín đồ phải biết hy sinh, vậy mục đích hy sinh đó là cho ai? Vì ai? Một khi lời nói không đồng nhất, thiếu cân nhắc, tạo cho người nghe sự mâu thuẫn, ngụy biện và không thật sẽ khiến cho dư luận lên án và phẫn nộ. Những giả sư này là mầm mống làm mất đi lòng tin của người dân và làm cho người ta có cái nhìn không đúng về người nhà Phật.
Thông thường, một giảng sư chân chính, thấm nhuần tư tưởng nhà Phật sẽ không lạm bàn những vấn đề dễ gây xung đột, không thuyết giảng những lời nhạy cảm, tránh bàn sâu vào chính trị, không mang chính trị để tạo sự ủng hộ hay cuồng nộ đối với chúng sinh.
Chúng ta đã từng đọc qua câu chuyện một nhà sư vi phạm giới luật hoặc một bài viết tham luận của một vị được xem là bậc chân tu với nội dung “Sự nguy hiểm của việc bảo tồn thú dữ”, bài tham luận cho rằng “nhiều loài thú dữ đang được thế giới bảo vệ một cách cực đoan với lý do bảo tồn động vật hoang dã. Thú dữ là thủ phạm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, con người và xã hội như gây suy giảm đa dạng sinh học, phá hỏng cân bằng môi trường sinh thái và khiến cho cuộc sống của con người trở nên bất an, căng thẳng”. Bài tham luận đã đặt ra câu hỏi “việc bảo tồn các loài thú dữ này là quyết định khôn ngoan hay là một sai lầm tai hại đối với cả thế giới?” và cho rằng nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng môi trường sống hiện nay là do thú dữ gây ra, cho rằng thú dữ cũng giống như những kẻ phạm tội giết người ác độc. Trong bài tham luận đã đưa ra một trong những giải pháp để hạn chế và khắc phục tình trạng này là nên “tiêu diệt bớt một số cá thể thú dữ”.
Chưa bàn đến việc đúng hay sai trong bài tham luận này nhưng ở góc độ nhà Phật thì một người tu hành lại đưa ra một bài tham luận thiếu tinh thần từ bi, mang tính sát sinh, không tôn trọng quyền sống của loài vật là đã vi phạm vào giới luật rồi. Chúng ta đả kích con vật tấn công con mồi là nguy hiểm, là độc ác mà chúng ta quên con người cũng là một loài động vật ăn thịt, cũng tấn công, giết hại bất cứ loài nào, gây ra sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, vậy thì con người có bị tiêu diệt bớt hay không? Thế tại sao con người lại được bảo vệ trong khi loài khác phải bị tiêu diệt? Bất kỳ một vị chân tu nào cũng biết lòng từ bi của Phật luôn nhắc chúng ta biết quý trọng sự sống muôn loài bởi loài nào cũng mong được sống, không có sự sống loài nào cao hơn hay thấp hơn loài nào, chỉ là mọi loài đang phải sống trong bối cảnh “mạnh được yếu thua mà thôi”, Phật từng dạy đệ tử khi đến mùa sinh sản của các loài côn trùng thì nên đi đứng nhẹ nhàng để tránh giẫm chết các loài sinh vật dưới chân, giờ người khoác chiếc áo nhà tu lại đi khuyến khích triệt tiêu bớt sự sống loài này để bảo tồn loài khác. Đó có phải là đang đi ngược lại tư tưởng nhà Phật hay không?
Một vị chân sư sẽ không bao giờ tự ban cho mình cái quyền phán xét và quyết định số mạng của một chúng sinh nào bằng quan điểm cá nhân, một vị tu hành càng không bao giờ mang định kiến và cho rằng con vật như Hổ, Rắn, Cá Sấu…giống như tội phạm độc ác trong khi việc săn mồi chỉ là bản năng sinh tồn của nó, loài vật không có tư duy thì sao lại gọi là độc ác? Trong khi Phật đã dạy đệ tử Người là biết bao dung, từ bi trước mọi giống loài, không tham không sân, không tranh giành, không định kiến thì lẽ nào người tu hành đắc đạo lại đi “tà kiến” và tranh giành sự sống với những con vật khác?
Một nhà khoa học, nhà nghiên cứu về môi trường, họ có thể tác động để tăng số lượng loài này, giảm thiểu số lượng loài khác bởi đó nhiệm vụ của họ, họ không phải người nhà Phật để khai thác sâu về tín ngưỡng, tâm linh, một đầu bếp có thể làm thịt một cá thể nào đó để chế biến món ăn, những nhà nghiên cứu y khoa có thể mang sinh mạng loài này hoặc loài khác ra làm thí nghiệm nhưng người tu hành là người đã được thấm nhuần triết lý nhà Phật thì sẽ nhìn nhận về sự vật hiện tượng bằng cái nhìn trực giác chứ không bằng thực nghiệm. Người nhà Phật không triệt tiêu loài này để cống tế, hy sinh sự sống cho loài khác, nếu còn sa vào những phân tích, phát minh, so sánh là còn vướng vào tham chấp trước những biến động bên ngoài, như vậy người sư đó đâu thể chạm đến sự thoát khổ, chạm đến quán niệm vô thường và mặc nhiên trước dòng luân hồi sinh tử nữa.
Một người chân tu sẽ không rao giảng những điều xa rời thực tế và càng không có những suy nghĩ, hành động thế tục hóa, cả hai yếu tố này phải được cân bằng, bổ trợ cho nhau để một vị chân sư có thể thuyết giảng, truyền dạy những điều gần gũi, chân thật đến với tín đồ, phật tử mà vẫn không làm cho người ta sa đà vào vòng mê lầm, tục lụy. Bậc chân tu đắc đạo sẽ không nuôi dưỡng trong mình tính “tăng thượng mạn”, họ biết giữ lời lẽ ôn hòa để tỏa nguồn năng lượng bi mẫn đến với chúng sinh.
Khoa học và tâm linh luôn có những mặt đối lập, chính vì đối lập nên mới nhìn ra những ưu điểm và hạn chế của nhau để bổ trợ cho nhau. Một người tu hành là hướng về bên trong nội tâm và tìm ra những phương pháp khai hóa dòng tư tưởng của con người sao cho minh triết nhất, người tu hành nếu bị lệ thuộc vào những tác động ngoại cảnh bên ngoài hơn là nhìn sâu vào nội tại bên trong con người thì sẽ mất đi sự trầm tĩnh, nuông chiều theo ý muốn bản thân, mất đi sự thực chứng ưu việt từ giáo lý nhà Phật.
Có thể chúng từng ta ngạc nhiên thậm chí bức xúc khi nghe một người tu hành mà khuyên người ta ăn cá tạo phước, ăn trùng đất chữa bệnh, chúng ta thấy lạ lẫm khi có những Phật tử bát nháo mạng xã hội bằng những đoạn clip đe dọa, chửi rủa người khác để tung hê, sùng bái một cá nhân nào đó, liệu đây chỉ là hành động tự phát hay có sự khích động, chiêu trò?…nhưng khi hiểu ra một chân lý thì chúng ta sẽ thấy đó là hai mặt của cuộc sống, bởi ở đâu cũng sẽ có sự núp bóng của những kẻ giả danh. Nơi càng được nhiều người tín ngưỡng và sùng bái càng là mảnh đất mỡ màu cho người ta ngụy trang, giả mạo, trong đó hiện tượng “giả sư” hoặc nguy hiểm hơn là “tà sư” từ những người mượn danh nghĩa nhà Phật, mượn chiếc áo tu hành thoát tục để cá nhân hóa mục đích cho bản thân mình. Khi là một Phật tử, chúng ta hãy tinh tấn tìm đúng vị minh sư chân chính để giúp mình tu tập, tỉnh táo tiếp nhận những lời thuyết giảng để không bị lôi kéo, dẫn dắt vào những điều tà kiến mê lầm. Người đi ngược lại với những giáo lý thuần túy nhà Phật thì sẽ gặp phải những phản ứng đối kháng từ dư luận. Khi những “giả sư, tà sư” không còn ai tung hô, không còn tín đồ mụ mị thì tự họ sẽ phải chấn chỉnh lại mình hoặc là tự bị đào thải ra khỏi ngôi nhà Phật giáo mà thôi!
Phật tử Võ Đào Phương Trâm
(An Tường Anh)
- Từ khóa :
- giả sư
- ,
- Tà Sư
- ,
- núp bóng phật giáo
- ,
- tăng thượng mạn